Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

20220424. BẤT ỔN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NẾU ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC XỬ LÝ MẠNH, TRỊNH VĂN QUYẾT

 KHÓ CÓ THỂ TÁI PHẠM

NHẬT TÂN/GDVN 22-4-2022

GDVN- Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa có sự tiếp tay, chống lưng của những người có chức có quyền trong từng lĩnh vực của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc này được căn cứ vào báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong đó, yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán..v.v

Các chuyên gia nhận định, việc ra đời của Kết luận 12 trong bối cảnh hiện nay, khi tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đang có xu hướng "nở rộ" là điều hết sức cần thiết và kịp thời để loại bỏ tình trạng “sân trước, sân sau”, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Tình hình phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang trong thời điểm phải nói là hết sức quyết liệt.”

Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. Ảnh: Truyền hình Quốc hội

Trước đây Bộ Chính trị, Ban bí thư, … cũng đã ban hành rất nhiều văn bản phòng chống tham nhũng nội bộ. Mới đây Bộ Chính trị có thêm văn bản về việc tiếp tục phòng chống tham nhũng trong đó có phòng chống tham nhũng ở ngoài khu vực nhà nước.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ dừng lại trong khu công mà đã và đang lan sang cả khu vực ngoài nhà nước, có sự kết nối đan xen công - tư ở nhiều lĩnh vực. Do đó, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để phòng, chống tham nhũng khu vực công hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng đây là vấn đề cốt lõi, căn cơ vì thời gian vừa qua có những cán bộ câu móc, tiếp tay với các doanh nghiệp ngoài nhà nước gây thiệt hại rất lớn. Ví dụ như vụ Việt Á.

Tôi cho rằng ở đây có sự tiếp tay, chống lưng của những người có chức có quyền trong từng lĩnh vực của các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động. Đây là vấn đề hệ trọng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Bộ Chính trị và Ban Thư ký đã rất quyết tâm phòng chống tham nhũng để trừng trị những kẻ tham ô, những kẻ móc ngoặc làm lũng đoạn thị trường, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Từ những lực lượng được yêu quý, trân trọng nhất trong cán bộ công chức, viên chức nhà nước như thầy thuốc, thầy giáo, lực lượng vũ trang thời gian gần đây các lượng lượng này có những hành vi nhũng nhiễu, câu móc với những doanh nghiệp bên ngoài đã làm thất thoát tài sản, ngân sách.

Vì vậy người dân rất bất bình.

Đảng và Nhà nước cần phải trừng trị, để răn đe, phòng ngừa những đối tượng sau này không dám hoặc không muốn, không làm những hành vi này để lấy lại lòng tin của người dân".

Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã bị cơ quan chức năng khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết đã tác động tiêu cực tới thị trường và gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Đáng lưu ý là hành động bán chui cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết không phải lần đầu tiên diễn ra.

Trước đó, năm 2018, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh bằng nhiều bài viết về hành động bán chui cổ phiếu của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC này.

Theo đó, trong ba ngày (20, 23, 24/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC. Cũng trong thời gian này, FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch cũng bán “chui” 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD).

Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết số tiền 65 triệu đồng, còn đối với FLC Faros là 130 triệu đồng; không áp dụng hình phạt bổ sung như buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có. 5 năm sau, chiều 10/1, ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC song không công bố thông tin trước đó. Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng. Tuy nhiên, Quyết định xử phạt này của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã bị thu hồi sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam. Có thể thấy, dù đã có rất nhiều cảnh báo, rất nhiều phản ánh về hành vi của Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, việc xử phạt không nghiêm đã dẫn đến những hành vi lặp lại gây thiệt hại đến nền kinh tế và các nhà đầu tư. [1]

Nói về việc đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn lặp lại hành vi sai trái, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng đó là sự dễ dãi khi chính ông Trịnh Văn Quyết không sợ, không ngại.

Bởi theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử lý mạnh, đủ sức răn đe và có tác dụng ngăn chặn, ông Quyết sau khi bị xử lý sẽ khó có thể lặp lại hành vi.

Thế nhưng, sau khi bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt, ông Quyết vẫn tiếp tục lặp lại hành vi sai phạm đó bởi có thể có sự móc ngoặc, chống lưng.

Từ vụ việc của Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, hay cụ thể như vụ Nhật Cường được ông Nguyễn Đức Chung - Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chống lưng có thể thấy được những lo lắng về doanh nghiệp "sân sau" làm hỏng cán bộ là hiện hữu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng biện pháp để bài trừ móc ngoặc, tham nhũng thì các văn bản của Trung ương nói nêu rất rõ, rất cụ thể nên cần căn cứ vào những văn bản đó để thực hiện. Tuy nhiên bản thân quan chức nhà nước có hành vi sai phạm không tiếp thu, họ biết việc làm của bản thân là sai nhưng vẫn bị đồng tiền làm mờ mắt, làm mất phẩm chất, giá trị của con người. Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá trong việc điều tra, xử lý các vấn đề tham nhũng báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng.

"Vì vậy để thực hiện sứ mệnh của mình ngòi bút của người làm báo cần phải công tâm, khách quan.. Phải nói rằng thời gian qua nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng được phanh phui đều ít nhiều có đóng góp của các cơ quan báo chí nên tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Tuy nhiên cũng cần phê bình, phê phán những người bẻ cong ngòi bút, không đưa tin khách quan, hoặc câu kết với những đối tượng không tốt", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/chong-tham-nhung-kv-ngoai-nha-nuoc-can-chan-som-nhung-trinh-van-quyet-tiep-theo-post225793.gd

Nhật Tân
ĐỂ XẢY RA SAI PHẠM  VỀ CHỨNG KHOÁN, TRÁI PHIẾU UB CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC Ở ĐÂU ?
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 23-4-2022
GDVN- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi hành vi của các thành phần ở trên thị trường rất chặt chẽ, họ biết năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức phát hành.

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ban hành ngày 6/4/2022, nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy và các tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước…”...

Trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán đang được đông đảo nhân dân quan tâm và ủng hộ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho rằng, Thị trường chứng khoán là một kênh tài chính rất là quan trọng, bởi từ trước đến giờ ngân hàng là một kênh cấp vốn, thì bây giờ thị trường chứng khoán cũng là một kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế càng ngày càng tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên thị trường chứng khoán không như thị trường vay vốn của ngân hàng, bởi nó có 2 thị trường là sơ cấp và thứ cấp.

Trong đó, luật pháp của chúng ta tập trung vào thị trường sơ cấp, nơi mà các nhà phát hành trái phiếu thì họ phải tuân thủ luật lệ, đồng tiền phải được kiểm soát.

Tuy nhiên sau khi lên trên thị trường thứ cấp thì tất cả chứng khoán được trao tay bởi các nhà đầu tư mua bán với nhau, thì luật pháp ở thị trường này còn rất là lỏng lẻo. Ví dụ như vấn đề của FLC, Louis Holdings.

“Chúng ta cần phải có sự kiểm soát, giám sát một cách chặt chẽ hơn đối với thị trường sơ cấp và thứ cấp”, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở đâu?

Năm 2020 chứng khoán VN Index tăng 15% vượt xa tăng trưởng GDP 29,1%. Năm 2021 chứng khoán VN Index tăng 36%, năm, trong khi GDP tăng trưởng chỉ có 2,58% (VN Index gấp hơn 10 lần).

“Điều này là không bình thường, bởi một nền kinh tế trì trệ vì dịch bệnh Covid-19 mà chứng khoán lại tăng trưởng rất mạnh mẽ như vậy biểu hiện sự mất cân đối”, tiến sĩ Hiếu từng nhận định về việc này.

Trong sự mất cân đối đó thì có lẽ giờ chúng ta mới nhận thấy có yếu tố đầu cơ được biểu hiện bằng việc lãnh đạo tập đoàn FLC, Louis Holdings bị khởi tố về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, ngay cả về trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng có rất nhiều những sai phạm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tất cả những hành vi trên có lẽ đã được “cho phép xảy ra trong một thời gian dài”, ví như việc Trịnh Văn Quyết đã từng bị xử phạt vào năm 2017 và vừa qua lại tái phạm ở mức độ lớn hơn nhiều.

“Nếu nói Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không biết sự việc trên thì là một điều khó có thể tưởng tượng được.

Bởi lẽ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi hành vi của các thành phần ở trên thị trường rất chặt chẽ, họ biết năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức phát hành. Nếu chứng khoán lên cao nhanh và mạnh trong khi năng lực nhà đầu tư yếu, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể không nắm được.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ở đâu khi mà những tập đoàn lớn như FLC, Louis Holdings, Tân Hoàng Minh vi phạm?”, chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi.

Phân tích cụ thể về giải pháp cho vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tiên cần phải xem lại việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, trong đó là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng là cơ quan quản lý tối cao của chính sách tiền tệ, bởi tất cả những vấn đề trên đều liên quan đến tiền tệ, họ đã ở đâu khi để xảy ra những chuyện như trên.

Câu hỏi thứ 2 mà nhiều người đặt ra là thị trường của Việt Nam có lành mạnh hay không?

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Hiếu nhận định, nếu thị trường lành mạnh thì chứng khoán Việt Nam - VN Index không thể nào tăng trưởng gấp 10 lần GDP, đồng thời nếu tăng trưởng lành mạnh thì các thành phần như FLC, Louis Holdings họ khó có thể “thổi giá” chứng khoán lên một cách mạnh mẽ như vậy.

Thực tế, thị trường chứng khoán của Việt Nam chưa phải là thị trường ổn định, mặc dù chúng ta phải ghi nhận trong vòng 20 năm qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh mẽ.

“Tôi nhớ vào những năm 2000, khi mà thị trường chứng khoán của chúng ta mới được thành lập thì mới chỉ có chứng khoán của một số công ty phát hành cổ phần, bên cạnh đó là trái phiếu của chính phủ.

Hiện nay chúng ta đã có một lượng cổ phiếu rất lớn, bên cạnh đó là trái phiếu của chính phủ, trái phiếu của các doanh nghiệp.

Chúng ta đang có một thị trường rất mạnh, bành trướng, tuy nhiên trong sự tăng trưởng thì có sự không lành mạnh”, Tiến sĩ Hiếu chia sẻ.

Luật còn có bất cập

Trước vấn đề bất cập về thị trường thiếu sự lành mạnh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu có đề xuất các giải pháp giúp ngăn chặn những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ý định phạm pháp.

Trước hết, cần phải rà soát lại quy định pháp luật, để xem luật lệ của mình hoàn thiện chưa.

Câu trả lời chắc chắn là chưa, vì vậy cần phải rà soát lại tất cả luật về chứng khoán, phát hành trái phiếu.

Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có 2 Quyết định được đưa ra là Quyết định 155 được phát hành ra công chúng, và Quyết định 153 là phát hành riêng lẻ.

“Trong Quyết định 153 của chính phủ ban hành năm 2020, có điều khoản về vấn đề lập hồ sơ để xin phát hành trái phiếu, phải có quy định về xếp hạng tín nhiệm nhưng lại có mở ngoặc kép “nếu có". Vậy nghĩa là có hay không cũng được?

Luật không thể nào quy định một cách lỏng lẻo như vậy được, cần phải khẳng định là có hoặc không quy định xếp hạng tín nhiệm”, ông Hiếu chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế phân tích thêm, bên cạnh quy định pháp luật cần phải rà soát lại, thì khả năng giám sát, kiểm soát của các cơ quan nhà nước cần phải được xem lại và chấn chỉnh.

Những vấn đề sai phạm của các doanh nghiệp, trong đó là lãnh đạo của FLC, Louis Holdings cũng đã xảy ra thì cơ quan quản lí cần phải tăng cường hơn nữa.

Quan trọng nữa là cần có tính tuân thủ luật pháp của các thành phần tham gia thị trường, để có thị trường ổn định.

Ví như tại Mỹ thì không có nhiều luật lệ như ở Việt Nam nhưng các tổ chức kinh tế tuân thủ pháp luật chặt chẽ, thể hiện sự văn minh.

Ngay như việc trên đường phố có bảng “Stop” nghĩa là dừng lại thì hầu như 100% các phương tiện đều dừng lại, người dân tuân thủ một cách văn minh, trong khi tại Việt Nam thì nếu không có Cảnh sát giao thông thì người ta sẵn sàng vượt đèn đỏ.

Vì vậy tính tuân thủ luật pháp tại Việt Nam cần phải được nâng cao.

“Ba thành phần quan trọng là luật pháp, cơ quan kiểm soát và các thành phần của thị trường đều phải có cái nhìn tổng thể”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Mạnh Đoàn
CẦN LÀM RÕ THẾ LỰC NÀO ĐỨNG SAU SAI PHẠM CỦA TRỊNH VĂN QUYẾT, ĐỖ ANH DŨNG
MẠNH ĐOÀN/ GDVN 20-4-2022
GDVN- Thực tế hiện nay, cơ chế "xin - cho" lại là "xin - chia", bởi "cho" là cho cái sở hữu chung nhưng nhận về là lợi ích riêng, nên cần phải xử lý nghiêm việc này.

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán… là sự khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Minh chứng cụ thể là trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", cùng những người có liên quan.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, tạm giam đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản về có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu.

Việc tăng cường sự quản lý, giám sát của Đảng đối với hoạt động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh lành mạnh.

Qua đây, cũng là biện pháp để "cảnh báo" đối với những doanh nghiệp có ý định làm ăn phi pháp, doanh nghiệp "sân sau" có mối quan hệ thân hữu với các quan chức.

Bên cạnh đó cũng có kiến cho rằng, đối với 2 vụ án trên, cơ quan điều tra cần khởi tố những người bao che, tiếp tay cho những hành vi sai phạm của những doanh nghiệp này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Xử lý nghiêm sai phạm

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian vừa qua lãnh đạo của hai tập đoàn lớn là FLC với Tân Hoàng Minh bị điều tra về các mặt thì thực ra đó là tốt cho môi trường kinh doanh chung.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu cứ để các tập đoàn lớn có nhiều mối quan hệ và tiềm lực kinh tế dễ dàng 'mua' được thêm được những quyền lực về kinh tế bằng những mối quan hệ thân hữu hoặc 'mờ ám', thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh.

Bởi lẽ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt thòi khi họ không có các quan hệ thân hữu thì họ cũng rất khó vay vốn ngân hàng, tiếp cận đất đai, cơ hội kinh doanh.

Một môi trường kinh tế lành mạnh, sự cạnh tranh sòng phẳng, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội thể hiện mình. Như vậy nền kinh tế mới có thể phát triển được.

Bà Phạm Chi Lan cho biết thêm, việc xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp ngoài nhà nước đã làm cho môi trường cạnh tranh lành mạnh trở lại, tiến tới xóa dần mối quan hệ thân hữu, kiểu mua bán trao đổi quyền lực lẫn nhau giữa cán bộ tha hóa biến chất và những doanh nghiệp dùng thủ đoạn để trục lợi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: Vietnamnet)

Đối với các tập đoàn lớn khác thì đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho họ, đồng thời cho các doanh nghiệp lớn và tầm trung cũng đang phát triển mạnh ở nước mình. Trong kinh doanh thì doanh nghiệp nên đàng hoàng, cạnh tranh lành mạnh, cần ủng hộ môi trường trong sạch, giảm thiểu tham nhũng.

"Việc hối lộ để được việc cho mình nhưng nó có tác hại cho rất nhiều người, tước đoạt cơ hội với người khác và làm hư hỏng cán bộ, tham nhũng trong bộ máy nhà nước", bà Lan cho hay.

Cho nên, theo bà Lan, việc xử lý doanh nghiệp ngoài nhà nước có sai phạm là tốt cho cả phía nhà nước và môi trường kinh doanh chung.

Phân tích thêm về tham nhũng trong bộ máy nhà nước, bà Lan nêu, việc hối lộ là do cả hai bên chứ không phải do tư nhân (người đưa tiền), vì có những cán bộ còn "vòi tiền" ép doanh nghiệp phải đưa.

Cán bộ có quyền phân bổ nguồn lực như đất đai, quyền tham gia dự án này khác nên rất dễ bị doanh nghiệp chủ động mua chuộc, 'tấn công', cán bộ thiếu bản lĩnh sẽ rất dễ nhúng chàm và sẽ kết bè với những doanh nghiệp có ý định thân hữu trục lợi.

Cần phải làm rõ thế lực nào đứng đằng sau

Đối với việc xử lí hai lãnh đạo tập đoàn lớn nói trên, bà Phạm Chi Lan cho hay, cơ quan chức năng không chỉ điều tra sai phạm phía doanh nghiệp mà rất cần làm đến tận cùng "thế lực nào đang đứng đằng sau họ?".

"Chúng ta cần phải làm cho rõ nhóm lợi ích trong cùng vụ việc này hoặc là đối với từng vấn đề cụ thể. Nhân dịp này chúng ta cần phải lôi họ ra ngoài ánh sáng", bà Lan nhấn mạnh.

Trả lời về ý kiến việc xử lý những doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ triệt hạ "sân sau" của các cán bộ nhà nước, bà Lan hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, đồng thời thậm chí là doanh nghiệp nhà nước khác hoặc là cơ quan, đơn vị chứ không chỉ riêng cán bộ.

"Việc xử lý hai hai lãnh đạo doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước", bà Lan nói.

Thực tế hiện nay, cơ chế "xin - cho" lại là "xin - chia", bởi "cho" là cho cái sở hữu chung nhưng cán bộ nhận về là lợi ích riêng.

Việc này cũng cần phải xử lý nghiêm khắc, để tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ không có mối quan hệ.

Đối với môi trường kinh doanh nói chung, nếu như các doanh nghiệp không có sai phạm thì họ cũng cảm thấy yên tâm hơn, khi kinh doanh đàng hoàng, minh bạch sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội. Nếu như họ nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm thì phải điều chỉnh ngay lập tức.

"Qua vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng, thì các doanh nghiệp khác có ý định tìm quan hệ thân hữu nên bỏ ý định đó đi", chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên.

Theo bà Phạm Chi Lan, nhân dịp này, nhà nước cần phải rà soát lại cơ chế vận hành bộ máy nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực.

Ví dụ như việc phân bổ nguồn lực bất động sản cho doanh nghiệp chỗ này chỗ khác, từ đấy doanh nghiệp sẽ móc ngoặc với các bên tín dụng để huy động tiền trên thị trường chứng khoán...

"Cần rà soát và tăng cường sự giám sát của xã hội, công chúng, cộng đồng doanh nghiệp và báo chí truyền thông", bà Phạm Chi Lan cho hay.

Đối với sai phạm của doanh nghiệp thì báo chí từng phản ánh nhiều nhưng cơ quan chức năng không quan tâm, không để ý. Hay như việc "thổi giá" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết dù báo chí phản ánh nhiều nhưng Ủy ban chứng khoán vẫn cứ "làm ngơ", như vậy, một kênh phản ánh để giúp sức quan trọng cho công tác phòng chống tham nhũng đã bị bỏ qua.

Ngược lại, "nếu báo chí đưa thông tin sai về doanh nghiệp hoặc thổi phồng giá trị của các doanh nghiệp, cũng cần bị xử lý", bà Lan nhận định.

Mạnh Đoàn
ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: ĐỪNG 'SẬP BẪY' RỦI RO VÌ HAM LÃI SUẤT CAO, NGẮN NGÀY
TBKTSG 23-4-2022

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, các kênh đầu tư khác đều rủi ro cao, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn vẫn có sức hút lớn. Tuy nhiên, nếu chọn đầu tư sai vào trái phiếu quảng bá lãi suất cao với thời hạn ngắn, nhà đầu tư sẽ có nguy cơ mua rủi ro cho chính mình.

Làm sao để tránh tình trạng “lời giả, lỗ thật”?

Năm 2021 tiếp tục là một năm thăng hoa của thị trườn trái phiếu doanh nghiệp, từng bước trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Theo tập đoàn FiinGroup, trong năm 2021, trái phiếu đã trở thành một kênh đầu tư đại chúng với quy mô phát hành lên tới 659 nghìn tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng kép trong vòng 5 năm qua là 55,4%/năm. Hiện có khoảng 300 nghìn nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường TPDN. Dù tăng trưởng nhanh, song quy mô của thị trường hiện mới chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Malaysia là hơn 50%, Singapore là gần 40%…

Song, liên tiếp gần đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các cảnh báo về những rủi ro phát sinh trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, nhất là khi người mua bị hấp dẫn bởi mức lãi suất mà các doanh nghiệp “mời gọi”.

Theo Tổng giám đốc một tổ chức tài chính tại TPHCM, người mua trái phiếu trước tiên phải quan tâm rất kỹ “thương hiệu doanh nghiệp có trái phiếu, năng lực ra sao và dùng tiền vào việc gì? Tổ chức tài chính phát hành là đơn vị nào?” Người mua có thể dễ dàng so sánh khi trên thị trường mặt bằng lãi suất tiết kiệm chỉ 6-7%/năm, nhưng 1 doanh nghiệp huy động đến 12%/năm thì phải đặt dấu hỏi. “Đừng thấy lãi suất cao và quảng cáo có ngân hàng đứng sau mà đổ tiền mua, nhưng không biết rằng chính mình đang phải gánh rủi ro của doanh nghiệp”, ông cho biết.

Nhà đầu tư nên ưu tiên mua trái phiếu của doanh nghiệp hàng đầu

Bà Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Cao cấp Tư vấn và Kinh doanh Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securites – TCBS), khuyến nghị: “Nhà đầu tư chỉ nên “chọn mặt gửi vàng” mua trái phiếu của những thương hiệu doanh nghiệp lớn, thông qua các tổ chức tài chính hàng đầu phát hành. Lúc đó, khoản đầu tư trái phiếu của người mua mới thực sự an toàn, linh hoạt và tiện ích”.

Theo lời khuyên của bà Thu Hà, thương hiệu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một tiêu chí dễ nhận biết với hầu hết các nhà đầu tư cá nhân. Khi được chào mời mua trái phiếu, việc đầu tiên mà nhà đầu tư nên xem ngay là tên tuổi của tổ chức phát hành. “Theo quy định thì doanh nghiệp không được phép trực tiếp phát hành trái phiếu đến tay nhà đầu tư. Mọi trái phiếu đều phải có một công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ phát hành và doanh nghiệp phải lựa chọn một trong 3 phương thức phát hành (i) Đấu thầu hoặc (ii) Bảo lãnh phát hành hoặc (iii) Đại lý phát hành thông qua một tổ chức có giấy phép thực hiện nghiệp vụ này”, bà Hà cho hay.

Đơn cử, ngay từ khâu lập hồ sơ phát hành trái phiếu, đội ngũ chuyên gia tài chính, luật pháp và quản trị rủi ro của TCBS sẽ đưa vào các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư bằng cách quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành trong việc công bố thông tin định kỳ, bất thường đầy đủ, duy trì các chỉ số tài chính lành mạnh, duy trì giá trị của tài sản bảo đảm so với dư nợ trái phiếu, dự phòng trả nợ thanh toán gốc lãi trái phiếu hoặc kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp để đảm bảo trả nợ.

Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức phát hành hàng đầu thị trường như TCBS chỉ cao hơn từ 1 – 2%/năm so với lãi suất tiết kiệm, nhưng đây là một sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm đánh giá trái phiếu. Ngược lại, nếu tổ chức phát hành là một doanh nghiệp ít danh tiếng thì nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, tránh bị hấp dẫn bởi lãi suất cao. Các doanh nghiệp phát hành này, đôi khi, vì quá cần vốn mà sẵn sàng đưa ra thông tin trái sự thật với cam kết lãi suất cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung, đồng nghĩa đẩy rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu iBond của Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương (TCBS) được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn vì An toàn – Linh hoạt – Tiện ích với 3 tầng bảo vệ:– Trái phiếu của các doanh hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Masan… Thực hiện bảo lãnh thanh toán của Techcombank với các thương hiệu doanh nghiệp khác trong giỏ trái phiếu;– Trái phiếu trước khi phát hành đều phải trải qua quá trình thẩm định chặt chẽ của TCBS để đảm bảo độ an toàn cao cho các khách hàng cá nhân;Khách hàng được hưởng đầy đủ quyền lợi của trái chủ, được cung cấp thông tin minh bạch và định kỳ cùng với bảng xếp hạng/chấm điểm doanh nghiệp từ khi mua trái phiếu cho đến khi tất toánBên cạnh đó, nhờ công cụ giao dịch điện tử iConnect, nhà đầu tư có thể theo dõi và tìm kiếm các lệnh quảng cáo (rao mua, rao bán), từ đó có có trải nghiệm đầu tư dễ dàng, tiện lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét