Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

20220414. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (18)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐẠI SỨ VIỆT NAM PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN HỌP KHẨN CẤP LẦN THỨ 11 VỀ

 TÌNH HÌNH UKRAINE

THÀNH NAM /VNN 8-4-2022

Tại phiên họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam kêu gọi đối thoại, thương lượng tìm giải pháp hòa bình, toàn diện.

Ngày 7/4 (giờ Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 về tình hình Ukraine để xem xét dự thảo Nghị quyết về việc đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ của Nga. 

Trong thảo luận, các nước bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay tại Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhiều nước, trong đó có những nước bỏ phiếu trắng và chống đối với Nghị quyết. Những nước này cho rằng trong bối cảnh các cơ chế điều tra quốc tế về tình hình nhân quyền tại Ukraine, gồm cơ chế điều tra được thành lập theo quyết định của Hội đồng Nhân quyền, vẫn đang diễn ra, việc đề xuất và xem xét Nghị quyết này là hành động vội vã trong khi chưa có thông tin cụ thể, khách quan. Việc thông qua Nghị quyết được các nước này xem là có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đàm phán, đối thoại giữa các bên liên quan, gây chia rẽ và làm giảm sự tín nhiệm đối với LHQ.

Sau khi Đại hội đồng xem xét, thông qua Nghị quyết, đại diện Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền. 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đại sứ khẳng định, Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân và thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua. Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan.

Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi các bên giảm căng thẳng, ngừng bắn, nối lại đối thoại, tìm giải pháp lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở tính tới quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Đại sứ cũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là các trao đổi, quyết định của các cơ quan, tổ  chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động của mình, mọi trao đổi, quyết định của Đại hội đồng cần dựa trên thông tin được kiểm chứng, khách quan, minh bạch, với sự hợp tác của các bên liên quan và có sự tham vấn rộng rãi với các nước. LHQ và cộng đồng quốc tế nên tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, thương lượng ngoại giao giữa các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp hòa bình, toàn diện.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7/4 đã thông qua quyết định đình chỉ tư cách ủy viên Hội đồng Nhân quyền của Nga, có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống, và 58 nước bỏ phiếu trắng.

Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan trực thuộc Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, với nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên khắp thế giới. Hội đồng Nhân quyền gồm 47 ủy viên được bầu theo nhiệm kỳ 3 năm.

Nga là một trong 47 ủy viên của Hội đồng Nhân quyền, với nhiệm kỳ 2021-2023. Một quốc gia bị đình chỉ sẽ không còn quyền bỏ phiếu nhưng có thể dự các cuộc họp của cơ quan này. 

Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Thành Nam

VLADIMIR PUTIN CÙNG MỘT GIUỘC VỚI POLPOT ?

TRẦN ĐÔNG A/VOA/ TD 9-4-2022

ĐÁNG TIẾC, CHÍNH PHỦ VN, VỚI CÁC LÁ PHIẾU VỪA QUA Ở LHQ, ĐÃ HOÀN TOÀN ĐI NGƯỢC LẠI Ý NGUYỆN ĐA SỐ CỦA NGƯỜI DÂN VIỆT NAM THỂ HIỆN QUA CÁC MẠNG XÃ HỘI.
Nga xâm lăng Ukraine, nhưng cuộc chiến không còn chỉ giới hạn giữa Nga và Ukraine nữa, mà đã trở thành cuộc chiến của thế giới giữa một bên là các quốc gia độc tài – chuyên chế và bên kia dân chủ – tự do, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Qua thảm cảnh quân đội Nga tàn sát thường dân vô tội ở thị trấn Bucha của Ukraine cả thế giới đều phẫn nộ và muốn Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) tố cáo Nga như là một tội phạm chiến tranh.
Việt Nam lại “tự bắn vào chân mình”
Ngày 7/4/2022, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine. Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó Hà Nội đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga – Ukraine. Dư luận ngạc nhiên là tại sao VN không nghĩ đến lợi ích dài hạn của mình.
Theo giới chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025. Giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, nhận xét, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay vấn đề gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó.
Không chỉ Tổng Thư ký LHQ
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hôm thứ Ba 5/4 đã kêu gọi mở một cuộc điều tra tội ác chiến tranh về việc giết hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh kinh hoàng về những thường dân bị giết ở Bucha… Tôi cũng vô cùng sốc trước những lời khai cá nhân về các vụ cưỡng hiếp và bạo lực tình dục đang đưa ra… Cao ủy Nhân quyền đã nói về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra, vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế”. “Cho đến nay, cuộc tấn công của Nga đã khiến hơn 10 triệu người phải bỏ chạy chỉ trong một tháng, đây là đợt di chuyển dân số cưỡng bức nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, đây là đợt di chuyển dân số cưỡng bức nhanh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, ông Guterres nói.
Hôm 7/4, các Ngoại trưởng nhóm G-7 lên án sự việc mà họ gọi là “hành động tàn bạo” của các lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine, đồng thời nói thêm rằng những người liên quan tới vụ này sẽ phải chịu trách nhiệm. Thông cáo của nhóm G-7 cho biết: “Chúng tôi, các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G-7 và các Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu, lên án mạnh mẽ đối với các hành động tàn bạo mà lực lượng vũ trang Nga đã gây ra ở thị trấn Bucha và một số thị trấn khác của Ukraine”.
Theo tờ Der Spiegel, cơ quan tình báo Đức đã chặn được các tin nhắn vô tuyến điện từ các nguồn tin quân sự Nga thảo luận về vụ giết hại dân thường ở Bucha. Nguồn tin cho biết: “Chính phủ liên bang Đức có nhận được dấu hiệu về sự xâm phạm của Nga ở Bucha.” Các quan chức địa phương cho biết chỉ riêng ở Bucha có hơn 300 người đã bị Nga giết hại, 50 người trong số họ đã bị hành quyết.
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ cũng trong ngày ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Zelensky đã liệt kê những hành vi tàn bạo của quân xâm lược Nga tại Bucha như cắt lưỡi, tứ chi, hãm hiếp phụ nữ ngay trước mặt con của họ. Ông Zelensky nói “Những gì diễn ra ở Bucha chưa phải là tồi tệ nhất”. “Không may thay, cuộc thảm sát ở Bucha chỉ là một trong số những điều mà quân xâm lược đã làm trên đất nước chúng tôi trong 41 ngày qua. Một số thành phố như Mariupol, Kharkiv, Chernihiv…hàng chục cộng đồng khác, mỗi nơi giống như Bucha…”
Trong diễn văn, ông Zelensky nêu câu hỏi: “Tại sao Nga đến Ukraine, hãy nói cho tôi biết?” Và ông đưa ra câu trả lời: “Ban lãnh đạo của Nga giống như kẻ thực dân thời cổ đại. Họ cần sự giàu có của chúng tôi và con người của chúng tôi. Nga đã ép hàng chục nghìn công dân của chúng tôi đưa vào lãnh thổ của họ. Sau đó sẽ có hàng trăm ngàn người khác. Họ đã bắt cóc hơn hai nghìn trẻ em. Đơn giản là bắt cóc hàng ngàn trẻ em. Và tiếp tục làm như vậy. Nga muốn biến người Ukraine thành nô lệ thầm lặng”.
Bucha gợi lại thảm sát Ba Chúc 1978
Trong cuộc tranh luận sau đó tại LHQ, Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố, Hoa Kỳ đã đánh giá các lực lượng Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Bà nói, Hoa Kỳ đang tìm cách đưa LB Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền. Hãng AP, ngoài báo cáo về vụ việc xảy ra tại Bucha, còn dẫn chứng thêm một loạt câu chuyện khác tương tự tại khu vực Motyzhyn, cách Kyiv 50 km về phía Tây. Theo tường thuật của AP, người dân và nhân chứng tại đây cho biết rằng quân Nga đã bắt giữ và giết hại thị trưởng, chồng của bà và cả con trai của hai người. Xác của các nạn nhân bị vứt vào một hố chôn gần khu vực quân Nga đóng quân trước đó. Phóng viên AP đã tìm được hố và xác nhận sự kiện này.
Cuộc hành quyết ở Bucha khiến dư luận ở Việt Nam nhớ lại vụ thảm sát ở làng Ba Chúc, tỉnh An Giang năm 1978. Vụ thảm sát ấy từng bị tố cáo là tội ác chiến tranh gây ra bởi chính quyền Khmer Đỏ, do tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ là Đặng Tiểu Bình cầm đầu, chống lưng. Vụ việc xảy ra tại xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Từ ngày 30/4/1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam – Việt Nam. Ngày 18/4/1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng bị Khmer Đỏ tàn sát dã man. Trong 12 ngày chiếm đóng từ 18 – 30/4/1978, Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường. Chỉ có 3 người sống sót sau vụ tàn sát. Về quy mô, vụ thảm sát này lớn hơn Bucha, nhưng về tính chất tàn bạo thì cũng dã man không kém. Vladimir Putin cùng một giuộc với Polpot? Dư luận có thể liên tưởng, dù 44 năm đã trôi qua.
Trung Quốc mắc kẹt và lươn lẹo
Trong khi đó, Trung Quốc ngày nay của Tập Cận Bình đang bị mắc kẹt vào một tình thế khó xử so với một tháng trước đây. Vì gắn bó quá chặt chẽ với Putin, nên Tập Cận Bình đã bị dư luận quốc tế lên án. Gắn vào cỗ xe của Putin là quyết định sai lầm của ông Tập, làm tổn thương đến danh dự và uy tín của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng rủi ro, vì Trung Quốc có thể bị trừng phạt tiếp theo.
Việc Trung Quốc liên kết với Nga đã phản tác dụng, làm mất lòng Tây Âu, và làm cho Mỹ có chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Đó là cái giá mà Trung quốc phải trả nếu có ý định tấn công chiếm Đài Loan. Liệu Tập Cận Bình có suy nghĩ lại về đối tác “không giới hạn” với Nga như trong Tuyên bố chung giữa Tập Cận Bình và Putin tại cuộc gặp cấp cao nhân dịp khai mạc Thế vận Hội Olympics tại Bắc Kinh?
Trong khi vụ thảm sát ở Bucha đang làm dấy lên nỗi kinh hoàng toàn cầu trong những ngày gần đây và nâng cao tính cấp bách của các cuộc điều tra đang diễn ra về các tội ác chiến tranh của Nga thì dư luận đang chứng kiến một câu chuyện hoàn toàn khác trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Theo đài CNN, các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh tuy có đưa tin về thương vong dân sự ở Bucha nhưng lại nhanh chóng nhấn mạnh sự bác bỏ của Nga, với hai bản tin nổi bật được truyền hình từ đài truyền hình quốc gia CCTV trong tuần qua nêu bật những tuyên bố từ Mátxcơva, rằng đó là tình huống được dàn dựng sau khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực này.
Quan điểm bao che cho Nga đã được thể hiện trong một bài xã luận được đăng trên “bản sao” của tờ Nhân Dân Nhật báo (Thời báo Hoàn cầu) hôm 7/4, dường như đặt câu hỏi về tính xác thực của điều mà tờ báo gọi là ‘sự cố Bucha’ và miễn trách nhiệm cho Nga. Chưa hết, Trung Quốc còn “đánh bùn sang ao” khi bình luận: “Điều đáng tiếc là sau khi 'sự cố Bucha' bị phanh phui, Mỹ, người khơi mào cuộc khủng hoảng Ukraine, không hề có dấu hiệu thúc giục hòa bình và thúc đẩy đàm phán, mà còn tìm cách làm trầm trọng thêm căng thẳng Nga – Ukraine”, xã luận cho biết. Trong khi đó, bất kể ‘sự cố Bucha’ diễn ra như thế nào, không ai có thể phủ nhận ít nhất một điều: chính việc Nga gây ra chiến tranh là thủ phạm trực tiếp của thảm họa nhân đạo hiện nay.
Tòa án quốc tế (ICJ) phán quyết
Le Monde ngày 6/4/2022 dành bài xã luận cho “Bucha, bước ngoặt chiến tranh tại Ukraina”. Đối với đòi hỏi từ dư luận quốc tế, sau các phát hiện hàng trăm thi thể thường dân Ukraina tại các vùng ngoại ô Kiev, ưu tiên hiện nay là Tòa án quốc tế (ICJ) cần phải nhanh chóng đưa ra các phán quyết, không để cho các thủ phạm được thoát tội.
Theo Le Monde, việc tuyệt đại đa số lãnh đạo các nước phương Tây – trừ thủ tướng Hungary vừa tái đắc cử – chỉ lên án hành động tàn ác của quân đội Nga thôi là chưa đủ. Điều chính yếu giờ đây là các nước, trước hết là các nước châu Âu phải “tăng cường hỗ trợ phương tiện, đặc biệt về nhân sự, cho các hoạt động điều tra và thu thập bằng chứng”.
Xã luận Le Monde cũng nhắc đến “loạt trừng phạt thứ năm” EU đang chuẩn bị, đồng thời nhấn mạnh: “Liệu có cần chờ phát hiện thêm những hố chôn người mới ở Mariupol (thành phố miền nam nơi khoảng 130 nghìn dân thường đang bị kẹt trong vòng vây của quân Nga) để EU quyết định không mua khí đốt của Nga?” Vụ thảm sát ở Bucha phải là một bước ngoặt đối với châu Âu: châu Âu phải “từ bỏ lối phản công chống lại cuộc tấn công tàn bạo của Putin, từ từ từng nấc một đáng thương, để thay bằng một cuộc phản công tổng lực, trong tình đoàn kết với Kiev”.
Những trái tim VN có lương tri...
Nhà báo Đoàn Bảo Châu viết trên FB của mình ngày 7/4: “Một lần nữa, xin được chia sẻ những mất mát, đau khổ đang diễn ra trên đất nước Ukraine. Những trái tim của những người Việt có lương tri luôn đập cùng các bạn. Tôi ước rằng chúng tôi có thể làm được nhiều hơn để giảm đi những đau khổ và mất mát các bạn đang phải gánh chịu. Sự nỗ lực của tôi cũng là với hy vọng để những người cuồng Putin thay đổi cái nhìn của họ về cuộc chiến này”.
Đáp lại tình cảm của nhà báo Đoàn Bảo Châu và những bạn của Ukraine ở VN, Nataliya Zhynkina, phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam đã viết trên Facebook của mình về những hành động tàn bạo của Nga ở Bucha, Irpin và các thành phố khác. Hình ảnh từ Borodianka, Bucha, Gostomel, Dmytrivka, Irpin và các thành phố nhỏ khác của Ukraine, mà quân đội Nga đã chiếm đóng trong tháng và sau đó rời đi vào đầu tháng 4 cho toàn thế giới thấy hàng trăm thường dân bị tra tấn và giết hại nằm trên đường phố, trong nhà của họ, đàn ông, phụ nữ, trẻ em.
Đáng tiếc, chính phủ VN, với các lá phiếu vừa qua ở LHQ, đã hoàn toàn đi ngược lại ý nguyện đa số của người dân Việt Nam thể hiện qua các mạng xã hội. Nếu rồi đây, Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như vừa qua, thì theo giới chuyên gia, VN sẽ mất đi sự ủng hộ của thế giới. Hoa Kỳ và toàn bộ các nước Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì ủng hộ Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam đứng về phe Nga và hành động theo Trung Quốc.

Không chỉ hành động sai lạc tại diễn đàn LHQ, chính phủ VN còn chỉ đạo cho báo chí thể hiện một lập trường không thừa nhận “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine là cuộc chiến tranh xâm lược. Báo Nhà nước, cũng giống như hai lần phiếu trắng trước đây, lần này cũng không dám đưa tin VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Còn đối với các hành động mang tính diệt chủng của Nga thì báo chí giữ thái độ nước đôi một cách phản cảm và không thể nào chấp nhận.

HÀ NỘI, ĐỒNG MINH ỠM Ờ CỦA WASHINGTON
JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 10-4-2022
Ngày 7/4/2022 tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York, Mỹ; Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này. Các cơ quan truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Đặng Hoàng Giang, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, rằng Việt Nam chống lại việc tàn sát dân thường, nhưng các thông tin phải được kiểm chứng. Báo chí Việt Nam không nói đến lá phiếu chống của Việt Nam.
Cùng ngày đó, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, có mặt tại Cần Thơ để bàn về những kế hoạch bảo vệ môi trường tại vùng đồng bằng quan trọng này của Việt Nam. Tại đây ông cam kết sự ủng hộ của Mỹ với Việt Nam.
Một bên là âm thanh cuồng nộ của những hỏa tiễn Nga bắn vào trạm xe lửa Ukraine, giết chết 50 dân thường, trong đó có cả trẻ em, bên kia là những cái bắt tay thân mật giữa các viên chức Việt – Mỹ trong không gian oi ả, nhưng hãy còn yên bình của đồng bằng Cửu Long.
Không có gì diễn tả rõ ràng hơn cuộc hôn nhân thương mại Việt – Mỹ bằng những ngày đầu tháng Tư này. Bên kia bờ đại dương, tổng thống Biden gọi Putin là tên đồ tể (từ mà Hà Nội dùng gọi chế độ Polpot ở Cambodia trước đây), trong khi tại Cần Thơ, người đại diện cao nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam không hề nhắc tới nước Nga, mà thả hồn mình vào những cảm xúc cố tri với vùng sông Hậu.
Như vậy là sau khi Nga xâm lược Ukraine hơn một tháng, Hà Nội đã ba lần bỏ phiếu ngược lại với Washington. Lần đầu vào ngày 2-3-2022, Hà Nội bỏ phiếu trắng cho nghị quyết lên án cuộc xâm lược. Lần thứ hai, ngày 24-3-2022 Hà Nội cũng bỏ phiếu trắng cho nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt hành động xâm lược Ukraine, cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Lần thứ ba, ngày 7-4-2022, Hà Nội bỏ phiếu chống lại chuyện trục xuất Moscow ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.
Cả ba lần, Việt Nam bỏ phiếu giống hệt Trung Quốc, mà dư luận cho rằng Hà Nội đang đứng về phía Bắc Kinh và Moscow để chống Mỹ. Một số người dự đoán rằng, nếu có những lần bỏ phiếu sắp tới liên quan tới cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, Hà Nội cũng sẽ không dám bỏ phiếu ngược lại với Bắc Kinh.
Thế nhưng, phía Mỹ vẫn không có vẻ phiền trách gì Việt Nam cả. Trước cuộc xâm lăng, Mỹ làm ngơ cho Việt Nam mua vũ khí Nga, làm ngơ luôn những vi phạm nhân quyền bên trong Việt Nam, thế thì cũng không có gì lạ khi bây giờ Mỹ làm ngơ nốt thái độ của Việt Nam về chuyện Nga và nhân quyền.
Việt Nam là một hiểm địa trong cuộc đối đầu Mỹ –Trung hiện nay, với hơn 1000 km biên giới đất liền với Trung Quốc, một bờ biển dài hơn 3000 km ở biển Đông, và quan trọng hơn cả, Việt Nam là quốc gia hiểu rõ Trung Quốc nhất trên thế giới này.
Kể từ khi bắt đầu dính líu đến Việt Nam từ năm 1945, người Mỹ ngày càng hiểu Việt Nam hơn, và bây giờ chính là lúc áp dụng sự hiểu biết đó.
Tôi hoàn toàn đồng ý với sự so sánh của ông Khang Vu, một nhà quan sát người Việt ở Mỹ. Ông Khang Vu cho rằng, Mỹ xem quan hệ với Việt Nam hiện nay giống như Mỹ quan hệ với Trung Quốc sau khi cặp đôi Nixon – Kissinger đi đêm, rồi đi ngày với Bắc Kinh. Trước kia Mỹ liên minh không công khai với Trung Quốc để xé toạc Liên Xô cộng sản, nay Mỹ liên minh không công khai với Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc.
Tùy vào mục tiêu toàn cầu của người Mỹ mà họ thay đổi các dự án của mình. Năm 1972, khi thấy cần thực hiện dự án chống Liên Xô với con bài Trung Quốc, người Mỹ bèn kết thúc dự án Việt Nam Cộng hòa. Có vẻ như hiện nay họ bắt đầu dự án mới trong đó Việt Nam là một phần rất quan trọng để chống Trung Quốc. Tương tự như vậy, dự án Afghanistan không còn cần thiết nữa, họ bỏ ngay, không đoái hoài gì đến hàng ngàn phương tiện vũ khí để lại vương vãi khắp nơi, cũng như năm 1973, sau khi rút khỏi miền Nam Việt Nam, họ để lại cả ngàn máy bay.
Rất chắc chắn, Việt Nam cộng sản đang nằm trong một dự án của Mỹ chống Bắc Kinh. Trong các dự án như vậy, Washington cũng đã từng không ngại ngùng sử dụng những chế độ độc tài, cũng như họ liên minh với Hà Nội hiện nay. Rõ ràng nhất là vào thời chiến tranh lạnh, Mỹ liên minh với các chế độ độc tài Nam Triều Tiên, Đài Loan, Bồ Đào Nha để chống cộng sản. Tại Nam Mỹ, Mỹ giúp nhà độc tài Pinochet lật đổ tổng thống dân cử Allende của Chile, để nhằm chặn đứng phong trào cánh tả tại lục địa này. Tất cả các chế độ này, theo tiêu chuẩn bên trong nước Mỹ về tự do ngôn luận, tự do bầu cử, … đều không thỏa mãn.
Hà Nội biết rõ như vậy. Trong cuộc chiến Ukraine hiện nay, Hà Nội chủ trương im lặng càng nhiều càng tốt, cực chẳng đã lắm họ mới bị bắt buộc phải xuất hiện ở diễn đàn Liên Hiệp quốc, khẽ khàng bỏ phiếu trắng và phiếu chống, phát biểu không nhắm tới quốc gia nào cả. Và dường như họ đã thành công, báo chí Mỹ không thấy họ đâu cả, thế là không bình luận gì về họ.
Bên cạnh đó họ nỗ lực “đi đêm”, họ nói với người Mỹ rằng, cả hai bên đâu cần mang danh chiến lược làm gì cho phiền, mà chỉ cần thực chất thôi. Không rõ ông thủ tướng Phạm Minh Chính khi gặp ngài tân đại sứ Knapper có nói điều gì quan trọng không, mà ông Knapper nói tại Cần Thơ rằng, Mỹ khẳng định sự cam kết của họ với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Điều quan trọng hiện nay của Hà Nội là giữ cho việc đàn áp trong nước không tăng lên, không quá đáng đến mức đánh động các nhà lập pháp của Mỹ. May mắn cho họ là cũng chẳng còn bao nhiêu những nhân vật bất đồng chính kiến, hay các tổ chức đối lập nào gây cho họ lo ngại để mà đàn áp.
Nhưng không phải họ hoàn toàn thành công với kiểu quan hệ “đồng sàng dị mộng” đó với người Mỹ. Là quốc gia lớn hàng thứ nhì ở Đông Nam Á, chính sách ngoại giao ởm ờ, lặn sâu đó của họ là một chính sách thụ động, sẽ làm cho Việt Nam phí phạm vị trí địa chính trị đắc địa của mình. Họ đã để cho anh láng giềng Singapore bé nhỏ qua mặt, trong những động tác ngoại giao của nước này gần đây. Thủ tướng Singapore bất ngờ xuất hiện ở tòa Bạch Ốc, không cần đợi đến thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, hiện vẫn chưa biết sắp xếp ra sao.
Hà Nội cũng không tự tin lắm đối với dư luận trong nước về hồ sơ Nga-Ukraine, vì dân chúng trong nước ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh của truyền thông phương Tây, thông qua mạng xã hội, hay thậm chí là báo chí chính thống. Hà Nội đã không dám công bố với dân chúng Việt Nam rằng, họ chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền ở Liên Hiệp quốc.
Mà liệu dự án Việt Nam hiện nay của Mỹ có kéo dài hay không? Thiết nghĩ “đồng sàng dị mộng” chẳng có điều gì tốt đẹp, hơn nữa có một câu nói của người Việt xưa nay là “già néo đứt dây”!
Nói rằng Việt Nam là quan trọng với vị trí địa chiến lược của mình và kinh nghiệm Trung Quốc, điều đó đúng. Nhưng nói rằng Mỹ là một siêu cường, có nhiều khả năng, nhiều con bài trong tay, họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Điều này đúng và đúng hơn điều kia.
Và Hà Nội có nghĩ tới khả năng Trung Quốc thay đổi chiến lược khi nhìn thấy đồng minh Nga Putin èo uột quá?
Khi ấy không khó để nghĩ tới chuyện Mỹ – Trung đề huề tại biển Đông.
Xin nhắc lại dự án Việt Nam Cộng hòa với một góc nhìn khác.
Khi Trung Quốc tấn công Hoàng Sa vào năm 1974, tàu chiến Mỹ ở gần đó im lặng, dù Việt Nam Cộng hòa vẫn là đồng minh. Lâu nay Hà Nội hay lấy kinh nghiệm đó để nói rằng không nên dính líu quá nhiều đến Mỹ để có thể bị bỏ rơi. Sự sụp đổ của chính phủ thân phương Tây của Afghanistan gần đây lại thêm một ví dụ nữa về góc nhìn này.
Xin hãy nhìn hai trường hợp đó từ một góc khác, rằng đó là hai đồng minh không hoàn hảo, với sự yếu kém về tổ chức, quân sự lẫn chính trị, hai đồng minh đó trở thành gánh nặng cho nước Mỹ khi họ chuyển đổi dự án.
Hãy so sánh với Đài Loan và Nam Hàn. Hai chế độ độc tài đã chuyển đổi sang dân chủ thành công, và họ trở thành hai đồng minh rất mạnh, san sẻ gánh nặng cho Mỹ. Hãy nhìn sự giúp sức của phương Tây cho Ukraine kể từ cuộc nổi dậy Maidan 2014, và cuộc chiến đấu hiện nay của quân Ukraine chống Nga xâm lăng. Sự hiệu quả của nền dân chủ Ukraine non trẻ rơi đúng vào bàn cờ chiến lược phương Tây.
Vụ rút quân ra khỏi Afghanistan và những chuyến đi “chuyển trục” tới tấp của Mỹ sang châu Á, nói rằng Mỹ không hề muốn cuộc xâm lăng Ukraine diễn ra, nhưng khi nó diễn ra thì họ giúp đỡ cật lực cho Kyiv, vì Ukraine là một nền dân chủ, và sẵn sàng làm đồng minh, không ỡm ờ, không lặn sâu.
Còn đồng minh ỡm ờ Việt Nam sẽ ra sao, khi một mặt bắt tay với Mỹ, trong khi hành động thì đứng về phía Trung Quốc? Hãy nhìn lại lịch sử sau chiến tranh năm 1975, Hà Nội đã chậm hơn Bắc Kinh trong việc bình thường hóa quan hệ với Washington, để rồi phải hứng chịu cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, lẽ ra đã tránh được.

'NGOẠI GIAO NHÂN DÂN' LÀM NHỤC CẢ NHÂN DÂN LẪN QUỐC TẾ
HOÀNG TRƯỜNG /VOA/TD 11-4-2022


Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam thường trùng khớp với các nước như Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%).
“Phản dân” trong văn cảnh này có hai nghĩa: chống lại ý nguyện của người dân trong nước và thách thức các lực lượng dân chủ trên thế giới. Tại sao đại diện cho một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mà lại rơi vào thế kẹt của một nền ngoại giao làm nhục cả dân tộc lẫn quốc thể?
Nếu như trong nước có một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” như CSVN vẫn thường xuyên tuyên truyền thì sau lá phiếu của Việt Nam chống lại việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) vừa qua, người dân trong cả nước, nếu muốn, có quyền xuống đường phản đối một chủ trương ngoại giao sai trái và ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Nhưng vì Việt Nam là một chính thể theo chủ nghĩa toàn trị, nên tất cả những quyền cơ bản của con người như tự do biểu tình, phát ngôn, tự do lập hội… đều chỉ tồn tại trên Hiến pháp. Mà ngay những quyền cơ bản ấy, nếu ai đó có ý định đem ra thực thi theo Hiến định, thì lập tức sẽ được quy chụp là chống đối, hoặc là các thế lực thù địch.
Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của LHQ để loại Nga. Điều này được truyền thông trong nước đưa tin dưới một uyển ngữ kỳ cục là Nga đã quyết định “kết thúc sớm tư cách thành viên HĐNQ/LHQ nhiệm kỳ 2021 – 2023”.
Thậm chí, trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022, các tờ báo ở Việt Nam, khi tường thuật về vụ việc này đã không dám đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã làm chuyện “chướng tai gai mắt” đến nỗi họ không dám công khai trước người dân về một hành động không lấy gì làm vẻ vang cho quốc thể.
Nhà văn quân đội – Đại tá Phạm Đình Trọng đã có cái nhìn thật sắc bén khi ông khái quát: “Trong khi hầu hết các quốc gia có mặt ở LHQ (trong hai lần 2/3 và 24/3 trước đây) đều bỏ phiếu lên án Nga, đòi Nga rút quân và ủng hộ Ukraine, thì cả hai lần ấy, đại diện Việt Nam đều bỏ phiếu trắng. Hai lần người dân Việt Nam bị các lá phiếu trắng ấy làm nhục trước thế giới”.
Và đến lần thứ ba hôm 7/4 vừa rồi, Đại tá Trọng tố cáo tiếp: “Lần này, 93 cánh tay cộng đồng nhân loại chỉ mặt cái ác Putin Nga ở Ucraine. 93 cánh tay loài người văn minh lôi cái ác Putin Nga ra khỏi HĐNQ. Đi xa hơn hai lần bỏ phiếu trắng, lần này nhà nước Việt Nam bỏ phiếu chống. Chống lại 93 cánh tay chỉ mặt tội ác Putin Nga. Bằng lá phiếu chống nghị quyết của cộng đồng nhân loại vạch mặt cái ác, nhà nước Việt Nam đưa cánh tay ra bảo vệ cái ác Putin Nga”.
“Một lần nữa, người dân Việt Nam lại bị nhà nước làm nhục trước thế giới”, Cựu chiến binh Phạm Đình Trọng bày tỏ uất hận… Khi chủ trương một đường lối đối ngoại phản dân, làm nhục quốc thể như thế, trên thực tế, chính bản thân cái nhà nước ấy cũng bị cộng đồng quốc tế khinh rẻ lắm rồi.
Hãy nghe bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố: “Cộng đồng quốc tế ngày 7/4 đã ‘cùng bước theo đúng hướng’ với quyết định loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ liên quan tới những hành động tàn bạo ở Ukraine”.
Làm nhục dân và làm nhục quốc thể, vì đa số người dân Việt khi nhìn cảnh những nạn nhân bị thảm sát và hành quyết tại Bucha, họ luôn liên tưởng tới những hành động diệt chủng của Polpot tại làng Ba Chúc ở Việt Nam do Trung Quốc “chống lưng” những năm cuối thập niên 1970.
Nhà nghiên cứu Minh triết Nguyễn Khắc Mai phát biểu với truyền thông quốc tế từ Hà Nội hôm 8/4 rằng, nhà nước Việt Nam không dám cho báo chí đăng tin mình chống lại LHQ, vì muốn che cái xấu xa của mình: “Đấy là một trò xảo quyệt, để che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ hàm ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn thế’... nhưng vì mối quan hệ thế này thế kia, nên buộc phải làm vậy, nhưng tôi đã không cho đưa tin trên báo chí... Đấy là cái cách của cái đám xảo quyệt, nhưng không dấu được ai. Bởi vì bàn tay không thể che đậy nổi mặt trời. Đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng đắn và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu mà thế giới người ta lên án, mà rõ ràng là nó quá xấu rồi, nó độc ác rồi... mà cũng không dám lên tiếng”.
Tại sao Việt Nam lại rơi vào thế kẹt như trên? Câu trả lời đơn giản. Đó là vì, cái lobby say máu độc tài – chuyên chế trong một bộ phận lãnh đạo đất nước đã lấn át được cái lobby muốn hội nhập sâu rộng để làm ăn với bên ngoài, theo giả định nếu đúng như có những lobby như thế. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng tuyên bố tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc khai mạc hôm 14/12 năm ngoái, Việt Nam không chọn bên, không chọn phe trong cạnh tranh giữa các nước lớn, chính sách đối ngoại của Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết.
Xin thưa, đấy là ông Phạm Minh Chính và nhánh quyền lực cam kết đường lối cải cách thể chế muốn thế. Nhưng với lập trường như ở LHQ vừa qua, coi như nhóm “chọn theo phe Nga và Tàu” đã áp đảo, kể cả chấp nhận cái giá phải trả là không tính đến lợi ích quốc gia – dân tộc như ưu tiên hàng đầu. CSVN trên thực tế nói một đằng làm một nẻo là vì vậy. Giữa phát ngôn và hành động của các phe nhóm không thể nào trùng khớp và tương thích với nhau.
Trước khi được các “hoàng tử đỏ” của cố TBT Lê Duẩn “bật mí”, chúng ta biết rằng, Việt Nam tuy theo chế độ toàn trị và độc đảng, nhưng thực tế từ khởi nguyên đã có nhiều băng nhóm và phe phái với những tính toán lợi ích không phải lúc nào cũng đồng nhất. Trong thời kỳ chiến tranh đã vậy, trong thời buổi cục diện quốc tế có nguy cơ đảo lộn như hiện nay lại càng như thế. Bởi vì, cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xâm lược vô nghĩa của một kẻ độc tài, bệnh hoạn bởi quyền lực cá nhân và cơn vĩ cuồng của bản thân, đã/đang đẩy hàng triệu người vào thảm cảnh của địa ngục.
Giới quan sát cho rằng, ngoài chuyện Việt Nam có thể bị Nga – Tàu gây sức ép, nhưng tại sao nhiều nước cũng mua vũ khí của Nga, cũng quan hệ chặt với Tàu như Indonesia, Myanmar… mà vẫn cứ ủng hộ LHQ khai trừ Nga như đã thấy. Vấn đề là, hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại và thịnh hành một “lobby ủng hộ bộ đôi Putin – Tập Cận Bình”, thể hiện rất rõ trong một bộ phận chính quyền lẫn trên cả các mạng xã hội.
Ông Nguyễn Chính Kết, một chuyên gia theo dõi tình hình chính trị và nhân quyền Việt Nam ở Texas, Hoa Kỳ, nói với VOA: “Nếu trước một tội ác tầy trời như của Nga đối với Ukraine mà Việt Nam không dám lên tiếng phản đối, lại còn chống lại việc loại bỏ Nga ra khỏi HĐNQ/LHQ thì các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục không thể tin tưởng vào lương tâm của Cộng sản Việt Nam”.
Nhận định về điểm chung trong lập trường của Việt Nam và Trung Quốc đối với hành động của Nga ở Ukraine, ông Nguyễn Chính Kết nói: “Nhà nước CSVN coi như bị lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc rất nhiều nên không dám làm những gì ngược lại ý muốn của Nga và Trung Quốc. Các nước khác sẽ nhìn Việt Nam giống như là một chư hầu của Trung Quốc hay của Nga vậy thôi”.
Nhà báo Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cũng nhận định, ông không ngạc nhiên trước việc bỏ phiếu chống của Việt Nam. Ông phân tích lý do: “Việt Nam đang ở vào thế buộc phải chọn phe. Cả một hệ tư tưởng và rất nhiều vấn đề ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự... phụ thuộc vào các đồng minh như Nga, Trung Quốc… Cho nên khi không thể đu dây được nữa thì buộc phải chọn phe. Tuy nhiên, việc này sẽ gây khó khăn rất lớn cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế… Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rất phi nghĩa và rất nhiều nước trên thế giới đã phản đối. Trong thời điểm này mà chọn phe như vậy thì chắc chắn tương lai các quan hệ thương mại, ngoại giao sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì Việt Nam không chỉ dựa vào Nga và Trung Quốc, mà còn phải nhờ vào rất nhiều các mối quan hệ với các nước văn minh khác”. Ông Thắng kết luận: “Khi lãnh đạo đất nước chọn phe ngược lại với nhân dân thì đất nước sẽ lầm than!”
***
Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam ở LHQ thường trùng với các nước Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%). Đối với các nghị quyết quan trọng như nghị quyết hôm 7/4, thì Việt Nam, Lào, Cuba và Trung Quốc thường bỏ phiếu giống nhau. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể nói tới mối tương quan về xu hướng bỏ phiếu giữa mấy quốc gia này thôi. Nhưng về mặt chính trị thì quá dễ hiểu ai lệ thuộc ai.
Phải nhấn mạnh hai chữ “quốc gia” và bốn chữ “Nhà nước Việt Nam” để phân biệt với dân tộc và người dân Việt Nam. Putin đe dọa nước nào chống lại mình sẽ bị trừng phạt. Việt Nam có đủ bản lĩnh để chả sợ bất cứ lời đe dọa nào hết? Nhưng cái chính là, cứ bị ám ảnh nỗi sợ con ngáo ộp có tên là “Nhân quyền”. Đến bao giờ nước ta mới coi Nhân quyền là kết tinh của Chân – Thiện – Mỹ, chứ không phải thứ cứ đụng đến là giãy nảy lên. Đến lúc ấy, đại diện nhà nước này mới xứng đáng là đại diện của Dân tộc, đại diện cho Nhân dân.
Để kết luận, người viết muốn được chia sẻ với nghi vấn chính đáng của nhà báo Phạm Phú Khải: “Tại sao người dân Việt Nam không đặt câu hỏi đâu là thành phần chủ chốt đứng đằng sau những quyết định hệ trọng trên đây? Câu trả lời, tất nhiên, là thành phần cao cấp nhất của Đảng CSVN. Nhưng họ là ai? Tổng Bí thư? Ban Bí thư? Bộ Chính trị? Ban Chấp hành Trung ương? Hay bên phía chính quyền Việt Nam, như Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao… Hay chỉ một thiểu số nào đó đang thao túng mọi quyết định hệ trọng này? Ảnh hưởng của ĐCS Trung Quốc lên các quyết định này là thế nào? Bao nhiêu câu hỏi mà không có câu trả lời nào cả”.
Nhưng người dân cần biết và phải biết ai đứng sau những quyết định hệ trọng này. Vì nó không chỉ quan trọng về mặt ngoại giao, về uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó còn mang tính hệ trọng cho tương lai Việt Nam. Những quyết định như thế làm sao có thể biện minh hay bảo vệ được cho Việt Nam khi một nước khác, như Trung Quốc, lấy lý cớ nào đó để xâm lăng Việt Nam sau này?
Ảnh: Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine. Nguồn: Reuters

CSVN, 'PHIẾU CHỐNG' VÀ CHỐNG CON NGƯỜI ĐƯỢC LÀM NGƯỜI
TRÂN VĂN/VOA/TD 11-4-2022

XƯA GIỜ, NHÂN QUYỀN VẪN LÀ VẤN ĐỀ MÀ CHÍNH QUYỀN CSVN MUỐN THỰC THI THEO “TIÊU CHÍ RIÊNG” NHƯ TRUNG QUỐC, CUBA, BẮC HÀN, IRAN, SYRIA.
Nhiều người ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam tiếp tục bình luận về sự kiện chính quyền CSVN bỏ “phiếu chống” nỗ lực cộng đồng quốc tế loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi ông Carl Thayer – một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam – gọi lựa chọn của chính quyền CSVN là “tự bắn vào chân mình” (1) thì nhiều người Việt xem “phiếu chống” là “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể” (2)...
Tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” khi đa số thành viên của cộng đồng quốc tế cùng cho rằng, cần phải bày tỏ thái độ đối với những hành động man rợ của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine (cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát thường dân, hủy diệt các cơ sở dân sự,...)?
Tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” ngay sau khi đại diện của chính quyền CSVN tại Liên Hiệp Quốc công khai... “phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế” (3)?
Có lẽ câu trả lời không đơn thuần là... ngại Nga phật lòng, cho dù rõ ràng Việt Nam phụ thuộc Nga về nhiều mặt, chẳng hạn cần sự hiện diện của Nga như đối trọng với Trung Quốc trong quá trình thăm dò - khai thác dầu khí tại biển Đông, cần sự hợp tác của Nga để bảo trì phần lớn phương tiện quân sự đã mua từ Nga,... Câu trả lời nằm ở vế sau trong phần phát biểu của đại diện chính quyền CSVN khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên họp bất thường hôm 7/4/2022 để quyết định về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga: “...Quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động và mọi quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cần dựa trên thông tin được kiểm chứng...”!
***
Khi tường thuật về sự kiện cộng đồng quốc tế cùng nhau xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trang web của Liên Hiệp Quốc cho biết có 24 quốc gia bỏ “phiếu chống” nhưng chỉ kể tên 7/24 quốc gia này là: Nga, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria và Việt Nam (4). Trước nay, cả bảy vốn đã nổi tiếng vì thường xuyên bị các tổ chức quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia, kể cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không lên án thì cũng nhắc nhở nghiêm khắc vì vi phạm phân quyền.
Giống như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria và mới đây là Nga, chính quyền CSVN đã nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng” cả vì những chê trách lẫn những tác động của cộng đồng quốc tế nhằm thúc ép cải thiện, thăng tiến nhân quyền.
Chẳng hạn, trong ba tháng (từ 11/2021 đến 1/2022), Liên Hiệp Quốc – vốn hết sức thận trọng vì đại diện cộng đồng quốc tế - liên tục lên tiếng do lo ngại về các dấu hiệu vừa xâm hại, vừa gạt bỏ những quyền liên quan đến nhân vị của công dân Việt Nam.
Ngoài thư của bộ phận đặc sát thuộc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) gửi chính quyền CSVN vào tháng 11 năm ngoái (5), yêu cầu cung cấp những thông tin liên quan đến việc bắt giữ - phạt tù hàng chục công dân Việt Nam vì có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, chính quyền CSVN tiếp tục vi phạm các nguyên tắc chung trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền CSVN đã cam kết thực thi từ đầu thập niên 1980, chính quyền CSVN còn bị yêu cầu giải trình về những cáo buộc liên quan đến sách nhiễu, trả thù có hệ thống nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các tổ chức dân sự, nhà báo và bloggers (thư vừa đề cập đã được Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 1/2022 và đại diện chính quyền CSVN tại Liên Hiệp Quốc đã xin gia hạn thời gian phúc đáp)...
OHCHR còn loan báo là cơ quan này của Liên Hiệp Quốc xem việc kết án Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung, chuẩn bị xét xử Lê Trọng Hùng là những dấu chỉ nghiêm trọng về tính hợp pháp của việc giam giữ, tính công bằng của việc xét xử, khiến người Việt phải tự kiểm duyệt và những người quan tâm đến tự do truyền thông rùng mình. Sự trừng phạt đó ngăn cản mọi người thực hiện các quyền căn bản và tham gia tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng(6).
Bên cạnh việc hối thúc chính quyền CSVN trả tự do ngay lập tức cho tất cả những cá nhân bị bắt giữ tùy tiện chỉ vì thực hiện quyền tự do ý kiến và biểu đạt của họ, bởi Việt Nam không làm gì cả cho dù trong vòng chưa đầy hai tháng (từ 3/9/2021 đến 28/10/2021) có 205 phụ nữ được xem là nạn nhân buôn người được hỗ trợ hồi hương, OHCHR cũng đã nhắc nhở Việt Nam về các nghĩa vụ pháp lý đối với cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tệ nạn buôn người, từ điều tra đến cung cấp các biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục và hỗ trợ các nạn nhân, sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ và bé gái Việt Nam do nghèo đói mà bị gạt ra bên lề xã hội rồi trở thành nạn nhân buôn người và những kẻ buôn người không bị trừng phạt (7)...
***
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có 47 thành viên. Nga bắt đầu vai trò thành viên hồi tháng 11 năm ngoái và là một trong số 15 được Đại hôi đồng chọn làm thành viên có nhiệm kỳ ba năm. Theo nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, quốc gia đang là thành viên của hội đồng này có thể bị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bãi nhiệm, tước bỏ tư cách thành viên nếu vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống.
Xưa giờ, nhân quyền vẫn là vấn đề mà chính quyền CSVN muốn thực thi theo “tiêu chí riêng” như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria. Việc cướp bóc, cưỡng hiếp, tàn sát thường dân, hay hủy diệt trường học, bệnh viện, khu dân cư ở Ukraine không quan trọng bằng... “phòng ngừa”, tránh “há miệng mắc quai” khi cần bày tỏ phản ứng trước những hành động xâm hại nhân quyền. Lựa chọn của chính quyền CSVN khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga không phải cho “nhân đạo, nhân quyền” ở Ukraine, ở Việt Nam hay ở bất kỳ đâu trên trái đất này như đại diện chính quyền CSVN bày tỏ, “Phiếu chống” là cho thể chế chính trị đang tồn tại ở Việt Nam, là phản ứng theo kiểu “trông người mà ngẫm đến ta”.
Cứ thử tìm kiếm trên Internet về phản ứng trước nay của chính quyền CSVN khi bị chỉ trích, thúc ép về thăng tiến nhân quyền, ắt sẽ thấy... “cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động” hay “cần dựa trên thông tin được kiểm chứng”... không hề mới! Đó là kiểu mà Việt Nam vẫn thường tự biện dù cả kẻ nói lẫn người nghe đều không tin! Tháng 9 năm ngoái, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế... ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 – 2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc
Chính quyền CSVN quả là có... viễn kiến. Bỏ “phiếu thuận” mà bị chất vấn về nhân quyền tại Việt Nam rõ là “khó ăn, khó nói”!
Chú thích

QUYỀN LỢI DÂN TỘC LÀ Ở HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
NGUYỄN NGỌC CHU/TD 12-4-2022


Người Việt Nam, từ ngàn xưa, luôn thể hiện là dân tộc tình nghĩa, thuỷ chung, hiếu khách. Đó là những đặc tính quý giá.
Nhưng trong một xã hội phát triển, với muôn vàn quan hệ, loài người không thể dựa trên các tham số tình nghĩa, thủy chung, mến khách để quyết định cuộc sống, mà phải dựa vào luật pháp. Chỉ có sự rạch ròi của luật pháp mới điều phối một cách khả dĩ muôn vàn mối quan hệ phức tạp chồng chéo trong đời sống hiện đại. Các tham số cảm tính, trong không gian pháp luật, lại trở thành các rào cản.
Tiếc thay, trong đời sống hiện tại, không ít người dựa vào các tham số tình cảm để đưa ra các quyết định hàng ngày, thậm chí là cho cả các vấn đề quốc tế.
1. VÀI SỐ LIỆU VỀ VIỆN TRỢ CỦA LIÊN XÔ CHO VIỆT NAM
Phải khẳng định, trong số các viện trợ quân sự nước ngoài mà nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) nhận được, thì Liên Xô (Liên bang CHXHCN Xô Viết) giữ vị trí số 1. Bởi thế, các công dân VNDCCH thế hệ 7x trở về trước luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Liên Xô, mà trong tiềm thức phần lớn của họ đã đồng nhất nước Nga với Liên Xô là một.
Liên Xô có diện tích là 22.402.200km2, bao gồm 15 nước cộng hoà (Nga, Ukraina, Belorusia, Uzebekítan, Kazakhstan, Grudia, Azerbaijan, Litva, Mondavia, Latvia, Kỉrghizia, Tajikistan, Armenia, Turkmenistan, Estonia). Ba nước cộng hoà có diện tích lớn nhất là Nga (17.100.000km2), Kazakhstan (2.725.000km2), Ukraina (603.000km2).
Năm 1971 dân số Liên Xô khoảng 243 triệu người, Nga là 131 triệu người, Ukraina là 47,44 triệu người, Uzebekistan là 12,45 triệu người, và Belorusia là 9,116 triệu người. (Xin lưu ý để so sánh, dân số Việt Nam năm 1971 là 44,48 triệu người, ít hơn Ukraine khoảng 2,96 triệu người.
Sau năm 50, vào năm 2021, dân số Ukraine còn 43,46 triệu người, trong khi dân số Việt Nam đạt 98,5 triệu người, hơn Ukraine đến 55,04 triệu người). Thu nhập bình quân đầu người của Liên Xô vào năm 1973 là 6.058 USD và của Hoa Kỳ là 16.689 USD. (Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của LB Nga là 10.846 USD và của Hoa Kỳ là 59.959 USD).
Liên Xô là một trong những nguồn viện trợ chủ chốt của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1954 - 1989 tại Việt Nam. Bởi thế, cho đến bây giờ, sau hơn 40 năm, thế hệ người Việt thuộc VNDCCH, sinh trước các năm 1970, vẫn còn mãi nhớ ơn Liên Xô. Trong mắt nhiều người, họ đã đồng nhất Nga là Liên Xô. Trên thực tế, trong mỗi 4 tấn hàng mà Liên Xô viện trợ Việt Nam, thì có 2 tấn hàng đến từ Nga, 1 tấn hàng đến từ Ukraine, 1 tấn hàng đến từ 13 nước cộng hoà còn lại trong Liên bang Xô viết.
Theo thống kê (tương đối) thì trong khoảng các năm 1955 - 1975, Liên Xô đã viện trợ cho VNDCCH 1.357 hệ thống tên lửa cùng hơn 18.300 tên lửa, 316 máy bay chiến đấu, 687 xe tăng, 601 xe bọc thép, 1.332 xe kéo pháo, 52 tàu chiến, 21 tàu vận tải, cùng nhiều khí tài quân sự khác. Liên Xô cũng đã gửi nhiều chuyên gia quân sự đến chiến trường Việt Nam, và giúp đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn sĩ quan quân đội.
Trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 -1989, Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Nam một khối lượng lớn các phương tiện quân sự, bao gồm cả nhiều chục dàn tên lửa Grad. Sự viện trợ quân sự to lớn của Liên Xô là nhân tố rất quan trọng góp phần giúp cho Việt Nam dành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
2. QUAN HỆ VỚI NGA
Sau khi Liên Xô tan ra rã vào ngày 25/12/1991, LB Nga là nước duy nhất trong số 15 nước cộng hoà đã thừa kế vị trí Liên Xô trên trường quốc tế về quyền lợi và nghĩa vụ.
Khác với quan hệ Việt Nam – Liên Xô, từ năm 1992 cho đến hiện tại, quan hệ Việt Nam – Nga là quan hệ SÒNG PHẲNG.
Về kinh tế là hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhưng hợp tác kinh tế của Việt Nam với LB Nga đang rất nhỏ bé.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là khoảng 668,5 tỷ USD. Nhưng giao thương với Nga là 5,5 tỷ USD, chiếm chỉ 0,8% tổng giao thương của Việt Nam.
Sau đây là số liệu giao thương của Việt Nam với một số nước:
- Trung Quốc là 165,8 tỷ USD (24,8%, xuất 56 tỷ USD, nhập 109,2 tỷ USD, nhập siêu 53,2 tỷ USD);
- Hoa Kỳ là 111 tỷ USD (16,6%, xuất 96,3 tỷ USD, nhập 14,7 tỷ USD, xuất siêu 86,1 tỷ USD);
- Hàn Quốc là 78,1 tỷ USD (11,7%, xuất khẩu 21,9 tỷ USD, nhập khẩu 56,2 tỷ USD, nhập siêu 43,3 tỷ USD);
- EU là 63,7 tỷ USD (9,5%, xuất khẩu 45,8 tỷ USD, nhập khẩu 17,9 tỷ USD, xuất siêu 27,9 tỷ USD);
- Nhật Bản là 42 tỷ USD (6,3%, xuất khẩu 20 tỷ USD, nhập khẩu 22 tỷ USD, nhập siêu 2 tỷ USD)
- Ấn Độ là 12,084 tỷ (1,8%, xuất khẩu 5,715 tỷ USD, nhập khẩu 6,369 tỷ USD, nhập siêu 0,654 tỷ USD);
- Singapore là 8,3 tỷ USD (1,2%, xuất khẩu khoảng 3,9 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 4,4 tỷ USD, nhập siêu khoảng 0,5 tỷ USD);
- Nga là 5,5 tỷ USD (0,8%, xuất khẩu 3,2 tỷ USD, nhập khẩu 2,3 tỷ USD, xuất siêu 0,9 tỷ USD).
Một trong những hợp tác trụ cột lâu năm giữa Việt Nam và LB Nga là lĩnh vực dầu khí thông qua liên doanh Vietsopetro (Việt Nam 51%, Nga 49%). Từ khi Nga tiếp quản vị trí của Liên Xô sau năm 1991, thì hợp tác khai thác dầu khí Vietsopetro luôn đưa lại lợi nhuận cho cả hai phía. Trong hai thập niên gần đây, hàng năm, Vietsopetro mang về cho Nga khoản nộp ngân sách từ 500 triệu – 800 triệu USD. Riêng năm 2021, dù gặp khó khăn của đại dịch Covid -19, Vietsopetro vẫn đạt doanh thu 1 tỷ 684 triệu USD. Ngân sách nhà nước thu về 922 triệu USD. Lợi nhuận hai phía đạt 282,5 triệu USD.
Về quan hệ quân sự, Việt Nam là khách hàng “truyền thống trung thành nhiều năm của Nga”. Hầu hết các vũ khí của Việt Nam được mua từ sau năm 1991 đều có nguồn gốc chủ đạo từ Nga. Trong các vũ khí chính mà Việt Nam đã mua của Nga gần đây có: 6 tầu ngầm lớp kilo, 36 máy bay đa nhiệm Su-30MK2 (một chiếc đã bị rơi năm 2016), 4 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion.
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thì từ năm 1995 – 2021 tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam khoảng 9,07 tỷ USD, trong đó Nga chiếm 7,4 tỷ USD (81,6%).
Như vậy, về vũ khí, Việt Nam là khách hàng truyền thống của Nga. Việt Nam phải trả tiền cho các vũ khí mua từ Nga, chứ không phải là vũ khí viện trợ. Cho nên, Việt Nam là khách hàng được Nga quan tâm chăm sóc. Vì Nga cần bán vũ khí.
Về giá cả thì không thoát ra ngoài quy luật thương mại - giá cả phụ thuộc vào số lượng. Nước mua càng nhiều, như Trung Quốc và Ấn Độ, thì giá cả và dịch vụ càng được ưu đãi. Càng mua về sau thì vũ khí càng thuộc về đời mới.
Vũ khí của Nga có lợi thế là ít đắt hơn vũ khí phương Tây, phù hợp với túi tiền của các nước không giàu. Trong các nước Asean, Indonesia cũng là khách hàng đã từng mua máy bay Su 27 và Su 30 của Nga, nhưng gần đây đã chuyển mạnh sang thị trường phương Tây. Ngày 10/2/2022 Indonesia ký hợp đồng mua 6 trong đơn đặt hàng 42 máy bay Rafale của Pháp. Ngày 11/2/2022, Indonesia lại ký hợp đồng trị giá 13,9 tỷ USD để mua 36 máy bay F-15 Eagle của Mỹ.
Trong các nước Asean, Singapore là quốc gia “chịu chơi” vũ khí đắt tiền của Phương Tây. Năm 2020 Singapore đã chi 2,75 tỷ USD để mua 12 tiêm kích tàng hình F-35B. Ở Đông Nam Á, có thể nhìn thấy Singapore là nước có quân đội và vũ khí hiện đại theo sát với chuẩn Mỹ và Châu Âu.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia mua nhiều vũ khí từ Nga. Trung Quốc mua để ăn cắp công nghệ rồi tự sản xuất. Vì thế, loại vũ khí hiện đại nào của Nga đem bán thì Trung Quốc cố mua bằng được, nhưng với số lượng lớn thì Nga mới chịu bán. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sau Nga sở hữu S 400 (2014, ký hợp đồng 3 tỷ USD mua 6 tổ hợp S 400). Su 35 của Nga chào bán, Trung Quốc cũng là khách hàng đầu tiên với hợp đồng 24 chiếc trị giá 2,5 tỷ USD (2019). Nga còn chuẩn bị chào bán máy bay tàng hình Su-57 cho Trung Quốc.
Còn Ấn Độ thì mua và có trường hợp thì cùng hợp tác với Nga để cùng sản xuất. Ngoài ra, Ấn Độ có khả năng cải tiến vũ khí Nga thành chủng loại mới. Trung Quốc chưa mua được vũ khí của Mỹ. Trong khi Ấn Độ gần đây đã dành khoảng 50% chi phí quốc phòng để mua vũ khí Phương Tây.
Từ năm 2014, sau khi chiếm Crimea của Ukraine thì Nga bị cấm vận. Nguồn cung cấp vũ khí của Nga đối mặt với khó khăn. Cụ thể như trường hợp Việt Nam mua 4 tàu hộ vệ Gepard lớp thứ 3 và thứ 4. Trong khi đóng tàu, do bị cấm vận, Ukraine không cung cấp động cơ. Việt Nam đã phải đàm phán song song với Nga để duy trì dự án, và đàm phán với Ukraine để mua được động cơ. Hai tàu được đưa vào biên chế năm 2017, hai tàu tiếp theo bị huỷ.
Các chủng loại vũ khí mà Việt Nam mua của Nga thì Trung Quốc đều có, với số lượng lớn hơn và với các đời hiện đại hơn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí. Giai đoạn 1995- 2014 Nga chiếm khoảng 90% thị trường vũ khí Việt Nam. Nhưng giai đoạn 2015-2021 thị phần của Nga còn 68,4%. Trong phần còn lại có: Israel (13,7%), Belarus (5,7%), Hàn Quốc (3,3%), Mỹ (3%, Hà Lan (2,4%).
Tóm lại, quan hệ hợp tác kinh tế và quân sự giữa Việt Nam và LB Nga là quan hệ hợp tác sòng phẳng, hai bên cùng có lợi, không ai chịu ơn ai.
3. KHÔNG DỰA VÀO TÌNH CẢM QUÁ KHỨ
Tình thế địa chính trị đã đưa ông Putin vào vùng ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình. Quan hệ Nga – Trung hiện nay được tuyên bố là “không có giới hạn”. Không phải bây giờ, mà từ năm 2016 ông Putin đã tuyên bố ủng hộ lập trường Trung Quốc ở Biển Đông.
Quan hệ quá khứ với Liên Xô buộc Việt Nam phải chọn phiếu TRẮNG trong hai lần bỏ phiếu 02/3/2022 và và 24/3/2022. Trong lần bỏ phiếu thứ 3 vào ngày 07/4/2022, nhiều người dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục chọn phiếu TRẮNG. Nhưng trong sự ngạc nhiên của nhiều người, đại diện Việt Nam tại LHQ đã từ bỏ thế “trung lập” để “chọn phe”.
Lá phiếu CHỐNG của Việt Nam ngày 07/4/2022 được một chuyên gia phân tích chính trị thế giới có uy tín, và là người có thiện cảm với Việt Nam là GS Đại học New South Wales (Australia) Carlyle Thayer mô tả “Việt Nam đã tự bắn vào chân mình”:
“Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.
Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga”.
Một đối tác của Nga, “nặng cân” hơn nhiều so với Việt Nam là Ấn Độ, trong lần bỏ phiếu thứ 3 cũng tiếp tục chọn phiếu TRẮNG mà không chọn phiếu CHỐNG. Nga coi trọng quan hệ Nga – Ấn hơn nhiều so với quan hệ Nga – Việt trên mọi bình diện - quân sự, kinh tế, ngoại giao, địa chính trị.
Thế giới không ngừng thay đổi. Sau khi Putin mang quân xâm lược Ukraine, Phần Lan và Thuỵ Điển đang từ bỏ vị thế trung lập để gia nhập NATO.
Trong quan hệ quốc tế, không dựa vào tình cảm quá khứ. Ủng hộ ai hay không ủng hộ ai, chọn con đường nào - phải dựa vào quyền lợi dân tộc, dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào lẽ phải, dựa vào xu thế tiến bộ nhân loại. Quyền lợi dân tộc là ở hiện tại và tương lai, chứ không phải ở quá khứ.

VIỆT NAM ĐỨNG VỀ PHÍA NGA LÀ DO BỊ ÉP HAY TỰ NGUYỆN ?
NGUYỄN HOÀNG/RFA/TD 12-4-2022

Cho dù Việt Nam bị ép hay tình nguyện, hậu quả của cả ba lần bỏ phiếu của đại diện Việt Nam tại ĐHĐ LHQ (UNGA) thật là khôn lường. Một trong những hậu quả nguy hiểm đối với Việt Nam là sự thay đổi bàn cờ chiến lược trên Biển Đông. Việt Nam sẽ hầu như một mình chống lại bành trướng Trung Quốc, có thể sẽ được hậu thuẫn của một nước Nga thời hậu chiến.
Các ngạc nhiên từ một lá phiếu
Dư luận sẽ còn mất nhiều công sức để tìm hiểu xem tại sao chính quyền CSVN hôm 7/4 lại bỏ phiếu chống việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council/ UNHRC). Giới chuyên gia đều ngạc nhiên trước ba khía cạnh liên quan đến quyết định này.
Thứ nhất, bỏ phiếu chống giống Trung Quốc và các quốc gia chuyên chế khác, nhưng chính quyền lại giấu nhẹm đi, không cho người dân trong nước biết sự thật. Thứ hai, bỏ phiếu chống song trong tuyên bố trước LHQ, đại sứ Đặng Hoàng Giang vẫn leo lẻo: “Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế”. Thứ ba, khi Nga bị loại khỏi thì báo chí trong nước lại đưa tin rằng, Nga đã “quyết định rút sớm khỏi HĐNQ”. Một quốc gia không thể quyết định rút khỏi một tổ chức quốc tế, khi trước đó đã bị đình chỉ quy chế thành viên.
Về ngạc nhiên thứ nhất, Nhà nghiên cứu Văn hoá Minh triết Nguyễn Khắc Mai đã giải thích cho truyền thông quốc tế từ Hà Nội ngay trong ngày 8/4, là vì chính quyền Việt Nam muốn giấu cái xấu xa của mình: “Đấy là một trò xảo quyệt, để che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ hàm ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn thế’… nhưng vì mối quan hệ thế này thế kia, nên buộc phải làm vậy, nhưng tôi đã không cho đưa tin trên báo chí… Đấy là cái cách của cái đám xảo quyệt, nhưng không dấu được ai. Bởi vì bàn tay không thể che đậy nổi mặt trời. Đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng đắn và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu thế giới người ta lên án, mà rõ ràng nó quá xấu rồi, nó độc ác rồi, mà cũng không dám lên tiếng” (1).
Về ngạc nhiên thứ hai, Giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam – gọi lựa chọn của chính quyền CSVN là “tự bắn vào chân mình”. Còn nhiều người Việt Nam khác lại xem hành động bỏ phiếu chống ấy là “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể”. Nhận xét, Việt Nam “tự bắn vào chân mình” là hoàn toàn chính xác, vì theo chuyên gia này, với lá phiếu chống, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước phương Tây hỗ trợ Việt Nam trên các mặt, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên UNHCR nhiệm kỳ 2023-2025. Còn ý “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể” cũng đúng nốt, vì không người dân Việt Nam nào quên thảm cảnh quân Polpot tàn sát làng Ba Chúc trong năm 1978, hệt như những hành động lính Nga gây ra ở thị trấn Bucha (2).
Về ngạc nhiên thứ ba, tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” tại LHQ khi đa số thành viên của cộng đồng quốc tế cùng cho rằng, cần phải bày tỏ thái độ dứt khoát đối với những hành động man rợ của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine như cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát thường dân, hủy diệt các cơ sở dân sự…?
Cũng giống với hai lần trước, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng, nghĩa là dửng dưng, không bày tỏ thái độ trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Nga hãy chấm xứt cuộc xâm lăng Ukraine và thế giới hãy giúp đỡ người dân Ukraine trong cơn hoạn nạn hiện nay. Nhưng lần thứ ba này, VN còn tiến xa hơn hai lần trước, không chỉ dửng dưng mà còn phản đối những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh ở Ukraine. Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng đã bày tỏ sự uất hận: "Bằng lá phiếu chống nghị quyết của cộng đồng nhân loại vạch mặt cái ác, nhà nước Việt Nam đưa cánh tay ra bảo vệ cái ác Putin Nga” (3).
Các hậu quả thật khôn lường
Như vậy là đã có ba cuộc bỏ phiếu lớn về Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược. Lần thứ nhất (ngày 2/3) lên án cuộc xâm lược, lần thứ hai (ngày 24/3) yêu cầu bảo vệ dân thường, viện trợ nhân đạo, cả hai lần này, Việt Nam đều bỏ phiếu trắng. Lần thứ ba (ngày 7/4) đề nghị trục xuất Nga khỏi UNHCR, Việt Nam bỏ phiếu chống.
Trước cuộc bỏ phiếu, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Máxcơva hôm 6/4 cho biết, những nước đồng ý với nghị quyết của UNGA sẽ bị coi là “các quốc gia không thân thiện” và sẽ lãnh những hậu quả trong quan hệ song phương. Tuyên bố này nhắc nhở Việt Nam sự phụ thuộc vào Nga về vũ khí, trang bị, huấn luyện quốc phòng. Ngoài ra, sự lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc, chịu nhiều sức ép và ảnh hưởng của Trung Quốc trong các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam cũng không phải là điều xa lạ.
Quan trọng hơn tất cả, sự tồn tại mô hình độc tài – độc quyền quản lý nhà nước của CSVN chỉ có thể được bảo đảm bằng sự ràng buôc mật thiết với Trung Quốc và Nga, các cựu đồng minh, vừa yêu vừa ghét cả trước kia lẫn ngày nay. Quan hệ với Mỹ và Phương Tây, dù có cần thiết đến mấy, vẫn chứa đựng “nguy cơ” dân chủ hoá, tự do hóa xã hội Việt Nam, đe dọa sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN (4).
Cho nên, không ngẫu nhiên, cả ba lần Việt Nam đều biểu quyết giống hệt như Trung Quốc. Sau ba lần bỏ phiếu như thế, nhà nước Việt Nam đã đánh mất tính chính danh trong con mắt của người dân trong và ngoài nước. Người viết có rất nhiều bạn bè, thân hữu từng học ở Liên Xô, trong đó có nước Cộng hoà Ukraine, từng giữ những kỷ niệm tốt đẹp về thời kỳ XHCN ở đó. Nay, trước cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga đối với một nước Ukraine dân chủ, tất cả những tình cảm trước đây bỗng tan thành mây khói.
Họ nhận ra, nước Nga không còn gì là XHCN nữa, ngược lại đang bị lãnh đạo bởi một kẻ chống cộng gian ngoan, xảo quyệt. Nói một đằng làm một nẻo. Giống hệt nhà nước Việt Nam. Những người bạn này gọi điện từ Ukraine bom đạn, kề cận cái chết, nhưng vẫn đủ bản lĩnh để khẳng định rằng, họ xấu hổ vì mang quốc tịch Việt Nam, đất nước đang ủng hộ một kẻ bệnh hoạn như Putin tiến hành cuộc diệt chủng trên toàn Ukraine (5).
Một doanh nhân người Việt sống ở Ukraine, không muốn nêu danh tính, nhận định, phản ứng của Việt Nam về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, thể hiện qua ba lần bỏ phiếu trước UNGA, là sự đồng loã với cái ác, là lối ứng xử đáng xấu hổ: “Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Chính phủ CSVN. Đó là một chính phủ hoàn toàn suy nghĩ khác với bọn tôi là những người Việt sống ở Ukraine”. Cộng đồng cũng cho biết, dân sở tại họ cũng chẳng coi Việt Nam có một vị thế gì đáng kể trên thế giới, cũng như không có ảnh hưởng gì đến cuộc chiến của người ta. Cái người ta cần là sự ủng hộ của những nước có khả năng về kinh tế, về vũ khí… như phương Tây, EU và Mỹ… Bên này, họ phân biệt giữa nhà nước cộng sản với người dân Việt bình thường sống trong kềm kẹp.
Một trong những hệ quả nguy hiểm khác mà TS. Nguyễn Ngọc Chu đã viết trên FB của mình là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine sẽ làm thay đổi bàn cờ chiến lược trên Biển Đông. Vấn đề thiết thực, sống còn, với Việt Nam hiện nay và trong nhiều năm tới là an ninh trên Biển Đông. Phải bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Nhưng các nhân tố tham gia quyết định bàn cờ địa chính trị ở Biển Đông sẽ thay đổi vị trí. Sau chiến tranh Nga – Ukraine, tình thế và vai trò của Nga ở Biển Đông không còn như trước. Chỉ còn ba lực lượng trực tiếp quyết định bàn cờ địa-chính trị ở Biển Đông: Asean, Trung Quốc, Mỹ và đồng minh. Sẽ là bất lợi lớn, nếu sau chiến tranh, do sự giảm sút vị thế, Nga rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nga sẽ bán cho Trung Quốc các hợp đồng khai thác dầu khí trên Biển Đông đã ký với Việt Nam (6).
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, như nhà văn Nguyễn Thọ đã viết, cho đến nay được 6 phần trên FB của ông. Trích mở đầu phần thứ 6: Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đặt thế giới trước một cục diện mới. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân bỗng trở nên hiện thực, dù người ta chỉ nói đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những gì Nga đã và đang làm tại Ukraine là hết mức vô trách nhiệm. Putin không chỉ vô trách nhiệm với nhân loại khi cho quân đánh vào Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, mà còn coi sinh mạng binh sỹ Nga như rác. Sau khi quân Nga rút khỏi Chernobyl cùng các con tin Ukraine, người ta tìm thấy các công sự của lính Nga đào trong cát trắng đầy chất phóng xạ. Trong các thức ăn và đồ vật lính Nga để lại, người ta kinh ngạc vì lượng phóng xạ đo được. Không phải Putin không biết gì về phóng xạ, mà tính mạng của những người lính Nga không quan trọng bằng lời đe dọa hạt nhân ông ta muốn gửi đi từ đó. Ngoài ra là các thảm họa: phá hủy sinh thái, nạn diệt chủng, nạn đói do thiếu lúa mì, khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cuộc chiến này đã thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới (7).
_________
Tham khảo:
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét