Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

20220410. QUANH VỤ TRẺ TỰ TỬ VÌ ÁP LỰC KỲ VỌNG CHA MẸ

ĐIỂM BÁO MẠNG


NỖI ĐAU CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA, LỖI CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA

ĐOÀN BẢO CHÂU/TD 2-4-2022


Nỗi đau của tất cả chúng ta, lỗi của tất cả chúng ta | Tiếng Dân

Một cậu bé nhảy từ tầng 28 xuống, ngay sau khi đưa thư cho bố, ngay sau khi bố kèm học đến hơn 3 giờ sáng.
Có nhiều bạn bảo đừng viết nữa, đừng đưa tin nữa, đau lòng lắm và cũng đừng dạy dỗ những người làm cha mẹ của cháu bé nữa. Tôi thì tin rằng cha mẹ cháu bé sẽ không bao giờ đọc những gì được viết trên mạng xã hội đâu, họ còn đâu tâm trí để đọc nhưng chúng ta thì lại cần thiết phải đối mặt với câu chuyện kinh khủng này để tránh những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Trước hết, xin được chia sẻ với nỗi đau tột cùng của cha mẹ cháu bé. Tôi viết không phải để trách móc hay dạy dỗ. Họ đã quá đau khổ và vô cùng đáng thương.
Khi một sự việc đau lòng như thế này xảy ra, ấy là lỗi của toàn xã hội, bởi chính quan niệm xã hội đã ảnh hưởng tới mỗi người làm cha mẹ. Lần trước, khi một cháu bé đã làm điều tương tự, đã có nhiều bạn chê trách nhưng tôi tin rằng việc nói lên quan niệm đúng là điều quan trọng, bởi nó có thể tránh được những bi kịch có thể xảy ra.
Đọc bức thư được viết bởi một cậu bé thông minh, tinh tế, nét chữ đẹp mà lòng tôi quặn đau.
Bậc làm cha mẹ thì ai cũng muốn con mình có được tương lai tốt, nhưng học tốt, với điểm số cao chưa chắc đã đảm bảo cho một tương lai tốt. Nghịch lý ở chỗ là chúng ta muốn các con có một tương lai tốt nhưng lại bắt chúng khổ sở trong hiện tại. Tôi phản đối cho trẻ con học quá 10 giờ tối. Người lớn khi làm việc căng thẳng tối ngày đã không cảm thấy vẻ đẹp của cuộc sống thì đứa trẻ với tâm lý non nớt sẽ cảm thấy nặng nề hơn nữa.
Đừng ép con học nhiều, nếu thấy các con trong cuộc sống ít cười đùa trong gia đình, ấy là cuộc sống đã mất thăng bằng và cần điều chỉnh. Không bao giờ nên đánh đổi tuổi thơ lấy một tương lai không chắc chắn. Tuổi thơ thiếu kỉ niệm đẹp, thiếu tiếng cười thì cả cuộc đời về sau cũng sẽ không bao giờ quay trở lại được cảm xúc đẹp đẽ đã mất. Không có điểm số nào, không có thành tích, danh hiệu nào đáng để đổi lấy cảm xúc tuổi thơ.
Khi ta quan tâm và trân trọng tới những giá trị thật như cảm xúc tuổi thơ, tới tiếng cười của con trẻ và của chính chúng ta thì chúng ta sẽ bớt bị ám ảnh bởi thành tích, danh hiệu nọ kia. Chính người lớn chúng ta cũng vậy thôi. Đấu đá trong công việc làm gì nếu đêm không ngủ ngon, sức khoẻ giảm sút? Còn ai coi trọng mấy thứ ấy thì ta không cần quan tâm, không giao thiệp bởi hệ giá trị của họ khác với ta.
Trong đấy có phần lớn lỗi của ngành giáo dục. Một nền giáo dục kiểu gì mà tỉ lệ học sinh giỏi, xuất sắc cao ngất ngưởng nhưng khi sinh viên tốt nghiệp đại học xong thì trình độ vẫn thấp khi so với mặt bằng chung của thế giới? Cải cách giáo dục cần phải cho thời gian học giảm xuống chứ không phải tăng lên và đừng kì vọng vào việc giỏi toàn diện các môn với học sinh.
Hãy chấp nhận con mình chỉ nên giỏi một số môn mà chúng thích và đừng quá coi trọng điểm số. Biết chấp nhận vui vẻ và thản nhiên những điều hạn chế của chính mình là một bài học cần thiết cho cả trẻ con lẫn người lớn bởi đấy chính là bản chất và thực tế của cuộc sống.
Một người giỏi toán nhưng nếu bảo sáng tác thơ, hay chơi âm nhạc thì nếu não không được sinh ra với ưu đãi về mấy môn này thì có học cả trăm năm cũng không bằng một đứa trẻ mấy tuổi có năng khiếu về mấy lĩnh vực này. Ngược lại có người nhạy cảm và xuất sắc với nghệ thuật nhưng mấy động tác thể dục đơn giản làm mãi cũng vẫn lúng túng hay động đến toán thì não cứ trơ ra.
Biết chấp nhận để thư giãn và việc nói với con biết chấp nhận kết quả thực tế sau khi đã nỗ lực là quan trọng. Điều mấu chốt ở đây là các con có tinh thần trách nhiệm, cố gắng hết sức còn kết quả đến đâu là tuỳ. Hết sức nhưng trong giới hạn, nhất định các con phải có thời gian giải trí mỗi ngày.
Đây là bức thư của cháu bé đưa cho bố trước khi con quyết định hành động dại dột. Thương con, thương bố mẹ của con nhiều, cầu mong các bậc làm cha mẹ có quan niệm đúng về việc dạy con. Nhất định trong nhà phải có tiếng cười, phải có đùa vui, nếu không mọi việc khác đều vô nghĩa.
***
Bức thư viết tay của em học sinh. Ảnh trên mạng
“Con rất xin lỗi vì hành động bồng bột của con đã hoặc sẽ làm. Thực sự thì cuộc sống cũng quá mỏi mệt rồi, Nó chẳng phải là suy nghĩ bột phát lúc nóng giận mà là con đã nghĩ đến việc này từ rất lâu chỉ là tiếc, Tiếc vì những suy nghĩ vu vơ làm thế sẽ không gặp may và cũng tiếc còn những người bạn, những con game bỏ lâu rồi, còn bao bài nhạc chưa nghe. Không hẳn là cuộc sống của con khổ sở mà có thể chỉ là con tiêu cực quá, nhưng có ra sao thì kết quả vẫn vậy. Chuyện này có lẽ chả phải lỗi của ai ngoài con cả, giãi bày nhanh thôi...
Chia buồn với Tú vì sẽ chịu nhiều tính khí của mẹ hơn, mẹ rất quan tâm nhưng luôn làm sai, luôn thái quá và dần anh mày chả còn tháy cái ích của việc chia sẽ khi mà ý kiến của mình chẳng thực sự quan trọng. Chào bố một người dễ nóng, ít quan tâm, ít tham gia nhưng luôn muốn có cái nhìn hiểu biết khi ....Thế thôi, chả bỏ cục, chả hay ho gì cả nhưng đây chắc là những dòng cuối. Tạm biệt. 1/4 luôn, đời như trò đùa vậy”.

KHAI PHÓNG VÀ SỨC KHỎE TINH THẦN CON NGƯỜI

THÁI HẠO/ TD 2-4-2022


Sau thông tin về cái chết thương tâm của em học sinh lớp 10 tại Hà Nội, tối qua một người bạn tôi đã tỏ ra lo lắng và căng thẳng cực độ. Bạn ấy sợ, vì cũng có con đang trong độ tuổi đi học.
Nỗi lo của bạn là sợ con rơi vào mâu thuẫn, bị khủng hoảng giá trị khi mà sách vở nhà trường nói một đằng nhưng thực tế xã hội thì một nẻo, chúng gần như trái ngược nhau. Lâu nay, bạn vẫn hướng cho con đến sự thật, đến các giá trị phổ quát của loài người như sự thật, bình đẳng, tự do, cá nhân, tình thần khai phóng…
Bạn hoang mang bởi, sợ rằng bản thân sẽ đẩy con vào chỗ bế tắc khi nó không thể giải quyết được sự mâu thuẫn giữa những gì người ta nói và bắt nó nghe theo ở trường học với những giá trị mà cá nhân nó đang hình thành và tin tưởng.
Trong nỗi lo lắng của bạn mà chính tôi cũng từng rơi vào, tôi hiểu lòng cha mẹ - nó chính đáng và cần được đồng cảm, và tôi cũng biết bạn đang dao động, có cả ân hận nữa. Rằng, chẳng thà không cho con biết, để nó yên ổn mà sống một cuộc đời, còn hơn là đẩy nó vào tấn bi kịch của sự giằng co khốn khổ. Hình ảnh em học sinh nhảy lầu ám ảnh bạn.
Tôi đã nói với bạn rằng chính việc không biết gì cả ngoài những điểm số, thành tích, xếp loại ở trường mới giết chết những đứa trẻ, “giết chết” theo nghĩa rộng. Sự hiểu biết tỉ lệ thuận với dũng khí của con người, người càng có sở học rộng lớn sẽ càng bình tâm trước những biến cố của cuộc sống. Một người biết theo đuổi các giá trị lớn và chân chính, thì điểm số đối với họ chỉ là chuyện vặt vãnh. Họ không bận tâm và chúng cũng không thể tác động vào họ đến mức gây ra một vụ tự tử. Những mâu thuẫn trong đời sống cá nhân, những hơn thua tị hiềm ích kỷ hẹp hòi danh lợi v.v.. cũng vì thế mà nhỏ lại, chìm xuống, tan đi. Đó chính là con đường rộng nhất, sáng nhất để bồi bổ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho mỗi người và cho cả một cộng đồng.
Việc bịt mắt con cái và bịt mắt nhau, giam nhốt con người trong sự tối tăm của những thứ vặt vãnh vô bổ và coi đó là giá trị, chính điều ấy mới giết chết họ. Khi mà thế giới đã bị thu hẹp lại chỉ trong những bữa ăn, những con số, xe cộ và áo quần; thì cũng có thể chỉ vì những thứ ấy mà họ chọn cái chết.
Khai phóng. Nếu muốn con cái mạnh mẽ, có một tinh thần cường tráng thì không gì bằng khai phóng cho chúng. Con đường khai dân trí để dẫn đến dân khí là con đường sáng suốt và gần như tất yếu; không thể làm ngược lại.
Sự ngu muội bao giờ cũng dẫn tới sợ hãi, chán chường, bi quán nếu không háo danh và mù quáng theo đuổi những thứ phù phiếm.
Tôi nói với bạn tôi rằng, tôi chấp nhận để con tôi “học dốt” ở trường, thậm chí lưu ban và bỏ học; nhưng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nói dối nó. Giấu giếm, bưng bít sự thật để hòng mưu toan bình yên thì đó chỉ là cái bình yên giả tạo. Và luôn luôn có nguy cơ đẩy con người ta vào bi kịch.
Chúng ta cần một xã hội cường tráng. Sự cường tráng cần được khơi dậy và nuôi lớn bằng sự thật và giá trị chân chính. Chừng nào còn mưu toan sự bình yên bằng cách nhắm mắt bịt tai, chừng ấy chúng ta sẽ còn phải sống trong và sống với một cộng đồng èo uột, yếu đối, bênh tật và hỗn loạn.
Không phải chỉ cha mẹ, mà xã hội, chính cái xã hội mang trọng bệnh của chúng ta, căn bệnh dối trá và bưng bít, đã ám lên người tất cả, từ già tới trẻ, từ trưởng thành tới trẻ em, gần như hiếm ai không trở nên ốm yếu và đầy bệnh tật trong tinh thần.
Cuối cùng, tôi không nói rằng cái chết của em học sinh ở Hà Nội là vì những lý do như tôi vừa nêu, mà ở đây tôi chỉ đang cố gắng giải quyết cái nan đề trong nhận thức cho bạn tôi (và cho tôi) mà thôi, xin không hiểu lầm. Vì tôi cho rằng điều này quan trọng hơn tất cả.

THÀNH NGƯỜI HƠN THÀNH TÍCH

TRẦN KIM THÀNH/ TVN 5-4-2022

“Con đã cứa tay chân nhiều lần trong nhiều năm, nhưng cha mẹ không biết”, cô bé vừa nói vừa đưa cho tôi xem những vết sẹo mờ chằng chịt trên cổ tay và cánh tay.

{keywords}

“Tại sao con lại chọn cách làm đau mình như vậy?”, tôi hỏi.

“Con làm thế để cái đau thể xác khỏa lấp đi những bứt rứt, khó chịu, khổ tâm mà con không chịu nổi. Con không có cách nào khác”.

Nữ sinh cấp 3 này được mẹ đưa đến gặp tôi trị liệu tâm lý sau một thời gian dài thấy con sa sút học tập, có những lời nói tiêu cực, dễ kích động và nổi giận bất ngờ. Một trong những tác nhân tạo ra tình trạng rối loạn tâm lý và trầm cảm của em là sự kiểm soát, kỳ vọng quá mức từ cha mẹ cũng như áp lực học tập ngày càng đè nặng. Cô là một học sinh trường chuyên, từng đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi các cấp. Đến khi gặp thêm biến cố tình cảm, tình bạn ở trường, cô bé “ngã quỵ”.

Một nam sinh cấp 3 ở một trường quốc tế cũng từng nhốt mình trong phòng hơn 1 năm trời. Em tìm cách kết thúc chính mình hơn 10 lần, được mẹ đưa đến gặp tôi. Em ở trong tình trạng u uất và trầm cảm nhiều năm trước khi có hành động đó. Em bị bắt nạt ở trường, gặp khó khăn trong học tập, không có người thân, bạn bè để chia sẻ, không tìm thấy sự hỗ trợ từ thầy cô và mẹ. Kỳ vọng quá lớn từ mọi người, em thấy mình là nạn nhân của gia đình, trường học, xã hội. Em thấy mình vô dụng.

Rèn luyện và phát triển cho các em khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề cũng như các kỹ năng sống là những việc thiết yếu hơn áp đặt thành tích học tập

Tình trạng đơn độc, u uất kéo dài suốt nhiều năm từ cấp 1 đến cấp 3. Cho đến khi em có hành động dại dột, mẹ em mới hoảng loạn và giật mình nhận ra. 

Đa số trẻ có ý định hay hành vi tự làm đau chính mình thường có những dấu hiệu trầm cảm, rối loạn tâm lý trước đó.  Nhiều lần trị liệu tâm lý cho những bạn trẻ đã từng hủy hoại cơ thể, mạng sống của mình, tôi nhận ra các em đều có chung một suy nghĩ là không còn cách nào khác để giải quyết những  bế tắc đang gặp  phải. Các em không chịu đựng được những kỳ vọng của người khác nữa. 

Trong lúc những cảm xúc tiêu cực như tức giận, tuyệt vọng, vô dụng, xấu hổ, tội lỗi, đau khổ bùng phát, có những em đã chọn cách giải thoát bằng kết thúc tất cả. Luôn  có cách tích cực hơn, hiệu quả hơn. Tiếc là các em trong tình trạng quẫn trí, không thể tự nhìn ra. 

Dành thời gian đồng hành cùng con

Sẽ tốt hơn nếu cha mẹ nhận biết tình trạng sớm, giúp các em gỡ rối và chữa lành tổn thương tâm lý. Điều này chỉ có được khi phụ huynh dành thời gian quan sát, lắng nghe, giao tiếp cởi mở, cho con cơ hội giãi bày. Nhận biết và thấu hiểu những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài con luôn quan trọng. 

Cha mẹ không để những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực tích tụ và bủa vây con một mình trong thời gian dài, không để con đơn độc trong những vấn đề của mình. Cha mẹ tạo cho con cảm giác an toàn, được yêu thương, được chấp nhận như con vốn là, thay vì áp đặt các kỳ vọng của bản  thân lên đứa trẻ. 

Khi thấy con có dấu hiệu trầm cảm hoặc tự hủy hoại, một giải pháp là đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để chữa lành những tổn thương bên trong. Một hệ thống các biện pháp tâm lý dựa trên nền tảng  y học và khoa học đúng giúp con giải quyết hiệu quả, thấu đáo những vấn đề đang mắc kẹt.

Trẻ lên 9 đã phát triển mạnh ý thức về bản thân và cuộc sống. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình phức tạp, những đứa trẻ nhạy cảm, hoặc đã phát triển mạnh cái “tôi” độc lập có nhiều vấn đề hơn những đứa trẻ vô tư.  

Sự kiểm soát, áp đặt nhận thức và kỳ vọng thành tích quá mức của cha mẹ sẽ khiến con trẻ cảm thấy bị phủ nhận, không được thấu hiểu và tôn trọng. Sự chỉ trích và đòi hỏi từ cha mẹ khiến con trẻ mang mặc cảm yếu kém, thậm chí tội lỗi. Những em tâm lý yếu luôn  thấy mình không đủ tốt, không đủ xứng đáng để sống nữa. Những lời la mắng, đòn roi khiến con trẻ sợ hãi hơn là trưởng thành.

Ý định dại dột không phải trò đùa trẻ con. Theo UNICEF, mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới. Theo WHO, tự tử là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong ở trẻ từ 15-19 tuổi.

Để ngăn ngừa hiểm họa này, cha mẹ ưu tiên dành thời gian đồng hành, giúp con có thời vui chơi, tập luyện thể chất và các sở thích cá nhân bên cạnh việc học tập. Rèn luyện và phát triển ở trẻ khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề cũng như các kỹ năng sống là những việc thiết yếu hơn áp đặt thành tích học tập. 

Thành người lúc nào cũng quan trọng hơn thành tích.

Trần Kim Thành

MỘT BÀI VIẾT ĐỘC HẠI
THÁI HẠO/ TD 5-4-2022
Liên quan đến những cái chết của các em học sinh trong mấy ngày qua, trên MXH xuất hiện một bài viết của nick Tạ Mai Hương, là một cô giáo. Bài viết được có nhiều nghìn lượt like, comment và chia sẻ. Tuy nhiên nội dung của nó thì quá độc hại, xin lần lượt điểm qua các ý trong bài.
1. Cô giáo này viết: “Các con thường oán bố mẹ không hiểu mình, nhưng các con có từng thật sự thấu hiểu bố mẹ mình hay chưa?”.
- Xin thưa rằng trẻ em có quyền “không hiểu” bố mẹ, vì chúng chưa trưởng thành, chúng cần được thấu hiểu để dạy bảo và phát triển. Đòi hỏi này của cô giáo là vô lý và có tính hơn thua với trẻ con.
2. “Các con thường luôn kêu gào là áp lực. Nhưng chẳng phải kim cương khác với than đá ở chỗ nó đã chịu áp lực cực lớn hay sao?”
- Ngụy biện. Không phải cái gì dưới áp lực cao cũng thành kim cương cả. Mỗi đối tượng cần một môi trường thích hợp với tính chất của nó để tồn tại và phát triển, không phải cái gì cho vào máy nén áp suất thì cũng đều ra kim cương đâu, không tin thì cô thử cho trứng gà vào mà xem! Người là người mà kim cương là kim cương, con người cần phát triển thành người hoàn thiện chứ không phải thành kim cương. Cô định chôn trẻ con xuống lòng đất để chúng thành kim cương sao? Con người sống trên mặt đất với cỏ cây hoa lá và muông thú, sống với bầu trời và ánh sao, không phải sống dưới âm phủ.
Mà không phải áp lực sẽ giúp người ta trưởng thành đâu, chính sự giáo dục, học hỏi, rèn luyện cùng kế hoạch làm việc khoa học và đúng cách mới mang tới hiệu quả. Áp lức chỉ sinh ra trầm cảm thôi!
3. “Con thường trách bố mẹ không nhẹ nhàng với con, không tâm lí, lắng nghe, dịu dàng, nhẫn nại... Thế khi đứa em nghịch cặp sách của con, con đã làm gì? Có phải con đã ngay lập tức gào thét ầm ĩ : 'Cút ra chỗ khác. Tao đánh chết mày bây giờ!' hay không”?
- Lại so sánh kiểu ngụy biện. Cái sai của người này không làm cho cái sai của người khác thành đúng được! Không phải con cũng sai với em con nên bố mẹ sai với con là hợp lý rồi! Lối nghĩ vừa ngu ngốc vừa ích kỷ.
4. “Bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, con không bao giờ tìm nổi người thứ hai yêu thương con và hi sinh vì con như thế đâu!!!”
Lại thách thức! Bố mẹ thương con thì đã đành, nhưng không phải vì thế mà phủ nhận tình cảm của tất cả mọi người với con. Không hiếm trường hợp “người dưng” sẵn sàng hi sinh cho con cái của chúng ta. Đáng ra phải dạy con thể hiện, trân trọng và đón nhận tình cảm của mọi người thì luận điệu này như muốn chặn đứa trẻ lại bằng sự ngờ vực và cảnh giác. Vả lại, bố mẹ thương con thì không có nghĩa là con cái không được thấy và chỉ ra cái sai của bố mẹ. Không thể lẫn lộn một cách ngô nghê như vậy được. Cô giáo này quên mất rằng, trong một đời người, thời gian con mình sống với “người dưng” nhiều hơn là với bố mẹ, đừng xúi dại nó như thế!
5. “Con đừng coi hành động của nam sinh lớp 11 kia là cách hay để dọa bố mẹ, để khiến bố mẹ phải hối hận, hay chí ít thì hiện tại phải chiều chuộng mình hơn… Sẽ chỉ có cánh cửa địa ngục với đòn tra tấn xẻ da róc xương nấu thịt đang chờ những đứa con bất hiếu thôi!”
- Đe dọa và khủng bố tinh thần. Đây là một hình thức của bọn độc tài, dùng quyền uy và sự hăm dọa để ngăn cản người khác biểu đạt. Khi một đứa trẻ phải chọn cái chết, hơn bao giờ hết cha mẹ phải tự nhìn lại mình, chứ không phải phát biểu một cách máu lạnh như vậy.
6. “Nếu như phải chết khi còn trẻ, thì hãy lấy máu mình tắm lên vinh quang lá cờ Tổ quốc, hãy dùng mạng mình mà cứu được người! Đừng chết 1 cách vô nghĩa như cách mà nhiều kẻ ngu muội, vô tri đang làm!”
- Điển hình của bệnh văn mẫu đã ăn vào máu; sự sáo rỗng và đao to búa lớn đã ngấm vào tủy, đọc lên chỉ thấy ngô nghê và nực cười.
Bài viết này, ngoài nạn văn mẫu kinh điển, ngoài lỗi ngụy biện phủ từ đầu đến cuối, ngoài sự lạnh lùng và đe dọa, nó còn chuyển tải một thứ tư duy hủ lậu, chuyên chế, độc đoán bằng một thứ văn chương hoa hòe hoa sói và giọng lưỡi thảo mai khiến người ta nổi da gà. Hơn nữa, tác giả còn cho thấy sự ích kỷ, hẹp hòi khi luôn so đo với trẻ con, ăn thua đủ và “ông chẳng bà chuộc” với những đứa còn là “nhi đồng thối tai”.
***
Điều đáng sợ là bài viết có tới mấy ngàn lượt chia sẻ với toàn những bình luận khen ngợi nức nở. Nó được hầu hết các bậc phụ huynh ủng hộ và tỏ ra sung sướng như vớ được báu vật.
Khi bài viết này được chính tác giả của nó đăng vào một group có tên “Giáo viên ngữ văn cấp THCS”, cũng lại nhận được cả ngàn lượt chia sẻ và like; vào đọc “còm men” của các thầy cô giáo mới thật kinh hãi, chỉ có những lời nức nở “hay, sâu sắc, tuyệt vời, cảm ơn…”. Tôi đếm được trong hơn 300 cmt chỉ có hai người là phản biện lại. Đáng tiếc, hai người này lại không phải giáo viên!
Hơn ở đâu hết, chính bên dưới cái bài viết độc hại này thể hiện rõ nhất “phụ huynh trí” và “giáo viên trí” trong cái xã hội chúng ta đang sống. Nhìn vào đó đúng là “mịt mù như nhìn chốn bể khơi”, không biết ngày nào trẻ con trên cái đất nước khốn khổ này mới được giải thoát khỏi cha mẹ và thầy cô của chúng!
________
Ghi chú của Tiếng Dân: Bài viết của cô Tạ Mai Hương hiện đã bị gỡ bỏ, đây là toàn bộ nội dung bài:
NÓI VỚI HỌC TRÒ NHÂN MỘT SỰ KIỆN BUỒN
Ngày 1/4 vừa qua, hình ảnh cậu học sinh lớp 11 lao ra khỏi ban công chung cư để kết thúc cuộc sống, cô không bàn ai đúng, ai sai, bài viết nhỏ này, chỉ muốn gửi đến các em – học trò của cô, cũng như con cô những lời thống thiết sau:
1. Các con thường oán bố mẹ không hiểu mình, nhưng các con có từng thật sự thấu hiểu bố mẹ mình hay chưa?
Khi người cha làm thợ xây về nhà sau một ngày dãi nắng cháy da, đôi tay sưng phù, mồ hôi đóng vẩy trên áo, thì con ông ấy đang làm gì? Lúc thì nó đang chơi điện tử, lúc nó đang mơ bộ đồ mới, lúc nó ngồi ăn snack nghe nhạc của thần tượng Hàn Quốc xa lạ. Nó đòi mua điện thoại cả chục triệu mà không biết, sáng nay bố nó còn nhịn đói đi làm.
Khi người mẹ làm y tá trở về nhà sau đêm trực thức trắng, phờ phạc, rời rã, từng thớ cơ như rơi rụng, thì con gái cô ấy đang làm gì? Nó có tới bóp vai cho mẹ, hỏi mẹ nổi 1 câu: “Mẹ có mệt không?” hay không?
Các con hãy nhớ, mọi thứ đều phải đến từ 2 phía. Khi các con chưa biết quan tâm và biết ơn bố mẹ, thì mọi sự đòi hỏi là không công bằng, thiếu tình cảm.
2. Các con thường luôn kêu gào là áp lực.
Nhưng chẳng phải kim cương khác với than đá ở chỗ nó đã chịu áp lực cực lớn hay sao?
Con muốn đời mình đáng giá như kim cương hay nhạt nhòa như than vụn??
Tất nhiên cô không đồng tình với những áp lực đến mức phi lí, nhưng con phải hiểu rằng: Chẳng có thứ gì đến dễ dàng cả. Không học hành (học cả sách vở và đời sống) thì không thành tài! Không trải qua gian lao thì không trưởng thành! Không cho đi thì không được nhận lại! Đây là quy luật!
3. Con thường trách bố mẹ không nhẹ nhàng với con, không tâm lí, lắng nghe, dịu dàng, nhẫn nại...
Thế khi đứa em phá cặp sách của con, con đã làm gì? Có phải con đã ngay lập tức gào thét ầm ĩ : “Cút ra chỗ khác. Tao đánh chết mày bây giờ!” hay không?
Thế khi bố mẹ vừa hỏi thăm vài câu, có phải con đã gắt gỏng um lên:" Kệ con. Bố mẹ biết gì mà cứ hỏi"?
4. Người lớn không phải tự dưng mà lớn. Mà là những vết chai sạn, những sẹo tổn thương, những gánh nặng... cứ lớn lên theo năm tháng. Ở cơ quan 8 tiếng, đôi khi phải chạy vào nhà vệ sinh lén lau nước mắt.
Về đến nhà, bố mẹ ốm đau cần núi tiền đi viện, cần người chăm sóc; đống hóa đơn điện + nước + mạng cần thanh toán; sắp tới giờ ăn cần tiền đi chợ; cuối học kì đến nơi – con cần tiền đóng học; bộ quần áo nhiều năm đã cũ cần mua mới; máy lạnh hư cần thay, xe máy hư cần sửa...
Đôi khi, đến ăn còn nhịn, thở còn gấp, ngủ còn tranh thủ chợp mắt... Cha mẹ làm sao còn đủ thời giờ học những cách làm bố làm mẹ tâm lí nhất theo cách con muốn?
Nhưng họ lại có 1 thứ mà dù cả tỉ người kia muốn học cả đời không làm nổi: đó là yêu thương con vô cùng!
Thế nên, bước ra khỏi vòng tay bố mẹ, con không bao giờ tìm nổi người thứ 2 yêu thương con như thế đâu!
5. Con đừng coi hành động của bạn học sinh lớp 11 kia là cách hay để dọa bố mẹ, để khiến bố mẹ phải hối hận, hay chí ít thì hiện tại phải chiều chuộng mình hơn.
Sẽ chỉ có cánh cửa địa ngục đang chờ những đứa con bất hiếu thôi!
6. Nếu như chọn việc chết khi còn trẻ, thì hãy dùng mạng mình mà cứu được người! Đừng chết 1 cách vô nghĩa như cách mà nhiều kẻ ngu muội, vô tri đang làm!
7. Khi cô Mai Hương bằng tuổi con, cũng từng bị bố mẹ cho ăn đòn nhiều lần, bị mắng nhiều trận... Cô đã viết ra cả trăm trang nhật kí để đau đáu một điều: Rốt cuộc thì bố mẹ có thương mình hay không? Mình có nên sống không?
Thế nhưng, khi cô ốm nặng, nằm giường bệnh giữa đêm, lén nghe thấy tiếng mẹ khóc, còn bố thì nói : “Dù có phải bán mạng, anh cũng sẽ lo cho con”. Lúc ấy, cô đã hiểu, sự nghiêm khắc của họ, cái roi của họ, câu mắng của họ - là một dạng đặc biệt của tình yêu!
Hãy biết đặt mình vào vị trí bố mẹ, chắc chắn thay vì oán trách, con sẽ thấy biết ơn!

Ảnh: Cô Tạ Mai Hương, giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, chụp chung với học sinh trước cổng trường. Nguồn: AFamily

NGÀNH GIÁO DỤC NÊN LÀM GÌ ?
MẠC VĂN TRANG/ TD 7-4-2022

Một cô giáo nhắn tin cho tôi, hỏi: Hiện tượng học sinh tự tử ngày càng đáng lo ngại, bây giờ giáo dục cần làm gì?
Về vấn đề này trước đây tôi đã viết mấy bài rồi. Nhưng bây giờ đúng là một câu hỏi vẫn cấp thiết và quan trọng. Tôi xin trả lời chung đối với ngành Giáo dục mấy điều.
Sau vụ một nam học sinh lớp 10, 16 tuổi, học trường chuyên Amsterdam Hà Nội nhảy lầu tự vẫn ngày 2/4/2022, trên mạng xã hội tràn ngập những ý kiến thương xót, oán giận, phê phán, nhưng rồi không biết nên làm gì.
Trước hết cần biết rằng, trong giáo dục không chỉ có nêu gương tốt, mà một vụ việc tốt, xấu, hay, dở, thành công, thất bại, đều có thể là bài học giáo dục cho học sinh, nếu biết cách làm.
Tôi đề nghị ngành giáo dục nên làm mấy việc.
1. Hội đồng giáo viên tất cả các trường học đều cần thảo luận:
- Tại sao việc giáo dục lại gây áp lực căng thẳng đối với học sinh?
- Giáo viên phải làm gì để giảm áp lực đối với học sinh?
- Làm thế nào để phát hiện một học sinh có vấn đề tâm lý tiêu cực (stress, trầm cảm…)
- Khi phát hiện một học sinh có vấn đề tâm lý tiêu cực thì giáo viên phải làm gì để giúp học sinh vượt qua trạng thái tâm lý đó?
- Làm sao để học sinh được học là vui thích, hạnh phúc, chứ không phải lo hãi, buồn bực, căng thẳng?
2. Học sinh THCS, THPT phải làm gì?
Giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn học sinh mấy câu hỏi và thảo luận ở lớp:
- Em có biết chuyện có học sinh tự tử không? Ví dụ?
- Theo em vì sao bạn học sinh đó tự tử?
- Tự tử vì bế tắc. Vậy khi gặp bế tắc tâm lý, ta có những cách gì để giải thoát?
- Làm sao để biết bạn mình có “vấn đề tâm lý bất ổn” (Lo hãi, buồn tủi, chán đời, bế tắc…)
- Khi biết bạn “có vấn đề tâm lý bất ổn" thì cần làm gì?
- Có khi nào em gặp “vấn đề tâm lý bất ổn" không? Nếu có thì đó là chuyện gì và giải quyết/ xử lý như thế nào? (sau khi trao đổi về chủ đề này nên cho mỗi em viết một “bài trao đổi tâm tình".
Từ những cuộc trao đổi giữa các giáo viên, bài viết của học sinh, giáo viên Chủ nhiệm tập hợp lại, nghiên cứu, có thể làm thành một tài liệu kinh nghiệm giáo dục bổ ích.
3. Với cha mẹ học sinh
Những điều đã thu được từ cuộc thảo luận tại Hội đồng giáo viên nhà trường và từ học sinh, giúp giáo viên có vốn kiến thức và kinh nghiệm để làm việc với cha mẹ học sinh.
Hội Cha mẹ học sinh từng lớp từ Tiểu học đến THPT đều cần họp, thảo luận nghiêm túc chuyên để: Cha mẹ làm gì để việc học của con là niềm vui, là hạnh phúc?
- Học để làm gì?
Học để con trẻ có hiểu biết mới, năng lực mới; đối với con trẻ có hiểu biết mới, năng lực mới (so với trước đó) là sung sướng lắm, hạnh phúc lắm. Cho nên học giúp trẻ tạo ra hiểu biết mới, năng lực mới một cách sung sướng, hạnh phúc, chứ không phải học thật nhiều để kiệt sức, đau khổ, tủi nhục.
- Không thể bắt con mình giống như con hàng xóm được.
Mỗi trẻ là một cá thể có một không hai, không ai giống ai, nên không thể bắt em này phải như em kia, con mình phải giống con hàng xóm; không thể bắt đứa trẻ phải phát triển theo ý bố mẹ được. Nó là nó!
- Phải tôn trọng quyền sống, quyền phát triển tự do của mỗi đứa trẻ.
Đứa trẻ sinh ra dù câm, mù, điếc, chân tay tàn tật, ngu dốt… nó đều có quyền sống làm người, được tôn trọng và tự do phát triển theo khả năng mà tạo hoá ban cho. Nó có quyền “kém cỏi", quyền “ngu dốt”. Tại sao lại bắt nó phải “Tiên tiến", “giỏi", “xuất sắc"? Quan trọng là bằng thực lực “năng lực sẵn có" của mỗi em, hãy giúp nó phát triển lên, hiểu biết hơn trước, biết làm việc hơn trước. Thế là sung sướng. Xem con mình có khả năng gì thì giúp nó phát triển cái đó cao hơn, còn các mặt khác cứ trung bình, kém cũng được. Miễn là trẻ thấy vui thích, ham học hành sáng tạo cái mà nó yêu thích, mang giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích.
Nhớ rằng quyền được tôn trọng, được sống hạnh phúc là cao nhất đối với đứa trẻ. Bạn muốn con mình sống vui tươi, khỏe mạnh, hạnh phúc hay muốn ép học để stress, trầm cảm và chết? Học để vui sướng, chứ học để chết thì học làm gì?
- Vậy bạn làm gì để giảm áp lực học tập cho con?
- Làm gì để mối quan hệ cha mẹ và con cái thân ái, có thể chia sẻ được mọi điều với nhau?
Tóm lại, từ hiện tượng gia tăng học sinh tự tử vì áp lực học tập, nhà trường nên tiến hành một số việc gợi ý nêu trên. Giáo dục không phải là “tuyên giáo" kiểu “Tốt khoe, xấu che", trốn tránh sự thật! Không chỉ riêng chuyện này mà nhiều chuyện khác cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật và tìm cách giải quyết vấn đề một cách trực diện. Như vậy học sinh mới cứng cỏi, trưởng thành, chứ không mãi là những “đứa trẻ" ươn hèn, nhút nhát, trốn tránh sự thật. Biết đối diện với sự thật sẽ làm trẻ trưởng thành!
Chẳng hạn vấn đề “Bạo lực học đường", trước đây có một vụ rất nghiệm trọng xảy ra ở một trường THCS, tôi đã đề xuất nhà trường đó phải tổ chức cho 6 em học sinh đánh bạn dã man làm Lễ tạ lỗi trước toàn trường. Các em đó không chỉ đến nhà em bị hại xin lỗi, quà cáp xuê xoa là xong. Các em này có lỗi với tất cả các bạn, có lỗi với thầy, cô; có lỗi với cha mẹ học sinh, vì làm mất thanh danh nhà trường, làm xấu hổ cho toàn trường.
Lễ đó làm thật nghiêm túc, có tác dụng giáo dục, từng học sinh có lỗi phải nhận lỗi, xin lỗi, quỳ xuống tạ lỗi bạn bị hại và toàn trường. Em bị hại nói lời tha thứ cho các bạn. Tất cả ghi hình lại và tất cả các lớp của các trường THCS đều thảo luận để rút ra bài học. Nhưng Bộ giáo dục sợ “chuyện bé lại xé ra to, phức tạp". “Em bị đánh đã được chuyển trường rồi!”.
Thế là chẳng nâng cao được lòng tự tin và sự tha thứ của em bị hại, mà trong vô thức ẩn ức mãi nỗi đau đớn, tủi nhục; chẳng gây “sốc" cho suy nghĩ, cảm xúc của mấy học sinh “đầu gấu" kia khiến chúng phải ghi nhớ mãi. Nhà trường đã vội vã xóa đi mọi cái trong sự vô cảm, nhạt nhoà. Cái xấu, cái ác vẫn nhởn nhơ lẩn quất trong học đường.

Một nền giáo dục luôn luôn né tránh sự thật, không dạy học sinh biết đối diện với sự thật thì làm sao học sinh có thể thành người TRƯỞNG THÀNH!

THƯA CÁC BẬC LÀM CHA MẸ

MẠC VĂN TRANG/ TD 9-4-2022

Thưa các bậc làm cha mẹ | Tiếng Dân

Có bạn “còm" vào bài tôi viết “Ngành giáo dục nên làm gì?" (trước vấn nạn học sinh tự tử), bảo tôi viết một bài với cha mẹ học sinh về vấn đề này.
Thực ra con trẻ tự tử do áp lực học tập chỉ là “giọt nước tràn ly" có nguyên nhân bao trùm là mối quan hệ tồi tệ giữa cha mẹ và con cái. Về vấn đề này tôi đã đề cập nhiều chuyện trong cuốn sách “CHA MẸ VÀ CON TRẺ" và cuốn “TÂM LÝ LỨA TUỔI và GIÁO DỤC"; các vị nên tìm đọc và nhiều cuốn sách của các tác giả khác nói về quan hệ cha mẹ và con trẻ, về giáo dục gia đình.
Trong bài viết này, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều vắn tắt, gợi mở để cùng suy nghĩ.
1. Người Việt ta có truyền thống gắn bó tình cảm gia đình, con cái được giáo dục lòng hiếu thảo với cha mẹ… Đó là điều tốt đẹp cần gìn giữ.
Nhưng khi cha mẹ đem tình cảm, mong ước của mình ép con phải tuân theo; đòi hỏi con phải “đền ơn, đáp nghĩa" theo mong muốn của cha mẹ… thì hỏng. Tình cảm không có được bằng cưỡng ép. Tình cảm là sự đồng cảm, rung động giữa hai bên mới có được. Khi cha mẹ và con cái sống trong bầu không khí ấm áp, cảm thông, quan tâm lẫn nhau, tôn trọng nhau, trò chuyện với nhau, chia sẻ được mọi điều suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, trắc trở… thì sao con cái có thể bỏ nhà ra đi, có thể stress, trầm cảm, tự tử? Cha mẹ tạo ra được đời sống tình cảm gia đình như vậy, tự nhiên con cái sẽ biết yêu quý cha mẹ, yêu thương lẫn nhau, biết “đền ơn đáp nghĩa” cha mẹ một cách tự nhiên, mà không cần phải đòi hỏi; không cần phải “diễn" như kiểu lãnh đạo đi tặng quà “người có công" mỗi dịp có sự kiện gì đó!
2. Người Việt ta có truyền thống coi trọng sự học; vượt lên thân phận nghèo hèn bằng con đường học tập là điều tốt đẹp. Mà trẻ em ta cũng có khả năng học tập ngang với trẻ em Âu - Mỹ, chứ không thua kém. Đó là cái vốn quý giá của dân tộc ta.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ sai lầm ở chỗ, cứ muốn con mình phải “học giỏi", phải “tiên tiến", “xuất sắc" bằng hoặc hơn con nhà người ta và nhằm cho con thi vào trường Ngoại Thương, Kinh tế, Công an, Y dược, Công nghệ thông tin… Không được như ý thì buồn bực, thất vọng, đau khổ.
Thưa các vị, tạo hoá sinh ra mỗi con người là một cá thể độc đáo, có một không hai; có vậy ta mới nhận ra người thân quen trong hàng tỉ người, nếu không thì lẫn lộn loạn xạ hết! Đời sống tinh thần nói chung và năng lực mỗi con người cũng vậy, không ai giống ai. Ông cha ta từng nói: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính"! Hãy coi đứa con là do Trời/Chúa trao cho mình nuôi dưỡng; giáo dục là phát huy những “năng lực sẵn có” mà tạo hoá ban cho nó, chứ không phải áp đặt ý muốn chủ quan của cha mẹ lên đứa trẻ.
Tại sao khi ta trồng một cái cây, nuôi một con vật, ta phải tìm hiểu rất kỹ, quan sát nó hàng ngày để lựa mà chăm bón, cho ăn uống, chăm sóc sao cho thật phù hợp mới hy vọng nó sống và phát triển tốt; còn khi ta nuôi dạy con trẻ lại rất tùy tiện, không chú ý quan sát, tìm hiểu đặc điểm của mỗi đứa trẻ để chăm sóc, giáo dục cho thật phù hợp để nó phát triển tự nhiên, vui sướng?
Con người mới sinh ra là sinh vật yếu nhất, không thể tự kiếm sống và lớn lên được. Nhưng con người lại phát triển rất nhanh, nhất là về trí khôn, ý thức về bản thân và khả năng sáng tạo. Lúc đứa trẻ mới ra đời phải được người lớn chăm sóc giáo dục 100% nhưng đứa trẻ khôn lớn đến đâu, người lớn phải “lùi dần" ra để trẻ tự làm lấy những gì nó có thể làm. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ (và giáo viên) phải có những thay đổi căn bản cách ứng xử để trẻ từng bước trưởng thành, nhất là các thời điểm khi trẻ 3 tuổi, 6 tuổi, 11 tuổi, 15 - 16 tuổi, 17- 18 tuổi. Trưởng thành nghĩa là biết tự ý thức, tự suy nghĩ, tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm một cách có lý lẽ.
Nếu con đến 18 tuổi, cha mẹ bảo: Con trưởng thành rồi, muốn chọn học gì, làm gì, yêu ai, sống như thế nào… tự con quyết định lấy; con cần hỏi gì thì bố mẹ tư vấn thôi. Như vậy là giáo dục thành công. Còn ngược lại thì giáo dục thất bại.
Các vị thử kiểm lại xem giáo dục của mình có đúng không? Có thành công không? (Nếu chưa thành công thì đành tự an ủi: Cái nước mình nó thế, như cô giáo Trần Thi Lam từng viết:
“Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”…
Thế rồi rút kinh nghiệm, dặn con cháu mình: Đừng như bố mẹ, ông bà!).
3. Giáo dục con quan trọng nhất là giúp nó trưởng thành và có một nghề nghiệp/công việc phù hợp.
Học nhồi nhét cực khổ, huỷ hoại cả tuổi thơ để có bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng vẫn chưa trưởng thành, chưa có một nghề nghiệp/công việc để tự nuôi sống mình và có ích cho xã hội thì giáo dục thất bại.
Cha mẹ phải chịu khó tìm hiểu xem con trẻ có khả năng và hứng thú về lĩnh vực nào, nghề nghiệp gì, hãy tạo điều kiện cho con thực hiện điều đó. Không cứ phải bằng cấp nọ kia mới là thành công.
Tôi có người quen, chồng là GS, vợ là TS, cậu con trai học Đại học Bách khoa năm thứ 2, đi làm thêm “bưng bê” cho một hàng ăn, rồi yêu con gái chủ tiệm, bỏ đại học để học nghề nấu bếp ở nhà hàng. Bố mẹ vật vã muốn chết. Họ tìm tôi “cứu con trai họ"! Sau khi tìm hiểu, tôi bảo hãy tôn trọng quyết định của cháu. Họ giận dữ, ghét tôi. Họ tập trung hết sức bồi dưỡng cho cô con gái học lớp 10 để đi Mỹ du học. Ông bố buồn bã uất hận, xuất huyết não, bán thân bất toại; bà chăm ông được mấy năm cũng tiều tuỵ xác xơ. Mấy năm trước tôi đến thăm, ông bà đều bảo, may mắn có vợ chồng thằng Hiếu nó ở gần chăm sóc chu đáo lắm, chứ trông vào con Huyền thì chết khô. Nó học đại học rồi lấy chồng Tây, nó cưới nhau chúng tôi đâu có sang được. Mà đến giờ vợ chồng nó cũng chưa về thăm.
Có nhiều chuyện tương tự như vậy lắm. Cho nên quan trọng của giáo dục không phải là học nhồi nhét thật nhiều, có nhiều bằng cấp, mà là hướng dẫn con có lối sống lành mạnh, từng bước tự lập để trưởng thành; học ít thôi, nhưng học phải nghĩ, phải hành, phải trải nghiệm trong đời sống và tìm được một công việc phù hợp, yêu thích để sống tử tế và có ích cho xã hội. (Học nhiều thứ vô bổ đầy đầu, mụ người, rồi sau lại phải vứt bỏ, tẩy rửa; làm nhiều việc vô ích, phí hoài tuổi trẻ, sau hối tiếc thì muộn rồi).

Thưa quý vị, trao đổi chuyện giáo dục thì dài lắm. Xin phép tạm dừng ở đây.

PHÒNG CHỐNG TỰ TỬ Ở TRẺ EM CẦN CÓ SỰ PHỐI HỢP GIỮA NHIỀU BÊN

HOA TRẦN/GDVN 10-4-2022

Liên quan đến những vụ việc học sinh tự tử gần đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường và Sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) xoay quanh vấn đề nóng này.

Phóng viên: Thưa Bác sĩ Hiện nay có rất nhiều các em đang độ tuổi học sinh tự tử gây hoang mang dư luận và gây lo lắng cho bậc phụ huynh. Theo bác sĩ thì trách nhiệm của người giám hộ và môi trường giáo dục trong vấn đề này như thế nào ạ?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Thực ra ở Việt Nam ta, khái niệm người giám hộ chỉ dùng để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.

Cần thiết phải có người giám hộ khi xảy ra khi có vấn đề liên quan đến pháp luật, tranh chấp, tố tụng… khi trẻ vắng cha mẹ vì 1 lý do nào đó (Cha mẹ bị bệnh nặng đang điều trị, cha mẹ đi tù hoặc đi nước ngoài công chuyện không thể có mặt kịp…). Trong trường hợp em bé này có đủ cha mẹ thì không cần thiết có người giám hộ.

Theo tôi chúng ta không nên đổ lỗi cho Cha mẹ, Nhà trường, hoặc tìm trách nhiệm của ngành Giáo dục.

Vì đây là một hiện tượng xã hội, hầu hết các em học sinh của nền giáo dục phổ thông nước ta đã bị dồn ép, tích tụ từ lâu rồi.

Thực tế nước ta trong 2 năm qua 2020-2021, trẻ em và thanh thiếu niên phải cách ly xã hội do dịch COVID-19, các cơ sở vui chơi giải trí, phát triển văn hóa tinh thần trẻ em bị đóng cửa, học tập online, các em suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, không được giao tiếp bạn bè và tiếp xúc xã hội ngoài cộng đồng, giảm thiểu tiếp cận với môi trường tự nhiên.

Đó là chưa kể đến nhiều gia đình các em còn bị chửi mắng và bạo lực từ các thành viên của gia đình do bản thân người lớn và các bậc cha mẹ cũng bị rơi vào tình trạng tương tự và nhiều cha mẹ đã đổ mọi bực bội lên đầu con em mình…. những hành động này càng làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý xã hội trẻ em.

Theo thông báo của UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tại Hà Nội, tỷ lệ từ 28-32% ở học sinh Trung học cơ sở (theo kết quả nghiên cứu khoa học của tôi 2009-2011 - Bác sĩ Nguyễn Trọng An-công bố năm 2012), trên thực tế đã có rất nhiều em đã bị rối nhiễu tâm trí, nhiều em chuyển thành bệnh thực thể như lo âu, trầm cảm... và hậu quả là các vụ thanh thiếu niên tự thương và tự tử rất thương tâm.

Trường hợp của em bé học sinh này khi gặp 1 sự cố như bị bố ép học làm cho đủ bài tập hoặc bị thầy cô ở trường mắng mỏ, bạn bè trêu chọc …sẽ chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường và Sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Bác sĩ có thể lý giải một phần nguyên nhân của những vụ trẻ em tự tử trong thời gian gần đây?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Nói về nguyên nhân tự tử của em thì sẽ có cơ quan chuyên môn xác định. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, em này đã bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở mức độ trầm cảm, có ý định tự tự tử và đã thực hiện hành vi tự tử. Còn nói về nguyên nhân em bị rối loạn sức khỏe tâm thần thì là một phức hợp, gồm nhiều nguyên nhân như sau:

- Bị xâm hại hoặc bóc lột tình dục, bạo lực thân thể và tình cảm.

- Các áp lực về học hành từ gia đình hoặc nhà trường, bị bắt nạt bạo lực học đường…. sự gắn bó với nhà trường và vị trí trường học.

- Tình trạng sứt mẻ trong quan hệ tình cảm nam nữ hoặc người thân trong gia đình,….

- Tình trạng trầm cảm, lo âu, các cảm xúc buồn bã và vô vọng hoặc bị kích động, tác động bởi ma túy, chất kích thích …. cũng có liên quan đến ý định tự tử và thực hiện hành vi tự tử.

Bản thân các em học sinh đã bị trầm cảm, em vẫn cứ chịu đựng, không chia sẻ với ai và không có ai thấu hiểu dẫn tới em bị bế tắc, tuyệt vọng.

Trong khi đó, cả gia đình và nhà trường đã không biết hoặc không hề nghĩ tới. Vẫn tiếp tục duy trì các hành vi, lời nói, các quy tắc học tập như trước, thậm chí là ép buộc, tạo ra áp lực quá ngưỡng… đã dẫn tới tình trạng “Giọt nước tràn ly” và hậu quả thường là tự thương, hủy hoại cơ thể hoặc tự tử như em học sinh này.

Phóng viên: Bác sĩ có lời khuyên nào cho cả phụ huynh và nhà trường để bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ gây tổn thương tinh thần và tránh các vụ việc đau lòng như vừa qua?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Không phải gia đình nào cha mẹ đều có kiến thức và sự hiểu biết. Cần thiết phải hỗ trợ các gia đình kỹ năng và kiến thức để nhận biết, phát hiện sớm các dấu hiệu chỉ báo bất thường, ngăn chặn sớm.

Do vậy, chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội trẻ em và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn tự tử, xâm hại, bạo lực, bắt cóc, tự tử ở trẻ em và vị thành niên…cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các sớm gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc không để xảy ra.

Bạo lực, oan ức của trẻ người lớn không thấu hiểu sẽ rất dễ dẫn đến con trẻ hành động dại dột. Ảnh minh họa chưa rõ nguồn

Các bậc cha mẹ cần biết rằng, với con em mình đang ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình.

Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi. Mong các bậc cha mẹ luôn là người bạn thân thiết của con, hãy lắng nghe trẻ nói và chia sẻ cùng con.

Cha mẹ cần có sự quan tâm theo dõi con từ ăn ngủ cho đến học tập ở trường. Bố mẹ cần quan tâm hỗ trợ và giảm thiểu áp lực khi nhận thấy con quá tải thông qua sự ăn uống, giấc ngủ, mặc áo quần và cách giao tiếp năng của con để tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình.

Đối với Hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và từng trường học nói riêng, trước mắt cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo, tiếp đến là các môn giáo dục pháp luật, quyền con người và cuối cùng là cải tổ chương trình giáo dục từ cấp học tiểu học trở lên, giảm bớt các kiến thức bác học mang tính nhồi nhét và thay bằng giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa xâm hại/bạo lực/ tai nạn tự tử và các kỹ năng, kiến thức về tâm lý xã hội. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng tuyển chọn giáo viên cả về chuyên môn, đạo đức và sức khỏe.

Trân trọng cảm ơn Bác sĩ!

Hoa Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét