Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

20220426. PHIÊN HỌP 14 ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH KỶ LUẬT NHIỀU

 TẬP THỂ,  CÁ NHÂN

UBKTTƯ/ GDVN 22-4-2022

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Trong hai ngày 19 và 20/4/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 14.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

I- Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và đồng chí Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn, tăng vốn điều lệ, tổ chức Đại hội thường niên.

Đồng chí Diệp Dũng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của tập thể, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Saigon Co.op.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Nguyễn Thành Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op.

Xem xét trách nhiệm của một số đồng chí có liên quan, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định:

- Thay đổi hình thức kỷ luật Khiển trách bằng hình thức Cảnh cáo đối với các đồng chí: Nguyễn Vũ Toàn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op; Nguyễn Thanh Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Củ Chi; Hồ Ngọc Hoàng Dũng, Thành viên Ban Kiểm soát Saigon Co.op, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Phường 6, Quận 4.

- Kỷ luật Khiển trách đồng chí Hàng Thanh Dân, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thương mại Quận 3.

- Các đồng chí: Quách Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op; Hồ Mỹ Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op, tuy có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, song các đồng chí đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai trái của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng; trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định không thi hành kỷ luật các đồng chí Quách Cường và Hồ Mỹ Hòa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vi phạm nêu trên.

II- Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số tổ chức, cá nhân; căn cứ các quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:

- Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Ngô Hiếu Toàn, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.

- Cảnh cáo các đồng chí: Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Nguyễn Trần Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

- Khiển trách các đồng chí: Đặng Công Huẩn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Vũ Văn Họa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vì đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các đồng chí: Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Lê Tiến Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Lương Văn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; Hồ Lâm, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.

III- Xét đề nghị của Tỉnh ủy Khánh Hòa, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật các đồng chí: Võ Tấn Thái, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Dẽ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, do đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số quyết định có nội dung trái pháp luật tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự thuộc khu vực núi Chín Khúc và dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, tỉnh Khánh Hòa.

IV- Xét đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:

- Khiển trách đồng chí Trung tướng Hồ Thanh Đình, nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, do đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân Phan Sào Nam vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an.

- Cảnh cáo đồng chí Thiếu tướng Tống Mạnh Chinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện 30-4, Bộ Công an do đã vi phạm quy định trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

V- Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 13 về việc xem xét, xử lý trách nhiệm của một số cá nhân có vi phạm qua giải quyết tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách các đồng chí: Đinh Chung Phụng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình do vi phạm các quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng.

VI- Xem xét kết quả giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020 đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo, kiểm tra một số tổ chức đảng trực thuộc có liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm nêu trên. Yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các tập thể và cá nhân; kịp thời khắc phục, sửa chữa những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

VII- Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương
KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CHIẾN LƯỢC KIỂM TRA, GIÁM SÁT 
CỦA ĐẢNG
TTXVN/GDVN 25-4-2022
GDVN- Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Kết luận số 34-KL/TW:

"Qua hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược), nhận thức của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên; hệ thống văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát cơ bản được ban hành đồng bộ, thống nhất; nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Ủy ban kiểm tra các cấp được kiện toàn về tổ chức, cán bộ, bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật.

Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược ở một số nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; có nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa toàn diện, đồng bộ, hiệu quả thấp.

Một số ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban tham mưu của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chất lượng còn nhiều hạn chế.

Chưa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật từ Trung ương tới địa phương.

Những năm tới đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Bốn nguy cơ đối với Đảng, chế độ mà Đảng ta đã chỉ ra có mặt còn gay gắt hơn.

Tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ còn diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý là có sự cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, rất tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành...

Nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời với việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị khóa X, Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

I. Mục tiêu

Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; bổ sung, hoàn thiện phương pháp, nội dung công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới.

Đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên để phát huy, nhân rộng, kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát

Cấp ủy các cấp ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế... về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, cách làm hay, điển hình tốt, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát.

Cấp ủy các cấp ban hành quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, toà án nhân dân cùng cấp; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, không để chồng chéo trong tổ chức thực hiện.

Cấp ủy, nhất là người đứng đầu thường xuyên làm việc với ủy ban kiểm tra để nắm tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra.

2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát

Thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập...

Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ.

Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.

Cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp ủy viên và cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý phải thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh không để dẫn đến vi phạm.

Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách.

Quang cảnh một kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ủy ban kiểm tra cấp trên thường xuyên, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm, các vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay tại cơ sở, chi bộ.

3. Chủ động dự báo, kịp thời ban hành các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật

Đầu tư nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chủ động dự báo sớm, cung cấp cơ sở khoa học để kịp thời tham mưu cho Đảng về các chủ trương, đường lối, giải pháp có tính chiến lược trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Chủ động nghiên cứu, tham mưu, ban hành các văn bản của Đảng bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm; phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định các hành vi vi phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế về kiểm soát tài sản, thu nhập, quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong hoạt động của ngành kiểm tra. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, dự báo, tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra công minh, liêm chính; tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp đồng bộ, tinh gọn

Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ của cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp; quy định cụ thể cơ cấu, số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra kiêm nhiệm ở các cấp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuỵ, trách nhiệm. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp. Thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp để đào tạo, rèn luyện cán bộ. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp.

Xây dựng giáo trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cho cấp uỷ viên, cán bộ kiểm tra các cấp. Thường xuyên cập nhật kiến thức, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp ủy viên, ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp.

Nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thí điểm cơ chế đại hội đảng bộ bầu ủy ban kiểm tra; ủy ban kiểm tra cấp trên lựa chọn, giới thiệu, chuẩn y... thành viên ủy ban kiểm tra cấp dưới.

III. Tổ chức thực hiện

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện Kết luận này.

2. Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư."

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét