Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

20220418. CĂNG THẲNG NGA-UKRAINA (19)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


SỰ THỰC SỨC MẠNH CỦA SOÁI HẠM NGA  VỪA BỊ CHÌM

TUẤN TRẦN /VNN 17-4-2022

Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga, hôm 14/4 đã bị chìm khi đang được kéo về cảng.

Truyền thông Nga hôm 14/4 cho biết, tàu chiến Moskva của nước này đã chìm trong khi được kéo vào cảng giữa lúc có bão. “Một vụ nổ kho đạn dược đã dẫn đến hỏa hoạn và buộc các thủy thủ trên tàu phải sơ tán”, hãng tin TASS dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Tuần dương hạm tên lửa Moskva của Nga. Ảnh: Wikipedia

Tuần dương hạm tên lửa Moskva là chiến hạm thuộc lớp Slava được Liên Xô chế tạo và đưa vào biên chế từ năm 1983. Tàu có chiều dài 186,4m; sườn ngang rộng nhất là 20,8m; mớn nước 8,4m. Trọng tải tối đa của tàu này đạt gần 12.500 tấn. Số thủy thủ tàu Moskva có thể mang tối đa là 480 người.

Bản vẽ chiến hạm lớp Slava. Ảnh: Global Security

Tàu cần tới 4 tuabin khí để hoạt động. Vận tốc tàu có thể đạt 59 km/h, với tầm hoạt động lên tới 19.000km.

Do tác chiến trên biển, nên Moskva được trang bị nhiều loại radar tầm xa có thể phát hiện các mục tiêu trên biển hoặc trên không. Chẳng hạn, loại radar định vị và phát hiện mục tiêu tổng hợp MR-700 FREGAT được trang bị trên tàu có thể theo phát hiện tên lửa và máy bay đối phương lần lượt ở các khoảng cách 50km và 230km.  


Radar MR-700 FREGAT. Ảnh: Wikipedia

Theo trang Military Today, hệ thống vũ khí của tàu Moskva gồm có 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan với tầm bắn 700km, có thể mang theo các đầu đạn xuyên giáp, thông thường, hoặc hạt nhân tùy theo nhiệm vụ; 8 tên lửa phòng không tầm xa S-300F (phiên bản S-300 phóng từ chiến hạm); 1 pháo AK-130 cùng 6 pháo đa nòng AK-630.


Vị trí các hệ thống radar và vũ khí được trang bị trên tàu Moskva. Ảnh: Twitter

UKRAINE NÓI PHÁT HIỆN 900 THI THỂ, THUYỀN TRƯỞNG SOÁI HẠM NGA TỬ NẠN
HOÀI LINH/VNN 16-4-2022 

Ukraine tuyên bố tìm thấy hơn 900 thi thể ở khu vực xung quanh thủ đô Kiev đồng thời tiết lộ thuyền trưởng soái hạm Moskva của Nga đã thiệt mạng trong vụ nổ trên tàu.

Phát hiện 900 thi thể quanh Kiev

Hãng tin AP dẫn tin từ cảnh sát địa phương cho biết, hơn 900 thi thể dân thường đã được phát hiện ở khu vực quanh thủ đô Kiev sau khi quân Nga rút đi. Con số này đã tăng gấp đôi những gì chính nhà chức trách Ukraine thông báo cách đây hai tuần. 


Tìm thấy thi thể ở làng Vablia, khu vực Kiev. Ảnh: CNN

Andriy Nebytov, lãnh đạo lực lượng cảnh sát vùng Kiev cho biết, các thi thể bị bỏ trên đường hoặc được chôn cất sơ sài.

Quan chức này cho hay, dữ liệu cảnh sát cho thấy, 95% các nạn nhân chết vì vết thương do súng gây ra. Và rằng, mỗi ngày lại có thêm nhiều thi thể được tìm thấy dưới các đống đổ nát và trong các ngôi mộ tập thể. Số lượng nạn nhân lớn nhất được phát hiện ở Bucha, là hơn 350 thi thể. 

Ông Nebytov nói, các nhân viên công ích ở Bucha đã tập hợp và chôn cất các thi thể ở ngoại ô Kiev khi khu vực này vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga. 

Hiện Nga chưa có bình luận gì về thông tin Ukraine đưa ra. 

Khu vực phía đông Ukraine hứng chịu tấn công không ngừng

Giới chức Ukraine ngày 15/4 cho biết, Nga tấn công khắp Donetsk, Luhansk và Kharkiv ở miền đông Ukraine. Họ cảnh báo, trong vài ngày tới, Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn. 

Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Donetsk tuyên bố trên đài truyền hình rằng tình hình trong khu vực đang trở nên căng thẳng hơn. "Các cuộc pháo kích, không kích đã gia tăng. Kể từ ngày hôm qua, khu vực phía bắc vùng Donetsk, biên giới với vùng Kharkiv, đã có những nỗ lực nhằm đạt đột phá, song các cuộc tấn công đã bị đẩy lùi". 

Hãng tin CNN cho biết, hiện chưa thể xác minh tình hình chiến trường ở khu vực này. 

Oleh Synehubov, lãnh đạo chính quyền quân sự vùng Kharkiv nói, ở Kharkiv, không có ngày nào là khu vực này không hứng chịu không kích từ khi Nga tấn công Ukraine. Quan chức này thông báo, các khu vực dân cư ở Kharkiv đã bị pháo kích, khiến ít nhất 34 người bị thương, trong đó có ba trẻ em, và 7 người thiệt mạng. 

Serhill Haidai, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Luhansk nói, các cuộc pháo kích nhằm vào thành phố Severodonetsk hôm qua (15/4) đã làm hư hại hệ thống cung cấp nước và phá hủy hai kho lương thực. Theo ông Haidai, "Người Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng một cách thô bạo" và hỏa lực Nga đã nhằm vào các thị trấn Rubizhne và Kreminna, Severodonetsk.

Thuyền trưởng soái hạm Nga tử nạn


Thuyền trưởng soái hạm Moskva của hạm đội Biển Đen Nga Anton Kuprin. Ảnh: The Guardian

Theo Guardian, trong một thông báo trên Telegram, Anton Gerashchenko - cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine cho biết thuyền trưởng soái hạm Moskva của hạm đội Biển Đen Nga Anton Kuprin đã thiệt mạng trong vụ nổ và hỏa hoạn trên tàu này. 

Trong khi Ukraine tuyên bố, quân đội nước này đã tấn công tàu chiến Moskva bằng tên lửa vào ngày 13/4 thì Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một đám cháy bùng phát dẫn tới nổ kho đạn trên tàu. Hôm qua (15/4), một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, ông tin rằng hai tên lửa Neptune của Ukraine đã bắn trúng tàu chiến này của Nga trên Biển Đen. 

Soái hạm Moskva đã chìm khi được kéo vào bờ trong khi bão biển xảy ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. 

Nga cảnh báo Mỹ về việc chuyển vũ khí cho Ukraine

Vũ khí Mỹ chuyển cho Ukraine. Ảnh: Air Force

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, chuyến bay đầu tiên trong chương trình viện trợ mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ cho Ukraine dự kiến sẽ hạ cánh trong vòng 24h tới. Giới chức Mỹ trước đó tiết lộ, các yêu cầu cấp bách nhất như lựu pháo, đạn dược cũng như radar sẽ nằm trong số các món hàng đầu tiên được vận chuyển.  

Theo hãng tin RT, trong tuần này Nga đã gửi một bức điện ngoại giao tới Mỹ, cáo buộc nước này và các đồng minh NATO vi phạm các nguyên tắc nghiêm ngặt trong quản lý chuyển vũ khí đến khu vực xung đột và không nắm rõ mối đe dọa khi vũ khí có độ chính xác cao rơi vào tay những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những kẻ cực đoan và các băng cướp ở Ukraine. Bức điện cũng cảnh báo về những hậu quả khó lường nếu việc hỗ trợ vũ khí vẫn tiếp tục. 

Hiện, cả Washington lẫn Moscow đều chưa xác nhận tính chính thống của bức điện này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì cho biết, không có tư cách xác nhận bất kỳ thư từ ngoại giao riêng tư nào. 

Tuy nhiên, người phát ngôn này nói, không có gì có thể ngăn chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục hỗ trợ Ukraine. 

Hoài Linh


UKRAINE-SỰ LỰA CHỌN NGHIỆT NGÃ

NGUYỄN THỌ/ TD 14-4-2022



Khi Nga tấn công vào Ukraine, một làn sóng lo ngại bao trùm châu Âu. Hai nước trung lập Thụy Điển, Phần Lan và hai nước cộng hòa cũ xô viết cũ Moldavie và Gruzia đều muốn gia nhập NATO. Chủ nghĩa Đại Nga từng giăng móng vuốt của nó đến các nơi này. Phần Lan đã từng mất lãnh thổ cho Nga trong chiến tranh thế giới 2.
Ở nước Moldavia nói tiếng Rumanie, quân Nga đang đóng ở Transnitia, hỗ trợ quân ly khai gốc Nga từ 1992. Năm 2008, chỉ sau một tuần đánh nhau, Gruzia thất trận, chịu mất hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Đó chính là những kịch bản y như ở Donetzk và Luhanzk mà Nga đã dàn dựng ở Ukraine.
Có nghĩa là Putin có thể tìm cách thôn tính các nước trong vòng ảnh hưởng bất cứ lúc nào, nếu muốn. Những cái cớ "NATO", "Thân tây", "Bảo vệ kiều dân" chỉ lòe bịp được những kẻ nhẹ dạ.
Với một kẻ khổng lồ nguy hiểm như vậy thì các nước nhỏ làm gì cũng sai. Chỉ có 4 lựa chọn mà kiểu gì cũng có cái giá của nó.
A- Chấp nhận làm chư hầu;
B- Ngậm miệng, trung lập;
C- Hiện đại hóa, thoát Nga và theo NATO;
D- Cách C + Vũ trang để quyết chống lại.
Các nước Trung Á đều chọn A, Nga bảo hộ. Tajikistan nhờ Nga canh biên giới với Afghanistan. Khi Kazastan có biến, Nga đưa quân vào dẹp biểu tình hộ. Armenia phải nhờ Nga can thiệp giải quyết vụ Berg-Karabach.
Phần Lan chọn cách B trong khi 3 nước Baltic tý hon không có lãnh thổ để thế chấp như Phần Lan thì phải chui vào NATO theo cách C.
Đó có thể là các lựa chọn ít sai nhất để sống bình yên.
Trong các nước cộng hòa của Liên Xô cũ, chỉ có Ukraine có đủ sức mạnh về người và của để thực hiện giải pháp D. Belarus mấp mé khả năng này nên đã chấp nhân làm chư hầu.
Ukraine với 45 triệu dân và 600.000km² không hề là nước nhỏ. Quan trọng hơn cả, đây là lò vũ khí lớn thứ nhì của Liên Xô, có khả năng sản xuất từ AK47 đến xe tăng, đại bác, tên lửa và máy bay cỡ lớn. Công nghiệp nặng Nga phụ thuộc rất nhiều vào nguồn máy móc, cấu kiện của Ukraine. Năm 1998, Ukraine xuẩt khẩu 732 triệu USD vũ khí, xếp thứ sáu toàn cầu [1].
Khi Liên Xô tan rã 1991, Ukraine có thu nhập bình quân theo sức mua (PPP) dưới 10.000 USD, bằng Ba-Lan. Năm 2020, Ba-Lan đạt hơn 34.000USD, trong khi Ukraine vẫn ở mức 13.000 USD. Thoát Nga, dân chủ hóa và kinh tế thị trường minh bạch đã giúp Ba-Lan tạo ra khoảng cách này. Ukraine theo mô hình Nga, nhưng không có nhiều tài nguyên như Nga nên thành anh học trò kém. Chủ nghĩa tư bản thân hữu của các Oligarch đã làm suy kiệt nền kỹ nghệ. Năm 2020 xuất khẩu vũ khí Ukraine tụt xuống hàng 20, trong khi Nga vẫn đứng thứ nhì.
Một đất nước có tiềm năng kỹ nghệ nhưng suốt bao nhiêu năm chỉ nằm trong cái chăn ấm của Nga nên khi thấy chăn có rận, nhảy ra ngoài là chết cóng. Không chỉ nền kinh tế mà toàn bộ hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng của Ukraine bị Nga thao túng. Gián điệp của Nga cho đến hôm nay vẫn còn nằm sâu nhiều nơi [2]. Tổng thống Yanukovich bị cách mạng Maidan lật đổ tháng 2.2014, phải nhờ biệt kích Nga đến cứu mang về Nga tỵ nạn.
Mất Yanukovich là mất sân sau nên Nga ra tay chiếm ngay Crimea rồi gây hấn ở Donbas. Quân đội Ukraine bị Nga hóa đến mức án binh bất động. Quân Nga vào Crimea, Luhansk, Donetsk như vào chỗ không người.
Đến lúc đó người Ukraine bừng tỉnh và lo sợ, nhưng quân đội bất lực. Khi quân ly khai thân Nga chiếm cảng Mariupol tháng 4.2014, chính tiểu đoàn Azov, cánh tay trái của phong trào neonazi đã giải phóng thành phố và cứu quân chính quy [3]. Vai trò quan trọng của Azov trong cuộc chiến ở Donbas đã tạo cho Nga lý do "Xóa bỏ CN phát xít ở Ukraine". Quân đội yếu, phải dựa vào Azov thường khiến Kyiv khó xử trước các chất vấn về nhân quyền.
Từ sau vụ Crimea, những vấn vương cuối cùng với Nga tan biến. Giới tinh hoa Ukraine quyết tâm cải cách hướng Tây. Hướng Tây ắt phải loại trừ ảnh hưởng của Nga. Nga coi đó là bài Nga, tăng sức ép, kích động người Nga ly khai nổ súng.
Vòng xoắn bạo lực này đã khiến Ukraine phải đi đến lựa chọn nghiệt ngã "Tái vũ trang để tồn tại".
Ukraine từng yên tâm với "Ghi nhớ Budapest 1994", trong đó Mỹ, Anh và Nga cam kết công nhận và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Belarus và Kazachstan để ba nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nước nhỏ từ bỏ vũ khí hạt nhân vì không nuôi nổi nó là điều dễ hiểu. Nhưng sao nhãng luyện binh đao khi sống bên cạnh một kẻ đầy dã tâm là tự sát.
Giới lãnh đạo sau Maidan lập tức gấp rút canh tân đất nước, trước tiên ở quân đội, cảnh sát và mật vụ. Mỹ đã viện trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Ukraine các phương pháp tác chiến hiện đại nhất. Quân đội và tình báo Ukraine 2022 đã tiến một bước khá xa so với 2014. Nhưng việc mất Crimea với quân cảng Sevastopol, mất khu công nghiệp nặng ở Donbas và cuộc nội chiến kéo dài đã hạn chế đáng kể thành quả của tái vũ trang.
Ukraine có quân đội thường trực 200.000 người. Khi chiến tranh có thể huy động tới nửa triệu quân. Đó không phải là quân đội nhỏ. Tình báo Mỹ cung cấp cho Ukraine mọi thông tin về tập trung và hành quân của Nga, nhưng họ chỉ có cách chờ làn sóng đó tràn đến để tự vệ. Khi đó tổn thất sẽ rất lớn. Yếu điểm chết người của Ukraine là không có vũ khí tấn công.
Một quốc gia lẽ ra có thể là một cường quốc quân sự, nay phải đánh nhau theo kiểu du kích, phải cầu xin phương Tây viện trợ đủ thứ. Đó là một bi kịch.
Ở phương Tây dân chủ, chính phủ chỉ tồn tại nhờ phiếu bầu của dân. Dù hò hét bảo vệ tự do dân chủ, họ chỉ hành động theo nguyên tắc: Ủng hộ Ukraine đến mức mà an ninh và mức sống của họ không bị ảnh hưởng khiến dân chúng bất bình. Sự ích kỷ đó thể hiện rõ nét nhất ở Berlin, khi người ta ngần ngại cả việc cung cấp các vũ khí cũ của quân đội CHDC Đức đã tồn kho 32 năm qua. Ngay cả nước tiền tuyến như Ba-Lan cũng không dám cung cấp trực tiếp máy bay MIG-29 cho Ukraine. Hungary nằm sát Ukraine nhưng chính phủ dân cử của Orban vẫn đi đêm vơi Putin. Điều đó sẽ xảy ra ở Pháp nếu Le Pen thắng Macron cuối tháng này.
Không phải ở phương Tây mọi thứ đều tốt đẹp.
Nhưng dù sao đi nữa thì dân chủ vẫn là dạng nhà nước tiến bộ nhất hiện nay, và người Ukraine đã lựa chọn con đường đó. Dân tộc 45 triệu người không dễ bị lừa bịp. Họ cải cách theo mô hình EU vì đã có kinh nghiệm sống 72 năm trong nền chuyên chế XHCN và 30 năm trong một chế độ mà chính trị thì phụ thuộc vào ngoại bang, kinh tế chỉ chộp giật và chia nhau ăn hoa hồng.
Dù thời gian ngắn, nhưng 8 năm cải cách đã đem đến những thành quả không ngờ: Ukraine đã chặn đứng được cuộc xâm lăng của Nga. Putin đã nhầm khi nghĩ rằng mọi việc sẽ ngon như 2014.
Giá như những cải cách hiện nay được tiến hành sớm hơn, từ những năm 1990, khi Nga còn ngập trong khủng hoảng và được lãnh đạo bởi ông già nát rượu Yeltsin thì nay Ukraine đã đủ sức đánh phá tận gốc các căn cứ xuất phát của cuộc xâm lăng, không quân đã làm chủ không phận, kinh tế có đủ hạ tầng để hỗ trợ chiến tranh. Điều quan trọng hơn nữa là mức sống, nền văn minh và chế độ dân chủ sẽ khiến cộng đồng Nga ở đây không có lý do gì ly khai để chuốc đau khổ.
Putin chọn đánh vào Ukraine vì coi đó là mắt xích yếu nhất trong vành đai các nước dân chủ bao quanh Nga. Nhưng nếu nhìn thấy một quân đội Ukraine trang bị gấp 4-5 lần như hiện nay, mạnh cả về phòng thủ lẫn tấn công thì dù không có NATO, ông ta chưa chắc đã dám.
Nay Ukraine chỉ còn một lựa chọn, tuy nghiệt ngã nhưng sẽ phải đi đến cùng. May mà họ có tiềm lực và tầm cỡ để làm điều đó.
***
Việt Nam với 100 triệu dân cũng không thể nấp dưới cái vỏ "dân tộc nhỏ" để được sống nhược tiểu, luồn cúi. Luôn bị Trung Quốc đè nén mà lại học theo Trung Quốc thì sẽ chỉ là anh học trò tồi.
Cách tốt nhất để Bắc Kinh cụt hứng khi nhìn về phương Nam là hình ảnh một quốc gia có móng vuốt. Móng vuốt ở đây không chỉ là tiềm lực quốc phòng, một thể chế văn minh có sức đề kháng cao, một xã hội dân sự mà Trung Quốc chưa biết đến, mà còn là các đồng minh mạnh.
Đồng minh mạnh, bạn tốt chỉ có thể có khi anh đứng về phía chính nghĩa. Cách bỏ phiếu của Việt Nam về Ukraine trong 3 lần vừa qua, chứng tỏ Việt Nam vẫn chưa dám đứng về phía hòa bình và dân chủ.
Đó cũng là một lựa chọn nghiệt ngã.
_____
[2] Một gián điệp trong phái đoàn đàm phán với Nga vừa bị cơ quan tình báo Ukraine khử cuối tháng 3 vừa rồi.
[3] Quân đội Azov là nhánh quân sự của phong trào cực hữu thân phát xít Azov. Sau những cáo buộc của Mỹ về các vi phạm nhân quyền, chính phủ Poroschenko đã đưa nó vào biên chế quân đội Ukraine để khống chế. Nhánh thứ hai là lực lượng chính trị thì không có vai trò đáng kể trong xã hội. Bầu cử 2019 chỉ đạt 2% số phiếu.


CÁC CHÍNH TRỊ GIA ĐỨC PHẢN ỨNG VỀ VIỆC UKRAINE TỪ CHỐI TỔNG THỐNG ĐỨC THAM ĐẤT NƯỚC NÀY

HIẾU BÁ LINH/TD 14-4-2022


Đây là lời từ chối Tổng thống Đức Steinmeier tới thăm đất nước Ukraine một cách cứng rắn, không khoan nhượng: “Hiện nay Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier không được hoan nghênh ở Ukraine”. Vụ việc gây sửng sốt trong đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức mà ông Steinmeier là đảng viên).
Tổng thống Steinmeier muốn đến thăm Kyiv để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine, đúng vào lúc căng thẳng giữa Đức và Ukraine gia tăng gần đây, nhưng lãnh đạo Ukraine đã từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Steinmeier hôm 12/3.
Lý do từ chối rõ ràng là vì chính sách "thân Nga" của ông Steinmeier trước đây trên cương vị Ngoại trưởng Đức. Sự từ chối này là một bước đi nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng mối quan hệ giữa Berlin và Kyiv.
Axel Schäfer, nghị sĩ đảng SPD ở Quốc hội Đức, nói với báo Spiegel: "Sự từ chối của Zelensky là một sự sỉ nhục nguyên thủ quốc gia Đức không thể tưởng tượng nổi. Điều đó thật sự không giúp ích cho ai cả. Trong tình huống này, đào bới lại chuyện cũ là vô trách nhiệm. Không tha thứ, nhắc lại chuyện cũ thì cũng không sao nhưng dùng nó để tấn công là không thể chấp nhận".
Một sự sỉ nhục? Đúng. Koll, thuộc kênh truyền hình ZDF, bình luận. Kyiv cố tình tránh gặp mặt tổng thống Đức vì quan điểm trước đây của ông đối với Nga. Quyết định của Ukraine được coi là một hành động sỉ nhục ngoại giao bất thường và là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn sâu sắc đối với chính sách của Đức về Ukraine.
Với thế giới bên ngoài, giới chính trị Berlin phản ứng một cách lạnh lùng, nhưng bên trong hậu trường thì khác. Các chính trị gia Đức, không riêng đảng SPD, hầu hết các đảng phái lên tiếng chủ yếu chỉ trích Ukraine.
Yêu cầu Ukraine tuân thủ tối thiểu các thông lệ ngoại giao
Theo quan điểm của ông Rolf Mützenich, lãnh đạo Khối nghị sĩ đảng SPD, việc từ chối chuyển thăm của ông Steinmeier là "Không phù hợp đối với mối quan hệ chặt chẽ và lâu đời giữa hai quốc gia của chúng ta".
Hôm nay 13/4 tại Berlin, Mützenich nói rằng, sự từ chối của chính phủ Ukraine là "đáng tiếc". Mützenich nói: "Dẫu sao, chúng ta sẽ đảm bảo rằng quá trình này không gây nguy hiểm cho sự hợp tác của chúng ta". Đồng thời, Mützenich cũng nói rằng ông có sự cảm thông về "mối đe dọa sống còn đối với Ukraine do cuộc xâm lược của Nga gây ra".
Mützenich mong chờ tất cả các đảng phái dân chủ ở nước Đức sẽ "bảo vệ Steinmeier trước các cuộc tấn công phi lý".
Mặt khác, Mützenich cũng đưa ra bình luận mà có thể được hiểu là một sự phê bình Andrji Melnyk, đại sứ Ukraine ở Đức, là người đã tấn công chính sách của Đức trong nhiều tuần bằng những lời lẽ thẳng thắng, không ngoại giao. Ông Mützenich yêu cầu "các đại diện ngoại giao Ukraine tuân thủ tối thiểu các thông lệ ngoại giao và không can thiệp quá mức vào chính sách nội bộ của đất nước chúng ta".
Cố vấn của Zelensky biện minh cho quyết định của Ukraine
Olexey Arestovych, cố vấn tổng thống Ukraine, kêu gọi sự thông cảm về việc chính phủ của ông từ chối chuyến thăm của ông Steinmeier. Arestovych không rõ lý do, nhưng chính sách và các quyết định của Zelensky là rất cân bằng, ông cho biết trong chương trình Morgenmagazin của kênh truyền hình ARD. "Tổng thống của chúng tôi đang mong đợi Thủ tướng Đức (Olaf Scholz) đến thăm để ông ấy có thể đưa ra các quyết định thiết thực ngay lập tức, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đi thăm Kyiv?
Một mặt, từ chối Tổng thống Steinmeier; mặt khác Kyiv đang cố gắng gia tăng áp lực lên Thủ tướng Scholz, là người đã nhận được lời mời chính thức tới thăm Ukraine. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, liệu chiến thuật của Ukraine có hữu hiệu hay không. Đúng hơn, Thủ tướng Đức hiện đang chịu áp lực phải thể hiện sự đoàn kết với Tổng thống Đức.
Wolfgang Kubicki, Phó Chủ tịch đảng FDP, loại trừ việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ công du Kyiv. Ông Kubicki nói: “Tôi không thể tưởng tượng Thủ tướng của một chính phủ được đảng FDP liên minh cầm quyền, lại đi đến một quốc gia từng tuyên bố rằng nguyên thủ quốc gia của chúng ta là một người không được hoan nghênh”.
Kubicki giải thích rằng, ông có mọi sự thông cảm đối với giới lãnh đạo chính trị ở Ukraine, rằng đất nước họ đang chiến đấu để tồn tại. Ông nói tiếp: "Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó. Tôi không tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được cố vấn tốt là không nên từ chối một chuyến thăm như vậy từ Đức".
Chính trị gia đối ngoại của đảng SPD Schmid: "Hoàn toàn không thể hiểu được"
Nils Schmid, nhà chính trị phụ trách đối ngoại của đảng SPD cũng chỉ trích sự từ chối của Ukraine. Schmid nói trên đài phát thanh Deutschlandfunk: "Điều đó còn hơn cả sự tức giận. Chúng tôi là những quốc gia thân thiện và sẽ là một dấu hiệu tốt nếu Steinmeier đến Kyiv với những người đứng đầu chính phủ các nước khác". Quyết định của Kyiv "nhiều người Đức hoàn toàn không thể hiểu được".
Chuyên gia về chính sách đối ngoại của liên đảng CDU/CSU, Jürgen Hardt (đảng CDU), mô tả việc bị từ chối là một "gánh nặng" cho mối quan hệ giữa hai nước. Hardt yêu cầu trong chương trình Morgenmagazin của kênh truyền hình ARD, rằng Thủ tướng Scholz nên gọi điện cho Tổng thống Zelensky.
Thủ tướng Scholz nên "thảo luận riêng mọi việc với Selenskyj, và đặt mọi vấn đề của cả hai bên lên bàn", ông Hardt nói. Hardt cho rằng, một "cơ sở mới" cho quan hệ Đức - Ukraine cũng có thể được tìm thấy theo cách này.
Thông cảm Ukraine vì vai trò của Steinmeier dưới thời Thủ tướng Schröder
Hardt cũng bày tỏ sự thông cảm đối với quyết định của Ukraine, từ chối chuyển thăm của Steinmeier. Là Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder (đảng SPD), ông đã giúp làm cho đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 "trở nên khả thi".
Và ông đã giữ chức vụ Ngoại trưởng trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận Minsk, với việc Ukraine coi đàm phán này vào thời điểm đó chỉ là một "chiến thuật gài bẫy" của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chính phủ Ukraine cáo buộc Đức đã "dung túng cho việc này quá lâu", ông Hardt nói.
Trên Twitter, các đảng viên SPD cũng bày tỏ sự không hài lòng. Aydan Özuğuz, một đảng viên thuộc Ban chấp hành SPD, viết rằng, ông khó chịu khi chính phủ Ukraine "đòi hỏi hầu như mọi thứ từ chúng tôi, nhưng lại không muốn gặp Tổng thống chúng tôi. Tôi rất thắc mắc. Có lẽ tôi là người ngu dốt lắm".
Ralf Stegner thuộc đảng Cánh Tả chỉ trích rằng, các cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Đức thiếu "thực chất chính trị". Theo Stegner, chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Đức tới Ukraine "sẽ thể hiện tình đoàn kết của Đức với Ukraine đang bị quân đội của Putin xâm lược, đặc biệt là vì chúng ta đang cung cấp những hỗ trợ to lớn về kinh tế, chính trị, nhân đạo và quân sự cho Ukraine".
Nghị sĩ Quốc hội đảng SPD Isabel Cademartori viết: “Tôi không bị xúc phạm. Tôi không mong đợi sự biết ơn. Tôi đã sẵn sàng xem xét lại chính sách Đức vài năm gần đây. Tôi chấp nhận nếu mọi người ở Kyiv không mong muốn liên hệ trao đổi". Tuy nhiên, người ta không nên "làm nhục nước Đức một cách cố ý và công khai", bà Cademartori nói. Điều đó là "không phù hợp và không cần thiết".
__________
Tham khảo:

ĐỪNG ĐỂ BỊ KÍCH ĐỘNG!

MẠC VĂN TRANG/ TD 18-4-2022


Hôm qua tôi thấy lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh một số thanh niên Ukraine giằng xé, dẫm đạp cờ Việt Nam với thái độ giận dữ… Có bạn gửi clip đó cho tôi và nhắn, thế này thì quan hệ Việt Nam - Ukraine rất xấu; người Việt Nam ở Ukraine sẽ bị họ phân biệt đối xử, sống sao đây!?
Tôi nghĩ ở nước nào, ở đâu cũng có những nhóm người quá khích, họ không đại diện cho chính phủ và đa số người dân. Nhưng cũng cần biết rằng, tại sao họ làm như vậy?
Bởi vì trước đây những thứ mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam thì hơn ¼ trong đó là từ Ukraine; hiện nay chính phủ Ukraine lại ủng hộ ta về vấn đề biển Đông, còn Nga thì ủng hộ Trung Cộng ở biển Đông. Thế mà khi Nga xâm lược Ukraine, Chính phủ Việt Nam lại bỏ hai phiếu trắng. Khi Đại hội đồng LHQ lên án Nga xâm lược Ukraine và bỏ phiếu chống trong việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, khi tội ác hủy diệt của quân xâm lược Nga tràn ngập trên đất nước Ukraine, thì Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ Nga ở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Vậy thì người dân Ukraine chửi Việt Nam liệu có oan không? Đừng vội trách họ mà hãy xem lại mình.
Tôi tin là chính phủ và nhân dân Ukraine họ đủ thông minh để phân biệt thái độ của chính phủ Việt Nam không đồng nhất với đa số nhân dân Việt Nam.
Bằng chứng là vừa qua, người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã ủng hộ Ukraine rất nhiệt tình và họ đã ghi nhận điều đó. Đặc biệt trên mạng xã hội, những người ủng hộ Ukraine lên án Putin mạnh mẽ, luôn áp đảo số phò Putin… Biết bao các tổ chức xã hội dân sự và người dân Việt Nam đã lên tiếng, đã cầu nguyện, đã quyên góp ủng hộ Ukraine.
Họ hiểu chính phủ không phải đại diện cho tất cả nhân dân Việt Nam.
Tôi tin rằng những người Việt Nam từng sống ở Ukraine cùng chung số phận với nhân dân sở tại, sẽ cùng được đùm bọc, không sợ bị phân biệt đối xử.
Hãy cảnh giác với những kẻ lợi dụng một số hình ảnh, bài viết để kích động chia rẽ quan hệ Việt Nam - Ukraine. Hơn bất cứ nước nào, Việt Nam và Ukraine cùng chung hoàn cảnh và giờ đây Ukraine là tấm gương yêu nước, yêu tự do, dũng cảm bảo vệ độc lập, chủ quyền sáng chói để người Việt Nam ngưỡng mộ và học tập cách mà họ đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng đánh quân xâm lược bành trướng bá quyền Nga hiệu quả ra sao.

GHI CHÉP NHỮNG NGÀY UKRAINE

NGUYỄN THÔNG / TD 15-4-2022

PHẦN 1


Từ bữa nay, nhà cháu bốt (post) lên loạt biên chép về những ngày sôi động ở... Việt Nam khi xảy ra cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine. Cuộc chiến này đã tạo nên sự thanh lọc tự nhiên, giúp ta phân biệt được người tốt kẻ xấu trong cộng đồng Việt, trong đó có cả những kẻ lâu nay thiên hạ cứ tưởng đấng bậc đạo cao đức trọng, trí tuệ sáng suốt, tấm lòng thương yêu con người như biển cả; những kẻ mang mác/vỏ học vấn cao, đạo mạo nghiêm trang, ông này bà nọ; những nhà ấy nhà kia, kẻ làm báo làm văn tên tuổi, kẻ vênh vang tướng tá, giáo sư tiến sĩ...
Tất cả đều được phơi bày chân thực qua thái độ lời nói của họ. Phây-búc của nhà cháu đang bị "chúng nó" thù ghét, sau khi đóng chặn hơn tháng giờ chúng cho đăng bài nhưng chúng nói hẳn rằng nhét xuống vị trí dưới cùng, kiểu như đẩy đi kinh tế mới, về vùng sâu vùng xa để không mấy ai nhìn thấy. Vậy bác nào vào đọc được loạt bài này, theo nhà cháu, nên se (share) lại, kẻo nó trôi mất, cho người khác đọc với. Nhà cháu cảm ơn ạ.
Ngày 24.2
Putin chính thức xua quân xâm lược nước láng giềng Ukraine, người anh em từng hơn nửa thế kỷ chung mái nhà Liên Xô.
Thế kỷ 21 đã trôi qua hơn hai thập niên, nhân loại đang cố hết sức tạo dựng gìn giữ cuộc sống hòa bình, vậy mà nảy nòi thằng quỷ sứ khát máu.
Ngày 1.3
Ngày đầu tiên của tháng 3 nóng bỏng. Cả nghĩa đen lẫn bóng. Đang vào cuối xuân mà Sài Gòn rặt những 35 - 36 độ. Đã hơn một tuần kể từ cuộc xâm lược tàn bạo của tên đồ tể Putin. Chắc không nhịn được, nhà văn Tạ Duy Anh (tên trên FB là Lão Tạ) đăng một tút dài lên án cuộc xâm lược nhuốm máu dân lành, gọi thẳng Putin là kẻ phát xít, tội phạm chiến tranh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ ngày xưa, từng giữ những chức vụ vị trí rất to rất cao trong bộ máy cai trị xứ này đã lên tiếng, còm (comment) rõ ràng: “Đồng ý với ông (tức Tạ Duy Anh). Tôi là người học ở Nga và cũng từng yêu Putin. Nhưng giờ đây thì tôi ghê tởm lão. Một thằng sát nhân và phát xít”.
Anh Thư nhận xét những người thẳng thắn, rõ ràng như Tạ Duy Anh, Trần Đăng Khoa rất đáng kính trọng, nể phục, nhưng cái tốt cái đẹp của họ cũng không làm nhạt được sự hèn hạ, bạc nhược, nịnh thối Putin của đám cai trị xứ này.
Trên mạng xã hội lan truyền câu thơ nhại “Thằng Putin ở nước Nga/Mà sao lại thấy rất là Việt Nam”. Câu gốc chắc nhiều người lớn còn nhớ, của chú bé Nguyễn Hồng Kiên, cũng được coi là thần đồng thơ hồi chiến tranh chống Mỹ thập niên 60 ở miền Bắc, cùng thời với thần Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Cẩm Thơ. Kiên viết “Ông Lê Nin ở nước Nga/Mà sao em thấy rất là Việt Nam”. Nhiều người nhận xét, ông Lê Nin có rất Việt Nam hay không thì không biết, chứ thằng Bu tin thì quá giống, từ hành động tới tâm địa, lời ăn tiếng nói.
Ngày 3.3
Lãnh đạo một tờ báo mậu dịch sau khi nghe chỉ đạo của cấp trên, trong cuộc họp đã quán triệt cấp dưới, nhắc nhở anh em trong cơ quan phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị mồm của ban tuyên giáo và bộ 4T, cụ thể là: Cấm, tuyệt đối không được sử dụng từ “xâm lược”, “xâm chiếm” để nói về cuộc xâm lăng phi nghĩa tàn bạo của Putin đối với Ukraine; thống nhất báo chí chỉ dùng cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” như phía Nga đang dùng; không được dùng từ “chiến tranh” mà chỉ dùng từ “xung đột”, không nghiêng về thông tin từ phương Tây, nên khai thác thông tin từ báo đài Nga.
Vinh râu bảo đó là nền tự do báo chí trong lồng.
Ngày 10.3
Có hai nhân vật đang nổi, tiếng lành chả biết có để đồn xa không, chứ tiếng dữ thì quá nhiều, lan khắp thiên hạ. Đó là tướng (thiếu tướng) Lê Văn Cương công an, và tá (đại tá Lê Thế Mẫu nhà binh. Hai ông này lâu nay đã gieo nhiều tiếng dữ, nhưng đỉnh điểm thể hiện cái ác, ngu muội, bất nhân là vào những ngày này. Tôi viết như thế mà không sợ bị quy tội công kích cá nhân, hai ông này có giỏi thì cứ trả lời cho bàn dân thiên hạ biết: ca ngợi kẻ xâm lược một đất nước có chủ quyền, giết người dân vô tội… là đúng hay sai, rồi sau đó nhà chức việc có bênh các ông ấy rồi túm tôi vào tù cũng được.
Trên BBC, người ta đăng lại nguyên văn lời của đại tá Lê Thế Mẫu “Nga đang cứu thế giới khỏi thảm họa chiến tranh”.Còn tướng Lê Văn Cương, cả báo mậu dịch lẫn mạng xã hội đều chình ình câu nói của ông ta “Nó, Zelensky, không hiểu lịch sử. Chống Nga là thất bại. Ngờ nghệch ấu trĩ về chính trị quốc tế. Một thằng hề 43 tuổi thì làm sao đấu với ông Putin KGB 70 tuổi được”.
Ông hàng xóm nhà tôi bảo đừng nên mất thì giờ về hai thằng này, có già mà không có khôn. Lẽ dĩ nhiên, biên chép thời sự nên tôi không mất thời gian về hai cái đầu lú lẫn và bất nhân bất nghĩa ấy, nhưng nghĩ quân đội và công an nếu cứ để loại người đó xưng xưng là tướng này tá nọ thì chỉ tổ làm lực lượng bị hoen ố, mất thanh danh.

PHẦN 2


Dũng điện hỏi, mày có theo dõi thời sự Ukraine không, nhất là qua sự phản ánh của đám cầm quyền và báo chí xứ này. Buôn chuyện xong, y chốt lại, đừng có tin chúng nó, đặc biệt là mấy thằng ngoại giao cây tre, tướng tá mậu dịch. Theo y, lúc này cần phải có những người viết sử không chuyên (bọn chuyên cũng đéo tin được, y bảo vậy) ghi lại một cách trung thực những gì đang xảy ra, những quan điểm, ý kiến, hành vi, thái độ của đám cầm quyền, để sau này chúng khỏi… cãi.
Ví dụ trong cuộc chiến ở Ukraine, chúng không dám gọi thằng Bu tin là tên xâm lược, không dám lên án chiến tranh phi nghĩa tàn bạo, chỉ bỏ phiếu trắng, ngậm miệng ăn tiền, chỉ vì thứ lợi ích ích kỷ núp bóng dân tộc (chẳng hạn đang ôm mớ tàu ngầm Kilo, mớ máy bay Su, làm căng với nó, nó giận nó cắt bảo hành thì toi, rồi lấy gì để chống Tàu...) mà đánh mất bản chất con người. Từ trung ương tới địa phương, từ kẻ cao nhất tới đám lâu la, đặc biệt là mượn mồm bọn tướng tá Vịnh, Cương, Mẫu ngóng về Bu tin, nịnh Nga. Mày thấy không, chúng lập ra cái gọi là Hội hữu nghị VN - Ukraine nhưng từ khi có chiến tranh xâm lược của Nga đến nay không hề thấy cái hội ấy lên tiếng được nửa lời. Mấy đứa ngoại giao thì mở mồm ra là quan ngại, kiềm chế… Phải ghi lại tất, chứ sau này chúng lại chối bay chối biến, kiểu như tay tướng bộ trưởng nhà binh hồi năm 88, về sau cứ chối xoen xoét tôi đâu có ra lệnh cho bộ đội Trường Sa không nổ súng.
Nghe Dũng giác ngộ, sực nhớ hôm trước gọi lão bạn xa, hỏi đã coi cái cờ nhíp tướng Cương sát cánh cùng Bu tin đánh Ukraine chưa, y buông thõng một câu "tướng tướng cái l...".
Ngày 15.3
Gần như các báo mậu dịch đều thông tin rất nhạt vụ VN bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ khi tổ chức này thông qua nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Nếu có đưa tin cũng cực kỳ sơ sài, cốt cho xong. Nó thừa hiểu, chả tội gì vạch áo cho người xem lưng. Những người tử tế thì bàn dữ lắm. Họ bảo, nói thẳng tuột ra, phiếu trắng là thói khôn lỏi, khôn vặt, mưu mẹo ranh con, trẻ trâu, chỉ những kẻ tiểu nhân mới làm thế. Xưa kia, khi thông tin còn hỗn mang thì có thể lừa được rất nhiều người, chứ giờ đây mọi thứ đều bị bạch hóa trong con mắt nhân loại, trò ấy chỉ bộc lộ bản chất hèn kém, bạc nhược, thiếu bản lĩnh, thiếu tư cách - từ tư cách con người đến tư cách dân tộc, quốc gia, chế độ. Bỏ phiếu trắng không phải là trung lập, đứng giữa, không theo bên nào, không ủng hộ ai, mà thực chất là công khai đứng về phía Nga và Trung Quốc, theo đóm ăn tàn, ủng hộ bọn xâm lược, bọn phát xít.
Tạp chí điện tử Một Thế Giới đưa tin 3 vị thủ tướng của 3 nước Ba Lan, Czech, Slovenia đi xe lửa tới tận Kiiv (Kiev) để động viên thủ tướng Ukraine và người Ukraine trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nga. Nhiều bạn đọc coi xong nhận xét thủ tướng người ta thế mới là thủ tướng. Có người còn ao ước, giá xứ mình có thủ tướng được phân nửa như vậy cũng mãn nguyện.
Ngày 17.3
Chị Đặng Bích Phương viết trên facebook: Mẹ kiếp, nếu bảo tổng thống Zelensky ngoan cố, cố chấp… nên mới xảy ra chiến tranh, để đất nước bị tàn phá và nhiều người chết bởi bom đạn thế này, thì tội của đảng CS VN còn to hơn nhiều. Hàng triệu người chết khi xẻ dọc Trường Sơn, đốt cháy cả dãy Trường Sơn đấy”.
Chị dẫn lại lập ngôn nổi tiếng (tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, mà đây là tiếng dữ) của tướng Lê Văn Cương: “Nó, Zelensky, không hiểu lịch sử. Chống Nga là thất bại. Ngờ nghệch ấu trĩ về chính trị quốc tế. Một thằng hề 43 tuổi thì làm sao đấu với ông Putin KGB 73 tuổi được”. Tôi lại nhớ, sau khi coi cái clip thiếu tướng Cương vung tay múa chân phán câu này, ông hàng xóm nhà tôi chửi tục “... mẹ thằng Cương”.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét