Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

20220409. LẠI BÀN VỀ MÔ HÌNH TRƯỜNG CHUYÊN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐÀO TẠO TRƯỜNG CHUYÊN PHẢI GẮN VỚI MỤC TIÊU 'HỌC THẬT, THI 

THẬT, NHÂN TÀI THẬT'

PHẠM MINH / GDVN 7-4-2022

Xây dựng, phát triển, đổi mới đào tạo trong hệ thống trường trung học phổ thông chuyên đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Luật Giáo dục 2019 nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của trường chuyên là “phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Nhìn nhận lại vai trò, nhiệm vụ của trường chuyên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một chiến lược mới trong việc phát triển hệ thống trường chuyên hiện nay.

Xây dựng trường chuyên thành trường học thông tuệ

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, việc xây dựng, phát triển trường chuyên với mục đích ban đầu rất tốt đẹp, nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân tài cho đất nước, khẳng định trí tuệ thông minh của người Việt Nam. Song, vẫn còn tồn tại một số điều bất cập, những “khoảng trống” trong vấn đề đào tạo học sinh chuyên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, bản chất của nền giáo dục phải hướng đến sự nhân văn, hướng đến ba giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”. (Ảnh: PM)

“Cần nhìn lại bắt đầu từ tên gọi ‘trường chuyên’, ‘chuyên’ thường là chuyên về một môn học, một lĩnh vực. Trong khi chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục toàn diện, bên cạnh dạy học kiến thức còn chú trọng dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Ở một số quốc gia phát triển không có hệ thống trường chuyên mà họ xây dựng những trường học thông tuệ, trường học Power - bao gồm 5 yếu tố cơ bản: Planning (Người học vạch ra kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh của bản thân); Organizing (Người học tổ chức thực hiện kế hoạch); Working (Người học có chương trình làm việc một cách Khoa học theo kế hoạch đề ra); Evaluating (Người học tự đánh giá kết quả học tập của mình); Recognizing (Người học tự xây dựng nhận thức mới cho bản thân qua từng quá trình).

Rõ ràng, mục đích ban đầu khi xây dựng hệ thống trường chuyên là rất tốt, nhưng sau khi học sinh trường chuyên tham gia và giành được một số giải quốc tế, chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc chạy đua thành tích đỉnh cao. Chúng ta quá chú trọng những yếu tố có thể đo lường của giáo dục như kiến thức mà quên mất những mục tiêu khó đo lường khác, như mục tiêu phát triển thể chất, đạo đức, ý thức công dân, năng lực mỹ thuật,... Hình dung về ‘giáo dục là gì và phải như thế nào’ vô tình bị thu hẹp lại, đây là điều phải nghiêm cẩn suy nghĩ”, thầy Bảo nhận định.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cũng cho rằng, hệ thống trường chuyên đã gặt hái được nhiều thành tựu nhưng cũng để lại không ít những “khoảng trống” trong nền giáo dục. Khi theo đuổi thành tích quá nhiều, sự phân hóa trong mỗi trường học lại càng rõ nét, những học sinh giỏi được biểu dương, khen ngợi, còn những học sinh chưa có thành tích ít được quan tâm. Điều này vô tình làm giảm đi giá trị nhân văn trong giáo dục.

Xét cho cùng, bản chất của nền giáo dục phải hướng đến sự nhân văn, hướng đến ba giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”.

Bác Hồ đã từng dạy: “Thiện ác nguyên lai vô định tính - Đa do giáo dục đích nguyên nhân” (Hiền dữ nào phải đâu tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên). Giáo dục thực chất là phải tạo nên những giá trị nhân bản, tốt đẹp. tiêu của giáo dục bao gồm: giáo (dạy) và dục (nuôi dưỡng), cần phải dạy 4 thứ: kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi và nuôi dưỡng 3 thứ: thể lực, tâm lực, trí lực.

Vậy nên, dù mục đích, vai trò, nhiệm vụ của trường chuyên là gì, chúng ta cũng phải hướng đến bản chất của giáo dục, mục tiêu chung của giáo dục và không thể đi lệch con đường ấy. Phải nhớ rằng, mục đích chính của giáo dục là phải chuẩn bị cho học sinh tham gia vào đời sống dân chủ của xã hội, hành động phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và phát triển đời sống cá nhân lành mạnh.

Hiện nay, một số nhà trường, đặc biệt trường chuyên đang chạy theo mục tiêu dạy kiến thức, chạy theo thành tích mà bỏ quên nhiều giá trị quan trọng trong mục tiêu tam lập: lập chí, lập thân, lập nghiệp. Chúng ta làm được nhiều nhưng vẫn còn lắm những vấn đề ngổn ngang chưa trọn vẹn.

Chính vì vậy, từng nhà trường phải xác định và thực hiện đúng mục tiêu của giáo dục. Cha mẹ học sinh cũng cần tránh tạo áp lực thành tích lên con trẻ, để các em được học tập, vui chơi và phát triển trong môi trường giáo dục tích cực, tiến bộ, nhân văn.

“Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam, thời kháng chiến chúng ta đã ‘Có những mái trường xưa/Vừa chống càn vừa học/Giặc lui trong phút chốc/Thầy trò lại ngâm thơ’. Có những ngôi trường đã tiếp nối truyền thống kháng chiến như trường Trung học phổ thông Hùng Vương, Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng,…

Ngày nay, chúng ta đang hướng đến việc xây dựng Nhà nước kiến tạo. Nhưng muốn có Nhà nước kiến tạo phải có nền giáo dục kiến tạo, muốn có nền giáo dục kiến tạo thì phải dạy học kiến tạo. Phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy tự học làm cốt, có thảo luận và chỉ đạo giúp vào”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo khẳng định.

Phát triển trường chuyên theo tâm nguyện của Nhà giáo Nguyễn Cảnh Toàn

Bàn về vấn đề phát triển hệ thống trường chuyên, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, cần thay đổi cách thức đào tạo của trường chuyên theo mô hình nhà trường tư duy thông tuệ. Mỗi tỉnh cần có một trường chuyên để phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân tài.

Đồng thời, muốn hệ thống trường chuyên phát triển mạnh thì cần phải cho khối tư thục cùng tham gia xây dựng và đào tạo trường chuyên.

Cũng giống như nền kinh tế tư nhân đã tạo sức bật mạnh mẽ đưa kinh tế Việt Nam phát triển. Trong giáo dục, cũng cần có cơ chế để các trường tư cùng tham gia vào. Hệ thống giáo dục tư thục có thể có những sáng kiến mới tạo động lực cho giáo dục trường chuyên đi lên.

Song, Nhà nước cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ khối tư thục tham gia vào trường chuyên. Nhà nước có nhiệm vụ phát triển hệ thống trường chuyên thành những trường học thông tuệ, giáo dục học sinh Việt Nam trở thành những con người thông tuệ.

Chúng ta khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì phải xây dựng bằng mọi nguồn lực để đưa nền giáo dục cất cánh.

Đất nước nào cũng phải chú ý đến việc bồi dưỡng nhân tài, vì thế nên chúng ta có minh triết của những khẩu hiệu như: Nhà nước, nhân dân cùng làm; Trung ương, địa phương cùng làm. Chúng ta phải đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng và phát triển đất nước”.

Trong vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, thầy Bảo cũng đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề “chảy máu chất xám” hiện nay.

Nhiều học sinh giỏi ở các trường chuyên sau khi du học nước ngoài không trở về đất nước làm việc. Đây là một thực tế đau lòng, một “nan đề” mà chúng ta cần được nhìn nhận lại bản chất sâu xa của câu chuyện này.

“Chúng ta không giữ chân được người tài thì cần phải xem lại chính sách của mình, chính sách phải vừa có tính đãi ngộ vừa đảm bảo ứng nhân xử thế hợp lòng người.

Họ không trở về không phải là họ không yêu quê hương, cũng không chỉ vì vấn đề thu nhập mà còn bởi môi trường làm việc ở Việt Nam: chúng ta chưa tạo nên sự thu hút thực sự tốt.

Gốc rễ của vấn đề này là câu chuyện văn hóa. Văn hóa Việt Nam có rất nhiều thành tựu đáng để chúng ta tự hào, nhưng cũng còn những vấn đề đáng lo ngại: Người có tài thường bị đố kỵ. Nếu chúng ta thiếu chính sách đãi ngộ, thiếu sự ứng xử trân trọng với người tài thì làm sao có thể giữ chân họ cống hiến cho quê hương”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo trăn trở.

Chính vì vậy, xây dựng phát triển hệ thống trường chuyên là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, điều này cần gắn với mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà toàn ngành đã đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Cũng theo thầy Bảo, việc phát triển, đào tạo các trường “chuyên” trong bối cảnh hiện nay cần ôn lại tâm nguyện của Thầy Nguyễn Cảnh Toàn.

Theo dõi tiến trình đổi mới Giáo dục, thầy Toàn bày tỏ những vui mừng về các thành tựu, nhưng thầy cũng đầy trăn trở, lo âu khi nhận xét: Nhiều nhà trường hiện nay đang hoạt động theo kiểu 2-4-8; đó là sự dạy học gò bó trong 2 bìa sách giáo khoa, đóng khung trong bốn bức tường khép kín và giới hạn theo cung cách tám giờ làm việc hành chính quan liêu.

Thầy Toàn nhận xét một bộ phận thế hệ học sinh ngày nay ra trường: về hình thức thể chất cao to hơn, về trí tuệ lanh lợi hơn, nhưng họ lại đang ít sự tử tế, sự đam mê, sự bản lĩnh như cha anh họ.

Tâm nguyện của thầy Nguyễn Cảnh Toàn là xây dựng nhà trường 4-6-10 và từ bỏ Nhà trường 2-4-8, trong đó, thầy trò sống theo phương châm “Thi ân mạc niệm, thụ ân mạc vong”.

Kiến giải về Nhà trường 4 – 6 -10, Thầy Nguyễn Cảnh Toàn đã từng chia sẻ, số 4 nghĩa là dạy theo “4 sức”: Sức chứa của trò; Sức hút của trò; Sức thấm của trò; Sức chế biến của trò.

Số 6 nghĩa là học theo “6 mọi”: Học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi vấn đề, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh.

Số 10 nghĩa là thầy trò kiến tạo 10 tư duy: Tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy quy trình (Angorit), tư duy khoa học chứng nghiệm, tư duy kỹ thuật công nghệ, tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy quản lý.

Mang theo những hành trang tư tưởng này vào cuộc kháng chiến, rồi sau này vào sự nghiệp kiến quốc, thầy Nguyễn Cảnh Toàn và những người cùng thế hệ đã cố gắng đóng góp trí tuệ, tâm huyết để xây dựng Giáo dục Việt Nam theo Tam hóa: Hiện đại hóa tinh hoa giáo dục của tiền nhân, Việt Nam hóa giá trị tiên tiến của Thế giới và Lành mạnh hóa đời sống giáo dục; dạy học trong các nhà trường sao cho “Trường ra Trường, Lớp ra Lớp, Thầy ra Thầy – Trò ra Trò, Dạy ra Dạy – Học ra Học” như lời căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Phạm Minh
'ĐƯA GS, PGS VỀ TRƯỜNG CHUYÊN LÀ MỘT BƯỚC ĐỘT PHÁ'
ĐẶNG LƯỜNG/GDVN 24-3-2022
GDVN- "Tôi là phó giáo sư vừa làm hiệu trưởng vừa tham gia giảng dạy, hướng dẫn các em nghiên cứu khoa học không chỉ trong nước mà còn nghiên cứu khoa học quốc tế".

Hiện nay, một số địa phương đưa ra chính sách mời giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường trung học phổ thông chuyên với mức đãi ngộ rất cao. Tuy nhiên chính sách này đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng chính sách trên là chưa phù hợp.

Về vấn đề này trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chính sách thu hút giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên cũng là một bước đột phá với các trường trung học phổ thông chuyên chỉ có điều vấn đề đặt ra là phải tuyển chọn được những người như thế nào cho thật phù hợp, thật hài hòa mới là quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Đặng Lường

Lý giải về quan điểm trên Phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu cho rằng mỗi một cơ sở giáo dục, mỗi địa phương đều có triết lý giáo dục riêng, tất nhiên triết lý đó phải nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, nếu những trường trung học phổ thông chuyên mà gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học đỉnh cao cho các em học sinh thì đó là môi trường giáo dục tinh hoa, khi đó đội ngũ giáo viên sẽ đóng vai trò quyết định vì họ là người đào tạo đội ngũ tinh hoa đó.

Trong khi, đội ngũ giáo viên là những người được đào tạo một cách bài bản trong các trường sư phạm đặc biệt là hệ thống đại học sư phạm thì thầy cô hầu hết là thạc sĩ, tiến sĩ trở lên chưa kể còn có thêm các công trình nghiên cứu khoa học để Hội đồng chức danh nhà nước đánh giá trước khi được công nhận học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Do đó đưa giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên là phù hợp ở những trường chuyên đi theo triết lý là giáo dục tinh hoa.

Ngoài ra, theo Phó giáo sư Liệu, so với trước đây thì giáo dục trung học phổ thông chuyên giai đoạn hiện nay là để học sinh tiệm cận giáo dục đại học một cách sớm nhất, nhanh nhất.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn giải thích, nếu trước đây các em học 3 năm trung học phổ thông, 4 năm học đại học, còn bây giờ có thể chỉ học 3 năm đại học thậm chí là ít hơn, tùy vào năng lực của sinh viên.

Vì vậy, trường trung học phổ thông chuyên có giáo viên học hàm, học vị, trình độ cao cũng là một yếu tố quan trọng giúp học sinh giúp rút ngắn khoảng cách tiệm cận đại học sau này.

“Tôi là phó giáo sư, tiến sĩ vừa làm hiệu trưởng vừa tham gia giảng dạy, hướng dẫn các em nghiên cứu khoa học không chỉ trong nước mà còn nghiên cứu khoa học quốc tế.

Tôi nghĩ trường chuyên có phó giáo sư, giáo sư là cần thiết, quan trọng là triết lý giáo dục của trường chuyên đó là gì”, Phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu nhận định.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Liệu cho rằng không phải tất cả phó giáo sư, giáo sư đều giảng dạy được cấp trung học phổ thông đặc biệt là trường chuyên bởi chỉ có một số ít người hiểu cặn kẽ về chương trình giáo dục phổ thông mới và có phương pháp dạy học phù hợp.

Thầy Liệu lấy ví dụ, nhiều giáo sư, phó giáo sư khi ở trường đại học có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài báo đăng trên tạp chí quốc tế nhưng tham gia thuyết giảng ở cấp trung học phổ thông rất ít, trong khi giảng dạy cho sinh viên đại học khác biệt với giảng dạy học sinh trung học phổ thông. Đó là lý do nhiều người băn khoăn việc đưa người có học hàm giáo sư, phó giáo sư về dạy cho học sinh liệu có phù hợp?

Phó giáo sư Nguyễn Quang Liệu cũng cho rằng nhược điểm lớn nhất của các giáo sư, phó giáo sư là chưa/rất ít tham gia dạy học, thuyết giảng ở các trường trung học phổ thông chuyên nên việc bắt đầu hành trình dạy ở cấp trung học phổ thông chuyên là rất khó.

Với giáo sư, phó giáo sư nếu thường xuyên tham gia giảng dạy ở các trường trung học phổ thông chuyên, tiếp cận với học sinh nhiều thì những thầy cô đó về dạy chương trình phổ thông là rất thuận lợi.

Phó giáo sư Liệu lưu ý các địa phương khi đưa ra chính sách để thu hút giáo sư, phó giáo sư về dạy trung học phổ thông chuyên thì phải tính toán kỹ việc triển khai, thực hiện như thế nào để hài hòa. Bởi giáo sư, phó giáo sư là người có học hàm cao nhất nhưng phương pháp không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, chỉ lấy nghiên cứu của đại học áp đặt cho học sinh trung học phổ thông thì không hiệu quả.

Đặng Lường
'TRƯỜNG CHUYÊN KHÔNG NÊN CHỈ LUYỆN ĐỂ THI LẤY HUY CHƯƠNG'
TÙNG DƯƠNG/GDVN 25-3-2022

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020", Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất về phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo trong đó có nội dung "xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: T.D.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội). Thầy Cường cho biết: “Thực tế cho thấy, trường chuyên đào tạo có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn so với các trường học khác.

Trường chuyên là nơi tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không phải chỉ riêng nước ta mà nhiều nước tiến tiến trên thế giới cũng có hệ thống trường chuyên. Thực tế, mô hình trường chuyên tồn tại trên khắp thế giới, có thể nó đang hoạt động dưới một cái tên khác, một cách thức khác mà thôi.

Hiện nay các trường trong cả nước, và đặc biệt là với Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội) của tôi khi tuyển giáo viên thì tiêu chí luôn cũng ưu tiên các học sinh trường chuyên, vậy phải có thế nào thì mọi người mới "mê" trường chuyên như vậy?. Học trường chuyên ra kiến thức của họ rất chắc, vào lớp cử nhân tài năng được kèm 1 đến 2 năm thì đứng lớp rất vững, nếu không nói là giỏi.

Trường bình thường nhà nước đầu tư một phần, nhưng với trường chuyên được nhà nước đầu tư rất nhiều từ cơ sở vật chất đến con người, đội ngũ giáo viên. Giáo viên trường chuyên ngoài lương ra thì giáo viên trường chuyên còn được thêm 70% phụ cấp đứng lớp, mức này còn cao hơn cả miền núi.

Trong khi cơ sở vật chất tốt như vậy, học sinh lại thông minh như thế thì giáo viên dạy nhàn, sướng hơn các trường không chuyên rất nhiều. Hiện nay trường chuyên tất cả là trường công, nhiều tỉnh có 2 đến 3 trường và rõ ràng đầu tư của nhà nước vào đó là rất lớn.

Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào có tổng kết trường chuyên, và tổng kết cả những trường không chuyên để có so sánh về mọi mặt. Việc tổng kết này rất cần thiết, phải có đánh giá như vậy thì mới biết được giáo dục của chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa?

Có tổng kết như vậy thì việc cải cách giáo dục mới hiệu quả, còn không sẽ dẫn đến tình trạng cái cần thì không cải cách mà toàn đi cải cách những cái đâu đâu. Việc gì cũng cần phải có một cơ sở khoa học rõ ràng, phải đối chiếu giữa học bình thường công lập với mức đầu tư của nhà nước thế này, với học ở trường trường tư thục, trường chuyên và mức đầu tư cao hơn. Sau khi có được những con số cụ thể thì chúng ta mới nhìn nhận vấn đề trên cơ sở thực tế”.

Cần cải tổ trường chuyên

Thầy Cường chia sẻ: “Tôi cho rằng phải cải tổ mạnh hơn nữa thống trường chuyên. Trường chuyên không nên chỉ luyện để đi thi lấy huy chương, mà phải đào tạo ra những con người có năng lực cho đặc biệt đất nước, chuyên và rất giỏi về một lĩnh vực nào đó có ích cho sự phát triển của xã hội.

Ngay khâu tuyển sinh, liệu có chắc chắn hàng nghìn học sinh trúng tuyển hàng năm vào các trường chuyên trên cả nước thực sự có năng khiếu về môn chuyên đó? Làm sao để các trường khi tuyển sinh phát hiện năng khiếu thực sự của từng học sinh để rồi phân môn học, đó mới là cốt lõi, không thể trường chuyên nhưng lại đào tạo cào bằng như nhau.

Nếu đã gọi là vào trường chuyên thì phải học đúng cái chuyên đó và phải giỏi thực sự, không thể thi chuyên một môn nhưng khi vào lại học chuyên môn khác thì cũng hỏng. Các phụ huynh cũng phải thay đổi nhận thức, rất nhiều phụ huynh muốn con mình vào môi trường chuyên để học tập tốt hơn, hi vọng rất nhiều nhưng rồi một thời gian lại không theo được vì lực học rất đuối.

Nhưng điều quan trọng nhất mà họ quên mất là con mình có tố chất và giỏi môn chuyên đó thực sự hay không? Hơn nữa đã học trường chuyên thì làm sao mà đòi hỏi giỏi tất cả các môn như nhau được, muốn giỏi đều thì ra trường không chuyên mà học”.

Ảnh minh họa: T.D.

Thầy Cường nêu quan điểm: “Tôi thấy hệ thống trường chuyên hiện nay rất cần điều chỉnh, ví dụ: Chỉ học các môn chuyên là chưa ổn, mà phải thêm nhiều kĩ năng mềm nữa để phục vụ cuộc sống hiện đại, cuộc sống cần nhiều kĩ năng sống nữa chứ không phải có mỗi kiến thức.

Tôi đã từng là hiệu trưởng trường chuyên Trung ương nên nắm khá rõ, việc học lệch là hiển nhiên của học sinh chuyên, và vì chương trình học rất nặng nên nếu không học “lệch” như vậy thì các em không thể theo được. Ví dụ: Một tuần có 8 tiết ngoại ngữ, hoặc 8 tiết Toán,…chứ đâu phải chỉ vài ba tiết như học sinh không chuyên.

Để có được một học sinh giỏi Toán, giỏi Ngoại ngữ,… ngoài ra còn thực hành, dẫn tới việc chương trình học môn chuyên dày đặc, phần vì chương trình không chuyên không đáp ứng được nên các em phải học tăng lên, và tăng thời gian môn chuyên lên thì các môn khác phải ít đi, đó là một thực tế. Nhưng mặc dù đào tạo như vậy cũng chưa chắc đã có được nhân tài bởi đã là nhân tài thì đâu có nhiều.

Tôi nhớ hồi đó trường tôi có một học sinh rất giỏi tiếng Nga, em này học luyện ngày đêm và giành được nhiều giải thưởng, nhưng ngoài môn tiếng Nga ra thì em đó không giỏi môn nào nữa, các môn học khác ở mức trung bình”.

Nên cho khối tư thục mở trường chuyên

Theo thầy Cường: “Tôi thấy, mô hình trường chuyên công lập nếu vẫn giữ như hiện nay gây nên sự bất bình đẳng bởi các trường chuyên thường được nhà nước đầu tư ở mức độ nhiều hơn hẳn so với trường học công lập không chuyên, trong khi các trường bình thường này còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất mà rõ ràng mọi công dân đều phải bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các nguồn lực công.

Ngân sách nhà nước đầu tư rất nhiều cho các trường chuyên nhưng lại chưa thống kê được sau khi được thụ hưởng sự ưu ái đặc biệt từ nguồn lực đầu tư công, học sinh trường chuyên quay lại làm việc cho khu vực công là bao nhiêu, đó là còn chưa nói đến các em đi du học rồi không trở về mà làm việc tại nước ngoài.

Chính vì vậy, nếu cho phép khối trường tư thục mở trường chuyên sẽ rất có lợi về mặt kinh tế cho ngân sách quốc gia, nhà nước không phải đầu tư về hạ tầng, cũng như trả lương đội ngũ giáo viên, giáo dục có thêm được nguồn đầu tư về cơ sở vật chất, về con người và còn nhiều hoạt động khác mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng đủ.

Nếu bây giờ có quy định cho khối tư thục mở trường chuyên thì tôi cũng sẽ mở bởi đó là thị hiếu, và cũng chỉ nên chuyên 1 đến 2 môn chứ không nhất thiết phải chuyên tất các môn. Bản thân các em học cũng chỉ chuyên được 1 môn chứ lấy đâu ra sức lực để học chuyên nhiều môn cùng một lúc.

Nhưng nếu mở trường chuyên thì khó khăn đầu tiên sẽ là nguồn nhân lực, việc tuyển chọn giáo viên dạy chuyên không phải việc dễ dàng. Ngoài kiến thức được đào tạo, giáo viên dạy chuyên phải có sự hiểu biết rất sâu về môn học, biết khơi dậy niềm đam mê của học sinh, tìm và ứng dụng nhiều phương pháp dạy học tiên tiến, cũng như xây dựng được nguồn bài tập đa dạng để luyện học sinh.

Điều thứ hai là sẽ phải cạnh tranh tuyển sinh với các trường chuyên công lập, vào công lập các em không mất tiền học, nếu giỏi còn học bổng, trong khi học trường chuyên tư thục học sinh phải trả học phí cao”.

Tuy nhiên, theo thầy Cường, trong bối cảnh hiện nay, mỗi tỉnh thành chỉ nên có một trường chuyên trong hệ thống công lập để định hướng, cũng như tham gia vào các chính sách phát triển giáo dục của tỉnh đó, nhưng các địa phương không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Cần có sự đầu tư, phát triển một cách hài hòa, bảo đảm công bằng trong giáo dục, nguồn ngân sách cho giáo dục cần chia đều các trường công lập khác còn đang khó khăn để học sinh có quyền thụ hưởng như nhau.

Tùng Dương
THEO NHIỀU CHUYÊN GIA, GIẢNG DẠY TRƯỜNG CHUYÊN CHỈ CẦN 
THẠC SĨ, TIẾN SĨ
MẠNH ĐOÀN/GDVN 25-3-2022

Đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường Trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế trình Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Trong nội dung của Dự thảo có chính sách hỗ trợ 1 tỷ đồng với phó giáo sư, giáo sư và 300 triệu đồng đối với tiến sỹ về công tác tại trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, Phó giáo sư Đặng Thị Oanh (nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, với chính sách thu hút giáo viên là phó giáo sư, giáo sư có chế độ đãi ngộ cao nhưng vẫn sẽ có rất ít người về, bởi lẽ họ đều có công việc, cương vị tương đối ổn định trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong khi đó, nếu về trường trung học phổ thông chuyên, việc nghiên cứu cũng sẽ khó khăn.

Từ đây, Phó giáo sư Đặng Thị Oanh nhận định, thạc sỹ, tiến sỹ về công tác tại trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ sẽ hợp lí hơn.

"Theo tôi, tiến sĩ với thạc sỹ phù hợp với trường trung học phổ thông chuyên, còn phó giáo sư và giáo sư thì khó thu hút được đội ngũ này", bà Oanh chia sẻ.

Việc chi 1 tỷ đồng để thu hút phó giáo sư, giáo sư là một khoản tiền lớn nhưng cũng chưa chắc mang lại sự hấp dẫn. Bởi lẽ, có những phó giáo sư, giáo sư làm tại các viện nghiên cứu của các trường đại học thì họ kiếm số tiền này không phải là quá khó.

Phó giáo sư Đặng Thị Oanh - nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC)

"Có thể có một số phó giáo sư và giáo sư cả vài năm cũng không làm được đề tài nghiên cứu khoa học, tuy nhiên nói chung với trình độ như vậy, người có thực lực thì việc có đề tài nghiên cứu khoa học để có thu nhập ổn định không quá khó", Phó giáo sư Oanh chia sẻ.

Nguyên phó trưởng khoa Hóa, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, bên cạnh chế độ hỗ trợ cho phó giáo sư và giáo sư, thì việc ràng buộc thời gian công tác 10 năm công tác đối với những đối tượng trên cũng khó để họ đồng ý.

Bên cạnh đó, phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên cũng là sự lãng phí, bởi để có được học hàm như vậy thì họ phải đầu tư chất xám rất nhiều.

"Họ đạt đến trình độ phó giáo sư, giáo sư thì cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu và phải trải qua quá trình phấn đấu. Nếu về trường chuyên, thì cơ hội phát triển cho họ cũng rất khó", Phó giáo sư Oanh chia sẻ.

Về quan điểm phó giáo sư và giáo sư sẽ không phù hợp với môi trường năng động và tâm sinh lý của học sinh phổ thông, bà Oanh cho rằng quan điểm trên chưa hoàn toàn đúng, bởi hiện nay nhiều phó giáo sư, giáo sư rất trẻ và họ cũng nắm vững tâm lý học sinh.

Trao đổi thêm về chính sách trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, đối với trường chuyên thì không nhất thiết phải có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà chỉ cần thạc sĩ về công tác giảng dạy trường chuyên là phù hợp.

"Nếu tỉnh Hòa Bình thành lập viện nghiên cứu thì dùng chính sách thu hút phó giáo sư, giáo sư về sẽ hợp lí. Tôi thấy nhiều giáo viên nổi tiếng ở trường chuyên đâu cần là tiến sĩ trở lên", Tiến sĩ Khuyến cho hay.

Đồng thời tại các trường đại học nghiên cứu thì mới cần nhiều tiến sĩ, còn giảng viên thì không nhất thiết phải là tiến sĩ.

"Ở nước ngoài, kĩ sư làm việc tại nhà máy, các doanh nghiệp không ham hố bằng tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Trong khi đó tại Việt Nam thì ngược lại. Chạy theo học vị, học hàm như vậy thì không tốt", tiến sĩ Khuyến chia sẻ.

Mạnh Đoàn
CẦN NHÌN NHẬN LẠI VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG CHUYÊN, LỚP CHUYÊN
LINH TRANG / GDVN 3-4-2022
GDVN- PGS Trần Ngọc Giao: "Nhân tài không chỉ nhìn ở chức danh và học vị, cách thức phát hiện, bồi dưỡng, thu hút nhân tài cũng cần được suy xét, nghiên cứu cẩn trọng".

Tại Việt Nam, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên có nhiệm vụ “phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Bài toán đầu tư, phát triển trường chuyên luôn là vấn đề được xã hội quan tâm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, nhân tài thực sự là nguồn lực vô giá, nhân tài không chỉ nhìn ở chức danh và học vị, cách thức đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn thu hút nhân tài cũng cần được suy xét nghiên cứu cẩn trọng.

Nhìn nhận lại vai trò của trường chuyên, lớp chuyên

Bàn về vai trò của trường chuyên, thầy Giao cho rằng, trước hết cần quan tâm khái quát đến lịch sử hình thành, phát triển của các lớp chuyên, trường chuyên.

Giữa những năm sáu mươi của thế kỉ XX, khi đất nước còn chiến tranh, lớp chuyên Toán ở nước ta ra đời, lúc đầu có tên gọi Lớp Toán đặc biệt, sau đó gọi là Lớp Năng khiếu Toán, tiếp tục mở rộng ra có các môn Văn, Vật lý, Ngoại ngữ …và nay gọi là lớp Chuyên, trường Chuyên.

Khởi nguồn, Giáo sư Tạ Quang Bửu được sự ủng hộ nhiệt thành của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tập hợp một số chuyên gia nghiên cứu, khảo sát việc đào tạo bồi dưỡng học sinh có năng khiếu Toán học và các môn khoa học tự nhiên ở Liên Xô, một số quốc gia và quyết định mở lớp Toán đặc biệt ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Việc hình thành các lớp Đặc biệt (lớp chuyên sau này) là để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng phát triển năng khiếu (môn Toán và và các môn Khoa học) cho học sinh sau trung học cơ sở, chuẩn bị nguồn cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và hy vọng một bộ phận nhỏ có triển vọng trở thành nhân tài ở các bậc cao hơn. Như vậy giáo dục ở các lớp chuyên hiện nay nằm trong xu thế giáo dục năng khiếu mà hầu hết các quốc gia đã và đang quan tâm.

Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao cho rằng cần đánh giá vai trò của lớp chuyên, trường chuyên dựa trên hai khía cạnh.

Thứ nhất là vai trò giáo dục phát triển năng khiếu. Ở những nước phát triển, giáo dục năng khiếu (kể cả mĩ thuật, âm nhạc, Thể thao) được nhà nước, gia đình, xã hội quan tâm đầu tư, theo nhiều phương thức tổ chức đa dạng, hướng đến sự phát triển tiềm năng cá nhân học sinh trong môi trường giáo dục lành mạnh, cởi mở. Với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như nước ta, để thực hiện phát hiện và giáo dục phát triển năng khiếu (toán học và các bộ môn khoa học) các bậc tiền bối đã lựa chọn cách tổ chức thành các lớp đặc biệt (sau này là lớp chuyên).

Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, dư luận còn có những ý kiến khác nhau về lớp chuyên, trường chuyên, trong đó có những ý kiến rất đáng quan tâm cần tham khảo, nghiên cứu để có thể điều chỉnh.

Tuy nhiên, các đợt tổng kết hoạt động giáo dục phổ thông chuyên, các lớp chuyên, trường chuyên cũng đã có được những thành tựu quan trọng, đã tạo nguồn để đào tạo được khá nhiều người làm khoa học (có nhiều người nổi tiếng), làm nòng cốt tiếp nhận và phát triển công nghệ, nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiều lĩnh vực, và đông đảo đội ngũ nhà giáo có chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục phổ thông (trong đó có đội ngũ nòng cốt cho các cơ sở giáo dục phổ thông chuyên).

Về giáo dục con người, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên có những năng lực cơ bản (Năng lực tư duy; Năng lực quan hệ với tự nhiên; Năng lực quan hệ xã hội; Năng lực tự hoàn thiện nhân cách), nổi trội hơn giáo dục đại trà. Rất hiếm học sinh chuyên giỏi chỉ cam tâm làm “gà chọi”.

Thứ hai là vai trò của trường chuyên đối với hệ thống giáo dục trung học phổ thông. Khi lớp chuyên, trường chuyên được mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước, với chất lượng giáo dục của mình, các trường chuyên đã có tác động không nhỏ đến hệ thống giáo dục phổ thông ở các địa phương.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển trường chuyên theo QĐ 959/QĐ-TTg (21/1/2022) cũng khẳng định: “Có thể nói chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường trung học phổ thông khác học tập”.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như: chất lượng tuyển sinh một số lớp chuyên ở một số địa phương cũng như sự bảo đảm tuyệt đối bình đẳng về cơ hội cho học sinh có năng khiếu; việc chú trọng thái quá đối với các kì thi học sinh giỏi; về chương trình giáo dục phổ thông chuyên và vai trò của một số môn chuyên; quy mô của một trường chuyên cấp tỉnh,...;

Bên cạnh đó, việc kết nối giáo dục phổ thông chuyên với các cơ sở đào tạo chất lượng cao ở bậc đại học; vấn đề ngoại ngữ và giảng dạy song ngữ đối với môn Toán và các môn khoa học, hợp tác và giao lưu quốc tế; vấn đề thực hiện chuyển đổi số và tiếp cận tài nguyên giáo dục mở; một số vấn đề về quản lý và chính sách cho giáo dục phổ thông chuyên cần được nghiên cứu điều chỉnh.

“Thực tế, một số quốc gia không có hệ thống lớp chuyên, trường chuyên nhưng chất lượng giáo dục vẫn tốt, ví dụ như Nhật Bản.

Song, quan tâm đến giáo dục phát triển năng khiếu đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu ở các quốc gia. Những nước phát triển họ có nhiều cách thức và mô hình khác nhau, với sự quan tâm đầu tư của gia đình, chính phủ và xã hội.

Ở nước ta, dù nay điều kiện kinh tế đã khá hơn trước, bước đầu xuất hiện các phương thức mới, tuy nhiên nước ta vẫn là nước thu nhập trung bình thấp, đến nay sự lựa chọn mô hình lớp chuyên, trường chuyên (từ các bậc tiền bối) vẫn là cách thức khả dĩ. Hi vọng rằng, đất nước phát triển đi lên sẽ có những phương thức tốt hơn và mô hình sẽ đa dạng, phù hợp hơn”, Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao chia sẻ.

Đa dạng hóa cách thức bồi dưỡng đào tạo năng khiếu

Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao khẳng định, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài luôn được các quốc gia quan tâm, đầu tư.

Ở Việt Nam, nói về chiến lược phát triển trường chuyên, Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao cho biết, mỗi địa phương cần căn cứ thế mạnh, đặc điểm kinh tế xã hội để xác định quy mô, lựa chọn loại hình phù hợp cho phát triển trường chuyên. Cần có sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong vùng để tập trung nguồn lực cho công tác phát triển.

Bên cạnh tổ chức trường chuyên các tỉnh cần quan tâm đến phát triển các loại hình năng khiếu khác (mĩ thuật, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, lãnh đạo quản lý,..). Cần thực hiện đa dạng hóa cách thức phát hiện hỗ trợ, bồi dưỡng đào tạo năng khiếu, chẳng hạn thông qua các dự án giáo dục (STEM, khoa học công nghệ, môi trường, bảo tồn văn hóa,…)

Thầy Giao cũng nêu ra 6 đề xuất đối với chiến lược phát triển đào tạo trường chuyên.

Thứ nhất, phát hiện, tuyển chọn đúng đối tượng, đúng học sinh vào các trường trung học phổ thông chuyên. Các bậc phụ huynh- những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục nên vì chất lượng giáo dục năng khiếu, biết vượt qua bản thân để công tác phát hiện tuyển chọn học sinh chuyên đúng yêu cầu, thực chất. Việc mở các lớp chuyên phải có tiêu chí chất lượng để có thể sàng lọc, lưu chuyển phát triển chất lượng giáo dục chuyên.

Thứ hai, về xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên, độ tuổi thích hợp đối với đội ngũ giáo viên chuyên Toán và các môn khoa học tốt nhất từ dưới 30 đến khoảng 45 tuổi.

“Không phải chú trọng học hàm, học vị của đội ngũ giáo viên mà các trường chuyên nên có những liên kết, tìm kiếm nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học sư phạm, các trường đại học khoa học, cùng với một số chính sách thích hợp, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ cho họ. Sau một số năm họ sẽ là những giáo viên giỏi.

Về mặt chính sách, bên cạnh khuyến khích vật chất ở mức độ hợp lý, cũng cần quan tâm đến phát triển động lực, khen thưởng tuyên dương công trạng, sự phát triển tương lai của họ bằng các cách khác nhau, như đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển vị trí…

Cũng cần có các hội thảo, đợt tập huấn, giao lưu giữa các cơ sở giáo dục phổ thông để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong đổi mới giáo dục đào tạo. Cần tìm phương thức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên chuyên trong sự khác biệt cần thiết so với bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông nói chung.

Thứ ba, về phương thức và chương trình giáo dục cho các lớp chuyên, trường chuyên. Trước hết, phải bảo đảm nền tảng cơ bản của giáo dục phổ thông và quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp. Cần có những tổng kết rút bài học từ lịch sử gần 60 năm qua và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Thứ tư, về chuyển đổi số, khai thác tài nguyên giáo dục mở, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể toàn diện đối với từng cá nhân, tổ chức, nhà trường và xã hội về cách sống, cách làm việc và phương thức hoạt động nghề nghiệp dựa trên công nghệ số. Cần chú ý đúng mức đến phát triển năng lực chuyển đổi số để khai thác tài Nguyên giáo dục mở phục vụ giáo dục và giáo dục chuyên.

Thứ năm, về giao lưu quốc tế, Các trường chuyên cần mạnh dạn liên kết để hoạt động giao lưu quốc tế theo các nhóm giáo viên và học sinh có điều kiện với phương thức trực tuyến, và khi có điều kiện thì giao lưu trực tiếp. Từ đó phát triển năng lực ngoại ngữ, văn hóa và sự tự tin cho học sinh chuyên trong bối cảnh hiện nay. Các trường chuyên cũng cần cố gắng thực hiện việc giảng dạy và học song ngữ đối với môn toán và các môn khoa học theo Đề án Phát triển hệ thống trường chuyên.

Thứ sáu, về quản lý, việc giao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình nhiều hơn cho nhà trường là yêu cầu quan trọng trong đổi mới quản lý giáo dục. Riêng đối với hệ thống trường chuyên cần được quan tâm đúng mức để các trường chuyên chủ động xây dựng, chiến lược, chính sách và giải pháp hoạt động và phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm lực của mình.

Bên cạnh đó, trong việc đào tạo nhân tài, ngoài việc đầu tư phát triển trường chuyên, Việt Nam có thể học tập cách làm của một số quốc gia khác.

Như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia này đều chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước ngay từ khi còn là học sinh, họ phát hiện tuyển chọn và tiếp tục đào tạo ở những trường đại học danh tiếng.

Linh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét