Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

20210329. PHẢN BIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DNNN QUY MÔ LỚN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC QUY MÔ LỚN: CẦN TIẾP CẬN THẬN TRỌNG

TS PHẠM HẢI HUẤN */ TBKTSG 18-3-2021

(KTSG) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình về việc Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn (đề án). Theo đó, bảy doanh nghiệp đã được đề xuất nghiên cứu thí điểm tham gia đề án để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường.

    Chúng tôi cho rằng đây là một chính sách quan trọng và việc triển khai sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trên tinh thần ôn cố tri tân, để tránh những hệ lụy nặng nề do các doanh nghiệp nhà nước yếu kém gây ra đối với nền kinh tế, mà vụ Vinashin là một ví dụ, việc lựa chọn và thí điểm này cần phải có cách tiếp cận thận trọng.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn đóng vai trò quan trọng. Ảnh: HOÀNG TÂN

Bài viết này đánh giá cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dựa trên ba khía cạnh: vai trò của doanh nghiệp nhà nước; kiểm soát vốn và quản trị doanh nghiệp nhà nước; và vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy vậy theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) việc đầu tư của Nhà nước nên được giới hạn trong ba lĩnh vực: (i) liên quan hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; (ii) các hoạt động mang tính công ích; và (iii) hạ tầng cơ bản phục vụ cho nền kinh tế.

Mục tiêu của đề án là “phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Tôi cho đó là một mục tiêu đúng đắn. Nó cũng thể hiện tầm nhìn của Chính phủ khi nhấn mạnh vai trò của DNNN, khi sử dụng tiền thuế của người dân, đó là tạo nền tảng hạ tầng vững chắc để các doanh nghiệp khác vận hành trên đó.

Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT khi lựa chọn doanh nghiệp để áp dụng thí điểm đề án này là phải trả lời cho câu hỏi:

- Nền tảng hạ tầng là gì? Nếu chính sách của Việt Nam là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp truyền thống thì hạ tầng chính là năng lượng, là giao thông đường bộ, cảng biển...Nhưng nếu coi cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số là ưu tiên thì phải nhìn nhận vai trò của hạ tầng mạng, viễn thông... và đây mới chính là thứ cần phải đầu tư.

- Nguồn lực quốc gia, luôn là hữu hạn. Điều này làm phát sinh vấn đề xác lập thứ tự ưu tiên đối với các lĩnh vực mà Nhà nước cần ưu tiên. Ví dụ, trong tương quan so sánh thì viễn thông so với năng lượng cái nào sẽ được ưu tiên hơn và tỷ trọng của mỗi doanh nghiệp nhà nước trong đề án này sẽ xác định dựa trên cơ sở nào?

Với những quan ngại đó, tôi cho rằng cách tiếp cận của Bộ KH&ĐT là chưa hợp lý và thiếu độ cẩn trọng cần thiết. Tôi vẫn chưa thấy được logic của việc chọn bảy doanh nghiệp để tham gia thí điểm trong đề án. Nếu chỉ đơn giản các doanh nghiệp này được chọn vì đó là các doanh nghiệp lớn (doanh thu) và tỷ suất lợi nhuận cao, thì chưa đáp ứng yêu cầu mà Chính phủ giao cho bộ khi nhấn mạnh đến “vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.

Kiểm soát vốn và quản trị doanh nghiệp nhà nước

Trong hoạt động đầu tư và dành các ưu đãi cho DNNN thì việc kiểm soát vốn và quản trị doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Nếu như các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân luôn có động lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát quản trị do đặc thù về sở hữu thì cũng chính vấn đề sở hữu, việc kiểm soát quản trị tại DNNN nếu không có cách tiếp cận phù hợp sẽ dễ gây ra những hệ luỵ khôn lường.

Cụ thể, vấn đề sở hữu và quản lý trong DNNN là tách rời nhau. Những người đại diện vốn và/hoặc quản lý tại DNNN, xét về mặt lý thuyết vị thế của họ là khác hoàn toàn so với các cổ đông và/hoặc người quản lý tại các doanh nghiệp tư nhân. Thiếu vắng sức ép từ chủ sở hữu và cơ chế khuyến khích bằng lợi ích, lựa chọn an toàn sẽ là lựa chọn hữu hiệu khi người đại diện vốn và quản lý DNNN đứng trước những yêu cầu của thị trường.

Từ Luật Doanh nghiệp 2014 đến Luật Doanh nghiệp 2020 có một sự thay đổi thú vị đối với khái niệm DNNN. Theo đó, để gọi là DNNN, theo Luật Doanh nghiệp 2014 Nhà nước phải sở hữu 100% vốn thì đến Luật Doanh nghiệp 2020 tỷ lệ này chỉ còn là 51%.

Chính điều này sẽ góp phần đặt ra câu hỏi: DNNN mà chúng ta đang muốn đầu tư và dành các ưu đãi có bao gồm các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và/hoặc các doanh nghiệp được sở hữu bởi các nhà đầu tư tư nhân? Nếu trong trường hợp câu trả lời là có bao gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ sở hữu 51% vốn, chúng ta đang chuyển một phần (rất lớn) tiền thuế từ nhân dân vào tay khu vực tư nhân. Và nếu nhìn từ khía cạnh này thì hệ lụy của nó quả thật là rất lớn.

Cho nên, một mặt chúng ta cổ xúy việc đầu tư cho các DNNN để các doanh nghiệp này trở thành những lực lượng dẫn dắt nền kinh tế, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tư nhân được vùng vẫy trên nền tảng ấy, thì mặt khác cũng phải chú trọng đến việc kiểm soát dòng vốn, cách vận hành doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, từ quan sát về kiểm soát quản trị đối với DNNN trong quá khứ, với một thái độ dè dặt tôi cho là có ba điều sau đây cần nên cân nhắc:

Một là cần phải có một cái nhìn nghiêm túc về quản trị DNNN, chí ít từ góc độ: cơ quan quản lý vốn nhà nước, người đại diện và vấn đề kiểm soát như thế nào. Bộ nguyên tắc về Quản trị doanh nghiệp của OECD cũng là một tham khảo thú vị. Nhưng điều quan trọng là tùy biến những nguyên tắc này vào trong bối cảnh đặc thù về sở hữu và quản trị trong DNNN.

Hai là việc quản trị phải đặt trong mối liên hệ với pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Ba là xây dựng một đội ngũ những công chức và người quản lý liêm chính và đề cao tinh thần dân tộc. Nếu người quản lý tại các doanh nghiệp tư nhân mang trong mình những tham vọng về lợi ích thì sự khác biệt ở những người đại diện vốn và quản lý tại DNNN là cái tinh thần vì một Việt Nam hùng cường, là cái liêm sỉ trước sự phán xét của các doanh nghiệp khác và con cháu đời sau vì đã được Nhà nước tin tưởng giao phó cho việc quản lý tiền thuế của người dân.

Vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là một trong những yêu cầu quan trọng của kinh tế thị trường. Bản chất của các ưu đãi luôn tạo ra sự bất bình đẳng cho dù nó xuất phát từ mục tiêu dài hạn tốt đẹp nhằm mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Có hai câu hỏi được đặt ra trong tình huống này:

Một là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân sẽ cạnh tranh như thế nào với các doanh nghiệp được lựa chọn vào đề án?

Hai là ngay cả khi đề án bắt đầu phát huy tác dụng thì các doanh nghiệp trong nền kinh tế (bao gồm cả các DNNN, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có được tiếp cận các nguồn lực này một cách công bằng hay không?

Khi Việt Nam gia nhập vào các hiệp định thương mại song và đa phương ngày càng nhiều, thì vấn đề bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân càng bị siết chặt. Việc không lưu ý khía cạnh này sẽ khiến cho Việt Nam đối diện với những vấn đề pháp lý mà Việt Nam đã cam kết.

(*) Cố vấn pháp lý Victory LLC.

NHỮNG THẮC MẮC  VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DNNN QUY MÔ LỚN

PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 18-3-2021

(KTSG) - Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cuộc họp về dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Có bảy doanh nghiệp được đề xuất và từ đó phát sinh những vấn đề cần xem xét.

Chỉ một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển và logistics nằm trong đề án phát triển doanh nghiệp quy mô lớn. Ảnh: N.K

Theo đề xuất, sẽ có bảy doanh nghiệp như vậy, trong đó có ba doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng (tập đoàn Điện lực - EVN và tập đoàn Dầu khí - PVN), một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tiêu chí để lựa chọn là tổng tài sản sản trên 20.000 tỉ đồng, thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6, được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD... Các tiêu chí để xác định ngành, lĩnh vực để nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách phù hợp là: có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước...

Công nghệ cao là thông tin, viễn thông?

Việc chọn tới ba doanh nghiệp thông tin viễn thông là Viettel, VNPT và MobiFone và gọi đó là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao có gì đó gượng ép và không ổn thỏa. Không lẽ công nghệ cao chỉ là thông tin viễn thông? Thắc mắc cách khác, không lẽ Việt Nam không còn doanh nghiệp nào, không nên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao nào ngoài thông tin viễn thông?

Dù có cho rằng ngành thông tin viễn thông liên quan đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo... thì rõ ràng công nghệ cao không chỉ giới hạn ở thông tin viễn thông, kể cả những công nghệ “lõi” của chúng. Hay tại Việt Nam chưa có DNNN nào có thị phần đủ lớn (trên 30%) trong các ngành công nghệ cao ngoài thông tin viễn thông nên không được đưa vào đề án?

Thị phần 30% hay thấp hơn cũng được?

Nếu đúng là tuy có doanh nghiệp nào đó trong lĩnh vực công nghệ cao ngoài thông tin viễn thông nhưng không được chọn đưa vào trong đề án vì thị phần nhỏ hơn 30% thì tại sao từng doanh nghiệp đơn lẻ, có thị phần trong ngành chúng hoạt động chắc chắn nhỏ hơn 30% như Vietcombank và kể cả ba doanh nghiệp thông tin viễn thông trên lại được chọn?

Hay tiêu chí thị phần thực ra chỉ là có thì tốt mà không thì cũng không sao?

Một hay nhiều hơn thì tốt?

Trong ngành được xác định là công nghệ cao có tới ba doanh nghiệp được chọn. Còn trong ngành năng lượng có hai doanh nghiệp. Xét tiêu chí “có tính chất mở đường, dẫn dắt”, vốn bình thường được hiểu là vai trò của chỉ một đối tượng (người/doanh nghiệp), tại sao lại phải chọn hơn một doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực? Nhỡ doanh nghiệp này kéo tụt doanh nghiệp kia xuống để “ngoi” lên thì sao?

Nếu nói một doanh nghiệp thì sẽ không đủ năng lực để bao trọn cả ngành nên cần hơn một doanh nghiệp mới đủ sức làm vậy, thì tại sao trong các lĩnh vực khác, ít nhất như ngân hàng, lại chỉ có duy nhất một doanh nghiệp là Vietcombank được chọn, trong khi nếu xét về tiềm lực được đo lường qua vốn, thị phần, tăng trưởng... thì dù là lớn nhưng nó cũng chỉ chiếm một góc trong ngành, bên cạnh các ngân hàng có vốn nhà nước khác cũng thỏa mãn các tiêu chí như tổng tài sản lớn hơn 20.000 tỉ đồng và ROE trên 6...?

Hơn nữa, nếu nói phải có trên một doanh nghiệp trong cùng ngành để tăng cường sức cạnh tranh, vậy sao phải chọn và ưu tiên DNNN (lớn) mà không mở rộng cửa thị trường và khuyến khích cạnh tranh hơn nữa giữa các thành phần, theo định hướng phát triển của Nhà nước với các ưu đãi chính sách cho tất cả doanh nghiệp trong cùng ngành thuộc các thành phần kinh tế?

Đổi mới quản lý (vẫn) sẽ đảm bảo được định hướng?

Dự thảo đề xuất nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp... Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.

Nếu DNNN được tự do cạnh tranh, tự do theo đuổi các mục tiêu trong sản xuất kinh doanh (không bị kiểm tra giám sát theo từng dự án cụ thể) thì điều gì làm cho (hoặc cần phải làm thế nào để) các DNNN được lựa chọn đưa vào đề án (vẫn) sẽ bám sát định hướng phát triển ngành của Nhà nước như ý định ban đầu trong dự thảo đề án mà không, thay vào đó, theo đuổi các dự án sản xuất kinh doanh tuy “lạc đề” nhưng cho lợi nhuận cao? Xin lưu ý rằng đề án đề xuất Nhà nước chỉ quản lý theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, tức là nói nôm na doanh nghiệp chỉ cần báo lãi cao là tốt, là được chấp nhận.

Nếu đánh đồng các dự án sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước là những dự án sẽ có lợi nhuận cao thì lý do gì mà phải chọn ra những DNNN tốt nhất để “đi đầu” với cả “dẫn dắt”, nhất là phải dùng đến ưu đãi của Nhà nước? Bởi doanh nghiệp tư nhân nếu thấy có lợi nhuận cao thì sẽ nhảy vào làm mà chẳng cần đến ưu đãi cũng như sự vận động, kêu gọi của Nhà nước.

Có thực sự là hoạt động “bình đẳng”?

Như trên đã nêu, DNNN được lựa chọn trong đề án sẽ hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Nhưng đề án cũng “trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng...”.

Việc lựa chọn để trao quyền hoặc giao nhiệm vụ này, ví dụ trao cho doanh nghiệp X quyền/nhiệm vụ triển khai dịch vụ Y và, do đó, được sử dụng băng tần Z (mà không phải qua đấu giá...) tự thân nó đã chẳng phải là một sự thiên vị, phân biệt đối xử không chỉ với các doanh nghiệp phi nhà nước mà còn với chính DNNN khác hay sao? Thêm nữa, đề án còn đề xuất thành lập Quỹ phát triển công nghệ cho Viettel. Vậy hai DNNN cũng được giao vai trò “dẫn dắt” trong ngành công nghệ cao khác là MobiFone và VNPT thì sao lại không được hưởng điều này? 

Tóm lại, nếu trả lời một cách nghiêm túc những thắc mắc trên (trong số nhiều thắc mắc khác không được đưa ra trong bài viết này do hạn chế độ dài) thì sẽ thấy có vấn đề lớn về tiêu chí lựa chọn (ngành, doanh nghiệp), cách thức triển khai (chính sách ưu đãi, chính sách quản lý), và trên hết là mục đích tại sao lại phải chọn ra một số DNNN để “dẫn dắt”, “mở đường” trong các ngành mục tiêu đề ra. 


KHÔNG PHẢI CỨ LỚN VÀ MẠNH LÀ THÀNH ĐẦU ĐÀN


TẤN ĐỨC/ KTSG 18-3-2021

(KTSG) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai thực hiện đề án phát triển doanh nghệp nhà nước quy mô lớn, với mục tiêu biến các doanh nghiệp này thành “sếu đầu đàn” để mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị. Đã có bảy cái tên được đề xuất đưa vào đề án này và đây đều là những doanh nghiệp nhà nước lớn về quy mô và mạnh về thị phần.

Có thể nói, mục tiêu của đề án mới này cũng không khác chương trình phát triển tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước trong những năm trước đây là mấy. Trong đó, các vai trò như mở đường và dẫn dắt mà lúc trước gọi là trụ cột hay mũi nhọn luôn là những mục tiêu xuyên suốt, nhưng đến nay không thể nói là đã thành công.

Nền kinh tế nào cũng cần có những trụ cột, những doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu để mở đường cho nhiều doanh nghiệp khác cùng phát triển theo. Sau 27 năm kể từ khi bắt đầu thành lập các tổng công ty 91, sau đó là các tập đoàn kinh tế nhà nước, đến nay Việt Nam đã có được một số doanh nghiệp lớn, nhưng chưa thể nói đây là những đầu tàu thực thụ cho các doanh nghiệp khác.

Thực tế đó cho thấy, không phải cứ do doanh nghiệp lớn, mạnh là có “sếu đầu đàn”. Do vậy, để đề án nuôi dưỡng được những “sếu đầu đàn” đích thực, cần thiết phải có cách tiếp cận phù hợp khác, trước hết là cần xem xét lại tiêu chí chọn lựa. Có thể thấy, năm tiêu chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra vẫn thiên về chọn lựa theo quy mô cũng như sức mạnh của bản thân doanh nghiệp, trong khi yếu tố để đánh giá về vai trò dẫn dắt và mở đường thì chưa rõ.

Để làm vai trò của người mở đường, dẫn dắt, mở rộng chuỗi sản xuất hay chuỗi cung ứng thì yêu cầu tiên quyết là doanh nghiệp lớn không được tự làm hết mọi thứ từ A đến Z. Vì nếu tự làm hết thì doanh nghiệp lớn lúc đó dễ trở thành “cá mập” hơn là “sếu đầu đàn” và họ sẽ có khuynh hướng thâu tóm hoặc triệt tiêu các doanh nghiệp khác hơn là dẫn dắt và tạo ra cơ hội để cùng nhau phát triển.

Điều này đã từng xảy ra trong thực tế, khi có không ít tập đoàn và tổng công ty nhà nước đẻ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty con để khép kín chuỗi sản xuất và cung ứng. Xu hướng này cũng đang diễn ra ở không ít doanh nghiệp lớn hiện nay.

Vì vậy, để đạt mục tiêu nuôi dưỡng sếu đầu đàn, yếu tố quan trọng đầu tiên cần xem xét không phải ở quy mô, mà là mức độ lan tỏa mà doanh nghiệp có thể tạo ra. Cụ thể hơn là bao nhiêu ngành, bao nhiêu doanh nghiệp... sẽ có cơ hội phát triển từ sự lớn mạnh của doanh nghiệp đầu tàu này. Với tiêu chí này, có lẽ chọn nuôi dưỡng những doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản để họ trở thành đầu tàu cho hàng triệu hộ nông dân thì tốt hơn một số cái tên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, cho dù những doanh nghiệp này quy mô còn chưa đáng kể.

Thứ hai, không thể có sếu đầu đàn nếu trong đàn chỉ có một con sếu, dù là con sếu rất lớn và rất mạnh. Vì vậy, mọi chính sách cho chương trình này không phải chỉ dành cho riêng doanh nghiệp được chọn, mà phải áp dụng cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác để họ có đủ sức gia nhập đàn.

Sau cùng, dù là ai được chọn thì Nhà nước cũng không nên dùng những biệt đãi để nuôi dưỡng, để tránh tạo ra phân biệt đối xử và cạnh tranh không bình đẳng. Chính sách biệt đãi dễ làm cho doanh nghiệp ỷ lại, lớn mạnh không dựa vào năng lực thực của bản thân, nên thường chỉ tạo ra những doanh nghiệp to xác nhưng ốm yếu. Giải pháp tốt nhất vẫn là tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tự lớn, tự phát triển bằng chính năng lực của mình. Đồng thời, nhà nước cũng cần có cơ chế để doanh nghiệp được chọn phát triển thành sếu đầu đàn thực sự, chứ không phải biến thành những con cá mập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét