Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

20210324. TỔ CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔ CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

TƯ GIANG / TVN 17-3-2021

Khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng” và vì kỷ cương phép nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại kỷ niệm về quyết định thành lập Tổ công tác cách đây 5 năm.

Một lần năm 2017, ông Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống Bộ Y tế để truy về nghị định 38 hướng dẫn luật An toàn thực phẩm. Nghị định này và nhiều thủ tục chuyên ngành ngày đêm hành doanh nghiệp nhưng lại được Bộ Y tế sống chết bảo vệ nhân danh “quản lý nhà nước”.

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo tổng kết 5 năm. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đọc báo cáo chung chung với hàm ý không muốn sửa đổi. Ông Dũng ngắt lời: “Nếu báo cáo như Bộ Y tế thì tất cả tốt hết rồi. Không cần kiểm tra gì nữa. Nếu căn cứ vào báo cáo của Bộ Y tế thì tới đây chúng tôi không biết báo cáo gì với Chính phủ, vì tốt hết rồi. Cứ bao biện thế này thì chúng tôi không cần nghe nữa!”.

Vừa nói mạnh, vừa tạo sức ép, cuối cùng, nghị định 38 đã được sửa đổi bằng nghị định 15, cắt giảm tới 95% thủ tục và giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 3.700 tỷ đồng mỗi năm.

Sau này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dù nghị định 15 cắt giảm đến 95% thủ tục hành chính, giảm cả núi gánh nặng xin - cho cho doanh nghiệp, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm (cấp phép) sang hậu kiểm (giám sát), áp dụng quản lý rủi ro trong xuất nhập khẩu hay thanh tra, kiểm tra nhưng hiệu quả quản lý nhà nước lại tốt hơn, an toàn thực phẩm lại đảm bảo hơn

Đại diện Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết đầu nhiệm kỳ, họ có 21 kiến nghị, đã được giải quyết 17, còn 4. Hiệp hội dệt may cho biết cả 4 kiến nghị lớn đầu nhiệm kỳ đã được giải quyết…

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Tổ công tác. Ảnh: VGP

Sau Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Phan Văn Khải với nhiều dấu ấn, Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nổi lên như một đội đặc nhiệm đầy nhiệt huyết, hành động, hiệu quả, trong đó ông Mai Tiến Dũng có vai trò cá nhân rất to lớn.

Ông là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP có tư duy cải cách, đốc thúc đấu tranh với những rào cản kinh doanh, biết xây dựng những thiết chế làm cho bộ máy nhà nước phải công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình hơn. Ông nổi bật lên về vai trò, chức năng và quyền hạn so với nhiều người từng giữ vị trí đó.

Thế nhưng, một con én không làm nên mùa xuân. Ở phía trên, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo mọi điều kiện, cho thượng phương bảo kiếm đi trảm điều kiện kinh doanh khắp nơi; ở phía dưới, ông được một đội ngũ hùng hậu ở VCCI, CIEM, các hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ hết mình; ở bên cạnh, ông được một số bộ trưởng ủng hộ. Điện, hải quan, thuế, tài chính, công thương, y tế... đã có những thay đổi căn bản, giảm được rất nhiều gánh nặng cho dân và doanh nghiệp.

Tổ công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải từng có quyền lực vô song khi tất cả điều kiện kinh doanh họ trình lên đều được Thủ tướng ký cắt giảm cái rẹt mà không cần tham vấn bộ trưởng chuyên ngành.

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không làm được như vậy, nhưng những dấu ấn trong cải cách môi trường kinh doanh của tổ là rất rõ ràng. Chắc chắn, tinh thần đó sẽ phải được nối dài trong nhiềm kỳ tới đây.

Nỗ lực chung

Tất cả những nỗ lực và thành công chung đó được đảm bảo bởi nghị quyết 19 - văn bản vạch mặt, chỉ tên các điều kiện kinh doanh, đặt mục tiêu tiến bộ cho từng năm trong cuộc cạnh tranh thứ hạng với ASEAN.

Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Tổ công tác. Ảnh: VGP

Nhưng ra được nghị quyết 19 là một chặng đường dài.

Năm 2009, GS người Mỹ Michael Porter được Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời vào để giúp Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá môi trường kinh doanh.

Ông Porter đưa ra nhiều tiêu chí, lời khuyên và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải rất ủng hộ. Rất tiếc, ông Hải sau đó không phụ trách việc này nữa, thay thế bởi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Về phần mình, ông Nhân không đồng ý khi cho rằng, Việt Nam phải tự xây dựng một bộ tiêu chí của riêng mình chứ dứt khoát không nghe theo lời ông Porter.

Với chỉ đạo này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, người được phân công thiết kế ra thiết chế đó hoàn toàn bế tắc. “3-4 năm trôi qua mà chúng tôi không làm được gì”, ông nói.

Phải khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp nhận, yêu cầu lấy chuẩn quốc tế vì Việt Nam không có phương pháp luận và dữ liệu, thì nội dung của nghị quyết 19 mới được phác thảo, rồi thông qua.

Dưới nhiệm kỳ trước, ông Cung rất may được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ủng hộ nên làm được nhiều việc trong việc kiến nghị, thiết kế các dự thảo nghị quyết 19 với sự hỗ trợ hiệu quả của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM.

Kỷ cương phép nước

Mặc dù Tổ công tác là mô hình tạm thời nhưng nó giải quyết bài toán nhức nhối của hệ thống hành chính nước ta là chất lượng thực thi kém. 

Cuối nhiệm kỳ trước, số nhiệm vụ quá hạn chiếm 25,2%, đề án nợ đọng trong chương trình công tác của Chính phủ chiếm 17,1%, có đến 39 văn bản hướng dẫn bị chậm, đình trệ… Tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn đến cuối năm 2020 chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm thành lập Tổ công tác. Tỷ lệ đề án chưa trình đến hết tháng 2/2021 chỉ còn 0,5%, bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước (2,26%).

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, việc thành lập Tổ công tác là để khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng” để thắt chặt kỷ cương phép nước nhằm giải quyết ách tắc, để cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc, làm cản trở sự phát triển.

Trong đó, có một việc rất khó là cắt bỏ thủ tục bởi việc này liên quan đến cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, trong 5 năm qua, đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Tư Giang

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG 'BẮN CHỈ THIÊN', 'TRÊN BẢO DƯỚI KHÔNG NGHE'

NHẬT MINH/ GDVN 17-3-2021

GDVN- Ngày 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Kết luận Hội nghị, nhắc lại lý do thành lập Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đầu nhiệm kỳ này, nhiều vấn đề đặt ra như kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là chậm xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng, nấc trung gian gây cản trở sự phát triển. Niềm tin của người dân, của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Thủ tướng phát biểu. Ảnh: VGP

“Khắc phục tình trạng “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng” và với tinh thần thắt chặt kỷ cương phép nước, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác cùng với những biện pháp khác để giải quyết ách tắc, để cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan chậm trễ, không bỏ quên, bỏ sót việc, làm cản trở sự phát triển.

Trong đó, có một việc rất khó là cắt bỏ thủ tục bởi việc này liên quan đến cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ. Vì vậy, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, Chính phủ đều nghe Tổ công tác báo cáo kết quả hoạt động để xem xét, quyết định xử lý các vấn đề đặt ra như sửa các văn bản, cắt bỏ các thủ tục…

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả của Tổ công tác, trong 5 năm qua, đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. “Nhìn chung, Tổ công tác hoàn thành khá toàn diện cả 6 nhiệm vụ được giao trong Quyết định 1642 và 1289”, với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm.

Việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rất tích cực, đặc biệt tình trạng nợ đọng nhiệm vụ được chấn chỉnh. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 1,8%, giảm gần 25% so với thời điểm Tổ công tác thành lập. Cả nhiệm kỳ Chính phủ, số đề án chưa trình chỉ chiếm 0,5%, chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước.

Hoạt động của Tổ công tác đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đánh giá: “Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng là cần thiết, Tổ hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm đem lại hiệu quả tích cực. Đây là điểm sáng nhất cần phải đánh giá rõ và nhấn mạnh hơn…”.

Chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Điều đáng mừng nữa là tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết được khắc phục. Đến 13/3/2021, chỉ còn nợ đọng 14 văn bản của năm 2020 (trong khi đó, cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chính phủ nợ 58 văn bản; cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ nợ 39 văn bản). Thủ tướng nhấn mạnh việc phấn đấu không còn văn bản quy định chi tiết nợ đọng trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV vào ngày 24/3/2021. Hoạt động của Tổ công tác đã lan tỏa hiệu ứng tích cực đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương khác trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.

Cho rằng càng làm thủ công, càng tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp thì càng dễ xảy ra tiêu cực, Thủ tướng đánh giá cao Tổ công tác đã áp dụng công nghệ trong quá trình xử lý.

Thủ tướng tặng Tổ công tác “8 chữ” là “Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất”.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng Chính phủ là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc có tốt không, có hiệu quả không là do triển khai công tác. Mọi việc cần chủ động, khoa học, phù hợp với thực tiễn diễn ra, ứng phó kịp thời với thay đổi của đời sống xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết tâm cao. Tổ công tác phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng, chính yếu này.

Tổ công tác tại nhiều bộ, cơ quan, địa phương chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp vẫn còn hình thức, chưa thực chất, đối phó.

Tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà chỉ được ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, Tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong quá trình này, cần hợp tác thân thiện, thẳng thắn, cùng phối hợp xử lý công việc chung.

Thủ tướng nêu rõ, cần tăng cường phương thức lãnh đạo, có chủ trương đúng, việc tổ chức thực hiện là quan trọng nhưng nếu thiếu kiểm tra, đôn đốc thì kết quả chưa tốt. Bác Hồ từng nói: “Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”.

Do đó, kiểm tra, đôn đốc là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới của mọi cấp, mọi ngành. “Chủ trương 1, biện pháp 10 thì kiểm tra, đôn đốc 20 thì mới thành công”.

Thành quả của chúng ta chỉ là bước đầu quan trọng, không phải say mê với thành tích mà chưa thấy những bất cập, tồn tại của đất nước, của xã hội, kể cả Tổ công tác, Thủ tướng lấy ví dụ vẫn còn tình trạng trì trệ trong công việc, sự lạc hậu của một số thể chế chính sách.

Thủ tướng đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật để không nợ đọng. Không để tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong thể chế hiện hành, không để ban hành sai những thể chế kìm hãm sự phát triển.

Tất cả các bộ, cơ quan, địa phương trên cả nước có những giải pháp cụ thể thúc đẩy và nâng cao hoạt động của Tổ công tác của Bộ, cơ quan, địa phương trong đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới phương thức.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, qua 5 năm hoạt động, những nỗ lực của Tổ công tác đã tác động, góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao. Tổ trưởng Tổ công tác đã nêu 5 chuyển biến sau 5 năm hoạt động của Tổ công tác.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao, các đề án trong Chương trình công tác được cải thiện rất tích cực.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chuyển biến rõ rệt cả về phương pháp tiếp cận lẫn tiến độ trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ thực chất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, của người dân và doanh nghiệp.

Ảnh: VGP

Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy mạnh mẽ. Qua đó, đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các bộ, cơ quan, địa phương, cắt giảm hàng nghìn thủ tục hành chính; thay đổi lề lối và phương thức làm việc, chuyển mạnh từ thủ công sang môi trường điện tử cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỷ đồng/năm chi phí xã hội (theo cách tính của OECD).

Công tác phối hợp chuyển biến tích cực. Qua hoạt động của Tổ công tác, việc phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, cấp bách được giải quyết, xử lý kịp thời. Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, qua 5 năm hoạt động, Tổ công tác luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Thủ tướng giao; nhiều lần được Thủ tướng khen ngợi, động viên, được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Hoạt động của Tổ công tác vừa có tác động lan tỏa mạnh mẽ; vừa tạo áp lực, thúc đẩy các cơ quan, địa phương quyết liệt hơn, ý thức trách nhiệm cao hơn trong thực thi nhiệm vụ.

Học tập sáng kiến của Thủ tướng và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công tác, 22 bộ, 63/63 địa phương đều đã thành lập Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng như nhiệm vụ được lãnh đạo bộ, địa phương giao.

Từ thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được, Tổ trưởng Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để Tổ công tác tiếp tục phát huy hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Nhật Minh

CHUYỆN XUẤT CẢNG THỦY SẢN SANG EU VÀ LỜI ÔNG THỦ TƯỚNG

TRÂN VĂN/ VOA/ TD 19-3-2021

Chính phủ Việt Nam vừa tổ chức một hội nghị nhằm Tổng kết năm năm hoạt động của hệ thống‘Tổ công tác’ thuộc Thủ tướng (1).

Cách nay năm năm, sau khi được chọn làm Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc thành lập… hệ thống… Tổ công tác do ông trực tiếp chỉ đạo vì hệ thống công quyền Việt Nam có nhiều vấn đề về kỷ luật – kỷ cương hành chính, đặc biệt là chậm xử lý công việc cho dân chúng, doanh giới. Nhiều cơ chế, chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng – nấc trung gian gây cản trở sự phát triển, xói mòn niềm tin của dân chúng và doanh giới

Ở hội nghị vừa kể, ông Phúc nói thêm rằng, ông thành lập hệ thống này với hy vọng khắc phục tình trạng… “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”,… thắt chặt kỷ cương, phép nước, giải quyết ách tắc, cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan hữu trách chậm trễ, bỏ quên, bỏ sót việc, cản trở sự phát triểnĐặc biệt là cắt bỏ thủ tục vốn rất khó vì đó là cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ

Cứ như lời ông Phúc mới phát biểu thì trong năm năm vừa qua, hệ thống Tổ công tác do ông chỉ đạo rất xứng đáng với tám chữ: Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất…

***

Vào ngày mà chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết năm năm hoạt động của ‘Tổ công tác’ thuộc Thủ tướng, Tổng cục Thủy sản (TCTS) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN PTNT): Kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Chủ tịch 28 tỉnh ven biển trong việc thực hiện Luật Thủy sản. Tổng cục trưởng TCTS vừa mới cảnh báo: Không những đang phải giữ thẻ vàng IUU, Việt Nam còn có thể bị phạt thẻ đỏ IUU (2).

Năm 2010, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành qui định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (illegal, unreported, unregulated fishing – gọi tắt là IUU) và áp đặt IUU đối với toàn bộ hải sản xuất cảng sang thị trường của các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU).

Thủy sản của quốc gia nào đó xuất cảng sang EU sẽ hết sức dễ dàng hoặc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cấm xuất cảng sang EU nếu được EC xác định là đạt yêu cầu của IUU (thẻ xanh IUU), hoặc bị EC xác định chưa đạt – phải khắc phục (thẻ vàng IUU), hoặc cấm xuất cảng sang toàn bộ các quốc gia thuộc EU (thẻ đỏ IUU).

Cách nay bốn năm, EC đã phạt thủy sản Việt Nam xuất sang EU thẻ vàng IUU vì hàng loạt vi phạm: Sử dụng các loại ngư cụ hủy diệt tài nguyên biển, khai thác bất hợp pháp, xác nhận nguồn gốc thủy sản xuất cảng sang thị trường EU không rõ ràng… Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines chỉ mất chừng mười tháng tự điều chỉnh đã thuyết phục được EC thu hồi thẻ vàng thì giờ, theo cảnh báo của TCTS, Việt Nam đối diện với nguy cơ lãnh thêm… thẻ đỏ IUU!

Tuy từ 2017 đến nay, toàn bộ thủy sản mà Việt Nam xuất cảng sang EU bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc, thời gian lưu giữ từ ba đến bốn tuần, chưa kể mỗi container mất thêm khoảng 700 Mỹ kim phí kiểm tra… thiệt hại cả đơn lẫn kép cho nhiều giới (doanh nhân, ngư dân,…) nhưng hệ thống công quyền Việt Nam vẫn không đưa được thủy sản Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng bị phạt thẻ vàng IUU.

Dẫu đã có “kế hoạch hành động, kịch bản chung” (3) cho cả hệ thống chính trị (soạn – thông qua Luật Thủy sản, điều chỉnh các quy phạm pháp luật cho phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế, bao gồm cả qui định về IUU của EC), lẫn hệ thống công quyền (ngoài Bộ NN-PTNT, Việt Nam còn kéo cả Bộ Quốc phòng, chính quyền 28 tỉnh ven biển nhập cuộc) (4) nhưng hiệu quả dường như không những không tốt mà còn tệ hơn.

***

Kiến nghị và cảnh báo của TCTS chính là ví dụ gần nhất, rõ nhất cho thấy cả thực trạng lẫn hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam lạc quan… thái quá khi tặng… tám chữ vàng cho Tổ Công tác vốn vẫn được ca ngợi như sáng kiến của ông.

Ông Phúc chắc chắn là người… Việt, rành… tiếng Việt nhưng cách ông dùng tiếng Việt dễ làm đồng bào của ông nghe xong phải… nghĩ. Nếu Tổ công tác tại nhiều bộ, cơ quan, địa phương chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp vẫn còn hình thức, chưa thực chất, đối phó… thì làm sao lại khen là… Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất?

Chuyện thủy sản Việt Nam vẫn phải cầm… thẻ vàng IUU khi xuất cảng sang EU, thậm chí có thể là còn được tặng thêm… thẻ đỏ IUU có khác gì bằng chứng cho thấy tình trạng… “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”,… vẫn… còn nguyên! Thủ tướng có tuyên bố, cam kết gì gì đó thì cũng chẳng khác gì ông tiên phong… “bắn chỉ thiên” nhằm… hoàn thiện thể chế, chính sách trên con đường xây dựng… chính phủ kiến tạo mà “cạo” xong, đừng mơ… “tiến”?

Chú thích

(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/khac-phuc-tinh-trang-ban-chi-thien-tren-bao-duoi-khong-nghe-post216334.gd

(2) https://www.tienphong.vn/kinh-te/vi-sao-tong-cuc-thuy-san-kien-nghi-giam-sat-trach-nhiem-28-chu-tich-tinh-1808154.tpo

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/lap-ke-hoach-hanh-dong-chong-khai-thac-iuu-chung-cho-ca-nuoc-1098260.html

(4) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/go-the-vang-cho-thuy-san-viet-nam-van-kho-1188816.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét