Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

20210318. DÂN NGU NHÌN TỪ LỄ HỘI CHÙA TAM CHÚC ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


AI TIẾP TAY CHO DÂN NGU, CHÙA GIẢ ?

NGUYỄN ĐÌNH BỔN/ TD 15-3-2021


Ảnh trên mạng

Một cái… hơi giống cái chùa, và rất giống Tử cấm thành của Trung Quốc. Trong cái hình hài lai tạp này, có nhiều cái tượng bị gọi là tượng Phật, và một cái tượng đồng rất to, đặt chính diện để thờ ở tầng hai, là tượng bà Lan (đã mất), vợ của ông xây cái khu này, cùng “bảng ghi danh công trạng” của bà.

Đã không phải chùa, đã không phải tượng Phật, lại thờ chung đụng với một phụ nữ không ai biết là ai, thì những ai đến đây vái lạy, cúng kiếng là những kẻ ngu muội. Còn nếu thuần túy đi chơi thì cũng không… thông minh lắm, chen nhau toát mồ hôi như vậy thì du lịch cái chi đây?

Chỉ một người khôn, đó là ông Nguyễn Văn Trường, giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường – chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc này. Cần biết khu vực này được cấp đến 5.100ha đất!

Ngoài ra ông này còn thực hiện nhiều nơi, nơi nào cũng được cấp cả ngàn ha đất có phong cảnh cực đẹp tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thái Nguyên… mà khu du lịch Tràng An – Bái Đính tại Ninh Bình hay quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu “du lịch tâm linh” Tam Chúc – Ba Sao tỉnh Hà Nam là tiêu biểu.

Ai tiếp tay để ông này thu tóm đất đai, danh lam thắng cảnh của quốc gia thành của riêng? Tất nhiên là kẻ cầm quyền các cấp từ trung ương, tỉnh thành mới dám làm điều đó.

Còn ai tiếp tay để ngu dân? Đó là Giáo hội phật giáo VN khi chọn nơi đăng cai đại lễ Vesak 2019 (Lễ Phật đản 2019) tại Tam Chúc.

Việt Nam đâu có thiếu chùa xưa, chùa thật, tại sao các ông chọn một cái chùa giả? Mục đích không phải làm ngu dân thì là gì?

***

Nguyễn Thông: Dân

Những người chen chúc nhau đi chùa Hương, chùa Tam Chúc và các kiểu chùa trong lúc dịch bệnh nguy hiểm cũng chính là những người sẽ đi bầu cử quốc hội. Cứ nhắm mắt mà đi mà làm, theo sự u mê thôi, chứ không cần phải suy nghĩ gì cả.

Chẳng hạn họ không cần biết những ngôi vị lãnh đạo đất nước, nhân dân (trong đó có chính họ) như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội do quốc hội bầu ra, chưa đi bầu nhưng bây giờ đã được đóng đinh bắt vít vào ghế, ông nào làm gì chức gì đều đã xong, trong khi chưa có quốc hội mới, lá phiếu đi bầu cử của họ vẫn còn chưa in. Họ không cần biết cái gọi là dân chủ ở xứ này chỉ là vậy.

Nhà cai trị cũng chỉ cần loại dân chúng như thế. Sản phẩm của sự ngu dân, mê muội, lừa bịp và súng đạn. Và ít nhiều đám cai trị đã thành công.

***

Mạnh Quân: Thần phật nào cứu được những người trong đám đông này?

Những hình ảnh này của 1 phóng viên ảnh ghi lại hôm nay ở chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Khiếp đảm. Tôi không chê bôi kiểu chùa xi măng “siêu to khổng lồ” nữa vì chọn đi hay không đi là quyền của mọi người.

Nhưng dịch giã mà như này, cái “5K” của Bộ Y tế coi như vứt vào sọt rác. Nó chỉ là câu khẩu hiệu trên giấy thôi.

Đúng như tác giả cuốn “Tâm lý học người An Nam” viết thì người xứ ta hồn nhiên, rất chóng quên. Tai họa chưa phải đã ở sau lưng, quá nhiều người như đã tưởng nó phía sau, rất xa rồi nhỉ?

Dễ thấy là các đợt bùng phát dịch vừa qua như ở Hải Dương, đều xuất phát từ thói quen tụ tập đông người như từ các đám ma, đám cưới lên tới cả ngàn người: Bắt tay, bắt chân… thở lẫn cùng bầu không khí trong khoảng cách quá gần.

Thần phật nào cứu được những người trong đám đông này, nếu dù chỉ có một người dương tính với COVID-19 thôi? Bộ Y tế truy vết nổi không?

TRỞ VỀ BẢN NGÃ

ĐỖ XUÂN THẢO/ TD 17-3-2021

1. Thời thế gì mà nháo nhào hết thảy. Việt Nam chưa công bố hết dịch, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cúm Tàu vẫn hiển hiện, vậy mà người ta vẫn ùn ùn kéo đến cái gọi là “công ty trách nhiệm hữu hạn” chùa Tam Chúc. Vậy thì sự tụ tập hàng trăm ngàn người không đeo khẩu trang (có đeo cũng vô ích) có vi phạm những quy chế về phòng dịch mà chính phủ quy định hay không? Ai cho phép họ xé rào? Câu hỏi chỉ có thể trả lời rằng, tiền đã “cấp phép” cho họ! Dân gian có câu “Đồng tiền là Tiên là Phật”. Trong trường hợp này quả không sai. Đây không phải tôn giáo, không phải Phật tử mà là một đám đông mê muội.

Mình rất tán đồng với nhận xét: Cái thứ công trình ở Tam Chúc chỉ là một cái… hơi giống cái chùa, và rất giống Tử cấm thành của Tàu. Trong cái hình hài lai tạp này, có nhiều cái tượng bị gọi là tượng Phật, và một cái tượng đồng rất to, đặt chính diện để thờ ở tầng hai, là tượng bà Lan (đã mất), vợ của ông chủ xây cái khu này, cùng “bảng ghi danh công trạng” của bà. Đã không phải chùa, đã không phải tượng Phật, lại thờ chung đụng với một phụ nữ không ai biết là ai, thì người ta chen vai thích cánh đến đây để vái lạy, cúng kiếng cái gì? Nếu thuần túy đi thăm thú vãn cảnh thì ngắm nghía cái trong khi còn phải gồng mình chen chúc nhau toát mồ hôi? Đấy là chưa kể không khéo còn “rước” con vi rút Tàu vào người để rồi lây lan ra cả cộng đồng…

2. Nhiều người nói, cuộc sống ngột ngạt quá, nhiều bất an, khổ đau và bất công quá, thiếu niềm tin vào sự tử tế quá nên người ta đến chùa (dù là chùa giả, sư giả) để trông chờ đến phép màu. Điều đó không sai nhưng nếu chậm lại để thấy mặc dù cuộc sống khổ đau nhưng cuộc sống cũng đầy màu nhiệm. Chỉ cần lắng lòng ngắm chút ánh bình minh lên hay hoàng hôn buông xuống với trời xanh, mây trắng, nắng vàng, với hoa nở, với ánh mắt trẻ thơ trong trẻo… là ta sẽ đánh thức được niềm tin và sự hướng thiện…

Tội ác là ở những kẻ đã tiếp tay cho các nhóm lợi ích đua nhau phá rừng, phá núi xây chùa giả buôn thần bán thánh ngu dân để làm giàu. Và dĩ nhiên, những đám đông ngu muội vô hình cũng đẩy nhau vào chốn “vô minh”. Đau đớn thay những đám đông ấy năm sau đông hơn năm trước và không có ánh sáng cuối đường hầm. Nên nhớ: Phúc không tích mà cứ lạm hưởng thì rồi phúc cũng hết và khi đó phúc lại chuyển thành họa.

Do quá u mê, một bộ phận không nhỏ dân mình đã “tẩu hoả nhập ma” để “ma đưa lối quỷ dẫn đường”. Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc đã buông lời cảm thán cho thân phận con người trong cái xã hội bát nháo giống xã hội ta ngày nay: “Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy / Kiếp phù sinh trông thấy mà đau / Trắng răng đến thuở bạc đầu / Tử, sinh, kinh cụ làm nau mấy lần” (“kinh cụ” 惊懼: sợ hãi; “nau” 𣈰 chỉ “sự đau đớn”). Mà không đau sao được khi những người bản chất vốn hiền lương trong phút chốc lại trở thành u mê khi rơi vào những vòng xoáy của vô minh và hoang dại.

Bồ Đề Đạt Ma dạy: Mê là mắc kẹt bờ bên đây, khi ngộ là qua được bờ bên kia. Nếu biết tâm không, chẳng chấp tướng thì lìa mê ngộ, đã lìa mê ngộ thì không có bên đây và bên kia nữa (Ngộ tánh luận : Cửa thứ năm ). Nên cái sự mắc kẹt ở bờ bên đây trong đường đến cửa “Động thiếu thất” của dân ta hiện nay còn “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nền giáo dục giáo điều, tầm chương trích cú đã không dạy cho con người ta những kĩ năng mềm cần thiết và cách để thưởng thức hạnh phúc. Các sách giáo khoa thiếu vắng hẳn những bài học giúp các em có được giây phút tĩnh lặng để cảm nhận phong vị cuộc sống. Hệ thống điểm số, thành tích khiến học trò thành những con robot…

3. Cứ thế, chúng ta không có thời gian để nhìn lại chính mình. Khi bị tháo rời ra từng mảnh, xã hội, giáo dục đã tạo ra một lối sống mà ngay cả khi có thời gian rảnh rỗi, mọi người cũng không biết cách tiếp xúc với bản thân. Và ai cũng tiêu tốn thời gian quý báu bằng cách mở ti vi xem những trò chơi nhạt nhẽo vô bổ, xem điện thoại, chát chít, hò hát, nhậu nhẹt hoặc hội hè du hí. Chúng ta đã đánh mất thói quen đối diện với chính mình. Bởi vậy, biết đâu trong số những người đang chen chúc trong đám đông cầu xin lễ chùa đầu năm kia khi trở về sẽ chửi cha mắng mẹ hay rượu chè, cờ bạc hoặc đâm mướn chém thuê…

Phật giáo là sự quân bình giữa trí tuệ và niềm tin. Không có trí tuệ thì không hiểu được đức Phật. Không có lòng tin thì cánh cửa cuối cùng của trí tuệ cũng không mở ra. Trí tuệ như hoa mai, lòng tin như tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân khiến hoa mai nở. “Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa” là vậy. Nếu đi chùa mà thiếu trí tuệ thì niềm tin có thể biến thành sự u mê, mù quáng. Vậy nên khi có gã “sư hổ mang” tuyên bố lập đàn để hoá giải coronavirus thì có biết bao nhiêu con nhang đệ tử nguyện theo hầu. Đáng sợ thay.

Càng ngày người ta càng sợ hãi con người. Cứ chỗ nào có đám đông là chỗ đó có xô xát, chen lấn, chửi thề, nói tục, ăn nhậu, vứt rác thải… Mọi người đã quên đi hành trình về với nơi tĩnh lặng và màu nhiệm nhất: Hành trình VỀ BÊN TRONG CÁI BẢN NGÃ của chính mình.

Người phiên dịch cho Đức Đạt Lai Lạt Ma được coi là người hạnh phúc nhất thế giới. Ông tham gia các diễn đàn kinh tế thế giới, tham dự hội nghị những nhà khoa học… Ông cực kì bận rộn và phải di chuyển nhiều. Nhưng khi có người hỏi ông: Làm thế nào để ông khỏi mệt mỏi sau những chuyến bay dài vì lệch múi giờ? Ông tỏ ra rất ngạc nhiên và trả lời: Đối với tôi, mỗi chuyến bay là một sự rút lui về nơi an tịnh trên bầu trời. Khi đó, chẳng có gì để tôi phải làm cả nên tôi rất thoải mái. Những lúc ấy, tôi được thả hồn với vũ trụ bao la, với nắng vàng mây trắng thiên thanh…

Câu trả lời mới tuyệt vời làm sao. Bởi những đám mây và bầu trời xanh là hình tượng các Phật tử thường dùng để giải thích cho bản chất tâm trí con người: có những đám mây ngang qua bầu trời nhưng điều đó không có nghĩa là bầu trời không có ở đó, nó chỉ tạm thời bị che khuất mà thôi. Và việc của chúng ta là ngồi thật yên cho tới khi bầu trời xuất hiện trở lại… Việc sống chậm lại, cho phép bản thân được yên tĩnh là một nhu cầu cần thiết. Bởi càng xô bồ chúng ta càng thất vọng và khi đó ta lại càng có nhu cầu vùng vẫy để giải thoát khỏi những hệ luỵ. Ấy thực sự là một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. Tin và thể hiện niềm tin tâm linh thực thụ là nét đẹp văn hoá. Nhưng rõ ràng niềm tin ấy không phải là mâm cao cỗ đầy, là chen lấn xô đẩy, bói toán, lên đồng với cướp ấn và nhét tiền vào khắp người tượng Phật. Và đặc biệt, không mê muội để những kẻ nhân danh “du lịch tâm linh” lợi dụng để kiếm tiền và chiếm quyền…

4. Ai đó đã có nhận xét rất chính xác: Một dân tộc biết tiết chế cảm xúc để có thái độ ứng xử phù hợp khi đối mặt với niềm vui hay nỗi buồn là một dân tộc trưởng thành. Ứng xử chỉ biết dựa vào cảm xúc mà quên đi lí trí thì rõ ràng, đó là một dân tộc thấp kém. Cảm xúc (hỉ, nộ, ái, ố) là bản năng, kìm nén là bản lĩnh.

Trương Phi là một võ tướng lừng danh nhưng không phải ông chết một cách oanh oanh liệt nơi chiến trường, mà là bị cảm xúc của mình hại chết.

Hay tin người anh kết nghĩa Quan Vũ tử nạn, thoạt tiên ông không nén nổi đau thương, huyết lệ tuôn trào. Sau đó say xỉn đánh đập binh sĩ, bức ép họ ngày đêm chế tạo binh khí gấp để sớm báo thù cho người anh kết nghĩa. Cuối cùng bộ hạ dưới trướng của ông là Phạm Cương và Trương Đạt không thể chịu đựng thêm nữa, nhân lúc Trương Phi say rượu đã ra tay thích sát ông ngay trong doanh trại. Trương Phi rất dũng mãnh, đây là điều không thể phủ nhận được. Vậy mà người có năng lực lớn như vậy, cuối cùng lại không có được một kết cục lí tưởng.

Bài học mà Trương Phi để lại không chỉ có giá trị với từng cá nhân mà với cả những dân tộc “không chịu lớn” như dân tộc ta hiện nay: “Dân gần trăm triệu ai người lớn / Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” (nhái thơ cụ Tản Đà).

5. Ví như trong bóng đá trọng tài thổi sai một tình huống thì phồng má, trợn mắt lên chửi rủa; ra đường lỡ va chạm vào nhau là sẵn sàng lao vào nhau thí mạng thay vì một lời xin lỗi hay một cử chỉ cúi đầu. Nhưng đến chốn công đường gặp cô cán bộ cấp phường nếu không biết dúi phong bì thì cũng ngoan như cún dù nhiều khi chỉ là khai tờ giấy khai sinh cho con hay làm tấm thẻ căn cước… Sẵn sàng điên loạn rồi háo hức, tự hào với trái bóng; sẵn sàng trèo lên đầu lên cổ nhau tranh cướp ấn đền Trần hay rồng rắn xì xụp trong những ngôi chùa loè loẹt đồng bóng và dị hợm. Vậy mà cũng chính những con người đó vô cảm trước mọi vấn đề nhức nhối của xã hội. Chúng ta kỳ vọng gì ở một đất nước với những con người như vậy?

“Chết vì sốt không sợ bằng chết vì dốt”, ai đó đã thốt lên câu ấy khi hình dung ra cảnh những dòng người rùng rùng mê muội trong trùng trùng các mùa lễ hội…

Và mình chỉ còn biết ngồi cầu nguyện cho con vi rút cúm Tàu đừng hoành hành trở lại trong thời cùng khổ và tận cùng của mạt Pháp này…

ÔI CHÙA ! ÔI SƯ !

TRẦN THẤT/ TD 26-2-2021


TS Trần Thất, cựu Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp. Nguồn: VTC

I- Ôi chùa!

Cuộc đời tôi luôn gắn với Nhà Chùa. Ngay từ khi mới sinh, cha, mẹ tôi đã bán tôi (cũng như các anh, chị, em tôi) cho Nhà Chùa. Đó là chùa Am – Diên Quang Tự, do bà Bạch Ngọc Hoàng hậu, vốn là Hoàng hậu của Vua Trần Duệ Tông mở đất dựng chùa từ năm 1428-1433 ở xã Phụng Công – tổng Đồng Công nay là xã Hòa lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Việc bán này cũng mang tính hình thức, tức là cha, mẹ tôi vẫn nuôi dạy chúng tôi như bình thường. Tuy nhiên, tất cả các anh, chị, em chúng tôi vì đã được làm con nhà Chùa nên chúng tôi phải gọi cha, mẹ mình là “chú” (tức em của bố), “mự” (tức vợ của chú).

Ngày tôi còn là đứa bé chăn trâu thường xuyên thả trâu trước bãi tha ma trước của Chùa. Đó là một bãi tha ma rộng cỡ hơn chục mẫu. Hồi ấy hễ ai chết cũng đem chôn ở bãi tha ma đó. Vì vậy bất kể ai qua bãi tha ma dù là ban ngày cũng đều sợ ma bắt. Riêng tôi thì kể cả trưa tròn bóng hoặc tối sậm mặt người vẫn vô tư một mình thả trâu ở đó, thậm chí còn nằm lăn ra bãi cỏ ngủ ngon lành.

Hồi 1975-1976, sau khi “phục viên” từ Quân đội về quê ôn thi đại học, tôi thường lấy nhà Chùa này làm nơi ngồi học cho yên tĩnh. Kết quả Năm 1976 tôi thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội với tỷ lệ cạnh tranh 1/35 thí sinh.

Năm 1981-1987 tôi công tác ở Hà Nội, nhà ở gần Làng Nhân chính. Ở đó có một ngôi chùa nhỏ, ít người thăm viếng nên rất yên tĩnh. Năm 1987, tôi được chọn đi thi nghiên cứu sinh. Đó là một cuộc “công cua” rất “khốc liệt” mà tôi đã có dịp kể trên Facebook. Nhà nghèo, con nhỏ nhưng tôi quyết tâm thi bằng đỗ để được sang Liên Xô.

Tôi đã chọn ngôi chùa nói trên để làm “căn cứ địa”. Có những hôm tôi ngồi học từ sáng đến chiều tối mà chỉ uống nước vối do Sư thầy trụ trì ở đó cung cấp cho. Kết quả tôi cũng “chiến thắng” trong kỳ thi này. Mà sự chiến thắng của tôi cũng có đôi chút kỳ lạ.

Tôi từng tâm sự rằng trong các kỳ thi tôi không lo kiến thức mà chỉ lo chữ viết của mình quá xấu. Phần lớn các thầy chấm bài của tôi đều chỉ đọc qua đoạn nào đọc được, còn thì lướt qua rồi cho điểm cỡ trung bình, tức 5-6 điểm. Ấy vậy mà lần ấy bài làm Triết học của tôi được 9/10 điểm. Các bài khác cũng được từ 7 trở lên. Tôi thầm nghĩ chắc các thầy giáo chấm bài đã được “ai đó” giúp đọc được chữ viết của tôi chăng?

Khi còn công tác ở Bộ Tư pháp, cứ mỗi lần đi địa phương tôi đều quan tâm tìm hiểu xem ở địa phương ấy có chùa nào? Nếu gần nơi nghỉ là tôi sẽ đến thắp hương. Một lần tôi đến một tỉnh miền Trung công tác, qua trò chuyện thì được một cô cán bộ của Sở Tư pháp cũng là người rất có tâm với nhà chùa và dẫn tôi thăm một ngôi chùa ở gần đó.

Đó là một ngôi Chùa rất cổ và rất giản dị. Điều đặc biệt là ở Nhà Chùa này không hề thấy một “Thùng công đức” nào như phần lớn các chùa khác thường có. Để gặp được Sư Thầy tôi và cô gái kia cũng phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ đứng chờ gữa sân trời nắng chang chang trong lúc Sư Thầy “nghỉ trưa”. Tôi biết chắc rằng không phải Sư Thầy nghỉ trưa đâu mà là muốn thử lòng chúng tôi đấy thôi. Nhưng tôi lại rất thú vị về sự chờ đợi đó.

Gần hai tiếng đồng hồ tiếp kiến Sư Thầy tôi rất tâm đắc. Tôi ngỏ lời mời Sư Thầy một chuyến viếng thăm các chùa lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh… Sư Thầy bảo đã đi hết rồi. Hỏi dò Sư Thầy về nhận xét các chùa ở phía Bắc. Sư bảo ngoại trừ một vài chùa vẫn giữ được nét nguyên bản, còn thì bị “biến dạng” cả rồi! Sơn đỏ, vàng nhiều quá! Hỏi về các sư trụ trì nơi các chùa đó thì Thầy tìm cách “đánh trống lãng”. Tôi biết mình vừa phạm vào một điều cấm kỵ của Nhà Phật.

Tôi là một anh công chức bình thường, sống bằng đồng lương nên không thể có nhiều tiền để “cúng dường” cho nhà chùa như hiện nay người ta vẫn làm. Mỗi khi vào chùa tôi cũng bỏ ít tiền lẻ vào thùng công đức. Cũng có khi dư dả thì tôi bỏ ra một đôi triệu vì nghĩ rằng mình là “con nhà Phật”.

Nhưng tôi rất không thích cái lối nhà chùa cấp “Chứng nhận công đức” cho những người “cúng dường”. Nghĩ rằng Đức Phật, Người nhìn thấy cả sáu cõi, thấu hết tâm can của từng người chứ đâu phải như cơ quan nhà nước cứ phải ghi rõ vào Danh sách ai? Cúng cái gì? Bao nhiêu? để “chấm công” cho họ.

“Sổ ghi công đức”, “Giấy chứng nhận công đức” khác nào gia chủ sau khi xong việc thì xé từng chiếc phong bao ra, hai ba người cùng kiểm đếm xem ai “đi” bao nhiêu tiền, để rồi ghi nhớ cái tình của họ đối với mình. Đó là thứ “văn hoá con buôn” của người Việt Nam hiện nay.

Trong khoảng hai chục năm trở lại, Tết nào vợ chồng tôi cũng về quê (ngoại trừ Tết năm nay không về được vì đại dịch COVID). Tết nào cũng vậy, cứ sáng mùng một Tết là tôi lên Chùa – nơi tôi được nhận làm con của Phật. Nhưng khoảng dăm bảy Tết trở lại đây tôi như người bị mất nhà. Ngôi chùa mà tôi coi như nhà của tôi đã được (bị) người ta tôn tạo, làm mới đến mức tôi không nghĩ đó là chùa.

Có lần tôi phàn nàn với bác Huyến (Đoàn Tử Huyến) rằng trông nó giống như trụ sở của một cơ quan nhà nước thuộc hạng “máu mặt“ ấy. Bác Huyến bảo: Từ ngày chúng nó xây mới lại chùa, tao có lên đó bao giờ đâu!

Còn nhớ một Tết nào đó cách nay khoảng dăm năm, khi vợ chồng tôi lên thắp hương chùa thì bị một đám người đứng ở sân chùa cản lại, bảo rằng: Huyện ủy đang thắp hương trong chùa. Tôi hỏi: Huyện ủy là cái gì? Là ai? mà dám độc chiếm chùa, ngăn cản quyền tự do tín ngưỡng của người dân được Hiến pháp ghi nhận?

Thấy tôi nói cứng nên bọn người ấy phải nhường. Nhưng cũng từ đó tôi tự nhiên mất cảm tình với nhà chùa. Cũng từ đó tôi không còn hứng thú đi chùa, dù bất cứ chùa nào, ở đâu? Không đi chùa nhưng trong tâm tôi luôn luôn kính Phật.

Có câu: PHẬT TẠI TÂM nên tôi không lo bị Phật trách phạt mình không đi chùa. Câu niệm Phật “Nam mô Adi Đà Phật! Nam mô Quán Thế âm Bồ Tát” luôn thường trực trong tôi mỗi ngày. Các cụ nói: “Có thờ có thiêng” là không sai. Tuy nhiên những kẻ tà ác, tham lam… thì đừng niệm Phật làm gì cho uổng công.

Thời gian gần đây (từ khi nghỉ hưu) tôi giành nhiều thời gian tìm hiểu về “Huyền học” thì lại càng tin tưởng hơn về thế giới tâm linh và nhận ra cái sự “thô thiển” của những thứ lý luận của loài người mà mình đã bỏ công một đời đi theo nó. Tôi cảm thấy kinh tởm cái cách mà chúng ta / tôi từng dùng cái khái niệm “GIÁC NGỘ” trong Kinh Phật vào đời sống thường ngày như: “giác ngộ cách mạng”, “giác ngộ giai cấp” v.v… Đúng là sự ngạo mạn, ngông cuồng của những kẻ ngu dốt.

_____

Một số hình ảnh chùa Am – Diên Quang tự:










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét