Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

20210307. CHUYỆN CHỨNG CHỈ CHỨC DANH CỦA GIÁO DỤC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


GIÁO GIỚI  BIẾT ƠN 2 BỘ TRƯỞNG, XIN HÃY KIÊN TRÌ ĐỀ XUẤT BỎ NỐT GIẤY PHÉP CON

CAO NGUYÊN/ GDVN 6-2-2021




Ngày 1/3/2021, Báo Thanh niên dẫn lời ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết hiện nay Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, với “tư tưởng” là bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Như vậy, không chỉ có viên chức, mà các công chức cũng sắp “thoát” khỏi các yêu cầu chứng chỉ này [1]. Điều này cho thấy Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã và đang thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình với cử tri trước Quốc hội [2].

Giáo giới biết ơn 2 Bộ trưởng

Báo Thanh Niên ngày 18/11/2019 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, khẳng định: “Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”. [3]

Trước đó, Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 07/11/2019 dẫn lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước nghị trường Quốc hội: qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GD-ĐT quy định trong chuẩn giáo viên. [4]

Như vậy qua nhiều nỗ lực của 2 Bộ trưởng, sau 2 năm gánh nặng giấy phép con chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học đã được tháo gỡ.

Nhưng viên chức nói chung, viên chức là nhà giáo nói riêng vẫn còn lắm ưu tư, lo lắng, bất an về các quy định đòi hỏi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vừa tiếp tục được quy định trong các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp - "giấy phép con" vô bổ

"Giấy phép con" không chỉ là cụm từ cửa miệng của nhà giáo chúng tôi về các loại chứng chỉ, theo như bài viết trên Báo Kinh tế và Đô thị ngày 08/11/2019, thì dường như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng có chung nhận định này: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Cam kết loại bỏ “giấy phép con” trong công tác cán bộ [5].

Điều này cho thấy Bộ trưởng đã thâm nhập thực tế và thấy rõ công chức viên chức nói chung, viên chức giáo dục như chúng tôi nói riêng vất vả như thế nào vì phải có nó để giữ vị trí việc làm và tăng lương, thu nhập, nhưng lại không có lợi ích gì nhiều cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Thí dụ như hiện nay, giáo viên tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II phải học 10 chuyên đề và làm bài thu hoạch đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, có nhiều nội dung giáo viên thậm chí thành thạo hơn cả giảng viên thì không nhất thiết phải học.

Bên cạnh đó, 9 tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II còn bất cập khiến giáo viên mất cơ hội thăng hạng.

Chuyên đề 1: “Lí luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước”; Chuyên đề 2: “Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo”; Chuyên đề 3: “Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” – 3 chuyên đề này giáo viên chỉ cần đọc tài liệu là đủ.

Chưa kể, những chuyên đề này thì sinh viên nhiều chuyên ngành; giáo viên thuộc diện nguồn quy hoạch lãnh đạo; người tốt nghiệp trung cấp lí luận chính trị - hành chính hay giáo viên môn Giáo dục công dân đã được học rất kĩ.

Chuyên đề 4: “Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường” cũng rất quen thuộc với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tư vấn tâm lí học đường.

Riêng giáo viên làm công tác chủ nhiệm từ 5 năm trở lên có thể tư vấn tâm lí hơn hẳn mớ lí thuyết được giảng viên truyền đạt, vì hàng ngày hàng giờ, bằng kiến thức đã học ở trường đại học sư phạm, họ đã tư vấn cho hàng trăm, hàng ngàn học sinh.

Chuyên đề 5: “Tổ chức hoạt động dạy học, xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường” – đây là công việc của hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn.

Giáo viên bộ môn muốn tổ chức hoạt động dạy học hay xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục thì cũng phải thông qua tổ chuyên môn chứ không tự ý làm được.

Chuyên đề 6: “Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên”; Chuyên đề 7: “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh” – cũng được ngành giáo dục từng tỉnh thành tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên vào mỗi dịp hè hay lúc thay sách giáo khoa.

Hơn nữa, để có thể phát triển năng lực nghề nghiệp thì giáo viên phải tự học, học cả đời chứ không phải chỉ bằng một chuyên đề (online) là đủ.

Chuyên đề 8: “Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường” – đây là công việc của lãnh đạo Sở Giáo dục, hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn.

Hiện nay, một số giáo viên cốt cán cũng được cử lớp tập huấn công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục [6], nên chuyên đề này là thực sự không cần thiết.

Chuyên đề 9: “Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên” – là do hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn đảm nhiệm. Giáo viên chỉ học một chuyên đề sao có thể bằng những chức danh chuyên môn của nhà trường?

Chuyên đề 10: “Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển” - là một nội dung mơ hồ, bởi xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường thì liên quan gì, liên quan thế nào đến chất lượng chuyên môn?

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, điều tiên quyết là phải có thầy giỏi; cơ sở vật chất dạy học hiện đại; sách giáo khoa phù hợp; phụ huynh và nhà trường có sự hợp tác chặt chẽ; trung thực trong kiểm tra thi cử…

Nhìn chung, 10 chuyên đề này trùng lắp, chồng chéo với những gì giáo viên đã được học, bồi dưỡng, thậm chí có nội dung không ăn nhập gì với công tác giảng dạy của giáo viên.

Căn cứ để Bộ Nội vụ dự thảo thông tư theo "tinh thần" bỏ chứng chỉ ngoại ngữ với công chức, viên chức là Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn quy định: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức” [1].

Có lẽ đây cũng là cơ sở pháp lí để Bộ Giáo dục bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học cho giáo viên trong các thông tư mới bạn hành, thay vì chờ sửa Luật Viên chức và Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ hoàn toàn có thể đệ trình lên Chính phủ, Quốc hội - cơ quan có thẩm quyền ban hành một nghị quyết tương tự như vậy để bỏ yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho viên chức nói chung, giáo viên nói riêng.

Bởi lẽ Luật Viên chức vừa mới sửa đổi, giờ lại sửa tiếp là khó khả thi.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã và đang tồn tại như một thứ giấy phép con hành giáo viên, viên chức mà không mang lại lợi ích gì trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, hiệu quả công việc.

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ rà soát lại tính thiết thực của chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để sớm sửa các quy định liên quan sao cho thiết thực, hợp lí.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/se-khong-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-cho-vien-chuc-cong-chuc-1348165.html

[2]https://www.moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/bo-truong-bo-noi-vu-se-khong-yeu-cau-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-45176.html

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-som-bo-chung-chi-hanh-vien-chuc-1149368.html

[4]https://www.sggp.org.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-quy-dinh-ve-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-627230.html

[5]http://kinhtedothi.vn/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-cam-ket-loai-bo-giay-phep-con-trong-cong-tac-can-bo-357033.html

[6] //hcm.edu.vn/thong-bao/ve-mo-lop-tap-huan-cong-tac-tu-danh-gia-va-danh-gia-ngoai-co-so-giao-duc-c41155-65397.aspx

[7] //luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html?layout=amp

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

BỒI DƯỠNG CHỨNG  CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP: BÀI MỞ ĐẦU

CHU MỘNG LONG/ TD 3-3-2021

Thực ra đây không phải là bài mở đầu. Tôi đã có hai bài viết về loại đào tạo, bồi dưỡng này. Bắt đầu từ bài này, tôi muốn cấp trên và mọi người có cái nhìn hệ thống và toàn diện hơn.

Tôi có một nguyên tắc, với tư cách là người trong cuộc, tôi chỉ đưa vấn đề lên mạng xã hội khi các ý kiến trực tiếp của mình tại các cuộc họp hay hội thảo không được tiếp thu.

Sau khi triển khai chương trình, tài liệu, chào hàng và tổ chức dạy học, và mãi sau khi tham gia dạy 3 lớp bồi dưỡng, tôi mới viết một bài về thực trạng của cái gọi là đào tạo, bồi dưỡng loại chứng chỉ này. Các lãnh đạo không có ý kiến phản đối nhưng nhìn tôi bằng ánh mắt bất hoà.

Hậu quả, tôi bị loại ra khỏi “sự nghiệp” làm ăn mà Hiệu trưởng và Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục cho là trách nhiệm, cơ hội và uy tín của nhà trường. Tôi không thấy phiền trong sự đối xử ấy mà rất vui, vì ngay từ đầu, khi triển khai chương trình, tôi đã lên tiếng từ chối, nhưng người chủ trì cuộc họp đe doạ, rằng đó là trách nhiệm!

Con tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Pháp nhắn cho ba nó. Rằng ba không sợ viết như vậy là bị đồng nghiệp xem như kẻ tự đập nồi cơm của mình hay sao? Tôi nói, ba và mọi người đều cần cơm, nhưng là nồi cơm do lao động chính đáng của mình làm ra chứ đi vét nồi cơm của đồng nghiệp ở cấp học dưới thì ngang hàng đứa ăn cướp. Nó bảo kẻ sĩ như ba ở Việt Nam được mấy người?

Tôi kể cho nó nghe chuyện mấy học viên tại chức khóc với tôi. Một lần giải lao, có mấy học viên đã bạc cả tóc kêu ca rằng, em còn hai năm nữa nghỉ hưu, nhưng vẫn phải đi học đây, thầy ơi. Tôi bảo học thì học cả đời, nhiều khi hưu rồi vẫn phải học. Nhưng các bạn nói, không phải vì chúng em ham bằng cấp mà vì lãnh đạo bắt buộc, cả đe doạ, nếu không học thì hoặc bị đuổi việc hoặc bị hạ bậc lương.

Tôi hiểu, luật giáo dục mới quy định: trình độ cao đẳng cho giáo viên mầm non, trình độ đại học cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Vậy thì phải cố gắng đạt chuẩn thôi. Đến mức hiện nay, các giảng viên đại học còn tiến tới đề nghị thông qua luật giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sỹ nữa kia. Các giáo viên nói, nhưng học phí cao quá so với đồng lương của chúng em. Vì để đạt được chuẩn mà phải vay mượn, nợ nần chồng chất.

Tôi cười ra nước mắt. Rằng, các bạn ơi, mất cả đống tiền để có bằng đại học hay thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ vẫn chưa gọi là đạt chuẩn đâu. Chuẩn ngoại ngữ, tin học thì bãi bỏ rồi, nhưng còn chuẩn chức danh nghề nghiệp nữa. Và cũng chưa hết, tôi vừa ngồi hội đồng thông qua “chương trình đào tạo lại” để đáp ứng đổi mới giáo dục nữa đấy. Và còn phải vay tiền, đóng tiền để lấy các loại chứng chỉ ấy nữa mới… xong một đời làm nhà giáo.

Cả đám giáo viên ngồi trước mặt tôi đều xanh mặt! Tôi hiểu, họ đang bị vắt kiệt sức. Vậy thì phải lên tiếng thôi. Nhưng các giáo viên thấp cổ bé họng ấy đều lắc đầu run rẩy: “Chúng em không dám, rất dễ bị quy chụp phản đối chủ trương, đường lối. Thậm chí chia sẻ hay like một bài phản ánh sự thật của thầy cũng bị đe doạ, thầy ạ“.

Trí thức thấy sai mà không lên tiếng là trí thức không có não hay mang cái não nô lệ. Trí thức chỉ biết hả hê mình được ăn no khi vét kiệt cùng nồi cơm của đồng nghiệp thì đó là hạng cướp hoặc buôn gian bán lận. Tôi đành phải lên tiếng bằng lương tâm và trách nhiệm của một trí thức.

Các bài sau tôi sẽ phản ánh trung thực, đầy đủ về thực trạng của đào tạo bồi dưỡng loại hình chứng chỉ này, từ chương trình, tài liệu, tư cách người dạy, học phí, cách chào hàng và cạnh tranh, tổ chức học và thi cử… Với tư cách người trong cuộc, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm điều tôi phản ánh.

Hiện một số báo đã lên tiếng khá mạnh mẽ, nhưng chỉ xuất phát từ lời kêu cứu của giáo viên mà chưa lột tả hết bản chất bên trong của sự kiện. Tôi nghĩ lãnh đạo trung ương cần nghe hết phản hồi trung thực từ những người trong cuộc là chúng tôi mới có thể có những điều chỉnh hợp lý, hợp tình.

Nếu chỉ nghe những báo cáo gian dối từ dưới đưa lên thì hậu quả còn nghiêm trọng và kéo dài… Nói gọn một câu là nó gây tốn kém, lãng phí, bất công và làm tàn phế cả ngành giáo dục chứ không nâng cao chất lượng giáo dục như chủ trương đề ra!

Tôi được biết Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã gửi công văn sang Bộ Nội vụ vạch ra các bất cập của quy định đào tạo hạng ngạch và đề xuất sự điều chỉnh cần thiết, nhưng Bộ Nội vụ vẫn im lặng vì coi như sự đã rồi?

BỒI DƯỠNG CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP: BÀI 2

CHU MỘNG LONG / TD 5-3-2021

Tiếp theo bài 1

Bài 2: Chương trình và tài liệu dạy học

Từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hàng loạt các Quyết định ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo đó, các trường sư phạm được giao trách nhiệm thực hiện, chỉ trong một thời gian cực ngắn. Cuối tháng 6 họp triển khai, đến tháng 9 thì chào hàng, tuyển sinh và mở lớp.

Mỗi Chương trình cho các hạng có 3 phần: 1) Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (từ 4 đến 5 học phần, tổng 60 tiết); 2) Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (từ 7 đến 8 học phần, tổng 132 tiết); 3) Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch (từ 2 đến 3 học phần, tổng 44 tiết).

Chương trình các hạng cao thấp chỉ khác nhau ở một số học phần. Đa số là biến báo cho có vẻ khác hạng, khác cấp học.

Trong cuộc họp triển khai thực hiện, khi nhìn vào chương trình, tôi phát biểu:

1) Các khổi kiến thức được đưa ra trong văn bản của Bộ, riêng phần 1 với nội dung tổ chức bộ máy nhà nước, luật giáo dục… rất cũ kỹ, ai cũng có thể tìm hiểu được chứ không cần phải dạy; phần 2 cũng chủ yếu là cũ kỹ vì các vấn đề tâm lý – xã hội, quyền trẻ em, đạo đức nghề nghiệp, sáng kiến kinh nghiệm… lẽ nào các giáo viên chưa từng học ở đại học hay cao đẳng và chưa từng làm khi dạy học? Một số vấn đề có vẻ mới của giáo dục hiện đại như dạy học phát triển năng lực thì ai đủ trình độ để viết tài liệu và đứng lớp khi tôi biết chắc đa số giảng viên lâu nay chỉ biết dạy nhồi nhét kiến thức?

2) Phần 3 tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch thì thừa và rất chiếu lệ. Tìm hiểu thực tế gì nữa khi đây là chương trình bồi dưỡng cho chính giáo viên đang dạy học, lẽ nào họ chưa biết thực tế dạy học là gì? Còn viết thu hoạch thì chẳng khác gì mấy trò học chính trị trên hội trường, bài thu hoạch cứ chép lẫn nhau là xong?

Một chương trình như vậy, liệu có hơn chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm mà giáo viên đã từng học không? Mỗi học phần lên lớp từ 8 đến 12 tiết thì dạy kiểu gì? Nói về thực tế, thì chắc gì giảng viên đại học, cao đẳng có kinh nghiệm thực tế so với giáo viên phổ thông? Một chứng chỉ nhìn chung chẳng nâng cao hơn về nghề nghiệp người ta đã từng được đào tạo thì sao có thể gọi là tương ứng với chức danh nghề nghiệp hạng này hạng kia? Lẽ nào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng lâu nay, kể cả kinh nghiệm dạy học nhiều năm của cá nhân mỗi giáo viên đang nằm ở hạng bét bây giờ cần phải giữ hạng bét hay nâng hạng cao hơn?

Bài trước, tôi nói tôi từ chối tham gia giữa cuộc họp, vì trong tất cả các chương trình ở các hạng, không có nội dung nào thuộc chuyên môn của tôi. Nhưng người chủ trì cuộc họp bảo, tất cả các giảng viên đều có trách nhiệm nghiên cứu và tham gia giảng dạy.

Tôi nói thẳng, một là, luật chỉ quy định tôi dạy đúng chuyên môn tôi được đào tạo; hai là, vì không đúng chuyên môn, cho nên tôi nghiên cứu được thì giáo viên đã có trình độ cao đẳng hay đại học cũng có thể nghiên cứu được mà không cần tôi phải dạy họ; ba là, muốn nghiên cứu để đứng lớp được thì phải có thời gian đầu tư, không thể vài ba tháng ăn xổi được một hệ thống kiến thức dù chỉ một học phần!

Người chủ trì không cãi nhưng bảo lệnh trên thì phải chấp hành, không cần chuyên môn sâu; cũng không cần mất thời gian, vì tài liệu Bộ đã giao cho Trường Đại học sư phạm Hà Nội viết, cứ theo đó mà dạy. Tôi thốt lên, giời ạ, lâu nay, giáo trình do chính tay tôi soạn tôi dạy chứ không thể dạy giáo trình do ai đó soạn sẵn, trừ kẻ ngu dốt hay thiếu tự trọng cứ bê giáo trình của người khác lên lớp đọc chép.

Kết quả, trừ tôi, không ai có ý kiến gì ngoài sự sung sướng được giao nhiệm vụ kiếm tiền khi hệ tại chức đang ngày một ít đi hoặc bị đứt hẳn ở nhiều ngành. Tôi chỉ xin nhà trường, rằng trách nhiệm thì tôi phải chấp hành, nhưng cho tôi được tham gia phần dạy học phát triển năng lực, điều mà lâu nay tôi đã nghiên cứu, và xin không dùng tài liệu viết sẵn của các tác giả Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Tôi không tin ai, trừ tin vào tri thức của chính mình, những nỗ lực đầu tư của tôi có thể giúp gì cho các giáo viên phổ thông chứ không phải vì tiền. Có điều, trừ một vài nội dung được đầu tư như tôi, giáo viên phải bị hành hạ trong một mớ những thứ chẳng có ích gì đến nghề nghiệp của họ để lấy cái chứng chỉ hành nghề. Phải chăng người ta đã bóp méo chữ “hành” thành “hành hạ”?

___

Chú thêm: Sau đó, tôi có mượn các giáo trình của Trường Đại học sư phạm Hà Nội ban hành. Tôi đọc qua và tá hoả khi họ biên soạn vội vàng, ẩu tả, cũ kỹ và nhiều sai sót nghiêm trọng. Khi nào có thời gian, tôi sẽ phơi trần những trang giáo trình ấy.

BUÔN ĐỦ THỨ...

CHU MỘNG LONG/ TD 28-2-2021

Tôi không phản đối chủ trương chuẩn hoá hay nâng cao trình độ cho ngành giáo dục, và hiển nhiên, không chỉ ở ngành giáo dục mà đến khi phải chuẩn trình độ cho tất cả các ngành thuộc khối nhà nước.

Nhưng cái việc đặt ra một đống các loại chứng chỉ: chứng chỉ chính trị, chứng chỉ an ninh quốc phòng, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… một cách đối phó hình thức, thậm chí thành cơ hội buôn bán chứng chỉ thì phải phản đối quyết liệt!

Sự thực là nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã làm gì với các loại chứng chỉ ấy?

1) Nhiều cơ sở đào tạo không đảm bảo chuẩn vẫn gom hồ sơ, thu tiền và mở lớp;

2) Người đứng lớp chưa chắc đã chuẩn trình độ chuyên môn, hoặc chưa chắc đã có các loại chứng chỉ ấy mà vẫn đứng lớp đào tạo cho người khác;

3) Đào tạo và cấp chứng chỉ tràn lan, gần như cứ nộp tiền học và thi là có tất, từ đó biến chủ trương lớn và đúng của nhà nước thành trò buôn vặt đến buôn lớn của các tổ chức, cá nhân có quyền lực. Hậu quả là… tệ hơn vụ Đông Đô!

Cứ thử kiểm tra các cơ sở đào tạo, nhân sự tham gia giảng dạy và sát hạch lại những người đã có các loại chứng chỉ trên một cách nghiêm túc, khách quan, xem điều tôi nói là đúng hay sai?

Nhớ năm nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Anh của trường tôi bắt tất cả các giảng viên đi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trong 3 tháng hè. Tôi bị điều đi dạy tại chức ở xa, không thể tham dự. Có người mách “ông không tham dự cũng được nhưng cứ làm bài tập và thi là được”.

Nhưng tôi không thể làm thế. Khi đi dạy về, tôi hỏi ai dạy? Phòng Tổ chức nhân sự bảo mời giảng viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng dạy. Tôi cười đến… phát khóc.

Một số giảng viên tham gia lớp học phản ánh, đội ngũ lên lớp là những cô giáo chưa sạch váng mũi lên hội trường nói thánh nói tướng các thứ từ tâm lý đến giáo dục ai cũng biết rồi người học thi trả bài và nhận chứng chỉ. Cán bộ phòng tổ chức nhân sự nói, phải có chứng chỉ ấy mới đảm bảo chuẩn và tư cách hành nghề.

Tại cuộc họp giao ban, tôi nói thẳng với Hiệu trưởng và các lãnh đạo Nhà trường, rằng:

1) Trường Đại học Quy Nhơn, nguyên là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, xét bề dày, đã đào tạo ra các bậc thầy cho các giảng viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, sao lại phải mời giảng viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng dạy nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn?

2) Tôi và nhiều giảng viên học đại học sư phạm, học lên thạc sĩ và hiện có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư với bề dày kinh nghiệm vài ba mươi năm, kể cả luôn cập nhật và nghiên cứu với nhiều công trình về tri thức và dạy học hiện đại, lẽ nào không đủ chuẩn giảng viên?

3) Học chứng chỉ trong vòng một thời gian ngắn như vậy liệu có cao hơn trình độ và kinh nghiệm chúng tôi đang có?

4) Nếu chúng tôi không đủ chuẩn giảng viên thì có dám phủ nhận bằng cấp, trình độ của cả một đội ngũ hàng triệu giáo viên mà chúng tôi đã đào tạo trên khắp đất nước?

Không ai trả lời. Tôi buộc nói thẳng tuột ra điều không ai dám nói. Rằng, thưa Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường, nếu đối tượng cần học chứng chỉ sư phạm để đủ tư cách làm nghề giáo ở đây, trước tiên phải là đương kim Hiệu trưởng và hai Hiệu phó. Hiệu trưởng học đại học bách khoa ngành Kỹ thuật điện, một Hiệu phó học đại học bách khoa ngành Kinh tế du lịch, một Hiệu phó còn lại học Đại học Tổng hợp Toán, tức chưa được học gì về sư phạm. Cả ba không đạt chuẩn sư phạm, nhưng tại sao lại không đi học lấy chứng chỉ mà buộc các giảng viên dưới quyền phải đi học?

Kết quả cuộc chất vấn ấy vẫn bay vào không khí, trừ phi họ nuôi oán mà không có lý để… báo oán.

Buôn thần bán thánh, buôn quan bán tước… đã làm dân mệt mỏi và mất lòng tin lắm rồi. Xin hãy chừa “chữ trinh còn một chút này” cho ngành giáo dục!

Có nhiều cách đơn giản để đánh giá chuẩn hay nâng cao trình độ nghiệp vụ như xét hồ sơ, công trình, sát hạch thực lực chứ đâu phải trò bịa ra các loại chứng chỉ để… vét một cách tàn nhẫn đồng lương còm cõi của nhà giáo?

Luật giáo dục quy định bằng cấp, trình độ chuẩn: Cao đẳng (Giáo viên mầm non), Đại học (Giáo viên Tiểu học trở lên), Thạc sỹ, Tiến sỹ (Giảng viên đại học), và hiện tại đã mở các loại hình đạo tạo để chuẩn hoá (thậm chí hợp thức hoá để vét hàng tỷ tỷ rồi), chẳng lẽ các chuẩn ấy bị xổ toẹt so với các loại chứng chỉ có dấu hiệu buôn gian bán lận?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét