Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

20210311. CHUYỆN XÓA BỎ 'BIÊN CHẾ SUỐT ĐỜI' ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỎ BIÊN CHẾ SUỐT ĐỜI, TIẾC CHO TẦM NHÌN CỦA BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ !

LÊ VĂN MINH/ GDVN 8-3-2021

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi thấy có quá nhiều những bài viết phản ánh về chuyện giáo viên ngao ngán chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp sau khi các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT được ban hành.

Nhiều thầy cô lo lắng bị cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo bởi theo Luật Giáo dục 2019 thì phụ cấp này sẽ bị cắt đi. Những chỉ trích, bức xúc, những nỗi lo thường được đẩy về lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong lúc này, chúng tôi lại nhớ đến đề xuất bỏ biên chế giáo viên để chuyển sang hợp đồng lao động của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cách nay mấy năm. Lúc đó, nhiều người cũng đã từng phản đối dữ lắm….

Thế nhưng, nếu giáo viên chuyển sang hợp đồng lao động thì không phải chịu chi phối bởi Luật Viên chức và tất nhiên chế độ tiền lương cũng sẽ khác đi rất nhiều.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh: moet.gov.vn)

Biên chế suốt đời và chế độ tiền lương của giáo viên

Nếu cứ thực hiện chế độ “biên chế suốt đời” như hiện nay thì bài toán thu nhập của giáo viên sẽ khó có được những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm tới đây, bởi lẽ cách trả lương dựa vào bằng cấp chứng chỉ hay vị trí việc làm đều không căn cứ vào khối lượng và hiệu quả công việc, nên khó tránh khỏi sự cào bằng.

Tăng lương đồng loạt cho hàng triệu nhà giáo, ngân sách lấy đâu ra? Quan trọng hơn là, giả sử có tăng như vậy cũng không tạo được động lực cho giáo viên, mà ngược lại sẽ tạo nên sức ỳ với tâm lý sống lâu lên lão làng!

Bởi lẽ lâu nay một khi được tuyển dụng vào biên chế hay hợp đồng không xác định thời hạn là gần như chắc suất để giáo viên có thể làm việc cho đến khi về hưu. Người giỏi cũng chừng ấy lương, người không giỏi cùng chừng ấy thu nhập nếu như cùng năm công tác, cùng giảng dạy một cấp học.

Nhiều trường học, nhiều địa phương dù giáo viên thừa do sự biến động về số lượng học sinh cũng không thể chuyển giáo viên đi đâu được. Nếu điều động giáo viên đi trường khác thì liên tục có đơn thư, khiếu nại lên cấp trên.

Vì thế, dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, lãng phí nhân lực trong từng trường học, trong từng địa phương mà rất khó giải quyết.

Chính vì vậy, ngày 25/5/2017, bên hành lang Quốc hội thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với báo chí rằng :"Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên".

Khi đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã từng trăn trở: “Lâu nay, dư luận xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Đó là sự thật, cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được.

Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức”.

Về lộ trình thực hiện thì Bộ trưởng cho biết: “Trước mắt, ngành giáo dục cần làm thật tốt việc quản lý giáo viên theo Luật Viên chức. Sau đó từng bước có lộ trình thí điểm việc chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng, làm đến đâu chắc đến đấy, phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Không dùng hành chính để áp đặt, nhất là vùng sâu vùng xa cũng phải có lộ trình riêng để phù hợp với tình hình thực tế”.

Mục đích của việc chuyển từ biên chế sang hợp đồng lao động cũng được Bộ trưởng Nhạ giải thích: "Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn.

Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được "đột phá" cho quá trình đổi mới giáo dục”.

Chỉ tiếc rằng tầm nhìn xa, ý tưởng cải cách táo bạo và căn bản mà người viết cho là rất chính xác của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi ấy bị dư luận phản đối mạnh mẽ, thậm chí là hiểu chưa đúng nên đề xuất này nên đã nhanh chóng đi vào quên lãng, không thể thực hiện được đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng.

Động đến "nồi cơm" của hàng triệu giáo viên chưa bao giờ là việc dễ dàng, dù đấy là điều cần thiết để thay đổi căn bản diện mạo giáo dục từ cơ chế trả lương cào bằng sang cơ chế trả lương theo hiệu quả.

Giá như các cơ quan tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo lường trước được các tình huống này để chuẩn bị đầy đủ thông tin, phương án tuyên truyền và giải thích, lộ trình kế hoạch thí điểm rõ ràng, biết đâu tầm nhìn ấy có cơ hội trở thành hiện thực?

Cái lợi của việc bỏ biên chế, thực hiện hợp đồng đối với giáo viên

Chúng ta đều biết, thực hiện chính sách biên chế suốt đời hay hợp đồng lao động có thời gian đều có những thuận lợi, khó khăn, có những ưu điểm, hạn chế riêng.

Nhiều giáo viên lo rằng nếu như chuyển sang chế độ hợp đồng lao động thì hiệu trưởng các nhà trường sẽ thành “vua một cõi”, họ có quyền hạch sách, có quyền cắt hợp đồng những người không cùng phe cánh.

Tuy nhiên, một khi thực hiện chế hộ hợp đồng lao động thì các cơ quan chức năng sẽ có những văn bản hướng dẫn sự ràng buộc trong việc tuyển dụng và sử dụng nhân lực chứ đâu có thể thích là cắt, thích là tuyển được.

Hơn nữa, nếu làm tốt công việc của mình thì ai nỡ cắt hợp đồng của mình để nhận một người khác thay thế. Cơ chế ràng buộc trách nhiệm phải được cụ thể hóa chứ?

Điều đặc biệt là khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động thì giáo viên sẽ không bị ràng buộc, chi phối bởi Luật Viên chức, những “giấy phép con” như lâu nay mà giáo viên đang phải chịu sẽ không còn nữa.

Đồng lương giáo viên cũng sẽ được cải thiện hơn theo năng lực của từng người. Người làm nhiều, người giỏi tất nhiên sẽ được trả lương xứng đáng chứ không phải cào bằng như bấy lâu nay.

Cái lợi nhất là các vị trí công việc sẽ có những cạnh tranh với nhau để cùng phát triển và tồn tại. Giáo viên mà bằng lòng, mà chững lại đương nhiên sẽ khó có cơ hội được duy trì công việc cũng như được trả lương cao.

Người trẻ ra trường cũng có một môi trường làm việc thuận lợi, không phải e dè giữa những thầy cô biên chế với thầy cô hợp đồng, không phải hẫng hụt khi cùng làm một công việc như nhau, thậm chí người trẻ làm nhiều hơn nhưng đồng lương được hưởng chưa bằng 1/3 giáo viên có thâm niên.

Chưa kể thực tế có khá nhiều địa phương ký hợp đồng thời vụ với giáo viên theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tuyển dụng ồ ạt rồi lại sa thải hàng loạt.

Tình trạng này dẫn đến sự phân chia tầng lớp giáo viên biên chế với giáo viên hợp đồng trong chính môi trường chung - giáo dục công lập, tạo ra những vòng xoáy và cuộc đua không hồi kết để tranh lấy 1 suất biên chế, tạo ra vô vàn hệ lụy cho chính giáo dục và những thầy cô trong cuộc.

Nên chăng, ngành giáo dục cần nghiên cứu nghiêm túc chủ trương bỏ biên chế, thí điểm thực hiện chế độ hợp đồng ở những trường có điều kiện, sau đó sẽ mở rộng dần dần như đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước đây.

Bởi, thực hiện chế độ hợp đồng lao động sẽ là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trả lương xứng đáng, loại bỏ các giấy phép con như hiện nay.

Những lời trăn trở của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước đây không phải là không có lý bởi nếu như cứ giữ chế độ “biên chế suốt đời” thì:“rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức” và điệp khúc: “bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” vẫn sẽ mãi là tiếng lòng của hàng triệu nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bo-truong-phung-xuan-nha-thi-diem-xoa-bo-cong-chuc-vien-chuc-o-nhung-noi-co-dieu-kien-20170526073246976.htm

https://anninhthudo.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-ly-giai-viec-se-chuyen-giao-vien-tu-bien-che-sang-hop-dong-post317872.antd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THAM NIÊN TẠO SỨC Ỳ CHO CÁC NHÀ GIÁO, LÀ LỰC CẢN ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

PHẠM MINH/ GDVN 9-3-2021

Các Thông tư số 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập đang là một vấn đề nhận được nhiều quan tâm của giáo viên, đặc biệt là thu nhập với lương mới bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên từ năm 2022 sẽ ảnh hưởng như thế nào.

Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm:

“Mức độ thâm niên không phản ánh năng lực, trình độ cũng như hiệu quả công việc, đồng thời cũng không tạo động lực phát triển cho giáo viên. Chính vì vậy, việc đưa tiêu chí này vào bảng lương, phụ cấp đã không còn phù hợp”.

Những bất cập trong tính lương, phụ cấp giáo viên hiện nay

Từng có thời gian là giáo viên tại một trường học công lập, cô Quyên cho biết cơ chế tính lương cho giáo viên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ nhất, việc đánh giá mức độ thâm niên không có ý nghĩa tạo động lực cho giáo viên trong hoạt động dạy học, sáng tạo, không đánh giá đúng năng lực, hiệu quả nhiệm vụ công việc.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, mức độ thâm niên không phản ánh năng lực, trình độ, hiệu quả công việc của giáo viên (Ảnh: cô Quyên cung cấp)

“Khi cùng một vị trí việc làm, giáo viên thứ nhất có thâm niên 20 năm trong nghề nhưng chỉ dạy cho xong nhiệm vụ, không quan tâm học sinh, không sáng tạo, không học tập để cải thiện chất lượng giờ dạy. Trong khi đó, người thứ hai là một giáo viên trẻ mới vào nghề nhưng luôn tâm huyết, tích cực học tập, phát triển, đổi mới sáng tạo, được học sinh yêu mến.

Nếu tính phụ cấp thâm niên, tổng thu nhập của giáo viên có thâm niên sẽ cao hơn thu nhập của người giáo viên trẻ. Như vậy là thiếu sự công bằng. Để tạo công bằng thì giáo viên phải nhận được mức lương xứng đáng với những gì họ làm được, tương ứng với hiệu quả công việc của mỗi người”, cô Quyên cho biết.

Phụ cấp thâm niên là yếu tố tạo cho giáo viên cảm giác an toàn. Dù giáo viên dạy học hiệu quả hay không, có tâm huyết với nghề hay không thì chỉ cần có thâm niên theo quy định đều được hưởng mức phụ cấp như nhau.

Đó chính là lý do khiến giáo viên không còn động lực để học tập, phấn đấu, phát triển và nâng cao trình độ của mình. Hệ quả là dễ dẫn đến tâm lý thụ động, ngại đổi mới, ngại học tập, phát triển.

Thứ hai, việc tính lương theo hạng như hiện nay còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất năng lực, trình độ của giáo viên.

Hiện nay, tương ứng với mỗi mức xếp hạng giáo viên lại yêu cầu một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những chứng chỉ này có mang lại hiệu quả gì cho giáo dục?

“Ví dụ, giáo viên phải học hết một cuốn sách về công chức, được cấp chứng chỉ để giữ hạng, thăng hạng, tăng lương nhưng chứng chỉ đó không có mục đích cải thiện chất lượng giảng dạy, không làm tăng hiệu quả giáo dục.

Hơn nữa, chỉ vì một quy định mà giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Mục đích của nhiều giáo viên không phải học tập để phát triển mà học chỉ để có một tờ giấy chứng nhận vô nghĩa.

Thậm chí, tôi đã thấy trên các trang mạng quảng cáo dịch vụ đăng ký hoàn thành chuẩn chức danh nghề nghiệp. Giáo viên không cần học, chỉ cần mua để có chứng chỉ đó”, cô Quyên cho biết.

Như vậy, có thể thấy những chứng chỉ được yêu cầu chỉ mang tính hình thức, không phản ánh trình độ, năng lực, hiệu quả giáo dục. Đối tượng cần hướng đến của giáo dục là học sinh, mục tiêu đánh giá cuối cùng là hiệu quả giảng dạy của giáo viên chứ không phải việc sở hữu chứng chỉ chức danh theo kiểu hình thức.

Chính vì vậy, việc tính lương theo hạng cùng những quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như hiện nay không phải là cách làm đúng.

Áp dụng hệ thống lương 3P trong giáo dục

Theo cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, đã có một thí nghiệm được thực hiện tại trường Đại học Harvard, khi thầy giáo cho điểm tất cả sinh viên bằng nhau, sinh viên sẽ không còn động lực học tập bởi vì họ ngầm hiểu rằng, dù học hay không thì họ vẫn sở hữu số điểm đó.

Đó chính là lý do ở cùng một vị trí việc làm nhưng mức lương không nên là một con số cố định mà cần có công thức tính lương kết hợp nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm năng lực, hiệu quả công việc,...

Tính lương giáo viên cần xem xét đến yếu tố năng lực, trình độ và hiệu quả công việc (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Việc tính lương cho giáo viên có thể được thực hiện theo hệ thống lương 3P, cụ thể là dựa vào 3 yếu tố cơ bản, bao gồm Pay for Position (Trả lương cho vị trí công việc); Pay for Person (Trả lương cho năng lực của người giữ vị trí công việc); Pay for Performance (Trả lương cho kết quả đạt được của người giữ vị trí công việc). Tổng số tiền lương trong tháng sẽ bao gồm 3 yếu tố trên cộng lại.

Đối với yếu tố đầu tiên là vị trí công việc, tương ứng mỗi ngạch sẽ có những mức lương khác nhau, mỗi ngạch còn có thể phân các bậc khác nhau.

Yếu tố thứ hai là năng lực của người giữ vị trí công việc, có thể xem xét đến các yếu tố bằng cấp, trình độ của mỗi người. Đây chính là cách tạo động lực để giáo viên học tập, phấn đấu, bồi dưỡng năng lực và nâng cao trình độ.

Yếu tố thứ ba về kết quả công việc dựa vào nhiều tiêu chí đánh giá, có thể về tinh thần trách nhiệm trong công việc, mức độ hiệu quả công việc, tỷ lệ học sinh yêu thích,...

Tương ứng với mỗi vị trí công việc sẽ có những tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá khác nhau. Tiêu chuẩn của người ở vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ khác với tiêu chuẩn của giáo viên. Bên cạnh đó, cần phải xác định ai là người được quyền đánh giá những tiêu chí, tiêu chuẩn đó.

Giáo dục là một lĩnh vực mang tính đặc thù, chính vì vậy, việc xây dựng những tiêu chí đánh giá phải khoa học, tạo động lực và đảm bảo tính nhân văn nhằm tạo hướng phát triển tích cực.

“Hệ thống lương 3P không chỉ tạo động lực phát triển cho giáo viên mà còn đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Giáo viên sẽ nhận được mức lương xứng đáng với cống hiến, nỗ lực, tâm huyết với công việc, tất cả đều được công khai, mọi người giám sát lẫn nhau.

Có thể trao quyền cho hiệu trưởng trong việc xây dựng bảng lương, xây dựng tiêu chí đánh giá, cấp trên sẽ kiểm tra, thanh tra.

Nếu tính lương theo cơ chế hiện nay, người giỏi chưa chắc đã được trọng dụng, các trường công lập cũng sẽ khó giữ chân được nhân tài”, cô Quyên khẳng định.

Phạm Minh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

BỎ PHỤ CẤP THÂM NIÊN GIÁO VIÊN ĐỂ TRÁNH TÌNH TRẠNG 'SỐNG LÂU LÊN LÃO LÀNG'

HƯƠNG GIANG /GDVN 10-3-2021

Nếu như mọi chuyện diễn ra bình thường thì lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đã được tăng từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng từ ngày 01/7/2020 và ngày 01/7/2021 tới đây sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.

Nhưng, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hướng dẫn bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu được hưởng khoản phụ cấp này.

Thực hiện chủ trương nêu trên nên Luật Giáo dục năm 2019 cũng không còn quy định về phụ cấp thâm niên của giáo viên như Luật Giáo dục trước đây. Như vậy, giáo viên sẽ bị mất một khoản thu nhập không nhỏ bởi phụ cấp thâm niên đã không còn nữa.

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn nên lương cơ sở không tăng và việc trả lương theo vị trí việc làm cũng chưa thể thực hiện theo lộ trình nên hiện nay phụ cấp thâm niên nhà giáo vẫn đang được giữ nguyên.

Tới đây, khi thực hiện trả lương theo vị trí việc làm (dự kiến là ngày 01/7/2022) thì phụ cấp thâm niên nhà giáo sẽ bị cắt.

Nhiều giáo viên…tâm tư nhưng cũng nhiều thầy cô hy vọng khi trả lương theo vị trí việc làm thì sẽ tạo nên sự công bằng vì về cơ bản giáo viên công lập hiện nay đang thực hiện khối lượng công việc như nhau nhưng lương lại đang chênh lệch quá lớn.

Những bất cập trong cách tính lương hiện nay

Hàng chục năm qua, ngoài hệ số lương được hưởng thì giáo viên các cấp học được hưởng thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Những thầy cô tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm thì bắt đầu từ bậc 1, hệ số lương 2,10 đến bậc 10 được hưởng hệ số lương là 4,89.

Những thầy cô tốt nghiệp đại học sư phạm thì bắt đầu từ bậc 1 có hệ số lương là 2,34 và đến bậc 9 có hệ số lương là 4,98.

Những thầy cô giáo khi được tuyển dụng, hết thời gian tập sự 1 năm mà không bị kỷ luật thì cứ 3 năm sẽ được tăng 1 bậc lương, sau 5 năm thì bắt đầu được hưởng phụ cấp thâm niên, mỗi năm 1% lương. Như vậy, chúng ta thấy giáo viên càng lớn tuổi thì tổng thu nhập hàng tháng (lương + phụ cấp) càng tăng.

Những giáo viên trẻ mới ra trường thì dù cố gắng, dù nhiệt huyết, dù giỏi như thế nào đi chăng nữa nhưng đã là giáo viên các trường công lập cũng phải tuần tự 3 năm mới được tăng 1 bậc lương mới.

Việc tăng lương trước thời hạn thì cũng không dễ dàng bởi nó bị khống chế trong việc xét thi đua cuối năm, khống chế tỉ lệ số lượng giáo viên trong trường, khống chế về số năm xét nên năm thì mười họa mới được tăng lương trước thời hạn 1 lần.

Chính vì giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên nên nó đã dẫn đến nhiều bất cập trong tổng số tiền mà giáo viên nhận hàng tháng. Có giáo viên thì nhận mỗi tháng trên chục triệu đồng nhưng cũng nhiều giáo viên trẻ chỉ được nhận mỗi tháng 3-4 triệu đồng tiền lương.

Trong khi, khối lượng công việc của giáo viên ở các nhà trường công lập ở từng cấp học được phân công như nhau: giáo viên tiểu học 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết, giáo viên phổ thông 17 tiết/ tuần.

Vì thế mới có chuyện, cùng là giáo viên tiểu học dạy 1 khối với nhau, tính chất, khối lượng công việc trên lớp được giao như nhau, cho dù thầy A kiêm nhiệm thêm chức vụ tổ trưởng chuyên môn, thầy B không kiêm nhiệm chức vụ nhưng lương thầy B có thể nhiều hơn lương thầy A đến 4-5 triệu đồng/tháng.

Đơn giản, chỉ vì thầy B có nhiều năm công tác hơn.

Trong khi đó, ngoài việc giảng dạy trên lớp thì thầy A kiêm nhiệm thêm chức vụ tổ trưởng chuyên môn nên phải họp hành nhiều hơn, trách nhiệm công việc phải nhiều hơn thầy B.

Sự bất cập này không chỉ tồn tại giữa giáo viên trẻ với giáo viên lớn tuổi mà nó còn tồn tại một thực trạng là lương của nhiều lãnh đạo nhà trường cũng thua xa lương giáo viên không đảm nhận chức vụ trong đơn vị.

Thậm chí Giám đốc Sở Giáo dục cũng có thể có mức lương thấp hơn lương giáo viên đứng lớp cũng là một chuyện rất bình thường vì ít năm công tác hơn.

Nếu lương lãnh đạo thấp hơn giáo viên vì giáo viên đó quá giỏi thì nó cũng hợp lý nhưng nhiều khi thua lương một giáo viên bình bình trong các nhà trường thì rõ ràng đó là những bất cập trong chính sách trả lương suốt hàng chục năm qua.

Nhiều giáo viên cứ qua tập sự, được xét vào biên chế hoặc hợp đồng không xác định thời hạn là yên tâm mọi chuyện. Bởi giỏi hay không giỏi thì cũng phải 3 năm mới lên bậc lương, phải 5 năm mới được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm 1%.

Nước ta đã thực hiện kinh tế thị trường từ mấy chục năm qua, nhiều ngành nghề khác cũng đã trả lương theo năng lực, theo vị trí việc làm thì ngành giáo dục và một số ngành nghề khác vẫn đang được trả lương theo…năm công tác.

Chính vì cách trả lương như hiện nay đã tạo ra một số hệ lụy cho ngành giáo dục, đó là tình trạng học sinh giỏi không muốn thi vào sư phạm, nhiều thầy cô có năng lực nhưng cũng không muốn phát huy hết mình. Thậm chí làm nhiều có khi còn bị ghét, bị rèm pha…

Bỏ phụ cấp thâm niên, trả lương theo vị trí việc làm là phù hợp nhất

Cho dù thực hiện chính sách chế độ tiền lương nào trong thời gian tới đây cũng không thể làm phù hợp tất cả đội ngũ nhà giáo. Giữ phụ cấp thâm niên thì xảy ra tình trạng không công bằng, cắt thâm niên nhà giáo thì những thầy cô lớn tuổi…tâm tư.

Nhưng, chế độ lương, phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức phải nằm trong trong chính sách tổng thể để đảm bảo công bằng, kích thích lao động cho mọi người thì mới là chính sách ưu việt nhất.

Trong khi, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 27-NQ-TW, Quốc hội đã đồng ý Luật Giáo dục năm 2019 là bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu chứ đâu chỉ riêng với ngành giáo dục.

Vì thế, những cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ thầy cô giáo nói riêng khi bị cắt thâm niên cũng cần bình thản đón nhận chính sách mới.

Chúng ta đều biết, cũng chừng ấy kinh phí được giao cho ngành hàng năm, nếu giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo như hiện nay thì những giáo viên lớn tuổi được hưởng nhiều nhưng giáo viên trẻ sẽ rất khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Giáo viên lớn tuổi muốn được giữ lại phụ cấp thâm niên thì giáo viên trẻ họ cũng muốn được trả chế độ tương xứng với công việc họ được giao chứ.

Vì thế, chúng tôi cho rằng bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, trả lương theo vị trí việc làm chưa hẳn đã là điều không tốt cho ngành giáo dục bởi nó sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy cô giáo đừng lo lương của mình sẽ thấp đi bởi nếu như mình có nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn tốt thì chế độ lương, phụ cấp sẽ được trả một cách tương xứng vì cụm từ “trả lương theo vị trí việc làm” nó đã bao hàm tất cả rồi.

HƯƠNG GIANG
GIÁO VIÊN NÀO RỒI CŨNG GIÀ, SAO LẠI NÓI CHÚNG TÔI 'SỐNG LÂU LÊN LÃO LÀNG' ?

SƠN QUANG HUYẾN/ GDVN  11-3-2021

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên từ 01/7/2020. Tuy nhiên, theo Công văn số 8982, Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên đến khi chế độ tiền lương mới được ban hành và có hiệu lực.

Đồng thời, tại Hội nghị Trung ương 13 sáng ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01/7/2022.

Như vậy, từ nay cho đến 01/7/2022, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thể hiện lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo. (Ảnh minh họa: Luattoanquoc.com)

Lương giáo viên từ 1/7/2022 được thiết kế như thế nào?

Theo Nghị quyết 27, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, để thiết kế bảng lương mới cần bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể.

Nghị quyết 27 đề cập về nội dung cải cách lương bằng việc thiết kế cơ cấu tiền lương mới và xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo như sau:

Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

Xây dựng 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm):

+ Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị;

+ Giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất;

+ Giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới…

- Xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

+ Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

+ Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;

+ Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.[1]

Như vậy, trong lương mới sau ngày 01/7/2022, lương giáo viên không còn phụ cấp thâm niên, nhưng có tiền thưởng. Tiền thưởng sẽ là động lực để giáo viên phấn đấu, cống hiến, tránh sự trả lương cào bằng như hiện nay.

Cắt thâm niên thì có tiền thưởng, thầy cô vẫn lo giảm thu nhập

Thầy giáo H. ở Vũng Tàu chia sẻ “Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.

Như vậy nếu một giáo viên công tác tốt, đủ điều kiện được lĩnh thưởng, thì tiền lương (Thu nhập - người viết ghi chú) sẽ chỉ bằng 80% lương hiện nay.

Nếu vậy, những giáo viên có thâm niên từ 15 năm công tác trở lên sẽ giảm thu nhập, vì thâm niên của họ đã hơn 10% tiền thưởng”.

Lo lắng của thầy giáo H. cũng là lo lắng của nhiều giáo viên khác đang hưởng phụ cấp thâm niên từ 10% trở lên mà người viết nhận được.

Vì thế, dù có tiền thưởng, thầy cô vẫn lo giảm thu nhập khi thực hiện lương mới.

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo là thể hiện lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo

Thâm niên dành cho nhà giáo như lời tri ân của xã hội với thầy cô đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thâm niên nhà giáo không phải “sống lâu lên lão làng”, “tạo sức ỳ cho sự đổi mới”, tại sao vậy?

Thứ nhất, là giáo viên ai sẽ cũng già, cũng sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên sau 5 năm công tác, nên nói thâm niên là “sống lâu lên lão làng” là khiên cưỡng.

Thứ hai, những giáo viên bắt đầu hưởng phụ cấp thâm niên là bắt đầu vào độ “chín” của nghề. Nội dung giảng dạy, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm đã được tích lũy, họ có thể đang hát cải lương nhưng chuyển ngay sang hát quan họ. Vì vậy, không thể nói “thâm niên tạo sức ỳ” cho sự đổi mới.

Vấn đề đặt ra, sự đổi mới đó có phải thật sự đổi mới, hay sự đổi mới đó chỉ là cách gọi như VNEN nay gọi Trường học mới!

Khi sự đổi mới thật sự khoa học, thật sự vì người học, người dạy, tôi tin chắc rằng “thâm niên” là động lực chứ không phải sức ỳ.

Nhà giáo đang chiến đấu với kẻ thù vô hình của mỗi cá nhân, của xã hội, đó là giặc dốt. Sự hy sinh của họ phải được xã hội ghi nhận, học trò ghi nhận, sự ghi nhận của xã hội không thể nói suông, sự ghi nhận đó chính là cho giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên.

Đạo đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn. Có phụ cấp thâm niên trong cơ cấu tiền lương nhà giáo thể hiện lòng biết ơn của xã hội đối với người Thầy.

Giữ phụ cấp thâm niên nhà giáo trong cơ cấu tiền lương là thể hiện và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/luong-giao-vien-khi-bo-phu-cap-tham-nien-566-29273-article.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến

PHÙNG XUÂN NHẠ PHẢI ĐẮC CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, HOẶC PHẢI RỜI KHỎI GHẾ BỘ TRƯỞNG !

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 9-3-2021

Cấu trúc quyền lực và hình thức

Tất cả các thành viên chính phủ Việt Nam đều là đại biểu Quốc hội. Điều vui nhộn ở nguyên tắc này là, những người điều hành chính phủ cũng chính là những nhà làm luật (đại biểu Quốc hội), ban hành luật để chính họ thực hiện. Nói nôm na là, họ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nhưng nói theo đảng CSVN thì đó là nguyên tắc “tập trung dân chủ” nổi tiếng của họ!

Mọi người đều biết rằng quyền lực thật sự ở Việt Nam nằm trong tay đảng CSVN, với bộ máy kiểm soát toàn bộ lãnh thổ cũng như mọi hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… mang tên Ủy ban Trung ương đảng (Trung ương Đảng) CSVN, vì thế trong nhiều bài viết tôi gọi Trung ương Đảng là “quốc hội” thật sự của Việt Nam.

Có nghĩa là, nhà nước Việt Nam có hai quốc hội, một quốc hội để trang trí, mà người dân sẽ “đi bầu” vào cuối tháng năm tới đây, với hơn 400 đại biểu, và một quốc hội nắm quyền thật sự, tức là Trung ương Đảng, đã bầu bán xong sau đại hội 13 của đảng CSVN. Thú vị ở chỗ, hai quốc hội này có phần giao nhau khoảng 25%, với khoảng 100 ủy viên Trung ương, là thành viên của quốc hội trang trí.

Tuy vậy, theo hiến pháp do đảng CSVN viết ra, quốc hội với hơn 400 người đó lại là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất“, vì thế việc trộn lẫn rối rắm nào là quốc hội, nào là Trung ương, nào là bộ chính trị, được phát biểu một cách trứ danh: Nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo.

Giả sử là điều đó đúng, thì về mặt hình thức phải làm như thế nào cho đúng? Theo cách hiểu của những người bình thường, thì bộ phận đông đúc nhất là Quốc hội với hơn 400 đại biểu đó phải được bầu đầu tiên, sau đó những vị trúng cử sẽ chọn ra các vị trong nội các chính phủ (các bộ trưởng), và sau cùng mới là Trung ương (các Ủy viên Trung ương).

Nhưng điều vui nhộn ở chỗ là, thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Tháng 2/2021, BCH Trung ương Đảng CSVN khóa 13 đã được bầu xong. Sau đó chính phủ được cơ cấu, theo tuyên bố chính thức của chính phủ vào ngày 2/3/2021 như sau: “Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, xây dựng phương án, giới thiệu nhân sự lãnh đạo Chính phủ. Trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Chính phủ là giới thiệu, còn quyết định là thẩm quyền của Bộ Chính trị”.

Rồi tận đến ngày 23/5/2021 quốc hội mới được bầu lên.

Trong một bài viết đăng trên Tiếng Dân ngày 6-3-3031, tác giả Trần Kỳ Khôi tiết lộ danh sách các thành viên chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Điều này có nghĩa là các nhân vật trong danh sách này chắc chắn sẽ trúng cử đại biểu quốc hội hơn 2 tháng sau đó, trừ khi lãnh đạo đảng thấy danh sách bị lộ, nên sẽ thay đổi đôi chút, giống như “trường hợp đặc biệt” là người giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, dự định sửa điều lệ đảng, nhưng đã không sửa sau khi bị “thế lực thù địch” loan tin.

Thôi thì ta cứ mặc định rằng, những người này đã được đảng CSVN tín nhiệm ở kỳ đại hội đảng lần thứ 13, và dân chúng cũng sẽ tín nhiệm họ để bầu vào quốc hôi vào tháng 5. Hãy để qua một bên việc làm tréo ngoe vừa bàn ở trên, để xem xét trường hợp sau.

Phùng Xuân Nhạ, anh phải sống

Có một số nhân vật không được đảng Cộng sản tín nhiệm nhưng lại có tên trong danh sách nội các chính phủ, như danh sách ông Trần Kỳ Khôi đưa ra, thì quả là thú vị. Xin tạm lấy ra một trường hợp: Đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Ông Nhạ làm bộ trưởng từ năm 2016 đến nay, và dĩ nhiên trong thời gian đó, ông cũng là đại biểu Quốc hội và là ủy viên Trung ương.

Một người là hiệu trưởng của một trường đại học ở Việt Nam nói với tôi rằng, ông Nhạ xuất thân từ một chức vụ phó phòng lèm nhèm trong Bộ Giáo dục, nhưng ông quyết tâm đi lên bằng cách là mua hết tất cả những người nào có trách nhiệm trên con đường hoạn lộ của ông. Ngoài tật nói ngọng ra, nói chung ông Nhạ không gây hiềm thù gì với các phe phái hùm beo trong chính trường Việt Nam.

Nhưng dân gian có câu “điếc hay ngóng, ngọng hay nói” (xin lỗi ông Nhạ, ở đây tôi chỉ mô tả hiện tượng, chứ không có ý tấn công cá nhân), ông Nhạ hay đăng đàn phát biểu về những tầm nhìn, cải cách, quyết tâm, chấn chỉnh,… liên quan đến ngành giáo dục, mà mọi người biết. Còn nhớ, có lần ông đề nghị nhập sách giáo khoa từ Phần Lan về Việt Nam, sau một chuyến công du vui vẻ ở xứ sở tuần lộc này.

Ông Nhạ không gây thù oán với phe phái nào, nhưng ông nói nhiều quá, mà lại nói bậy, cho nên đám trí thức không có quyền lực ở Việt Nam hay mỉa mai ông, rồi nhìn nền giáo dục ngày càng đi xuống dưới thời ông nắm quyền ở Bộ Giáo dục, dân chúng cũng bất bình. Các đảng viên ở Trung ương Đảng, dù không thù hằn gì với ông, nhưng sự ồn ào và mất uy tín quá nhiều với công chúng như vậy, có thể làm cho họ cáu, và thế là ông rớt mất ghế ủy viên Trung ương trong đại hội 13 vừa rồi.

Nhưng đòn trừng phạt của đảng chắc cũng chỉ giới hạn ở Trung ương thôi. Sau Trung ương thì chiếc ghế bộ trưởng của ông vẫn chưa lung lay, ông vẫn được ngồi lại chiếc ghế này, làm bộ trưởng giáo dục thêm một nhiệm kỳ nữa, theo một số nguồn thạo tin. Tức là ông phải trúng cử đại biểu Quốc hội khóa tới đây.

Nếu điều đó xảy ra, có thể thấy, trên quan điểm quyền lực thật sự, ông Nhạ rớt ủy viên Trung ương, nhưng lại trúng cử Quốc hội. Nếu nói theo hiến pháp, Quốc hội với hơn 400 đại biểu, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thì ông Nhạ lại được dân chúng tín nhiệm, trong khi đảng lại bất tín nhiệm.

Trở lại cấu trúc quyền lực thật sự ở phần đầu bài viết này, thiết nghĩ, đảng CSVN nên làm ngược lại, tức là bầu Quốc hội đâu vào đó xong, hãy tổ chức Đại hội Đảng sau. Dù gì thì “đảng lãnh đạo đạo toàn diện, tuyệt đối”, có ai can thiệp vào được trong chuyện chia ghế của đảng đâu? Nên thay đổi cách sắp xếp ghế, chứ để cái chuyện sinh con rồi mới sinh cha, như thế rất là lộn xộn.

Nhưng nói gì thì nói, trong nhiệm kỳ này Phùng Xuân Nhạ phải đắc cử đại biểu Quốc hội, hoặc là Trung ương sẽ phải thay danh sách đã lộ ra, đổi người khác làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

KÉO DÀI DANH SÁCH NGOẠI NGỮ LÀ KÉO DÀI TÂM THẾ LỆ THUỘC

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD/ BVN 8-3-2021

1. Một nghề cho kín

Học ngoại ngữ là nhu cầu tất yếu. Nó càng trở nên tối cần thiết trong thời đại kết nối toàn cầu tức thì như hiện nay. Trong hoàn cảnh phải ganh đua quốc tế ngày càng gay gắt, mà học sinh phổ thông các nước lại giỏi ngoại ngữ hơn học sinh Việt Nam, thì việc thúc đẩy học sinh Việt Nam học ngoại ngữ là điều phải làm.

Nhìn vào thực tế trên toàn thế giới thì ngoại ngữ nào là cần thiết áp đảo? – tiếng Anh. Chỉ cần thật giỏi tiếng Anh là có thể làm việc ở mọi quốc gia – dù đó là Nhật Bản và Hàn Quốc dùng chữ tượng hình ở bán cầu Đông, hay đó là Brasil nói tiếng Bồ Đào Nha và Chile nói tiếng Tây Ban Nha ở bán cầu Tây.

Hiển nhiên, biết nhiều ngoại ngữ cũng là một ưu thế. Có người giỏi 5-7 ngoại ngữ. Nhưng đó là sự lựa chọn thứ hai. Đừng bao giờ quên lời dạy của cha ông: “một nghề không kín, chín nghề không xong” và “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Với học sinh phổ thông Việt Nam, đang thua xa học sinh Philippines và Singapore về tiếng Anh, thì hãy lấy tiếng Anh làm mục tiêu số 1. Không cần phải gắn tên là ngôn ngữ chính thức thứ hai, nhưng là ngoại ngữ số 1 của học sinh Việt Nam. Đấy mới là cách đi đúng.

2. Vẽ thêm dự án tốn kém

Đưa một môn ngoại ngữ vào nhóm bắt buộc lựa chọn số 1 kéo theo vô vàn tốn kém. Chương trình giảng dạy không phải là quan trọng nhất, mà cung cấp và chu cấp giáo viên mới là vấn đề đau đầu. Sau đó là sách giáo khoa.

Phải có đủ giáo viên và sách giáo khoa cho mọi trường trên toàn quốc. Trong khi số lượng học sinh tự chọn thì đếm trên đầu ngón tay. Có trường không có học sinh. Giáo viên làm gì? Tiếng Nga đã một thời áp đảo trong chương trình phổ thông Việt Nam, nhưng nay không có mấy học sinh lựa chọn. Bài học chưa đủ rõ chăng?

Và trong thời kỳ mà lợi ích nhóm rộ lên nhiều hơn nấm sau mưa, thì cũng không thừa nếu đặt câu hỏi, rằng liệu có hay không ai đó đã loby để tiếng Hàn trở thành ngoại ngữ số 1 trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam? Và có ai được hưởng lợi từ dự án này không?

3. Kéo dài tâm thế lệ thuộc

Cứ nước nào đến đầu tư nhiều ở Việt Nam thì phải đưa tiếng nước họ vào chương trình phổ thông trên toàn quốc ư? Nếu Ả Rập xê út đến đầu tư nhiều hơn nữa ở Việt Nam, nếu Israel mở rộng quan hệ hơn nữa với Việt Nam, rồi thì chúng ta sẽ đưa tiếng nước họ vào chương trình giảng dạy bắt buộc ở phổ thông ư? Danh sách ngoại ngữ 1 sẽ kéo dài thêm những nước nào?

Một thực tế, đưa tiếng nước nào vào danh sách ngoại ngữ 1 đã làm đau đầu không chỉ 1 người có trách nhiệm. Ngoại trừ tiếng Anh nhận được sự đồng nhất về nhiều tiêu chí. Còn lại đưa tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… đều dính líu đến quan hệ và e ngại.

Danh sách ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ không chấm dứt chừng nào tâm thế lệ thuộc còn tồn tại trong suy nghĩ của những người đứng đầu ngành giáo dục. Tại thời điểm hiện tai, danh sách ngoại ngữ 1 bao gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn.

4. Đề xuất

Chỉ tập trung cho tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông, ở mọi trường học. Các ngoại ngữ khác là lựa chọn thêm, học ở các TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ, HỌC TRỰC TUYẾN.

5. Xóa bỏ tâm thế lệ thuộc

Các nước ở Bắc Âu, có diện tích gần tương đương nhưng có dân số ít hơn Việt Nam trong khoảng từ 10-20 lần, lại nằm cạnh các nước lớn là lò lửa chiến tranh trong nhiều thế kỷ, nhưng chẳng bao giờ gọi nước nào là anh cả, anh hai. Họ rộng mở chào đón các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, nhưng cũng không bao giờ “lót ổ cho đại bàng” mà tự đưa mình vào vị thế “chim sẻ”. Học sinh phổ thông của họ biết ngoại ngữ giỏi hơn học sinh phổ thông Việt Nam, nhưng không có danh sách ngoại ngữ 1 dài dằng dặc như ở Việt Nam.

Muốn độc lập, hùng cường, thì cần phải xoá bỏ tâm thế lệ thuộc. Xoá bỏ tâm thế lệ thuộc phải bắt đầu trong suy nghĩ của lãnh đạo. Xoá bỏ được suy nghĩ lệ thuộc thì hành động sẽ không lệ thuộc. Như đã có một thời “muốn đánh Mỹ, thì đừng sợ Liên Xô, Trung Quốc”.

Xoá bỏ tâm thế lệ thuộc phải bắt đầu trong giáo dục. Để xoá bỏ tâm thế lệ thuộc trong giáo dục thì phải xoá bỏ tâm thế lệ thuộc trong lãnh đạo ngành giáo dục, và trong suy nghĩ của các giáo viên. Có thế, học sinh mới không bị gieo rắc tâm thế lệ thuộc.

Việt Nam rất cần một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xứng tầm.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

NHÌN LẠI MỘT NHIỆM KỲ ĐẦY SÓNG GIÓ VÀ DẤU ẤN CỦA NGUYÊN BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ

THANH AN/ GDVN 8-4-2021

GDVN- Tính từ ngày 09/4/2016 đến ngày miễn nhiệm, thầy Phùng Xuân Nhạ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn thiếu 2 ngày là tròn 5 năm trời.

Ngày 7/4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, tính từ ngày 09/4/2016 đến ngày miễn nhiệm, thầy Phùng Xuân Nhạ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn thiếu 2 ngày là tròn 5 năm. Một nhiệm kỳ trôi qua, những thành tựu, hạn chế của giai đoạn này song hành với nhau.

Có nhiều việc mà Bộ trưởng Nhạ cùng với tập thể lãnh đạo Bộ Giáo dục đã làm được nhưng cũng còn nhiều việc chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Thậm chí, có những sự việc xảy ra đã gây ra những phản ứng trái chiều.

Song, công bằng mà nói, 5 năm là khoảng thời gia quá ngắn để 1 Bộ trưởng có thể có những dấu ấn đậm nét cho ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang có sự chuyển đổi từ chương trình cũ sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 với vô vàn công việc phải làm.

Thầy Phùng Xuân Nhạ (ảnh: moet.gov.vn)

Tháng 4/2016, thầy Phùng Xuân Nhạ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thay cho thầy Phạm Vũ Luận.

Nếu như người tiền nhiệm xem “giáo dục là trận đánh lớn” thì Bộ trưởng Nhạ đã quan niệm: “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”.

Song, thực tế thì gần 5 năm qua, có những việc xảy ra trong ngành giáo dục đã không như mong muốn của cá nhân thầy Phùng Xuân Nhạ và xã hội.

Những sự việc bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi. Bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên xảy ra liên tục.

Những sự việc nổi cộm phải kể đến như: Năm 2018, tại trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) đã xảy ra sự việc một cô giáo bị phụ huynh yêu cầu quỳ gối ngay trong văn phòng của nhà trường.

Tại Hải Phòng, một cô giáo trẻ đứng lớp đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng, sự việc đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ về đạo đức của một nhà giáo.

Rồi tại Quảng Bình, một cô giáo đã yêu cầu 23 học sinh tát 1 nam sinh lớp 6 tổng cộng 231 cái vào mặt, khiến em học sinh này phải nhập viện. Đây thực sự là một trong những sự cố đau lòng về cách ứng xử ở môi trường giáo dục…

Tình trạng học sinh đánh nhau tung clip lên mạng xã hội, học sinh đánh nhau dẫn đến tử vong, chấn thương sọ não khiến cho xã hội xót xa về văn hóa học đường.

Những kiện cáo, thưa gửi kéo dài như trường hợp cô Nguyễn Thị Tuất- giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) kéo dài qua 4 đời hiệu trưởng, dài dằng dặc suốt 20 năm trời cho thấy những bất ổn trong quản lý ở cơ sở.

Bên cạnh đó, những tiêu cực trong thi cử, đào tạo cũng có lúc đã khiến cho xã hội hoài nghi, thất vọng, mai một niềm tin ở một số kỳ thi, một số cơ sở đào tạo.

Đó là vụ tiêu cực chấn động cả nước trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang. Ngoài ra, dư luận cũng đặt ra những nghi vấn ở một số tỉnh, thành khác nữa nhưng chỉ tiếc sự việc này chỉ dừng lại ở 3 địa phương mà thôi.

Vụ án này đã khiến hàng chục nhà giáo rơi vào vòng lao lý. Nhiều nhà giáo đã không còn liêm sỉ trước tòa nên đã đổ tội, né tránh trách nhiệm của mình khi sự việc bị phanh phui…

Sự việc tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 của trường Đại học Đông Đô thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Điều đáng sợ nhất là có nhiều người “học”ở đây là một số cán bộ, công chức, viên chức để nhằm hợp thức hóa văn bằng làm nghiên cứu sinh, để thăng tiến.

Sách giáo khoa phổ thông năm 2000, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục cũng trở thành nỗi ám ảnh cho hàng triệu phụ huynh mỗi khi con em họ bước vào năm học mới.

Sách lớp 1 của chương trình mới có nhiều sạn cũng khiến dư luận bất bình, hoài nghi về năng lực của một số tác giả biên soạn sách giáo khoa, cũng như những dự án mà ngành giáo dục đã triển khai…

Cho dù những sự việc xảy ra ở các địa phương, đã được phân cấp trong quản lý, hoặc là những dự án còn dở dang của các khóa trước nhưng nó lại rơi vào đúng thời điểm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại vị. Với cương vị đứng đầu ngành giáo dục, bất kỳ chuyện gì xảy ra trong ngành, thì ông vẫn là người đứng mũi chịu sào trước sóng gió dư luận, cho dù phân cấp quản lý nhà nước có thế nào đi nữa.

Vì thế, uy tín của Bộ trưởng Nhạ có những lúc bị ảnh hưởng.

Điều này dẫn đến việc ngày 25/10/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ nhận được 28,87% phiếu tín nhiệm cao và ông là người đạt số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất trong số 48 chức danh do Quốc hội bầu.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những áp lực xã hôi, sóng gió dư luận, trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng với lãnh đạo của Bộ đã có những chỉ đạo, những kế hoạch phù hợp để đạt nhiều thành tựu trong đổi mới giáo dục và chấn chính những hạn chế trong khoảng thời gian tại vị của mình.

Đó là Bộ đã ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của chương trình mới.

Trong năm học vừa qua và năm học 2020-2021 này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương tinh giản những đơn vị kiến thức không cần thiết cho phù hợp với thực tế năm học.

Bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào ứng dụng trong giảng dạy và học tập như: dạy và học trực tuyến, bồi dưỡng trực tuyến, cho phép các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục…

Các hội thi như: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi đua khen thưởng cũng được chấn chỉnh bằng các văn bản mới.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục đã lên tiếng và thống nhất chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, đưa ra những giải pháp trong việc bồi dưỡng chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Nhiều trường đại học đã được xếp vào những trường uy tín của quốc tế, khu vực, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế.

Những thành tựu này có một phần quyết liệt của lãnh đạo Bộ, trong đó có dấu ấn của thầy Phùng Xuân Nhạ trong suốt thời gian 5 năm vừa qua.

Hy vọng, Bộ trưởng kế nhiệm thầy Phùng Xuân Nhạ sẽ có những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tế của ngành để hạn chế được những sự cố và phát huy những thành tựu của người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục nước nhà trong những năm tới đây.

THANH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét