Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

20210308. CHUYỆN ĐÁNH THUẾ GOOGLE VÀ FACEBOOK

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐÁNH THUẾ GOOGLE, FACEBOOK: TIN VUI VỚI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ CẢ VIỆT NAM ?

CHÂU PHAN/ TBKTSG  7-3-2021

(TBKTSG) - Một tin vui với hầu hết các nước trên thế giới. Ngày 26-2, trong cuộc họp trực tuyến của nhóm quốc gia phát triển G20, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Yellen nói Washington từ bỏ một đòi hỏi chủ chốt liên quan đến việc đánh thuế đối với các ông lớn công nghệ như Google và Facebook, khai thông bế tắc vốn đã làm tăng căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương và ngăn cản việc đi đến một thỏa thuận quốc tế.

Bà Yellen nói Mỹ không còn đòi hỏi điều khoản “safe harbor” (tạm dịch là nơi trú an toàn) cho phép các công ty Mỹ chọn không phải trả thuế như vậy ở nước ngoài. Bà còn nói thêm rằng Mỹ sẽ tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về việc đánh thuế ở nước ngoài này cũng như về một mức thuế toàn cầu tối thiểu.

Các cuộc đàm phán có sự tham gia của khoảng 140 quốc gia về các điều luật thuế tổng quát lên các công ty công nghệ Mỹ đã bị chựng lại năm 2020 khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu phải có một cơ chế safe harbor. Phần lớn các quốc gia khác nói rằng họ không thể chấp nhận quyền chọn trả thuế như vậy.

Hoan nghênh sự chuyển đổi lập trường này của Mỹ, các nước G20 hy vọng sẽ sớm có một thỏa thuận toàn cầu, có thể là vào mùa hè năm nay, về đánh thuế công bằng lên các công ty công nghệ Mỹ.

Để hiểu bối cảnh đằng sau một thỏa thuận đánh thuế như vậy, cần hiểu cách các ông lớn công nghệ này đang đóng thuế như thế nào.


Ví dụ với Google, công ty này cho biết mức thuế doanh nghiệp tổng hợp trên toàn cầu Google đang phải trả là 23% trong vòng 10 năm qua, tương đương với mức thuế trung bình theo quy định của các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 23,7%.

Phần lớn số thuế này được nộp tại Mỹ, nơi sản sinh và phát triển phần lớn sản phẩm và dịch vụ của Google. Phần thuế còn lại được nộp tại khoảng 50 nước trên thế giới - những nơi Google có văn phòng trợ giúp việc bán dịch vụ (1).

Vấn đề là, mặc dù Google đã trả thuế (không thấp) cho cả Mỹ và nhiều nước khác, nhưng Google e ngại là nếu không có một thỏa thuận đánh thuế quốc tế thì họ đã và sẽ tiếp tục bị đánh thuế (cao), thậm chí là đánh thuế hai lần ở nhiều nước khác theo ý muốn của nước sở tại, như đang xảy ra tại Pháp, Úc, Indonesia..., dù là Google có hay không có văn phòng đại diện hoặc cơ sở của mình (như ở Việt Nam).

Nếu không chấp nhận tuân thủ việc đánh thuế của nước sở tại như vậy thì Google phải đối mặt với rủi ro là bị gây khó khăn hoặc thậm chí buộc phải từ bỏ cơ hội kinh doanh ở các nước này.

Trong khi đó, với tư cách là nước đặt đại bản doanh của Google, Mỹ đương nhiên không muốn phải chia sẻ số thuế đánh trên lợi nhuận của Google cho bất cứ một nước nào, nên mới nảy sinh ra yêu cầu để cho Google có quyền được chọn trả thuế cho ai; ai chống lại yêu cầu này thì bị Mỹ đe dọa trừng phạt thương mại như định làm với Pháp (và từ bỏ ý định này hồi tháng 1 năm nay trước khi ông Trump rời Nhà Trắng).

Nhưng nếu Google chọn Mỹ là nước được Google đóng thuế thì các nước khác sẽ bị thiệt hại. Vì đây là một rủi ro lớn có khả năng thành hiện thực nên không mấy nước khác chấp nhận yêu cầu này của Mỹ, dẫn đến sự bế tắc trong việc đàm phán thuế giữa các quốc gia với Mỹ, cũng như sự “mắc kẹt” của Google giữa các thế lực Đông-Tây vốn chẳng có lợi cho ai.

Không rõ Việt Nam có nằm trong số 140 nước tham gia các cuộc đàm phán nói trên không, vì dường như chưa thấy một dòng tin nào nói về chuyện này ở trong nước. Điều chắc chắn là Việt Nam đang “đau đầu” tìm cách thu thuế trực tiếp từ các công ty công nghệ Mỹ. Do các công ty này không có văn phòng, cơ sở tại Việt Nam nên việc đánh thuế này (dưới dạng thuế nhà thầu) trên thực tế đang gặp một số khó khăn (2).

Việc thu thuế kiểu “nắm đằng lưỡi” như vậy tất nhiên không phải là tối ưu. Nó có thể dẫn đến thất thu thuế, vì bỏ sót nhiều đối tượng nộp thuế tiềm năng do việc đánh thuế vẫn phải phụ thuộc một phần vào sự tự nguyện khai thuế của  phía người sử dụng/đối tác của các công ty công nghệ đa quốc gia này - bên nộp thuế hộ các công ty này.

Bởi vậy, nếu chưa phải là một trong số 140 nước tham gia đàm phán thỏa thuận thuế quốc tế trên thì Việt Nam cần tích cực và chủ động tham gia ngay với tư cách là một đối tác đàm phán để cùng các nước khác chia phần một cách công bằng miếng bánh thuế đánh trên lợi nhuận của các công ty công nghệ thu được từ hoạt động của họ trên phạm vi toàn cầu.

Cần biết rằng việc đánh thuế toàn cầu ở mức tối thiểu cùng với những cải cách về thuế lên các công ty công nghệ sẽ mang lại một khoản thu lên tới khoảng từ 60-100 tỉ đô la Mỹ, tức tương đương tới 4% thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu.

Nếu Việt Nam đã tham gia việc đàm phán này, thì với tư cách là một đối tác đàm phán, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho các cuộc thương lượng gay go còn lại về phạm vi áp dụng của các điều khoản mới về thuế, sự phân bổ phần thuế thu được cho mỗi nước, và việc chế tài để đảm bảo thu được thuế... Tất cả những nội dung này gồm rất nhiều chi tiết lớn và nhỏ, cũng như khó khăn trong việc hiện thực hóa các chỉ dẫn chung thành các quy định chi tiết sẽ làm cho quá trình đàm phán còn lại cho đến đích không hề bằng phẳng.

(1) https://www.blog.google/outreach-initiatives/public-policy/its-time-new-international-tax-deal/

(2) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/google-facebook-youtube-dong-thue-tai-viet-nam-nhu-the-nao-1304070.html


TUYÊN GIÁO VIỆT NAM VÀ CÁC YOUTUBER HẢI NGOẠI: HAI ĐỒNG MINH BẤT NGỜ

JACKHAMMER NGUYỄN / TD 5-3-2021


Ông Võ Văn Thưởng, cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đảng CSVN. Ảnh: VTC

Ông Võ Văn Thưởng, cựu Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) được đảng này phân công làm thường trực ban bí thư cho nhiệm kỳ lãnh đạo năm năm tới. Đây được xem là vị trí thứ năm, chỉ sau tứ trụ.

Nếu con đường tiếp tục hanh thông thì ông Thưởng có khả năng vào tứ trụ trong nhiệm kỳ tới ở tuổi đời 55, một trường hợp hiếm hoi trong thứ bậc trọng lão ở đảng CSVN.

Việc thăng tiến của ông Thưởng ở đại hội 13 vừa qua được khá nhiều người nhìn như là một sự cấu trúc vùng miền, để cho phe Nam bộ được quân bình, với ông Thưởng vốn xuất thân từ tỉnh Vĩnh Long. Nhưng tôi nghĩ, bên cạnh sự chia chác quyền lực vùng miền đó, ông Thưởng đã thành công trong vai trò Trưởng ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng trong năm năm vừa qua.

Dĩ nhiên, trong hệ thống cộng sản, theo như những gì chúng ta biết, sự thăng tiến phụ thuộc vào phe phái quyền lực nhiều hơn, nhưng thành quả cá nhân không phải là không đáng kể, nhất là trên cái gọi là “mặt trận tư tưởng”, lĩnh vực mà ông Thưởng phụ trách (một ví dụ khác chứng minh cho sự thất sủng do làm việc kém là bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ, bị mất chức ủy viên trung ương).

Ông Thưởng được xem như là tổng biên tập duy nhất của mấy trăm tờ báo, đài truyền hình, đài phát thanh phủ sóng trên toàn quốc. Nội dung của các kênh này mang đậm tính giải trí, thu hút một số lượng rất đông khán giả trong nước, thậm chí lan sang cả hải ngoại.

Có hai lãnh vực mà ban tuyên giáo phải cố gắng vất vả trong mấy năm qua, đó là trấn áp mạng xã hội (Facebook, YouTube…) nơi nhiều ý kiến trái ngược với đảng Cộng sản được đăng tải. Đảng CSVN đã thành công trong việc bắt buộc hai mạng xã hội đó kiểm duyệt những nội dung mà họ không muốn chúng xuất hiện.

Lĩnh vực thứ hai là các cơ quan truyền thông hải ngoại, bao gồm bốn kênh chính là BBC, VOA, RFI, RFA, thường được gọi là “đài địch”, cùng các trang báo tiếng Việt tại hải ngoại. Đối phó với các kênh này, chiến thuật cho đến nay được Ban Tuyên giáo dùng là lập tường lửa, nhưng nhiều người quan tâm đến chính trị trong nước vẫn có thể tìm cách vượt tường lửa để đến với các kênh này.

Một hệ thống truyền thông mới từ hải ngoại bất ngờ tiếp sức cho Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản, đó là các kênh YouTube. Đa số các kênh này lúc mới xuất hiện có nhiều bình luận chống Cộng sản, nhưng trong bốn năm qua, thời ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ, các kênh này nghiêng hẳn về việc đưa tin vịt để ủng hộ ông Trump.

Các kênh YouTube này đả phá kết quả bầu cử Mỹ, vu cáo các nhân vật chính trị, xã hội thuộc đảng Dân chủ Mỹ là tay sai Trung Quốc,… Và các kênh này được rất nhiều người trong và ngoài nước theo dõi, qua đó chủ các kênh này thu được nhiều tiền quảng cáo. Việc này làm cho các kênh BBC, RFI, VOA, RFA, cùng các trang báo hải ngoại mang những tiêu chuẩn báo chí tiếng Việt như Người Việt, Viễn Đông, CaliToday… bị lấn lướt nặng nề.

Các kênh YouTube hải ngoại này khai thác tin vịt từ các trang tin vịt nổi tiếng như Epoch Times, Đại Kỷ Nguyên, Tân Đường Nhân, Tri thức Việt, Tinh Hoa…

Theo tìm hiểu của ông Hoàng Ngọc Diêu, một người làm về công nghệ thông tin lâu năm sống tại Úc, cho biết, có nhiều trang tin vịt tiếng Việt được các YouTube hải ngoại khai thác, đang được điều khiển từ Việt Nam, đó là các trang Tinh Hoa (tinhhoa. net), TriThucVN (trithucvn. net), Tân Đường Nhân (ntdvn. com), Đại Kỷ Nguyên (dkn. tv)… cùng nhiều trang khác xuất xứ từ Trung Quốc.

***

Vào dịp tết Tân Sửu năm nay, tôi gọi điện thoại về Việt Nam thăm bạn bè thì có một người bạn sửng sốt nói rằng, các kênh YouTube hải ngoại đưa tin vịt rất kinh hoàng. Anh bạn này là một bác sĩ ở miền Tây Nam bộ. Một người bạn khác gọi về cho mẹ thì được mẹ rất phấn khởi cho biết, rằng bà có theo dõi thời sự ở Mỹ và rất hài lòng là tổng thống Trump vẫn cầm quyền, còn ông Biden chỉ là đồ giả sau khi gian lận bầu cử.

Chúng ta không thể biết được số khán thính giả trong nước nào nhiều hơn, anh bác sĩ hay bà mẹ của người bạn tôi. Nhưng cả hai đều đi đến một cái nhìn chung là bên Mỹ tồi tệ quá, anh bác sĩ thì thấy người Việt hải ngoại thích tin vịt, bà mẹ già thì thấy nước Mỹ rất gian dối.

Điều đáng ngạc nhiên, nhưng nghĩ cho kỹ thì không ngạc nhiên chút nào, là tuyên giáo của đảng Cộng sản không hề ngăn cấm những kênh YouTube chuyên đưa tin vịt từ hải ngoại. Mặc dù không có chứng cứ rõ ràng, rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam đứng sau lưng các trang tin vịt điều khiển từ Việt Nam, nhưng nhà nước này hoàn toàn ý thức được sự tồn tại của chúng, hoàn toàn có thể chặn đứng được chúng, nhưng họ không làm. Và thế là bất chiến tự nhiên thành.

Trước đại dịch Covid-19 tôi có dịp trò chuyện với hai viên chức nhà nước Việt Nam, hai người này nêu đích danh hai kênh YouTube rất đắt khách vùng Nam California là TNP và TQH. Nguyên văn một người nói với tôi là: “Các ông ấy nói như biết rồi ấy, cũng chẳng cần chặn các ông ấy làm gì”. Ông ta vừa nói, vừa cười rất thú vị.

Viên chức này có lý, khi ta nhìn phản ứng của một người dân trong nước như người bạn bác sĩ của tôi. Các kênh này làm mất uy tín trầm trọng truyền thông tiếng Việt từ hải ngoại, và như một trò chơi zero sum, bù vào lỗ hổng đó là các trang truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam, đậm tính giải trí, tránh chuyện chính trị, và dù sao cũng không đưa tin vịt một cách đậm như YouTube hải ngoại.

Năm 2020 được nhiều nhà quan sát cho là năm mà các phong trào đối kháng với đảng CSVN hầu như chấm dứt, có lẽ phải thêm vào là năm thắng lớn của truyền thông nhà nước, của Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Thưởng và đảng của ông hiện đang thắng, nhưng với một thủ thuật không chính danh. Dưới cái thủ thuật đó, ông Thưởng phá được uy tín của truyền thông hải ngoại, nhưng lại đặt đồng bào ông vào một thế giới tin vịt, không còn biết sự thật nằm ở đâu, đó là điều vô cùng tai hại cho người dân Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét