Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

20210304. CHUYỆN BỔ NHIỆM PGĐ SỞ KH-ĐT VĨNH PHÚC 31 TUỔI

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỔ NHIỆM PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ 31 TUỔI Ở VĨNH PHÚC KHÔNG PHẢI TRƯỜNG HỢP CÁ BIỆT

TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 2-3-2021

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 2/3, báo chí đã đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi, con gái của Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Duy Thăng cho rằng gian qua, báo chí và dư luận xã hội nói chung rất quan tâm các trường hợp cán bộ trẻ, đặc biệt cán bộ trẻ là người nhà cán bộ lãnh đạo.

Ông Thăng cho biết, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối tháng 10/2020, có chương trình làm việc toàn khóa của tỉnh, trong đó có nội dung kiện toàn nhân sự trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau.

Theo các quy định của Đảng, tham gia cấp ủy bao giờ cũng cơ cấu về tuổi, về giới. Theo đó, dự kiến sẽ bổ nhiệm tập trung 10-15 người, trong đó có 6 cán bộ nữ, 8 cán bộ trẻ.

“Trên cơ sở như vậy, Tỉnh ủy ban hành kế hoạch về công tác nhân sự, dự kiến bổ nhiệm tập trung 15 trường hợp, trong đó có 6 nữ, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi có 8 người. Vì vậy trường hợp bà Trang, theo báo cáo của tỉnh, không phải trường hợp cá biệt của tỉnh”, ông Thăng thông tin.

Về ý kiến của Bộ Nội vụ, ông Thăng cho biết bản thân ông đã đề nghị Vụ cán bộ công chức báo cáo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo cụ thể về trường hợp này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Duy Thăng trả lời tại buổi họp báo ngày 2/3. Ảnh: TP

“Tinh thần chung là chúng ta phải làm đúng quy định của Đảng và pháp luật” - ông Thăng nhấn mạnh.

Trong đó, Đảng có quy định 105/2017 về phân cấp quản lý cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử. Văn bản này quy định Phó giám đốc Sở thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Về quy định của pháp luật, Nghị định 24 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quy định rõ thẩm quyền của tỉnh bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc Sở.

Về điều kiện, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì quy định điều kiện chức danh Phó giám đốc Sở thế nào.

Về tiêu chuẩn, Bộ Chính trị có nghị quyết 89 quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý các cấp.

Quy định của Bộ Chính trị cũng giao cho tỉnh quy định cụ thể các chức danh khi bổ nhiệm.

Về quy trình, thủ tục, Quy định 105 của Bộ Chính trị, đặc biệt là nghị định 138/2020 quy định khi làm nhân sự bổ nhiệm trong nước rất rõ ràng.

Về phía Bộ Nội vụ, Bộ cũng đã yêu cầu các vụ liên quan báo cáo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo chính thức về việc này và tinh thần chung là phải theo quy định của pháp luật.

Cụ thể về thẩm quyền bổ nhiệm, thực hiện theo Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị định 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về điều kiện, theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm của Sở.

Về tiêu chuẩn, theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Về quy trình thủ tục, theo Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Nghị định 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

"Tôi nghĩ rằng Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đánh giá rất cẩn thận” - ông Thăng nói đồng thời cho biết sẽ cung cấp thông tin tới báo chí khi có báo cáo cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về trường hợp này.

Theo thông tin trên vov, bà Trần Huyền Trang (31 tuổi), công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 7/2016 với vị trí chuyên viên. Sau khi kinh qua một số chức vụ, bà Trang được bổ nhiệm làm Phó giám đốc của Sở Kế hoạc và Đầu tư Vĩnh Phúc đầu năm 2021.

Được biết, bà Trần Huyền Trang tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc; lý luận chính trị cao cấp.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa ký văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy khẳng định việc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang là khách quan, minh bạch, không có sức ép, không có áp lực.

Văn bản của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh "việc bổ nhiệm đồng chí Trang thực hiện đúng các quy trình, quy định. Đã thực hiện đầy đủ quy trình 5 bước về công tác cán bộ. Đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân tích, xem xét một cách thấu đáo, trên cơ sở đề xuất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và bỏ phiếu kín, biểu quyết khách quan".

Tại cuộc bỏ phiếu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bà Trần Huyền Trang đạt số phiếu cao, 14/14 phiếu, 100% ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đồng ý với đề xuất bổ nhiệm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc./.

Trần Phương
BỔ NHIỆM CÁN BỘ TRẺ Ở TỈNH VĨNH PHÚC, CẦN NIỀM TIN VÀ SỰ KHÍCH LỆ
NGỌC QUANG /GDVN 2-3-2021

Mấy ngày nay, một bộ phận dư luận đề cập tới chuyện bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc ở tuổi 31. Và, người ta chú ý chỉ vì nữ cán bộ trẻ tuổi là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Không biết từ bao giờ nhưng cứ cán bộ trẻ được bổ nhiệm mà là con, cháu của một lãnh đạo nào đó thì lập tức bị lôi ra “soi xét”, bị đặt hàng loạt dấu hỏi về năng lực… liệu có quá khắt khe trong khi vẫn muốn đất nước phải đổi mới, sử dụng những cán bộ có năng lực.

Ở tuổi 31, bà Huyền Trang được đánh giá là cán bộ năng nổ, có năng lực chuyên môn tốt, thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, bà Trang từng giữ vị trí Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại thuộc Sở này và được đánh giá là có trình độ năng lực tốt, có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động của đơn vị.

Đây là độ tuổi thuận lợi cả về trí lực… với việc được đào tạo bài bản, quá trình công tác tốt, một cán bộ như bà Huyền Trang chắc chắn sẽ còn có nhiều cống hiến cho tỉnh Vĩnh Phúc. Thời gian sẽ trả lời rõ hơn nữa về năng lực, tư duy và tầm nhìn lãnh đạo của bà Huyền Trang. Vậy thì có gì phải ầm ĩ khi một cán bộ trẻ được đào tạo bài bản giữ một vị trí Phó Giám đốc của một Sở?!

Chẳng lẽ một cán bộ trẻ có năng lực lại phải chờ “già” thêm vài năm nữa mới được bổ nhiệm thì có vẻ xứng đáng hơn sao? Hay một người có năng lực bình thường cứ đều đều lên dần theo kiểu “sống lâu lên lão làng” thì được xem là bình thường?

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

Dù nói thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể đảo ngược xu hướng chung của thế giới, đó là chọn cán bộ trẻ có năng lực, có tư duy đổi mới và đạo đức tốt – không quan trọng đó là con ai, cháu ai.

Đó là xu hướng phát triển chung của nhân loại! Thay vì soi mói, dè bỉu, chỉ biết chửi đổng mà chẳng đóng góp được gì, hãy dành thời gian đóng góp những điều tốt đẹp cho sự phát triển của xã hội.

Có lẽ, nhiều người thấy Huyền Trang trẻ cũng vì trong hệ thống các cơ quan nhà nước hiện nay số lượng cán bộ lớn tuổi nắm giữ các vị trí lãnh đạo đang chiếm phần lớn? Và, nếu như địa phương không đặt niềm tin, không tạo cơ hội cho những cán bộ trẻ thì đến bao giờ chúng ta mới nhìn thấy những tư duy, tầm nhìn đột phá?

Khi bàn về vấn đề sử dụng cán bộ trẻ, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng nêu một câu hỏi: Vấn đề là cán bộ đó có xứng đáng hay không, có đủ tài, đức hay không mà thôi? Chúng ta còn phải phấn đấu làm sao có nhiều cán bộ trẻ tham gia vào cấp ủy, thậm chí vào Trung ương, vấn đề là họ hoàn toàn xứng đáng.

Chúng ta đừng nghĩ thanh niên ít tuổi mà lơ mơ, điều đó có thể có một bộ phận nào đó, nhưng bên cạnh đó có rất nhiều người tuy chỉ 25, hay 30 tuổi đã rất sâu sắc, có tinh thần yêu nước, có sự tận tụy và rất có kiến thức. Do vậy, chúng ta không chỉ phải chú trọng tới vai trò của đảng viên đang giữ cương vị lãnh đạo mà còn phải rất chú ý tới các đảng viên trẻ… Tuy nhiên, thực tế vừa qua rất nhiều tỉnh không đạt được tỷ lệ nữ và thanh niên.

Ông Vũ Quốc Hùng bày tỏ, qua phương tiện thông tin đại chúng, khi sơ kết, tổng kết Đại hội các tỉnh, thành phố, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đã nói, có nhiều nơi không đủ tỷ lệ cán bộ trẻ trong Ban chấp hành - đó là điều rất đáng tiếc, khi thực tế bây giờ tuổi trẻ thông minh, có nhiệt huyết ở độ tuổi trên dưới 30 không ít. Các cấp ủy cần chủ động phát hiện ra những nhân tố đó, đưa họ vào cấp ủy rèn luyện, đào tạo.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả những nơi gian khổ, những công việc nặng nhọc đều có sự đóng góp của thanh niên. Rồi trong hòa bình, cán bộ trẻ hiện nay vẫn là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận. Trên mọi lĩnh vực đều có đội ngũ tuổi trẻ, xung kích, thông minh, trí tuệ và có lòng yêu nước. Đó là quy luật của xã hội và thời kỳ nào cũng như thế, thế hệ trẻ cũng đều có những đóng góp lớn. Nếu chúng ta chịu khó phát hiện và hỏi ý kiến nhân dân thì có thể phát hiện nhiều hiền tài trong độ tuổi thanh niên.

Trẻ hóa cán bộ là một trong những yêu cầu của quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo nguồn lực cho địa phương và đất nước nói chung. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, tài, triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực tế là những năm qua có không ít cán bộ trẻ được tín nhiệm ở các vị trí lãnh đạo của bộ, ngành và địa phương, vào lúc họ chưa đến 40 tuổi. Ở tỉnh KonTum, đã có Phó Giám đốc Sở ở tuổi 35; tỉnh Bình Phước có Giám đốc Sở chưa tới 40 tuổi… có những cán bộ chưa tới 40 tuổi nhưng đã là lãnh đạo cấp cao của bộ, địa phương.

Tại Đại hội Đảng XIII vừa qua, nhiều cán bộ trẻ đã được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Nhìn ra thế giới cũng không hiếm trường hợp còn rất trẻ đã giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao của đất nước như: Bà Sanna Marin (sinh năm 1985), trở thành Bộ trưởng Giao thông Vận tải Phần Lan vào năm 34 tuổi. Cũng trong năm 34 tuổi, bà Sanna Marin còn tiến thêm một bước xa hơn nữa, đó là trở thành Thủ tướng của Phần Lan.

Ở Ukraine, ông Oleksiy Honcharuk trở thành Thủ tướng năm 35 tuổi. Tại El Salvador, ông Nayib Bukele trở thành Tổng thống năm38 tuổ; bà Jacinda Ardern trở thành Thủ tướng New Zealand năm 39 tuổi

Một trường hợp khác rất trẻ, đó là ông Sebastian Kurz (sinh 1986) và trở thành Ngoại trưởng của Áo, sau đó trở thành Thủ tướng Áo năm 31 tuổi.

Ở nhiều quốc gia châu Âu, niềm tin dành cho những nhà lãnh đạo trẻ ngày càng được củng cố và trở thành xu thế, bởi trí lực - sự nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ làm nên những điều phi thường.

Những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có tư duy và tầm nhìn rất cần được trọng dụng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đất nước. Họ cần có điều kiện thể hiện năng lực, nhưng quan trọng hơn cả là cần được trao gửi niềm tin, sự khích lệ! Như ông Vũ Quốc Hùng đã từng chia sẻ: "Qua tiếp xúc với nhiều thế hệ thanh niên, tôi thấy họ có lòng yêu nước và cũng thực sự tài giỏi. Chúng ta phải phát hiện, giới thiệu người hiền tài vào bộ máy nhà nước".

Ngọc Quang
CHUYỆN BỔ NHIỆM NỮ PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KH-ĐT VĨNH PHÚC
TS ĐINH DUY HÒA/ TVN 2-3-2021
Thêm một tin sốt dẻo nhân sự vào những ngày đầu năm mới. Báo chí hôm qua cùng đưa tin về sự kiện bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

Nghe tin thấy quá vui và mừng, bởi đây rồi, đúng là thứ tôi đang tìm kiếm nhằm minh họa cho mấy bài viết về nhân tài của đất nước thời hiện đại. Người tài giỏi, lại trẻ được lựa chọn bổ nhiệm làm lãnh đạo bộ máy công quyền là dấu hiệu cho đất nước phát triển thì phải cổ vũ, khuyến khích và rất đáng nhân rộng, cố mà làm theo.

Chuyện bổ nhiệm nữ Phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc
Bà Trần Huyền Trang trong một buổi làm việc với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, tháng 7/2020. Ảnh: Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc

Mà xem ra ta cũng giống như một số nước đang quan tâm và làm nhiều thứ để phát hiện, sử dụng và trọng dụng người tài trong công vụ. Một trong những cái đích hướng đến của người ta là phát hiện và bồi dưỡng người tài trở thành công chức lãnh đạo trong tương lai. Với trường hợp bà Trần Huyền Trang, dường như mọi thứ đều giống như các nước đã và đang làm. 

Thứ nhất, bà Trang ở độ tuổi được gọi là trẻ. 31 tuổi đã là Phó giám đốc sở. Tuy nhiên, gọi là trẻ cũng chỉ là tương đối thôi. Hãy xem vừa rồi nhiều vị tại Đại hội 13 vào Trung ương ở độ tuổi 40, là Bí thư một tỉnh, Bộ trưởng một bộ thì mới thấy công chức lãnh đạo cấp vụ, cấp sở bây giờ độ tuổi 30 cũng là bình thường, không nên coi là quá đặc biệt.

Thứ hai, bà Trang học hành cơ bản, nói theo ngôn ngữ hành chính là trình độ đào tạo tốt, cử nhân kinh tế, lại 2 ngoại ngữ là tiếng Trung và tiếng Anh. Thử hỏi có nhiều công chức lãnh đạo cấp sở như vậy không?

Nhìn đại thể như vậy là quá tốt. Tuy nhiên, có vẻ có gì đó gờn gợn ở đây khi xem lại quá trình thăng tiến của bà Trang.

Quá trình thăng tiến

Bà Trang tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế tại Trung Quốc. Năm 2013, bà là chuyên viên tại Thành Đoàn TP Vĩnh Yên qua cơ chế xét tuyển, tức là qua xét tuyển để vào bộ máy đoàn thể.

Năm 2014, bà Trang là Phó bí thư Thành đoàn, sau 1 năm đã trở thành cán bộ lãnh đạo một tổ chức chính trị - xã hội lớn tại tỉnh.

Tháng 6/2016, bà chuyển sang làm chuyên viên Phòng Thẩm định, Sở KH-ĐT. Bà Trang được xét tuyển để vào cơ quan hành chính nhà nước và sau này được kết luận là sai nên bà đã phải thi công chức cho hợp cách, giống như một số trường hợp khác tại tỉnh và bà đã đỗ kỳ thi này.

Năm 2017, bà Trang được cử đi học tại Singapore. Năm 2018, bà được bổ nhiệm Phó trưởng phòng tại Sở. Tháng 7/2020, bà được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thuộc Sở KH-ĐT và chỉ sau khoảng 8, 9 tháng, bà đã được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở. 

Năm 2017, bà Trang được đưa vào diện cán bộ nguồn theo Đề án số 02 đã được phê duyệt “Tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ trẻ, cán bộ nữ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”.

Có nghĩa là sau 4 năm kể từ khi vào làm việc tại Thành đoàn Vĩnh Yên, bà đã được đưa vào Đề án này, trong khi nếu học xong đại học mà thi đỗ công chức thì những người khác với 4 năm mới xong tập sự, được xếp bậc 1 hoặc xuất sắc thì bậc 2 chuyên viên thường trong cơ quan hành chính nhà nước.

Bà Trang là con của nữ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đương nhiệm.

“Các bước quy hoạch dân chủ, minh bạch”

Xét tổng thể thì việc bà Trang được bổ nhiệm Phó giám đốc Sở KH-ĐT có gì sai không? Chắc không có gì sai. Quy trình, thủ tục chắc đều chuẩn. Mà chắc cũng không có quy định cứng cấm bổ nhiệm Phó giám đốc sở ở tuổi 30, 31.

Điều này càng thấy rõ vì theo ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, “Các bước quy hoạch khách quan, dân chủ, minh bạch. Trong hội nghị về công tác cán bộ, các ý kiến đều tập trung giới thiệu bà Trần Huyền Trang. Tất cả các lần phiếu tín nhiệm, bà Trang đạt số phiếu tuyệt đối”. 

Thực tế đã cho thấy khi muốn thì không có gì khó để bảo đảm đúng theo quy trình. Cũng như vậy, khi muốn thì cũng không có gì khó để bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn. Nhưng khi bổ nhiệm thì thiếu phần thành tích nhân sự đã đạt được trong quá trình công tác nên chủ yếu dựa vào phiếu bầu. Và chính điều đó tạo ra lỗ hổng lớn trong cái gọi là sức thuyết phục, sự tâm phục, khẩu phục trong trường hợp bổ nhiệm bà Trang.

Cho nên, nêu mấy cái gờn gợn này để thấy câu chuyện nhân tài, bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo ở nước ta còn tiếp tục phải đổi mới để không còn phải gờn gợn khi bổ nhiệm người trẻ. 

Đinh Duy Hòa

BỔ NHIỆM PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KH-ĐT  31 TUỔI: 'CON DÂN, CON QUAN ĐỀU BÌNH ĐẲNG! '

THẾ KHA/ DT 1-3-2021

Dân trí

 Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đều khẳng định việc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là đúng quy định, quy trình.

Ông Nguyễn Phú Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định địa phương này đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn bổ nhiệm và 
bà Trần Huyền Trang "đều đầy đủ hết".

Theo ông Sơn, việc bổ nhiệm bà Trang làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện theo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình đã được phân cấp cho cấp tỉnh và không phải trao đổi, xin ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương.

Dù bà Trần Huyền Trang là 
con gái một lãnh đạo cấp cao của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc khẳng định: "Chúng tôi làm việc hoàn toàn khách quan. Tỉnh cũng đang cần đội ngũ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi".

Ông Sơn thông tin, bà Trang tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế đối ngoại ở Trung Quốc, sau đó có thời gian tiếp tục sang Singapore học về quản lý tài chính.

Khi trở về Vĩnh Phúc công tác, bà Trang đã từng giữ chức Phó Bí thư thành đoàn Thành phố Vĩnh Yên rồi sang làm Trưởng ban của Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc. Tiếp đó, bà Trang chuyển công tác về Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó phòng, rồi Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm 2017 khi xây dựng, rà soát bổ sung quy hoạch nhân sự tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025, bà Trang đã được quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

"Quá trình lấy ý kiến về bổ nhiệm, quy trình đều thực hiện đầy đủ các bước khách quan, nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của Trung ương về quy trình 5 bước, đều đạt tín nhiệm cao. Trong các hội nghị của Ủy ban, hội nghị của các Sở đều đánh giá Trang có tư chất, tư duy tốt"- ông Sơn cho hay.

Trả lời câu hỏi về việc có chịu "sức ép" khi bà Trần Huyền Trang là con gái của lãnh đạo cấp cao tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Phú Sơn nói: "Bọn mình không có vướng bận gì việc đó, vì Vĩnh Phúc đang cần tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi".

Bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở KH-ĐT 31 tuổi: Con dân, con quan đều bình đẳng! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Trần Huyền Trang làm việc với đoàn công tác nước ngoài (Ảnh: Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc).

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định: Căn cứ vào tiêu chuẩn, quy định và yêu cầu công tác thì bà Trần Huyền Trang đều có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc, thực tiễn.

"Con dân, con quan hay con ai cũng như nhau, mọi người đều bình đẳng trong cơ hội phát triển"- vị này khẳng định trước những thông tin đang xôn xao dư luận.

Trước đó, 
UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 2/2021 theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thành phố. Tại đây, ông Nguyễn Phú Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố các quyết định của UBND tỉnh về điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngay lập tức thông tin về việc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang đã gây xôn xao dư luận xã hội vì bà Trang mới 31 tuổi (SN 1990) và là con gái một lãnh đạo cấp cao của tỉnh này.

Thế Kha

LẠM BÀN VỀ CON QUAN VÀ...BÌNH ĐẲNG VỀ CƠ HỘI
TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 1-3-2021

Lãnh đạo Ban Tổ chức của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa khẳng định: Con dân, con quan đều bình đẳng về cơ hội phát triển (1). Sở dĩ con dân và con quan lại trở thành đề tài giữa dân và quan vì hệ thống công quyền tỉnh Vĩnh Phúc vừa chọn – bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) của tỉnh này…

Ông Nguyễn Phú Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cho biết, bà Trang du học ở Trung Quốc, khi về Việt Nam thì được tuyển vào làm chuyên viên của Thành đoàn thành phố Vĩnh Yên (2013). Năm sau (2014), bà Trang trở thành Phó Bí thư Thành đoàn Vĩnh Yên và 2016 chuyển sang Sở KHĐT Vĩnh Phúc làm chuyên viên. Năm sau (2017), bà Trang được Sở KHĐT Vĩnh Phúc cử đi Singapore tu nghiệp về quản lý tài chính. Năm sau nữa (2018), bà Trang về nước và được bổ nhiệm làm phó một phòng tại Sở KHĐT, rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc và giờ được chọn – bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở KHĐT Vĩnh Phúc (2)…

Ông Sơn bảo với báo giới rằng hệ thống công quyền ở Vĩnh Phúc đã rà soát kỹ lưỡng tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn bổ nhiệm và bà Trần Huyền Trang đủ hết. Ông Sơn còn nhấn mạnh việc lựa chọn – bổ nhiệm bà Trang hoàn toàn khách quan vì tỉnh đang cần đội ngũ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi

***

Ở Việt Nam, chuyện nhiều phụ huynh ăn đói, mặc rách, làm việc quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thậm chí thế chấp nhà – đất, vay năng lãi, để con cái hoàn tất đại học, cao học nhưng học xong không tìm được việc làm phải kiếm sống bằng cách làm phụ hồ, tiếp viên nhà hàng, chạy xe ôm,… là… bình thường!

Phải nhìn vào thực trạng đau lòng nhưng đã trở thành hết sức bình thường và phổ quát ấy thì mới thấy… quá trình công tác của bà Trang có… khác thường hay không: Mỗi năm một bước, không chỉ bước sau cao hơn bước trước mà tất cả các bước đều bảo đảm sẽ hội đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng… quy định lựa chọn nhân sự – bổ nhiệm cán bộ?

Nếu bà Trang không phải là con của bà Hoàng Thị Thúy Lan. Nếu bà Hoàng Thị Thúy Lan không phải là Trưởng Ban Tổ chức của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từ 2012, sau đó là Phó Bí thư kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy từ 2014, rồi Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc suốt từ 2015 đến nay, bà Trang có thể chuyển công tác xoành xoạch và thăng tiến như vậy không?

***

Bà Trang không phải là trường hợp cá biệt. Trường hợp gần nhất và cũng đã từng… nổi như cồn là ông Nguyễn Nhân Chinh. Ông Chinh tốt nghiệp chuyên ngành Cờ Vua của Đại học Thể dục Thể thao, khởi đầu sự nghiệp… công bộc cũng bằng con đường… tình nguyện làm cán bộ đoàn rồi dựa vào đó tích lũy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng… quy định lựa chọn nhân sự – bổ nhiệm cán bộ (Bí thư Tỉnh đoàn, Tỉnh ủy viên, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh) để được… chỉ định làm Bí thư thành phố Bắc Ninh. Vụ chỉ định ấy tuy đúng cả… qui định lẫn… qui trình nhưng để… an dân, Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN phải yêu cầu Tỉnh ủy Bắc Ninh điều động ông Chinh đi chỗ khác.

Nếu ba ông Chinh không phải ông Nguyễn Nhân Chiến – Bí thư tỉnh Bắc Ninh, ông Chinh có thể được… chỉ định ngoạn mục như thế không? Nếu cha ông Chinh không phải là Bí thư tỉnh Bắc Ninh, sau khi phải rút ông Chinh ra khỏi Thành ủy thành phố Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh có tích cực soạn ngay một kịch bản khác: Điều động ông Chinh sang Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bắc Ninh làm Phó Giám đốc vì sau đó bốn tháng, giám đốc sở này đến lúc phải nghỉ hưu, nhờ vậy có thể bổ nhiệm ông Chinh thay thế bất kể dân chúng bàn ra, tán vào thế nào và cảm nhận của dân chúng sau đó ra sao (3)?

***

Con dân, con quan đều bình đẳng về cơ hội phát triển không chỉ trâng tráo đến mức sống sượng. Chuyện chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện kịch bản sắp chỗ cho ông Chinh, khi ba ông Chinh đã nghỉ hưu sau mười năm làm Bí thư tỉnh Bắc Ninh, hay chuyện chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc không ngại điều tiếng, lựa chọn – bổ nhiệm bà Trang làm Phó Giám đốc Sở KHĐT cho thấy… cơ hội phát triển thật sự dành cho đối tượng nào. Đó không phải là vấn đề của một số tỉnh mà là chủ trương của cả hệ thống thông qua việc đặt định các tiêu chuẩn, điều kiện trong lựa chọn – bổ nhiệm cán bộ.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Chinh, bà Trang và vô số ông, bà khác có cha, mẹ là quan lại chọn các… tổ chức của đoàn thanh niên cộng sản làm điểm xuất phát trong tiến trình nối nghiệp… gia gia, má má! Tiêu chuẩn, điều kiện trong lựa chọn – bổ nhiệm cán bộ cho phép những cá nhân lãnh đạo các tổ chức đoàn không cần thi tuyển công chức, không cần tích lũy kinh nghiệm mà vẫn dư… tiêu chuẩn, thừa… điều kiện để… lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các… ngành, ở đủ mọi cấp!

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-nhiem-pho-giam-doc-so-khdt-31-tuoi-con-dan-con-quan-deu-binh-dang-20210301092346035.htm

(2) https://tuoitre.vn/con-gai-lam-pho-giam-doc-so-bi-thu-tinh-uy-vinh-phuc-toi-noi-se-khong-khach-quan-20210301100636349.htm

(3) https://vnexpress.net/ong-nguyen-nhan-chinh-lam-giam-doc-so-lao-dong-thuong-binh-xa-hoi-4216355.html

CẦN CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG LÃNH ĐẠO ĐƯA CON VÀO VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO!

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 2-3-2021

1. Ở nhiều nước, vì bầu cử tự do nên bất cứ ai cũng có thể trở thành thị trưởng, tổng thống – miễn là tài năng, được cử tri cả tỉnh, cả nước nước lựa chọn. Họ có muôn ngàn con đường để trở thành chính khách.

Nhưng ở Việt Nam, chỉ có vài con đường để đi đến đỉnh cao quyền lực. Trong số ít ỏi những con đường đó – là con đường tiến thân qua Đoàn thanh niên.

Có lẽ trên thế giới hiện nay, con đường tiến thân qua Đoàn thanh niên chỉ còn tồn tại ở 2 nước là Việt Nam và Trung Quốc. Thiết nghĩ, ở Cuba và Bắc Triều Tiên, con đường tiến thân qua Đoàn thanh niên đã đóng cửa.

Thực tiễn cho thấy, những người tiến thân qua Đoàn thanh niên ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là con cái, cháu chắt họ hàng của lãnh đaọ. Nhóm thứ 2 là có người nâng đỡ. Không có ai chân đất mà tự mình leo được lên bậc thang quyền lực mà không có người nâng đỡ. Không muốn liệt kê các trường hợp người thực việc thực ra đây, vì chúng quá nhiều và quá nổi tiếng.

Đi qua con đường thanh niên lên lãnh đạo rất ít người có năng lực đạt yêu cầu. Không có người xuất sắc.

2. Mấy hôm nay, truyền thông rộn lên về trường hợp con gái 31 tuổi Trần Huyền Trang của đương kim nữ bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thuý Lan được thăng tiến vượt bậc.

Ảnh: Báo Tiền Phong

Bà Trần Huyền Trang bắt đầu sự nghiệp chính trị qua con đương thanh niên lúc 23 tuổi. Sau đó là thần tốc thăng tiến. Chỉ trong vòng 8 tháng, bà Trần Huyền Trang đã được bổ nhiệm 2 chức. Mới 31 tuổi nhưng đã là Phó giám đốc một sở rất quan trọng là Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Với đà này, thuận buồm xuôi gió thì chỉ 5-10 năm nữa là uỷ viên Trung ương đảng – đương nhiên giữ chức bộ trưởng hay bí thư tỉnh uỷ hay tương đương.

Bà Trần Huyền Trang, nếu không phải là con gái của đương kim Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc thì không thể trở thành Phó giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc ở tuổi 31.

Vài chục năm lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp lãnh đạo bố trí đưa con vào vị trí lãnh đạo. Đây là một xu hướng có hại cho đất nước.

3. Cần chấm dứt việc dùng con đường Đoàn thanh niên để quy hoạch cán bộ. Và hãy chấm dứt tình trạng lãnh đạo đưa con vào vị trí lãnh đạo.

PHẢN ỨNG MẠNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

NGÔ HUY CƯƠNG/ TD 3-3-2021

Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao người Việt Nam hiện nay lại phản ứng rất mạnh đối với việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cho người thân trong gia đình của các quan chức cấp cao?

Chắc hẳn nhiều người đang cố gắng tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Nếu có câu trả lời chính xác, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước sẽ có một chính sách cán bộ hợp lòng dân hơn.

Nhân sự kiện, con gái của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc được bổ nhiệm, tôi xin được trình bày mấy lý do chủ yếu sau khiến người dân Việt Nam hiện nay rất “dị ứng” với việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cho người thân trong gia đình của các quan chức cấp cao:

Thứ nhất, tinh thần cách mạng dân tộc và dân chủ đã ăn sâu vào tâm trí của người Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao nhiêu xương máu để thoát khỏi thực dân, phong kiến. Do đó họ không muốn thấy bóng dáng của một chế độ “phong kiến mới” thể hiện ở phương thức cha truyền con nối để cầm quyền ở đất nước ta.

Thứ hai, sau khi chính sách “đổi mới” bắt đầu có kết quả tốt, khâu quản lý cán bộ bị buông lỏng đã làm quá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hóa, biến chất đến mức độ nhục nhã mà một trong những biểu hiện của thoái hóa, biến chất là đưa người nhà vào hệ thống chính trị để cùng nhau vơ vét, đục khoét, ăn trên ngồi trốc nhân dân, xa rời xã hội.

Thứ ba, nhiều con cháu của những quan chức cấp cao khi được bổ nhiệm đã thể hiện ngay thói vô đạo đức, yếu kém, hợm hĩnh, khinh dân mà không phải chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Thứ tư, chúng ta đã không phân tách nổi những vấn đề chính trị và những vấn đề kỹ thuật, chuyên môn đơn thuần trong công tác quản lý dẫn đến những công việc quản lý chuyên môn, kỹ thuật bị những kẻ yếu kém lợi dụng chính trị thâu tóm làm chậm sự phát triển của đất nước.

Thứ năm, chúng ta không có một cơ chế thực thụ tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người tham gia vào công việc của đất nước (như tuyên bố sau Cách mạng Tháng Tám mà Hiến pháp năm 1946 đã từng thể hiện). Do đó những người có tài năng, khả năng thật sự mà gia đình họ không có điều kiện bị đẩy ra bên lề và không có cơ hội để cống hiến đúng với tầm cỡ của họ.

Thứ sáu, người dân rất thiếu tin tưởng vào cái gọi là “qui trình” bổ nhiệm cán bộ bởi nó đều bị lợi dụng và trở thành thứ che đậy cho những ý đồ bổ nhiệm xấu.

Thứ bảy, tiêu chuẩn bổ nhiệm bị “hình thức hóa” như thể những đồ chơi phải có trước khi vào sân chơi chức quyền.

Để người dân tin tưởng hơn vào công tác cán bộ và tránh tệ nạn bổ nhiệm theo kiểu “cha truyền con nối”, bên cạnh nhiều giải pháp khác, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn “tội phạm hóa” hành vi lạm dụng vị thế trong công tác quản lý, lãnh đạo để đưa người thân lên các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước hay hệ thống chính trị, và hành vi lạm dụng qui trình để bổ nhiệm sai trái, có nghĩa là coi các hành vi này là tội phạm và buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là các hành vi vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước.

VIỆC ĐÈ BẠT CON BÀ BÍ THƯ VĨNH PHÚC, RẤT KHÔNG ỔN

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 4-3-2021

Báo chí nói nhiều, lãnh đạo có thẩm quyền của Vĩnh Phúc, của Bộ Nội Vụ cũng đã trả lời…

Tuy nhiên, tôi cũng xin nêu mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất, việc đi học chính trị cao cấp hệ tập trung của cô Trang: Cho đến hôm nay, hầu hết các báo đã gỡ phần “lý lịch đi học chính trị cao cấp”. Tuy nhiên, với những gì đã thông báo từ trước, thì năm 2015 cô Trang đi học Lý luận chính trị cao cấp, hệ tập trung… Nghĩa là học 1 năm.

Nhưng tháng 10 năm 2014, cô này mới được kết nạp Đảng. Vậy theo quy định, đến tháng 10-2015 cô ta mới được công nhận chính thức?

Vậy xin hỏi Học viện Chính trị Quốc gia? Có trường hợp nào chưa hết hạn thử thách được đi học không? Hoặc có trường hợp nào vừa được công nhận chính thức lại được đi học chính trị cao cấp không?

Vụ này, đề nghị UBKT TƯ cần làm rõ. Học viện chính trị Quốc gia không phải là cái chợ, mà chỉ ghi tên vào học để lấy oai, để làm thủ tục cho…”đúng quy trình”

Mặc dù đã có những quy định rất chặt chẽ về việc tuyển chọn người đi học. Nhưng không thể không “nghi ngờ” về tính minh bạch trong việc đi học của cô này.

Thứ hai: Phải thấy rõ tính cơ hội, thái độ xu nịnh của những cán bộ “làm quy trình” bổ nhiệm con cán bộ đầu tỉnh (Không riêng gì Vĩnh Phúc đâu nhé). Đây là đám cơ hội, xu nịnh bậc nhất. Chính họ muốn làm vừa lòng cấp trên, muốn tỏ thái độ Trung thành nên bày binh, bố trận… đề bạt bằng được.

Còn bà Bí thư, khi được nghe báo cáo, sẽ “khẽ khàng” mà rằng: ” Việc này tùy các đồng chí. Nếu thấy nó có khả năng, có đạo đức thì lựa chọn. Nhưng phải thật dân chủ, minh bạch…” Đại khái là thế. Nhưng có ăn kẹo cũng không có ai dám có ý kiến khác.

Vấn đề ở đây chính là lòng tự trọng, và tính liêm sỉ của cán bộ. Khi họ có chức, có quyền, họ bất chấp tất. Họ sẵn sàng đạp lên dư luận để mà đạt được lợi ích.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất hay, rất đúng về vai trò của Đảng viên, của Bí thư là: “Đảng viên không gương mẫu, nói ai nghe”.

Vậy trong trường hợp này, bà Lan Bí thư có gương mẫu không? Xin mọi người cho ý kiến!

Mà xin nói thật nhé: Bà này mà lại vào Quốc hội nữa thì gay?

CẦN CÓ CÁI NHÌN CÔNG BẰNG VỀ CÁN BỘ TRẺ

CAO KIM ANH / GDVN 5-3-2021

Trong đời sống xã hội nước ta có không ít trường hợp bổ nhiệm mà nhiều người đã nói thẳng rằng đó là hậu duệ, quan hệ, tiền tệ... “con ông, cháu cha” được ưu tiên.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi trường hợp “con ông, cháu cha” đều giống nhau. Chúng ta phải có nhận xét, đánh giá khách quan và công bằng đối với tất cả các trường hợp trong công tác bổ nhiệm nhân sự vào bộ máy nhà nước.

Vào dịp đón Xuân Tân Sửu, trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác bổ nhiệm cán bộ, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có cái nhìn thẳng thắn, công bằng: “Để tìm được những cán bộ, Đảng viên có đạo đức, có tài năng, có tầm nhìn để đứng ở các cương vị lãnh đạo khác nhau thì rõ ràng cần phải có nhiều giải pháp.

Quy trình hiện nay của chúng ta đã đầy đủ và cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và ngày càng đổi mới để loại bỏ thiếu sót, tùy thuộc vào từng giai đoạn như tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, thăm dò…

Theo quan điểm của tôi, cần chú ý quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, thực sự người có tâm, có đức, không kể con ai, cháu ai, không kể xuất thân giai cấp nào. Nhân tài có thể từ nông dân, công nhân, cũng có thể từ hoạt động thương nhân đi lên và đều phải được tôn trọng như nhau.

Đặc biệt, những trường hợp “con ông cháu cha” thường bị mọi người thường xoi mói, nhưng theo tôi như vậy cũng không đúng vì có rất nhiều trường hợp có năng lực. Họ sinh ra và trưởng thành trong gia đình có nền tảng tốt, thụ hưởng đức tính tốt và trở thành những lãnh đạo tốt là điều dễ hiểu. Vì vậy, tôi mới nhấn mạnh rằng công bằng thể hiện ở quá trình tuyển mộ phải bình đẳng, chứ không phải xuất thân từ đâu”.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội. ảnh: NVCC.

Người có tốt chất tốt, được nuôi dưỡng trong một gia cảnh đầy đủ về điều kiện vật chất, tinh thần, thấm nhuần được tư tưởng hiền tài từ bé đến lớn, tư tưởng vì nước, vì dân, được học hành bài bản thì tại sao lại không trọng dụng họ?

Chúng ta phải có một cái nhìn công bằng, khách quan trong công tác tuyển dụng nhân tài đối với các trường hợp “con ông, cháu cha” đủ tài, đủ đức trở thành các lớp cán bộ trẻ ở địa phương và trung ương.

Từ trước đến nay không thiếu các trường hợp “con ông, cháu cha” sau một quá trình dài được học tập, đào tạo đã trở thành lãnh đạo cấp cao của địa phương, bộ ngành.

Họ đi lên bằng tài năng, bằng thực lực, bằng phẩm hạnh được trau dồi, rèn luyện. Họ được bổ nhiệm khách quan, công bằng, vậy tại sao lại có cái nhìn khắt khe?

Dẫu rằng thực tế đã có những trường hợp bổ nhiệm “chín ép”, có những trường hợp năng lực chưa tới, nhưng không phải vì như thế mà chúng ta “vơ đũa cả nắm” để có những đối xử không công bằng, có cái nhìn thiếu thiện cảm về những cán bộ là con cháu của lãnh đạo cấp cao.

Một thí dụ mới nhất là bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc ở tuổi 31.

Bà Huyền Trang được học tập, đào tạo bài bản, thông thạo hai ngoại ngữ và có quá trình công tác tốt, được đánh giá có năng lực tốt, nhưng nhiều người lại chỉ chú ý tới chi tiết bà Trang là con gái của Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.

Sáng ngày 1/3/2021, ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trả lời báo giới cho hay, bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

“Các bước quy hoạch khách quan, dân chủ, minh bạch. Trong hội nghị về công tác cán bộ, các ý kiến đều tập trung giới thiệu bà Trần Huyền Trang. Tất cả các lần lấy phiếu tín nhiệm, bà Trang đạt số phiếu tuyệt đối”, ông Huy cho biết.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối tháng 10/2020, có chương trình làm việc toàn khóa của tỉnh, trong đó có nội dung kiện toàn nhân sự trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau.

Theo các quy định của Đảng, tham gia cấp ủy bao giờ cũng cơ cấu về tuổi, về giới. Theo đó, dự kiến sẽ bổ nhiệm tập trung 10-15 người, trong đó có 6 cán bộ nữ, 8 cán bộ trẻ.

Như vậy, bà Trần Huyền Trang không phải trường hợp cá biệt về lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ trẻ.

Đề cập tới vấn đề này trên vov, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Thật buồn khi trong thời chiến, đa phần con cháu cán bộ phải là những người gương mẫu, đi tới những nơi nóng bỏng nhất thì trong thời bình, có những “con ông, cháu cha” được bổ nhiệm vào những vị trí được coi là “thiên thời địa lợi” nhất.

Cũng theo ông Tiến, chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm” mà bỏ phí người hiền tài. Những người đủ đức tài, phẩm hạnh dù là ai, ở địa vị nào thì đều đáng được trọng dụng. Trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nếu như “con ông, cháu cha” là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực thì đó chính là những người cần được ưu tiên để tuyển chọn, đề bạt.

Chúng ta tìm người có tài, có đức, làm việc hiệu quả, được nhân dân tin tưởng, được tổ chức tín nhiệm thì bất cứ họ ở địa vị xã hội nào, độ tuổi bao nhiêu, xuất thân là ai, từ đâu đều được trọng dụng, bổ nhiệm các vị trí nhân sự quan trọng của bộ máy nhà nước.

Cao Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét