Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

20210320. CHUYỆN ĐIỀU HÀNH KINH TẾ MÙA DỊCH COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NẾU KHÔNG THAY ĐỔI TRONG CHỐNG COVID, CHÚNG TA MẤT TIẾP MỘT MÙA DU LỊCH

TƯ GIANG/ TVN 15-3-2021

Trao đổi với Tuần Việt Nam, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phương án phòng chống dịch và cách truyền thông tới đây phải khác để hỗ trợ cho phát triển kinh tế.

Thưa ông, nhìn vào bức tranh kinh tế gần đây dưới tác động của các chính sách chống dịch, ông có thể nói gì?

Nhìn vào thực tế trong 2 tháng đầu năm, sản xuất vẫn tiếp diễn, vẫn xuất siêu nhưng đó là do khối doanh nghiệp FDI đem lại và nhập siêu chủ yếu là doanh nghiệp (DN) trong nước. Tỉ trọng xuất khẩu của DN FDI chiếm 76%, đây là hai mặt của FDI vừa giúp sản xuất ổn định đồng thời cũng nói lên một điều, DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị quá chậm, quá kém.

Các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán mấy tháng cuối năm 2020 và 2 tháng đầu năm nay vẫn có lợi nhuận cao.

‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’
TS Nguyễn Đức Kiên: Thế giới đã hình thành nền kinh tế vắc-xin rồi, nếu Việt Nam không thay đổi sẽ rất gay go

Còn một điểm cần nhìn lại từ năm 2020 qua đợt dịch, lĩnh vực kinh tế ngân hàng ứng phó tương đối tốt, các DN sử dụng nhiều lao động cũng xử lí được như dệt may, da giày, Samsung. Nhưng còn có vấn đề là ở những DN nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể thì quyền lợi của người lao động lại bị ảnh hưởng nhiều hơn, do không thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.

Cần thay đổi quyết liệt

Hiện nay gói kích thích kinh tế đang được xem xét. Ông nhìn nhận điều này ra sao?

Thống kê tháng 5/2020 có khoảng 32 triệu lao động bị ảnh hưởng nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước không thể kéo dài hết thời gian dịch mà chỉ được vài tháng, nên họ phải tự bỏ tiền tích luỹ ra để sống. Có những người qua 1 năm, toàn bộ tiền tích luỹ trở về số 0. Ngay trên 1 đoạn phố ở Hà Nội mà tôi khảo sát thì có chừng hơn 200 người lao động mất việc làm do nhà hàng đóng cửa. Tôi hỏi sao không về quê sống thì họ bảo về quê bị cách ly mà vẫn phải trả tiền thuê nhà ở đây, thà họ ở đây để tìm việc còn hơn về quê.

Từ thực tế đó, chính sách an sinh xã hội cần quan tâm thêm cả người lao động làm việc ở 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và 8 triệu hộ nông dân. Cần xem xét lại cơ chế với những thành phần kinh doanh này để khi có bất trắc xảy ra với họ, Nhà nước còn hỗ trợ được.

Trong gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ, TP. HCM hỗ trợ bằng cách chia đều cho mỗi người lao động, phát về tổ dân phố, những người có đăng kí KT3 mới được phát, nên ngay trong tháng 5 tiền cứu trợ đã đến tay người dân. Ở các địa phương khác, tiền cứu trợ chậm hơn. Phương thức quản lí không theo kịp với thực tế cuộc sống, như sự kết hợp số liệu về người lao động của các cơ quan bảo hiểm, cư trú không liên thông.

Như vậy, phương pháp thực hiện gói kích thích mới là có vấn đề. Chúng ta có kích thích sản xuất trong nước nhưng thị trường đầu ra không tiêu thụ được, không xử lí được mà đầu bên kia cũng không hỗ trợ và kiểm soát được.

Tôi nhắc lại lần nữa, chúng ta không muốn chấp nhận một thực tế là khi thực hiện nền kinh tế thị trường thì có DN phát triển, có DN phá sản. Nên khi DN phá sản, người lao động không được thực hiện chính sách an sinh xã hội đầy đủ. Theo tôi, Nhà nước có lỗi trước tiên vì đã không quản lí được vấn đề này, để cho DN không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với người lao động.

Nghị quyết 42 hỗ trợ DN, người lao động được đưa ra từ tháng 4/2020, nếu thực hiện ngay thì sẽ có hiệu quả cao hơn, nhưng đến tận tháng 6 mới triển khai được đến người lao động, rồi trong quá trình thực hiện thấy có bất cập lại phải điều chỉnh. Tóm lại, với tất cả những cái chúng ta đã đề ra, cần tổ chức thực hiện nhanh hơn. Chúng ta không thiếu giải pháp nhưng khi đi vào thực tế, khâu tổ chức thực hiện luôn có vấn đề.

Ông đánh giá thế nào về tình hình tới đây, khi vừa chống dịch vừa phải phát triển kinh tế?

Nhiệm vụ của Chính phủ trong 6 tháng tới là xây dựng các biện pháp hỗ trợ cho DN của các thành phần kinh tế phát triển, mà không chỉ tập trung vào đầu tư công như trong năm 2020. Động thái giảm lãi suất huy động, cho vay trong đầu tháng 3 vừa qua của các ngân hàng đã góp phần vào việc đó.

Một điều nữa chúng ta thấy sức mua của thị trường thế giới bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại. Thế giới đã hình thành nền kinh tế vắc-xin rồi, nếu Việt Nam không thay đổi sẽ rất gay go. Ngành du lịch 2 tháng đầu năm nay đã giảm 99% so với 2 tháng đầu năm 2020.

Nếu không thay đổi quyết liệt, đến tháng 5 tới sẽ mất tiếp một mùa du lịch. Du lịch và các ngành theo sau đó đóng góp 10-15% GDP, năm nay mất thêm 15% nữa thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu sau nữa.

‘Nếu không thay đổi, chúng ta mất tiếp một mùa du lịch’
Tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM ngày 8/3. Ảnh: Thanh Tùng

Thưa ông, tác động của chống dịch lên sản xuất kinh doanh của DN và mưu sinh của người dân là rất lớn, qua trường hợp Hải Dương. 

Qua đợt dịch ở Hải Dương vừa rồi, lại một lần nữa ta nhìn thấy những tổn thất về kinh tế mà dịch bệnh đem lại là rất lớn. Nó sẽ còn tiếp tục tác động lâu dài đến đời sống người nông dân, những thành phần lao động yếu thế trong xã hội.

Suốt 1 năm qua, chúng ta đã hình dung nhưng vẫn chưa thể nào hiểu hết được sự khốc liệt của nó cho đến khi xảy ra vụ nông sản ở Hải Dương vừa qua. Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ là hỗ trợ thế nào đây trong lúc đất nước tiền không có nhiều như các quốc gia phát triển khác, rồi hệ thống quản lí công dân, DN còn yếu nên không thể nào tránh khỏi trường hợp bỏ sót DN và người dân tiếp nhận các khoản hỗ trợ...

Trong khi đó, chúng ta lại luôn tuyệt đối hoá vấn đề, không chấp nhận sai sót, nên những người thực hiện triển khai hỗ trợ đều phải làm đi làm lại, xin ý kiến cấp trên để tránh trường hợp khi báo chí phát hiện ra có trường hợp sai sót thì bị quy trách nhiệm. Tư duy này tạo lực cản rất lớn cho việc triển khai nhanh chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng.

Tỉnh táo, bình tĩnh

Làm sao để cân bằng, hài hòa chính sách chống dịch hiện nay với phát triển kinh tế? 

Như tôi đã nhấn mạnh một điều ngay từ đầu, chúng ta hay tư duy tuyệt đối hoá. Hãy nhìn phác đồ điều trị Covid của Việt Nam với các nước thế giới thế nào.

Ở các nước châu Âu hay Mỹ… người mắc Covid trước tiên phải điều trị tại nhà. Bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng chống, chữa bệnh từ xa trước đã. Trong khi đó, ở Việt Nam người mắc Covid-19 là phải đưa ngay vào bệnh viện.

Nói vậy để thấy, ta hơi sợ Covid-19 một cách thái quá. Cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh nhìn đúng vào bản chất vấn đề mới tạo ra được trạng thái bình thường mới.

Sắp tới chúng ta cần thay đổi nhận thức từ kinh nghiệm thành công của 1 năm qua. Cần hiểu đúng bản chất cơ chế truyền dịch lây nhiễm của dịch bệnh để có ứng xử đúng với người bệnh.

Châu Âu và các nước có nền y học hiện đại coi nó là một dịch bệnh, cũng như một loại cúm có khả năng lây lan, để từ đó phòng chống. Dựa trên quan điểm đó, sẽ tìm được điểm chung giữa lợi ích xã hội, phát triển kinh tế với chống dịch.

Chiến lược kép chống dịch suốt 1 năm qua đi bằng hai chân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đến nay cần thay đổi khi đã chế tạo thành công vắc-xin và đang mở rộng tiêm chủng. Việc bùng phát dịch vào tháng 1/2021 vừa qua ở một số địa phương càng khiến cho người dân, DN thiệt hại rất lớn, khả năng phục hồi kinh tế đến cuối năm sẽ chậm, ngân sách nhà nước sẽ bị quá tải.

Thưa ông, cứ có ca dương tính nào là các tỉnh phong tỏa cả quận, huyện, thậm chí cả tỉnh, làm cho người dân không lường trước được. Ông có cho rằng điều này cần thay đổi?

Phương án phòng chống dịch và cách truyền thông phải khác. Khác ở chỗ, nhận diện rõ cơ chế truyền dịch và lây nhiễm để đưa ra những phương án phòng dịch hiệu quả hơn chứ không như vừa qua là cách ly tập trung ngay lập tức. Việc đưa cách ly tập trung ngay đối với các đối tượng nhập cảnh là chính xác, nhưng với các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, cần cân nhắc phương án cách ly tại nhà. Truyền thông cũng cần vận động để người dân hiểu và chia sẻ với gánh nặng của Nhà nước.

Đồng thời, đổi mới phương thức với nền kinh tế vắc-xin. Chúng ta cần nhìn nhận vắc-xin vừa là vấn đề kinh tế, vừa là chính trị. Hiện nay, chúng ta không đủ tiềm lực về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế để chen vào chuỗi phân phối vắc-xin. Vì vậy, ta cần tự sản xuất và có các giải pháp như một số nước áp dụng trong trường hợp khẩn cấp (như Mỹ áp dụng luật thời chiến cho sản xuất vắc-xin).

Quan trọng nhất, Nhà nước phải bỏ tiền ra mua vắc-xin đó của các cơ quan sản xuất trong nước bằng 2/3 giá thành vắc-xin quốc tế để khuyến khích DN tư nhân, các viện nghiên cứu, nhà khoa học đầu tư thêm công sức vào nghiên cứu, thử nghiệm.

Năng lực xét nghiệm PCR của chúng ta cũng hạn chế nên đợt bùng dịch ở Đà Nẵng, Hải Dương vừa qua, ta đã có cách làm sáng tạo là các tỉnh khác giúp xét nghiệm. Chi phí cho xét nghiệm ở diện rộng là rất tốn kém, không ngân sách nào chịu nổi, vì vậy tới đây cần xã hội hoá việc sản xuất và sử dụng bộ kit thử nghiệm nhanh, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm ở một số trung tâm.

Tư Giang 

'TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI PHẢI MỞ RA CHO DN LÀM ĂN'

TƯ GIANG / TVN 16-3-2021

Tiếp tục trao đổi với Tuần Việt Nam, theo Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng - TS Nguyễn Đức Kiên, trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho DN làm ăn và người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh.

Mỗi địa phương đang hiểu một cách khác nhau

Xin hỏi, ông hiểu thế nào là trạng thái bình thường mới, và làm sao áp dụng nó?

Cả thế giới nói về trạng thái bình thường mới nhưng mỗi nước hình dung một cách khác nhau. Việt Nam cũng vậy. Cách hiểu bình thường mới ở Hà Nội khác với Hải Phòng và Hải Dương. Tôi tin rằng các địa phương này hiểu trạng thái bình thường mới là không giống nhau.

‘Trạng thái bình thường mới phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn’
Các chốt kiểm soát xung yếu được thắt chặt ở Hải Dương trong những ngày cách ly xã hội trên toàn tỉnh

Theo tôi, trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn và người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh trong điều kiện đã hiểu rõ hơn về dịch.  

Phương án phòng chống dịch năm 2020 là thành công nhưng kéo dài quá sẽ thành khuyết điểm. Đây là thời điểm thay đổi để phù hợp với tình hình mới, vừa có Chính phủ mới. Chúng ta phải thay đổi cách phòng chống dịch khác trước đi, nếu không sẽ lại bỏ lỡ năm 2021 này.

Ông và Tổ tư vấn có sáng kiến gì trong lĩnh vực này?

Làm sao hài hòa hóa chính sách chống dịch với phát triển kinh tế là khó, đặc biệt là với tư duy tuyệt đối hóa của Việt Nam - tư duy chỉ được đúng không được sai.

Đến lúc này, chúng ta chấp nhận coi virus này là một loại dịch bệnh, có lây lan như nhiều dịch bệnh khác. Tất nhiên, chúng ta cần hiểu đúng bản chất cơ chế truyền dịch lây nhiễm và không nên quá sợ hãi, phải tỉnh táo, bình tĩnh nhìn đúng vào bản chất vấn đề mới đưa ra được giải pháp tốt và chính sách đúng. 

‘Trạng thái bình thường mới phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn’
TS Nguyễn Đức Kiên: Tổ tư vấn của Thủ tướng đề nghị thực hiện ngay chính sách visa vắc-xin để người có chứng nhận đã tiêm chủng sẽ được nhập cảnh

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang thay đổi nhận thức về dịch bệnh. Họ dự báo với sự phát triển nhanh của vắc-xin thì hết quý 2 sẽ đảm bảo miễn dịch cộng đồng và quý 3 năm sẽ mở cửa. Vậy, chúng ta có kế hoạch mở cửa không, có sẵn sàng để mở cửa chưa? 

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị thực hiện ngay chính sách visa vắc-xin để người có chứng nhận đã tiêm chủng sẽ được nhập cảnh. Điều này thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết nên có thể khởi động ngay từ tháng 5 để bắt kịp mùa du lịch 2021, đón làn sóng du lịch tháng 6, tháng 7 và cố gắng hy vọng đến hết mùa Noel 2021, ngành du lịch sẽ phục hồi được 80%. 

Ngành dịch vụ và du lịch nhà hàng - khách sạn tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Khi ngành này phục hồi thì người lao động có thu nhập sẽ hình thành một cầu mới. Có cầu mới thì sản xuất ổn định. Nếu ta không chủ động mở cầu nội địa và đón cầu nước ngoài thì kinh tế trì trệ và khó phục hồi nhanh. 

Thưa ông, các tỉnh, thành đang xin cơ chế để nhập vắc-xin về cho dân. Ông có ủng hộ chính sách này?

Nếu Chính phủ lo được hết việc nhập khẩu và tiêm vắc-xin cho toàn dân là tốt nhất nhưng trong bối cảnh hiện nay, điều này là không thể. Vì thế, theo tôi, vắc-xin do Chính phủ nhập khẩu về nên ưu tiên cho những lực lượng chống dịch dễ bị tổn thương, và tạo điều kiện để các địa phương, DN mua về tiêm cho người dân và công nhân của họ.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch không cần phải ngồi họp để phân ra mỗi tỉnh được bao nhiêu liều. Cách làm này sẽ giúp tiêm chủng rất nhanh và chúng ta có thể mở cửa trong tháng 6 này. Như trong chiến đấu, khi cần vượt sông phải vận dụng hết mọi khả năng để đưa đơn vị qua sông, mà không nhất thiết phải đợi thuyền tới đón. 

Ngân sách có hạn nên cần hỗ trợ bằng cơ chế

Như vậy triển vọng kinh tế tới đây sẽ như thế nào?

Hiện có nhiều tổ chức kinh tế quốc tế dự báo, kinh tế thế giới khôi phục không phải năm 2022 mà năm 2023, thậm chí một số ngành còn chậm hơn nữa. Như vậy là khả năng phục hồi kinh tế chậm hơn so với dự báo đến 2022 sẽ cơ bản phục hồi khi chúng ta xây dựng văn kiện.

Trong năm nay, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% với chúng ta cũng rất nặng nề vì nếu tiếp tục cách chống dịch như ở Hải Dương, Quảng Ninh vừa rồi thì rất khó cho phát triển kinh tế. 

Hiện nay có thảo luận về việc có cần hay không gói hỗ trợ. Vấn đề là Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá tác động về ngành nào thiệt hại nặng nhất. Và đây là căn cứ để có thể ra được quyết định hỗ trợ ngành nào. 

Đành rằng ngành du lịch - khách sạn thiệt hại nặng nhất, nhưng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho họ là rất khó, nên chúng tôi mới đề nghị vắc-xin visa cho những người nhập cảnh vì mục đích du lịch, nghỉ dưỡng. Nếu tiêm rồi mà vẫn phải cách ly 14 ngày thì lại mâu thuẫn với chính sách nhập vắc-xin của chúng ta hiện nay. 

Phải biết được ngành nào khó khăn, có đặc thù gì để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngân sách có hạn nên cần hỗ trợ bằng cơ chế. Tôi hi vọng là gói hỗ trợ này được thiết kế và đề xuất kịp thời trong kỳ họp tới của Quốc hội, nếu không DN sẽ rất khó khăn. 

Ông ghi nhận thế nào về tâm lý, quan điểm của DN trong lần gặp gần đây?

Phần đông DN tự tin tự họ vượt qua được sóng gió này với điều kiện là nếu Chính phủ không hỗ trợ được thì đừng làm thêm khó khăn quá cho họ. Một số DN lớn khẳng định họ tự vượt qua được khó khăn này nhưng Chính phủ cần rõ ràng trong chính sách. Ví dụ, để xây sân bay theo mô hình PPP, DN đề nghị Nhà nước phải lo thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thiết kế còn DN bỏ tiền làm đường băng, nhà ga.

Hay như Vietnam Airlines đưa ra đề án củng cố và phát triển. Vậy các cơ quan quản lý nhà nước là chủ sở hữu có duyệt sớm không? Phải duyệt sớm thì họ mới làm kịp, nếu không cơ hội sẽ mất đi.

Các DN bất động sản trong TP.HCM kêu ca rất nhiều về thủ tục pháp lý. Vậy các cơ quan nhà nước có rà soát lại thủ tục để tháo gỡ cho họ không? Đó là trách nhiệm của Nhà nước.

Qua đối thoại, DN chia sẻ khó khăn với Chính phủ nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ cần linh hoạt hơn, năng động hơn trong quá trình ra quyết sách. Tình hình đặc thù cần chính sách đặc thù mà điều đó mới mang lại hiệu quả cao nhất, lợi ích lớn nhất cho người dân và DN thay vì phải bơm tiền.

Tư Giang

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

CHUYỆN GIẢI CỨU NÔNG SẢN  !

TRÂN VĂN/ VOA/ TD 15-7-2021


Ảnh Dân Trí

Hệ thống truyền thông Việt Nam tiếp tục quảng bá nỗ lực… giải cứu nông sản của dân chúng nhiều vùng, miền tại Việt Nam. Tờ Tuổi Trẻ vừa giới thiệu một số tấm gương, chẳng hạn bà Trương Thị Út, ngụ ở Cần Thơ, cả ngày bán bánh ướt lời được 50.000 đã dành 20.000 mua rau, củ của Hải Dương (1)…

Việt Nam đã và đang là một trong số rất ít quốc gia mà dân chúng phải nuôi cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống chính trị (đảng, quốc hội, hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc và vô số hội đoàn dành cho tất cả các giới, thuộc đủ mọi độ tuổi để dẫn dắt đồng bào đi theo… lá cờ vẻ vang của đảng) ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Việt Nam cũng là một trong số rất ít các quốc gia mà nông dân sống sót nhờ các… chiến dịch giải cứu đủ loại nông sản vốn là hoa lợi từ trồng trọt, chăn nuôi. Tuy qui mô của hệ thống chính trị và hệ thống công quyền ở Việt Nam thuộc loại hiếm có nhưng các… chiến dịch giải cứu nông sản thường do dân chúng Việt Nam vì muốn đùm bọc nhau mà thực hiện.

Trước, nông sản ứ đọng, hư thối vì con đường xuất cảng sang Trung Quốc bị tắc bởi lý do nào đó, gần đây, nông sản rơi vào tình trạng bán không ai mua, cho không ai lấy còn vì chính quyền nhiều địa phương muốn bảo vệ… thành tích chống dịch nên nghiêm cấm lưu thông, kể cả phân phối nông sản từ vùng có dịch và Hải Dương chính là ví dụ minh họa rõ nhất. Thậm chí để bảo vệ thể diện, ngăn chặn những chỉ trích về năng lực quản trị, điều hành mà bất chấp thực tế (giá bán ba ký hành lá không đủ để thanh toán một… ly trà đá, không có người mua, nông dân phải nhổ rau, cà chua, củ cải,… đổ xuống sông), đại diện chính quyền thành phố Hà Nội mạnh miệng khẳng định: Không cần giải cứu (2)!

Nông sản không chỉ liên quan đến “cơm no, áo ấm” của 70% lực lượng lao động tại Việt Nam mà còn là yếu tố bảo đảm sự ổn định cho kinh tế – xã hội Việt Nam cả ở hiện tại lẫn tương lai nhưng từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền Việt Nam cùng bỏ… thí thị trường nông sản. Đó là lý do… giải cứu nông sản trở thành điệp khúc ngân vang mọi lúc, mọi nơi (3) khiến nông thôn xơ xác, tiêu điều, nông dân lún sâu hơn vào bế tắc, bần cùng. Chưa kể bỏ… thí thị trường nông sản còn góp phần đẩy nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phụ thuộc nhanh hơn, nhiều hơn cả vào thị trường Trung Quốc lẫn chính sách của Trung Quốc.

***

Ngày 26 tháng 2 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố, từ đầu tháng ba sẽ đóng cửa – không nhập cảng dứa (thơm) và các sản phẩm chế biến từ dứa của Đài Loan vì có côn trùng gây hại. Nông dân Đài Loan sững sờ bởi Trung Quốc vốn là nơi tiêu thụ hơn 90% sản lượng dứa mà họ thu hoạch.

Ngày 28 tháng 2 – hai ngày sau khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố vừa kể, Tổng thống Đài Loan tổ chức họp báo, công bố kế hoạch “Chính phủ ủng hộ, nông dân yên tâm” (4). Theo đó, chính phủ Đài Loan sẽ làm tất cả mọi cách để thu nhập của nông dân trồng dứa ổn định, không sụt giảm. Đó không phải là cam kết suông. Bốn ngày sau, các doanh nghiệp chế biến dứa cả trong lẫn ngoài Đài Loan và hệ thống phân phối thực phẩm ở Đài Loan đã đặt mua 41.687 tấn dứa, cao hơn tổng lượng dứa mà Trung Quốc nhập cảng trong cả năm ngoái (41.661 tấn). Chưa kể, hệ thống công quyền của Đài Loan còn vận động viên chức ngoại giao các quốc gia khác lên tiếng ủng hộ “dứa Đài Loan” (5),

Dứa không đơn thuần là “cơm, áo” và quyền lợi của nông dân Đài Loan. Nỗ lực bảo vệ người trồng dứa của cả chính quyền, doanh giới lẫn dân chúng Đài Loan chứng minh với thiên hạ thêm một lần nữa, rằng tất cả những chiêu, trò mà Trung Quốc áp dụng nhằm gây sức ép trên Đài Loan để duy trì chính sách “Một Trung Quốc”, không thể làm giảm nhuệ khí của Đài Loan, không thể khiến Đài Loan chùn bước trên con đường khẳng định tư thế độc lập của họ trước Trung Quốc .

***

Tuy dứt khoát không buông bỏ tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhưng các nhân vật lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam chưa bao giờ màng tới thực trạng của thị trường nông sản, hiện tại – tương lai của nông dân Việt Nam. Đến giờ, chương trình “Xây dựng nông thôn mới” đã ngốn ngót nghét 200.000 tỉ nhưng làm sao để nông dân có thể sống bằng hoa lợi từ nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản) một cách ổn định vẫn là câu hỏi dù đã được nêu ra cách nay vài thập niên vẫn không có câu trả lời. 84% nông dân nằm trong nhóm “ăn bữa nay, lo bữa mai”, không có tích lũy (6)…

Trong khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam soạn – phê duyệt đủ thứ dự án, kế hoạch có… “tầm nhìn” đến… giữa thế kỷ này thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đài Loan hành xử khác. Nông nghiệp Đài Loan nói riêng và kinh tế Đài Loan nói chung không thể để Trung Quốc nắm giữ như… con tin. Bộ Kinh tế Đài Loan đang thực hiện hàng loạt kế hoạch để mở “thị trường hướng Nam” (Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia,…) cho cả đầu tư lẫn xuất cảng đủ loại sản phẩm. Chỉ trong vài năm, kim ngạch xuất cảng vào “thị trường hướng Nam” đã chiếm 20% tổng kim ngạch xuất cảng của Đài Loan (7).

Tình trạng bỏ… thí thị trường nông sản, mặc kệ nông dân, để họ tự xoay sở với những bất trắc từ thiên tai, dịch bệnh, cũng như tự đối phó với bất ổn bởi vô số rủi ro rất khó lượng định trong quan hệ thương mại nặng về tiểu ngạch với Trung Quốc, rõ ràng là nguyên nhân khiến nông dân Việt Nam thiếu nền tảng đủ vững để hỗ trợ họ sống chững chạc. Đã có rất nhiều người, rất nhiều lần trong nhiều thập niên từng nêu thắc mắc: Làm gì để nông dân không cần trông chờ vào các… chiến dịch giải cứu? Thực tế cho thấy, trăn trở đầy thiên chí ấy dường như là… sai. Đối tượng thực sự cần giải cứu về nhận thức, về ý thức trách nhiệm không phải là nông dân.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/tui-ban-banh-uot-loi-duoc-5-chuc-tui-danh-ra-2-chuc-mua-rau-cu-cua-hai-duong-20210313160720447.htm

(2) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dan-cho-ca-oto-rau-cu-do-song-lanh-dao-noi-khong-can-giai-cuu-883772.ldo

(3) https://baodantoc.vn/kich-ban-nao-sau-nhung-cuoc-giai-cuu-nong-san-tu-thien-1615100637335.htm

(4) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=195274

(5) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=195396

(6) https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nong-nghiep-Viet-Nam-Nhung-van-de-ton-tai-26635

(7) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=459&post=193935

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét