Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

20141126. BÀN VỀ ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG CSVN

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUAN ĐIỂM, ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
KHI BƯỚC VÀO CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VÀ HIỆN NAY
Bài của GS. TS LƯU VĂN SÙNG trên TCCS 25/11/2014
 Ảnh trên internet
***
TCCSĐT - Công cuộc đổi mới ở nước ta đã diễn ra trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX; đến năm 1986 công cuộc này diễn ra một cách toàn diện khi có chủ trương đổi mới của Đảng tại Đại hội VI. Những thành công có được ngày hôm nay là kết quả khởi phát từ quan điểm, đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng ta về công cuộc đổi mới đất nước.
Chủ nghĩa xã hội theo mô hình của Liên Xô, còn gọi là mô hình Xô-viết, ra đời ở nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, sau đó được áp dụng trong toàn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình tồn tại và phát triển, chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết đã có một chặng đường lịch sử vẻ vang, cũng như có sự đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của nhân loại. Song, đến những năm 80 của thế kỷ XX, mô hình này đã xuất hiện những vấn đề về động lực phát triển, dẫn đến sự khủng hoảng trong toàn bộ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Để thoát khỏi khủng hoảng, các nước xã hội chủ nghĩa đã áp dụng một số giải pháp sau:
1- Duy trì mô hình Xô-viết và tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa; 2- Thay đổi căn bản mô hình Xô-viết và từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đó là giải pháp của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây; 3- Thay đổi từng bước mô hình Xô-viết và tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa bằng phương thức mới. Đó là giải pháp của Trung Quốc và Việt Nam; đến nay Cu Ba cũng đang thực hiện.
Thực tiễn gần 30 năm qua đã chứng minh giải pháp thứ ba tối ưu hơn giải pháp thứ nhất và thứ hai.
Quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam khi bước vào công cuộc đổi mới
Trước hết, thực hiện công cuộc đổi mới có nghĩa là thay đổi phương thức, chiến lược đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng không xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức, chiến lược mới. Đây là quan điểm cơ bản nhất, là nền tảng cho các quan điểm khác. Thực tế cho thấy, ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, thực hiện cải tổ mà từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì sẽ dẫn đến mất phương hướng và hỗn loạn.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì tất yếu phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, vì đây là nhân tố tiên quyết để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình thực hiện cải tổ, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định xóa bỏ Điều 6, Hiến pháp Liên Xô về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thực chất, đó không chỉ là sự tước quyền lãnh đạo của Đảng về mặt pháp lý, thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị khác vươn lên đoạt quyền, mà còn là sự từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì tất yếu phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ là nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn là cơ sở để xây dựng hệ tư tưởng của toàn xã hội và nhờ đó mới có thể thực hiện được mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, nếu từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì tất yếu dẫn đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tiếp nhận hệ tư tưởng tư sản, như Goóc-ba-chốp đã thực hiện trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô trước đây.
Thứ tư, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội nói chung, nhất là đối với lực lượng vũ trang (quân đội và công an). Đảng phải lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp lực lượng vũ trang. Bởi vì, nếu lực lượng vũ trang bị trung lập hóa, chỉ có trách nhiệm bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia, không phụ thuộc vào đảng phái nào, thì thực chất là tước quyền lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Cách thức này đã được áp dụng ở Liên Xô thời kỳ cải tổ.
Thứ năm, hội nhập quốc tế, nhưng độc lập về chính trị, giữ vững chủ quyền quốc gia, tiếp tục thực hiện con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn gần 30 năm qua đã chứng minh đó là quan điểm đúng đắn. Chúng ta đã làm bạn với nhiều nước trên thế giới và thiết lập quan hệ ngày càng tốt đẹp, nhân dân ta giao lưu với nhân dân các nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta được các nước trân trọng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước được cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Thực tiễn cũng cho thấy, việc thực hiện công cuộc cải tổ của Liên Xô trước đây có sự chi phối và sao chép tư tưởng chính trị từ bên ngoài, vì vậy đã gây nên sự sụp đổ chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, công cuộc đổi mới cần có những bước đi thích hợp để bảo đảm vừa đổi mới, vừa ổn định. Đổi mới phải bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế, sau đó đến đổi mới về chính trị. Ngay trong đổi mới kinh tế cũng đi từ đổi mới lĩnh vực nông nghiệp rồi đến các lĩnh vực khác. Trong đổi mới chính trị, việc xác định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã tác động đến đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị. Nhờ vậy, gần 30 năm qua đất nước ta vừa ổn định, vừa phát triển. Công cuộc cải tổ của Liên Xô trước đây đã thực hiện một cách cấp thời, thiếu trình tự, cụ thể là: ban đầu đổi mới doanh nghiệp, rồi đến 100 ngày thực hiện tư nhân hóa, áp dụng nền dân chủ tư sản vào xã hội Xô-viết,... Kết cục, dẫn đến hỗn loạn và sụp đổ chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Có thể khẳng định, sự đúng đắn của quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới nước ta gần 30 năm qua.
Quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Những quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay và những năm tới vẫn phải dựa trên những quan điểm, đường lối chiến lược ban đầu của thời kỳ đổi mới, song cần được phát triển và hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Hơn nữa, những quan điểm, đường lối chiến lược đó phải luôn được kiểm chứng qua thực tiễn gần 30 năm qua và những năm tiếp theo.
Ngoài những thế lực thù địch tìm mọi cách phủ nhận, ngay trong nội bộ ta cũng có một số người muốn xét lại những quan điểm, đường lối chiến lược nói trên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những người này cho rằng, nên từ bỏ mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, vì chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô cũng như ở một loạt nước Đông Âu, và cần trở lại thời kỳ dân chủ nhân dân, vì mục tiêu cơ bản của chúng ta là đất nước giàu mạnh; nên từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin vì đây là hệ là tư tưởng đã lỗi thời và ngay ở những nước sản sinh ra hệ tư tưởng này người ta cũng đã từ bỏ nó; nên bỏ Điều 4, Hiến pháp nước ta và thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, bởi chỉ có như vậy, xã hội ta mới thật sự dân chủ, mới chống được tham nhũng; lực lượng vũ trang cần được trung lập hóa, chỉ có trách nhiệm bảo vệ độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia, bởi có như vậy mới thể hiện sự tiến bộ của xã hội dân chủ; cần đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (thực chất là tư nhân hóa);…
Để góp phần khắc phục những quan điểm nêu trên, đồng thời lý giải sự đúng đắn của quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng ta hiện nay, cần làm rõ một số nội dung sau:
Một là, chúng ta xác định xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (trước đây xác định trực tiếp bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội) là mục tiêu nhất quán, điều mà Đảng ta đã xác định từ khi bước vào công cuộc đổi mới, cũng như cho hiện tại và mai sau. Nhưng, cần làm rõ mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nước ta hướng tới. Dĩ nhiên, chúng ta không hướng tới mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết đã từng tồn tại, phát triển trong thế kỷ XX. Thực hiện công cuộc đổi mới chính là chúng ta đang tìm mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội trong hiện tại và tương lai. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã ghi: "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp; có văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới"(1).
Hai là, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trong thế kỷ XX, Việt Nam ở vị trí trung tâm của cơn lốc cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lần đầu tiên thắng lợi ở một nước thuộc địa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam, tất cả các lực lượng, xu hướng chính trị khác đều tan rã, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đứng vững và lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi. Do vậy, Đảng ta nắm quyền lãnh đạo cách mạng là tất yếu lịch sử và trở thành đội tiên phong cách mạng, thực chất là giới tinh hoa của dân tộc - một trong những nhân tố quyết định vận mệnh của đất nước trong thế kỷ XX. Sang thế kỷ XXI, Đảng ta vẫn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh nghiệm lịch sử trong một vài thập niên gần đây cho thấy, một chế độ chính trị - xã hội đang thực hiện nhất nguyên chính trị, do một đảng lãnh đạo mà chuyển sang thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì rất có thể dẫn đến thảm họa “cốt nhục tương tàn. Song, để không dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, điều cơ bản là Đảng ta phải thực sự là đội tiên phong cách mạng, đủ sức lãnh đạo đưa Việt Nam trở thành một nước hùng cường trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, trước hết phải đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Ba là, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng trong Đảng, đồng thời là cơ sở để xây dựng hệ tư tưởng của toàn xã hội. Xã hội hiện đại càng tiến hóa, càng phát triển thì một số kết luận cụ thể nào đó của chủ nghĩa Mác - Lê-nin có thể không còn hoàn toàn phù hợp trong mọi lúc, mọi nơi, mọi trường hợp, song những giá trị cơ bản, căn cốt của học thuyết này ngày càng được chứng minh rõ hơn, những dự báo của của các nhà kinh điển ngày càng tiến gần đến chân lý hơn, sát thực hơn. Sự phát triển của nhân loại nói chung và của dân tộc ta nói riêng trong thế kỷ XXI không thể thiếu vắng tư tưởng của C. Mác. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, sẽ trường tồn cùng dân tộc. Ngay cả những giá trị khoa học và nhân văn của các nhà tư tưởng trong lịch sử, tuy thời đại đã qua, nhưng những nhân tố cốt lõi của chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tiếp theo của nhân loại. Hơn nữa, C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lê-nin là những người giữ vai trò rất quan trọng trong việc sáng lập ra Đảng Cộng sản nói chung và Quốc tế Cộng sản. Một chính đảng cách mạng chân chính sẽ luôn trung thành với những người sáng lập ra mình.
Bốn là, lực lượng vũ trang phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xây dựng và rèn luyện, là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng: đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị và tiến tới đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Đấu tranh vũ trang là sự tiếp tục của đấu tranh chính trị dưới hình thức mới. Sự ra đời của lực lượng vũ trang là từ chính trị, chứ không phải từ phi chính trị. Đến nay, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, song các lực lượng thù địch và những người ngộ nhận vẫn cho rằng, lực lượng vũ trang cần được trung lập hóa, không thuộc sự lãnh đạo của Đảng. Điều này là phi lô-gích, phi lịch sử và phi khoa học. Lý luận phổ thông của khoa học chính trị cũng đã chỉ rõ: một giai cấp, một lực lượng xã hội hay một cá nhân, để có thể giành, giữ và thực thi quyền lực, phải có sức mạnh về bạo lực, vật chất hoặc trí tuệ, nói cách khác cần có "súng", có "tiền" hoặc có tri thức, văn hóa. Tuy trí tuệ hay tri thức, văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng, nhưng bạo lực và vật chất, tài chính vẫn là sức mạnh không thể thiếu trong điều kiện hiện nay. Trung lập hóa lực lượng vũ trang là thủ đoạn được áp dụng để tước quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây; ngày nay, một số người lại muốn áp dụng thủ đoạn đó với Đảng ta.
Năm là, về quan hệ quốc tế, Văn kiện Đại hội XI đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(2). Như vậy, quan điểm nói trên là tiếp tục và phát triển quan điểm của Đảng ta về quan hệ quốc tế khi bước vào thời kỳ đổi mới, trong đó, làm rõ hơn hai nội dung: đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta tuyệt nhiên không đứng về phía nước này để chống lại nước kia, càng không thể nhờ cậy nước lớn này để chống lại nước khác.
Sáu là, bước vào công cuộc đổi mới cũng như hiện nay phải bảo đảm cho đất nước vừa ổn định, vừa phát triển, do vậy, phải có bước đi đúng cả trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Về kinh tế, chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, song không phải thực hiện một cách tức thời, mà phải tiến hành từng bước. Những bài học phải trả giá quá đắt về sự vội vàng mở quá nhiều khu công nghiệp, đầu tư tràn lan, nhanh chóng xây dựng các tập đoàn kinh tế,… đã làm tổn thất biết bao nguồn lực của đất nước. Việc tái cấu trúc nền kinh tế không thể nóng vội, mà cần có tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Về chính trị, cơ bản là phát huy dân chủ, trước hết là trong Đảng, trên cơ sở đó mở rộng ra toàn xã hội, song phải thực hiện từng bước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bởi nếu tiến hành vội vàng có thể dẫn đến hỗn loạn, không kiểm soát được.
Có thể khẳng định, những vấn đề nói trên là cốt lõi của những quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng ta, đồng thời cũng là những phương châm có tính nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ quá trình đổi mới, nhưng mỗi giai đoạn lại được phát triển, hoàn thiện kịp thời để giải quyết những nhiệm vụ mới./.
-----------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70
(2) Văn kiện đã dẫn, tr. 83 - 84
GS, TS. Lưu Văn Sùng Nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
***
ĐẠI BIỂU CHO AI ?
Bài của DƯƠNG ĐÌNH GIAO/ Blog Ông Giáo Làng / Quechoa 26/11/2014
***

***
Nhìn những bức ảnh chụp các đại biểu quốc hội đang ngon giấc giữa hội trường chẳng ai không thấy buồn cười. Rồi lại còn được biết các đại biểu đọc nguyên xi lời phát biểu soạn sẵn của người khác, bấm nút cũng bằng ngón tay của người khác, và tha hồ vắng mặt có lúc tới 20% thì quả là không thể chỉ buồn cười được nữa.

Chắc cũng thấy cảnh ấy là khó coi, hôm nay thấy những người có trách nhiệm đưa ra biện pháp sẽ tiến hành cấp thẻ thông minh cho mỗi vị để tiện việc kiểm soát, hy vọng những tấn hài kịch ấy sẽ giảm bớt, giữ cho cái cơ quan quyền lực cao nhất ấy của nước ta đỡ phần nhem nhếch. Biết được điều này thì không chỉ buồn cười mà thêm xót. Xót tiền dân. Mỗi vị đã một máy tính xách tay (tất nhiên là loại “xịn”), giờ lại thẻ thông minh, rồi còn những thứ gì nữa, có giời mà biết! Không biết trong số 20 triệu tiền nợ công mà mỗi con dân nước Việt đang phải gánh chịu hiện nay có bao nhiêu trong đó để chi phí cho các đại biểu từ phụ cấp hàng tháng đến tiền máy bay, ô tô đi lại, ăn ở một năm hai kỳ và để vận hành cái cơ quan vẫn được gọi là “dân cử” này?Nhưng dù có cách nào cũng chẳng thể khiến bức tranh bớt phần hài hước, khiến các vị có những hành xử đúng là những đại biểu của dân. Bởi vì:
1. Nào các vị có đại biểu cho ai! 5 năm một lần, những người có tên ứng cử đều do Mặt trận Tổ quốc hiệp thương để lựa chọn chứ không phải do dân được giới thiệu. Và thế nào thì được “hiệp thương” thì ai cũng hiểu. Cũng đôi khi có những người muốn đem tài sức gánh vác việc nước nhưng bằng cách này hay cách khác, rồi họ cũng phải tự rút lui. Cái người dám mở miệng nói rằng “Tôi chưa thấy nước nào tự ứng cử dễ như ở Việt Nam” chắc là một sản phẩm thiểu năng trí tuệ do Tạo hóa lỡ kế hoạch? Đã từ lâu, các vị đã được coi là những người “đảng cử dân bầu”.Đến khi bầu cử, người dân có đi bầu thật, và năm nào, ở bất cứ một đơn vị bầu cử nào dù ở những vùng “đèo heo hút gió” hay giữa “biển khơi muôn trùng” cũng toàn là gần 100% số cử tri đi bỏ phiếu cả. Nhưng “nói vậy mà không phải vậy”. Có thể gần 100% số phiếu đã bỏ vào hòm, chứ số người không biết được bao nhiêu? Cảnh mỗi gia đình cử một đại diện mang cả nắm thẻ cử tri đi bỏ phiếu cho tất cả mọi thành viên, rồi nhờ hàng xóm đi bỏ phiếu hộ, … không phải là hiện tượng hiếm thấy. Việc bị các tổ trưởng dân phố đến tận nhà thúc giục không chỉ một lần, rồi nỗi sợ phiền phức khi có việc cần tới chính quyền sở tại khiến rất nhiều người đã không lạ gì màn hài kịch bầu cử vẫn cứ phải tỏ ra nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ càng sớm càng tốt. Không ít người đã phản ứng bằng cách gạch chéo vào lá phiếu in tên người ứng cử (để phủ nhận tất cả) hoặc cầm nguyên lá phiếu bỏ vào thùng (để tự làm lá phiếu của mình trở nên không hợp lệ). Rất nhiều người chẳng cần để thời gian tìm hiểu lý lịch ứng cử viên (vì đã biết họ là những người như thế nào, càng biết giá trị của lá phiếu ) nên gạch tên một cách tùy tiện. Rồi khi kiểm phiếu, từng khu vực bầu cử có thể chính xác, nhưng khi cộng kết quả từ nhiều nơi lại, thật giả ra sao, thật là “u u minh minh”.
Cho nên, các đại biểu chắc chắn rất ít người xứng đáng được coi là “đại biểu của dân”.
2. Đa số đại biểu quốc hội đều coi làm việc này là thực hiện một nhiệm vụ do đảng giao (hầu hết các đại biểu đều là đảng viên); số ít các đại biểu ngoài đảng cũng thừa hiểu, nhờ đảng họ mới có thể ngồi ở đây mỗi năm hai lần, được “ăn nằm trò chuyện” với các vị tai to mặt lớn để gia tăng độ tin cậy với các bạn hàng, để dễ bề thâm nhập vào các dự án trăm nghìn tỷ và chí ít cũng là để vênh vang với họ hàng bè bạn, hàng xóm láng giềng. Mà đã nhờ đảng thì phải làm đảng được hài lòng. Vì “đảng cử dân bầu” nên có mặt hay vắng mặt, nói “giăng” hay nói “cuội”, bấm nút bằng cái ngón tay nào, … thì mọi sự cũng đã an bài, đâu cần quan tâm vì tất cả “đã có đảng lo”! Cho nên, không lạ gì khi tuyệt đại bộ phận các ý kiến đều nhất trí với các báo cáo hoặc phát biểu của những người đứng đầu.
3. Theo tôi biết, ở nhiều nước, người ở trong các cơ quan hành pháp không tham gia vào các cơ quan lập pháp để đảm bảo tính độc lập. Có như vậy, tiếng nói của quốc hội mới đảm bảo vô tư và có hiệu lực. Nhưng quốc hội ở ta cũng như nhiều cơ quan khác thường tuân theo nguyên tắc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” Cơ quan lập pháp nhưng có quá nhiều người trong bộ máy hành pháp ở trung ương và địa phương (để hạn chế việc “mất đoàn kết”). (Hội đồng nhân dân các cấp cũng trong tình trạng tương tự nên đang được xem xét có nên tồn tại hay chỉ “xót tiền dân”). Chưa kể tính độc lập bị xâm hại (mà ai cũng biết), thời gian một kỳ họp dài hàng tháng khiến công việc hành pháp bị trở ngại. Một Bộ trưởng, một Chủ tịch tỉnh sao có thể vắng mặt dài ngày như vậy nếu muốn guồng máy mình đứng đầu không trì trệ. Tất nhiên họ phải vắng mặt ở nơi sự có mặt chưa hẳn đã có ý nghĩa để trở về với những việc cấp bách thực sự cần họ có mặt. Hơn nữa, những cuộc họp hành, bàn thảo ở những nơi ấy mới có thể “ra vấn đề” trong khi ngày hai buổi nói thì ít, nghe thì nhiều diễn ra chán ngắt!4. May là trong số đại biểu quốc hội cũng có dù rất ít đại biểu ý thức được trách nhiệm với cử tri, thường thẳng thắn nói những điều ích nước lợi dân, đi ngược lại với lợi quyền của những nhóm lợi ích. Cho dù chắc các vị thừa hiểu “trung ngôn nghịch nhĩ”, những lời nói thẳng ấy có thể khiến cái ghế đại biểu lung lay, nhưng cám ơn các vị vì chính họ đã khiến những kỳ họp quốc hội của ta còn đôi chút thu hút được sự chú ý của công luận.
Sao ta không nghĩ: ngủ, vắng mặt liên tiếp trong các phiên họp chưa chắc đã là tỏ sự lười biếng, trễ nải trong thi hành phận sự mà có thể cũng là một phản ứng trước việc bị biến thành các “nghị gật” thời hiện đại của những người chưa thật đủ dũng khí?
Nhưng dù là do nguyên nhân gì, những hiện tượng này cũng chỉ có thể được chấm dứt một khi quốc hội của ta được lựa chọn và vận hành theo cách thông thường của thế giới văn minh.
***
KHÁC HỆ ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN / FB Nguyen Tuan / Quechoa 25/11/2014
***

***
Sáng nay, nhân thấy tôi đọc ngấu nghiến, anh bạn Tây hỏi chuyện gì mà tôi quan tâm thế. Phải giải thích lâu thì anh ta mới hiểu. Nhiều khi nói chuyện về Việt Nam với bạn bè và đồng nghiệp ở các nước phương Tây tôi thấy rất khó, và có khi ngại ngùng nữa. Chẳng hạn như trước đây nhân vụ Nhã Thuyên, có bạn hỏi vấn đề là gì, tôi giải thích rằng bằng cấp của chị ấy bị thu hồi vì luận án bị người ta đánh giá là có vấn đề về chính trị.
 Thế là họ kinh ngạc hỏi tại sao trong thế kỉ 21 mà có nơi hành xử thô bạo với học thuật như thế, hàng loạt câu hỏi đặt ra, và lại phải giải thích. Càng giải thích họ càng hỏi tới, toàn những câu hỏi cơ bản, và lại giải thích tiếp. Mà, Tây thì nó lúc nào cũng hỏi cho ra lẽ, chứ không chịu bỏ cuộc. Mất thì giờ đã đành, mà mình cảm thấy như là thần dân của một xứ sở gì mà kì cục quá! 
Hay như chuyện mới nhất về cái Cục Nghệ thuật Biểu diễn kia phạt cô thí sinh đi thi hoa hậu chẳng hạn, làm sao người phương Tây có thể hiểu được? Không khéo họ lại nghĩ mình ... nói dóc. Tôi nghĩ một người công dân bình thường sống trong xã hội phương Tây không thể nào tưởng tượng nổi sắc đẹp của người con gái cũng bị Nhà nước quản lí! (1) Họ sẽ "chết giấc" nếu họ biết ca sĩ phải có ... giấy chứng chỉ hành nghề, và muốn trình diễn ở đâu thì phải xin phép chính quyền!
Đối với họ đó là một điều ngoài sự tưởng tượng vì họ không thể nghĩ rằng trên hành tinh này còn những nhà nước lạc hậu như thế. Có khi cũng ngại ngùng nói ra lắm, vì nói ra thì sợ người ta thấy sao VN "khác hệ" quá, và có xu hướng [nói thẳng ra là] kém văn minh.
Ví dụ như làm sao họ có thể hiểu được chức năng của Ban tuyên giáo là kiểm soát tư tưởng người ta, làm thế nào để dịch và giải thích chữ "kinh tế thị trường định hướng XHCH" vì nó chẳng nằm trong "radar" của thế giới văn minh, làm sao để giải thích chích vaccine và chết hàng mấy chục trẻ em? Thế là đành phải để lòng chứ chẳng biết/dám chia sẻ nỗi niềm mình quan tâm với các bạn đồng nghiệp phương Tây.
===
(1) Có người hỏi sao không lo cho các cô gái bị bán sáng các nước khác?
***
"CON VOI TRONG PHÒNG"
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB Nguyen Tuan/ Quechoa 26/11/2014
***

***
Đọc trên danluan thấy có đăng lại những thông tin thú vị về đất nước và con người Việt Nam (1). Ở phần cuối bày, tác giả (Kỳ Duyên) đặt câu hỏi "Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?" Người phương Tây có thành ngữ "an elephant in the room" (một con voi nó đang ở trong phòng), có nghĩa là có một vấn đề / tình huống / giải pháp / nguyên nhân rất hiển nhiên mà không ai muốn nói về nó.
Tôi nghĩ câu "một con voi nó đang ở trong phòng" chính là trả lời cho câu hỏi của nhà báo Kỳ Duyên. Thôi thì cứ nói thẳng ra: "Con voi" đó chính là cái chủ nghĩa làm nền tảng thế chế mà VN đang theo đuổi.
Xin trích ra đây những con số chính về dân số và tài nguyên thiên nhiên:
(a) Dân số: 93 triệu, đứng hạng 13/243. 
(b) Diện tích: 331,210 km^2, hạng 61/189.
(c) Bờ biển: 3444 km, hạng 33/154.
(d) Rừng: 123,000 km^2, hạng 45/192.
(e) Đất canh tác: 30,000 km^2, hạng 32/236.
Còn về thành quả kinh tế - xã hội – khoa học thì sao?
(a) Giáo dục: chỉ số phát triển con người đứng hạng 121/187.
(b) Bằng sáng chế: không đáng kể, gần như 0. 
(c) Ô nhiễm môi trường: đứng hạng 102/124.
(d) Thu nhập bình quân đầu người: đứng hạng 123/182.
(e) Tham nhũng: hạng 116/177. 
(f) Phát triển xã hội: hạng 72/76.
(g) Tự do ngôn luận: 174/180.
(h) Y tế: hạng 160/190. 
Với những con số về tài nguyên thiên nhiên và dân số chúng ta nghĩ rằng VN đáng lẽ phải là nước giàu có. Chả thế mà ông Lý Quang Diệu chẳng từng nói rằng VN đáng lẽ phải là một "ngôi sao" ở Á châu. Nhưng trong thực tế thì các số liệu trên cho thấy VN là một trong những nước nghèo nhất thế giới, ô nhiễm nặng nề, thiếu tính sáng tạo, tham nhũng vào hàng cao trên thế giới, và thiếu tự do ngôn luận. Có thể nói không ngoa rằng VN là một nước thất bại.
Nhưng tại sao thấy bại? Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có một vài câu trả lời. Trước đây, tôi thường hay nghĩ rằng sự thành bại của một quốc gia là do thời cơ, điều kiện tự nhiên, và con người. Những nước như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore thành công vì hội đủ 3 điều kiện đó. Nhưng mới đọc cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James Robinson, trong đó tác giả chứng minh rằng thể chế có ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của một quốc gia. Họ lí giải rằng sở dĩ các nước nghèo và lạc hậu là do thể chế chiếm đoạt về chính trị và kinh tế. Tôi nghĩ minh hoạ cho ý này sinh động nhất là trường hợp Bắc Hàn và Nam Hàn. Cũng có thể so sánh Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam trước 1975 thì rất dễ thấy "con voi trong phòng".
Đối chiếu lại ở Việt Nam, chúng ta thấy đại đa số người Việt cũng bị tước đoạt như thế. Ngay cả đất đai tưởng là của dân, nhưng thật ra là thuộc "sở hữu của toàn dân"! Các tập đoàn kinh tế chỉ tập trung vào một thiểu số có quyền thế gọi một cách mĩ miều là “nhóm lợi ích”. Đại đa số người Việt không có quyền quyết định chính trị. Do đó, theo lí giải của Acemoglu & Robinson, chúng ta có thể giải thích tại sao Việt Nam cho đến nay vẫn còn nghèo: vấn đề thể chế. Đó chính là "an elephant in the room" mà không ai -- kể cả nhà báo Kỳ Duyên -- muốn nói đến nó .
=====


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét