Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

20141117. XUNG QUANH KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI QUỐC HỘI KỲ 8 KHÓA XIII

ĐIỂM BÁO MẠNG
KẾT QUẢ BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM CỦA QUỐC HỘI
Theo VNN/Quechoa 15/11/2014
Hình lấy từ VTC News
***
QH vừa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Phó chủ tịch QH Kim Ngân dẫn đầu tín nhiệm cao, các Bộ trưởng TN&MT, Văn hóa, Y tế, Nội vụ đứng cuối bảng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có số phiếu cải thiện đáng kể so với lần lấy phiếu trước.
Năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ nhận được 41 phiếu tín nhiệm thấp (so với 209 phiếu của năm 2013). Số phiếu tín nhiệm cao dành cho Thủ tướng năm nay có 320 phiếu (so với năm ngoái 210 phiếu), áp đảo so với số phiếu tín nhiệm thấp chỉ 68 phiếu (so với 160 phiếu tín nhiệm thấp của năm 2013).
lấy phiếu tín nhiệm
***
lấy phiếu tín nhiệm
***
lấy phiếu tín nhiệm
 Phiên bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sáng nay. Ảnh: MT - XĐ
***
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng có số phiếu tín nhiệm cao áp đảo 326 phiếu so với số phiếu tín nhiệm thấp là 28 (tỉ lệ năm ngoái là 186 phiếu tín nhiệm cao và 99 phiếu tín nhiệm thấp).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đạt số phiếu tín nhiệm cao 97 phiếu so với 108 phiếu của năm ngoái. Số phiếu tín nhiệm, tín nhiệm thấp đạt 192 phiếu.
Dưới đây là kết quả cụ thể:

S
T
T
Tên
Tín nhiệm cao
(số phiếu/tỷ lệ %)
Tín nhiệm
(số phiếu/tỷ lệ %)
Tín nhiệm thấp
(số phiếu/tỷ lệ%)
1Trương Tấn Sang3808420
2Nguyễn Thị Doan30216815
3Nguyễn Sinh Hùng3409352
4Uông Chu Lưu34412414
5Nguyễn Thị Kim Ngân390869
6Tòng Thị Phóng32512731
7Huỳnh Ngọc Sơn29515928
8Phan Xuân Dũng21224823
9Nguyễn Văn Giàu31715512
10Trần Văn Hằng28418313
11Phùng Quốc Hiển31514820
12Nguyễn Văn Hiện20324536
13Nguyễn Đức Hiền22522830
14Nguyễn Kim Khoa29017419
15Phan Trung Lý31114527
16Trương Thị Mai36510413
17Nguyễn Thị Nương27218328
18Nguyễn Hạnh Phúc30315426
19Ksor Phước30216416
20Đào Trọng Thi22422039
21Nguyễn Tấn Dũng3209668
22Vũ Đức Đam25719632
23Hoàng Trung Hải22522634
24Phạm Bình Minh32014619
25Vũ Văn Ninh20224635
26Nguyễn Xuân Phúc35610326
27Hoàng Tuấn Anh93235157
28Nguyễn Thái Bình98233154
29Nguyễn Văn Bình32311841
30Phạm Thị Hải Chuyền108256119
31Hà Hùng Cường20023449
32Trịnh Đình Dũng23620148
33Đinh Tiến Dũng24719741
34Vũ Huy Hoàng156224102
35Phạm Vũ Luận133202149
36Nguyễn Văn Nên20024339
37Cao Đức Phát20622454
38Giàng Seo Phử12726295
39Trần Đại Quang26416650
40Nguyễn Minh Quang85287111
41Nguyễn Quân10531365
42Nguyễn Bắc Son13626779
43Phùng Quang Thanh31312941
44Đinh La Thăng3629128
45Nguyễn Thị Kim Tiến97192192
46Huỳnh Phong Tranh17024468
47Bùi Quang Vinh35111220
48Trương Hòa Bình20522550
49Nguyễn Hòa Bình20723543
50Nguyễn Hữu Vạn10531862
C.Hoàng - H.Nhì - X.Linh - H.Anh - T.Vũ - M.Thăng


***
ĐỌC KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM CỦA QUỐC HỘI
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB Nguyen Tuan/ Quechoa 15/11/2014

Thế là Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 nhân vật trong Chính phủ (1). Đọc qua kết quả này cũng thú vị. Nhưng nếu phân tích như cách làm của VNexpress thì sẽ không nói hết "câu chuyện" được, vì chưa xem xét đến trọng số của 3 loại phiếu tín nhiệm, và chưa so sánh với kết quả năm ngoái. Tôi thử đọc lại kết quả năm nay và so sánh với năm ngoái thì thấy một xu hướng rất thú vị: 16 (35%) người có điểm giảm, 2 người không thay đổi, và 28 người (61%) có điểm gia tăng.
Xin nhắc lại là cách mà QH lấy phiếu tín nhiệm là rất lạ lùng (nhưng chúng ta phải sống với cách làm
đó). Thang điểm tín nhiệm chỉ có 3 điểm:
• Tín nhiệm cao
• Tín nhiệm
• Tín nhiệm thấp
Phóng viên Reuter mỉa mai gọi cách lấy phiếu như thế này là phường tuồng (2). Nhưng cách họ làm khá nhất quán với năm 2013, và điều đó rất tốt để công chúng có thể so sánh xem các nhân vật trong Chính phủ "làm ăn" ra sao sau một năm bị cho điểm.
Báo chí có vẻ lấy số phần trăm “Tín nhiệm cao” để so sánh, nhưng cách làm này không công bằng. Để minh hoạ, chúng ta có thể xem hai trường hợp sau đây: Ông Phạm Bình Minh và ông Nguyễn Tấn Dũng đều có 320 phiếu "tín nhiệm cao", nhưng không thể nói họ có tín nhiệm tương đương nhau, vì chưa xem xét đến số phiếu "Tín nhiệm" mà ông Minh có 146 và ông Dũng có 96 phiếu; và số phiếu "Tín nhiệm thấp" của ông Minh là 19 so với của ông Dũng là 68.
Do đó, để so sánh công bằng, cần phải định lượng cho từng cá nhân. Ở đây, mấy người trong Quốc hội chỉ cho các điểm “tích cực” (tín nhiệm), nhưng chúng ta có thể hiểu rằng những người đánh giá điểm “Tín nhiệm thấp” có nghĩa là “Không tín nhiệm” và “Rất không tín nhiệm”. Những người cho điểm “Tín nhiệm” có thể phản ảnh cả đánh giá “Không tín nhiệm”. Giả định đằng sau của thang điểm Likert là có một biến số liên tục. Trong trường hợp chúng ta đang bàn, từ “Rất không tín nhiệm” đến
“Rất tín nhiệm” là một dãy số liên tục từ -1 đến +1 (trung bình là 0).
• Rất tín nhiệm cao: trọng số từ 0.5 đến 1 (trung bình là 0.75).
• Tín nhiệm: trọng số từ 0 đến 0.5 (trung bình 0.25)
• Tín nhiệm thấp: trọng số 0 đến -1 (trung bình -0.50)
Do đó, trong trường hợp ông Phạm Bình Minh, với 320 phiếu “Tín nhiệm cao”, 146 phiếu “Tín nhiệm”, và 19 “Tín nhiệm thấp”, chúng ta có thể tính điểm quân bình là:
(320*0.75 + 146*0.25 –19*0.50) / 480 = 0.55
và ông Nguyễn Tấn Dũng:
(320*0.75 + 96*0.25 – 68*0.50) / 491 = 0.48
Nói cách khác, điểm của ông Phạm Bình Minh cao hơn ông Nguyễn Tấn Dũng 0.07 điểm.
Tính tương tự, tôi có bảng sau đây. Bảng này cũng so sánh điểm năm 2014 và 2013, dĩ nhiên là cùng một cách tính. Bảng xếp hạng (theo điểm 2014) có khác biệt khá nhiều so với bảng của VNexpress vì cách tính của tôi có trọng số. Có thể rút ra vài điểm chính từ bảng này như sau:
Tính trung bình, điểm tín nhiệm của năm 2014 chỉ 0.42 với độ lệch chuẩn là 015. Con số điểm trung bình này tăng 0.03 điểm so với 2013. Tuy nhiên, mức độ tăng rất thấp nếu so với độ lệch chuẩn. Nói theo ngôn ngữ "effect size" thì đây là ảnh hưởng rất thấp.
Năm 2014, bà Kim Ngân có điểm cao nhất (0.64), kế đến là ông Trương Tấn Sang (0.61) và Trương Thị Mai (0.61). Tất cả những người còn lại đều có điểm dưới 0.60. Riêng ngài Thủ tướng thì có điểm 0.48, đứng hạng 23/50. Người "đội sổ" năm 2014 là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (điểm chỉ 0.05)! Người có số điểm thấp khác là ông Bộ trưởng Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh (0.10) và Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình (0.11).
Phân tích theo nhóm thì những thành viên Chính phủ có điểm thấp hơn thành viên Quốc hội. Điểm trung bình của các thành viên Chính phủ năm 2014 là 0.37, còn của các thành viên Quốc hội là 0.51.
So sánh với điểm năm 2013, tôi thấy điểm năm 2014 có nhiều dao động. Biểu đồ sau đây cho thấy đa số là có tăng điểm (những điểm nằm trên đường màu đỏ). Thật vậy, trong số 46 người có điểm 2 năm liền (vì ông Nguyễn Thiện Nhân không có trong danh sách năm 2014) thì có đến 28 người (tức 61%) có điểm tăng. Ngược lại, có 16 (35%) người bị giảm điểm, và 2 người không thay đổi.
Người có điểm tăng "ấn tượng" nhất là ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình! Năm 2013 ông này đứng cuối bảng (điểm chỉ 0.02), nhưng chẳng hiểu sao năm 2014, ông này có điểm tăng vọt lên 0.52! Có thể nói ông là người có mức độ tiến bộ cao nhất. Người kế tiếp có điểm tăng cao là ông Đinh La Thăng (tăng 0.29 điểm), Nguyễn Tấn Dũng (tăng 0.26 điểm), Trịnh Đình Dũng (tăng 0.19), Bùi Quang Vinh (tăng 0.16), và Nguyễn Xuân Phúc (tăng 0.13).
Người có điểm giảm mạnh nhất là ông Nguyễn Thái Bình, từ 0.24 năm 2013 xuống còn 0.11 năm 2014. Một người trước đây từng có điểm rất thấp là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng giảm từ 0.13 năm 2013 xuống chỉ còn 0.05 năm 2014. Bà Kim Tiến có đến 192 phiếu (tức 40%) "tín nhiệm thấp".
Đứng trước một kết quả phân tích, chúng ta thường có 3 câu hỏi: kết quả này có đáng tin cậy không, chúng ta nên diễn giải kết quả này như thế nào, và chúng ta phải làm gì? Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là đáng tin cậy, vì số liệu này của Quốc hội cung cấp. Tuy có vài vấn đề nghiêm trọng về sách thức soạn thang điểm, nhưng nhìn chung nó cũng cho chúng ta một "câu chuyện" đằng sau những con số. Chẳng hạn như con số "Tín nhiệm thấp" chắc chắn có thể đọc là "Không tín nhiệm". Bởi vì người ta không được phép lựa chọn "Không tín nhiệm" nên phải dồn hết cho "Tín nhiệm thấp". Kể ra cách thức soạn thang điểm như thế này chẳng những phi khoa học, mà còn thể hiện một sự ngạo mạn và khinh thường công chúng. Ngạo mạn là vì thang điểm là cách nói "Chúng tôi làm như thế, các anh làm gì được tôi". Khinh thường là vì có thể người soạn thang điểm nghĩ rằng công chúng đều ngu dốt, nên mới dám cho ra thang điểm 1 chiều.
Diễn giải kết quả như thế nào? Theo qui ước tính của tôi thì điểm tối đa là 0.75, tức là điểm "tín nhiệm cao". Do đó, con số điểm trung bình 0.42 năm 2014 có nghĩa là chỉ đạt 56% điểm tối đa, tức chỉ trên trung bình một chút. Ngay cả người có phiếu tín nhiệm cao nhất (bà Kim Ngân) cũng chỉ đạt 85% điểm tối đa. Thông thường, điểm ~90% điểm tối đa được xem là "xuất sắc", và chiếu theo qui tắc này thì không một ai trong 50 người chủ chốt của chế độ được điểm xuất sắc.
Tôi thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm nay (2014) có phần tăng nhẹ so với năm 2013. Điều này hơi khó giải thích vì tình hình kinh tế - xã hội trong năm qua không được khả quan mấy, vậy mà các đại biểu QH lại cho điểm tăng! Chẳng hạn như trường hợp ông Nguyễn Văn Bình (nhân vật quan trọng trong nền kinh tế), dù nước còn nợ nần chồng chất, nhưng điểm của ông tăng cao nhất. Như vậy, có thể nói rằng những gì đại biểu QH đánh giá chưa chắc tương đồng với cảm nhận của người dân.
Có một điều khá thú vị là số điểm dường như có tương quan nghịch đảo với thực quyền. Nhìn vào bảng điểm, chúng ta dễ nhận ra những người đứng đầu bảng là người ít có quyền (như thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, v.v.), nhưng những người có điểm thấp toàn là người có quyền executive bên Chinh phủ. Chẳng hạn như người có ít thực quyền executive nhất (?) là bà Kim Ngân) cũng là người có điểm cao nhất; ngược lại, người có thực quyền cao nhất về giáo dục và y tế lại là người có điểm thấp nhất. Điều này có thể nói lên rằng đại biểu Quốc hội cho điểm cao những người nói và làm luật, chứ họ không "ấn tượng" với người làm.
Câu hỏi thứ ba có lẽ là quan trọng nhất: phải làm gì với kết quả này? Chẳng lẽ chỉ công bố con số rồi ngưng ở đó, thì hoá ra chỉ là trò chơi tốn tiền. Tuy nhiên, chúng ta là công chúng, không ở vị trí để quyết định, nên chỉ đọc để biết "những điều mắt thấy mà đau đớn lòng". Nhưng các vị ở vị trí quyết định (decision makers) nên suy nghĩ phải làm gì với những người với điểm tín nhiệm chẳng những đã thấp mà còn giảm so với năm trước. "Nhất quá tam", chẳng lẽ để các vị ấy bị đánh giá thấp một lần nữa?
Tóm lại, điểm tín nhiệm năm nay (2014) tuy có khá hơn so với năm trước, nhưng mức độ cải tiến còn quá khiêm tốn. Phân tích ở mức độ cá nhân cho thấy những người có điểm tăng mạnh là ông Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng, và những người có điểm giảm mạnh là bà Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Nguyễn Thái Bình. Số còn lại thì tăng/giảm không đáng kể. Điều thú vị là tính trung bình điểm tín nhiệm của các vị trong Chính phủ thấp hẳn so với điểm của các vị trong Quốc hội. Tuy nhiên, không một vị lãnh đạo nào được đánh giá xuất sắc (đạt 90% điểm tối đa).
_____________________

***
THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG CỦNG CỐ UY THẾ QUA CUỘC BỎ PHIÊU TÍN NHIỆM TẠI QUỐC HỘI
Bài của THỤY MY/ RFI/Quechoa 15/11/2014
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Mỹ Obama tại hội nghị ASEAN ở Miến Điện, 13/11/2014.
*** 
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm nay 15/11/2014 đã được tăng cường thêm sức mạnh khi nhận được số phiếu tín nhiệm khá cao của các đại biểu Quốc hội. Theo AFP, đây là một sự khởi sắc tương đối ngoạn mục so với năm ngoái, ông chỉ được lượng phiếu tín nhiệm rất thấp.
Khoảng 320/484 đại biểu đã bỏ phiếu « tín nhiệm cao » cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chiếm tỉ lệ 64,39%. Đây là một sự tương phản lớn lao so với năm ngoái, khi đến một phần ba trong Quốc hội chỉ « tín nhiệm thấp » đối với sự lãnh đạo của ông Dũng. Còn lần này, chỉ có 68 đại biểu bỏ phiếu « tín nhiệm thấp » cho Thủ tướng.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2013, là một nỗ lực của các nhà cai trị Việt Nam, nhằm xoa dịu các bất bình ngày càng tăng của dân chúng trước tình trạng thiếu trách nhiệm và tham nhũng. Các đại biểu có thể bỏ phiếu « tín nhiệm thấp » « tín nhiệm » và « tín nhiệm cao » cho 50 chức danh lãnh đạo hàng đầu, trong đó có Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.Theo báo chí nhà nước, quan chức nào nhận được trên 50% phiếu « tín nhiệm thấp » trong hai năm liên tiếp có thể bị yêu cầu từ chức. Nhưng cả năm nay lẫn năm ngoái, tất cả các lãnh đạo phải đối mặt với việc bỏ phiếu tín nhiệm đều xoay sở để có được số phiểu ủng hộ cần thiết, nhằm tránh né các biện pháp kỷ luật trong tương lai.Năm nay, người chiếm được số phiếu cao nhất là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với 380 phiếu « tín nhiệm cao » (76,46%). Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bị chỉ trích dữ dội do nhiều vụ tai tiếng trong ngành y tế, là quan chức bị mất lòng dân nhất, đã nhận được đến 192 phiếu « tín nhiệm thấp ».Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà uy tín đã bị xói mòn bởi một loạt các xì-căng-đan tham nhũng và các quan ngại về việc lãnh đạo nền kinh tế, dường như đã thu hút được cảm tình hơn so với năm ngoái, nhờ mạnh mẽ lên tiếng đả kích Trung Quốc.AFP nhắc lại, Hà Nội và Bắc Kinh đang căng thẳng trong vấn đề chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Hồi tháng Năm, Bắc Kinh đã tự tiện đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây hấn với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ, và dẫn đến các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc. Giàn khoan này được rút đi hồi tháng Bảy.Ông Nguyễn Tấn Dũng không ngừng đả kích thái độ cứng rắn của Bắc Kinh tại Biển Đông, tranh thủ các diễn đàn khu vực trong đó có cả hội nghị ASEAN tại Miến Điện mới đây, để kêu gọi quốc tế có hành động mạnh mẽ hơn nhằm kìm hãm hành động xâm lăng của Trung Quốc tại các vùng biển bị Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.Tuy các nhà quan sát hoan nghênh việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm – như một dấu hiệu cho thấy cố gắng của chế độ để làm dịu bớt sự bất mãn của dân chúng - nhưng nhiều người cho rằng kết quả bỏ phiếu là vô nghĩa, bên trong hậu trường các quan chức vẫn sẽ « đóng cửa bảo nhau ».Còn theo nhận định của Reuters, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này diễn ra một năm trước Đại hội Đảng, là dịp để chọn lựa ra những người lãnh đạo, trong nỗ lực tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây. Theo những lời đồn đoán, thì đang có sự rạn nứt sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, giữa phe bảo thủ và phe được cho là cải cách.
***

VÌ SAO BỘ TRƯỞNG Y TẾ ĐỘI SỔ TÍN NHIỆM ?

Bài của THẢO VI/ VNTB/ Quechoa 16/11/2104

***
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, so với lần lấy phiếu năm 2013, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ 108 giảm xuống 97 phiếu tín nhiệm cao và dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm thấp 192 (chiếm 38% đại biểu).
Bình luận về lá phiếu tín nhiệm, có lẽ lưu ý về một chi tiết: các khối hành pháp, lập pháp và tư pháp đã được “nhốt chung một rọ”.
 Hoạt động của ba khối này hoàn toàn khác nhau. Nếu lấy chung như thế thì bao giờ khối lập pháp cũng có tỷ lệ tín nhiệm cao, còn khối hành pháp phải cọ xát hàng ngày với nhân dân nên tín nhiệm dễ thấp hơn, bởi người dân sẽ nhìn thấy khuyết điểm nhiều hơn.
Tuy nhiên nhìn lại chặng đường 3 năm qua trên cương vị là người đứng đầu ngành y tế, quả thật Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những quan điểm được phát ngôn rất dễ gây sốc.Không bao che?
“Mức viện phí hiện nay là quá thấp so với giá thực chi, vô hình trung làm khổ người dân.Việc tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo mà hoàn toàn ngược lại; chính vì giá dịch vụ thấp nên chất lượng không thể cao, vừa làm khổ bệnh nhân, vừa làm khổ bác sĩ”.
Bà Bộ trưởng phát biểu như vậy và người dân tin rằng từ lúc còn làm Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn cho đến khi làm Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chưa bao giờ… bệnh. Hoặc có bệnh, thì bà được chuẩn điều trị của “cán bộ cao cấp” nên chưa phân biệt được túi tiền người nghèo và “núi tiền” nhà giàu.
Khi báo chí đồng loạt hỏi về chất lượng phục vụ bệnh nhân của bệnh viện, tình trạng thiếu thốn, bất cập thì Bộ trưởng trả lời thẳng và thật: “Thiếu giường bệnh thì phải hỏi Nhà nước”? Đáng lẽ ra, người đứng đầu ngành phải quan tâm nhiều hơn, lắng nghe sự góp ý thì xem chứng Bộ trưởng ứng xử ngược lại!
Sự bức xúc của người dân càng lên cao khi vào năm 2013, Bộ trưởng lại là tâm điểm để báo chí bình phẩn khi không đến viếng thăm gia đình 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị chết do tiêm thuốc vắc xin viêm gan B, trong khi cùng thời gian đó, bản thân bà đến tỉnh này để tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông và thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Lý giải nguyên nhân, bà giải thích: “Lịch công tác ở Quảng Trị đã được… bố trí kín nên không thể đến thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong”; đồng thời cho biết thêm: “Đã cử đoàn công tác tại Quảng Trị đến thăm hỏi và chỉ đạo đoàn công tác của Bộ sớm tìm nguyên nhân và khắc phục hậu quả” và khẳng định: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.
“Năm của ngành y tế”
Không quá lời khi báo chí gọi năm 2013 là “năm của ngành y tế” bởi một loạt các vụ việc “động trời” liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Từ vụ bác sĩ Tường vô nhân đạo khi phẩu thuật thẩm mỹ gây chết người, vứt xác phi tang đã làm rúng động cộng đồng, cho đến các vụ nhân viên Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội ăn bớt vắc xin; nhân bản kết quả xét nghiệm để rút ruột bảo hiểm y tế ở Hà Nội; tráo thủy tinh thể và dịch nhầy từ loại đắt tiền sang loại rẻ tiền tại Bệnh viện mắt Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Quảng Nam trả đứa trẻ còn sống để gia đình đưa về nhà chôn cất…
Mọi người đều nhận ra nguyên nhân chính của những sự việc căm phẩn trên là do ngành y tế quản lý lỏng lẻo, vấn đề y đức, kém trình độ, yếu tay nghề mà ra.
Gần đây nhất, câu chuyện thông tin công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ hối lộ các quan chức Việt Nam để giành hợp đồng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất nhanh chóng có ngay công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ thông tin này là có thật hay không thật, trên cơ sở đó mới có việc xử lý.
Báo chí đặt khá nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng, như trong quá trình vào Việt Nam làm ăn, công ty này hẳn cũng phải qua Bộ Y tế, Việt Nam nhập khẩu từ công ty này những mặt hàng nào… Nhưng đáp lại là câu trả lời rất nguyên tắc, đó là hãy đợi Bộ Công an làm rõ!
***
THẤY GÌ TỪ KẾT QUẢ "TÍN NHIỆM" 2014 ? 
Theo BBC/Quechoa 16/11/2014
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã phản ánh 'khá sát' thực tế về năng lực của nhiều quan chức, lãnh đạo Việt Nam, là một 'điều tốt, đáng hoan nghênh', tuy nhiên về bản chất đây vẫn chỉ là một dạng thức 'dân chủ còn rất thấp', theo ý của nhà quan sát.
Bình luận về kết quả được Quốc hội Việt Nam công bố cùng ngày, ngay sau phiên lấy phiếu tín nhiệm hôm 15/11/2014, Tiến sỹ Alan Phan, một nhà quan sát tình hình Việt Nam từ Hoa Kỳ nói với BBC:
"Nó là một điều tốt, đáng hoan nghênh, nhưng những người ở vị trí cao họ bị đánh giá thường trực bởi cơ quan ngôn luận, bởi truyền thông, bởi dân chúng bằng những lá bầu trực tiếp, thì đương nhiên là họ không cần phải có những buổi họp của Quốc hội như thế này.
"Và thực tình trong những quốc gia khác, Quốc hội vẫn thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm nhưng mà chỉ có một phiếu, chứ không có cao, thấp hay là trung bình hay là cái gì hết và có thể làm một anh Thủ tướng mất chức.
"Nhưng mà ở Việt Nam cái chuyện đó gần như hoàn toàn không có, nhưng đối với tôi như đã nói tất cả những hình thức gì mà nó có một chút tiến bộ, thì đó là một điều chúng ta nên hoan nghênh," ông Alan Phan nói.
" Khá sát tình hình"
Hôm thứ Bảy, PGS. TS. Phạm Quý Ngọ từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư bình luận với BBC mức độ phản ánh thực tế tình hình Việt Nam và năng lực quan chức, lãnh đạo qua kết quả mới công bố.
Ông nói: "Theo nhận định của tôi, cuộc bỏ phiếu này là khá sát với những tình hình, diễn biến hay là những sự chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của những người lãnh đạo của những lĩnh vực, những ngành, hay những bộ mà các vị này phụ trách.
"Tôi có cảm tưởng là đã có những thay đổi rất là tốt và đánh giá cũng tương đối sát với tình hình thực tế. Tôi chỉ lấy một ví dụ trước kia Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, 'tín nhiệm cao' là thấp, còn 'tín nhiệm thấp' lại rất cao, thế nhưng trong lần này đã có sự thay đổi đột biến."
Vẫn theo ông Thọ thì:
"Đã có những đánh giá nhìn thẳng vào tình hình về hệ thống ngân hàng, tài chính hiện nay và có nghĩa là người ta thấy đã có những chuyển biến, hoặc ít nhất cũng đã có những sự quyết định mạnh tay và 'dám chịu trách nhiệm, chính vì vậy mà nó sẽ thay đổi được tình hình."
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Alan Phan, mặc dù đáng hoan nghênh, lấy tín nhiệm về tính chất vẫn chỉ là một hình thức 'dân chủ rất thấp'.
Trước câu hỏi liệu kết quả đo tín nhiệm có phản ảnh sát được tình hình thực tế ở Việt Nam và năng lực quan chức, lãnh đạo hay không, nhà quan sát nói:
"Thực tình nó có một phần nào, là vì những lĩnh vực mà tôi cho là bị tín nhiệm hơi thấp là những lĩnh vực mà hiện nay đang trì trệ như y tế, giáo dục, kinh tế, tất cả mọi thứ. Dù nó cải thiện hơn lần trước nhưng mà so với những lĩnh vực khác, nó vẫn là một yếu tố có thể nói là thấp hơn.
"Nó có phản ánh một phần nào, nhưng như tôi nói, nó không quan trọng gì và tôi thực tình cũng không có nghiên cứu kỹ về những chi tiết, là vì như tôi nói tôi cho tất cả những cái này chỉ là những hình thức dân chủ còn rất thấp."
" Một số thay đổi"
Hôm thứ Bảy, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), so sánh kết quả về phiếu tín nhiệm năm 2014 của Quốc hội Việt Nam với lần lấy phiếu trước vào tháng 6/2013.

Ông nói: "Kết quả cuôc bỏ phiếu tín nhiệm năm 2014 này cho thấy có một số thay đổi so với kết quả của năm 2013, kết quả thay đổi rõ rệt đó là sự cải thiện phiếu tín nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, của ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình và của ông Bộ trưởng Giao thông, Vận tải Đinh La Thăng.
"Kết quả cũng đáng chú ý đó là vị trí thấp của bà Bộ trưởng Y tế đã lại được tái khẳng định với một mức độ đậm nét hơn rất rõ rệt, và tương tự như vậy, mức tín nhiệm đối với ông Bộ trưởng Văn hóa, ông Bộ trưởng Nội vụ, và ông Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường cũng rất thấp...
"Những kết quả này cho thấy rằng Đại biểu Quốc hội có sự đánh giá nhất định về sự năng động của một số những chức danh được cải thiện và về tình hình không được cải thiện của một số chức danh như đã nêu trên."
Khi được hỏi về so sánh tương quan giữa kết quả với ba vị lãnh đạo là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, Tiến sỹ Doanh cho hay:
"Tôi thấy vị thế của ông Trương Tấn Sang vẫn cao một cách ổn định, còn vị thế của ông Nguyễn Tấn Dũng đã có sự cải thiện tương đối rõ rệt. Vị trí của ông Nguyễn Sinh Hùng, tôi thấy đáng chú ý là tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp tăng lên và đạt đến mức 10%, đấy cũng là một sự thay đổi đáng chú ý."
" Với Đại hội Đảng"
Cũng hôm 15/11, khi được hỏi liên hệ giữa kết quả 'tín nhiệm' ở Quốc hội năm 2014 với 'lộ trình nhân sự' đặc biệt chuẩn bị cho các vị trí lãnh đạo cao cấp nhất trong Đảng và nhà nước, từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận nói:
"Cái này cũng là một bước, theo một nguồn tin mà tôi biết được, kỳ họp (Ban chấp hành) Trung ương (Đảng Cộng sản VN) cuối năm cũng sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm ở trong Đảng, mà đây cũng là lần đầu tiên bỏ phiếu tín nhiệm.
"Và sau đó theo quy trình, khoảng đầu năm thì chốt lại nhân sự, những người nào quá tuổi, những người nào tín nhiệm thấp, những người nào có vấn đề thế này, thế khác, thì lúc đó người ta mới định hình ra nhân sự của Đại hội Đảng sắp tới," nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội nói.
Còn theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nếu có việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Trung ương Đảng, thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hôm 15/11/2014 sẽ có 'giá trị tham khảo rất cao.'
Ông nói: "Như tôi được biết, Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp vào tháng 12 này và ở đấy cũng có một đợt bỏ phiếu tín nhiệm được dự kiến.
"Và nếu như việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Ban chấp hành Trung ương được thực hiện như là dự định, thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội lần này chắc chắn sẽ có giá trị tham khảo rất cao đối với kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương," nhà phân tích nói với BBC.
Cuộc lấy phiếu của Quốc hội Việt Nam lần này thăm dò tín nhiệm với 50 vị trí quan chức giữ các chức danh mà Quốc hội bầu, hay Hội đồng nhân dân bổ nhiệm.
Trong số quan chức có mức phiếu tín nhiệm cao nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội. Bà có 390 phiếu tín nhiệm cao, 86 phiếu tín nhiệm và chỉ có 9 phiếu tín nhiệm thấp. Trong lần đánh giá tín nhiệm trước, bà cũng đứng đầu về các tỷ lệ thăm dò tín nhiệm.
Trong số có mức tín nhiệm thấp nhất là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà nhận được 97 phiếu tín nhiệm cao, 192 phiếu tín nhiệm và có tới 192 phiếu tín nhiệm thấp. Lần lấy phiếu năm 2013, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có mức phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong số những người được đánh giá.
***
CHỜ GÌ TỪ PHIẾU TÍN NHIỆM ?
Bài của  ĐINH DUY HÒA/VNN/Quechoa 17/11/2014
 Mức độ tín nhiệm cao chính là sự ghi nhận, động viên to lớn đối với những chức danh lãnh đạo cụ thể. Anh là tư lệnh ngành, có nhiều nỗ lực, quyết đoán, mang lại kết quả rõ rệt thì anh xứng đáng được tín nhiệm cao.
Quốc hội đã xong việc lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả đã được công bố. Quốc hội nói đây là việc tốt, đầy trách nhiệm, kết quả là khách quan và công bằng. Báo chí cũng đồng điệu. Với việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, chí ít thì đã sáng ra mấy việc.
Một là, cho dù còn mới và khá xa lạ với hệ thống chính trị - nhà nước Việt Nam, việc lấy phiếu tín nhiệm lần hai này đã dần khẳng định tính hợp lý và sự cần thiết của nó.
Trước khi có lần hai, đã có ý kiến nên chăng thôi. Tuy nhiên, mặt nổi trội, tính tích cực của lấy phiếu tín nhiệm đã thắng thế. Ít nhất là thêm một bước, thêm một kênh trong đánh giá cán bộ và như vậy rõ ràng là dân chủ hơn trong hệ thống chính trị Việt Nam. Sâu xa hơn, đó là Quốc hội thực hiện việc này mà qua đó là biểu hiện rất cụ thể của việc kiểm soát lẫn nhau trong thực thi ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đã được hiến định. Quốc hội thực thi việc kiểm soát đối với tư pháp và hành pháp thông qua thể hiện mức độ tín nhiệm của mình đối với các chức danh lãnh đạo hai ngành này do mình bầu hoặc phê chuẩn.
 Hai là và đây là điều đáng tiếc, đáng ra việc lấy phiếu tín nhiệm kiểu này phải trở thành một chế định trong Hiến pháp. Không hiến định thì vẫn làm được, nhưng biết đâu nay mai lại bảo thôi mà thôi là được chính vì không phải là chế định trong Hiến pháp.
Ba là, mức độ tín nhiệm cao chính là sự ghi nhận, động viên to lớn đối với những chức danh lãnh đạo cụ thể. Anh là tư lệnh ngành, có nhiều nỗ lực, quyết đoán, sâu sát công việc của ngành, mang lại những kết quả rõ rệt thì anh xứng đáng được tín nhiệm cao. Bộ trưởng Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước …là những minh chứng rõ rệt qua lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua.
Bốn là, mức độ tín nhiệm thấp là sự cảnh báo đối với những chức danh con người cụ thể, đặc biệt với những ai hai lần đều ở mức tín nhiệm thấp rất cao qua hai lần lấy phiếu. Tư lệnh các ngành y tế, văn hóa, nội vụ và giáo dục đang đứng trước áp lực và thách thức rất lớn làm thế nào cải thiện được mức độ tín nhiệm vào kỳ lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo.
Năm là, và cái thứ năm này mới có ý nghĩa to lớn trong hệ thống chính trị nước ta. Đó là mức độ tín nhiệm tác động không nhỏ tới việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội tới của Đảng. Tất nhiên, chuẩn bị nhân sự cao cấp trong bộ máy của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…có nhiều tiêu chí chi phối. Chế định phiếu tín nhiệm trong Quốc hội sẽ dần trở thành và cũng cần phải trở thành “chế định" trong công tác cán bộ của Đảng.
Sáu là, có vẻ như người dân quan tâm nhiều hơn tới kết quả tín nhiệm của các chức danh trong Chính phủ. Nếu thế thì cũng là hợp lý, vì chính người dân bị chi phối mạnh bởi những quyết sách, hành động của những vị tư lệnh các ngành giao thông, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, lao động và nội vụ… Mức độ tín nhiệm của các chức danh này cũng như sự quan tâm thực sự của dân chúng đối với các ngành này cần phải được chú ý nhiều hơn trong thời gian tới.
Người dân không thể mãi bằng lòng với kiểu cho rằng đây là những ngành khó, phức tạp, đụng chạm tới dân, doanh nghiệp, rằng các ngành này do lịch sử để lại rất nhiều vấn đề nan giải, không thể nhanh chóng khắc phục được ngay, để rồi phải bằng lòng với mức độ tín nhiệm thấp của các vị tư lệnh và cũng là bằng lòng với những trì trệ, chậm đổi mới, cải cách tác động tiêu cực tới đời sống người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét