Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

20141115. BÀN VỀ NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN 
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB Nguyen Tuan /Quechoa 14/11/2014
***
Những gì các ông như Trần Quốc Hải (Tây Ninh), Bùi Hiển (Bình Dương), Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) làm không phải là "nghiên cứu" hiểu theo nghĩa sáng tạo ra tri thức mới. Nhưng họ có tìm đọc tài liệu, nghiền ngẫm trước khi bắt tay vào chế mấy cái máy, kể cả trực thăng. Những việc tìm tài liệu và nghiền ngẫm có thể xem là research.

Thật sự, tôi nghĩ những gì họ làm được có thể nói theo Tây là "development". Có thể họ chẳng hiểu biết gì về cơ học, toán học, nhưng họ làm theo kiểu trial-and-error, cho đến khi được việc.


Toyota ngày xưa cũng làm như thế. Honda cũng làm như thế. Cách làm trial-and-error đó cũng thường là cách làm của nhà khoa học. Chỉ khác cái là họ không có bằng cấp và làm ở nhà, còn mấy người kia thì có bằng cấp và làm trong lab. Một cái khác nữa là mấy ông nông dân làm thành sản phẩm, còn mấy ông sư sĩ thì không làm thành sản phẩm. 

Tôi nghĩ công chúng bất bình là tại sao VN có quá nhiều giáo sư tiến sĩ mà không có thành tựu gì đáng chú ý. Thật ra thì có đấy (như máy bay không người lái mà báo chí nhại là giống đồ chơi), nhưng mấy thứ họ làm ra chẳng giúp gì cho các bác nông dân và tiểu thương, nên người ta nghĩ: Việc nhỏ mà còn không làm được thì nói chuyện lớn hơn ai dám tin? Thật ra, ngay cả cái máy bay không người lái đó và cả cái VAM-1 và VAM-2 cũng chỉ là lấp ráp từ các bộ phận mua từ nước ngoài. Nhìn như thế thì các sư sĩ VN còn kém hơn các bác Hai Lúa một bậc, bởi vì các bác Hai Lúa ấy tự mình làm và làm từ đầu. Thật ra, nói cho công bằng, bảo mấy bác sư sĩ cầm cái cây hàn gas hay hàn điện đã là quá khả năng của họ rồi! 

Năm ngoái khi đi dự hội nghị bên Paris, tôi yêu cầu được đi xem cái lab khởi đầu của ông Servier (chủ tịch tập đoàn dược toàn cầu Servier) ở Orléan. Khi đến nơi, tôi thấy công ti duy trì cái nhà của ông rất tốt. Cái shed sau nhà của ông cũng chính là lab đầu tiên của ông. Khỏi nói ra, chúng ta cũng biết nó rất đơn sơ và chẳng có gì là tinh vi cả. Ông bắt đầu sự nghiệp như thế, chẳng ai cấm ông không được bào chế hay làm thử nghiệm. Thật ra, một trong những sứ mệnh của Nhà nước là tạo điều kiện và hỗ trợ cho các sáng kiến của người dân, chứ đâu có Nhà nước nào hành tinh này viết trên văn bản là "Thôi, anh đừng sáng chế nữa". 

Thật ra, đối với dân kĩ nghệ và sáng chế thì họ chẳng cần công bố quốc tế. Họ có ý tưởng và làm ra sản phẩm rồi mới đăng kí bằng sáng chế. Có khi sản phẩm chưa hoàn chỉnh, người ta vẫn đăng kí bằng sáng chế mà chẳng cần công bố quốc tế gì cả. Đối với họ, sản phẩm dùng được trong thực tế là ok, và đó là tiêu chí thành công của họ. Khi người dân cần máy gặt lúa, họ làm ra máy gặt lúa và tăng năng suất lao động, và thế là họ đã thành công. 

Còn nghiên cứu ư? Các bác sư sĩ ngành hàng không đã nghiên cứu gì, đóng góp vào tri thức thế giới ra sao, công bố ở đâu, thì vẫn là những câu hỏi kinh điển. Nói tóm lại, họ chẳng làm nghiên cứu và cũng chẳng có development đúng nghĩa. Vậy thì xin làm ơn đừng khoe mấy cái nhãn "GS TS" ra vì nó chối mắt, chối tai quá, và xấu hổ quá. Thú thật, mỗi lần tôi thấy cái nhãn đó của những người xuất hiện như là chuyên gia để bình luận công trình của người khác là tôi cảm thấy … vomit. Những gì các ông Hai Lúa làm có thể không được xem là nghiên cứu đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là có tính innovative (cách tân), chắc chắn innovative hơn các bác sư sĩ. Hiện nay, VN cần ưu tiên cho innovation hơn là cho những dự án viễn vông.

***
BÀN VỀ SÁNG CHẾ 

Bài của NGUYỄN VĂN TUẤN / FB Nguyen Tuan/ Quechoa 14/11/2014

***
  
Tôi mới thấy trên VietnamPlus có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KHCN về sáng chế (1) và có vài lấn cấn. Theo cách hiểu của ông thì "sáng chế" có nghĩa là những sản phẩm hoàn toàn mới chưa ai sáng chế hay phát minh trước đây. Ông lấy ví dụ những sáng kiến cải tiến máy móc của nông dân không thể xem là sáng chế vì đã có "người sáng chế, phát minh từ nhiều thập kỷ". Tôi sợ là cách hiểu này không đúng với thực tế của hai chữ "sáng chế".

Theo USPTO (cơ quan của Mĩ đăng kí bằng sáng chế toàn cầu) thì có 3 loại sáng chế có thể đăng kí bản quyền: sáng chế mang tính hữu dụng, sáng chế mang tính thiết kế, và thậm chí cây trồng. Một sáng chế phải mang tính hữu dụng, hiểu theo nghĩa đem lại lợi ích thực tế. Lớn thì có thể kể những phương pháp trong công nghệ di truyền hoặc dây chuyền sản xuất xe, nhỏ thì rất nhiều, kể cả làm ra hộp quẹt lửa, cục tẩy mực, một cây kìm, xà bông, lọ đựng thuốc, chai nước, thậm chí cái nắp lọ thuốc, tất cả đều xem là sáng chế, và có thể đăng kí bản quyền.

Sáng chế không có nghĩa là làm ra một cái gì hoàn toàn mới, mà có thể là cải tiến từ những cái đã làm. Dĩ nhiên, nó phải mới, nhưng không có nghĩa là mới hoàn toàn. Ví dụ tiêu biểu và tôi tâm đắc nhất là cái nắp lọ thuốc, trước đây đã có người làm. Nhưng đến khi một nhà sáng chế gốc Việt nghĩ ra cách làm cái nắp đó an toàn hơn để cho trẻ em không mở được, và ông [xứng đáng] đã được cấp bằng sáng chế. Một ví dụ khác là cái nắp chai nước mắm có người (hình như là Thái Lan) sáng chế ra cái nắp sao cho nước mắm xịt ra mà không dính chung quanh chai. Đó cũng là một sáng chế và được đăng kí đàng hoàng.

Do đó, lợi ích của sáng chế không hẳn là cái gì rất lớn lao như công nghệ di truyền (thực ra, khi đã biết thì nó cũng chẳng có gì ghê gớm), mà có thể bao gồm nhiều cái ích có thể xem là "trivial" (tầm thường)! Viết software cũng có thể là một sáng chế. Một ví dụ tiêu biểu là cái flappy bird của anh Nguyễn Hà Đông cũng là một sáng chế (nhưng tôi không rõ anh ấy đã đăng kí bằng sáng chế). Làm ra máy nội soi, có thể là chưa tinh vi như Tây nhưng khác Tây, nhưng dùng được và có ích cũng có thể xem là sáng chế. Dùng điện thoại di động để kích hoạt từ xa cái máy bơm nước chẳng hạn cũng là sáng chế.

Có thể khi nghe qua nguyên lí của các sáng chế đó, có thể có người sẽ bĩu môi nói "vậy mà cũng gọi là sáng chế". Nhưng sự thật là họ đã nghĩ ra trước mình, và không chỉ nghĩ ra, họ còn làm được. Còn bĩu môi chê SAU KHI đã biết thì đâu có gì hay ho.

Tôi nghĩ đến việc chế tạo máy gặt lúa của mấy ông nông dân. Có thể ở Nhật hay vài nơi khác, người ta đã sản xuất máy gặt lúa. Nhưng nếu ông nông dân nghĩ ra cách làm khác, cũng gặt lúa nhưng gặt nhanh hơn, phù hợp hơn với điều kiện địa phương, thì rõ ràng đó là một sáng chế.

Do đó, khác với ông Bộ trưởng (khi ông nói "Trong số hoạt động khoa học công nghệ của bà con nông dân […] có một số sản phẩm của người nông dân mặc dù có tính mới, áp dụng được, nhưng để gọi là sáng chế thì chưa thật chính xác"), tôi thì nghĩ đó là sáng chế theo định nghĩa của USPTO.

Trong bài phỏng vấn ông còn nói một ý mà theo tôi là không hẳn đúng. Ông nói rằng "Thực tế, ở các quốc gia phát triển hơn chúng ta hiện nay cũng không dám nghĩ đến việc tự chế tạo tàu ngầm và máy bay. Đây là những phương tiện kỹ thuật đòi hỏi trình độ công nghệ cũng như đòi hỏi an toàn cho con người rất cao. Vì thế chúng ta rất dễ thấy cả thế giới đều dùng Boeing và Airbus thay vì mỗi quốc gia đều chế tạo thương hiệu máy bay cho chính mình. Và trên thế giới cũng chỉ có một số quốc gia chế tạo, xuất khẩu tàu ngầm." Đúng là trên thế giới chỉ có vài nước sản xuất tàu ngầm và máy bay, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các nước khác không nên suy nghĩ đến việc làm máy bay. Trong thực tế, Brazil sản xuất máy bay loại jet hiệu Embraer (tôi từng đi máy bay này của hãng United, và ngạc nhiên khi biết nó do Ba Tây sản xuất). Canada cũng làm máy bay dân dụng (và quân sự). Úc cũng làm tàu ngầm. Thuỵ Điển coi nhỏ như thế mà họ làm máy bay quân sự và cả tàu ngầm.

Tôi thì theo quan điểm "open" với sáng chế. Theo quan điểm này, nếu người mình nghĩ ra cách làm hay cải tiến máy móc cho nó tốt hơn, kể cả máy bay hay tàu ngầm rẻ tiền hơn thì cũng nên khuyến khích họ làm chứ không nên cấm (còn đầu tư hay không là chuyện khác). Tôi từng tự hỏi tại sao người mình ở trong nước thì chẳng có bao nhiêu ngườii đăng kí bằng sáng chế, nhưng khi họ ra ngoài thì có nhiều người có cả chục bằng sáng chế. Hoá ra, câu trả lời là người ta ở nước ngoài hiểu "sáng chế" khác với cách hiểu của Việt Nam.

====

NGHI ÁN "HOA HỒNG" VÀ ĐẠI TƯỚNG QUÂN XỨ NGƯỜI
Bài Của KỲ DUYÊN trên VNN/Quechoa15/11/2014
***
Cả hai vụ có “yếu tố nước ngoài”, dù xấu tốt, hay dở khác hẳn nhau, nhưng đều cho thấy tư duy quản lý, nền quản trị quốc gia từ vĩ mô tới vi mô của nước Việt đang phải “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?”

Chọn dòng tư duy văn minh, văn hóa mềm dẻo, thực tiễn của nhân loại hay… ngược lại.

I-Nổi bật trong tuần có hai vụ việc, một dở, một hay, đều liên quan đến “yếu tố nước ngoài”, đều gây sốc, nhưng dư âm của nó, như tên gọi một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xa xưa thuở nào, thì đều rất… đáng buồn

Xin nói về chuyện dở trước.

Đó là nghi án “hoa hồng” của công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ y khoa Bio-Rad Laboratories (gọi tắt là Bio-Rad) ở bang California (Mỹ).

Hoa hồng vốn thơm và rất đẹp. Còn ở trường hợp này, “hoa hồng” là thứ hoa rất xấu. Mùi của nó chỉ nói lên nhân cách tồi tệ của cả hai bên, bên nhận- bên cho.

 Hoa hồng của công ty Bio- Rad được “tặng” cho ba quốc gia, trong đó, VN là một. Và giá trị hoa hồng không nhỏ- 2,2 triệu USD cho các quan chức ngành y tế VN, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010. Đổi lại, Bio-Rad ký kết được hợp đồng ở VN với doanh số 23,7 triệu USD, gấp hơn chục lần.

Trát lệnh đăng trên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (Mỹ) đã cho thấy con đường gieo trồng “hoa hồng” cho một số quan chức y tế VN của công ty này tinh vi, già đời thế nào.

Từ năm 2005 đến cuối năm 2009, Bio-Rad duy trì một văn phòng đại diện ở VN. Theo chỉ đạo của giám đốc văn phòng đại diện, các nhân viên bán hàng của công ty đã “chi tiền mặt cho lãnh đạo các bệnh viện và phòng thí nghiệm tại Việt Nam để họ ký hợp đồng mua các sản phẩm của Bio-Rad” (Tuổi trẻ, ngày 07/11). Với quan niệm của vị GĐ văn phòng đại diện “đưahối lộ là lệ thường ở VN”. Cũng theo sổ sách của công ty, tiền hối lộ được gọi là tiền hoa hồng, chi phí quảng cáo và chi phí huấn luyện.

Đúng là “lệ thường”. Đến người Mỹ cũng hiểu sâu sắc đặc tính người VN đến thế.

Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Thiết bị y tế của Bio- Rad. Ảnh: VTC
***
Và cái nhân danh chi phí quảng cáo, chi phí huấn luyện cũng thật là khôn khéo, vì rất ít ai nghĩ rằng đó chính là tiền hối lộ. Nhưng chắc chắn nó là lạt mềm buộc chặt với những ai ai và đem lại mối lợi không nhỏ cho Bio- Rad?

Có điều ở nước Mỹ, với nền quản trị quốc gia khoa học, luật pháp chặt chẽ của họ, thì cái lạt mềm buộc chặt này bị bung ra không thương tiếc. Mới đây, Bio- Rad phải nộp 55 triệu USD để được miễn truy tố hình sự.

Còn với nước Việt, vụ việc này không phải vụ hối lộ có “yếu tố nước ngoài” đầu tiên.

Nếu tính theo những vụ lớn, nổi tiếng, đến nay, tạm thống kê được mấy vụ “có máu mặt”:  Đó là vụ hối lộ của Công ty PCI- Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Nhật Bản), với một số quan chức Ban Quản lý dự án PMU tại t/p HCM, điển hình là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên là GĐ Ban Quản lý PMU Đông- Tây.

Gần đây nhất là vụ Nhật Bản xét xử các quan chức nước này phạm tội hối lộ quan chức 03 quốc gia trong đó có VN, để giành được các dự án đường sắt sử dụng nguồn vốn ODA của CP Nhật Bản. Các bị cáo đã khai nộp khoảng 70 triệu yên (640.000 USD) cho 03 quan chức cấp cao của công ty Đường sắt VN, từ 2009 đến 2014.

Và nay, đến vụ công ty Bio- Rad.

Khỏi phải nói sự phản ứng tích cực của ngành y tế trước vụ việc động trời này. Ngay lập tức, Bộ Y tế có công văn đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc điều tra xem xét. Bản thân Bộ cũng thành lập một tổ công tác đặc biệt do một Thứ trưởng phụ trách điều tra, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các trang thiết bị, hóa chất, thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế do công ty này sản xuất, lưu hành và sử dụng tại VN từ 2005-2009.

Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy, có 06 công ty và 08 bệnh viện lớn “dính líu” tới việc mua sắm thiết bị, sản phẩm của công ty này. Tuy nhiên, trong 06 công ty đó, chưa một công ty nào chủ động báo cáo về việc mua sắm các thiết bị, hóa chất, thuốc men. Mọi việc điều tra, tìm kiếm thông tin, chứng cứ vẫn đang còn tiếp tục, và chưa thể có kết luận gì rõ ràng.

Dù vậy, có rất nhiều điểm rõ ràng cần được đặt ra ở các vụ việc hối lộ, tham nhũng mang yếu tố nước ngoài, từ trước tới nay, trong đó có vụ Bio- Rad.

Vì sao tất cả các vụ tham nhũng, ăn hối lộ của người Việt có yếu tố nước ngoài đều bị phát hiện ở … ngoài nước Việt? Để đến khi vỡ lở trên thông tin quốc tế, nổi tiếng khắp cõi hồng trần, các cơ quan, các ngành chức năng nước Việt mới “chạy theo”, “ăn theo” điều tra, tìm chứng cứ?

Ở cả 03 vụ tham nhũng, ăn hối lộ trước đây, trừ vụ PCI đã đưa ra ánh sáng chứng cứ ăn hối lộ của một số quan chức Việt, còn lại  dự án liên quan đến đường sắt VN, rút cục lửng lơ, không tìm ra kẻ phạm tội. 

Điều đó vô tình tạo ra một tiền lệ tâm lý rất xấu cho những kẻ tham nhũng rắn mặt rằng, ngay cả khi vụ việc bị bại lộ, cũng chắc gì đã tìm ra được nhân chứng, vật chứng? Thế nên ta cứ nhận (hối lộ) nhưng ta không sợ nhé (xin mượn ý thơ của Hồ Dzếnh). Không phải vô lý khi báo Lao động, ngày 08/11 có bài viết nhan đề: “Những vụ hối lộ được điều tra một nửa”. Vì, một nửa còn núp bóng đêm đen. 

Đó là vì “có những trường hợp, kẻ đưa hối lộ đã nhận tội nhưng… không có kẻ nhận hối lộ”. Tài thế! Chả lẽ những kẻ đưa hối lộ xứ người mắc bệnh hoang tưởng?

Nhưng nguyên nhân căn cốt nhất của cả hai hiện tượng trên nằm ở chính cơ chế quản lý của nước Việt. Đó là “văn hóa tiền mặt” vẫn là dòng chủ lưu chính trong đời sống giao thương, trong các dịch vụ dân sự. Chính “văn hóa tiền mặt” là vật cản khủng cho công cuộc phòng, chống quốc nạn tham nhũng. Bởi cơ quan chức năng không hề nắm được nguồn gốc của đồng tiền chính trực hay bất chính, lấy đâu cơ sở thực tiễn để điều tra? 

Cái mà lâu nay gọi là công khai minh bạch tài sản, thực chất chỉ là kê khai tài sản của đối tượng, dựa trên “của nổi” không che giấu được, và hoàn toàn không bạch hóa được nguồn gốc của những “của nổi” kia, chưa nói đến “của chìm”.

Vì thế, sự công khai chỉ là nửa vời, và bản chất của sự công khai đó vẫn không hề… minh bạch. Một nửa bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không còn là sự thật. Liệu có ai tin được một vị đại úy công an, sinh năm 1981, con ông cựu Chánh TTCP lại là chủ sở hữu thực chất của 08 sổ đỏ?

Chính vì thế, một khi “văn hóa tiền mặt” còn được ưa chuộng, thì việc kê khai tài sản chỉ là một giải pháp mang tính hình thức. Thì các vụ tham nhũng trong nước cho đến những vụ tham nhũng mang yếu tố nước ngoài còn là phép tính hóc búa không có lời giải, bởi thiếu hẳn một dữ kiện cần thiết nhất để lôi ra nửa sự thật còn lại.
                                                     ***********************
II- Còn đây là chuyện hay.

Báo chí nước Việt mới đây xôn xao vì một thông tin bất ngờ mà nóng sốt: “Hai nông dân Việt được nhà nước Campuchia trao tặng huân chương Đại tướng quân” (Một thế giới ,ngày 10/11). Đó là hai cha con ông Trần Quốc Hải (Tân Châu, Tây Ninh) và con trai ông, Trần Quốc Thanh. Cùng với huân chương Đại tướng quân, Quốc vương Campuchia cũng cấp giấy chứng nhận cha con ông Hải là những nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước Chùa Tháp.
***
Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Ông Trần Quốc Hải nhận huân chương đại tướng quân. Ảnh: Motthegioi
***
Nhưng sau nỗi mừng vui cho hai cha con người nông dân, nay là những nhà kỹ thuật được nước người công nhận, là nỗi buồn đầy day dứt.

Vì sao họ lại nổi danh, và được vinh danh ở xứ người, mà không phải ở nước Việt mình? Như nhiều trường hợp người tài khác.

Vì tên tuổi ông Trần Quốc Hải không hề xa lạ với người nông dân Tây Ninh, cũng không xa lạ với giới truyền thông nước Việt. Nhiều năm trước đây ông nổi danh và có duyên với những cải tiến kỹ thuật phục vụ cho nhà nông, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Có thể kể đến những sáng chế, cải tiến kỹ thuật của ông như rơ mooc tự hành, giàn cày cải tiến, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy giặt mủ cao su, máy trồng mì (sắn)…

Nói không ngoa, ông Trần Quốc Hải cũng là một… cái máy cái chế tạo, sinh nở nhiều loại máy nông nghiệp. Điều thú vị, những chiếc máy sáng chế của ông, vừa giảm chi phí, hiệu suất lao động cao, lại rất phù hợp với mặt bằng môi trường lao động ở nông thôn VN.

Khát vọng lớn ở người nông dân ham tìm tòi kỹ thuật này đã đưa ông đến với những cánh bay tự chế. Chiếc máy bay, tuy chưa thành công- nhưng cũng đã khiến ông … thành nhân, khi dân gian trìu mến đặt cho ông cái tên nhà khoa học “Hai Lúa” Trần Quốc Khải. Đủ thấy khát vọng sáng tạo của người nông dân Trần Quốc Khải chưa bao giờ có điểm dừng.

Chỉ có điều, rất có thể những ham mê chế tạo đó mãi mãi ở góc trời miền đông Nam Bộ mà thôi, nếu không có một cơ may bất ngờ. Cơ may đó đưa tên tuổi ông vượt qua lũy tre làng, vượt qua biên giới nước Việt và rạng rỡ ở ngay một quốc gia đang có những bước đi lên đáng chú ý- Campuchia. 

Từ người nông dân đến một Đại tướng quân, là khoảng cách của niềm say mê học hỏi và sáng tạo vô hạn.

Cơ may đó bắt đầu từ sự run rủi thường tình. Qua nước bạn để hỗ trợ kỹ thuật máy trồng mì tại lữ đoàn 70, số phận lại đưa ông đến chỗ tự bỏ tiền túi 25000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên xô cũ sản xuất), cho quân đội CPC. Từ chiếc xe đầu tiên được ông sửa, vận hành giảm bớt nhiên liệu chỉ bằng một phần hai, các chức năng hoạt động lại mạnh hơn trước, ông đã sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác, và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn (Tuổi trẻ, 10/11).

Sản phẩm chế tạo mới đó khỏi nói, gây chấn động thế nào với nước Việt quê hương. Ông không phải người đầu tiên thành công trên xứ người. Có hàng nghìn người Việt thành đạt trên xứ người, thậm chí lừng lẫy tên tuổi. Nhưng sự thành công của ông nó đặc thù quá, khác người quá. Bởi ông xuất thân chỉ là người nông dân.

Thế nhưng, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Trần Quốc Khải đã nói một câu, cũng rất đặc thù nước Việt: Ở xứ ta, mình chưa làm đã bị đặt câu hỏi: Anh có học không mà đòi làm. Nói thật, làm khoa học ở xứ mình buồn lắm!

Trước đó dư luận xã hội cũng đã xôn xao câu chuyện của ông Phan Bội Trân- (hậu duệ của nhà CM Phan Bội Châu) xuất khẩu 05 chiếc tàu lặn mini phục vụ du lịch sang Malaysia. Sau 05 chiếc đầu tiên này, 25 chiếc tàu lặn mini nữa sẽ được ông ký kết, và sản xuất, lắp ráp trực tiếp tại Malaysia.

Cả hai ông khi trả lời báo Một thế giới, ngày 12/11, đều buồn bã: Xuất ngoại là việc chẳng đặng đừng. Nhưng không có cách nào khác!

Nói cho công bằng, khái niệm làm khoa học của ông Trần Quốc Hải chưa chuẩn xác lắm. Bản chất những công việc của ông là công việc của một nhà kỹ thuật, có những sáng kiến cải tiến, thậm chí có những chế tạo. Nhưng sự thờ ở của những người có trách nhiệm, nỗi buồn của hai ông Phan Bội Trân, Trần Quốc Hải, và nhất là câu trả lời khiến ông Trần Quốc Hải cay đắng mãi- Anh chế (tạo) rất là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa, vô tình, đụng chạm đến những vấn đề bản chất nhất này:
***
Nghi án, hoa hồng, Đại tướng quân, xứ người, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, hối lộ
Xe bọc thép mới do cha con ông Hải chế tạo. Ảnh: TTO
***
Xã hội nước Việt tuy rất hiếu học, trọng đạo học, nhưng ở góc độ khác, cũng là xã hội “hư học” (chữ của GS Hoàng Tụy), rất trọng “hư danh”. Từ xa xưa, người Việt đi học để làm quan, chứ chưa bao giờ học để… làm (việc). Bằng cấp, tự lúc nào như một tiêu chí  học vấn để tuyển dụng, đề bạt, thăng cấp. Điều đó không dở, nhưng nó trở thành sự “lập lờ đánh lận trắng đen” các giá trị thật, ảo trong thời buổi mua bằng, bán cấp dễ dàng. 

Cái tư duy trọng bằng cấp, trọng hư danh nghiễm nhiên tạo cho người Việt một tâm lý định kiến rạch ròi: Nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế như một đặc ân, đặc tính của những người có học vấn, có bằng cấp, học vị nhất định, chứ không phải của những người nông dân chân đất.

Mặt khác, đời sống sinh hoạt dân chủ, và tâm lý xã hội tôn trọng sự khác biệt là điều mà nước Việt đang phải xóa đi khoảng cách còn rất… dài hiện nay. Trong cái khoảng cách đó, hiện tượng khác biệt của Phan Bội Trân, của Trần Quốc Khải đương nhiên khó có đất để nảy nở và phát triển, nếu không có cơ may tìm cách nương xứ người. Người viết bỗng nhớ đến cậu bé Đỗ Nhật Nam tài năng, dịch giả nhỏ tuổi nhất hiện nay, khi mới xuất hiện, đã phải hứng chịu biết bao “đá ảo” của dư luận. Đến nỗi một nhà báo từng viết bài thốt lên: Thiên tài sẽ không xuất hiện ở VN. Ai cho họ xuất hiện?

Cái câu hỏi ai cho họ xuất hiện còn bắt nguồn cả từ sự rắc rối của những quy định, những thủ tục hành chính nặng nề, nhiêu khê, tư duy quản lý kiểu hành chính, công chức, máy móc của những ngành chức năng có thẩm quyền trước những cái mới nảy sinh trong nghiên cứu, chế tạo. Vô hình chung, nó là cánh cửa “vũ môn” vô cùng nhỏ hẹp, mà chắc chắn những chế tạo của người như ông Trần Quốc Khải rất khó… hóa rồng.

Không biết sau những sự kiện ở nước người, nước Việt có sự thay đổi trong cách nhìn nhận, trong chính sách với những tài năng sáng tạo như ông Phan Bội Trân, ông Trần Quốc Hải, và như của bao nhà khoa học chân đất khác hay không? Trong khi những nghiên cứu khoa học sáng giá, những sáng chế có tầm vĩ mô của hàng nghìn tiến sĩ, nhà khoa học được đào tạo bài bản lại quá… hẻo!

Cả hai vụ có “yếu tố nước ngoài”, dù xấu tốt, hay dở khác hẳn nhau, nhưng dư âm của nó đều cho thấy một điều- tư duy quản lý, nền quản trị quốc gia từ vĩ mô tới vi mô của nước Việt đang phải Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi? 

Vâng. Chọn dòng tư duy văn minh, văn hóa mềm dẻo, thực tiễn của nhân loại hay… ngược lại.


CHUYỆN VUI  NHƯNG KHÔNG THỂ CƯỜI
 
Bài của TÔ VĂN TRƯỜNG trên Quechoa 16/11/2014
 
***
Ở Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều “Hai lúa”.  Hai lúa thần đèn di chuyển nhà, Hai lúa chế tạo máy công cụ nông nghiệp, Hai lúa sản xuất giống, Hai lúa lò đốt rác, Hai lúa máy bay, Hai lúa tàu ngầm, nay lại thêm Hai lúa xe bọc thép. Mà lần này sản phẩm của Hai lúa xe bọc thép được quân đội Campuchia đặt hàng và ông Hai lúa Trần Quốc Hải thành công vượt trội đến mức được Nhà nước Campuchia tặng thưởng huân chương đại tướng quân kèm theo là biệt thự, và xe ô tô khi  ở  tại thủ đô Pnompenh. Đây là điều trên cả tuyệt vời.
 Tôi nhớ có lần cùng ông Võ Văn Kiệt đi khảo sát thực tế ở bán đảo Cà Mau khi ngồi trên chiếc thuyền dưới có đường ray và tời kéo của Hai lúa để vượt qua đê của con kênh, ông Kiệt rất tâm đắc về sáng kiến của người nông dân gọi họ là kỹ sư chân đất và kể ra hàng loạt các sáng kiến của Anh Hai lúa rất đáng nể.
Buổi tối ngày 7/11 vừa qua, tôi có dịp gặp trò truyện với ông Saysovin tùy viên quân sự đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, ông Trinkeo trợ lý và đặc biệt là sự có mặt của đại tướng Yinsaran. Chúng tôi chia sẻ quan điểm về việc khai thác hiệu quả nguồn nước sông Mekong, tác động của các đập thủy điện Xayrabury và Sahong đến Campuchia và Việt Nam, ứng xử với phe đối lập của chính quyền Campuchia vv...Ngẫm suy, tôi hiểu vì sao Campuchia lại có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế xã hội đến thế.
Trở lại vấn đề khi nghe tin ông Trần Quốc Hải chế tạo thành công xe bọc thép ở Campuchia cảm giác chung của nhiều người là thú vị, ngạc nhiên, phấn khởi, tự hào nhưng cũng buồn, xấu hổ và chua xót. Xem ra, đây là những cảm giác trái ngược nhau nhưng lại có thật trong mỗi chúng ta, những người đang mong đợi hàng ngày những đóng góp của giới trí thức, khoa học nước nhà cho sự phát triển của đất nước. Nhất là khi đối chiếu những người có bằng cấp cao giữa Việt Nam với ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tình trạng học giả, bằng thật, học giả, bằng giả, thừa thày, thiếu thợ, mua quan bán chức dẫn đến tình trạng đáng hổ thẹn là ngay cả từ cái kim, con ốc theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa làm được. Vậy mà chỉ còn 6 năm nữa, chúng ta phải cơ bản trở thành “nước công nghiệp” một danh hiệu mà chúng ta tự đặt ra rồi tự phấn đấu trong cuộc đua maratong chỉ có một mình!
Tuy nhiên, cũng không ít các nhà khoa học có năng lực, muốn cống hiến cho đất nước nhưng  thay vì tâp trung trí tuệ, sức lực cho công việc chuyên môn thì phải vật vã,  đối phó với các thủ tục tài chính rất nhiêu khê, phiền toái đến nỗi có số nơi phải họp Đảng ủy, Ban giám đốc Viện để ra nghị quyết ‘nói dối” (Phát biểu của GSTS  Phạm Văn Biên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam).
Đúng là Việt Nam có nhiều điều kì dị.  Lỗi ở hệ thống, lỗi lãnh đạo, cơ chế chính sách  là đương nhiên, nhưng cũng có lỗi của các nhà khoa học liên quan. Hai lúa là những nhà khoa học chân đất, dù không được đào tạo bài bản nhưng thường có những ý tưởng hay xuất phát từ thực tế.  Họ không có điều kiện để biến ý tưởng của mình thành hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học có cơ sở lý luận. Lẽ ra, các cơ quan có trách nhiệm và các nhà khoa học liên quan cần xúm lại, liên kết giúp Hai lúa những người “hữu thực vô danh”, thẩm định và hoàn thiện các ý tưởng  thành đề tài khoa học  thay vì chê bai, gạt bỏ.
Cái quyền có trí tuệ (sở hữu trí tuệ) cũng luôn nằm gọn trong phạm trù dân chủ của mỗi người dân. Có nghĩa là không được quy định rằng ai hoặc giới nào trong xã hội thì mới được quyền có trí tuệ . Vậy nên, mới có những chuyện trái khoáy, rất “cường hào” “bắt bẻ”“hoạnh họe”“hạch sách”“vùi dập” và thậm chí còn lên giọng cao ngạo, mắng mỏ những anh Hai Lúa .
Albert Einstein cũng đã từng nói : “Imagination is more important than knowledge” – sự sáng tạo chính là cốt lõi của ý nghĩa đó . WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế) không bao giờ quan tâm tới gốc gác và trình độ của các tác giả sáng chế .
  1. Edison là người giữ kỷ lục về số bằng sáng chế của nhân loại nhưng ít ai chú ý tới chi tiết là cuối đời ông ta đã có đầy đủ cơ xưởng, phòng thí nghiệm với cả ngàn nhân viên thực nghiệm .Thực nghiệm là yếu tố sống còn của sự sáng tạo .Nếu không được thực nghiệm mà chỉ có cái đầu thôi thì vô nghĩa – hoặc có nghĩa là  cái “đầu lâu” !
Rất cần Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, “đại gia” thành lập quỹ mạo hiểm rủi ro để hỗ trợ, giúp đỡ các Hai lúa có ý tưởng hay được thực thi các nghiên cứu vì sự phát triển của đất nước. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan công quyền và nghiên cứu khoa học, đi đôi với cơ chế thông thoáng để liên kết các nhà khoa học với ý tưởng của người nông dân.
Từ những câu chuyện của Hai lúa nhìn rộng hơn ra cả nước thấy rõ các “lỗ hổng” trong giáo dục buộc người ta phải mất thời gian và tâm trí vào những điều không phù hợp với nghề nghiệp. Việc sử dụng lao động trong bộ máy nhà nước có những quy định rất kỳ khôi và lạc hậu như thư ký ngồi nhận công văn ở công sở cũng phải có bằng đại học.
Sự mê man vô lối vào bằng cấp làm tràn lan xu hưởng ham hố bằng cấp, bằng giả, học giả, thậm chí  có cả khoa học gia giả, xâm nhập vào cả cơ quan lãnh đạo và quản lý. Lãnh đạo dốt thì không muốn và không thể dùng người giỏi cho nên hệ thống càng ngày càng xuống dốc cả về tài năng và phẩm chất. Thể chế thiếu dân chủ không ưa người nào có suy nghĩ và cách làm khác với nề nếp sơ cứng;  giả dối lên ngôi làm thui chột mọi sáng tạo; đồ giả nhiều nên đồ thật không có vị trí.
Việt Nam mới có Luật Khoa học công nghệ sửa đổi. Bộ Khoa học Công nghệ đã có nhiều nỗ lực cải tiến để hỗ trợ các nhà khoa học thực thi nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, đừng quên chúng ta phải làm gì đây để có thêm nhiều Hai lúa, để họ tự do, sáng tạo cống hiến trí tuệ và công sức của mình, không phải bươn trải đi làm ăn ở xứ người. Đúng là chúng ta đang chứng kiến rất nhiều điều kỳ cục ngay trên đất nước mình. Và đúng là khối chuyện vui,  nhưng không thể cười.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét