Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

20141105. XUNG QUANH THƯ NGỎ CỦA 61 ĐẢNG VIÊN GỬI BCHTƯ VÀ TOÀN THỂ ĐV ĐẢNG CSVN

THƯ NGỎ GỬI BCH TRUNG ƯƠNG VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CSVN

Theo adminbasam  29/07/2014
Ngày 28 tháng 07 năm 2014                                    
THƯ NGỎ    
Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.
Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.
Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:
1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.
 Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…
Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.
Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.
Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!
______________________

DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
  1. Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.
  2. Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  3. Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  4. Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
  5. Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.
  6. Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
  7. Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
  8. Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.
  9. Hoàng Hiển, vào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà Nội.
  10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.
  11. Hà Tuân Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.
  12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa, Quân Y viện 108, Hà Nội.
  13. Phạm Xuân Phương, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
  14. Tô Hòa, vào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
  15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam.
  16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.
  17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.
  18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
  19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.
  20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh.
  21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, Hà Nội.
  22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.
  24. Nguyễn Kiến Phước, vào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.
  25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
  26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Hà Nội.
  28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký‎ Hội Trí thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
  30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư k‎ý của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
  31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.
  33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
  34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.
  35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
  36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  37. Nguyễn Lê Thu An, vào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh.
  38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ hưu, Hà Nội.
  39. Trần Văn Long, vào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Hà Nội.
  41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báoThanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.
  42. Võ Thị Ngọc Lan, vào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP. Hồ Chí Minh.
  43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí Minh.
  44. Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, TP. Huế.
  45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
  47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
  48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.
  49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.
  50. Lê Thân, vào Đảng năm 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.
  51. Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế.
  52. Trần Kinh Nghị, vào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu, Hà Nội.
  53. Hồ An, vào Đảng năm 1979, nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.
  54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban Giao lưu trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.
  55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
  56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
  57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
  59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
  60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1997, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
  61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1986, Trung tá, cựu chiến binh, Hà Nội.
***

VỀ THƯ NGỎ CỦA 61 VỊ ĐẢNG VIÊN LÃO THÀNH

Theo KHOAI@ trên Trelangblogspot 3/8/2014
Thấy thiên hạ lao xao chuyện lá thư ngỏ của 61 vị tinh tướng gửi BCH trung ương tôi tò mò vào đọc. Nhưng quả thật thấy chả có gì hay ho ở đây cả. Khác với bác Đông La, tôi chả thấy nó có tí teo nào tác động nào đến đời sống xã hội. Sau một tuần xuất hiện, được BBC, RFA và mấy tờ lá cải trong nước tung hô, giờ thì nó chìm nghỉm như đá ném ao bèo.
***
***
Sở dĩ nó chìm nghỉm trước dư luận xã hội vì tự thân nó nhạt nhẽo, mốc thếch và cô hồn lạc lõng. Vẫn mấy ông lão già nua với giọng điệu công thần cũ mèm, và vẫn là thủ đoạn lăng xê ấy kiểu vuốt ve ân ái ấy, rốt cục, chẳng thể mảy may là "rung chuyển chế độ".
Nội dung chính của thư ngỏ là kêu gọi từ bỏ chế độ toàn trị, và bạch hóa thông tin về hội nghị Thành Đô năm 1990 với Trung Quốc.
Công bằng mà nói, tôi đồng ý với bác Đông La rằng: "Những giải pháp phù hợp với đất nước sẽ như toa thuốc đúng giúp đất nước như một cơ thể khỏi bệnh và phát triển. Còn ảo tưởng viển vông, theo những hình mẫu dù lung linh đến mấy mà không phù hợp thì sẽ đưa đất nước đến vực thẳm chứ không phải thiên đường. I rắc, Lybi,…, hôm qua, rồi Ucraina hôm nay là những bài học nhãn tiền!". và "Có điều không phải ai cũng như ai, với mỗi cá nhân cũng không phải đã sai là sai hết. Đa phần những tệ nạn và sai trái đã và đang diễn ra trên đất nước họ viết là đúng, còn giải pháp khắc phục của họ là đúng hay sai mới cần phải phân tích. Chắc chắn họ cũng có những ý đúng và có trách nhiệm vì không phải ai cũng dốt và đều là phản động cả".Tôi cũng nghĩ, trong số 61 vị ấy, vẫn có vài vị tâm huyết lắm lắm với vận mệnh dân tộc.Cứu đảng?Trong bài phỏng vấn của RFA, ông Tương Lai (Nguyễn Phước Tương), một trong những người ký tên, đã hùng hồn tuyên bố lý do viết thư ngỏ là để "cứu đảng khỏi suy thoái".Không hiểu các vị già rồi sinh lẩm cẩm hay cái trình của các vị nó chỉ đến thế. Một đứa trẻ con cũng biết các vị gửi thư kêu gọi đảng từ bỏ toàn trị, tức là từ bỏ vai trò lãnh đạo đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc mở đường cho phép các đảng phái khác hoạt động hợp pháp, và sẽ có một đảng cha căng chú kiết nào đó lên nắm quyền lãnh đạo. Thế thì các vị cứu đảng chỗ nào?
Ngay trong đoạn đầu tiên của thư ngỏ, các vị đã bộc lộ rõ tâm địa khi phủ nhận sạch trơn những cống hiến lớn lao cảu đảng đối với dân tộc. Các vị cho rằng "Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh".
***
***
Còn đây, nghệ sĩ Kim Chi (vợ cả ông Hồng Sến) cứu đảng như thế này đây: "Chúng tôi nghĩ nếu cứ giữ thể chế độc đảng này và cứ khư khư giữ lấy ’16 chữ vàng, 4 tốt’ với anh bạn ‘rất là tệ hại’ này thì tôi thấy rất nguy cho đất nước!". Câu trả lời RFA của Kim Chi là cứu đảng hay kêu gọi thành lập đảng mới đấy các vị?
Vậy xin hỏi các vị: Ai là người có công đầu trong giải phóng dân tộc, giành lại đất nước trước xiềng xích của đế quốc sài lang? Mỗi khi đất nước gặp họa xâm lăng thì ai đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ dân tộc? Ai đã đồng cam chịu khổ cùng nhân dân Việt Nam đi từ đống tro tàn đổ nát của cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và vươn lên như ngày hôm nay? Ai đã dẫn dắt một đất nước lạc hậu như thời nguyên thủy trong bao vây cấm vận đến nỗi "không có tên trên bản đồ thế giới" thành một Việt nam như hôm nay trong mối quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước bạn?
Các vị có thể chỉ ra được đảng nào ở Việt Nam đã làm được điều đó không? Nếu không trả lời được thì xin các vị im cho dân được nhờ.
Còn nữa, các vị đang chứng tỏ cho hậu thế thấy được là chính các vị là những kẻ cơ hội dưới cả tầm thường. Bởi lẽ, khi còn trẻ, các vị tự nguyện nộp đơn xin vào đảng, với những lời hứa còn hơn cả đinh đóng cột rằng trung thành với lý tưởng đảng, với chủ nghĩa Mác Lê Nin, nhưng khi đã no xôi chán chè, vơ bèo bọt tép khi cầm quyền, và nắm trong tay cuốn sổ hưu thì chính các vị lại lớn tiếng cho rằng theo chủ nghĩa Mác Lê Nin là sai lầm, và kêu gọi đảng từ bỏ. Xin hỏi, một chính đảng mà phải từ bỏ hệ tư tưởng của mình thì nó là đảng gì? các vị táng tận lương tâm với cái đảng của mình đến thế mà sao gọi là cứu đảng?
Các vị nghĩ sao khi một phóng viên trẻ của BBC hỏi: "Lúc các ông vào Đảng, các ông đã chấp nhận Đảng CS là phải đi theo chủ nghĩa Marx - Lenin tức là phải theo con đường xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, nhưng bây giờ các ông không chấp nhận CNXH thế tức các ông đã tự chống lại chính mình ?". Một câu hỏi hóc búa và đểu giả phải không?
Thế mà các vị không biết ngượng.
Các vị đánh giá mình hơi cao đấy khi cho rằng các vị là những người cứu đảng!
Bạch hóa thông tin về hội nghị Thành Đô?
Cho đến giờ phút này, đã hơn một lần các vị nhắc lại yêu cầu bạch hóa thông tin về Hội nghị Thành Đô, trong khi đó, chính các vị lại (đã) lên mạng viết như đúng rồi về nội dung của Hội nghị này.
Xin nói luôn cho rõ, cho đến tận hôm nay, chưa có một bí mật nào của Hội nghị Thành Đô được tiết lộ, ngoài cuốn nhật ký của Lý Bằng mà độ xác thực còn phải xem xét. Đơn giản là nó thuộc bí mật quốc gia. Cũng như mọi quốc gia khác, việc bảo mật những thông tin quan trọng là cần thiết, và đôi khi nó mang tính sống còn đối với một dân tộc. Thực tế, các vị chỉ cần hiểu Hội nghị Thành Đô ký kỷ yếu hai bên đồng thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là đủ.
Thật nực cười khi các vị có những đòi hỏi phi lý như thế. Hãy xem lại mình đi, các vị là ai, là người như thế nào mà đòi phải biết mọi việc, kể cả bí mật quốc gia?
Các vị trẻ con vừa thôi!
Dạy đời
Còn nữa, các vị lên mặt dạy đảng: "Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước".
Rất tiếc, những lời răn dạy của các vị đến hơi muộn, và đảng và nhà nước đã có những bước đi cảnh giác từ rất sớm. Sự thật là không phải bây giờ, đảng mới nhận ra điều này, mà nó đã được khắc cốt ghi xương từ khi Hoàng Sa bị tấn công lần đầu tiên năm 1946, rồi đến năm 1956, năm 1959, và 1974 cơ các vị ạ. Thực tế, đảng đã sớm nhận ra bộ mặt của gã hàng xóm Trung Quốc hơn các vị tưởng, và vì thế chúng tôi không viển vông cho dù có bao nhiêu chữ vàng được thốt ra từ miệng lãnh đạo Bắc Kinh. Nhưng nghĩ và hiểu là một chuyện, còn nói ra hay không lại là một câu chuyện khác.
Thiết nghĩ, lão thành tâm huyết và trí thức như các vị thì phải hiểu chứ nhỉ?
Xin các vị hãy tiếp tục suy nghĩ, loại bỏ công thần, kiềm chế sự bất mãn để người dân được yên ổn làm ăn, vui sống!
Tinh tướng vừa thôi!
-----------------
Chi tiết, hình ảnh và danh sách đã ký tên xem tại link: Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN
***

ĐÔI ĐIỀU NHẬN THẤY QUA BỨC THƯ NGỎ CỦA 61 ĐẢNG VIÊN KỲ CỰU

Bài của TĨNTÒ@ trên Dân lầm than 4/8/2014
Mới đọc qua chúng ta có thể thấy toát lên từ đầu đến cuối bức thư là một giọng điệu phê phán, lên án gay gắt về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mục đích cuối cùng của bài viết nhằm kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo, từ bỏ chủ nghĩa xã hội và từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê nin. Bức thư cũng kêu gọi đồng bào lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ vai trò toàn trị của Đảng và theo chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng.Về bức thư ngỏ được cho là của 61 đảng viên kỳ cựu lan truyền trên Internet trong mấy ngày vừa qua, có thể nhận thấy nó có nhiều vấn đề bàn cãi.
Trước hết, chưa bàn tới việc bức thư ngỏ này có phải là của 61 cựu đảng viên hay không mà chúng ta hãy xem những “yêu sách” mà bức thư đề cập đến có ý nghĩa như thế nào và nó có xuất phát từ thực tiễn hay không?
Mở đầu bức thư ngỏ khẳng định rằng: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin...”. Thử hỏi rằng trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử thế giới cũng như của lịch sử Việt Nam, có một chính đảng nào lại có thể đứng vững được lập trường tư tưởng của mình như Đảng Cộng sản Việt Nam. Có được điều đó là do Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng trên một nền tảng tư tưởng đúng đắn, đã được lịch sử thế giới kiểm nghiệm qua sự hình thành và phát triển của nhiều nước trên thế giới, đó là nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê nin.
Các vị đảng viên lão thành này sao có thể nói từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm được, nói thế có khác nào các vị đang tự bêu riếu bản thân mình hay sao? Hơn thế nữa công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay đối với dân tộc Việt Nam không ai có thể phủ nhận được. Thử nhìn lại lịch sử Việt Nam chúng ta có thể khẳng định, chính Đảng Cộng sản đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, từ một nước cực kỳ lạc hậu, không thấy tên trên bản đồ thế giới, với sự bao vây cấm vận triền miên, để rồi vươn lên thành một Việt Nam hôm nay;  Cũng chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã chéo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao gian nan thử thách để gặt hái được những thành công trên con đường phát triển đất nước. Ấy vậy sao, đường đường là các vị cao niên có nhiều năm sống, học tập lao động với Đảng lại có thể đưa ra những lời khẳng định ngây ngô đến vậy???
Cũng nằm trong nội dung bức thư khi các vị đảng viên kỳ cựu cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay luôn phạm phải sai lầm, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác....Nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì không chỉ có Đảng Cộng sản mà với bất cứ cá nhân một con người cụ thể nào trong cuộc đời cũng không thể tránh khỏi những sai lầm. Vấn đề quan trong là có biết nhận thức sai lầm và sửa chữa khuyết điểm hay không mà thôi. Riêng đối với Đảng từ trước đến nay, đồng ý rằng trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo có những tồn tại, hạn chế nhất định, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự hoàn thiện mình, quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm chứ không bảo thủ, trì trệ. Do đó, luận điệu của các cựu đảng viên khi nhìn nhận những khuyết điểm sai lầm của Đảng Cộng sản để đi đến “yêu sách” muốn phủ nhận sạch trơn, xóa bỏ hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn phi lý.
Cuối cùng khi kết thúc bức thư ngỏ, các cựu đảng viên kêu gọi đồng bào lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng. Những “yêu sách” phi lý ấy đưa ra chỉ dựa trên ý muốn chủ quan của các vị đó chứ nó hoàn toàn không sát sao với thực tế lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian gần 85 năm qua, liệu chăng có ai tin và nghe theo lời kêu gọi nhảm nhí của họ!
Tĩn tò@
***
THƯ NGỎ 61 NHẮM TỚI AI ?
Theo BBC Vietnamess 7/8/2014

Nhà văn Nguyên Ngọc nói thư ngỏ nhắm tới đông đảo người Việt

***
Một trong những người ký thư ngỏ kêu gọi Đảng Cộng sản thay đổi nói mục tiêu nhắm tới không hẳn là những người được nhận.
Trong phỏng vấn với BBC hồi đầu tháng này, nhà văn Nguyên Ngọc nói:
"Chúng tôi không hy vọng nhiều rằng cái đó sẽ làm trực tiếp thay đổi đến đối tượng mà chúng tôi gởi.
"Nhưng mà vấn đề là thế này. Nhất định cơ chế đó, nhất định cách làm đó phải thay đổi, mà sự thay đổi đó phải có sự đấu tranh của toàn xã hội.
"Trước hết là ví dụ như kiến nghị của chúng tôi vừa rồi đó là toàn bộ đảng viên của Đảng hoặc đa số đảng viên của Đảng phải tạo nên áp lực buộc Ban chấp hành Trung ương, lãnh đạo trung ương phải thay đổi.
"Khi gửi thư đó là gửi cho 200 ủy viên trung ương, 175 ông chính thức và 25 ông dự khuyết. Chúng tôi gửi đúng địa chỉ 200 ông."
Mặc dù vậy nhà văn nói 61 đảng viên ký thư ngỏ có mục tiêu rộng hơn.
Ông nói: "Chúng tôi cũng không hy vọng nhiều là 200 ông sẽ thay đổi đâu. Nhưng mà chúng tôi biết trong số 200 ông đó vẫn còn những người mà chúng tôi tin rằng là đảng viên thật sự yêu nước, vì sự nghiệp, vì dân, vì nước.
"Có những điều kiện này, khác họ chưa nói, chưa hành động thì chúng tôi muốn đánh thức.
"Còn đối với đảng viên trong toàn đảng chúng tôi cũng muốn đánh thức họ... kể cả toàn dân nữa, thì chúng tôi gởi, làm những kiến nghị này là nhằm vào cái rộng rãi đó chứ không phải chúng tôi hy vọng tác động trực tiếp những ông đó để họ sẽ thay đổi."

'Tình hình cấp bách'

Một đảng viên khác ký tên vào thư ngỏ là Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người luôn thúc giục có cải cách chính trị như từng quyết tâm cải cách kinh tế từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản.
Ông Doanh nói: "Bức thư ngỏ đáp ứng tình hình cấp bách hiện nay.
"Một là phải có đối sách rõ ràng với Trung Quốc để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không còn ảo tưởng đối với Trung Quốc, thực hiện chính sách hữu nghị, hòa bình, hợp tác nhưng trên cơ sở cân bằng và bảo vệ độc lập chủ quyền của chúng ta.
"Thứ hai nữa là phải thực hiện đổi mới chính trị, cải cách thể chế và điều tốt nhất là tự trong Đảng phải đổi mới."
***
KÝ TÊN THAY-MỘT THỦ THUẬT CỦA "THƯ NGỎ 61"
Bài của MINH TÂM trên CA tpHCM 4/11/2014
(CAO) Vừa qua, trên một số trang mạng internet xuất hiện “Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” của “nhóm 61 đảng viên”. Họ khẳng định “chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng”. Theo những gì ghi trong danh sách này, tôi tìm đến ông Đoàn Văn Phương, nguyên chiến sĩ giao bưu Trung ương Cục miền Nam - một trong 61 người có tên, hộ khẩu thường trú tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ông Đoàn Văn Phương sinh năm 1950, nguyên quán Long An, tham gia kháng chiến từ năm 1967, là chiến sĩ giao bưu Trung ương Cục miền Nam, được kết nạp Đảng vào năm 1971 – chứ không phải năm 1979 như “thư ngỏ” ghi. Sau năm 1975, ông công tác trong ngành bưu điện. Năm 1993, do sức khỏe kém, ông nghỉ hưu. Việc chuyển sinh hoạt đảng về địa phương của ông có trở ngại, do hồ sơ bị thất lạc, đến năm 1995 mới tìm lại được nhưng ông không nộp về cấp ủy nơi cư trú. Như vậy, từ năm 1993, ông Đoàn Văn Phương đã không còn sinh hoạt đảng nữa. Việc “thư ngỏ” ghi ông là đảng viên là hoàn toàn không đúng thực tế.
Điều kinh ngạc hơn nữa là ông Đoàn Văn Phương hoàn toàn không tham gia ký tên vào “thư ngỏ” và cũng hoàn toàn không biết việc tên mình “được” ghi vào danh sách “61 đảng viên”. Ông Phương cho biết, ông chỉ biết điều này khi các cán bộ của Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 25, quận Bình Thạnh đến nhà ông tìm hiểu việc ông có tên trong “nhóm 61”, vào đầu tháng 8-2014. Ông khẳng định, cho đến nay, ông chưa đọc toàn văn “thư ngỏ” này (chỉ nghe người khác nói lại nội dung cơ bản), cũng chưa từng có ai tiếp xúc hoặc tiếp xúc với ai để trao đổi về nội dung của “thư ngỏ”. Theo ông Phương, nhiều năm qua, ông không quan tâm đến vấn đề chính trị, chỉ tập trung lo làm kinh tế gia đình và giữ gìn sức khỏe.
Vậy, ai đã ký thay ông Phương trong danh sách 61 người đính kèm “Thư ngỏ”. Rõ ràng đây là một thủ thuật tập hợp lực lượng của cái gọi là “Thư ngỏ”.
Từ trường hợp của ông Đoàn Văn Phương, có thể thấy “thư ngỏ” và người “nặn” ra nó có nhiều điều đáng ngờ. Với sự thật này, người ta có quyền nghi vấn với rất nhiều câu hỏi:
- Ngoài trường hợp ông Phương, liệu trong số “61 đảng viên” này còn có ai không phải là đảng viên, hoặc đã từng là đảng viên nhưng bây giờ không còn sinh hoạt đảng nữa vẫn mạo nhận hoặc “được” ai đó mạo nhận hay “ghi bừa” là đảng viên?
- Bên cạnh ông Phương, liệu còn có ai không tham gia ký tên, không ủng hộ hoặc có ý kiến gì về “thư ngỏ” vẫn có tên trong danh sách và được cho là ký tên vào “thư ngỏ”?
- Những người cố tình đưa tên ông Phương vào danh sách với sự ngụy tạo nhiều thông tin như thế (và những trường hợp khác tương tự, nếu có) nhằm mục đích gì?
Với những nhận định sai lầm, những đề nghị “thay đổi” Cương lĩnh, “từ bỏ” đường lối, “chuyển đổi” thể chế chính trị của Đảng, “Thư ngỏ” thực chất là của ai? Chắc chắn họ chỉ là một vài trong số 61 người tự cho mình là “trung thành”, “có trách nhiệm trước dân tộc”. Họ đã tách rời khỏi khối đại đoàn kết toàn dân đang nỗ lực quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam giàu, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Họ đã cố tình ngụy tạo danh sách, lợi dụng tên tuổi với mưu đồ và dụng ý xấu xa.
Họ tự xưng là những người tâm huyết, trung thành, trách nhiệm của dân tộc… để góp ý với Đảng, nhưng thực chất là yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Âm mưu và thủ đoạn của họ tinh vi và nham hiểm. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất mọi âm mưu, thủ đoạn đó.
Từ cách thức, thủ đoạn có thể hiểu rằng động cơ, mục tiêu hoạt động của cái gọi là “61 đảng viên trung thành” rõ ràng không thể nào thuyết phục được nhân dân.
Minh Tâm
***
SỰ THẬT VỀ LÒNG "TRUNG THÀNH" CỦA NHÓM THƯ 61
Bài của TÂN VINH trên Saigon.online 4/11/2014
Hiện nay, trên mạng internet có nhiều ý kiến tranh luận về bức thư ngỏ của 61 đảng viên “trung thành” gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới lăng kích của các tác giả khác nhau về cùng một vấn đề, có nhiều tác giả đăng bài phản đối kịch liệt, cũng lắm người tán thưởng vỗ tay, người nói thế này, người nói thế khác, cũng có người dùng các thủ thuật để che giấu mục đích của mình.
Với bức thư được đăng tải ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng, “61 Đảng viên trung thành” đã lựa chọn thời điểm hết sức “hợp lý”, phần nào thể hiện sự "quan tâm lo lắng" của họ đến thời cuộc, đến vận mệnh của Đảng, tương lai thể chế chính trị của nước nhà.
Bản thân tôi cũng chú ý đến câu chuyện về bức thư này và đã đọc nhiều bài viết của nhiều tác giả, với nhiều hướng khác nhau. Nhất là, sau khi đọc bài của Minh Tâm về trường hợp ông Đoàn Văn Phương một trong 61 người được cho là ký tên vào thư ngỏ. Theo bài viết, ông Phương vừa không là Đảng viên, lại vừa không biết gì về bức thư này. Sau đó, tôi đã cất công tìm hiểu thêm về những nhân vật của nhóm người tự xưng là “61 Đảng viên trung thành với Đảng” này, mà theo thông tin đăng tải là đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh và thật bất ngờ khi trường hợp của ông Phương không phải là trường hợp duy nhất, mà trong nhóm người này còn có nhiều nhân vật khác cũng gần như vậy. Sau khi tìm hiểu, thì có 22 người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó, một số nhân vật thời gian gần đây nổi tiếng trên mạng với những ý kiến đi ngược đường lối chủ trương của Đảng, tham gia vào nhiều thư ngỏ khác nhau nhưng cùng một mục tiêu đó là đòi Đảng từ bỏ vị trí cầm quyền, kích động biểu tình gây mất ổn định an ninh trật tự như Kha Lương Ngãi, Hà Quang Vinh, Tương Lai, Lê Công Giàu, Hạ Đình Nguyên... Đặc biệt hơn, trong đó có người đã bỏ sinh hoạt Đảng từ lâu, không còn là Đảng viên nữa như Lữ Phương; có người thì đã đi định cư tại nước ngoài, không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của Đảng là Cao Lập, thế mà họ vẫn tự xưng là Đảng viên, là Đảng viên “trung thành”.
Như vậy có thể thấy rõ rằng, tự nhận là nhóm Đảng viên “trung thành” nhưng lại có nhiều người không còn là Đảng viên nữa, hay không tham gia sinh hoạt Đảng nữa, vậy nhóm người này gửi thư ngỏ với mục đích gì? Có đúng thật là vì Đảng, vì sự phát triển của đất nước không, hay là do một thế lực nào đó, một tổ chức nào đó lôi kéo, tập hợp lại, rồi mượn danh Đảng viên, mượn danh “yêu nước” mà tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộc. Ngoài 22 người đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại của nhóm này phần đông đang ở Hà Nội, vậy trong số đó có trường hợp nào giống như các nhân vật vừa nêu hay không? Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm công khai để mọi người hiểu rõ bộ mặt thật của nhóm tự xưng là 61 đảng viên “trung thành” này.
Trong giai đoạn mà toàn Đảng, toàn dân đang chuẩn bị cho một đợt sinh hoạt chính trị trọng đại là Đại hội lần thứ XII của Đảng, bên cạnh những phấn đấu, quyết tâm của đại bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân phải chăng là một dàn hợp xướng lỗi nhịp của những cái gọi là nhóm 61, nhóm 72, nhóm café nhân quyền, nhóm họp mặt dân chủ, nhóm nhà báo, nhà văn độc lập…, cho dù khoác lên mình tấm áo mới là chống Trung Quốc, nhưng thực chất là chống lại đường lối đối ngoại sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước. Các nhóm này thông qua nhiều con đường khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cũng vẫn là tiếp tay cho Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển của đất nước, gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cũng như làm tổn hại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Mỗi một người dân đều có cách yêu nước của chính mình, nhưng yêu nước phải gắn với xây dựng và bảo vệ đất nước, đừng biến tình cảm thiêng liêng đó thành cơ hội cho việc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bóp méo sự thật, tạo sự mơ hồ, gây ra những lệch lạc về mặt tư tưởng, tạo ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Trong muôn vàn khó khăn của thời cuộc, chặng đường đi đến đích cuối cùng còn dài, thử thách còn nhiều và chắc sẽ còn nhiều kẻ như những nhóm người này, mượn danh vì dân tộc, vì đất nước hay khoác lên mình tấm áo dân chủ rồi tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói bất chấp cả kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cho dù họ có cố gắng nói như thế nào đi chăng nữa, thực tiễn vẫn là thước đo đúng đắn nhất của chân lý, và rằng bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát tất cả những gì cản đường phát triển của đất nước của dân tộc.
Tân Vinh

"TÔI ĐÂU PHẢI TRẺ CON MÀ BỊ KÍCH ĐỘNG"
Bài phát biểu của NS KIM CHI/ BBC / Quechoa 7/11/2014
 
 Ns Kim Chi nói bà ký tên vào Thư ngỏ là 'vì tấm lòng với đất nước'
***
Một trong những người tham gia ký tên vào Thư ngỏ kêu gọi Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội hồi cuối tháng Bảy nói bà ‘không bị ai kích động’
Mới đây, các tờ báo là tiếng nói của các cơ quan Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng lúc có bài tấn công những người đã tham gia ký tên vào thư ngỏ thường được biết đến với tên gọi ‘Thư ngỏ 61’.
Các báo Sài Gòn Giải Phóng và Công an đã tấn công trực tiếp vào 61 đảng viên lão thành đã ký tên vào Thư ngỏ chứ không đưa ra lập luận phản bác quan điểm của Thư ngỏ.
"Tấm lòng yeu nước"
Trao đổi với BBC, Nghệ sỹ Kim Chi, nói rằng bà ký vào Thư ngỏ này ‘bằng tim, bằng óc, bằng nhận thức của mình, bằng tất cả tấm lòng của người yêu nước’.
“Chả có ai kích động chúng tôi cả,” bà nói, “Chúng tôi có phải trẻ con đâu mà kích động, xúi bẩy được.”
Trước đó, một bài xã luận trên tờ Sài Gòn Giải Phóng hôm 4/11 có tựa đề là ‘Sự thật về lòng ‘trung thành’ của nhóm thư ngỏ 61’ đã lên án những người ký tên này là ‘do do một thế lực nào đó, một tổ chức nào đó lôi kéo, tập hợp lại, rồi mượn danh Đảng viên, mượn danh yêu nước’.
 Theo tờ báo Đảng này thì những người ký tên muốn ‘tạo nên một sự hỗn loạn về thông tin, gieo rắc những mầm mống độc hại cho xã hội tạo nên sự bất ổn về tư tưởng, an ninh, gây nhiễu loạn, gây bất ổn trong quần chúng nhân dân, chia rẽ mối đoàn kết của dân tộc
Tuy nhiên, bài xã luận chỉ nói chung chung mà không đưa ra bất cứ lập luận hay dẫn chứng nào chứng minh cho quan điểm trên.
Đáng lưu ý, là một trong những người ký tên bị Sài Gòn Giải Phóng lên án có ông Kha Lương Ngãi, người từng là phó tổng biên tập tờ báo Đảng này.
Bà Kim Chi phủ nhận sự liên hệ của Thư ngỏ với Đảng Việt Tân có trụ sở ở hải ngoại như cáo buộc.
Bà cho rằng đó là ‘lời nói vô trách nhiệm, vu khống’ và đòi tác giả bài báo phải đưa ra cơ sở chứng minh.
***

***
Về lập luận Thư ngỏ 61 ‘gây chia rẽ dân tộc’, bà Chi nói chính quyền nên đưa công khai nội dung lá thư ra cho người dân thấy để người dân tự nhận định có gây chia rẽ, có làm mất niềm tin của người dân đối với Đảng hay không.
Khi được hỏi tại sao bà không góp ý ở chi bộ Đảng mà bà sinh hoạt, nghệ sỹ Kim Chi nói rằng ‘chi bộ có dám đưa những ý kiến đó lên trên hay không?’.
Về cáo buộc rằng một số người ký tên không tham gia sinh hoạt Đảng nên không còn tư cách đảng viên để mà kiến nghị với Đảng, bà Kim Chi phản bác: “Họ chưa bị khai trừ ra khỏi Đảng, chưa tuyên bố ra khỏi Đảng thì vẫn có tư cách đảng viên.”
Bà cho biết thư ngỏ này không chỉ thể hiện quan điểm của 61 đảng viên lão thành mà ‘nhiều đảng viên khác cũng buồn chán và mệt mỏi lắm’ và ‘họ ủng hộ Thư ngỏ nhưng không ký tên’.
“Khi tôi và Đảng với lý tưởng của Đảng tôi tin là đang dâng hiến cuộc đời mình cho lý tưởng rất đẹp,” bà nói.
“Nhưng quan sát thì nó không phải như thế,” bà nói thêm, “Dân khổ, quan tham nhũng trắng trợn.”
“Mình đứng trong đội ngũ mà mình nghĩ là tốt đẹp lại xảy ra như thế thì mình im lặng là có tội với dân với nước.”

GHI NHANH CUỘC GẶP  Ở NHÀ CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH
Bài của NGUYỄN ĐĂNG QUANG trên Quechoa 20/11/2014

***
Chiều 19/11/2014 Hà Nội đã vào cuối thu, bầu trời nắng vàng đẹp đẽ. Tôi tranh thủ đến thăm sức khỏe lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi quen biết cụ đã gần 40 năm nay và rất kính trọng và khâm phục cụ về nhân cách, đạo đức cũng như tấm lòng của cụ đối với dân và đất nước. Dù năm nay đã 99 tuổi song cụ vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn! Mặc dù hơn tôi 26 tuổi song cụ vẫn coi tôi là một người bạn vong niên thân thiết. Tiếp tôi, ngoài cụ còn có con gái cụ là nhà văn Nguyên Bình và chồng chị là anh Trịnh Văn Trà, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu.

 Tôi đứng lên chào và xin phép cụ ra về vì đã tâm tình và trò chuyện với cụ hơn một tiếng đồng hồ thì cụ bảo tôi cố nán lại ít phút để dự buổi cụ tiếp đoàn khách của Thành ủy Hà Nội đến thăm cụ. Năm phút sau khách đến. Dẫn đầu là Ủy viên Thường vụ Thành ủy kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cùng 5 quan chức của Đảng, gồm: một chuyên viên của UBKT Thành ủy, ông Phó bí thư Quận ủy Đống Đa, ông Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Đống Đa, bà Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên và ông Bí thư chi bộ nơi cụ sinh hoạt Đảng.
 Đoàn khách đi luôn vào nội dung cuộc viếng thăm: Hỏi cụ có phải là người ký vào Thư ngỏ 61 không và ai là người chấp bút,thảo ra thư đó? Họ thuyết phục cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách 61 đảng viên ký Thư ngỏ đó vì đã vi phạm vào quy định của Đảng, đặc biệt là "19 điều cấm" mà Đảng không cho đảng viên làm. Cụ khẳng đinh chính cụ là người ký vào Thư ngỏ 61 đó, và vì cụ nhiều tuổi đảng nhất-75 năm tuổi đảng-nên anh em xếp cụ lên danh sách đầu tiên.
 Còn ai là người soạn thảo thư đó thì cụ nói là mọi người ngồi trao đổi với nhau, đều nhất tri và đồng tình những nội dung cấp thiết phải kiến nghị với Lãnh đạo Đảng như nội dung Thư ngỏ đã nêu rõ, còn ai là người chấp bút khởi thảo thì không quan trọng, cụ không đáp ứng câu hỏi này vì cụ cho rằng moi người ký vào Thư ngỏ thì đều có trách nhiệm như nhau và sẵn sàng đối thoại,tranh luận công khai và dân chủ với Lãnh đạo Đảng về những vấn đề mà Thư ngỏ 61 đã nêu lên. Liệu Đảng có đồng ý đối thoại và tranh luận công khai với nhóm 61 đảng viên ký vào Thư ngỏ này không ?
 Còn về yêu cầu cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách những người ký tên Thư ngỏ này thì cụ nói không, dứt khoát không bao giờ tôi rút theo yêu cầu của các anh! Còn việc Đoàn kết luận cụ cùng 61 đảng viên ký tên tập thể vào Thư ngỏ là vi phạm qui định của Đảng và "19 điều cấm" không cho đảng viên làm thì cụ hoàn toàn bác bỏ, cụ nói chính những qui định đó đã triệt tiêu tinh thần dân chủ trong đảng và ngay "19 điều cấm" cũng vi phạm Điều lệ Đảng !
Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách cụ là tại sao cụ không trực tiếp góp ý kiến với Đảng theo con đường mà Đảng đã qui định mà lại tán phát những quan điểm sai trái,làm cho đảng viên và người dân hoang mang,dao động? Cụ trả lời là cụ rất thất vọng vì trong suốt gần 10 năm qua cụ đã kiên trì và chân tình góp ý, đã không dưới 10 lần viết thư tay gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban CHTW Đảng và cả Tổng Bí thư nhưng không lần nào cụ được hồi âm,trả lời! Cụ nói: Đến như cụ 16 năm là Ủy viên Trung ương Đảng (Khoá III),là lão thành cách mạng, có 75 năm tuổi đảng, mà các anh ấy trốn tránh, không thèm trả lời thì thử hỏi những góp ý,kiến nghị của các đảng viên khác các anh ấy coi ra gì?
Lãnh đạo Đảng ngày nay chỉ thích nghe những ý kiến xu nịnh, thuận tai của bọn cơ hội, giáo điều, nhưng ngược lại họ coi các ý kiến phản biện và những đóng góp chân tình,xây dựng, tâm huyết và khoa học của rất nhiều nhân sỹ trí thưc và đảng viên là những ý kiến có động cơ xấu, thậm chí còn bị chụp mũ là suy thoái, biến chất hoặc bi các thế lực thù địch xúi dục! Đấy chính là một trong các lý do cụ ký tên vào Thư ngỏ 61 và công khai thư đó cho nhân dân biết sau khi thư đó đã gửi chuyển phát nhanh cho TBT,BCT,BBT và tất cả 200 UVTW Đảng .
 Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách là việc tán phát Thư ngỏ đó trên mạng là sai trái, làm cho các đảng viên hoang mang, dao đông, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Nghe đến đây tôi phải xin phép cụ Vĩnh để có đôi lời với ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy. Tôi nói: Vâng, thưa đồng chí Chủ nhiệm UBKT, tôi nguyên là cán bộ Bộ Công an, đã về nghỉ hưu 11 năm nay và là một trong 61 đảng viên ký tên vào Thư ngỏ 61. Ý kiến đồng chí vừa nói rất đúng. Nếu có ai hoang mang,giao động và không tin vào sự lãnh của Đảng thì người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Phú Trọng nói "Đến hết thế kỷ này không biết là đã có CNXH hoàn chỉnh ở Việt Nam hay chưa?" Đồng chí TBT không phải nói ở chỗ riêng tư mà phát biểu chính thức trong một buổi thảo luận Tổ đại biểu ở Quốc Hội khóa XIII để góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 tháng10 năm ngoái và đã được VTV,VOA và TTXVN loan tải rộng rãi! Chính phát biểu bi quan đó của đồng chí TBT làm tôi thực sự dao động,hoang mang và không còn tin vào sự lãnh đạo hiện nay của Đảng nữa, và đây cũng chính là một trong các lý do khiến tôi ký vào Thư ngỏ 61.
 Lúc nãy tôi có hỏi về di chúc của Chủ tịch HCM và đồng chi trả lời là di chúc của Bác Hồ rất đúng và tuyệt đối đúng! Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí. Di chúc của Bác không căn dặn Đảng ta xây dựng CNXH mà chỉ dặn Đảng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, giầu mạnh và xây dựng một xã hội công bằng,dân chủ văn minh thôi, và trong di chúc không có một từ nào Bác đề cập đến chủ thuyết Marx-Lenine và căn dặn nhân dân và đảng ta phải kiên định con đường này! Vậy tại sao Đảng ta không làm theo di chúc của Bác?

Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy không trả lời trực tiếp mà chuyển sang việc đề cập đến thành tựu lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ông gợi lại chuyện 75 năm trước (1939) khi cụ vào Đảng và thoát ly tham gia cách mạng thì đất nước ta còn nghèo lắm, dân ta còn khổ lắm nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng nên ngày nay nước ta đã hết nghèo,dân ta đã hết khổ, nay thì nhà nào cũng có ít nhất một xe máy thì làm sao cụ lại nói đường lối của Đảng là sai lầm, cần phải từ bỏ con đường xây dựng CNXH theo mô hình Xô viết ? Đảng đã và đang kiên định con đường XHCN, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, xã hội ta không có người bóc lột người, Đảng không cho phép bọn tư bản bóc lột giá trị thặng dư nhân dân lao động VN, hiện nay nhân dân làm theo sức và hưởng theo lao động,mai này khi tiến lên xây dựng CNCS thì người dân sẽ làm tùy sức và sẽ hưởng thụ theo nhu cầu! Về đối ngoại,Đảng ta cũng có chính sách khôn khéo và cương quyết với TQ, buộc họ phải rút giàn khoan HD981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của ta trước thời han. Đây rõ ràng là thắng lợi của ta.
Cụ Vĩnh nói: Nó rút chủ yếu là do sức ép quốc tế. TBT Nguyễn Phú Trọng không hề có một lời nào lên án TQ. Hội nghị TW9 đang họp, cũng không hề có một tuyên bố nào. Rồi đến Quốc Hội họp cũng không ra tuyên bố hoặc nghị quyết lên án TQ, Chính phủ cũng vậy! Sao nay lại tự nhận là do ta đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ nên buộc nó phải rút? TQ không bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng,xâm lược nước ta. Đảng phải hết sức cảnh giác và phải thực sự dựa vào nhân dân và phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích của Đảng thì mới có thể thắng lợi kể cả trong xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc, và đừng có quá nhẹ dạ tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt, kẻo sẽ bị lừa và dễ mất nước!

Đại tá Trà dù đã rất kiên nhẫn ngồi nghe từ đầu, song đến đây ông không kìm được, ông nói: Nghe các đồng chi lập luận, tôi không thể thông! Đồng chí khẳng định VN chỉ có thể chọn mô hình XHCN để xây dựng đất nước,ngoài ra không có con đường nào khác. Thế thì đồng chí giải thích tại sao Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đi hết nước tư bản này đến nước tư bản kia để van nài họ công nhận nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường? Phải chăng điều đó chứng tỏ chính Đảng không tin vào CNXH và thú nhận học thuyết Marx-Lenine là bế tắc? Không thấy vị Chủ nhịêm UBKT Thành ủy và các vị khách trả lời, tôi nói: Cho đến lúc này,ngay cả Hội đồng lý luận Trung ương cũng như các nhà nhà lý luận của Đảng cũng không có ai đưa ra được một định nghiã có sức thuyết phục thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường và Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại và giao thoa cùng nhau được! Có cái này thì không có cái kia và ngược lại.

Cụ Vĩnh nghe vị Chủ nhiệm UBKT Thành ủy thuyết giảng, chắc cảm thấy rất mệt, song cụ vẫn vui vẻ nói: Lúc nãy nghe đồng chí Chủ nhiệm UBKT Thành ủy nói thời tôi vào Đảng và tham gia hoạt động CM đã cách đây 75 năm rồi. Vâng, đồng chí nói đúng. Hồi đó tôi vào đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương sau này đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam, và tôi thấy Đảng tôi chon lúc đó đều rất trong sáng và thực sự vì dân tộc và đất nước, và nó khác xa ĐCSVN hiện nay. Mong các đồng chỉ về và phản ảnh trung thực,đầy đủ các ý kiến ta trao đổi hôm nay, và kiểm tra giúp các đơn thư mà tôi đã gửi Lãnh đạo Đảng trong hơn 9 năm qua và nhắc họ cố gắng đọc và n/cứu. Nếu bố trí gặp trực tiếp tôi thì tốt, nếu không thì cố gắng hồi âm các thư tôi đã gửi.

Đoàn khách cũng cảm thấy khó có gì để nói thêm nên đứng dậy xin phép ra về. Ông Trưởng đoàn kính chúc cụ mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng Đảng theo đúng quy định để Đảng thực sự trong sạch và vững mạnh. Tôi về đến nhà là đã gần 6 giờ chiều, tuy khá mệt song cố gắng ghi lại trung thực nhưng chắc không đầy đủ nội dung cuộc gặp này, kẻo để lâu lại quên. Tôi nghĩ chắc đây chưa phải là cuộc thăm viếng và trao đổi cuối cùng.

NĐQ.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét