(Chinhphu.vn) - Còn nhớ những cái tít trên báo chí “Cuống cuồng vì xăng tăng giá”, cư dân mạng thì tung ra những bài nhạc chế hài hước nhưng cũng không kém phần thực tế “Tôi nghe xăng tăng chợt thấy nao lòng, vội vàng cất xe”…
Hôm nay, giá xăng đã trở về mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Nhìn lại thời điểm những năm 2010-2011, khi mỗi lần xăng tăng giá là một lần xã hội “nín thở” vì lạm phát “rập rình” nhích lên. Bốn năm sau, cái tâm trạng “cuống cuồng” đó đã biến mất. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh hàng chục lần, trong đó có những lúc giá xăng tăng 5 lần liên tục.
Sự khác biệt ở đây chính là niềm tin, khi dư luận đã thực sự tin rằng việc tăng giá xăng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và sẽ không tác động mạnh tới lạm phát. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thì kỳ vọng lạm phát đã giảm mạnh.
Nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015 đã bắt đầu như thế, với những bất ổn vĩ mô không nhỏ mà câu chuyện về giá xăng là một điển hình, trong khi mục tiêu tăng trưởng trước mắt vẫn được đặt ra.
Đúng lúc ấy, “cỗ máy” động lực phát triển được xây dựng trên nền móng những cải cách trước đây bắt đầu tỏ ra yếu dần… Mọi con mắt đổ dồn về phía Chính phủ, cơ quan chỉ đạo, điều hành kinh tế.
Vậy bài toán với 3 biến số - ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế - đã được giải như thế nào dưới áp lực khủng suốt khoảng thời gian đó?
Lựa chọn khó khăn
Có thể hình dung cỗ máy kinh tế như một chiếc xe 2 bánh, ổn định vĩ mô như thế cân bằng để xe không đổ, còn tăng trưởng giống như tốc độ xe đi. Lúc đường êm, máy tốt, xe vừa đi nhanh vừa tự khắc cân bằng. Nhưng khi bất ổn, xe không những chòng chành dễ đổ mà còn khó tiến lên phía trước.
Khi ấy, với nguồn lực có hạn, thúc đẩy tăng trưởng có thể làm gia tăng bất ổn vĩ mô và ngược lại, giải pháp ổn định vĩ mô có thể kìm hãm tăng trưởng, buộc người lái phải ưu tiên lựa chọn.
Ngày 24/2/2011, hơn 1 tháng sau Đại hội Đảng XI nhiệm kỳ 2011-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Trong bối cảnh “giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô”, chỉ số giá tiêu dùng vọt lên mức 2 con số và gây ra những tác động tai hại, Nghị quyết xác định tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Và kể từ đó, suốt một thời gian dài cho đến tận gần đây, hầu như Nghị quyết phiên họp nào của Chính phủ cũng nhắc tới ổn định vĩ mô như một yêu cầu tiên quyết và nền tảng không được phép lơ là.
Mặt khác, chúng ta cũng không thể “hi sinh” hoàn toàn tăng trưởng và trên thực tế, Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn để đạt mức tăng trưởng cao nhất trong chừng mực có thể mà không ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô.
Kết quả là sau khi xuống đến mức thấp nhất trong năm 2012 (5,25%), mũi tên tăng trưởng trong biểu đồ bắt đầu hướng lên, đạt 5,42% trong năm 2013. Năm 2014 này, mức tăng trưởng từ 5,8 đến xấp xỉ 6% đã nằm trong tầm tay và năm 2015 dự báo có thể đạt 6,2%, xấp xỉ mức 6,24% của năm 2011.
Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, lạm phát đã giảm dần một cách ấn tượng suốt từ năm 2012 đến nay và năm 2014 nhiều khả năng sẽ chỉ ở mức 4%. Cùng với đó là lãi suất giảm dần, dự trữ ngoại hối tăng cao…
Vẫn còn đó nhiều vấn đề, nhưng hiển nhiên là tình thế đã không còn “căng dây đàn” như vài năm trước. Nhiều chuyên gia đồng thuận cho rằng ổn định vĩ mô chính là thành tựu ấn tượng, rõ ràng và bền vững nhất trong thời gian qua. Quan trọng hơn nữa, niềm tin vào sự ổn định đã được củng cố vững chắc (xem thêm tại đây).
Vậy, nên đánh giá thế nào về kết quả xử lý mối quan hệ giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng trong thời gian qua? Có lẽ, cách tốt nhất là đặt trong bối cảnh đã nói ở trên và trong tương quan với mục tiêu đặt ra.
Dù cách diễn đạt có chỗ khác nhau, nhưng về cơ bản, chủ trương chung được Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ xác định từ năm 2011 là: Trong năm 2011 và những năm đầu của kế hoạch 5 năm, tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tiến tới ổn định một bước vững chắc hơn về kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2013; những năm sau có điều kiện sẽ tăng trưởng cao hơn.
Như vậy, về cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát, đúng theo chiều hướng đã đề ra. Chúng ta đã quay trở lại đà tăng trưởng của đầu giai đoạn, nhưng với sự ổn định vĩ mô vững chắc hơn nhiều. Cái vòng luẩn quẩn “tăng trưởng-lạm phát-chống lạm phát-giảm tăng trưởng…” đã được chặn và khó có thể trở lại. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo xu hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng dần từ nay đến năm 2016.
Những lời kêu ca, phàn nàn về “sức khỏe” của doanh nghiệp, những lo ngại về tốc độ tăng trưởng chưa được như mong muốn trong thời gian qua là có lý, nhưng những khó khăn của doanh nghiệp và của tăng trưởng chính là “vị đắng” của “liều thuốc” ổn định vĩ mô được chỉ định để nền kinh tế trở lại bình thường. Không còn lựa chọn nào khác.
Mục tiêu trước mắt và tầm nhìn xa
Phải thấy rằng trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm, cơ quan điều hành cũng đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Lý do là những mục tiêu ngắn hạn, cụ thể là ổn định vĩ mô và tăng trưởng qua từng năm, đã chiếm rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực.
Chỉ từ đầu năm 2014, khi tình hình dần trở lại trạng thái ổn định, việc hoạch định chính sách ở cấp cao nhất mới có thể dồn lực cho đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, cho những nhiệm vụ trung và dài hạn.
Mặt khác, chỉ sau khi Hiến pháp mới được ban hành vào cuối năm 2013 thì nhu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế mới có khung khổ pháp lý để trở thành hiện thực trong thực tế.
“Làn sóng đổi mới lần hai” được nhiều chuyên gia đề cập khi nói về những cải cách đã được Chính phủ phát động với Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được phát đi vào ngày đầu tiên của năm 2014.
Khẳng định những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, Thông điệp chỉ rõ: “Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Thông điệp đã đưa ra những quan điểm mới mẻ về vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển, về giới hạn của những việc mà Nhà nước cần làm và nên làm, những việc mà xã hội và thị trường làm tốt hơn Nhà nước, về quyền làm chủ của người dân, về cạnh tranh bình đẳng, về việc lấy chuẩn mực quốc tế trong cuộc ganh đua toàn cầu…
Và thực hiện đúng cam kết trong Thông điệp, trong suốt năm 2014, Chính phủ và Thủ tướng đã không ngừng nghỉ đưa ra những giải pháp đột phá thể chế kinh tế.
Có thể nhắc đến ở đây việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia với cách làm mới; đó là việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… theo hướng bảo đảm thực thi quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
Đó là việc Thủ tướng đích thân đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, sau đó, làm việc với từng bộ, ngành để thúc đẩy cải cách và tại đây, ông đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu đổi mới, “không thể nghĩ như cũ, làm như cũ nữa”. Một phát ngôn điển hình của ông khi làm việc với Bộ Công Thương: “Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đòi hỏi, phải sửa vì thực tiễn cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ của chúng ta”.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ đã xác quyết rằng có một cách khác tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng hơn thế, cải cách thể chế còn là lời giải cho hàng loạt câu hỏi nóng bỏng về những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, mà bấy lâu chúng ta “loay hoay” mãi không tìm được lời giải trong khuôn khổ cũ.
Những câu hỏi ở thì hiện tại, nhưng có thể tin câu trả lời được khởi động trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ này sẽ có giá trị bền vững.
Hà Chính

DẦU THÔ VÀ NGÂN SÁCH
Bài của HẢI LÝ trên TBKTSG 14/11/2014
(TBKTSG) - Trong ngắn hạn, nguồn thu nào sẽ bù đắp cho số hụt thu từ dầu khí nếu giá dầu quốc tế còn rơi?
Số thu từ dầu thô mà ngân sách nhà nước có được năm ngoái lớn hơn gấp hai lần toàn bộ số chi cho ngành y tế. Đấy mới chỉ ở chiều xuất khẩu. Nếu tính cả số thu từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, hẳn sự đóng góp của dầu khí vào ngân khố quốc gia không thấp hơn bao nhiêu so với mức chi cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, năng suất lao động thấp, liệu dầu thô có tiếp tục trở thành cứu tinh đối với ngân sách, phụ thuộc vào sự biến động giá của nó trên thị trường quốc tế, nơi tầm kiểm soát của Việt Nam không với tới được!
Dự toán 98 đô la Mỹ/thùng
Giá dầu thô mà ngân sách dự toán cho số thu năm nay là 98 đô la Mỹ/thùng, khá hợp lý vì từ giữa năm 2011 giá dầu thế giới luôn ở mức cao. Suốt tám tháng đầu năm 2014, giá dầu quốc tế dao động quanh mức 100 đô la Mỹ/thùng. Trên thực tế, trong ba quí đầu năm giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam cao hơn nhiều so với dự toán.
Từ đầu tháng 9-2014, giá dầu quốc tế liên tục lao dốc, có lúc chạm 76,3 đô la Mỹ/thùng, cách xa mức dự toán của ngân sách. Trong trường hợp giá dầu không tăng lại trên mức 80 đô la Mỹ/thùng, số thu ngân sách từ dầu thô trong quí cuối cùng của năm nay và năm sau sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành dầu khí Việt Nam là liên doanh Vietsovpetro. Hàng năm tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được chia từ liên doanh này và từ các hợp đồng phân chia sản phẩm với các đối tác khác khoảng 10.000-20.000 tỉ đồng, tùy năm.
Trước đây, PVN được giữ lại một nửa con số được chia để tái đầu tư, nhưng gần đây mức phân chia giữa tập đoàn và ngân sách đã chuyển sang tỷ lệ 25/75. Nay khi giá dầu giảm, lợi nhuận được chia từ các đối tác sẽ giảm đi, và hiển nhiên là công cuộc đầu tư cả trong và ngoài nước của PVN sẽ chịu tác động trực tiếp.
Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014, tập đoàn cho biết ở nước ngoài PVN hiện đang hợp tác khoan với các nước 11 giếng dầu, trong đó 9 giếng đã kết thúc và 2 giếng đang thi công. Theo báo cáo tài chính năm 2012 được Deloitte kiểm toán, chi phí phát triển mỏ cho các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài đến ngày 31-12-2012 của PVN lên tới 19.774 tỉ đồng. Những liên doanh tầm cỡ nhất trong mảng đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn là Rusvietpetro và Gazpromviet tại Nga; Petrocamareo tại Venezuela, ba liên doanh tại Singapore.
Sẽ linh hoạt thuế suất?
Tổng cục Hải quan cho biết số thu thuế nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng đầu năm tăng 19,4% so với cùng kỳ. Rõ ràng nhu cầu tiêu thụ xăng và các sản phẩm dầu của Việt Nam ngày càng tăng. Quan trọng là giá xăng dầu nhập khẩu tăng đã trực tiếp làm tăng số thu thuế. Bây giờ giá xăng nhập giảm, giá bán lẻ cũng giảm, số thuế thu được trên mỗi lít xăng bán ra đương nhiên giảm theo.
Để đảm bảo nguồn thu, phương thức khả dĩ mà Bộ Tài chính không thể không tính tới là điều chỉnh nâng thuế nhập khẩu xăng dầu. Khung thuế suất nhập khẩu xăng dầu rất rộng, từ 0-40%. Hiện mức thuế áp dụng cho nhập khẩu xăng là 18%, dầu hỏa 16%, dầu mazut 15%, dầu diesel 14%. Khi thuế suất tăng, giá bán lẻ xăng và dầu các loại sẽ không thể giảm tương ứng với mức giảm quốc tế. Lúc đó người tiêu dùng sẽ thiệt.
Giá xăng dầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. Trong rủi có may. Do sức mua yếu, từ đầu năm đến nay chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 2,36% so với cuối năm ngoái, thấp nhất trong 11 năm. CPI tháng 11 được dự báo sẽ không có nhiều biến động, thậm chí có thể chỉ tăng yếu ớt 0,1-0,2% so với tháng 10 do lần gần đây nhất giá xăng bán lẻ đã giảm tới 950 đồng/lít.
Ở phía doanh nghiệp, dù muốn hay không PVN sẽ phải lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với giá dầu thô quốc tế, trong đó có chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2013 của tập đoàn chỉ ra chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 của PVN là 17.848 tỉ đồng; năm 2013 là 19.298 tỉ đồng. Với sức rơi khoảng 25% của giá dầu thô quốc tế từ tháng 9-2014 tới nay, PVN không thể nộp ngân sách nhiều như năm ngoái nếu không tăng sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu. Mức điều chỉnh, thí dụ, 10-15% số nộp ngân sách của tập đoàn đủ bằng số thu ngân sách một năm của một số địa phương.
Trong khi đó, những diễn biến trên thị trường dầu thô quốc tế cho thấy “cuộc chiến giá dầu” (xem TBKTSG số 43, ngày 23-10-2014) mới chỉ bắt đầu và nó sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị thế giới. Đồng rúp Nga đang mất giá từng ngày một phần cũng bởi giá dầu. Việt Nam đang khởi động một số dự án lọc dầu mới và mở rộng những dự án với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đô la Mỹ. Các dự án này không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của giá dầu.
Nhìn xa hơn, liệu có sự liên quan nào đó giữa biến động giá dầu thô và giá cả các mặt hàng năng lượng, nông sản, kim loại quý trên thị trường hàng hóa toàn cầu? Chưa biết mối quan hệ giữa chúng sẽ đi về đâu, nhưng Việt Nam không chỉ xuất dầu thô, Việt Nam còn xuất khẩu cao su, cà phê, tiêu, gạo...; xuất than đá và nhập than đá... Có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách nên quan tâm nhiều hơn đến giá dầu vì dầu thô là câu chuyện của ngân sách trước mắt và cả nền kinh tế lâu dài.
Tác động hai mặt của việc giá dầu giảm
Giá dầu trên thế giới giảm có tác động hai mặt đến Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên giá dầu giảm 25% thì thu nhập từ xuất khẩu dầu thô cũng giảm. Hàng năm PVN đóng góp đến gần 30% GDP nên nhìn từ góc độ vĩ mô thì giá dầu giảm là mặt tiêu cực.
• PVN chưa bao giờ công bố mức giá hòa vốn khai thác trên một thùng dầu thô. Do vậy cũng khó tính toán được mức lời của tập đoàn này, và do đó, rất khó dự đoán sự thâm hụt thực sự của nguồn thu chính phủ khi giá dầu giảm.
• PVN cũng đem tiền đi đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí ở nước ngoài nên giá dầu giảm cũng phần nào làm giảm lợi nhuận của tập đoàn này. Nhưng PVN luôn báo lỗ khi đầu tư ra nước ngoài; cho nên nhân việc giá dầu giảm, cũng nên chấm dứt việc đầu tư tràn lan mà nên tập trung nguồn lực vào thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam là nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm (hơn 70% nhu cầu nội địa) và nhiều nguyên vật liệu có nguồn gốc từ dầu thô như phân bón, sợi tổng hợp... cho nên giá dầu giảm 25% cũng góp phần kích thích các ngành công nghiệp vận chuyển và kéo theo tăng trưởng của những ngành sản xuất khác. Nó cũng góp phần tăng sức mua, sức tiêu thụ của người dân. Do vậy, nhìn từ góc độ người tiêu dùng thì giá dầu giảm là mặt tích cực.
• Cũng như một vài quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam vẫn phải trợ giá cho xăng dầu. Trong tương lai, với giá dầu giảm như hiện nay, có lẽ Chính phủ sẽ cân nhắc bỏ việc trợ giá và “thả” cho giá xăng dầu theo giá thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu ở Việt Nam vì Chính phủ và các tổ chức này phải minh bạch giá xăng dầu nhập cảng cùng với chi phí đi kèm. Về dài hạn, đây là một điều có lợi đối với người tiêu dùng.
• Hiện tại, việc “bán đi mua lại” dầu thô và “mua đi bán lại” xăng dầu thành phẩm không minh bạch trong một thời gian dài đã làm giàu cho một số doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này và người dân thì phải trả phí xăng dầu cao ngất ngưởng.
Nếu Việt Nam sử dụng phần lớn nguồn dầu thô khai thác được để sản xuất xăng dầu và các phó sản đi kèm (phân bón, sợi tổng hợp...) thì đây có lẽ là một nguồn nội lực lớn của quốc gia - xem đây như là nguồn cung cấp năng lượng để phát triển các ngành công nghiệp khác và cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước. Nếu như vậy thì có lẽ giá dầu giảm cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách như hiện nay.
Nhóm nghiên cứu dầu khí Houston
Đọc thêm: