Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

20141121. DƯ ÂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỌC THƯ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GD ĐT GỬI THẦY CÔ
Bài của GS Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyên Tuan / Quechoa 20/11/2014
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
***
Hôm nay, điểm qua một loạt báo thì thấy lá thư của ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục gửi các thầy cô và nhân viên trong ngành giáo dục. Thông thường những ngày như thế này các vị lãnh đạo thường có những thông điệp đến người trong ngành, và thông điệp thường có những ý tưởng và những câu phát ngôn rất hay. Tuy nhiên, đọc qua lá thư của ngài bộ trưởng họ Phạm tôi thấy không hay, vì chẳng có thông điệp gì đáng chú ý cả.
Đó là chưa nói đến cách viết có thể nói là rất … lạ lùng. Chúng ta thử đọc từng đoạn xem sao:
 
1. Vào đầu, ông viết "Kính gửi: Các cô giáo, thầy giáo". Chú ý là có "tiến bộ" ở đây vì ông đưa các cô lên trước các thầy, rất Tây! Chẳng có gì đáng nói ở đây, nhưng nếu tôi là ông có lẽ tôi không viết "Cô giáo, thầy giáo", mà tôi sẽ viết thân mật hơn như "Mến gửi các thầy cô".
 
2. Sau đó, ông còn gửi cho "Cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục". Tôi không ở trong nước, nên không hiểu sự khác nhau giữa cán bộ, viên chức, và công chức. Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao gửi cho những người làm hành chính, trong khi Ngày Nhà Giáo là ngày vinh danh các nhà giáo, chứ đâu có vinh danh các viên chức hành chính. Do đó, tôi thấy có sự thừa thải ở đây.
 
3. Đoạn đầu tiên ông viết "Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và công viên chức ngành giáo dục những lời chúc mừng nồng nhiệt." Đoạn này tôi thấy chẳng có thông tin gì cả. Những chữ "chúc mừng nồng nhiệt" chỉ là khẩu hiệu, chứ chẳng có nghĩa gì đáng chú ý. Đây là một đoạn văn không có thông tin.
 
4. Chẳng hiểu sao sau đó, ông dùng chữ "Kính thưa các đồng chí"! Tôi thấy chữ "đồng chí" mang tính chính trị, và rất ngạc nhiên ông đem cái chính trị tính đó vào lá thư đáng lẽ mang tính thân mật.
 
5. Đoạn kế tiếp rất thú vị: "Trong thời gian vừa qua, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, bằng sự chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta đã triển khai một số công việc liên quan đến việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng cường kỷ cương kỷ luật đi liền với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo, đổi mới việc dạy và học, kiểm tra đánh giá và thi cử… nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, và đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ."
 
Thấy gì trong đoạn văn này? Thật ra, đó là một câu văn rất dài. Tôi đếm có đến 144 chữ! Vì quá nhiều chữ và nhiều ý, nên đọc xong, tôi không hiểu gì cả. Đọc lại thì chỉ thấy toàn những khẩu hiệu quen quen: "phát triển năng lực", "chủ động", "sáng tạo", "nâng cao", "khích lệ", v.v. Toàn bộ câu văn là một sự thất bại thê thảm cả về hình thức lẫn nội dung.
 
6. Sau một câu văn thật dài, ông cho chúng ta một câu văn rất ngắn: "Nhân dịp này, tôi xin gửi đến các đồng chí lời cảm ơn trân trọng." Lại thêm một câu văn chẳng có đầu đuôi. Chẳng biết cám ơn về cái gì. Câu văn cũng chẳng ăn nhập gì với câu văn rất dài ở trước đó. Tại sao không nói lời cảm ơn ngay từ đoạn văn đầu, hay trong đoạn văn kết thúc? Thật không hiểu nổi dòng suy nghĩ của ngài bộ trưởng.
 
7. Sau một câu văn ngắn, ông quay lại câu văn rất dài nữa! Đoạn kế tiếp có 2 câu văn: "Trong thời gian tới, các công việc đổi mới giáo dục sẽ được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta sẽ quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, phát huy truyền thống và sức mạnh của mình, khắc phục mọi yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân."
 
Câu văn đầu trong đoạn văn chẳng ăn khớp gì với câu trước đó, và cũng chẳng có thông tin gì đáng chú ý. Câu văn kế tiếp chẳng có ăn nhập gì với câu văn đầu. Tự dưng cái Nghị quyết 29 nó xuất hiện, mà chẳng được đề cập trước đó! Một lần nữa, câu này rất dài (115 chữ) và cũng có rất nhiều khẩu hiệu quen thuộc. Điều thú vị là lần này thì ông thay đổi vị trí với nam đứng trước nữ ("thầy cô giáo").
8. Sau đó là thêm một câu chúc chung chung ("Kính chúc các đồng chí cùng các thành viên trong gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công"), và ông kí tên là "GS.TS Phạm Vũ Luận". Một cái chép miệng để tự hỏi tại sao lại phải xưng cái "GS TS" ra làm gì? Đây là lá thư của một người đứng đầu ngành gửi cho người trong ngành, tức là đồng nghiệp, đâu cần cái "râu ria" đó trước tên mình làm gì. Mà, nếu cần râu ria thì ông nên kí là "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".
 
Nói chung, toàn bộ lá thư không có một thông điệp nào đáng nhớ, chứ chưa nói đến đáng chú ý.
 
Phong cách và câu chữ thì vẫn quá cũ, chẳng khác gì thời bao cấp. Còn cách viết thì phải nói là quá lạ lùng, với 2 câu văn dài thườn thuợt, mà lại chẳng ăn khớp với nhau. Kể ra thì cũng đáng tiếc, vì một người kí tên là "GS TS" và "tổng tư lệnh" của một ngành chuyên về giáo dục (tức kể cả dạy văn) nhưng lại viết một lá thư ngắn còn chưa đạt. Tôi không biết các thầy cô dạy văn nghĩ gì về lá thư này?
 
====
***
GIÁO DỤC VÀ CÂU CHUYỆN "GÃI TỪ VAI TRỞ XUỐNG"
 
Bài của XUÂN DƯƠNG/ GDVN/ Quechoa 20/11/2014
 
 

Minh họa của Ngọc Diệp (dantri.com.vn)

***
Người Việt đã xuất khẩu tầu ngầm sang Malaysia, đã chế tạo xe bọc thép cho Campuchia, đã chế tạo máy bay trực thăng, dù chưa bay cao, bay xa cũng được trưng bày như một minh chứng cho nghệ thuật đương đại ở viện bảo tàng New York (Mỹ) và Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Busan (Hàn Quốc).
Điều đáng suy ngẫm là các sản phẩm đó, tuy chưa phải là hoành tráng, tân tiến song lại đáp ứng được nhu cầu của người mua và kỳ lạ hơn lại chỉ do một vài cá nhân sáng tạo ra chứ không phải là của một tập thể các nhà khoa học, của các giáo sư, tiến sĩ.
 
Quay về quá khứ, hàng vạn mũi tên đồng và các bộ phận nỏ Liên châu tìm được ở di tích Cổ Loa đã chứng minh rằng từ xa xưa người Việt đã sáng tạo ra những thứ độc đáo mà thế giới lúc đó chưa có.
 
 Ngày nay, công nghiệp ô tô của Việt Nam thua Campuchia, kỹ thuật của Việt Nam chưa thể sản xuất cái ốc vít cho các mặt hàng điện tử của Sam Sung là điều nhiều người cho là bình thường, không phải người Việt nào cũng ứa nước mắt vì sự yếu kém đó.
 
Vậy thì người Việt thông minh, sáng tạo hay dốt nát, lười biếng?
 
Nhân loại kinh ngạc vì Việt Nam là một trong những nước uống bia đứng đầu thế giới, là một trong 10 quốc gia mà lượng người “chém gió” trên facebook đứng đầu thế giới.
Còn về khoản “ít sĩ diện” thì người Việt thuộc vào hàng nào?
 
 Không ít bài báo biện minh cho chuyện vì sao các doanh nghiệp Việt không đầu tư công nghệ sản xuất ốc vít, rồi cũng có bài viết biện minh cho hành động của người đàn ông nước mắt đầm đìa vì bị bắt chẹt khi mua điện thoại di động ở nước ngoài…Đi khắp Thủ đô, chỗ nào cũng có thể ngồi ăn, từ vỉa hè đến thảm cỏ công viên, ngay cả bên cạnh… lỗ cống, chỗ nào cũng có thể vứt rác,… Có ai xấu hổ khi đọc dòng chữ “cấm đái bậy” kẻ ở khá nhiều vị trí công cộng? Sĩ diện thế là cao hay thấp?
 
Ăn ngon hơn ngày xưa, mặc đẹp hơn ngày xưa, đồ dùng cá nhân “xịn” hơn ngày xưa, mỹ phẩm nhiều hơn ngày xưa nhưng không ít người Việt bây giờ tầm vóc và sức khỏe kém hơn thời chống Mỹ. Khá nhiều người, nhất là lớp trẻ bây giờ xấu hơn ngày xưa, kém hơn ngày xưa xét về phương diện đạo đức và văn hóa cộng đồng.
 
Có quan chức, học giả kể cả người dân quy lỗi cho ngành Giáo dục, rằng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với khu vực vài chục năm chứ chưa cần so với phương tây, rằng lãnh đạo ngành Giáo dục hứa nhiều mà làm được chẳng bao nhiêu, rằng vân vân và vân vân.
 
Nói nhiều như thế nhưng câu hỏi “tại sao nền giáo dục Việt Nam lại như vậy” thì lại rất ít câu trả lời, thậm chí biết mà không dám trả lời.
 
Nền giáo dục của chúng ta là một “nền giáo dục định hướng”, một khi đã định hướng thì khó tránh khỏi có lúc duy ý chí. Giáo dục vì thế không thể dạy cho học sinh, sinh viên những gì cuộc sống cần mà chỉ trang bị cho họ cái mà ý chí cần.
 
Khi ý chí muốn số giáo sư, tiến sĩ của chúng ta phải dẫn đầu Đông Nam Á thì lập tức giáo dục đáp ứng đủ, khi ý chí muốn tỷ lệ tốt nghiệp phải  “đẹp” thì con số sẽ là xấp xỉ 99%, khi ý chí bảo ưu tiên hàng đầu cho công nghiệp thì việc đào tạo đội ngũ giáo viên các cấp chỉ còn “ưu tiên áp chót”, khi ý chí bảo đội ngũ công chức viên chức Việt Nam có chất lượng rất cao thì tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 0,46%... [1]
 
Trở lại chuyện giáo dục, dù có yếu đến mấy về chuyên môn cũng chưa bao giờ có một thầy, cô giáo, một ngôi trường nào dạy học sinh thói ăn cắp, các nhà khoa học cũng chưa bao giờ cho rằng thói ăn cắp là một đặc tính di truyền. Vậy ăn cắp từ đâu mà có?
 
Câu trả lời không phải tìm đâu xa, ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH đoàn Lâm Đồng, ông Nguyễn Bá Thuyền nêu câu hỏi: “Từ năm 1949 -1975 chỉ một ông quản gia quản lý dinh Bảo Đại nhưng không mất thứ gì, sau này bàn giao đầy đủ. Hiện nay, cán bộ quản lý các con dấu, nhưng tài sản vẫn hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân?” [2]
 
“Tài sản hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân” tức là mất cắp, mà đã mất cắp thì tất phải có kẻ ăn cắp, đạo lý ấy người dân hiểu rất rõ, chỉ có một số người “quản lý các con dấu” (như cách nói của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền) là chưa chịu tìm hiểu hoặc tìm mà không hiểu!
 
Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) khi đề cập đến trường hợp nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nêu ý kiến: “nếu chỉ công khai từ vai trở xuống, nhân dân sẽ không tin...”. [1]
Điều mà đại biểu Lê Nam ví von càng nghĩ càng thấy chí lí.
 
Bởi vậy, phê phán, đánh giá một số chức danh có phiếu tín nhiệm cao còn thấp, quả thật mới chỉ  “từ vai trở xuống” thì lỗi không hoàn toàn ở phía các Bộ trưởng. Nói thế không phải là bảo Y tế, Giáo dục, Nội vụ, Văn hóa, Công thương… không có lỗi mà chỉ muốn nêu một ý kiến chân thành, rằng chẳng việc gì phải xấu hổ một khi các vị tư lệnh ngành có ý định quay về lĩnh vực chuyên môn, dư luận chắc chắn sẽ rất… rất thông cảm!
 
Cho đến hôm nay, khi chúng ta nói về đổi mới toàn diện giáo dục, khi mà Quốc hội bàn về sách giáo khoa, thì người dân vẫn cho con đi học không phải với mục đích làm thợ, ít nhất phải trở thành công chức, viên chức nếu không muốn nói là phải trở thành quan chức. Ngay cả nhà giáo còn thích hàm tướng hơn hàm giáo sư thì đừng nói nhiều đến chuyện đổi mới giáo dục.
 
Giáo dục đã thành công trong việc xóa nạn mù chữ, nhưng vẫn chưa thực sự được xem là phương tiện duy nhất đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
 
Vậy thì, nhìn vào Giáo dục nên thương hay nên giận?
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét