Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

20141108. KHOA HỌC VIỆT NAM CŨNG CẦN PUBPEER !

ĐIỂM BÁO MẠNG

PUBPEER: MỘT GÃ KHOA HỌC MỚI ĐÁNG GỜM !
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB nguyen tuan/Quechoa 7/11/2014

***
Trong thế giới khoa học, mới xuất hiện một "gã" rất đáng gờm: PubPeer. Thật ra, đó chỉ là cách nói ví von, vì PubPeer không phải là một cá nhân nào cả, mà là một trang web gần như là nặc danh: www.pubpeer.com. Ý tưởng của trang web là bình duyệt những bài báo khoa học SAU khi đã được công bố. Những nhận xét và phê bình của họ rất nghiêm chỉnh, và gây tác động khá lớn đến cộng đồng khoa học, vì nó phơi bày những công trình nghiên cứu thiếu nghiêm túc, những công trình mà phương pháp có vấn đề, nhưng lại được công bố. Dù những phê bình của họ là rất nghiêm chỉnh, nhưng họ nặc danh (phần lớn), và điều này gây đau đầu cho nhiều người.
PubPeer trở thành nổi tiếng vì một vụ kiện, hay đúng hơn là bị đe doạ kiện. Nguyên đơn là Fazlul Sarkar, một giáo sư về ung thư học có tiếng của ĐH Wayne State. Ông là một nhà khoa học thuộc vào hạng "highly cited", với 38 bài có trích dẫn trên 100 lần! Gs Sarkar được ĐH Mississippi bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng hơn, và ông đã bán nhà ở Detroit để chuyển về bang Mississippi.
Nhưng đùng một cái, PubPeer có bài bình luận về những bài báo của ông với những nhận xét tiêu cực. Họ nói rằng những nghiên cứu của ông là "sloppy", có thể hiểu là bất cẩn và lõng bõng. Họ tỏ vẻ nghi ngờ dữ liệu thí nghiệm của ông, và thách thức ông công bố dữ liệu cho cộng đồng khoa học xem. Chẳng hiểu vì lí do gì, những nhận xét thuần tuý khoa học này cũng được ai đó gửi cho các giới chức của ĐH Mississippi. Thế là ĐH Mississippi huỷ bỏ sự bổ nhiệm Gs Sarkar, làm cho ông chới với, mất việc ở cả hai trường đại học, và không có nơi "nương tựa". Gs Sarkar đệ đơn kiện PubPeer ra toà về tội defamation (phỉ báng?), và yêu cầu PubPeer phải tiết lộ danh tính của người viết bình luận bài báo của ông.
Câu chuyện chưa đến hồi kết, nhưng qua đó người ta mới chú ý đến PubPeer. Theo như họ tự nhận, PubPeer là trang web do một nhóm chủ yếu là postdoc (nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ) chủ trương. Họ còn trẻ, và rất bức xúc trước tình trạng chuẩn mực nghiên cứu khoa học càng ngày càng bị xuống cấp vì chạy theo phong trào "publish or perish" (công bố hay là chết). Họ là những người chứng kiến những gian lận trong nghiên cứu, vặn vẹo dữ liệu, sửa dữ liệu, v.v. nhưng vì ở vị trí thấp trong nấc thang khoa học, họ không dám nói. Mà, có nói thì cũng chẳng tập san nào công bố. Nhưng internet cho họ một phương tiện dân chủ. Chính vì thế mà họ lập ra trang web PubPeer để bình duyệt những bài báo có vấn đề mà họ [có thể] biết rất rõ.
Có thể xem đây là việc làm "post publication review" (bình duyệt sau công bố). Nó bổ sung cho những bình duyệt trước khi công bố. Vì có khi bình duyệt trước công bố không nhận ra hết các vấn đề, nên PubPeer làm cái việc mà chẳng ai làm trước đây. Đã có những bài báo nổi tiếng trên các tập san hàng đầu bị rút lại, phải chỉnh sửa, và đính chính, chỉ vì PubPeer chỉ ra những sai sót trong đó. Tôi có xem qua vài bình luận thì thấy phần lớn là có phẩm chất tốt. Họ chỉ ra những hình ảnh đáng nghi ngờ, những phân tích thống kê sai, những con số không ăn khớp, v.v. Nói chung là nghiêm chỉnh, chứ rất ít những bình luận linh tinh. Rất nhiều nhận xét liên quan đến thống kê và ứng dụng thống kê, và những nhận xét này nặng như "búa tạ" vì tác giả chỉ biết … nhận lỗi chứ không cãi được. Chẳng hạn như có nhận xét rất kĩ thuật như "There appears to be an error here. The authors compare a higher-order model with one higher-order factor and four first-order factors to a model with four correlated first-order factors and report that the higher-order model has significantly better fit," hay "Looks like at least one of the reported RMSEA values is wrong too. The chi-square, sample size, and degrees of freedom for the US sample suggest that RMSEA should be .08 and not .05 as they report," theo tôi phải là người am hiểu thống kê mới biết được sự tinh vi của vấn đề. Do đó, không ngạc nhiên khi họ nổi tiếng và bắt đầu có ảnh hưởng trong khoa học.
Tôi thấy PubPeer xuất hiện đúng lúc trong khi khoa học có quá nhiều phát hiện dương tính giả. Nó sẽ điểm mặt những tên lưu manh trong khoa học đang làm thấp khoa học. Và, PubPeer sẽ có tác dụng làm sạch khoa học trong tương lai. Tôi nghĩ Việt Nam chúng ta cũng cần có một PubPeer như thế để điểm qua những nghiên cứu dỏm và có vấn đề đang có mặt tràn lan trên các tạp chí ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét