Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

20141114. XUNG QUANH CHUYỆN PHẠM QUỐC HẢI CHẾ TẠO XE BỌC THÉP CHO CAMPUCHIA

ĐIỂM BÁO MẠNG
"ĐAM MÊ CỦA TÔI KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH Ở VN"
Phỏng vấn Phạm Quốc Hải /BBC/ Quechoa 11/11/2014
Ảnh :Xe bọc thép mà cha con ông Trần Quốc Hải đóng mới cho quân đội Campuchia 

Một nhà sáng chế ở tỉnh Tây Ninh vừa được Campuchia phong tặng Huy chương Đại tướng quân vì đã giúp sửa chữa xe bọc thép cho quân đội nước này.

Ông Trần Quốc Hải, ở tỉnh Tây Ninh, và con trai là Trần Quốc Thanh đã được Nhà nước Campuchia vinh danh.

Ông Hải cũng là người từng chế tạo máy bay trực thăng và nhiều máy móc công nghiệp mà báo chí Việt Nam từng phản ánh. Tuy nhiên ông nói ở Việt Nam, đam mê của ông không được khuyến khích.
Ông Trần Quốc Hải: Xe bọc thép ở các nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thì đại đa số là dùng xe của Liên Xô cũ, nhiều xe đã trong tình trạng hỏng hóc.

Những xe này cũng không phù hợp với địa hình và điều kiện địa phương nên các tướng lĩnh Campuchia họ muốn có một loại xe phù hợp hơn.

Người Campuchia họ biết là tôi có năng lực, chế tạo máy bay rồi máy móc công nghiệp nên họ mời tôi sang, Trước hết là sửa máy nông nghiệp, sau đó thấy xe bọc thép Liên Xô chế tạo hỏng rất nhiều họ yêu cầu mình khắc phục.

Khắc phục được 11 chiếc thì họ biết mình có năng lực rồi nên họ bàn làm sao chế tạo xe bọc thép mới để không phụ thuộc vào nước ngoài.

Tới nay thì tôi cũng mới chỉ bắt đầu chế tạo hoàn toàn một chiếc xe bọc thép phù hợp với điều kiện Đông Dương.

Campuchia họ đang muốn xây dựng nhà máy để chế tạo 100 chiếc, thay thế cho loại xe của Liên Xô đã không còn phù hợp nữa.

Hiện tôi mới chỉ chế loại xe sáu bánh, họ yêu cầu chế xe tám bánh.

BBC: Thế ở Việt Nam, giới chức quân đội họ có tiếp cận ông và đề nghị ông làm việc cho họ không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chưa nghe thấy ai đề nghị gì cả.

BBC: Trước kia ông đã từng chế tạo cả trực thăng, rồi máy móc, báo chí cũng đã viết nhiều về ông. Vậy mà chính quyền tỉnh và trung ương không tiếp cận ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Cũng có tiếp cận, rồi thưởng bằng khen. Thế nhưng cơ chế của Việt Nam nó rất là ngộ.

Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học.

Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận.

Khi làm trực thăng thì họ nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn tranh luận ra ngô ra khoai.

Tôi nói ở châu Âu người ta làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là người Việt Nam chứ.

Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn bản. Họ nói: “Anh chế rất là là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”.

BBC: Như vậy, ông không có dự án gì ở Việt Nam ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Các dự án lớn thì cần quy hoạch của chính phủ. Không có kế hoạch của chính phủ, một mình mình thì không làm gì được.

BBC: Vừa rồi, ông được Campuchia vinh danh phải không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Họ tặng tôi huy chương Đại tướng quân, do Quốc vương Sihamoni ký lệnh và Thủ tướng Hun Sen trao tặng. Họ cũng đối xử với tôi như cấp tướng. Sống, sinh hoạt bên Campuchia họ cho tôi hưởng tiêu chuẩn cấp tướng.

BBC: Ông có ý định sống và làm việc bên Campuchia không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chuyển sang sống hẳn bên đó thì tôi chưa có ý định, nhưng người Campuchia rất thân thiện và tạo điều kiện cho tôi thực hiện những đam mê của tôi nên tới đây chắc tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ.

Khoa học không có biên giới, nơi nào họ cần mình, họ coi trọng mình thì mình đến phục vụ cho họ. Đơn giản thế thôi.


XUNG QUANH CHUYỆN NGƯỜI VIỆT CHẾ TẠO XE BỌC THÉP CHO CAMPUCHIA
Bài của NGUYỄN TRƯỜNG THỤY/RFA/ Quechoa 12/11/2014
Ông Trần Quốc Hải và gia đình với những xe thiết giáp do cha con ông làm ra
***

Nghĩ đến chuyện bố con ông Trần Quốc Hải ở Tây Ninh chế tạo hàng loạt xe bọc thép cho Campuchia được quốc vương nước này tặng huân chương Đại tướng quân, mình không khỏi băn khoăn, sao ông này tính quẩn thế.

Không chế tạo cho nước mình mà lại đi chế tạo cho thằng Campuchia, nhỡ nó dùng chính xe bọc thép do người Việt chế tạo đánh nước mình như dạo 1978-1979 thì sao. Dại tướng quân chứ đại gì.
Nhưng nghĩ lại, cha con ông Hải chẳng qua cũng phải làm một việc cực chẳng đã, chứ ông đâu có ham danh hiệu Đại tướng quân như ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thơ tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ham danh hiệu anh hùng lực lượng võ trang.

Cùng đam mê sáng chế như ông có ông Bùi Hiển 60 tuổi ở Bình Dương làm máy bay trực thăng. Ông được gọi là “cha đẻ của máy bay trực thăng” (tất nhiên là ở Việt Nam chứ không phải toàn cầu). Làm đến chiếc thứ hai rồi nhưng vẫn canh cánh lo nó không được thi thố với đời. Nghe nói ông có mời cả mời cả chuyên gia hàng không hạ cố đến để thẩm định sản phẩm của mình. Ông tâm sự, điều ông mong mỏi nhất là các nhà sáng chế nông dân như ông được nhà nước quan tâm đến, để cống hiến tài sức cho dân tộc. Chỉ cần được “bật đèn xanh”, ông Hiển có thể chế tạo cho Việt Nam chiếc trực thăng không chỉ bay được mà còn bay cao, bay xa, đạt tiêu chuẩn của thế giới. Nhưng điều khó khăn nhất đối với nhà sáng chế chính là việc được cấp phép thử nghiệm. Ông Hiển cho biết đã làm đơn, làm kế hoạch một cách bài bản để gửi đi nhiều cơ quan quản lý, nhưng câu trả lời vẫn là… chờ đợi.

Nhắc đến ông Bùi Hiển, mình lại nhớ đến anh chàng thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng ở Long Biên chế tạo máy bay trực thăng nhưng bị cấm, bắt viết cam kết từ nay không được chế tạo máy bay nữa. Rồi bên quân đội thì bắt anh cam kết không được tiếp tục nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, phải giữ nguyên hiện trạng chiếc máy bay. Bộ đội thì bắt để nguyên trạng, nhưng công an lại bắt tháo máy, tháo cánh ra nên anh chẳng biết nghe ai. Hai trăm triệu anh bỏ ra có nguy cơ biến thành dúm sắt vụn.
Nói về niềm đam mê sáng chế, có thể kể thêm ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình). Ông tự chế chiếc tàu ngầm mini, với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. Ông Hòa đã bỏ ra 1 tỷ đồng để chế tạo nó nhưng chưa thành công. Cầu mong cho công trình của ông thắng lợi để mang ra Hoàng Sa, Trường Sa, thách thức Hải quân Trung Cộng, chứ còn trông chờ ở tàu chiến của ông Phùng Quang Thanh thì… e rằng bị 16 chữ vàng khống chế.

Kể vài ví dụ về việc dân thường sáng chế để nói rằng, người Việt Nam mình cũng tài lắm chứ, đâu có kém thông minh hơn thiên hạ. Chỉ có điều, sức sáng tạo của họ thường vấp phải thế lực vô hình cản trở, đó là thằng “cơ chế”. Thằng này bao giờ cũng kìm hãm sự phát triển nhưng nó lại có quyền. Ai nghĩ ra cái gì mà trình độ của nó không kiểm soát được thì y như rằng khổ với nó. Điều trớ trêu là những nhà sáng chế trên, cấm ai có nổi cái bằng tiến sĩ, trong khi tiến sĩ nước ta có tới hàng vạn (theo Vietnamnet, con số này là 24000).

Trở lại chuyện của ông Trần Quốc Hải. Ông đã từng chế tạo máy bay trực thăng. Ông cùng ông Lê Văn Danh đã sản xuất đến chiếc máy bay thứ hai. Nhưng hai chiếc máy bay trực thăng “made in Việt Nam” do các ông chế tạo đã được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Hình như hai chiếc này chế tạo chưa thành công cho nên mới bán để đưa vào Viện Bảo tàng. Nhưng tại sao các ông không bán (hay không bán được) ở Việt Nam để cho người Việt Nam đến tham quan, học hỏi?

Có lần, máy bay của hai ông đang trong giai đoạn "thăng" thử (tức là nhấc bụng lên khỏi mặt đất) thì bị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh bắt về "giam" ở trụ sở huyện đội huyện Tân Châu, nằm chờ cấp trên xác minh, kết luận.

Ấy vậy mà cuối cùng, cha con ông Trần Quốc Hải đã tìm ra lối thoát. Đó là cống hiến tài năng, tâm huyết cho nước khác và được trọng dụng ngay. Tưởng nước khác là Mỹ hay Tây Âu thì nó thoáng đã đành, ai ngờ lại là anh Campuchia - cái quốc gia mà mỗi khi nhận ra thua kém thiên hạ, người ta lại lôi nó ra để tự an ủi rằng Việt Nam chưa đến nỗi bét thế giới.

Quốc vương nước này còn cấp giấy chứng nhận cho cha con ông Hải - công dân Việt là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB để ghi nhận những đóng góp của 2 người cho nền kỹ thuật của đất nước, mà “đất nước” ở đây lại không phải Việt Nam, thế mới đau chứ.

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.



"HỌ COI TRỌNG MÌNH THÌ MÌNH ĐẾN PHỤC VỤ CHO HỌ"
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN /FB Nguyen Tuan / Quechoa 12/11/2014
***
Ảnh Ngoài máy trồng mì, ông Trần Quốc Hải còn sản xuất hàng loạt máy như máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy bón phân..., cơ giới hóa gần như toàn bộ quy trình trồng mì. Theo RFA

Đó là câu nói chí lí của ông Trần Quốc Hải, người mới được phong tướng quân bên Kampuchea. Đọc tin về hai cha con làm xe bọc thép cho Kampuchea (KPC) và được phong tướng quân (1), tôi nghĩ bất cứ ai cũng thấy ngậm ngùi cho thân phận của những người đam mê sáng chế ở VN.

Họ trở thành những người "tị nạn", vì ý tưởng và công trình của họ không được chào đón, thậm chí bị cấm, ngay trên quê hương, để rồi họ phải đi tìm đất khách để thực hiện ước nguyện của mình. 

Hoá ra, hai cha con ông chính là người đã xây dựng chiếc trực thăng mà báo chí nhắc đến trước đây. Số phận chiếc trực thăng đó thoạt đầu không được may mắn vì bị quân đội "bắt giam", nhưng cuối cùng thì cũng có cái may đến từ … Mĩ. Ông Trần Quốc Hải (người chế chiếc trực thăng) cho biết một viện bảo tàng bên New York mua chiếc trực thăng về Mĩ để triển lãm. Phóng viên RFA hỏi ông giá bao nhiêu, ông chỉ lịch sự nói là giá "ưu đãi" và ông "có một số vốn kha khá để tiếp tục công trỉnh của tôi". Nhưng ông không chỉ chế trực thăng, vì sau đó, ông còn chế hàng loạt máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy rải phân, v.v. Ông thực sự là một inventor – nhà sáng chế đúng nghĩa, chứ không phải làng nhàng. 

Nhưng công trình của ông không được chào đón ở VN. Ông nói với phóng viên đài BBC rằng ông gặp rắc rối với chính quyền địa phương và trung ương, vì chiếc trực thăng. Ông nói: "Khi làm trực thăng thì họ nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn tranh luận ra ngô ra khoai" (2). Ông cho biết thêm "Tôi nói ở châu Âu người ta làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là người Việt Nam chứ. Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn bản. Họ nói: “Anh chế rất là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”. Thế thì đã rõ: người ta không muốn ông sáng chế. Có lẽ VN là nước duy nhất trên hành tinh này khuyên công dân mình đừng sáng chế. 

VN không chào đón và cấm ông sáng chế thì ông phải tìm đất lành. Và, cái đất lành đó hoá ra là nơi rất gần VN: Kampuchea. Theo như báo chí mô tả và chính ông thừa nhận thì KPC rất trọng vọng tài năng của ông, nhất là trong việc phục hồi mấy chiếc xe bọc thép do Nga chế tạo. Ông kể rằng thoạt đầu, ông chỉ kí hợp đồng chế tạo máy nông nghiệp cho KPC, nhưng khi thấy xe bọc thép bị hư hỏng, ông đề nghị cho phép ông sửa chữa. (Cần nói thêm rằng mấy xe này từng được các chuyên gia VN sang sửa, nhưng quân đội KPC không hài lòng vì họ sửa mà vẫn còn hư hỏng, và họ không quan tâm đến "khách hàng"). Từ việc sửa xe bọc thép, ông phát hiện rằng mấy xe này không thích hợp với vùng đầm lầy và nhiệt đới Đông Nam Á, nên ông đề nghị quân đội KPC cho ông cải tiến xe bọc thép. Từ cải tiến xe bọc thép, ông tiến lên một bước quan trọng hơn là làm ra xe bọc thép luôn! Như vậy, ông có công khá lớn với KPC, và không ngạc nhiên khi Hoàng gia KPC phong cho ông chức danh "tướng quân". 

Câu chuyện hai cha con ông Trần Quốc Hải làm cho chúng ta phải suy nghĩ về môi trường khoa học kĩ thuật ở VN. Bây giờ thì ai cũng biết VN có 24 ngàn tiến sĩ và hơn 10 ngàn giáo sư, phó giáo sư. Đó là một con số "khủng" trong vùng. Nhưng cái độ ngũ đó làm được gì cho VN? Hình như chẳng làm được gì nhiều. Số bài báo khoa học thì quá thấp. Còn số bằng sáng chế càng kém hơn nữa. So sánh với các nước trong vùng như Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, VN là một nước có ít bằng sáng chế nhất. Số bằng sáng chế được đăng kí ở USPTO chỉ đếm đầu ngón tay. Có năm chẳng có bằng sáng chế nào được cấp. Mới đây, chúng ta còn biết rằng VN thực ra chưa sản xuất được ốc vít! Do đó, công chúng VN chế nhạo giáo sư, tiến sĩ suốt ngày này sang năm khác cũng có lí do. Một đất nước có quá nhiều "sư sĩ" mà làm không được cái đơn giản nhất thì quả là đáng xấu hổ. 

Ấy thế mà khi người khác làm được việc thì họ không để yên, thậm chí mỉa mai, khinh thường. Ông Trần Quốc Hải chua chát nhận xét: "Ở Việt Nam các nhà khoa học không làm được công trình nào cả, còn người làm thì bị gán cho tên ‘Hai Lúa’ như tôi." Có một số chuyên gia nói rằng ông Hải không biết gì về cơ học, điện học, nên không thể nào sáng chế được. Họ mỉa mai rằng chiếc trực thăng do Hai Lúa sáng chế chỉ hơn đồ chơi một chút thôi. Tôi không biết nhận xét như vậy có chính xác không, vì không có dịp nhìn tận mắt ra sao, nhưng qua những sáng chế máy nông nghiệp của ông thì không thể nào nói là "đồ chơi" được. Báo chí nói rằng lần đầu thì trực thăng do ông sáng chế ra cất cánh không tốt, nhưng sau đó qua cải tiến, thì trực thăng cất cánh "ngọt xớt" (chữ của hai ông Hai Lúa). Ôi, tôi thích cách nói đậm chất Hai Lúa và đặc "mùi Nam Bộ" đó quá đi thôi! Như vậy, khó mà nói đó là đồ chơi được. Vả lại, rất nhiều thiết bị quân đội không bắt đầu từ đồ chơi là gì. Đừng xem thường người ta như thế trong khi bản thân mình chưa làm được gì dù với bằng cấp đầy mình. Thật ra, nói theo cách nói của Tây là nếu anh chưa sáng chế được gì thì anh chưa đủ tư cách để đánh giá sáng chế của người khác. 

Nhưng tôi có thể nói rằng việc làm của ông Trần Quốc Hải chẳng khác gì việc làm của ông Soichiro Honda ở bên Nhật lúc mới lập nghiệp. Ông Honda kể lại rằng thời đó (sau thế chiến thứ II), ông là một thợ máy, và ông cũng rất đam mê chế tạo xe. Ông chỉ đơn giản mua xe về, nghiền ngẫm, và cải tiến xe đạp thành xe gắn máy. Hãng của ông chính là căn nhà nhỏ của gia đình. Sau đó thì chúng ta biết cái xe Honda của ông trở thành một danh từ chung của thế giới! Ngay cả sau này khi có chút tiền, ông lập “Honda Technical Research Institute” (Viện Nghiên cứu kĩ thuật Honda), nghe thì rất "hoành tráng", nhưng thực chất chỉ là một ngôi nhà gỗ nhỏ. Nhưng từ những bước đầu nhỏ và đơn giản như thế mà ông có thể xây dựng được một "đế chế" Honda sau này. So với ông Honda, ông Trần Quốc Hải có vẻ hoàn thiện hơn nhiều. Do đó, đừng xem thường những cái sáng chế ban đầu, và cũng đừng mỉa mai người ta là chỉ "hơn đồ chơi" một chút. Nói như thế là kiểu nói rất yếm thế.

Nhưng nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy hình như có khá nhiều người Việt có tài toàn đi đầu quân bất đắc dĩ ở nước khác. Trước đây, vào thế kỉ 15, Hồ Nguyên Trừng từng bị giặc Tàu bắt, và sau này ông có công sáng chế súng cho Tàu. Một người sống vào thế kỉ 15 khác là ông Nguyễn An cũng bị Tàu bắt làm tù binh, và sau này ông trở thành tổng công trình sư thiết kế và xây dựng Tử Cấm Thành cho Tàu. Bọn Tàu dấu nhẹm chi tiết này, mãi đến khi một kí giả Đức phát hiện thì chúng ta mới biết về công trạng của ông. Một người thuộc dòng dõi hoàng tộc là Lý Long Tường, suýt tí nữa bị Trần Thủ Độ thủ tiêu, phải chạy tuốt sang Cao Ly tị nạn, và sau này thành tướng của Đại Hàn. Có thể nói Hoàng tử Lý Long Tường là người tị nạn vượt biển đầu tiên trong lịch sử VN. Sau này thì kỉ lục vượt biển thuộc về người dân miền Nam Việt Nam. Bây giờ chúng ta biết có hàng ngàn, có thể hàng vạn, chuyên gia gốc Việt đang "đầu quân" cho nước ngoài. Trước đây, tôi đọc tin nói rằng người sáng chế ra máy tính IBM là người Việt Nam tên là Trương Trọng Thi (Việt kiều Pháp). Xem ra, các chuyên gia, nhà sáng chế người Việt có duyên với nước ngoài hơn là với Việt Nam. 

Đáng lẽ, theo logic thông thường, một dân tộc như thế thì VN phải giàu có chứ đâu phải nghèo hèn như hiện nay. Quả vậy, ông Lý Quang Diệu từng nhận xét rằng VN đáng lẽ phải là một người khổng lồ, ở vị trí số 1 ở châu Á. Ông nhận xét như thế là vì ông đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo và sự nhạy bén của người Việt, ông hết lời khen sinh viên VN, ông dành những từ ngữ đẹp nhất cho cộng đồng người Việt ở Mĩ. Nhưng ông chê rằng chính quyền VN không biết trọng dụng người tài, và hệ quả là người tài ở Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Phải nói thêm là một số người tài của VN đang đầu quân cho Singapore đấy. Không hiểu khi đọc bản tin về cha con ông Trần Quốc Hải và nhận xét của ông Lý Quang Diệu, các nhà chức trách VN nghĩ gì. Có lẽ họ chỉ nhún vai nói: đã làm đúng qui trình. 


***
AN TOÀN ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN / FB Nguyen Tuan/ Quechoa 13/11/2014
***
Một trong những lí do mà các quan chức VN cấm không cho ông Trần Quốc Hải thử nghiệm chiếc trực thăng do ông ấy chế tạo là an toàn. Họ nói nếu máy bay cháy thì ai chịu trách nhiệm. Người ta còn so sánh các nguyên tắc an toàn ở nước ngoài như Mĩ và Âu châu! Lí do an toàn không phải là không có lí của nó, nhưng nó có cái gì đó ngụy biện, và thiếu tính thuyết phục.
Ở nước ngoài, tiêu chuẩn an toàn rất quan trọng, vì Nhà nước có trách nhiệm với công dân, và Nhà nước sẽ "lãnh đủ" nếu tai nạn xảy ra. Chẳng hạn như một chiếc tàu đi biển thì phải đăng kí với nhà chức trách và họ kiểm tra các thiết bị an toàn trước khi cho phép ra khơi, vì nếu chẳng may tai nạn (như thất lạc trên biển) xảy ra thì Nhà nước phải huy động các phương tiện cứu chữa rất tốn kém. Đó là chưa kể các công ti bảo hiểm phải đền bù, và các công ti này rất chặt chẽ trong việc điều tra sự việc dẫn đến tai nạn. Do đó, các nhà chức trách ở các nước phương Tây đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn rất cao.
Còn ở VN thì Nhà nước đâu có lo gì cho sự an toàn của người dân. Thậm chí Nhà nước còn không có khả năng chữa cháy ngay trong các đô thị lớn. Khi tàu du khách bị chìm trên sông Sài Gòn mà lực lượng cứu hộ có làm được gì đáng kể đâu; tất cả đều do người dân tự xoay xở và tương trợ với nhau. Ở VN, khi tai nạn xảy ra thì người dân lãnh đủ, chứ cũng chẳng có hãng bảo hiểm nào lo, hay có hãng bảo hiểm lo thì cũng chẳng thấm vào đâu. Thành ra, khi Nhà nước viện dẫn lí do an toàn để cấm người khác thử nghiệm sản phẩm của họ thì nghe hơi … trái tai. Họ (nhà chức trách) có thể làm đúng trên nguyên tắc, nhưng họ không có tư cách để cấm.
Thật ra, nếu viện dẫn lí do an toàn đúng chuẩn mực quốc tế thì có nhiều máy bay quân sự ở VN sẽ không được cất cánh. Dựa vào tiêu chuẩn an toàn đường thuỷ mà người phương Tây dùng thì rất nhiều tàu bè ở VN sẽ không có mặt trên sông hay ra biển lớn. Tương tự, rất nhiều xe sẽ không được xuống đường, vì thiếu an toàn. Rất nhiều lab sinh học ở VN sẽ phải đóng cửa. Rất nhiều phương pháp phẫu thuật phải bị cấm. Rất nhiều hàng hoá đang bày bán phải bị tịch thu vì thiếu vệ sinh. Vân vân và vân vân. Thế nhưng trong thực tế máy bay vẫn cất cánh, tàu bè vẫn ra khơi, xe cộ vẫn chạy trên đường phố, những lab vẫn hoạt động bình thường, phẫu thuật mới vẫn được thử nghiệm, hàng hoá và thực phẩm vẫn được bày bán thoải mái. Vấn đề, dĩ nhiên, không phải là an toàn tuyệt đối, bởi vì không có cái gì là tuyệt đối cả. Vấn đề là cái nguyên lí phòng ngừa (precautionary principle) được hiểu và ứng dụng ra sao.
Ở các nước như Úc, dù tiêu chuẩn an toàn rất cao, nhưng người dân vẫn có quyền chế tạo trực thăng và bay thử, mà họ có cần đến Bộ Quốc phòng hay các chuyên gia nào đến kiểm tra đâu. Họ có thể dùng trực thăng để rải phân hay thuốc trừ sâu. Họ thích làm thế là vì họ là dân tài tử. Cũng chẳng có quan chức quốc phòng nào lại rổi hơi đi cấm người dân sáng chế. Thật ra, ở bên Tàu, bên Phi châu, và nhiều nơi khác [mà tôi chưa biết hết] người dân cũng chế tạo trực thăng như ông Trần Quốc Hải và họ cũng thử nghiệm bay, nhưng chẳng ai lại lấy những tiêu chuẩn an toàn ra để cấm họ bay. Chắc chắn họ (chính quyền) không điên rồ đến độ cấm người dân đừng sáng chế.
Tiêu chuẩn dành cho dân tài tử phải khác với tiêu chuẩn dành cho hàng hoá thương mại. Một chiếc trực thăng do dân tài tử làm ra chỉ dùng cho anh ta trước hết, và cũng chỉ là một sản phẩm rất cá nhân, vì anh ta chẳng bán cho ai, chẳng dùng nó để chở ai. Nhưng một chiếc máy bay do hãng Boeing làm ra thì khác vì nó sẽ được bán ra cho nhiều nơi trên thế giới, và phải chuyên chở hàng triệu khách, nên tiêu chuẩn an toàn phải rất rất cao. Tôi nghĩ chẳng ai dùng tiêu chuẩn an toàn dành cho Boeing để áp dụng cho dân tài tử như cha con ông Trần Quốc Hải.
Do đó, tôi nghĩ lấy lí do an toàn để cấm người ta thử nghiệm sản phẩm là thiếu tính thuyết phục. Điều quan trọng nhất là cần phải khuyến khích những người tài tử như cha con ông Trần Quốc Hải.
Khuyến khích họ sáng chế. Khi sản phẩm của họ được kiểm định và đánh giá đâu đó, thì nên hỗ trợ họ đăng kí bằng sáng chế. Nên nhớ rằng sáng kiến làm ra cái nấp hộp thuốc cũng có thể đăng kí bằng sáng chế. Một đất nước 90 triệu người chẳng có bằng sáng chế nào lại đi cấm người dân sáng chế thì thật là trái khuấy. Không dám mạo hiểm và chỉ thu mình trong cái ao tù an toàn thì sẽ suốt đời chẳng làm được gì, chẳng đóng góp gì cho nhân loại. Tôi nghĩ nếu lấy lí do an toàn thì chắc kĩ thuật nội soi chẳng bao giờ ra đời. Lấy lí do an toàn để cấm người ta mạo hiểm là một hành động rất phản tiến bộ.
TB: Có người nói những sản phẩm của cha con ông TQH "có gì đâu". Họ nói các cơ xưởng của quân đội làm được hết, và các thợ bình thường của VN cũng làm được như cha con ông TQH làm. Đọc lí luận kiểu này tôi chỉ biết phì cười. Chợt nhớ đến câu chuyện mà các thầy tôi lúc trước hay kể về việc xin tiền làm nghiên cứu. Họ nói rằng các cơ quan tài trợ RẤT GHÉT kiểu nói "Cho tôi tiền đi, rồi tôi làm cho các ông xem". Họ sẽ nói đó là thái độ "trust me", rất có hại cho khoa học. Họ sẽ nói: "Anh về làm cho tôi xem đi, rồi hãy lại đây xin tiền. Đừng bao giờ nói rằng anh SẼ làm được, trong khi anh chưa có gì để chứng minh rằng anh ĐÃ làm được"
Theo FB Nguyen Tuan
***
"ĐẠI TƯỚNG QUÂN" VÀ TRÒ "ĐÂM BỊ THÓC, CHỌC BỊ GẠO" CỦA "LỀU BÁO"
 
Bài của THANH TÙNG NGUYÊN trên ĐM 19/11/2014
 
Chuyện ông Trần Quốc Hải sang Campuchia sửa chữa và "chế tạo" xe bọc thép đáng lý ra là một chuyện vui, đáng tự hào về tay nghề của một người thợ Việt Nam nhưng qua "định hướng" của một số "lều báo", nó trở thành một trò lố, thậm chí được lợi dụng để hướng dư luận vào trò "đâm bị thóc, chọc bị gạo" đối với các chính sách của nước ta. Trước khi đi vào chi tiết, cần phải khẳng định rằng tôi rất tôn trọng tâm huyết, khát vọng sáng tạo và mến phục tài năng của cha con ông Hải. Nhưng với những gì mà báo chí và ông đã thể hiện trong những ngày vừa qua, tôi không thể không lên tiếng để làm rõ một số điều..
1. "Đại tướng quân"?
Sau khi ông Hải được Hoàng gia Campuchia tặng thưởng huân chương, một số báo Việt Nam với bản chất la liếm của mình thay nhau tung hô ông Hải thành một "Đại tướng quân" như thể ông thực sự là một quan chức cấp cao của quân đội Campuchia. Không rõ đây là sự ấu trĩ, thô thiển của người làm báo hay là một trò "hô phong hoán vũ" để câu khách và "xỏ mũi" dư luận như thói quen của họ?
Huân chương của cha con ông Hải nhận được thực chất là một loại huân chương hữu nghị của Hoàng gia Campuchia, có tên tiếng Anh là "The Royal Order of Sahametrei". Huân chương này được dùng để trao tặng cho những cá nhân, tổ chức nước ngoài có những đóng góp nhất định cho vương quốc Campuchia, trên mọi lĩnh vực. Đây là một hệ thống khen thưởng có từ thời Pháp thuộc và "nhái" theo "Bắc đẩu bội tinh" của Pháp. Khởi thủy của Bắc Đẩu Bội Tinh là do Naponelon lập ra để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức (cả dân sự và quân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Những người được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh sẽ trở thành một thành viên trong Légion d'honneur (đội quân danh dự). Vì theo hình thức một đội quân thời phong kiến ở phương tây và cho những người "có đóng góp", những cấp bậc của hệ thống huân chương này tượng trưng cho các cấp bậc chỉ huy trong quân đội phong kiến & theo nghĩa là "đội quân hiệp sỹ" (nhưng là danh dự - "có tiếng mà không có miếng"). Huân chương này được chia làm 5 cấp như sau:
1. Grand croix / Grand cross (Moha Serivodho or Mohasereivadh) - Tạm dịch "đại thập tự", hiểu là huân chương hữu nghị hạng nhất.
2. Grand officier / Grand officer (Vorsenea) - Tạm dịch "sỹ quan cao cấp", hiểu là huân chương hữu nghị hạng nhì.
3. Commandeur / Commander (Thipden) - Tạm dịch "chỉ huy", hiểu là huân chương hữu nghị hạng ba.
4. Officier / Officer (Senea) - Tạm dịch "sỹ quan", hiểu là huân chương hữu nghị hạng tư.
5. Chevalier / Knight (Assarutti) - Tạm dịch "hiệp sỹ", hiểu là huân chương hữu nghị hạng năm.
Cha con ông Hải được tặng thưởng loại thứ 2, chẳng hiểu sao được "chuyển ngữ" thành Đại tướng quân? Hãy xem những gì mà báo chí thổi phồng dưới đây có lố bịch không?
Và cha con ông Hải đã được Thủ tướng Campuchia Hun Sen trao tặng “Huân chương Đại tướng quân” – Huân chương cao quý nhất của Hoàng gia Campuchia (Lao Động - ngày 14/11/2014).
Ông Hải thật thà cho biết, số tiền đi kèm huân chương chỉ có vài ngàn USD. Tuy nhiên, sau khi phong tướng, cả gia đình ông được biệt đãi rất trịnh trọng. Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình ông hưởng đúng tiêu chuẩn cấp tướng. (Một thế giới - ngày 13/11/2014).
Ngay cái tiêu chí đầu tiên của nghề làm báo là TRUNG THỰC, xem ra đã chẳng có báo nào thực hiện nổi!
***
Huân chương cha con ông Hải nhận được là loại Grand officier
***
2. Giá trị của "Đại tướng quân"
Vì là huân chương hữu nghị nên mục đích chính của nó là ghi nhận sự đóng góp của người được tặng thưởng đối với hoàng gia, chính phủ hoặc nhân dân Campuchia. Giá trị tiền thưởng khoảng "vài ngàn USD" (như ông Hải thổ lộ). Và không chỉ cha con ông Hải mà trước đó có rất nhiều người Việt Nam đã từng được tặng thưởng loại huân chương này (nhưng có lẽ không đủ "thơm" để các "lều báo" la liếm!). Ví dụ:
- Gần đây nhất, tháng 9/2014, huân chương này được trao cho các ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia; ông Đào Xuân Cần, Chủ nhiệm Liên minh hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Hải Giang, Phó Chủ nhiệm Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng Thư ký Giáo hội phật giáo Việt Nam và ông Lý Quang Bích, Phó Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia. (http://www.vietnamplus.vn/don-nhan-huan-chuong-do-vuong-quoc-campuchia-trao-tang/279738.vnp)
- Tháng 7/2012, 5 cá nhân và tập thể ở Kon Tum được trao tặng huân chương này "vì đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện láng giềng tốt đẹp Việt Nam và Campuchia, giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Rattanakiri". (http://dantri.com.vn/chinh-tri/campuchia-trao-tang-huan-chuong-huu-nghi-cho-5-ca-nhan-tap-the-tinh-kon-tum-618460.htm).
- Doanh nhân, cựu chiến binh Phạm Đức Quảng đã có nhiều đóng góp về kinh tế cho Campuchia nên "là một trong số các doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được nhà Vua và Chính phủ Hoàng gia Campuchia trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Đại Hiệp Sĩ và tên anh được đặt cho một con đường khu vực Bộ Tư lệnh cảnh vệ, tại Phnôm Pênh" (http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=212:nho-cau-giup-ban-la-tu-giup-minh&catid=82:gng-ngi-tt-vic-tt&Itemid=192).
......
Và theo thông tin "bên lề" của một số người có kinh nghiệm về Campuchia thì bạn chỉ cần một khoản tiền kha khá là có thể "mua" được một cái danh "tướng quân" bên Campuchia để được "hai bên có lính hầu đi dẹp đường" rồi đó. Các "lều báo" Việt ta lắm tiền, thử một lần xem sao?! :D
3. Giá trị sử dụng của "xe thiếp giáp ông Hải"
Đã có nhiều bài trên các mạng xã hội phân tích về khía cạnh tính khả dụng của các xe mà ông Hải sửa chữa, "chế tạo" trong quân sự. Một trong những bài đó, bạn có thể tham khảo tại đây. Tuy nhiên, dù không phải là người có chuyên môn về quân giới, cơ khí nhưng tôi cũng xin nói thêm vài lời về những điều mà chỉ cần "nhìn ảnh, đọc báo" cũng biết. Trước hết, cần lưu ý rằng thông tin về việc cha con ông Hải sửa chữa, "chế tạo" xe thiết giáp tại Campuchia chỉ đến từ phía ông Hải và báo chí Việt Nam và được một số trang tiếng Anh đăng tải lại, nên chúng ta không có được sự đánh giá cụ thể, nghiêm túc và khoa học từ những người có chuyên môn.
Thứ nhất, ông Hải nói "nhiều xe bọc thép của họ hư hỏng, không khởi động được""rất nhiều chuyên gia, kỹ sư từ Ukraina, Nga và cả Việt Nam sang sửa chữa cũng không được". Tôi không phải là không muốn tin vào những điều ông nói nhưng quả thực tôi rất thắc mắc là ở Nga, ở Ukraina họ sản xuất ra loại xe này và hàng ngày vẫn sản xuất ra các loại chiến xa tân tiến hơn, nhẽ nào họ không làm nổi cái việc cho động cơ khởi động? Về Việt Nam, xin mời ai nghi ngờ thì cứ lên google, gõ từ khóa về "nâng cấp tăng thiết giáp" thì thấy các đơn vị quốc phòng VN đang làm những gì (mà chỉ là "bề nổi" thôi nhé!).
Thứ hai, ông Hải nói về việc thay động cơ xăng bằng động cơ dầu diezel. Như vậy, ông Hải đã làm cái việc mà "rất nhiều chuyên gia, kỹ sư từ Ukraina, Nga và cả Việt Nam sang sửa chữa cũng không được", tức làm cho xe chạy được, bằng cách "thay động cơ" của xe (!). Quả thật là các vị "chuyên gia, kỹ sư" kia quá kém thật, có vậy mà không nghĩ ra!!! Còn chuyện "chỉ tốn 25 lít dầu diesel cho 100 km thay vì phải mất 45 lít xăng như trước kia" thì xin miễn bàn vì không có thông tin cụ thể (chẳng hạn như "công suất máy"). Nhưng xin trích ra đây một phần bài viết của ông Thanh Huy gửi cho báo BBC Việt ngữ về vấn đề này để cùng tham khảo: "Khách quan mà nhìn lại việc ông Hải sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 với trọng lượng 7,7 tấn là một việc hết sức bình thường khi mà ở Việt Nam số lượng người làm nghề sửa chữa thiết bị khá đông và đa số họ hoàn toàn làm được.  Việc thay động cơ xăng với kỹ thuật, công nghệ chế tạo từ thập niên 60 bằng một động cơ diezel tương đồng với công nghệ hiện đại là việc làm đơn giản. Hiệu quả tăng công suất thiết bị, lượng tiêu hao nhiên liệu giảm đi khoảng 1,5 lần là mặc định.".
Thứ ba, về chiếc xe mới mà ông Hải "chế tạo" thì ngoài các bất cập về kỹ thuật quân sự như các bài viết khác đã nói, cần phải xác định rằng đây là một chiếc xe ông Hải lắp ráp lại từ các linh kiện mà ông ấy mua được và công sức lớn nhất của ông là tạo ra bộ khung, vỏ cho nó từ thiết kế của mình (theo mẫu thiết giáp V300 của Mỹ). Điều đó có quá khó khăn với các anh thợ cơ khí khéo tay Việt Nam hay không?! Vậy ta bàn về cái phần "của ông Hải" trong chiếc xe này, tức "bộ giáp". Dù không có đủ các thông số cần thiết để đánh giá nhưng nhìn độ dày của lớp lá chắn cho xạ thủ và nắp tháp súng thì quả thật cũng rất đáng lo ngại về khả năng chống đạn của nó. Hãy tham khảo ảnh dưới để thấy một viên đạn AK có thể xuyên qua tấm thép 10mm dễ dàng thế nào.
***
Đây là một tấm thép dày 10 mm, có 2 vết đạn súng ngắn K59 và súng trường tiến công AK-47. Vết đạn súng AK-47 đã xuyên từ bên này qua bên kia tấm thép.
***
Chiếc xe do ông Hải "chế tạo"
Thứ tư, về giá cả: theo Vnexpress, ông Hải được trả công 25.000USD cho mỗi chiếc xe được sửa chữa (chưa kể phụ tùng, trang thiết bị) và mất 200.000USD cho "tổng chi phí mua sắm thiết bị, trả tiền nhân công" (tức chưa kể phần "tiền lời" của ông ấy) đối với xe mới. Như vậy là đắt hay rẻ? Tham khảo một trang chuyên bán các loại tăng thiết giáp cũ thời Liên Xô ở Ukraina, giá của các xe "đời mới" hơn loại BRDM-2 mà ông Hải "nâng cấp", chẳng có cái nào quá 30.000USD (!). Tất nhiên, những xe này đã bị gỡ bỏ các trang bị quân sự nhưng các bộ phận quan trọng nhất của nó là giáp, động cơ,... thì còn nguyên vẹn. Nếu các bạn có nhu cầu thì chọn loại nào: mua một chiếc BRDM-2 (từ 1962) không chạy được và bỏ ít nhất 50.000USD ra sửa chữa, nâng cấp (ông Hải bỏ 25.000USD ra sửa cái xe đầu tiên và được thưởng công 25.000USD cho mỗi xe sửa) hay bỏ khoảng 40.000USD - 50.000USD (gồm vận chuyển và các phí khác - bỏ qua thuế má vì mua cho quân đội) mua các xe thiết giáp đời 7x và gắn thêm súng ống?
***
Một chiếc xe BRT-60MTD, sản xuất năm 1979, được giới thiệu là trong "tình trạng tuyệt hảo" được rao bán giá 25.000USD
***
Như vậy, có thể đánh giá sơ bộ, những chiếc xe của ông Hải có lẽ được lữ đoàn 70, một lữ đoàn cảnh vệ, chống khủng bố - bạo động,.. sử dụng như một công cụ trấn áp biểu tình (và "duyệt binh") chứ còn xét về tính năng quân sự thực sự thì e rằng còn nhiều điều phải nói. Và như những điều đã phân tích ở trên, có lẽ nhận xét dưới đây của một bạn trên internet về vấn đề này khá là hợp lý và thú vị:
"Mấy ông bạn K thừa biết trang bị chơi vậy thôi, chứ làm gì có đánh nhau trong thời gian này mà lo bại lộ chuyện áp phe làm hàng dỏm kiếm tiền. Một thời gian sau,về hưu rồi thì xe cũng thanh lý theo , tạo điều kiện cho đàn em sau này mua sắm cái khác kiếm ăn. Còn chuyện cải tiến tầm bắn 7m là do lo sợ dân biểu tình tiếp cận chiếm xe giống ở Ucraina, trong khi xe thiết giáp ở K chủ yếu là dùng thị uy trấn áp biểu tình. Mai mốt lỡ như có dân biểu tình ở K mà bị chết vì sự cải tiến này thì mối thù Youn càng nặng hơn! Giả sử có đánh nhau với VN, mấy chiếc xe kiểng này tiêu tùng nhanh chóng, ông Hải sẽ bị truy lùng tội làm gián điệp phá hoại quân lực hoàng gia. Xem ra hòa bình hay chiến tranh gì thì ông Hải cũng gặp nguy trong nay mai ! lợi bất cập hại rồi ông ơi!"
***

4. Chuyện "làm khoa học"
Ông Hải có vẻ như rất mê cái danh xưng "nhà khoa học". Ông và các báo la liếm ăn theo, liên tục giật gân về việc "được gọi là nhà khoa học" để từ đó kết luận là "ở đó làm khoa học sướng lắm, không cần bằng cấp gì cả". Trên cơ sở đó, ông Hải và các báo cũng không quên tranh thủ "đá giò lái" về phía Việt Nam cứ như thể đất nước này, thể chế này thực sự không biết "trọng tài" của ông vậy.
Ngay cả việc nói nên những điều này đã chứng tỏ rằng ông Hải và các báo đang làm những việc phi khoa học.
Thứ nhất, cần làm rõ thế nào là một nhà khoa học. Theo tổng hợp của trang tự điển mở Wikipedia thì:
"Nhà khoa học, theo nghĩa rộng, là người tham gia vào những hoạt động mang tính hệ thống nhằm thu được tri thức trong một lĩnh vực nào đó. Theo nghĩa hẹp hơn, một nhà khoa học là người áp dụng các phương pháp khoa học trong nghề nghiệp của họ".
Mà "phương pháp khoa học" là gì?
"Phương pháp khoa học là một bộ các kỹ thuật nhằm nghiên cứu các hiện tượng, mục đích là để thu được kiến thức mới, hoặc chỉnh sửa và gắn kết với các kiến thức trước. Để được coi là khoa học, phương pháp điều tra phải được dựa vào việc thu thập chứng cứ thực nghiệm hoặc chứng cứ đo lường được, tuân thủ theo những nguyên tắc lý luận cụ thể.".
Vậy việc "thay động cơ", "độ" lại xe hay thậm chí là lắp ráp một chiếc xe mới từ những linh kiện có sẵn và "tấm áo" mới thì có phải là một công việc của một nhà khoa học? Việc được một người nào đó, trong một lúc nào đó gọi là nhà khoa học thì nghiễm nhiên ông Hải là một nhà khoa học?!
Thứ hai, nếu thực sự ở Campuchia, người ta có thể "thích làm gì thì làm, không cần bằng cấp, giấp phép gì cả" thì ông Hải và các ông "lều báo" nên lấy làm tiếc cho dân Campuchia vì họ đang được bảo hộ bởi một chính quyền không quan tâm gì đến lợi ích của họ và nên mừng vì những gì nhà nước Việt Nam đang lo lắng cho họ. Tại sao ư? Cứ thử tưởng tượng một "khoa học gia tự phong" nào đó nổi hứng nghiên cứu về bom, chất nổ,... trong một khu dân cư, hay một vị nổi hứng chế xe thiết giáp để bán cho các phe phái chống chính quyền thì sẽ thế nào? Chắc hẳn là chính quyền Campuchia sẽ mặc kệ vì "anh làm được gì thì cứ làm" nhỉ?
Có thể ở Campuchia, người ta có chính sách thông thoáng hơn về việc "làm khoa học" nhưng cần phải hiểu rằng, đó chưa chắc đã là thế mạnh mà rất có thể là những lỗ hổng về việc quản lý. Chẳng có một chính quyền nghiêm túc nào cũng như chẳng có hiệp hội khoa học nào mà dễ dãi trong việc "làm khoa học" cả!
Ông Hải và báo chí "xỏ xiên" về những trở ngại của phía chính sách nhà nước khi "làm khoa học" thì tôi cũng cảm thấy không được thuyết phục vì rõ ràng, nếu gọi cách tạo ra các sản phẩm của ông Hải là "làm khoa học" thì hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người trên khắp Việt Nam đang tự do thực hiện sự sáng tạo đó đấy thôi. Thậm chí, đài truyền hình quốc gia có hẳn chương trình Nhà sáng chếđể dành riêng phục vụ nhu cầu sáng tạo của người dân Việt.
Không biết là ông Hải có từng đăng ký chương trình này hay không nhưng tôi nghĩ là cho dù ông ấy có đăng ký thì cũng chẳng gặt hái được kết quả gì nhiều vì các sản phẩm của ông ấy rõ ràng chỉ là mô phỏng lại những gì có sẵn (thêm chút cải tiến như ... đẩy xạ thủ nhô cao lên khỏi tháp súng làm mồi cho đạn đối phương!) chứ không thỏa mãn các tiêu chí của sáng chế, là "một giải pháp kỹ thuật mang tính mới về nguyên lý kỹ thuật, tính sáng tạo và áp dụng được".

5. Về những "trực thăng ông Hải"
Nhân chuyện những chiếc xe này, ông Hải và báo chí lại khơi gợi lại chuyện những chiếc máy bay trực thăng mà ông Hải đã chế tạo. Để thấy những gì ông Hải đã làm được đối với sản phẩm của mình và "trở ngại" từ phía cơ quan chức năng như thế nào, mời các bạn tham khảo bài viết của nhà báo Thu Uyên (VTV), người có mối liên hệ trực tiếp với sự kiện này:
Chuyện anh Hải chế máy bay trực thăng: (Xe bọc thép là chuyện khác, tôi không biết nên không ý kiến)
Cuối 2005 đầu 2006, khi anh Hải và anh Danh lắp xong 1 chiếc trực thăng nữa (cả 2 chiếc đều chưa thể bay), báo chí viết: "Hai Lúa chế tạo máy bay!" rất phấn khích. Lúc đó tôi vừa làm "Tại sao không?", liền cùng bạn biên tập Thủy Trà về ngay Suối Dây, Tây Ninh xem thực hư ra sao. Nhà anh Hải nghèo, 2 mô hình máy bay nằm ở 2 gian lợp tôn. Máy bay thứ nhất động cơ xe Zin, ghế nhựa buộc dây thép, ống sắt. Mô hình thứ hai gắn Honda hay Kole gì đó, bộ phanh ga cũng là của động cơ trên, tôi không còn nhớ, phủ sắt gò sơn trắng gồ ghề. Cánh quạt kiếm từ phế liệu chiến tranh. Riêng cửa kính trước anh Hải kể phải đi lùng ở chợ Dân Sinh rất lâu. Gia đình rất thân thiện và lúc đó anh Hải anh Danh chỉ mong làm sao được các nhà khoa học chứng nhận cho sáng chế này. Mặc dù trước đó, mô hình trực thăng đầu tiên không bay được, khi mang ra đồng thử nghiệm thì không thể cất cánh, địa phương phải yêu cầu dừng vì sợ chết người, nhưng anh Hải vẫn được địa phương cử đi dự Hội nghị tôn vinh những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới toàn quốc, điều đó chứng tỏ chính quyền ủng hộ anh đến thế nào. Và anh đã nói, nhờ vinh dự đó mà anh quyết chế chiếc thứ hai!
Anh Hải là người tâm huyết và lắm sáng kiến, lại khéo tay. Lúc đó chúng tôi hỏi anh làm gì để sinh sống và có tiền chế máy bay, thì anh chỉ những chiếc xe tải nhẹ chở mía chạy qua, bảo chúng đều do anh độ, để tăng hiệu suất chở mía. Nông dân quanh vùng đều đến anh để cải tiến xe của họ. Ngoài ra, anh còn đang chế một vài loại công cụ làm ruộng khác, và anh chỉ cho chúng tôi xem 1 cái máy bừa.
Đúng kiểu "Tại sao không?", chúng tôi đam mê cái đam mê của anh, và quan tâm xem điều gì đã thúc đẩy anh nghĩ tới máy bay trực thăng, anh mở máy tính, cho xem khoảng 30 tấm ảnh download từ internet về các loại máy bay trực thăng từ thời ban đầu của chúng. Bản vẽ hai chiếc máy bay rất sơ sài và thuần túy là mô hình, ngay từ đầu chúng tôi đã thấy không mang yếu tố cơ khí chính xác.
Tôi giới thiệu các anh với ba tôi, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, khoa Cơ khí, bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa Hà Nội. Các anh rất phấn khởi và trong tháng đó đã ra ngay Hà Nội để gặp ba tôi. Nhận xét của ba tôi là: Anh Hải và anh Danh không nắm kiến thức cơ bản, cụ thể nhất là trọng tâm máy bay ở đâu thì không xác định được. Các kiến thức như khí động lực, cơ học các vật thể bay lại càng không có. Do đó, 2 vật thể được tạo ra chỉ mang tính chất mô phỏng, chỉ là mô hình máy bay trực thăng. Cả nhà tôi yêu mến sự nhiệt tình của các anh, Ba tôi tặng 2 anh quyển "Mục đích cuộc sống", hồi ký của Công trình sư Yakovlev, cha đẻ của máy bay trực thăng YAK. Và ông giới thiệu hai anh với Bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không ĐHBK Hà Nội, lúc đó Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Mịch, phụ trách về Kỹ thuật hàng không đã sẵn sàng lập 1 nhóm vào Tây Ninh giúp 2 anh nghiên cứu và điều chỉnh lại, trước nhất là tìm trọng tâm của máy bay, mọi chi phí do Bộ môn chịu. Tôi nhớ hai anh phấn khởi lắm, lên ngay kế hoạch và điện thoại qua lại, gửi ảnh gia đình rất vui.
Nhưng chỉ sau độ nửa tháng, anh Hải có "báo tin vui" với ba tôi, là hội Cựu chiến binh với 1 ông tướng bộ binh về hưu nào đó vừa tới thăm và cam kết sẽ yêu cầu các cấp chính quyền công nhận sáng chế của các anh. Rồi anh được một số người quân sư viết thư lên Chủ tịch nước. Rồi, diễn ra 1 chương trình Người đương thời về 2 anh, trong đó có nhà khoa học phản biện rằng máy bay như thế không thể bay được. Nhưng có lẽ anh Hải chỉ cần được công nhận.
Báo chí sau đó thỉnh thoảng lại xới lên là Hai Lúa còn chế được máy bay, coi đó là "cái tát nhẹ" đối với các trường, viện, các kỹ sư nói chung. Ngay như thông tin là chiếc máy bay thứ hai được trưng bày ở Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York trong mấy tháng, không ai chú ý rằng đó là do 1 nghệ sĩ gốc Việt giới thiệu như một tác phẩm nghệ thuật đương đại trong Project Gallery. Một mô hình.
Năm 2007, sau khi khảo nghiệm nhiều lần, Bộ Quốc phòng đã kết luận: máy bay này không có bản vẽ, không tiêu chuẩn kỹ thuật về khí động học, độ bền kết cấu, dung sai các phần tử, nhất là phần tử chuyển động quay, lắp ráp cũng sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng. Động cơ chế chỉ có khả năng nâng một nửa trọng lượng của vật thể. Cần lái không điều khiển được theo ý của người lái, nếu có nhấc lên khỏi mặt đất sẽ vô cùng nguy hiểm. Bộ Quốc phòng khuyến cáo dừng ngay việc thử nghiệm máy bay. Như vậy là chính quyền và quân đội mất nhiều công để bảo vệ tính mạng cho anh và những người xung quanh.
Một điều chắc chắn rằng, có những sáng chế đơn giản, sáng ý là làm ra được, như cái phin cà phê bằng giấy, hay cái máy bừa. Nhưng trực thăng không phải là cái có thể sáng chế ra kiểu nhanh trí như thế. Nhiều bài báo về anh Hải cũng mắc tội nhanh trí khôn, nghe - chép, nhìn - mô phỏng. PV Việt ngữ BBC sang bên Tây rồi cũng không khá gì hơn. Cái ý "Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học" làm tôi thấy phì cười. Và chủ ý của bài viết, "Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN" thật thô thiển. Anh Trần Quốc Hải có lẽ là người nông dân được ưu ái nhất trong số những người cần cù lao động và tự chế tạo những công cụ cho mình.
***
Giáo sư Nguyễn Văn Tuyên đang hướng dẫn ông Hải các kiến thức về trực thăng
Như vậy việc ông Hải và báo chí kêu gào về cái gọi là "bằng sáng chế" cho những chiếc trực thăng KHÔNG BAY ĐƯỢC đó và ta thán trên báo ngoại quốc là "Đam mê của tôi không được khuyến khích ở Việt Nam" thực sự là một trò hề vì áp dụng theo tiêu chí của "sáng chế" nêu trên thì không rõ những sản phẩm này đã đạt được điều gì và quan trọng nhất, đã được thẩm định và xác nhận như thế nào? Khi kêu gào những điều này, ông Hải và báo chí có đưa ra được bất kỳ bằng chứng gì về sự thành công của các sản phẩm này không? Hay họ nghĩ việc những chiếc "trực thăng không biết bay" này được mua, đưa ra nước ngoài và trưng bày như một MÔ HÌNH là một thành công của sự SÁNG CHẾ? Nếu vậy thì có được mấy sự khác biệt về giá trị sử dụng giữa "sáng chế" này và các mô hình máy bay từ phế liệu khác?
***
Cùng chung giá trị ... trưng bày
***
6. Kết luận
Như đã nói ở phần mở đầu, tôi không hề có ý định phủ nhận tài năng và tâm huyết của cha con ông Hải nhưng việc thổi phồng một cách quá lố về những gì ông Hải làm được và từ đó "đâm bị thóc, chọc bị gạo" về các chính sách, chế độ đãi ngộ nhân tài của Việt Nam của báo chí (đặc biệt là các bài trên báo Một thế giới) là một việc làm đáng lên án. Trong những ngày vừa qua, dư luận xã hội, đặc biệt là các "cư dân mạng" đã sôi sục, bức xúc theo những gì mà các báo đăng tải, định hướng. Không chỉ là trên mạng, trong hội thảo "Tự hào Việt Nam" của báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 16/11/2014, có sự tham dự của ông Dương Trung Quốc (ĐBQH) và bà Phạm Phương Thảo (cựu chủ tịch HĐND TPHCM), một cử tọa đứng tuổi đã rất bức xúc phát biểu về vấn đề này (theo những gì được báo chí "định hướng") trong sự đồng tình của đám đông cử tọa. Tất nhiên, khó có thể trách dư luận được vì thực tế họ cũng chẳng phải là những người có chuyên môn, không được mục sở thị các sản phẩm của ông Hải, lại tin tưởng vào những gì "báo chí cách mạng" đăng tải nên tự "nuốt thuốc độc" mà không biết. Nhưng xin thưa với "dư luận" là các bạn cũng nên chịu khó sờ lên đầu mình mỗi khi đọc các tin tức giật gân trên báo chí, truyền thông để xem mình có vô tình mọc thêm đôi tai dài nào không. Hãy tự trau dồi mình trở thành những "người tiêu dùng (thông tin) thông thái" nếu không muốn trở thành "lừa" cho "lều báo" nó chăn.
Nói đi thì phải nói lại, các nhà quản lý của các cơ quan của các cơ quan có liên quan đến việc phát triển khoa học - công nghệ nước nhà cũng cần phải xem xét lại các quy trình làm việc của mình đã tốt chưa, cần thêm bớt những gì để tạo sự thông thoáng trong quy trình hành chính cho những người ham thích sáng tạo của Việt Nam cũng như tích cực tìm cách để khuyến khích họ. Các vị cũng nên nghĩ đến việc cần có người đại diện đứng ra để phản bác những thông tin sai trái của báo chí đối với lĩnh vực của mình, thậm chí kiện những tờ báo cố tình làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan mình, tránh cảnh "một mình một chợ" của giới truyền thông như hiện nay. Làm được như thế, các vị cũng đóng góp không nhỏ vào việc làm trong sạch môi trường thông tin truyền thông tại Việt Nam đó.
Nguyễn Thanh Tùng
Tài liệu tham khảo:
http://en.hanoi.vietnamplus.vn/Home/Six-Vietnamese-receive-Cambodias-Royal-Order-of-Sahametrei/20149/3884.vnplus
http://www.indochinamedals.com/cambodia/cm04_royal_order_of_sahametrei.html
http://motthegioi.vn/xa-hoi/phat-ngon/dai-tuong-quan-hai-lua-viet-duoc-campuchia-cap-xe-hoi-biet-thu-hoanh-trang-121059.html
http://dantri.com.vn/chinh-tri/campuchia-trao-tang-huan-chuong-huu-nghi-cho-5-ca-nhan-tap-the-tinh-kon-tum-618460.htm
http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=212:nho-cau-giup-ban-la-tu-giup-minh&catid=82:gng-ngi-tt-vic-tt&Itemid=192
http://www.vietnamplus.vn/don-nhan-huan-chuong-do-vuong-quoc-campuchia-trao-tang/279738.vnp
http://www.moma.org/explore/inside_out/2010/10/18/a-different-kind-of-helicopter-projects-93-dinh-q-le/
http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20141111/huan-chuong-dai-tuong-quan-campuchia-tang-hai-cha-con-nguoi-viet/670134.html
http://motthegioi.vn/tieu-diem/dai-tuong-quan-hai-lua-che-tao-xe-boc-thep-lam-khoa-hoc-xu-minh-buon-lam-120598.html
http://m.laodong.com.vn/vu-khi/cha-con-hai-lua-che-tao-xe-thiet-giap-cho-campuchia-phan-2-268155.bld
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=447147&ChannelID=10
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hanh-trinh-che-xe-boc-thep-cho-campuchia-cua-nong-dan-tay-ninh-3106233.html
https://www.facebook.com/beloved.mamacat/posts/10152754468769718
http://www.sovietarmor.com/catalog/armored/btr_60.html
http://nguoidongbang.blogspot.com/2014/11/xe-thiet-giap-ong-hai-co-gi-ma-am-i.html
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/199320/-sieu-pham--truc-thang-cua-nong-dan-binh-duong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét