Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

20141111. XUNG QUANH VẤN ĐỀ "LẠM PHÁT" TƯỚNG Ở VIỆT NAM

CẤP TƯỚNG: THỜI CHIẾN 36, BÂY GIỜ HÀNG TRĂM

Bài của THANH VÂN- THU NGUYỆT trên PL TpHCM/ Quechoa 8/11/2014

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Không phong Tướng, anh em tâm tư- Theo GDVN
 
 
Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh hay giảng dạy.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự băn khoăn đối với những quy định về quân hàm, cấp bậc tướng tá khi thảo luận dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân sửa đổi ngày 6-11. 

Địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên là tướng?

“Vì sao chúng ta lại phong tướng nhiều như vậy? Thời chiến chúng ta có 36 tướng thế mà vẫn đánh tan những đế quốc ghê gớm như Nhật, Pháp, Mỹ. Vậy thời nay nhu cầu phong tướng của chúng ta là gì? Phải chăng phong tướng nhiều để lãnh đạo quân đội tốt hơn? Nếu tăng cường cho sức mạnh quân đội thì chúng ta có thể phong tướng gấp 10 lần ngày xưa, tức là 360 tướng, phải chăng quân đội chúng ta mạnh gấp 10 lần?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói và thẳng thắn cho rằng “phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình”.

Chia sẻ ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cũng phản ánh rằng khi tiếp xúc cử tri rất phàn nàn là tại sao việc phong quân hàm cấp tướng nhiều thế. “Khe hở của chúng ta dẫn đến phong quân hàm cấp tướng nhiều là do quy định “ở địa bàn trọng điểm, vị trí ưu tiên thì cấp bậc có thể cao hơn một bậc. Cuối cùng thì hầu như tất cả trưởng công an quận, huyện ở một số địa phương đều là đại tá và tất cả giám đốc công an cấp tỉnh đến giờ không còn đại tá nữa. Cuối cùng thì tất cả 63 tỉnh, thành đều trở thành trọng điểm hết…” - ông Thịnh phân tích và đề nghị “bịt kín” lỗ hở này bằng những quy định cứng trong luật chứ không cho ngoại lệ, đặc biệt gì nữa.

Tâm tư và xúc động, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho hay cả nước còn đó hàng triệu gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh... phải chịu đựng nỗi đau, vật vã chống chọi lại thương tật nhưng QH không có luật nào dành cho họ. “Tôi tha thiết mong QH hãy nhìn vào sự hy sinh của hàng triệu gia đình để cân nhắc, nhìn vào họ để quyết định. QH cũng không nên làm mất thêm nhiều thời gian, tiền của của nhân dân nữa mà hãy cân nhắc thấu đáo thông qua dự luật ngay trong kỳ họp này” - bà Dung đề nghị.
***

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn cho rằng “phong nhiều tướng chưa chắc đã được dân đồng tình”. Ảnh: CTV
 ***

Giảng dạy, kinh doanh sao lại cần tướng?

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, khi trình, cơ quan soạn thảo đề xuất chủ nhiệm khoa Mác-Lênin, chủ nhiệm khoa Quân chủng là thiếu tướng. Nhưng quá trình thẩm định lại đề nghị giảm xuống là đại tá nên ban soạn thảo kiên trì bảo vệ và đề nghị đưa ra xin ý kiến QH.

“Ban soạn thảo chúng tôi rất tâm tư… Ai cũng muốn về chỉ huy quân sự, làm tư lệnh, chỉ huy, huấn luyện, lăn lộn thực tế… chứ anh em không muốn ở lại trường. Học giỏi mới được ở lại trường nhưng ở lại trường thì anh em tâm tư. Vì chấp hành nhiệm vụ nên anh em ở lại, ra trường cùng nhau, anh về đơn vị lên mấy bậc quân hàm rồi anh thầy giáo vẫn thế. Nếu QH cho phép giữ lại thì chúng tôi rất mừng” - ông Thanh bộc bạch.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng khoa Mác-Lênin ở Học viện Quốc phòng được xem là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước, trang bị cho người học tư duy tầm chiến lược. “Khoa Mác-Lênin mà không được coi trọng bằng các khoa khác thì các thế lực xấu có thể xuyên tạc rằng chúng ta đã có phần phai nhạt tư tưởng Mác-Lênin. Vì vậy tôi đề nghị trần quân hàm chủ nhiệm khoa Mác-Lênin là thiếu tướng” - ông Phương nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, ĐB Thuyền cho rằng giảng dạy thì người ta cần hàm giáo sư, tiến sĩ chứ không phải tướng. “Tôi nghĩ những đơn vị giảng dạy cần rà soát lại cho phù hợp. Hay như các đơn vị kinh tế mà vẫn phong tướng thì không ổn. Đối với các đơn vị này, có thể phong người đứng đầu cấp đại tá là được. Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh. Cần cân nhắc để hạn chế phong tướng” - ông Thuyền nói.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng cho rằng đối với các nhà trường hàm cấp tướng cũng cần nhưng không phải tuyệt đối. Vì vậy không nhất thiết phải quy định phong cấp tướng ở đây. “Nếu chúng ta làm theo cách này thì giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM phải là ủy viên Bộ Chính trị bởi vì ông ta toàn dạy ủy viên Bộ Chính trị hay sao?” - ông Thành thắc mắc.

Khống chế cấp tướng quân đội không quá 415

“Các đồng chí giải quyết thế nào để khi chúng tôi là ĐB về giải thích cho cử tri thì họ thông suốt. Còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chính sách thì chúng ta nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm, để những người không được phong tướng họ được tăng vượt khung thì tốt hơn. Ngày xưa một ông tướng thì anh em còn biết, nghe thiếu tá là ghê gớm lắm rồi, giờ tướng nhiều quá. Đề nghị có sự cân nhắc để chúng ta giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình” - ông Thuyền nói.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, theo dự thảo thì tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng. “Mong muốn giảm tướng xuống nhưng đề nghị lại tiếp tục tăng lên” - ông Sơn nói và khẳng định Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua.

Quân đội có ba đại tướng, công an có một

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo luật liên quan, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc quy định quân hàm đại tướng với bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và của tổng tham mưu trưởng là phù hợp. Bởi tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. 

Ngược lại, Ủy ban Thường vụ QH không tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc thêm một hàm đại tướng cho thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH đồng ý với đề nghị nâng trần cấp bậc hàm đối với giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM lên trung tướng.  

Phải quy định điều kiện giáng cấp

Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), luật đã quy định về thăng cấp bậc thì phải đi kèm cả quy định giáng chức sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ, mắc vi phạm. “Sáng nay, tôi nghe tin bộ đội biên phòng một tỉnh đình chỉ cùng lúc bảy sĩ quan vi phạm. Nhiều địa phương tình hình an ninh trật tự phức tạp, vi phạm pháp luật kéo dài nhưng người đứng đầu ở địa bàn đó không bị trách nhiệm gì cả. Biên giới Việt-Trung hàng lậu sang nhiều thế mà công an, bộ đội biên phòng, chức năng địa phương có bị trách nhiệm gì không, nếu không thì tình hình buôn lậu mãi mãi như thế. Phải quy định điều kiện giáng chức, giáng cấp” - ông Nam đề nghị.


NHỮNG CON SỐ TƯỚNG LÃNH VN: NÊN HIỂU NHƯ THẾ  NÀO?

Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ FB Nguyen Tuan / Quechoa 10/11/2014

***
Nhiều năm trước, một anh bạn làm nghề báo chí nhưng không hẳn là kí giả, đưa ra một nhận xét làm tôi giật mình. Anh nói với tôi: "Ông nói nhiều về lạm phát con số giáo sư và tiến sĩ, nhưng ông không chú ý là VN còn lạm phát về tướng tá."
Một tay nâng tách cà phê Trung Nguyên, tay kia anh chỉ ra đường nơi một người cảnh sát giao thông đang làm việc, anh nói: "Có thời nào trong lịch sử VN mà trung tá đứng đường phạt vi phạm giao thông?" Nhưng hôm nọ khi nghe Phùng đại tướng nói không phong tướng thì "anh em tâm tư" (1), giờ tôi mới hiểu một chút tại sao VN có nhiều tướng tá. Tôi phải sưu tầm con số tướng lãnh để trước hết là hiểu vấn đề, và sau là để tham khảo sau này.
Số tướng lãnh quân đội
Con số tướng lãnh hiện chức trong quân đội hình như không được công bố, nên công chúng không biết chính xác được. Đài BBC có nhiều bài viết về tình trạng phong tướng ở VN cũng chỉ đưa ra những con số chung chung như "Con số tướng trong quân đội cũng lên tới hàng trăm" (2). Hàng trăm là bao nhiêu? Thông tin trên wikipedia cho biết đến năm 2008, số tướng trong biên chế là 587 người, nhưng số người còn công tác thì dĩ nhiên ít hơn (3). Con số này có vẻ ăn khớp với một nguồn tin có vẻ "biết chuyện" (4). Theo nguồn tin này thì đến tháng 4/2014, VN có 366 tướng lãnh quân đội, trong số này có 2 đại tướng, 7 thượng tướng, và 272 thiếu tướng.
Thật thú vị! Con số tướng lãnh tại chức của VN như vậy còn cao hơn cả số tướng lãnh của Tàu cộng. Theo Tân Hoa Xã, thì đến tháng 7/2011, Tàu có 191 tướng lãnh (5), và cấp bậc cao nhất là thượng tướng (6).
Ở Mĩ, quân đội chắc đông hơn VN, nhưng số tướng lãnh cũng bị giới hạn. Theo wikipedia, Mĩ có luật giới hạn số tướng lãnh tại chức như sau: 230 tướng bộ binh, 208 tướng không quân, và 60 tướng thuỷ quân lục chiến (Marine Corps) (7). Như vậy, tổng cộng số tướng lãnh của Mĩ tối đa là 498, nhưng hiện nay họ có bao nhiêu tướng đang công tác thì chưa tìm thấy nguồn tin nào để biết. Tuy nhiên, tổng số tướng lãnh Mĩ còn sống (đang công tác và đã nghỉ hưu) là 958 người.
Riêng Việt Nam Cộng Hoà, thì tính từ 1954 đến 1975, chỉ có 164 tướng lãnh (8). Trong số này, 1/3 là được phong từ 1963 đến 1965! Không biết vào năm 1975 thì VNCH có bao nhiêu tướng.
Số tướng lãnh công an
VN có lẽ là nước duy nhất (?) trên thế giới có quá nhiều tướng công an. Con số tướng lãnh công an VN cũng không được công bố. Ngay cả tuần vừa qua, báo chí VN chỉ đưa tin một số người được phong tướng, nhưng không nói đến con số. Có lẽ con số quá tế nhị trong thời điểm hiện tại? Thế nhưng trước đây báo chí cho biết rằng năm 2012 VN thăng hàm tướng cho 48 người, và năm 2011 thì có 58 người. Tuy nhiên, BBC ước tính rằng ngành công an VN "có gần 200 tướng" (9). Nhưng con số này có thể thấp hơn thực tế, vì theo trang wikipedia, thì số tướng công an "đang công tác" [không rõ năm nào] là 350 người (10).
Ở Úc không có tướng tá cảnh sát. Ở Mĩ thì tôi không rõ, nhưng đọc báo không thấy ai đề cập đến tướng cảnh sát bên đó cả. Thời trước 1975, tôi chỉ nghe 2 tướng cảnh sát của Việt Nam Cộng Hoà là ông Nguyễn Khắc Bình (tư lệnh cảnh sát), và Nguyễn Ngọc Loan (tổng giám đốc cảnh sát).
Tóm lại, nhưng con số trên đây cho thấy VN có lẽ là một trong những nước có nhiều tướng lãnh nhất, nếu không muốn nói là nhiều nhất. Thật vậy, nếu cộng số tướng lãnh quân đội tại chức của quân đội và công an, VN có 716 người mang hàm "tướng". Con số tướng lãnh của VN cao hơn Tàu và Mĩ! Điều thú vị là năm 1975, miền Bắc VN chỉ có 36 tướng. Vậy mà chỉ 40 năm sau, con số đó phình ra gấp 10 lần!
Ấy thế mà giới quân đội và công an vẫn muốn có thêm tướng, vì nếu không thì "anh em tâm tư" (1). Từ điển Tiếng Việt định nghĩa "tâm tư" là suy nghĩ ở trong lòng, tức là không nói ra. Tôi nghĩ đáng lẽ chữ "tâm tư" đó nên dành cho người dân đang đóng thuế trả lương và bổng lộc cho các vị, vì quả thật nhiều người thấy VN có quá nhiều tướng. Ở Mĩ, giới báo chí và trí thức hiện đang ta thán là họ có quá nhiều tướng, nhưng nếu họ biết con số tướng lãnh ở VN hiện nay, thì chắc họ sẽ ngậm ngùi và xấu hổ "shut up" (im miệng).
Ở Việt Nam ngày nay, báo chí và giới bình luận thường hay phàn nàn rằng có tình trạng lạm phát giáo sư và tiến sĩ. Nhưng rõ ràng, VN cũng lạm phát số tướng tá quân đội và công an. Điều thú vị là xu hướng lạm phát này nó xảy ra song song nhau, số tướng tá tăng thì số giáo sư tiến sĩ cũng tăng. Nếu lạm phát giáo sư là dấu hiệu của chất lượng giáo dục xuống cấp, thì lạm phát tướng tá nên được diễn giải như thế nào?
===
***

PHỨC CẢM TỰ TI VÌ...ÍT SAO!

Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN / FB Nguyen Tuan/ Quechoa 11/1/2014
 ***
Hệ thống tuyên truyền ở các nước XHCN, kể cả Việt Nam -- dĩ nhiên, rất tài giỏi trong việc thần thánh hoá các lãnh tụ, và họ cũng rất giỏi trong việc xây dựng nên những ấn tượng đẹp về lãnh đạo như là những người tài ba siêu quần, có khả năng kinh bang tế thế mà dưới vòm trời này không ai bằng họ. Chắc chắn họ giỏi hơn hệ thống truyền thông của các nước tư bản, vốn suốt ngày đi tìm cách để "cởi truồng" các chính khách do chính họ bầu ra. 
Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới XHCN, một khi những bức tường thông tin chung quanh các lãnh tụ và lãnh đạo (tôi sẽ nói "lãnh đạo" từ nay trở đi) bị sụp đổ, và khi trong môi trường mà chính họ phải thốt ra, thì họ cũng xuất hiện nguyên trạng là những người bình thường như chúng ta, thậm chí rất tầm thường. Họ cũng có nhiều điều muốn nói ("tâm tư") và có những ước vọng và so sánh thầm kín. Chẳng hạn như mới đây, Phùng đại tướng trên báo Lao Động, phàn nàn rằng trong hội nghị quân sự vùng ASEAN, tư lệnh quân chủng bộ binh, hải quân và không quân của các nước khác toàn mang 4 sao, còn tướng VN thì chỉ 2 sao. Rồi ông than thở: "Mình đất nước lớn, vị thế lớn mà để anh em thế cũng là hơi thấp" (1). Đọc đi đọc lại câu phát biểu này tôi thấy sao mà quá phù hợp với phức cảm tự ti (complex inferiority).
Phức cảm tự ti thực ra là một hội chứng tâm lí, mà đặc điểm chính là tự cảm thấy mình không bằng người ta, thậm chí thấy mình vô dụng trước sự hào nhoáng hay thành công của người khác. Vì cảm thấy yếu đuối về nội tâm, nên cơ chế "phòng vệ" tiêu biểu của họ là tự tạo cho mình cái ngoại cảnh để bù đấp lại cái yếu kém bên trong. Đối với họ, bề ngoài rất quan trọng. Họ rất trọng danh xưng, bằng cấp, chức danh, vị trí xã hội. Một chứng rất phổ biến ở những người với chứng phức cảm tự ti là hay khoe khoang, phách lối, vì họ nghĩ ai cũng xem thường họ, nên họ phải khoe khoang cho thật kêu để lấp đi khoảng trống tinh thần. Cách khoe khoang của họ là trưng bày nhà cửa, bằng cấp, chức vụ, quân hàm, v.v. để nhằm cải tiến cái hình ảnh cá nhân của họ. Nhưng người mắc chứng phức cảm tự ti thường sống không yên tâm, bởi vì họ phải đóng kịch bề ngoài và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người khác biết cái yếu điểm của mình, nên họ cảm thấy rất bất an và khắc khoải trong lòng.
Những triệu chứng trên đây rất phù hợp với tâm tư của ngài đại tướng. Ông lí giải một cách buồn buồn rằng "[…] ngay tại các hội nghị quân sự ASEAN cũng đã thấy có sự khác biệt. Tư lệnh hải lục không quân các nước đều là tướng 4 sao. 'Tướng 4 sao đi xe gắn 4 sao ngay cánh cửa', trong khi bên mình tư lệnh hải lục không cũng chỉ có 2 sao. Mình đất nước lớn, vị thế lớn mà để anh em thế cũng là hơi thấp." Phát biểu đó cho thấy nó rất phù hợp với dấu hiệu về hội chứng phức cảm tự ti. Thấy người ta ai cũng có 4 sao, mình chỉ có 2 sao, đâm ra … buồn và … tâm tư. Tự thấy hay tự phong mình là một "nước lớn, vị thế lớn"! Vì thấy thấp kém (ít sao) hơn người ta, nên ông đòi phải thêm sao cho các tướng lãnh. Thấy người ta đi xe có gắn sao, ông có vẻ tủi thân. Những tâm tư muốn có thêm sao, muốn có bề ngoài như người ta, theo lí giải của hội chứng phức cảm tự ti, là một cách che giấu sự yếu đuối. Thật khó tưởng tượng nổi một quan chức cao chót vót mà có thể thổ lộ trước công chúng những suy nghĩ rất riêng tư như thế.
Tôi chợt liên tưởng đến những bộ trưởng quốc phòng các nước phương Tây, mà cụ thể là Mĩ, không hề có sao nào cả (ông này xuất thân là lính nhảy dù, từng tham chiến ở VN). Chẳng hiểu ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Chuck Hagel có mặc cảm tự ti không khi ông tham dự các hội nghị quân sự ở ASEAN vì ông chẳng có sao nào cả. Thế còn Donald Rumsfeld, Leon Panetta, Caspar Weinberger, v.v. cũng chẳng có sao nào (vì họ xuất thân là doanh nhân, luật sư, giáo sư, v.v.), họ có mặc cảm khi đứng bên cạnh những tướng 4 sao của Tàu, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên? Tôi nghĩ họ không mặc cảm đâu. Rất có thể họ tự hào là đằng khác, vì dù chẳng có sao nào trên vai, nhưng họ là sếp của hàng trăm tướng 3-4 sao. Tôi nghĩ họ tự hào vì họ là "tư lệnh" của đội quân tinh nhuệ, thỉnh thoảng tự cho mình vai trò cảnh sát gìn giữ hoà bình thế giới. Họ tự hào vì quân đội các nước khác phải phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc, vào công nghệ của quân đội Mĩ. Họ tự hào vì có người van xin mua vũ khí của họ, cầu mong được họ bảo vệ. Họ tự hào vì đội quân của họ đã từng góp phần làm nên nước Nhật ngày nay. Tự hào, tôi nghĩ do đó, chẳng có liên quan gì đến số sao trên cầu vai của một cá nhân cả, mà nó liên quan đến thực lực hùng mạnh của đội quân mà họ chỉ huy.
Bộ áo cà sa không làm nên nổi một thầy tu. Tương tự, số sao trên vai chưa chắc làm cho lòng tự hào được nâng cao nếu không có thực lực. Chẳng hạn như tướng Tàu, cho dù là mang 3 sao hay 5 sao đi nữa, cũng khó mà có thể tự hào trước một ông tướng Nhật 1 sao, bởi vì trong quá khứ Tàu bị Nhật đánh tơi bời. Chợt nhớ ngày ông Võ Nguyên Giáp khi đánh trận Điện Biên Phủ, ông đâu có sao nào trên vai. Ông thường xuất hiện trong bộ áo vest màu trắng, trông rất thư sinh, nhưng là người đã làm cho địch kinh hồn thất vía. Còn ngày nay, có tự hào được không (hay là cảm thấy trái tim mình rướm máu) khi 64 người lính bị kẻ thù Tàu cộng bắn chết ở Gạc Ma, và hòn đảo bị mất về tay của kẻ thù. Mối hận vẫn còn đó, chưa trả xong, mà kẻ thù còn xây dựng cơ sở trên đảo ngay trước mắt mình. Có tự hào được không khi mà Tàu cộng cho hàng trăm tàu hải quân, hải giám, hải cảnh đến tận vùng biển thuộc chủ quyền của VN mà phía quân đội VN im lặng. Thực tế là ngày nay quân đội VN chưa chắc mạnh hơn ai. Cái gì cũng mua từ ngoại quốc, từ tàu lặn, tàu chiến hải quân, tàu hải giám, đến máy bay, tất tần tật đều là mua từ ngoài. Phải đi qua nước người để học lái, học cách sử dụng, và thậm chí học cả bảo trì. Một quân đội như thế rất khác xa với quân đội như Mĩ, Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật. Cho dù một ông tướng có đeo 4 hay 5 sao trên cầu vai mà đội quân dưới quyền chỉ huy còn yếu thì ông tướng đó cũng chẳng bao giờ được kính nể.
Không biết các bạn khác thì sao, nhưng tôi thấy đi họp hội nghị mà mặc quân phục thì hơi kì kì. Trong khi người ta từ các nước văn minh, tiên tiến, quân đội hùng mạnh có mặt khắp thế giới, người sếp chỉ vận bộ "business suit", rất dân sự, rất dễ gần gũi. Bộ đồ veston đó chẳng những lịch sự mà còn sang trọng hơn bộ quân phục nhiều chứ. Có thể có người nghĩ rằng bộ quân phục làm cho cá nhân oai phong lên, nhưng cũng có thể xem bộ quân phục vừa nặng nề và vừa màu mè đó làm cho người mặc giống như là diễn viên đang đóng tuồng chèo trên sân khấu (nơi diễn viên thường mặc áo giáp oai phong lẫm liệt). Bác sĩ và nhà khoa học chỉ mặc áo choàng khi tác nghiệp, chứ đâu có ai mặc thứ đồng phục đó trong hội nghị. Ở một nơi mà đa số đều mặc business suit, tự dưng có vài người vận quân phục thì quả là tự mình làm cho mình … không giống ai. Nổi lên thì có đấy, nhưng người ta nhìn vào thì chẳng giống ai.
Có lẽ nhiều người chú ý đến hiện tượng VN đã có quá nhiều tướng, nhưng ít ai chú ý đến một hiện tượng khác là tướng tá với bằng cấp cao. Con số tướng lãnh quân đội, theo báo chí, hiện nay đã lên đến 489 người (nhưng không biết bao nhiêu là tại chức). Nhưng điều thú vị hơn là rất nhiều tướng tá ngày nay học rất cao. Có lẽ chúng ta không quên Đại tá Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Thanh, với những phát biểu "sổ hưu" bất tử. Nhưng ông chỉ là 1 trong rất nhiều PGS TS trong quân đội. Chẳng hạn như năm 2012, có 47 người được phong chức danh PGS, và con số này trong năm 2013 là 65 người (2). Có lẽ trong lịch sử VN, chưa bao giờ nước ta có nhiều tướng tá với học vị tiến sĩ và mang hàm giáo sư như hiện nay. Nhưng xu hướng này cũng rất phù hợp với hội chứng phức cảm tự ti. Vì họ nghĩ người ngoài nhìn vào họ là những tay võ biền, nên họ phải khoác thêm cái áo học giả bằng những bằng cấp thật cao và những chức danh khoa bảng thật kêu. Tất cả chỉ có hiệu quả dựng nên những bức tường huyền ảo chung quanh họ mà thôi. Và, khi bức tường đó bị tháo dỡ ra thì chúng ta thấy họ là những người rất "trần ai" và cũng rất quan tâm đến vật chất và đồng tiền hưu như ông Đăng Thanh nói rất rõ.
Thấy người ta có nhiều sao hơn mình, rồi mình đâm ra "tâm tư" thì đúng là một triệu chứng của phức cảm tự ti. Tại sao phải quan tâm đến cái hào nhoáng bề ngoài. Cái uy danh của một ông tướng đâu phải đến từ số sao trên vai; nó đến từ sự danh tiếng của quốc gia và đẳng cấp quân đội. Một ông tướng của Campuchea cho dù là 5 sao chắc chắn không có uy danh bằng một ông chuẩn tướng Mĩ. Tương tự, một ông tướng 4 sao của VN đã chắc gì được đồng liêu quốc tế xem ngang hàng về uy thế của một ông tướng 3 sao của Mĩ. Trong khi các ngài "sư sĩ" VN tranh nhau để có những cái "râu ria" (PGS/GS/TS) trước tên của họ đã làm tôi ngạc nhiên, nhưng nay nghe thấy sự xét nét về số sao trên cầu vai áo của mấy ông tướng lãnh càng làm tôi kinh ngạc. Phải cảm ơn internet và báo chí đã cho chúng ta có dịp thấu hiểu "tâm tư" của giới lãnh đạo. Hoá ra, họ cũng có những tham-sân-si như bất cứ thường dân nào khác, cũng có khi yếu đuối, cũng mê vật chất, và cũng hám danh như các "sư sĩ" trong giới hàn lâm mà thôi.
=====
***
PHONG TƯỚNG ĐỂ LÀM GÌ ?
Bài của THIÊN ĐIỂU/VNTB /Quechoa 11/11/2014
 

Tướng lĩnh Bắc Triều

***
Phong hàm để cho có
Mấy năm gần đây, chính quyền liên tục mở các đợt phong hàm cho rất nhiều sĩ quan cao cấp. Nhiều đến nỗi có người nói "ra đường là gặp tướng" (!).
Ai cũng biết: Tưởng thưởng, vinh danh cho người có công là việc đúng. Nhưng đợt phong tướng lần này thì bên Công an và bên Quân đội lại có những phát ngôn thể hiện rõ ganh tỵ, sợ thua chị kém em…
Vấn nạn danh vị có lẽ đã có từ rất lâu, ngay khi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phong hàm vị tướng đầu tiên của chế độ lá phong hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp năm 1948. Thực chất lần phong hàm này chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã lý giải “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng”. Nhưng chủ ý thực sự phía sau là để có “tướng ngồi với tướng”, chuẩn bị cho cuộc đàm phán Việt – Pháp sau đó. Nghĩa là để chứng tỏ một cái danh cho có thuần túy chính trị.
Từ đó tới nay, nhà nước Việt Nam đã phong hàm thêm cho rất nhiều tướng lĩnh. Không tính các tướng lĩnh đã nghỉ hưu thì trong Quân đội và Công an hiên nay thì mỗi bên đều có tới hàng trăm người mang hàm cấp tướng các loại.
Nếu nhìn nhận vấn đề phong hàm như một nhu cầu, một tưởng thưởng xứng đáng, hợp lý thì có vẻ như việc phong hàm thể hiện sự lớn mạnh vượt bậc của các lực lượng vũ trang. Nhưng với số lượng hơn 1.000.000 sĩ quan, binh sĩ cho cả hai lực lượng chính là Công an và Quân đội thì số lượng tướng của Việt Nam có lẽ đứng đầu thế giới về tỷ lệ tướng lĩnh trên tỷ lệ quân. Nếu đem đối chiếu với các quy định về việc phong hàm, thăng cấp thì hầu như 100% tướng lĩnh Việt Nam từ sau 1975 đến nay đều thăng hàm trước thời hạn. Đặc biệt là sau 1990 đến nay thì tốc độ phong hàm càng nhanh, một điều hết sức khó hiểu là nó lại được diễn ra trong thời bình hoàn toàn.
Ra đường gặp tướng!
Trước việc phong hàm một cách ồ ạt, thực trạng ngành vũ trang Việt Nam đang thật sự “loạn tướng” khi mà số lượng sĩ quan mang hàm tướng quá nhiều. Cấp bậc quân hàm càng cao, chức vụ càng cao, đương nhiên là chế độ bổng lộc cũng theo đó mà tăng lên. Trong khi quyền lực và trách nhiệm thì vẫn như cũ – vì biên chế và phạm vi quyền lực phụ thuộc ở vị trí trách nhiệm (chức vụ) chứ không phải ở quân hàm.
Điều đó mâu thuẫn với thực tế của một đất nước nhỏ bé, đói nghèo như Việt Nam hiện nay. Nó tạo ra một thứ hư danh vô nghĩa và đưa đến vấn nạn cạnh tranh quyền lực mà đặc biệt, với chính sách cho phép các lực lượng vũ trang tham gia hoạt động kinh doanh thì nó là một phần của nguyên nhân đẻ ra lợi dụng chức quyền, tham nhũng..
Một nghịch lý khác: Trong lúc kinh tế xã hội ngày càng đi xuống, nợ công và lạm phát đang xô đẩy toàn xã hội vào cơn khốn khó chưa tìm ra lối thoát thì bộ máy nhà nước lại “phát phì” nhân sự và phong hàm liên tục, đến mức nhiều người phải thốt lên: “Ra ngõ là gặp tướng” !
Phong tướng để làm gì? Vinh danh, tưởng thưởng hay chỉ là động tác phỉnh phờ mua lòng trung thành từ cái danh là tướng?
Phong tướng để làm gì khi mà ngay một sĩ quan cao cấp trong cơ quan chính trị Bộ Quốc phòng đi giảng chỉ kêu gọi “Phải kiên quyết bảo vệ sổ hưu” ?
Phong tướng làm gì khi mà biển đảo, chủ quyền quốc gia liên tục bị xâm hại nhưng không thấy một phát ngôn nào chính danh xứng đáng mặt một tướng lĩnh?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét