Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

20220930. BÀN VỀ TRƯNG CẦU DÂN Ý CỦA NGA Ở UKRAINE

 ĐIỂM BÁO MẠNG


GIẬT MÌNH...

MẠC VĂN TRANG/BVN 25-9-2022


Thấy Nga tổ chức cho 4 vùng chiếm đóng trên lãnh thổ của nước Ukraine “trưng cầu dân ý” sáp nhập vào Nga mà giật mình.

“Hãng thông tấn Nga TASS ngày 23.9 đưa tin cư dân của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), tỉnh Kherson và tỉnh Zaporizhzhia ở Ukraine từ ngày 23-27.9 sẽ bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga. Các vùng này chiếm khoảng 15% diện tích Ukraine.

Kế hoạch trưng cầu dân ý đã được các lãnh đạo địa phương do Nga hậu thuẫn công bố ngày 20.9. Trong một bài phát biểu sáng 21.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ ủng hộ quyết định được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý”…

“TASS đưa tin do giới hạn thời gian và các vấn đề kỹ thuật, các vùng đã quyết định bỏ phiếu giấy và không bỏ phiếu kỹ thuật số. Người dân sẽ được bỏ phiếu trực tiếp duy nhất vào ngày 27.9 trong khi những ngày còn lại, việc trưng cầu dân ý sẽ được thực hiện ở từng cộng đồng và theo hình thức gõ cửa từng nhà vì vấn đề an ninh”… (1)

Với cách bầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đưa phiếu in sẵn và yêu cầu trả lời đánh dấu vào ô “ĐA” hay “NHÉT”, không có chuyện “PHÂN VÂN”; rồi chính quyền vùng tạm chiếm tự kiểm phiếu và tự công bố, thì biết trước là 85 đến 95% dân “ĐA” xin gia nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga rồi. Và khi đó Nga diễn đúng như kịch bản đã thiết kế.

“Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong họp báo sau khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) ngày 24.9 tuyên bố 4 khu vực đang trưng cầu dân ý tại Ukraine sẽ “hoàn toàn được Nga bảo vệ” nếu họ chọn gia nhập Nga”.

Trước đó, “Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 22.9 nói rằng bất kỳ vũ khí nào trong kho vũ khí của Moscow, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược, đều có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng lãnh thổ được hợp nhất vào Nga”… (2)

HÚ VÍA!

Nhớ lại mà thấy hú vía. Suýt nữa Quốc hội ta thông qua Luật Đặc khu cho chủ đầu tư thuê 99 năm (mà ai cũng biết chủ yếu là người nước ngoài, “nước lạ”).

“Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16/4/2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.” (3) và dự kiến sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Trước đó nhiều quan chức, các nhà báo đã sang Trung Quốc thảo luận, tham quan, về tuyên truyền giới thiệu tính ưu việt của đặc khu kinh tế…

Nhưng việc thông qua Luật phải hoãn lại do sự phản ứng của xã hội quá sôi sục, mạnh mẽ.

(NLĐO)- “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang QH sáng 4-6 chia sẻ vấn đề cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt đã gây ra “làn sóng khủng khiếp”, nhiều ý kiến tâm tư, tin nhắn, cuộc gọi, thư từ gửi đến Thủ tướng”… (4)

NÓI DẠI…

Ngày ấy các trí thức, các Lão thành Cách mạng không lên tiếng mạnh mẽ, dân không biểu tình rầm rộ “phản đối ba Đặc khu”, mà Quốc hội cứ ra Luật, rồi cho “người nước ngoài” thuê 99 năm ba đặc khu; rồi dân “nước lạ” sang lấp đầy ba đặc khu, mấy năm sau họ sinh cơ lập nghiệp, hơn 80% dân nói tiếng “nước lạ”; rồi họ “trưng cầu dân ý” như kiểu Nga đang làm và tuyên bố, phải bảo vệ người dân của họ, sau “trưng cầu dân ý” thì không biết sẽ ra sao?

Nghĩ vậy mà thấy “giật mình”, “hú vía”, nhưng may quá! (5).

Vận nước vẫn còn may, khi DÂN vẫn là GỐC của quốc gia, dân tộc.

_____

*Chú thích tài liệu tham khảo

1. https://thanhnien.vn/4-khu-vuc-o-ukraine-bat-dau-trung-cau-dan-y-ve-viec-gia-nhap-nga-post1502804.html

2. https://thanhnien.vn/ngoai-truong-nga-tuyen-bo-bao-ve-hoan-toan-cac-khu-vuc-se-gia-nhap-nga-post1503419.html

3. https://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu.htm

4. https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-viec-cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-gay-ra-lan-song-khung-khiep-20180604110848107.htm

5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83u_t%C3%ACnh_ph%E1%BA%A3n_%C4%91%E1%BB%91i_Lu%E1%BA%ADt_%C4%91%E1%BA%B7c_khu_kinh_t%E1%BA%BF_v%C3%A0_Lu%E1%BA%ADt_An_ninh_m%E1%BA%A1ng


VỀ TÍNH PHÁP LÝ CỦA CÁC CUỘC 'TRƯNG CẦU DÂN Ý' DO NGA TỔ CHỨC 

Ở UKRAINE

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG/ TD 29-9-2022


Nếu có các nhóm cho rằng đây là các cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp, hợp lệ, các độc giả ủng hộ Ukraine có thể tham khảo trước hai quan điểm từ các ngành luật khác nhau của Công pháp Quốc tế dưới đây:
***
A. Pháp luật Nhân đạo Quốc tế (International Humanitarian Law)
Do xung đột giữa Nga và Ukraine là xung đột vũ trang quốc tế (International Armed Conflict - IAC), xung đột này sẽ được điều chỉnh bởi nhóm pháp luật IHL.
Cụ thể trong trường hợp này, chúng ta sẽ sử dụng Công ước Hague 1907 và Công ước Geneva thứ 4 (1949). Thẩm quyền và nghĩa vụ của Nga đối với các vùng mà họ đang chiếm đóng sẽ với tư cách của quốc gia chiếm đóng (Occupying Power) đối với lãnh thổ bị chiếm đóng (occupied territory).
Có rất nhiều nghĩa vụ mà Occupying Power cần phải tuân thủ, nhưng trong trường hợp này chúng ta nhắc đến hai điều:
1. Tôn trọng và duy trì hệ thống pháp luật sở tại của khu vực bị chiếm đóng.
Nói cách khác, việc một quốc gia chiếm đóng vùng lãnh thổ của quốc gia khác không có nghĩa là quốc gia đó được quyền mang hết luật pháp của mình áp đặt lên vùng lãnh thổ này (điều mà Nga đang làm).
Kể cả khi trong trường hợp bị chiếm đóng, pháp luật dân sự, hành chính, thương mại… trước đó của vùng lãnh thổ vẫn tiếp tục có hiệu lực.
Việc mang luật bầu cử của Nga vào vùng lãnh thổ không bị tranh chấp của Ukraine để tổ chức bừa trưng cầu dân ý chắc chắn vi phạm nguyên tắc này.
2. Một nguyên tắc minh thị hơn là, quốc gia chiếm đóng không thể tiếp quản và chỉnh sửa chủ quyền của vùng bị chiếm đóng.
Mọi hoạt động của Occupying Power nhắm đến việc tước đoạt chủ quyền hoàn toàn của quốc gia còn lại đối với vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng luôn được xem là bất hợp pháp.
Dù chiến tranh vẫn có thể xảy ra trong môi trường hiện đại vì nhiều lý do kinh tế chính trị khác nhau (ví dụ nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đánh Iraq vì dầu), việc cho phép quốc gia chiếm đóng thay đổi chủ quyền quốc gia đang bị chiếm đóng sẽ quay ngược chiều lịch sử về giai đoạn thực dân kiểu cũ.
Thực tế là dù Hoa Kỳ xâm lược, lật đổ chính quyền, và chiếm đóng Iraq trong thời gian dài, “quốc gia Iraq” vẫn còn tồn tại với đầy đủ các yếu tố về dân cư và địa lý của nó.
Hành vi của Nga vì vậy phá vỡ mọi nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại.
***
B. “Tiền lệ KOSOVO”?
Sở thích của các nhóm Putinistas là nhắc đến Kosovo, nhưng có lẽ chỉ vì họ nghe Putin nhắc đến nó mà không tìm hiểu gì thêm.
Trước tiên, có thể xét đến các điểm khác biệt cơ bản như sau:
* NATO can thiệp quân sự bằng không quân vào năm 1999. Các hoạt động quân sự của họ kéo dài 3 tháng. Không có sự hiện diện của quân đội NATO ở mặt đất.
* Kosovo đưa ra tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 (tức 10 năm sau khi NATO can thiệp quân sự). Vấn đề chủ yếu nằm ở quá trình đàm phán với Serbia (do Liên Hiệp Quốc trung gian) không thành công.
* Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập không phải là hệ quả của việc NATO chiếm đóng hay can thiệp vùng lãnh thổ này, vì bản chất không có sự hiện diện của quân đội. Điều này được phía Serbia công nhận trong các thảo luận trước Toà án Công lý Quốc tế (Sau đó ICJ ra một cái advisory opinion hơi bèo nhèo, nhưng cũng không ảnh hưởng lắm đến lập luận).
* Kosovo trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập khỏi Serbia, chứ không sát nhập lãnh thổ của vào Hoa Kỳ hay các quốc gia Châu Âu.
(Các lập luận trên chỉ ra điểm khác biệt giữa cách mà NATO hành xử so với kiểu chợ búa của Nga. Không phải để ủng hộ Kosovo đơn phương độc lập)
Dù sao đi chăng nữa, để nói rằng Kosovo là “tiền lệ” trong công pháp quốc tế, người đưa ra quan điểm này cần chứng minh được cách giải quyết tranh chấp này đã được các cơ quan có thẩm quyền của LHQ (như UNGA, UNSC, ICJ…) công nhận và duy trì. Nhưng cho đến này chưa bất kỳ cơ quan quốc tế nào công nhận Kosovo hay đưa ra luận điểm bảo vệ cho tuyên bố độc lập đơn phương này.
Nếu cân nhắc đầy đủ tất cả các tranh chấp và tiền lệ liên quan đến phong trào ly khai (seccession movements), tư liệu và các quyết định pháp lý của Liên Hiệp Quốc đều chỉ rõ là pháp luật quốc tế không chấp nhận việc ly khai bừa bãi, gây ảnh hưởng đến hoà bình và an ninh quốc tế.

NQTT

NHÂN LOẠI ĐỨNG TRƯỚC THÁCH THỨC CỦA BẠO CHÚA PUTIN

MẠC VĂN TRANG/ FB 29-9-2022


1. Như vậy là Tổng thống Nga V. Putin quyết làm một việc bất chấp tất cả: Cứ tiến hành “Trưng cầu dân ý” ở 4 vùng tạm chiếm của Ukraine vào lãnh thổ rộng lớn của Liên bang Nga. Kết quả “Trưng cầu dân ý” được công bố như sau.
Hãng “RiaNovosti cho biết, hôm nay (27/9) là ngày cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập với Nga tại các các tỉnh Donetsk, Lugansk ở Donbass; và Kherson, Zaporizhzhia ở phía Nam Ukraine.
Theo RiaNovosti, tỷ lệ cử tri đi bầu ở các khu vực đều đã vượt 60% sau 4 ngày. Trong đó, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 86,69% ở tỉnh Donetsk và 83,61% ở tỉnh Lugansk. Tại hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt lần lượt là 66,43% và 63,58%”... Như vậy (về hình thức) ĐA SỐ người dân đã đi bỏ phiếu, đáp ứng yêu cầu. (1)
“Theo cơ quan bầu cử địa phương ở vùng Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine, sau khi kiểm đếm toàn bộ số phiếu, kết quả cho thấy 93,11% cử tri đã lựa chọn sáp nhập vào Nga. Giới chức Kherson, miền Nam Ukraine, thông báo 87,05% cử tri cũng đã lựa chọn sáp nhập vào Nga, sau khi hoàn tất kiểm đếm toàn bộ phiếu bầu.
Trong khi đó, các hãng thông tấn của Nga dẫn thông tin từ nhà chức trách khu vực Lugansk, miền Đông Ukraine, khẳng định 98,42% cử tri đã ủng hộ chủ trương sáp nhập vào Nga.
Giới chức vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, cũng tuyên bố kết quả trưng cầu ý dân cho thấy 99,23% cử tri đã ủng hộ ý định sáp nhập vào Nga”. (2).
Như vậy kết quả “trưng cầu dân ý” vượt quá mong đợi của Putin. (Người bình thường đều đoán trước được kết quả này).
2- Nhưng rất nhiều quốc gia và “Liên Hợp Quốc tái khẳng định cam kết của mình đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sau khi chính quyền ở một số tỉnh ly khai của nước này tuyên bố đa số người dân ủng hộ ý tưởng sáp nhập vào Nga”.
“Theo hãng thông tấn Nga TASS, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Ukraine ngày 27-9, bà Rosemary DiCarlo - Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị - cho biết LHQ vẫn cam kết với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không thể xem các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia là “biểu hiện thực sự nguyện vọng của nhân dân”. (3)
3- Nga đe dọa dùng bom nguyên tử bảo vệ những vùng lãnh thổ của Ukraine khi đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
“Ông Medvedev khẳng định các lực lượng Nga sẽ bảo vệ tất cả các vùng lãnh thổ của nước này. Theo đó, Nga có thể sử dụng mọi vũ khí, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược, để che chở những vùng lãnh thổ mới sáp nhập”.
“Ngoài ra, ông Medvedev cho rằng sau khi hai vùng ly khai ở Donbass sáp nhập vào Nga, sự chuyển đổi địa chính trị toàn cầu sẽ trở nên "không thể đảo ngược".
“Phát biểu của phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin ngày 21-9 nói rằng Matxcơva sẽ sử dụng “mọi biện pháp” để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga”. (4)
4- Tổng thống Ukraine tuyên bố quyết giải phóng tất cả lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng, kể cả Crime.
“Tại Ukraina, 24/08/2022 là một ngày mang tính biểu tượng kép. Đó là ngày Độc Lập đánh dấu 31 năm thoát khỏi Liên Bang Xô Viết. Cũng vào ngày này cách nay sáu tháng, Nga xâm lược Ukraina. Trong thông điệp gửi đến dân chúng, được AFP trích dẫn, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraina sẽ chiến đấu « đến cùng » mà « không có bất cứ nhượng bộ hay thỏa hiệp nào » với Nga”.
“Nguyên thủ Ukraina kêu gọi chiến đấu vì một đất nước Ukraina toàn vẹn lãnh thổ, với tất cả 25 vùng, tuyệt đối không nhượng bộ và không thỏa hiệp với Nga.
Tổng thống Zelensky hứa giành lại vùng Donbass ở miền đông từ phe ly khai thân Nga và cả bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập năm 2014. Đối với tổng thống Zelensky, Ukraina “sẽ không tìm cách hòa hợp với những kẻ khủng bố”.(5).
Như vậy Putin không chỉ thách thức Ukraine hay thách thức châu Âu mà thách thức cả thế giới, cả nhân loại.
Nhân loại phải làm gì đây để ngăn chặn thảm hoạ nguyên tử có thể xảy ra khi Putin rơi vào bước đường cùng?
29/9/2022
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

MVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét