Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

20220908. CHUYỆN BIẾM VÀ NGHIÊM TÚC NGÀY KHAI GIẢNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


Ô, CON NHỚ BÁC ẤY RỒI !

CHU MỘNG LONG/ TD 5-9-2022



Thằng bé xem TV thấy hình ảnh một phạm nhân đứng trước tòa, nó thốt lên:
- Ô, con nhớ bác ấy rồi!
Mẹ ngạc nhiên:
- Bác ấy là tội phạm, con gặp bác ấy khi nào?
Thằng bé đáp giọng hân hoan:
- Bác ấy dự lễ khai giảng đầu năm học. Bác ấy phát biểu xong thì đánh trống tùng tùng tùng...
Bố cũng tham gia vào chuyện:
- Bác ấy phát biểu gì vậy con?
Thằng bé hào hứng kể:
- Bác ấy nói dài lắm. Chúng con ngồi nghe đến nóng đ*t. Con chỉ nhớ bác ấy khuyên dạy tốt học tốt...
Mẹ cắt ngang:
- Ừ, bác ấy khuyên con học tốt để không phải đi tù như bác ấy...
Thằng bé trố mắt:
- Ơ, vậy là bác ấy học dốt mới được làm lãnh đạo hả mẹ?
Mẹ bị hỏi bất ngờ nên không biết trả lời sao. Bố thấy lạc đề, bèn định hướng vào vấn đề:
- Bác ấy còn khuyên gì nữa?
Thằng bé tiếp tục bài kể của nó:
- Bác ấy còn khuyên cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Con nghe chả hiểu gì cả.
Bố giải thích:
- Cần là cần cù, siêng năng, không lười biếng. Kiệm là tiết kiệm, không lãng phí. Liêm chính là tự trọng, không để người khác khinh. Chí công vô tư là không ăn cắp tài sản chung hoặc của người khác.
Mẹ nguýt bố:
- Giải thích như vậy thì thằng bé làm sao hiểu được?
Thằng bé cãi mẹ:
- Con hiểu rồi! Là bác ấy khuyên người khác siêng năng để bác ấy độc quyền lười biếng, khuyên người khác tự trọng để bác ấy độc quyền vô liêm sỉ, khuyên người khác không ăn cắp để bác ấy độc quyền ăn cắp. Vậy mà cả trường con vỗ tay to hơn tiếng trống. Thầy hiệu trưởng vỗ tay to nhất, lại còn hứa tiếp thu huấn thị của bác ấy đấy!
Mẹ mắng:
- Ranh con! Phản động!
Thằng bé nhăn mặt:
- Vậy thì... vỗ tay ủng hộ sự ngu dốt, tham lam, ăn cắp là không phản động hở mẹ?
Bố cười và lại định hướng lần nữa:
- Bố nghĩ, không phải thầy hiệu trưởng tiếp thu lời huấn thị mà hứa học tập và làm theo gương bác ấy. Chắc chắn thầy hiệu trưởng có trao phong bì và mời bác ấy nhậu để bày tỏ sự biết ơn. Vậy con có học tập và làm theo gương bác ấy không?
Thằng bé chống cằm đăm chiêu rồi nói:
- Trường con ghi khẩu hiệu: Học để làm người, học để làm việc, và học để làm cán bộ. Con chả biết học theo cái nào thì tốt hơn? Nhưng được dạy người khác, được đánh trống khai giảng, được nhận phong bì và được mời ăn nhậu là oách lắm đấy!

CML

ĐÁNH TRỐNG KHAI GIẢNG, NHỚ CHỌN MẶT GỞI DÙI

CÙ MAI CÔNG/ BVN 5-9-2022

clip_image002

Sáng nay 5-9, gần 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng năm học mới 2022 - 2023.

Bao thế hệ đã trôi qua, nhưng tiếng trống trường ngày khai giảng luôn là tiếng trống thiêng liêng trong đời học trò. Người được chọn đánh những âm thanh thiêng liêng ấy cũng thường và phải là tấm gương cho học trò noi theo.

Vậy nên ngày khai giảng nhớ chọn mặt gởi dùi kẻo có vị nếu học trò lỡ học theo họ là nguy to. Biết đâu có vị gõ trống hôm nay có thể sẽ xộ khám ngày mai. Nhất là trong thời buổi lò chống tham nhũng đang cháy không ngơi nghỉ.

Đời không hiếm những kẻ “đánh trống bỏ dùi”.

clip_image004

Cù Mai Công


LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TRẺ EM HÂN HOAN KHI ĐẾN TRƯỜNG ?

CHU MỘNG LONG /TD 6-9-2022


Anh Nguyễn Kim Sơn, anh Võ Văn Thưởng không đọc Facebook, nhưng có thư ký riêng chuyên đọc bài tôi viết về giáo dục để trình cho các anh. Chuyện làm lễ khai giảng, tôi đã có 3 bài giễu cợt vui vẻ, nhưng chắc chắn các anh ấy không vui được. Phàm làm quan thì rất thù ghét sự giễu cợt. Bài này viết nghiêm túc, hiến kế nghiêm túc.
Nói các em học sinh ở Việt Nam "vui vẻ", "hân hoan" đến trường là sự bịa đặt của nhà văn, nhà thơ và thành cửa miệng của lãnh đạo. Sự thực, ngày đầu tiên đi học, tức khai trường, các bé từ mẫu giáo đến lớp một thì khóc nhè, lớp lớn hơn thì nhăn nhó, lớn hơn nữa thì ngáp dài.
Nói gọn là trẻ em ngán tận cổ cái ngày mà giới quan chức ai cũng bảo là "vui vẻ", "hân hoan".
Vì sao? Vì không biết từ bao giờ, người ta đã biến ngày Hội thành ngày Lễ. Hội trong không khí dân chủ, bình đẳng thì mới vui vẻ, hân hoan. Hội dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho con trẻ vui chơi. Còn Lễ thì thù tạc, nghiêm trang theo tôn ti, trật tự. Lễ chỉ dành cho quan chức tôn thờ thần tượng, khoe danh, báo cáo thành tích. Trẻ em chỉ ngồi xem và vỗ tay cưỡng bức. Các ông bà có chức vui vẻ, hân hoan thì có. Trẻ em vui vẻ, hân hoan cái con khỉ!
Cứ xem Lễ hội văn hóa truyền thống mà xem? Lễ chỉ diễn ra ngắn gọn, chủ yếu là Hội. Các nhà văn hóa học nhập cục Lễ và Hội chứ không biết phân biệt rõ ràng, nên bây giờ các loại lễ hội đều bị biến tướng, phần Hội hoặc bị thiến hẳn hoặc rất mờ nhạt, hoặc diễn ra hoang dã, loạn xạ. Lễ hội hiện nay chủ yếu khuếch trương phần Lễ, hoặc chủ yếu chỉ còn có Lễ để... tôn thờ quan.
Theo nhà văn hóa - mỹ học Marxist M. Bakhtin, chỉ có Hội mới thuộc thì hiện tại đang tiếp diễn, tức cái đang sống và đang sinh sôi trong niềm vui thế tục. Còn gốc của Lễ thuộc thì quá khứ đã hoàn tất, tức cái đã chết được truy điệu, tưởng niệm mang tính tâm linh. Lễ là để rước và tế thần linh, ma quỷ, tế vong. Hay hớm gì cảnh người sống mà chờ đến dịp lễ là được ngồi chễm chệ trên khán đài như ngồi trên ban thờ để được người ta đưa rước, bái lạy, xướng danh và khoe công trạng?
Ngày khai trường là ngày Hội dành cho trẻ em hay ngày Lễ tế các quan chức? Muốn được tế thì chờ chết rồi, người ta sẽ tế bằng mâm cao cỗ đầy cho ăn, chứ ai để các ngài làm ma đói đâu mà lo hưởng trước?
Trong cái gọi là Lễ khai trường ở ta, trẻ em mặc đồng phục tề chỉnh, im lặng, trật tự ngồi dưới nắng, nghếch mõm nhìn lên trên khán đài chiêm ngưỡng những vị tai to mặt lớn, nghe hết bài giới thiệu loằng nhoằng các loại danh, nghe những bài diễn văn báo cáo thành tích và khoe công trạng dài dòng của lãnh đạo, chúng không khóc nhè, không nhăn mặt và không ngáp dài mới là chuyện lạ.
Bạn tôi ở châu Âu nói, ở cái xứ giãy chết đó không có Lễ khai giảng mà gọi đúng tên là Hội khai trường. Ngày đầu tiên đi học, các em học sinh được các thầy cô tiếp đón bằng đủ trò vui. Không chỉ tổ chức các trò vui cho trẻ mà mỗi học sinh còn được tặng cả nón quà, để làm sao trẻ em thấy được đi học vui hơn ở nhà.
Nếu đã có khẩu hiệu "Tất cả vì tương lai con em chúng ta" thì ngày khai trường phải là ngày của trẻ em chứ không phải ngày của quan chức và thầy cô giáo. Trẻ em đến trường phải như đi hội mới đúng. Việc để trẻ em khóc, nhăn nhó, ngáp dài, xem ngày khai trường như là khởi đầu đi vào miếu tế vong, vào bệnh viện tâm thần, vào trại tù là có tội.
Làm được không? Đổi tên Lễ Khai giảng thành Hội khai trường. Bỏ ngay thứ lễ lạt khoe danh, khoe thành tích đi. Cuối năm đã tổng kết, báo cáo thành tích và khen thưởng rồi, tiếc gì nữa mà làm lần hai? Dẹp ngay cái trò tận thu các loại tiền đầu năm học làm cho phụ huynh cay đắng, khổ sở rồi lây lan nỗi khổ sở, cay đắng ấy sang trẻ em. Trích chi một khoản tiền tổ chức vui chơi và tặng quà cho các cháu. Có khó lắm không?
Hiến kế đấy, bằng kiến thức sơ giản về lễ hội, bằng lấy việc làm đơn giản của xứ giãy chết, chỉ cần học tập và làm theo y chang rồi sáng tạo gì đó nữa thì tự nghĩ ra. Đơn giản vậy mà đọc không hiểu nữa thì tôi chịu thua!


TRẢ CHIẾC DÙI TRỐNG CHO NHÀ TRƯỜNG

THÁI HẠO/ BVN 7-9-2022

Khai giảng (tên gọi cũ là khai trường) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học...

Mạng xã hội lại chia sẻ ngập tràn hình ảnh những vị lãnh đạo cấp cao trong “quá khứ gần” từng đánh trống khai giảng ở các trường học trên nhiều địa phương, nhưng bây giờ đang ngồi tù vì đủ các loại tội danh. Trong những hình ảnh ấy, không chỉ có sự mỉa mai, phê phán, mà hơn hết, là một nỗi xót xa.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại nơi việc đòi hỏi tìm được đúng những vị lãnh đạo có đủ “tâm - tầm - tài” để đánh tiếng trống trang trọng cho ngày đầu năm học mới; mà quan trọng hơn, nó đặt ra câu hỏi: vì sao lãnh đạo của các cơ quan hành chính lại là người đánh trống chứ không phải thầy hiệu trưởng?

Khai giảng (tên gọi cũ là khai trường) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học, chứ không phải nơi chốn của những người quản lý hành chính.

Từ bao giờ các quan chức lại đến trường đánh trống khai giảng? Ai đang thực sự là “trung tâm” trong nhà trường, học sinh hay người khác?

Sự hiện diện của quan chức trong bộ máy công quyền vào ngày khai giảng (và trong giáo dục nói chung) nên dừng lại ở mức độ khách mời và như một cam kết về nghĩa vụ chăm lo các điều kiện về chính sách cho giáo dục, chứ không phải là “lãnh đạo” giáo dục. Ngày nay, việc họ đứng lên “chỉ đạo” trong môi trường tri thức mà ở đó họ thường không có thẩm quyền chuyên môn và cũng ở đó quan hệ thầy trò là thiêng liêng và thuần khiết, đang khiến chúng ta nhìn thấy những bất ổn trong phân chia quyền lực, nếu không nói là đảo lộn.

Khi quyền lực hành chính ngự trị trong môi trường giáo dục, nó làm phát sinh hàng loạt những vấn nạn: cửa quyền hoành hành, sự thật bị bóp méo, giáo dục thành giáo điều.

Tôi còn nhớ như in một kỷ niệm, đó là trong dịp khai giảng của trường tôi cách đây vài năm. Khi đó, trường mời được lãnh đạo từ huyện đến tỉnh về dự và sẽ “phát biểu chỉ đạo”. Học sinh và giáo viên cầm cờ đứng xếp hai hàng từ ngoài cổng vào đến sân khấu từ sáng sớm để đón lãnh đạo. Được lệnh từ trước của hiệu trưởng, khi có vị lãnh đạo nào bước vào thì tất cả phải tươi cười vẫy cờ; khi lãnh đạo vào tới lễ đài thì tất cả giáo viên phải đứng dậy chạy lại bắt tay mừng rỡ… Trong buổi họp hội đồng đầu năm sau lễ khai giảng ấy, một số giáo viên đã bị nêu tên và “phê bình” gay gắt vì đã “thiếu nhiệt tình” khi không chủ động lại chào lãnh đạo.

Đó là một một nỗi ê chề của những người làm thầy, đó cũng là bằng chứng sinh động cho tình trạng nhà giáo bị coi thường, bị bắt nạt và khiến hai chữ “tôn sư” trở thành rỗng nghĩa và thành hình thức suông. Trong môi trường giáo dục mà nhà giáo không được tôn trọng đến mức ấy thì thử hỏi làm sao việc dạy dỗ có thể mang lại kết quả gì tốt đẹp?

Chừng nào giáo dục còn chưa có được một vị trí độc lập xứng đáng, chừng nào nhà giáo còn chưa được tôn trọng và đề cao, chừng ấy chúng ta còn phải chứng kiến đủ thứ bệnh trạng mà các biện pháp “cải cách” đủ loại khó lòng mà mang lại một sự thay đổi đáng kể nào.

Cần phải trả chiếc dùi trống lại cho nhà trường, trả sự tôn nghiêm lại cho quan hệ thầy trò, trả sự trong sáng lại cho môi trường giáo dục…, lúc ấy mới mong giáo dục sẽ thay da đổi thịt.

T.H.

Nguồn: Nông Nghiệp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét