Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

20220922. KHỞI TỐ, BẮT GIAM BT HẢI DƯƠNG PHẠM XUÂN THĂNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐÌNH CHỈ SINH HOẠT ĐẢNG, TRÌNH TRUNG ƯƠNG KỶ LUẬT BÍ THƯ 

HẢI DƯƠNG

THU HẰNG/ VNN 16-9-2022

Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương.

Ngày 16/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026,

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng xem xét kỷ luật các ông: Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Lương Văn Cầu, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Uỷ viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Phạm Mạnh Cường, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Trọng Hưng, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương.

Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:  Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành nhiều văn bản kết luận có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời phát hiện các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. 


Ông Phạm Xuân Thăng

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; để huyện Tứ Kỳ vi phạm Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng.

Ông Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát để một số tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Dương Thái, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Buông lỏng quản lý, điều hành để cán bộ cấp dưới vi phạm khuyết điểm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Lương Văn Cầu, trong thời gian giữ chức vụ Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Mạnh Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vi phạm rất nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ.

Ông Nguyễn Trọng Hưng, trong thời gian giữ chức vụ Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Tài chính, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Tài chính; trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các ông: Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Dương Thái, Phạm Mạnh Cường đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, người dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và từng cá nhân.

Những vi phạm, khuyết điểm của các ông: Lương Văn Cầu, Nguyễn Trọng Hưng gây hậu quả nghiêm trọng; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương. Vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Triệu Thế Hùng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng. 

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các ông: Triệu Thế Hùng, Lương Văn Cầu; Cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Nguyễn Trọng Hưng; Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Dương Thái; Khai trừ Đảng đối với ông Phạm Mạnh Cường.

Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật về hành chính theo quy định đối với tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Trước đó tại kỳ họp thứ 19 diễn ra từ ngày 6 - 8/9/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật các ông: Phạm Xuân Thăng, Triệu Thế Hùng, Nguyễn Dương Thái, Lương Văn Cầu, Phạm Mạnh Cường.

TH

BẮT NGUYÊN BÍ THƯ HẢI DƯƠNG PHẠM XUÂN THĂNG LIÊN QUAN VIỆT Á

ĐOÀN BỔNG/VNN 17-9-2022

Nguyên Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vi phạm liên quan đến đại án Việt Á.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an tối nay (17/9) xác nhận với VietNamNet, ông Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3, điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ông Phạm Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương cùng bị bắt và khởi tố tội danh trên. 


Bị can Phạm Xuân Thăng (trái) và bị can Phạm Mạnh Cường. Ảnh: Bộ Công an

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Ngày 17/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường. 

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên đúng quy định.

Đây là diễn biến mới nhất khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

 Ngày 16/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025; đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng.


ĐB


THANH TRA, KIỂM TRA ĐÃ Ở ĐÂU TRONG CÁC VỤ ÁN THAM NHŨNG TÀY TRỜI ?

LS. ĐẶNG ĐÌNH MẠNH/BVN 19-9-2022

Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương vừa bị bắt giữ đã nối dài thêm danh sách quan chức trong chính quyền lẫn trong CDC cả nước bị tống giam vì liên quan đến vụ tai tiếng Việt Á. Đến mức, trong hệ thống CDC, công chúng không hỏi quan chức nào đã bị bắt, mà họ phải hỏi quan chức nào chưa bị bắt thì có lẽ câu trả lời sẽ nhanh hơn.

clip_image002

Nguồn ảnh minh họa từ VnExpress: Ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, người vừa bị bắt giữ

Chưa hết, trước đó, ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô bị tước đảng tịch, bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội, cách chức và tống giam đều là hệ quả từ cuộc điều tra vụ đại án Việt Á.

Đương nhiên, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường – nơi làm việc của ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô, các CDC và hầu hết tất cả cơ quan công quyền trong cả nước đều có thành lập đầy đủ các thiết chế gồm thanh tra nhà nước từ hệ thống chính quyền và ủy ban kiểm tra từ hệ thống đảng. Nhưng phát hiện ra tội phạm của họ lại không từ các thiết chế thanh tra, kiểm tra mà là từ kết quả điều tra của cơ quan điều tra hình sự thuộc công an.

Trong trường hợp này, câu hỏi cần đặt ra rằng: Các thiết chế thanh tra, kiểm tra đã ở đâu? Đã làm gì? Khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật trong cơ quan mà mình có trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra? Đã tê liệt ư?

Việc tham nhũng trải qua nhiều giai đoạn và đa phần trường hợp, cơ quan công an chỉ có thể hiện diện ở giai đoạn cuối khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành. Ở các giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc đang phạm tội, thì lẽ ra các thiết chế thanh tra, kiểm tra sẽ có tác dụng như những "cái phanh hãm" việc tham nhũng, nhưng hầu như chúng đều vô tác dụng.

Không chỉ cá biệt trong vụ án Việt Á, mà các vụ án liên quan đến các quan chức khác cũng vậy. Các thiết chế thanh tra, kiểm tra nơi có cán bộ tham nhũng hầu như bất động, có cũng như không. Và có bao giờ cán bộ chức năng từ các thiết chế này đã bị truy trách nhiệm?

Nhìn ra thế giới bên ngoài, họ đã làm gì để hạn chế tham nhũng, điều đang trở thành quốc nạn ở nước ta? Câu trả lời thật ra không quá khó: Phân chia quyền lực, đối trọng quyền lực, giám sát quyền lực và cạnh tranh quyền lực... đều chính là "cái lồng nhốt quyền lực" mà người đứng đầu đảng tìm kiếm khi nhận ra quyền lực tha hóa đến mức nào khi thiếu sự kiểm soát, kiềm chế.

Rõ là không quá khó khăn tìm giải pháp khắc phục, nhưng vẫn quá khó khăn để giải pháp trở thành chính sách mà vận dụng nếu chưa xác định đúng quan điểm về quản trị quốc gia.

Điều thú vị là cơ sở để đưa các giải pháp quản trị quốc gia đã được xác định trong chính Điều lệ Đảng CSVN, phần lời nói đầu với tựa "Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng", tại đoạn 4 (phần chữ in lớn dưới đây) định rằng : "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, TIẾP THU TINH HOA TRÍ TUỆ CỦA NHÂN LOẠI, NẮM VỮNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN, XU THẾ THỜI ĐẠI và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân". Trong đó, đoạn văn thức "tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại" chính là cơ sở để vận dụng các phương pháp quản trị đã giúp nhiều quốc gia trên thế giới trở nên hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời với điều đó, đương nhiên, phải ngừng tự tiện chụp cho chúng chiếc mũ "phản động" hoặc "thù địch".

Nếu không, cuộc chiến “đốt lò” sẽ còn tiếp diễn mãi không dứt, xứ sở vẫn bị nạn tham nhũng tàn phá cho tan hoang. Vì lẽ, “đốt lò”, cách ấy chỉ chữa trị triệu chứng đằng ngọn, chúng chưa chạm được phần gốc phát sinh căn bệnh. Các phương cách “hãm phanh” bằng thanh tra, kiểm tra đã kém phát huy chức năng của mình.

Hòn ngọc Viễn Đông cổ

Đ.Đ.M.

Nguồn: FB Manh Dang

ĐỈNH CAO TRƠ TRẼN: THÌ RA LÀ ỔNG CHỨ AI VÔ ĐÂY

CÙ MAI CÔNG / BVN /TD 18-9-2022


Sau khi bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, ngày 17-9-2022, ông Phạm Xuân Thăng, nguyên bí thư tỉnh Hải Dương đã bị bắt vì liên quan vụ Việt Á. Cùng bị bắt với ông Thăng là ông Phạm Mạnh Cường - cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương.
Cơ quan điều tra xác định hai bị can này đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Cuối năm ngoái, khi vụ Việt Á nổ ra ở Hải Dương, ngay lập tức, Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã bày tỏ thái độ hết sức nghiêm khắc với hành vi này. Tại Hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra ngày 21-12, ông Thăng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm tại CDC. Ông nhấn mạnh sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến - giám đốc CDC tỉnh Hải Dương - là rất nghiêm trọng, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Sau đó, 17-6-2022, ông Thăng trở thành Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương.
Quá ngưỡng mộ một vị lãnh đạo anh minh. Hình ảnh mẫu mực ấy còn được ông thể hiện cách đây nửa tháng khi dự buổi khai giảng năm học ở một trường trong tỉnh: dõng dạc gõ trống làm gương cho học trò.
Giờ nhân dân cả nước suýt té ghế khi ổng bị bắt. Thì ra chính ổng “đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh” chớ ai vô đây.
Không chỉ ông Thăng, tới giờ gần 100 vị quan chức liên quan Việt Á đã xộ khám, dù trước đây lắm vị cũng “nói thánh nói tướng” lắm, thề thốt “không nhận một đồng nào của Việt Á”, này nọ lung tung. Cuối cùng bể huể hết. Cái này không phải là vô liêm sỉ thì là gì?!
Trong cao điểm chống dịch Covid năm ngoái 2021, trước một số hiện tượng “kỳ lạ” dồn dập trong chống dịch, hai anh cựu Cỏ Cú và cựu Chánh Văn (Đoàn Công Lê Huy – hiện là cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ 4T) đã bảo nhau: “Sau Covid sẽ có hàng loạt cán bộ đi tù”.
Danh sách này có lẽ chưa hết. Và chắc chắn không chỉ là Việt Á mà còn nhiều vụ khác. Lò vẫn đang nóng với những kẻ trơ trẽn đỉnh cao của thói vô liêm sỉ.
Thương cho lỗ tai những cô câu học trò mới đầu năm học phải nghe tiếng trống của ông Thăng. Họ sẽ nhớ mãi tiếng trống ấy.
CMC

ĐẰNG SAU VIỆC PHẠM XUÂN THĂNG, BÍ THƯ HẢI DƯƠNG BỊ BẮT
MAI HOA KIẾM/ TD 19-9-2022

Ngày 17-9- 2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh Hải Dương.
Phạm Xuân Thăng bị bắt giam là tất yếu, vì đã can thiệp, chỉ đạo mua test kit Việt Á và được chia chác tiền hối lộ.
Chỉ bất ngờ là một ngày trước khi bị bắt, Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng và các chức vụ trong Đảng. Bộ Chính trị cũng trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Thăng tại hội nghị Trung ương 6 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4-10 đến 10-10-2022.
Sau khi tiễn được 3X về quê, quyền lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới thời Nguyễn Phú Trọng là tối thượng, xem Ban chấp hành Trung ương chẳng ra gì.
Việc bắt ông Phạm Xuân Thăng na ná như bắt Đinh La Thăng trước đây, tức Bộ Chính trị “gật đầu” bắt Uỷ viên Trung ương mà không cần xin phép Ban chấp hành Trung ương, cũng không cần Uỷ ban Thường vụ quốc hội ra quyết định tạm dừng tư cách đại biểu. Chỉ khác ở chỗ, Xuân Thăng chưa từng nhận kỷ luật đảng, còn La Thăng đã bị tước bỏ chức Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư thành Hồ trước đó.
Nên nhớ, Phạm Xuân Thăng hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng về đảng lẫn chính quyền:
- Ủy viên Trung ương Đảng khoá 13
- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương
- Bí thư đảng uỷ quân sự Hải Dương
- Trưởng ban phòng chống tham nhũng tỉnh Hải Dương
- Ủy viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa XIV
- Đại biểu Quốc hội hai khoá XIII và XIV.
Chân dung Bí thư tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng. Nguồn: TTXVN
Phạm Xuân Thăng tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội ngành Hoá học và trở thành thầy giáo dạy Hoá được nhiều năm. Nếu như không tham vọng quyền lực, để đi làm cán bộ Đoàn, thì đời thầy giáo Thăng không có cái kết tệ hại như bây giờ.
Hai chục năm trước, nhiều thầy giáo và công chức đã gọi ông Thăng bằng hỗn danh Thăng “Tóc Đỏ” để ví ông ta như nhân vật Xuân Tóc Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tức là Thăng Tóc Đỏ cũng tinh ranh, cũng “quái” và có tài mê hoặc các bà “Phó Đoan” là mệnh phụ, phu nhân các đại quan cộng sản. Nhờ đó, Thăng leo rất nhanh lên những nấc thang quyền lực.
Trời cho Thăng Tóc Đỏ vẻ điển trai và thân hình vạm vỡ. Thiên hạ đồn rằng, thời làm bí thư Đoàn tỉnh Hải Dương, Thăng Tóc Đỏ lọt vào “mắt xanh” để trở thành “em kết nghĩa” của nữ bí thư tỉnh uỷ Hải Dương người Nam Bộ, một phụ nữ xinh đẹp, sung mãn và ly thân chồng, hơn đúng Thăng một con giáp. Sau này, bà ta được ngồi hai khoá trong Bộ Chính trị và lọt vào đến “tứ trụ” triều đình.
Trong danh sách địa phương mua sắm kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Hải Dương mua 167 tỷ đồng, xếp thứ 4 sau Đà Nẵng (275,5 tỷ đồng), Bắc Giang (194 tỷ), Đồng Tháp (174 tỷ), Hải Dương (167 tỷ).
Tháng 12-2022, Cơ quan điều tra BCA bắt khẩn cấp Phạm Duy Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế, Bí thư Chi bộ, Giám đốc CDC Hải Dương, can tội nhận hối lộ 27 tỷ đồng của Việt Á. Thời điểm này, dư luận đã râm ran thông tin nhiều lãnh đạo cao nhất của Hải Dương đều được chia tiền hối lộ. Số tiền không được chi tiết, tin cho hay tiền Việt Á hối lộ bằng chuyển vào tài khoản đứng tên vợ ông Phạm Xuân Thăng.
“Đen thôi, đỏ quên đi!”
Dư luận cả nước đang hướng về Đà Nẵng, nơi dẫn đầu quốc gia về việc mua test kit số tiền kỷ lục 299 tỷ, trong đó số tiền mua test kit của Việt Á là 275,5 tỷ. Vậy mà, cho đến lúc này, dàn cán bộ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn vô can, ngoại trừ mỗi giám đốc CDC Tôn Thất Thạnh bị bắt, khởi tố tội danh rất vu vơ “Tham ô tài sản”, khi cho bán một số test kit “dôi dư” trong kho cho chính Cty Việt Á để kiếm được 4 tỷ đồng. Tóm lại là, cán bộ Đà Nẵng không tơ hào, hối lộ đồng nào!
Ngày 31-7-2022, Nguyễn Văn Quảng, bí thư Đà Nẵng dám nói chắc rằng, ngoài những tiêu cực của một số cán bộ ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC) thì không có tiêu cực ở các cấp khác của thành phố.
Bí thư Quảng từng nói: “Vừa rồi trên trang mạng cũng có những thông tin cá nhân đồng chí A, đồng chí B liên quan đến việc này, việc kia. Tôi xin khẳng định rằng, trước tất cả những tài liệu của Ủy ban kiểm tra, thanh tra và đặc biệt là của cơ quan điều tra đến thời điểm này không có các vấn đề về tham nhũng, tiêu cực như trên các trang mạng xã hội đưa ra”.
Câu hỏi đặt ra, tại sao bí thư Đà Nẵng lại tự tin đến vậy? Tại sao tài liệu của Cơ quan điều tra, Uỷ ban Kiểm tra và cả Thanh tra đều chưa công bố, nhưng ông Quảng đã được xem trước?
Tháng 1-2020, khi luân chuyển cán bộ nguồn vào Uỷ viên Trung ương khoá 13, lúc đầu ghế Phó bí thư Thường trực thành uỷ Đà Nẵng được sắp xếp cho Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trợ lý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, Thường trực ban bí thư Trần Quốc Vượng đang ở thế thượng phong nên phút 89, ông Vượng giành suất này cho đồ đệ của ông ta là Nguyễn Văn Quảng, Viện phó VKS Tối cao. Quảng là con trai ông Nguyễn Văn Huấn, là đàn anh, công tác chung với Trần Quốc Vượng nhiều năm.
Tháng 10-2020, Quảng ngồi vào ghế Bí thư Đà Nẵng tại đại hội đảng bộ thành phố lần thứ 22 và lọt vào Uỷ viên Trung ương khoá 13.
Nguyễn Duy Hưng đành ngậm ngùi về nhậm chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và mất cơ hội vào Uỷ viên Trung ương khoá 13. Hưng là con trai ông Nguyễn Văn Yểu, Uỷ viên Trung ương khoá 8 và 9, cựu Phó chủ tịch Quốc hội khoá 10 và 11.
Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư tỉnh Hưng Yên (ảnh trên) và Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đà Nẵng (ảnh dưới)
Nếu Nguyễn Hoà Bình thay Đinh Tiến Dũng làm Bí thư Hà Nội, Lê Minh Trí thay Bình giữ chức Chánh án Tối cao, thì cơ hội được điều về trung ương thay Trí, ngồi ghế Viện trưởng VKS Tối cao đối với Nguyễn Văn Quảng là rất lớn. Có lẽ vì thế, Quảng đã làm hết mình để Đà Nẵng có “bộ mặt sạch sẽ” và dàn lãnh đạo thành uỷ, cùng ban cán sự đảng UBND thành phố được ra khỏi tầm ngắm.
Được biết, UBKT Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật kiểu “giơ cao đánh khẽ” dành cho Đà Nẵng và sẽ công bố nay mai.
Có 16 vị bị mức “khiển trách”, trong đó có Lê Trung Chinh, Phó bí thư thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND TP. Cùng 3 vị bị mức “cảnh cáo” gồm:
- Hồ Kỳ Minh, Thường vụ thành uỷ, Phó Bí thư ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.
- Ngô Thị Kim Yến, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP, giám đốc sở Y tế.
- Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2015-2020.
Trở lại câu chuyện Phạm Xuân Thăng. Ngài Thăng Tóc Đỏ giờ đã thấm đòn trong canh bạc quyền lực và hiểu rõ bản chất của nhà nước cộng sản. Trung ương không phải là nơi trú ngụ của “giới tinh hoa” như đảng vỗ ngực rao giảng. Cái xã hội sang trọng mà Phạm Xuân Thăng lọt vào được cũng như cái xã hội đen lem luốc ngoài kia tuy khác nhau nhưng cùng chung một bản chất, dâm ô, đểu cáng, hám danh, bịp bợm, vô liêm sĩ, tranh quyền đoạt lợi, “ăn của dân không chừa bất cứ thứ gì” và sẵn sàng xuống tay đẫm máu.
Phạm Xuân Thăng bị bắt vì không giỏi chạy chọt như các lãnh đạo tỉnh thành khác và nhất là, phe cánh bảo kê của Phạm Xuân Thăng nay đã rã đám, vãn tuồng.
Đen thôi, đỏ quên đi!

MHK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét