Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

20220928. BÀN VỀ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TỪ XÃ HỘI TIÊU DÙNG ĐẾN THƯƠNG HIỆU

THIÊN KIM/ KTSG 22-9-2022

(KTSG) – Chúng ta đang sống trong một xã hội “tiêu dùng”. Dù giàu hay nghèo, chúng ta đều là những “người tiêu dùng hiện đại”.

Từ tiêu dùng đến… người tiêu dùng hiện đại

Nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith có viết trong quyển Sự giàu có của các quốc gia (1776) rằng “Tiêu dùng là mục đích và là lý do tồn tại duy nhất của sản xuất”. Tuy nhiên, nếu như tiêu dùng xuất hiện cùng với sự bắt đầu của lịch sử loài người, thì “người tiêu dùng hiện đại” lại là một khái niệm mới xuất hiện gần đây.

Theo các nhà kinh tế học, nhờ vào công nghệ, thiết chế xã hội, thương mại…, cách mạng công nghiệp diễn ra và kéo theo đó là sự xuất hiện của người tiêu dùng hiện đại. Còn theo các nhà sử học, thời đại tiêu dùng bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 ở châu Âu, khi thu nhập cá nhân tăng lên nhanh đồng thời với sự xuất hiện của các “mặt hàng mới” đến từ phương Đông như gia vị, lụa, đồ gốm sứ.

Chỉ cần nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy một sự khác biệt rõ rệt. Nếu như vào thời Trung cổ, một cá nhân tiếp xúc với khoảng từ 200-300 đồ vật trong cả cuộc đời thì ngày nay, một người Đức được ước tính sở hữu khoảng 10.000 đồ vật. Một nghiên cứu khác cho thấy một hộ gia đình người Mỹ có thể có tới 300.000 đồ vật(1). Năm 1960, thuật ngữ “xã hội tiêu dùng” xuất hiện lần đầu tiên trong nghiên cứu của nhà sử học người Pháp Jean-Marie Domenach, được dùng để chỉ một xã hội trong đó cá nhân bị “kích thích” tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ một cách thái quá. Xin bổ sung rằng, 5% dân số Mỹ hiện nay bị chẩn đoán bệnh “nghiện mua sắm”.

Tiêu dùng mang thông điệp xã hội

Ở thời đại của chúng ta hiện nay, tiêu dùng không còn đơn thuần là trả tiền mua một món hàng, nó còn mang một thông điệp xã hội cụ thể.

Nghiên cứu chủ đề này, nhà nhân chủng học người Anh Mary Douglas cho rằng tiêu dùng tạo nên các đặc điểm xã hội, văn hóa và cá nhân của người mua. Theo bà, mỗi món hàng đều có một ý nghĩa xã hội: phong cách và giá thành của món hàng chỉ ra vị trí của người mua trong xã hội. Tiêu dùng mang đến cho hàng hóa một ý nghĩa xã hội.

Cũng theo quan điểm này, nhà xã hội học người Pháp nổi tiếng Piere Bourdieu cho rằng tiêu dùng thể hiện “gu” của người mua. “Gu”, hay phong cách cá nhân được hình thành từ trong gia đình và trong tương tác xã hội. Chính vì thế, nó cũng tương ứng với vị trí xã hội của cá nhân. “Gu”, theo ông, là “dấu ấn” xã hội của cá nhân.

“Tôi mua, nên tôi tồn tại”, ông Benoit Heilbrunn, giáo sư ngành marketing của trường ESCP Europe Paris, kết luận.

Các nhà sử học cũng chỉ ra mối liên quan giữa sự xuất hiện của xã hội tiêu dùng và khái niệm “bản sắc” cá nhân vào thế kỷ 18. Xã hội hiện đại trong đó cá nhân định vị vị trí của mình qua tiêu dùng đã thay thế xã hội truyền thống, nơi vị trí của cá nhân được quyết định qua vai trò của gia đình, dòng tộc. Tiêu dùng giúp cho cá nhân xây dựng bản sắc: qua những gì cá nhân mua, sở hữu, người khác sẽ thấy cá nhân đó như thế nào, nhắm vào mục đích gì. Jean-Paul Sartre, triết gia người Pháp, cho rằng tổng số tài sản của một người phản ánh rõ rệt “cái tôi” của người đó.

Xây dựng thương hiệu trong một xã hội tiêu dùng

Trong một xã hội tiêu dùng, xây dựng thương hiệu là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Giá trị của thương hiệu nằm trong ảnh hưởng của nó tới người tiêu dùng. Mục tiêu của hoạt động marketing chính là nâng cao ảnh hưởng của thương hiệu.

Trước những năm 1950, thương hiệu chỉ đơn thuần là nhãn hiệu, cho phép phân biệt các loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, về sau này, các doanh nghiệp bắt đầu để ý đến vai trò của chính người tiêu dùng trong hình ảnh thương hiệu. Cách người tiêu dùng đón nhận nhãn hiệu, cũng như cách họ sử dụng hàng hóa, dịch vụ đã trở thành một phần của thương hiệu. Ví dụ, Pepsi và Coca Cola không chỉ đơn thuần bán một loại nước giải khát, họ bán một phong cách sống.

Theo ông Adam Arvidsson, giáo sư Đại học Milan, thương hiệu không chỉ là một sản phẩm, mà là một trải nghiệm. Ông so sánh hai hình ảnh: cây Thánh giá của Chúa Giê su không chỉ đơn thuần là một vật bằng gỗ, nó gợi lên sự kết nối thiêng liêng với Giê su; cũng như đồng hồ Rolex không chỉ đơn thuần là một chiếc đồng hồ, nhìn giờ trên đồng hồ Rolex cũng… khác hẳn. Theo chuyên gia về thương hiệu này, xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng một tôn giáo, vì điểm cốt yếu của nó là tạo ra trải nghiệm cảm xúc cho cả một cộng đồng.

Có thể nói, sự đóng góp của người tiêu dùng là yếu tố thiết yếu không thể thiếu của một thương hiệu. Từ những năm 1960, với sự xuất hiện của hoạt động điều tra nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn tới suy nghĩ, cảm xúc của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Từ hoạt động điều tra thị trường, người tiêu dùng gây ảnh hưởng tới nhãn hiệu. Sau đó, vào những năm 1980, xuất hiện những phương pháp marketing mới, như “cool hunting” (dự đoán về những xu hướng mới), như tài trợ thể thao, tổ chức sự kiện… Kể từ đó đến nay thì mục tiêu chính của xây dựng thương hiệu không còn là sản phẩm hay dịch vụ cụ thể, mà là hình ảnh thương hiệu, cũng như những trải nghiệm mà nó mang lại.

Sự phổ biến của Internet cũng mang lại những kỹ thuật xây dựng thương hiệu mới, như “user generated content” (nội dung tạo ra bởi người dùng) hay crowdsourcing (chiến lược cải tiến sản phẩm đặt người tiêu dùng vào trọng tâm), hay datamining (khai phá dữ liệu – cho phép “đo lường” mức độ ảnh hưởng của sản phẩm, như dựa vào số lượng like trên Facebook của một sản phẩm).

Càng ngày, xây dựng thương hiệu càng đặt kinh nghiệm và năng lực của người tiêu dùng vào trọng tâm chiến lược. Để phát triển, doanh nghiệp trong một xã hội tiêu dùng không chỉ cần phải thích ứng với văn hóa của khách hàng, mà còn cần tạo nên những văn hóa mới. Những thương hiệu nổi tiếng đều tìm cách “phá vỡ” quy chuẩn, tạo ra những khuynh hướng mới, khác biệt để hấp dẫn người tiêu dùng.

Trong xã hội hiện đại hiện nay, các doanh nghiệp làm đủ cách để kích thích người tiêu dùng mua sắm, kể cả khi không có nhu cầu. Người tiêu dùng vì thế cũng nên nhìn nhận sáng suốt cách tiêu dùng của bản thân, để tránh rơi vào tình trạng tiêu dùng thái quá, vừa không lành mạnh cho bản thân, vừa làm gia tăng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên trên trái đất.

(1) Theo Frank Trentmann, Empire of Things. How we became of consumers, from the fifteenth century to the twenty-first (2016)

TK

THIẾU CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VIỆT TẦM QUỐC TẾ

MAI HÀ/ TN 25-9-2022

Đã có một số doanh nghiệp Việt vươn ra đầu tư thế giới như Viettel, Vinamilk, Vinfast..., song tới nay VN vẫn chưa có được thương hiệu toàn cầu.

Năm 2019, sản phẩm gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới, sau đó là giải nhì năm 2020. Tuy nhiên, thương hiệu gạo này lại bị một doanh nghiệp (DN) khác không phải DN Việt đăng ký bảo hộ ở Mỹ. Nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, DN sở hữu thương hiệu ST25 của VN lại phải thông qua DN chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25.

Câu chuyện gạo ST25 là một minh chứng rõ nhất cho việc VN có rất nhiều sản phẩm tốt, đạt chất lượng và tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất, nhưng lại chưa có được những thương hiệu mang tầm quốc gia nếu xét cả về thương hiệu sản phẩm lẫn thương hiệu DN.

Thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu Việt tầm quốc tế - ảnh 1

Sản phẩm xe điện của Nhà máy Vinfast

LƯU QUANG PHỔ

Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty CP Mibrand VN, đơn vị phối hợp với Brand Finance vừa công bố TOP 50 thương hiệu giá trị nhất VN, chúng ta thiếu những thương hiệu ở tầm quy mô thế giới. Các nước có những thương hiệu nổi tiếng, được đón nhận ở những thị trường khác nhau, trở thành thương hiệu định danh cho quốc gia như nhắc đến Nhật Bản là Toyota, Honda; nhắc đến Hàn Quốc là Samsung, LG hay Đức là Mercedes, BMW...

Trong khi ở VN chỉ một số ít DN đầu tư ra nước ngoài gây dựng được thương hiệu như Viettel hay Vinamilk. Đơn cử như Viettel hiện đã đầu tư ra 10 thị trường trên thế giới và đạt được thành công nhất định, song các mạng viễn thông do Viettel xây dựng tại các nước vẫn mang những tên gọi khác nhau tùy thuộc vào từng nước... Tương tự, Vinamilk đã có sản phẩm xuất khẩu đến 6 nước. Vietnam Airlines khẳng định được giá trị với nhiều đường bay quốc tế vươn ra khắp thế giới.

Trong khi đó, theo một kết quả khảo sát của Bộ Công thương, chỉ 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu nhưng cũng chỉ chú trọng đăng ký tại VN, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Như vậy, có đến 80% DN không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu.

Tại diễn đàn phát triển thị trường khoa học công nghệ vừa diễn ra hôm 22.9, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu điểm khi các DN hoặc nhà nghiên cứu VN mới tạo ra sản phẩm nhưng chưa biết kinh doanh. “Phải bán cái thị trường cần, không phải bán cái chúng ta có. Nâng lên một cấp độ nữa là bán cái thị trường chưa cần nhưng sẽ cần”, ông Hoan nói.

Ông Lại Tiến Mạnh cho rằng có nhiều lý do khiến VN có nhiều sản phẩm tốt, xuất khẩu đạt giá trị cao, nhưng chưa có nhiều thương hiệu đạt tầm quy mô thế giới. Một trong số đó là các DN mới xây dựng, phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu của người Việt mà không có sự hiểu biết và đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng thế giới. Nói cách khác hiểu biết của DN với thị trường quốc tế và khách hàng quốc tế còn hạn chế, chưa kể rào cản ngôn ngữ, khả năng tài chính... khiến những DN nhỏ và vừa cũng khó tiếp thị được sản phẩm ở quy mô rộng rãi.

“Nhiều DN đã có ý thức xây dựng thương hiệu, nhưng thiếu và yếu về năng lực cũng như kinh nghiệm. Tuy nhiên, một mình DN sẽ không thể làm được câu chuyện xây dựng thương hiệu, mà cần một chiến lược quốc gia vài chục năm với các DN lớn tham gia”, ông Mạnh nhìn nhận và cho rằng đưa thương hiệu quốc gia (THQG) vươn ra toàn cầu phải đi liền với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, phủ sóng hàng hóa, sản phẩm VN ở thị trường thế giới.

Theo ông Mạnh, có thể lựa chọn ngay trong những DN đã có THQG để tập trung các ngồn lực hỗ trợ về xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh; kiến thức am hiểu quy định pháp luật kinh doanh, bảo hộ thương hiệu ở các thị trường nước ngoài khi đây vẫn là điểm yếu của DN VN khi bước vào hội nhập.

Dẫn lại câu chuyện của Hàn Quốc, theo chuyên gia xây dựng thương hiệu này, đất nước này đã đào tạo bài bản từ nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu quốc gia qua rất nhiều kênh như phim ảnh, âm nhạc cho đến các sản phẩm tiêu dùng, điện tử... Nhưng trước khi sản phẩm Hàn Quốc trở thành những thương hiệu toàn cầu thì Hàn Quốc đã rất chú trọng chiến lược kích cầu tiêu thụ nội địa, người Hàn dùng hàng Hàn, tạo được thị trường nội địa vững chắc cho các DN phát triển.

“VN cũng có chiến lược người Việt dùng hàng Việt, nhưng người dân VN chưa thực sự tin tưởng và dành sự quan tâm đúng mực cho các sản phẩm nội địa. Chỉ khi phát triển mạnh được ở thị trường nội địa, DN mới đủ lực để vươn ra thị trường thế giới. Chúng ta có nhiều niềm tự hào nhưng lại đang thiếu khát vọng mang tầm quốc gia”, ông Mạnh nhận xét.

Sản phẩm chất lượng tốt là gốc rễ của thương hiệu

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng những năm qua, DN VN đều rất chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa và quảng bá, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, so với tiềm năng của đất nước thì THQG của VN chưa tương xứng.

PGS-TS Thịnh cho rằng muốn tăng giá trị THQG thì bắt buộc cần có những sản phẩm đặc trưng, chất lượng tốt, khẳng định được tính thiết yếu với số đông khách hàng trên thế giới. Nhưng muốn thế thì chắc chắn bản thân mỗi DN trước hết phải tự thấy có khát khao trỗi dậy, vươn tầm thế giới để từ đó xây dựng được chiến lược, kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình, cơ chế chính sách trong nước, điều kiện thị trường… Nhiều DN cùng khát khao vươn ra thế giới, đẩy mạnh đầu tư sẽ là nền tảng sản sinh ra các sản phẩm chất lượng, khẳng định thương hiệu của chính DN là trước hết, sau đó sẽ góp phần nâng tầm vị thế THQG.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết có nhiều con đường để khẳng định giá trị thương hiệu, một số DN lựa chọn phát triển mạnh ở nước ngoài rồi mới đưa về nội địa; có DN lựa chọn phát triển song song ở thị trường nước ngoài và nội địa; nhưng thông thường, các DN sẽ chọn con đường lớn mạnh, khẳng định thương hiệu ở trong nước trước. Viettel, Vinfast, Hòa Phát… đều là những DN đóng góp nhiều vào giá trị THQG VN. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích những DN lớn phát triển, tạo ra thêm những sản phẩm chất lượng tốt, có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường. Tùy vào mỗi ngành, nghề, lĩnh vực mà có chính sách hỗ trợ DN riêng. Ngoài sự chủ động của DN, cơ quan nhà nước cũng cần có tầm nhìn để nhìn ra những sản phẩm tiềm năng của đất nước để thúc đẩy phát triển.

“Chính phủ và các bộ, ngành sẽ luôn đóng vai trò “hoa tiêu” để các DN phát triển mạnh trong nước, tích tụ tiềm năng, chờ hội tụ đủ điều kiện vươn ra thế giới. Hơn hết, vai trò của cơ quan nhà nước là rất lớn, giúp DN có định hướng về phát triển ngắn hạn, trung hạn, lâu dài phải có sự nhạy bén, tầm nhìn xa ở các thị trường thế giới”, PGS-TS Thịnh nói.

Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN (VACC), nêu ý kiến VN cần xác định rõ những mục tiêu đẩy mạnh giá trị thương hiệu khả thi nhất trong ngắn hạn và dài hạn. Việc xác định các mục tiêu chiến lược nên do ý chí của tập thể những người vừa có lý thuyết, thực tiễn, kinh nghiệm của các hiệp hội DN và cơ quan quản lý nhà nước phối hợp. Trên cơ sở đó, hoạch định rõ ưu thế, hạn chế nội tại của DN nội cũng như những khó khăn, thách thức khách quan của thị trường. Việc xác định mục tiêu cần tập trung rõ ràng, không nên dàn trải để tránh phân tán nguồn lực. Từ đó, sẽ đưa ra cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho từng mục tiêu, lộ trình phát triển mỗi sản phẩm chất lượng cao. Với cơ chế thị trường nước ta hiện nay, thì vai trò định hướng, kết nối hợp tác song phương, đa phương của nhà nước là rất quan trọng bên cạnh sự chủ động tìm kiếm cơ hội của mỗi DN.

Lê Quân


TỬ TẾ LÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

ĐỖ NGÀ/ BVN 26-9-2022

clip_image002

Đầu thập niên 90, xe Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam rất ồ ạt, các thương Hyundai, Deawoo, Kia chiếm lĩnh thị trường vì giá mềm hơn xe Nhật. Thời đó, xe Hàn là xe giá rẻ và thực tế chất lượng xe Hàn còn khá xa với xe Nhật. Tuy nhiên, cho đến nay, xe Hàn đã cạnh tranh hoàn toàn sòng phẳng với xe Nhật mà không phải e ngại.

Không chỉ thị trường Việt Nam mà thị trước Bắc Mỹ cũng thế, xe Hàn giờ đây đã chiếm lĩnh thị trường vừa khổng lồ vừa khó tính này. Xe Hàn đã được thế giới thừa nhận. Ngoài ô tô, hàng điện tử Hàn cũng đã từng bước đi lên vững vàng. Trước đây Samsung đứng sau Sony về thương hiệu nhưng giờ hãng điện tử này đã vượt qua Sony. Và hàng Hàn hiện nay đang cạnh tranh với hàng Nhật trên nhiều lĩnh vực.

Quốc gia nào cũng vậy, không bỗng dưng họ có thương hiệu quốc gia theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” mà đều phải xây dựng. Để nâng tầm thương hiệu thị họ đi từng bước chậm mà chắc. Không có đường tắt nào dành cho lộ trình xây dựng thương hiệu.

Xe máy Trung Quốc, ô tô Trung Quốc khi mới vào thị trường Việt Nam cũng là sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên một thời gian sau, hàng Trung Quốc bị thị trường Việt Nam từ chối. Và tất nhiên, ô tô xe máy Trung Quốc cũng không thể bám rễ được thị trường Bắc Mỹ như xe Hàn đã từng làm. Hàng Tàu có xuất phát điểm như hàng Hàn nhưng tại sao họ lại bị từ chối?

Điều khác biệt giữa xe Hàn với xe Tàu là ở sự tử tế. Anh có thể bán sản phẩm chất lượng chưa tốt nhưng anh có thiện chí cải tiến lỗi sau từng dòng đời sản phẩm, đấy là sự tử tế. Anh bán xe rẻ nhưng lại trích phần lớn trong lợi nhuận để cung cấp dịch vụ hậu mãi đầy đủ cho khách hàng, đấy là sự tử tế. Trong khi đó hàng Tàu thường bán cho khách hàng chỉ cốt để lấy tiền bỏ túi và bỏ mặc khách hàng tự bơi với những lỗi do nhà sản xuất. Thiếu sự tử tế và thừa lòng tham.

Thực ra trong các thương hiệu xe Tàu, cũng có những thương hiệu làm ăn tử tế, tuy nhiên những thương hiệu này không thể mở rộng thị phần ra nước ngoài vì sự ác cảm của thế giới về hàng Tàu. Những người tử đã bị những doanh nghiệp thiếu tử tế hại.

Hiện nay Việt Nam đang làm theo cách người Tàu. Nhiều thương hiệu lớn đang mở rộng thị trường ra thế giới, đã bước vào những thị trường khó tính như EU, Nhật vv... mà vẫn lén lút đưa hàng hóa kém chất lượng trà trộn vào. Vụ việc các nhãn hàng của Masan đã bị phát hiện chất cấm cho thấy điều đó. Những gì các doanh nghiệp này gieo rắc, họ đang đánh chết thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Hiện nay, Vinfast đang nuôi tham vọng thành thương hiệu toàn cầu, tuy nhiên Vinfast đang thiếu vắng sự tử tế trong văn hóa kinh doanh. Lợi dụng lòng yêu nước để bán hàng thiếu an toàn là thiếu sự tử tế. Không kiểm tra thật kỹ sản phẩm để rồi sản phẩm ấy thành cỗ máy giết người thì sự thiếu tử tế đố đã thành tội ác. Hàng Vinfast có chưa thể chất lượng bằng hàng Nhật, hàng Đức cũng không sao, sự tử tế có thể lấp vào khiếm khuyết ấy để giữ chân khách hàng để lần sau sửa chữa tốt hơn. Tuy nhiên, nếu dùng đồng tiền che đậy cái vô đạo đức và vô trách nhiệm của hãng thì xã hội sẽ không dung thứ cho loại thái độ đó. Một khi nguồn “yêu nước ngây thơ” đã cạn thì Vinfast cũng sẽ đi đến ngày tàn mà thôi. Nếu không lấy sự tử tế làm giá trị nòng cốt thì cái chết của thương hiệu Vinfast chỉ là vấn đề thời gian.

Những kẻ ngụy biện hay có lý luận rằng, nơi nào cũng có kẻ tốt người xấu. Tất nhiên, quốc gia văn minh bậc nhất như Úc, Thụy Điển, Nay Uy v.v... vẫn có trộm cướp, vẫn có tham nhũng. Năm 2014, ông Ông Barry O’Farrell, Thủ hiến bang New South Wales (Úc) kiêm thủ lĩnh Đảng Tự do tại bang này, phải từ chức vì nhận món quà là chai rượu vang trị giá 3000 đô la. Đấy! Nước Úc có tham nhũng đấy chứ có 100% sạch đâu? Tuy nhiên, tham nhũng ở Việt Nam thì khác, lò ông Trọng dựng lên từ năm 2016 đến nay đốt hàng ngàn “củi” nhưng càng đốt càng lòi ra củi gộc ăn trăm tỷ ngàn tỷ. Chỉ riêng một vụ Việt Á đã hơn 70 thanh củi vào lo mà vẫn chưa hết. Đấy! Úc và Việt Nam cũng có tham nhũng đấy, nhưng không thể đánh đồng.

Luật số đông làm nên tính cách của một quốc gia. Số đông tử tế thì quốc gia ấy là tử tế, số đông có đạo đức là xã hội có đạo đức, số đông xuống cấp đạo đức thì đạo đức xã hội xuống cấp. Và quy luật số đông chi phối tập thể đó là điều mà ai cũng rõ. Vì thế Úc và Việt Nam đều có tham nhũng nhưng người ta vẫn xem chính quyền Úc là một nhà nước sạch là cái nhìn theo luật số đông.

Tương tự như vậy, luật số đông sẽ làm nên thương hiệu quốc gia. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tử tế thì thương hiệu quốc gia của Việt Nam sẽ được nâng tầm, còn trong môt rừng doanh nghiệp mà chỉ có một vài là tử tế thì chính giá trị thấp của thương hiệu quốc gia đè bẹp những kẻ tử tế đấy.

Giới doanh nhân Việt là một thành phần của xã hội Việt. Nền tảng đạo đức xã hội thấp thì loại doanh nghiệp chỉ chăm vào những trò móc túi mà phủi trách nhiệm chiếm số đông. Và một khi nền tảng đạo đức xã hội quá thấp thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh lên là rất khó, nếu không muốn nói đó là nhiệm vụ bất khả thi./.

Đ.N.

Nguồn: SOI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét