Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

20220913. KIỂM SOÁT TÀI SẢN CÁN BỘ TRONG CHỐNG THAM NHŨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG


BỐC THĂM TÌM THAM NHŨNG VÀ CÂU HỎI 
'ĐỒNG CHÍ CÓ MẤY SUẤT ĐẤT?'

ĐỖ CHÍ NGHĨA/TVN 12-9-2022

Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đang triển khai bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

Một công việc đã có sự chuẩn bị từ sớm theo luật Phòng chống tham nhũng nhưng vẫn đặt ra những băn khoăn của dư luận. Liệu bốc thăm ngẫu nhiên đã khách quan? Liệu việc xác minh có đi đến tận cùng vấn đề? Và cuối cùng việc bốc thăm có tìm ra được tham nhũng như kỳ vọng?

‘Nếu đồng chí trả lời trung thực thì tôi tin’

Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống tham nhũng. Đây là một tiền đề quan trọng. Nhưng kiểm soát tham nhũng chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Những vụ xử tham nhũng vừa qua cho thấy, tài sản của quan tham thường đã “di chuyển” rất xa đối tượng được xác minh theo luật định. Ở Việt Nam, các mối quan hệ họ hàng, anh em rất dích dắc, và “địa chỉ” gửi gắm những nguồn tài sản không minh bạch luôn vượt xa tầm với của quy định luật pháp hiện hành.


Ảnh minh họa: Báo Lao Động

Có vụ thiệt hại cả nghìn tỷ nhưng người sai phạm cãi tôi là công chức nhà nước, sai thì chịu trách nhiệm chính trị, kể cả pháp lý chứ tiền đâu để đền? Có vụ đương sự nguyên là lãnh đạo chỉ chịu “hội ý” với con cái để xuất tiền ra bồi thường khi Viện kiểm sát đề xuất mức án tử hình.

Ngay một vụ nổi đình nổi đám đánh bạc thu lợi cả nghìn tỷ gần đây, cơ quan chức năng cũng đành ngao ngán vì không tìm ra được tài sản để buộc đối tượng chủ mưu bồi thường, trong khi một bị can khác đã bỏ ra hàng nghìn tỷ thi hành án! Mới nhất, một vị cựu quan chức ở Hạ Long bị khởi tố, cơ quan chức năng kê biên cả loạt xe sang nhưng chính danh vị này cũng chỉ đứng tên chiếc xe rẻ tiền nhất!

Nói thế để thấy tài sản là chuyện rất nhạy cảm và phức tạp. Tài sản có thể hình thành qua nhiều thế hệ, tài sản thực, tài sản đứng tên hộ, tài sản thừa kế. 

Nếu tính theo thu nhập “nét”, chắc chắn tài sản công chức không đáng gì. Nhưng sự năng động của nền kinh tế phát triển nhanh, từ kinh doanh nhà cửa, đất đai, từ các lợi ích quan hệ khác có thể đem lại cho các cá nhân tài sản lớn hơn nhiều. Nếu tài sản đó không được kê khai, thể hiện thiếu trung thực thì cán bộ đó có thể bị kỉ luật. Tuy thế, vẫn chưa thể kết luận tài sản đó là bất hợp pháp và không có chế tài để thu hồi.

Hơn chục năm trước, có chuyện một vị lãnh đạo tỉnh đi tiếp xúc cử tri. Phần trình bày của vị lãnh đạo rất hùng hồn về chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng có cử tri hỏi ngay: “Tôi chỉ xin hỏi 1 câu thôi: đồng chí có mấy suất đất?”. Vị lãnh đạo tỉnh bình tĩnh: Tôi có 2 suất đất, một suất đang ở, một suất mới góp tiền mua cho con trai ra ở riêng. Người hỏi lắc đầu: đồng chí có ít nhất 4 suất đất, đều là đất 2 mặt đường và đều được mua theo giá rẻ. Nếu cần, tôi sẽ chỉ rõ từng lô. Nếu đồng chí trả lời trung thực thì tôi tin. Nếu không, đồng chí nói chống tham nhũng hay mấy, tôi nghe cũng chỉ để biết vậy!

Đốm lửa nhỏ có thể làm bùng lên ngọn lửa

Cho nên để phát hiện tài sản bất minh, từ đó phanh phui ra tham nhũng là việc rất khó. Xưa nay chúng ta thường tìm ra tài sản bất minh từ việc phát hiện các vụ tham nhũng chứ không phải là truy ngược lại từ sự vô lý của tài sản ra hành vi tham nhũng. Cùng lắm sự xầm xì của dư luận chỉ dừng ở sự bất bình chứ không đủ sức biến thành chế tài truy ra hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, cần hiểu cho thấu đáo, việc bốc thăm chọn đối tượng xác minh tài sản chỉ là một trong nhiều giải pháp để kiểm soát thu nhập của quan chức. Bốc thăm ngẫu nhiên là giải pháp để có công bằng, tránh định kiến cá nhân hoặc thiên vị ai đó. Bên cạnh cách làm này, cơ quan chức năng vẫn có thể xác minh tài sản với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, trường hợp có đơn thư tố cáo.

Trong giai đoạn ban đầu, để làm quen với một khâu công việc hoàn toàn mới như thế, việc “đánh động”, răn đe cũng đã là đạt mục đích. 

Nhớ lại khi Trung ương thi hành kỷ luật một số cán bộ về hưu, đã có luồng ý kiến nghi ngại tính răn đe của nó vì “về hưu thì còn gì để mất”, “ai lại cách cái chức người ta không còn giữ nữa”… Thế nhưng, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “củi khô cháy trước, củi tươi cháy sau”. Việc kỷ luật cán bộ về hưu đã tạo tác động răn đe rất lớn, rằng đã sai phạm thì “về hưu còn không được hạ cánh an toàn nữa là đương chức”.

Đốm lửa nhỏ có thể làm bùng lên ngọn lửa. Rồi đây, cũng với những quy định dần hoàn thiện về quản lý tài sản trong xã hội, những mắt xích đơn lẻ kết nối vào nhau sẽ thành bức tường thành chắc chắn không để kẽ hở cho sai phạm lọt qua. Tất nhiên, việc bốc thăm chọn đối tượng xác minh tài sản phải thật sự công bằng, khách quan và kết hợp với nhiều biện pháp khác mới có thể làm lạnh gáy quan tham, tránh sự hồ nghi “bốc thăm làm sao tìm ra tham nhũng”!

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa (đại biểu Quốc hội)

CỨ CÔNG KHAI BẢN KÊ TÀI SẢN CỦA CÁN BỘ Ở NƠI SINH SỐNG SẼ RÕ NGAY AI GIAN DỐI

MẠNH ĐOÀN/GDVN 10-9-2022

Theo quy định tại Luật phòng chống tham nhũng 2018 của Quốc hội và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, thông tin kê khai tài sản của cán bộ phải được công khai.

Cụ thể, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức...

Đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, bản kê khai thu nhập, cá nhân của những đối tượng này được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm việc công khai này. Có ý kiến cho rằng, nên công khai, niêm yết thông tin kê khai tài sản của cán bộ tại địa phương họ sinh sống.

Từ đó, người dân sẽ có những sự đánh giá khách quan về việc kê khai của cán bộ có trung thực hay không. Đồng thời, cũng là biện pháp giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền xác minh tài sản một cách chính xác, khách quan, không giống như hình thức bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập cán bộ của Thành phố Hà Nội thực hiện chọn người có tính "may, rủi".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập của nhóm cán bộ thuộc diện được kê khai theo quy định là hoạt động nhằm góp phần tăng cường sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Thực tế hiện nay, hoạt động trên vẫn diễn ra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều cán bộ khi bị bắt do tham nhũng, tham ô, lộ ra khối tài sản "kếch xù", điều này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong kê khai tài sản.

Cứ công khai bản kê tài sản của cán bộ ở nơi sinh sống sẽ rõ ngay ai gian dối ảnh 1

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Ảnh: quochoi.vn)

"Bên cạnh đó, câu hỏi được đặt ra về tính minh bạch trong công khai thông tin kê khai của cán bộ được thực hiện như nào. Đồng thời trên một địa bàn cấp tỉnh, thành phố rất rộng lớn hàng trăm đơn vị sự nghiệp công lập, một cơ quan thanh tra khó để xác minh việc kê khai của tất cả các cán bộ hết được", ông Thuyền chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, để thuận lợi cho hoạt động xác minh tài sản, bên cạnh việc thực hiện nghiêm theo quy định là niêm yết công khai tại trụ sở, hoặc tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ sắp được bổ nhiệm, chúng ta cần thực hiện công khai tại địa phương cán bộ sinh sống.

"Người dân họ hiểu rõ nhất về quan hệ, tài sản, gia đình của cán bộ như nào, nên nhận xét, đánh giá về việc kê khai tài sản của cán bộ là khách quan nhất", ông Thuyền chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, việc công khai thông tin kê khai tài sản, thu nhập cán bộ tại địa phương sẽ khiến nhiều cán bộ e ngại với nhiều lý do, ví như phản ánh không đúng sự thật, ảnh hưởng đến danh dự....

Tuy nhiên, ông Thuyền cho rằng, nếu ai phản ánh không đúng sự thật, họ có thể bị xử lý về tội "vu khống". Bởi vậy, việc kê khai tài sản đã là công khai, cán bộ không nên e ngại.

Trước thông tin Hà Nội sẽ tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản của cán bộ, ông Thuyền cho rằng, thực tế hiện nay, có cán bộ làm trong những lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý thị trường... nhiều người rất giàu, bởi vậy việc bốc thăm mang tính chất "may, rủi" sẽ không phù hợp.

"Đối với những nhóm đối tượng trên cần phải xác minh tài sản, thu nhập của họ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải vào vào cuộc ngay với những cán bộ bị tố cáo bất minh về tài sản, chứ không nên để đợi bốc thăm", ông Thuyền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Thuyền, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho hay, nếu cán bộ trong sạch, kê khai trung thực tham gia bốc thăm trúng đợt xác minh, cơ quan chức năng đi xác minh sẽ không đúng đối tượng, mất thời gian. Đồng nghĩa với việc cán bộ khác kê khai gian dối lại bốc thăm trượt, sẽ được bỏ qua việc xác minh.

Cứ công khai bản kê tài sản của cán bộ ở nơi sinh sống sẽ rõ ngay ai gian dối ảnh 2

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Ảnh: GT)

"Hình thức bốc thăm không phù hợp với công cuộc phòng chống tham nhũng. Mục tiêu của việc kê khai và xác minh là để minh bạch tài sản. Chúng ta phải khẳng định những người nằm trong diện này không phải là họ có lỗi gì cả, đây là quy định để minh bạch trước tập thể, nhân dân", Tiến sĩ Chức cho hay.

Theo ông Chức, trong thực tế, có những phản ánh không chính xác về tài sản của cán bộ, nên việc xác minh tài sản cũng là cơ hội minh bạch trước dân, làm cho dân tin hơn về sự liêm khiết của cán bộ.

Bởi vậy, sau khi có kết quả xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, cơ quan chức năng nên công bố công khai cho người dân nắm thông tin.

"Đồng thời cũng giống như việc kê khai, kết quả xác minh cũng nên được công khai tại địa phương cán bộ sinh sống, để người dân có những đánh giá khách quan, chính xác", ông Chức nhấn mạnh.

Mạnh Đoàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét