Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

20220914. BÌNH LUẬN CHIẾN SỰ NGA-UKRAINE

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BÀN CỜ UKRAINE ĐANG THAY ĐỔI

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD/ BVN 13-9-2022


Nga "lui binh chiến thuật" ở Ukraine, thực tế trên trận địa là "quân hồi vô phèng". Nhìn vũ khí họ bỏ lại ở các địa điểm đóng quân, hay rải rác trên đường rút lui. Ta có thể kết luận là quân Nga đang chạy trốn.

Muốn rút quân đâu có dễ? Gương còn sờ sờ là VNCH vì "di tản chiến thuật" miền Trung, bỏ cao nguyên Pleiku, Kontum… để "tái phối trí", là nguyên nhân đưa tới sụp đổ toàn diện năm 1975.

Nguyên tắc đánh giặc của lính Mỹ: 1 người ra trận 2 người hậu phương 1 người “nghỉ phép”. Lính Mỹ "xoay tua" chiến đấu. Không người lính nào chịu đựng liên tục nhiều tháng ngoài mặt trận hết cả. Cũng không có người lính nào giữ vững được tinh thần chiến đấu khi biết sau lưng mình trống trơn. Một đạo quân Mỹ rút lui (khỏi chiến trường) là có không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp… “chống lưng” bảo đảm an toàn con đường rút lui ở phía sau.

Nga làm gì còn quân để phối trí thế "ỷ giốc”, cánh quân bên này yểm trợ cánh bên kia?

Câu hỏi đặt ra: Chiến trường quân thiếu trầm trọng như vậy tại sao Putin không ban hành lệnh “tổng động viên”?

Bởi vì, nếu có đọc báo, ta thấy lính Mỹ hiện đang tập trận ở Alaska. Họ đang tập trận "đánh giặc mùa đông".

Nếu ta nhìn bản đồ thế giới, lấy trung tâm là Thái Bình Dương, ta sẽ thấy Mỹ là quốc gia kế cận bên Nga, chỉ cách nhau có eo biển Bering rộng khoảng 80 cây số. Mùa đông biển Bering đóng băng, lính Mỹ ở Alaska có thể dẫn xe tăng “đi bộ” qua Nga dạo chơi.

Nguyên nhân Nga không dám “tuyên bố chiến tranh” (hay tuyên bố tổng động viên), mà chỉ nói là họ mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraine, tức là “chiến tranh có giới hạn”. Vì họ sợ không phòng thủ nổi mặt trận Viễn Đông (Siberia). Tuyên bố chiến tranh là có nguy cơ chiến tranh lan rộng (với NATO). Ở khu vực băng giá này quân Nga đối đầu với ba bên: Mỹ và Nhật ở phía Đông. Phía Nam họ đụng với Trung Quốc.

Xung đột với Ukraine, Nga hy vọng được TQ viện trợ quân sự. Ta thấy đến nay TQ vẫn ngồi yên, kiểu tọa sơn quan hổ đấu. Ngoại trưởng Ukraine chỉ trích tất cả các nước “yểm trợ” Nga, kể cả Ấn độ. Nhưng họ vẫn không chỉ trích TQ. Bởi vì TQ rất có thể sẽ ủng hộ Ukraine. Có lần tôi viết bài phân tích rằng TQ là bên có lợi nhất trong chiến tranh Ukraine.

Ngoài Iran và Bắc Hàn giúp vũ khí cho Nga thì không thấy có nước nào khác.

Nga có vài trăm ngàn quân (thậm chí vài triệu quân, vào thời kỳ chiến tranh lạnh) đóng thường trực trên vùng biên giới với TQ. Đặc biệt khu vực Hắc Long Giang. Hai hiệp ước mà TQ đời nhà Thanh đã ký với Nga hoàng, TQ nhượng cho Nga trên 1 triệu cây số vuông lãnh thổ. Mặc dầu hai bên TQ và Nga những năm gần đây đã ký hiệp định phân định biên giới. TQ nhìn nhận thuộc về Nga vĩnh viễn vùng lãnh thổ đã nhượng, nhưng TQ có thể bất cứ lúc nào hủy bỏ các hiệp ước này và mở chiến dịch thâu hồi lãnh thổ.

Ngoài ra Nga còn có tranh chấp với Nhật vùng “Lãnh thổ phía Bắc”, tức chủ quyền 4 đảo thuộc quần đảo Kurils. Trên nguyên tắc Nga và Nhật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Nga tuyên bố chiến tranh với Nhật tháng 8 năm 1945, chỉ vài ngày trước khi Nhật đầu hàng. Nhật đã ký hòa ước với tất cả các quốc gia có tuyên bố chiến tranh với Nhật (trên trăm nước), ngoại trừ Nga. Bởi vì Nhật cho rằng Nga đã chiếm các “Lãnh thổ phía Bắc” của Nhật mà không thông qua nội dung kết ước nào.

Tức là Nhật có thể trở thành “một bên” để đánh Nga, mục tiêu dành lại lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng, nếu chiến tranh mở rộng.

Vì vậy quân Nga ở Viễn Đông (Siberia) không thể rút đi tiếp viện cho mặt trận Ukraine.

Vùng đất này rất quan trọng cho Nga, vì nó rất giàu. Dầu mỏ, khí đốt, quặng mỏ, gỗ… những tài nguyên quí giá của Nga đều bắt nguồn từ đây.

TQ và Nhật có lý do để tuyên chiến với Nga, nếu thấy quân Nga suy yếu. Mục đích thâu hồi lãnh thổ. Mỹ cũng có lý do mở mặt trận Siberia, nếu một quốc gia nào đó thuộc NATO bị Nga tấn công.

Nên biết, việc “cấm vận nguồn nhiên liệu” cũng là một hình thức tuyên bố chiến tranh. Nga hiện đang “khóa” các ống dẫn khí đốt cung cấp cho các quốc gia EU. Putin vịn đủ thứ lý do, nào là máy nén bị hư, phải bảo trì. Đến nay Putin vẫn không dám nói đến việc “cấm vận khí đốt” để trả đũa các vụ “trừng phạt kinh tế” của EU và Mỹ đối với Nga.

Tình hình Viễn Đông của Nga hiện rất căng thẳng. Thử xét thái độ “ngồi phải cọc” của Bắc Hàn ta nhận thấy ngay điều này.

Chiến tranh xảy ra giữa Nga với TQ, Mỹ và Nhật sẽ có thể đưa tới việc Nam Hàn thống nhất Bắc Hàn.

T.N.T.

Nguồn: FB Nhân Tuấn Trương


CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE: CÓ DẤU HIỆU 'THANH LÝ' CON ĐẦU ĐÀN ?

TRẦN TIẾN DŨNG/BVN 13-9-2022

(Ảnh: Federico Gambarini/picture alliance via Getty Images)

Ở trung tâm quyền lực Nga, vài tiếng nói khác với Putin chủ chiến đã được nghe thấy. Tất nhiên dư luận nghe thấy không thể biết được các thế lực ngầm tầm cỡ nào chống lưng các tiếng nói đó, nhưng dù sao dấu hiệu đó cũng cho thấy đúng quy luật cuộc chơi mà điển hình là các âm mưu lật đổ ám sát Hitler vào lúc thua trận, rút chạy trên các mặt trận chính.

Nếu từ thời điểm này, ai đó dự đoán Putin sẽ sớm bị ám sát hay truất phế giam lỏng thì cũng không quá đáng. Khi Putin huênh hoang tuyên bố: “Nước Nga không mất gì trong cuộc chiến ở Ukraine”, điều đó chỉ ra: Một là ông ta nói dối để mị dân, hai là ông ta đang bị chết lâm sàng nhận thức thực tế.

Rõ ràng là sau 200 ngày phát động chiến tranh xâm lược, nhóm thân hữu quyền lực chủ chiến quanh điện Kremlin đã mất, bị khóa sạch sinh mạng tài sản nhiều hơn Putin, và tất nhiên họ chấp nhận chịu đựng điều đó với hy vọng kế hoạch xâm lăng của Putin chiến thắng như dự tính, và mong các chiến lợi phẩm chiếm đoạt từ Ukraine sẽ bù đắp lại cho họ; nhưng tới ngày giờ này, cuộc kháng chiến phản công của người Ukraine bất khuất đã giết chết ham muốn tham lam của họ.

Câu hỏi đặt ra là: Sinh mạng chính trị và sinh mạng lâm sàng của Putin có đáng giá hơn sinh mạng tài sản của băng nhóm tỷ phú, triệu phú này không? Nếu là họ, bạn có chấp nhận từ thua tới mất trắng khi đặt hết sinh mạng tài sản vào con bài Putin? Chính trị về vẻ ngoài luôn có hàng ngàn khẩu hiệu mị dân về lý tưởng, nhưng bản chất thật của chính trị chỉ là trò cờ bạc, nơi các con bạc chính trị ăn thua với nhau bằng chính sinh mạng, gia sản mà chúng đặt cửa.

Lại nói Putin sẽ chơi tiếp con bài khóa van khí đốt, khóa van dầu với châu Âu. Vậy người dân EU sẽ mua các nhiên liệu thiết yếu cho mùa Đông sắp tới với giá cao ngất, họ có thể bị lạnh, họ có thể phản ứng bằng biểu tình…; đồng thời Putin vẫn có thể có tiền từ Trung Quốc, Ấn Độ hay vài nước nữa. Ok, nhưng mất hơn phân nửa nguồn thu thì đủ nuôi chiến tranh, một cuộc chiến đang sa lầy, bao lâu nữa?

Vấn đề chính ở đây là giới tinh hoa tỷ phú chủ chiến quanh Putin đang khốn đốn mất thêm nguồn lợi nhuận, và khi con vật đầu đàn không đủ khả năng săn mồi hoặc tìm nguồn có mồi thơm ngon thì chính nó phải trở thành mồi thanh lý vậy.

Putin không móc tiền túi của ông ta ra để tiến hành và nuôi chiến tranh xâm lăng Ukraine. Putin ném sinh lực và tài nguyên quốc gia vào cuộc chiến phi nhân, phi pháp, nhưng tài lực, sinh lực quốc gia Nga hơn gần nửa là thuộc về giới tỷ phú Nga, cùng giấc mộng Đại Đế Chế Nga, đang bu quanh trò chơi chiến tranh của Putin. Vậy chính Putin đang xài phung phí và thua bằng sinh mạng gia sản của đám này.

Chiến tranh là trò chơi cực kỳ tốn tiền, chính thế nếu hết tiền để chơi mà còn hăng máu thì phải thế sinh mạng của bản thân người đang thua để vớt vát, đó là tình cảnh hiện nay của Putin.

Tôi cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đang đến lúc sắp kết thúc bằng chiến thắng trên các mặt trận vệ quốc của người dân Ukraine. Và họ sẽ tái thiết đất nước xinh đẹp của họ trong vinh quang. Ở Nga, các giới tinh hoa tỷ phú Nga cũng sẽ “chiến thắng” khi loại bỏ Putin và nhóm ngoan cố chủ chiến. Người lính Nga không có gì thất vọng khi giữ được sinh mạng trong cuộc chiến phi nghĩa, người dân Nga sẽ chịu thiếu thốn cực khổ thêm một thời gian, nhưng chắc chắn họ có cơ hội mới trong hòa bình, đặc biệt khi con đầu đàn bị “thanh lý”.

Sài Gòn, ngày 12/9/2022

T.T.D.

Nguồn: saigonnhonews.com

PUTIN, GORBACHEV VÀ HAI TẦM NHÌN VỀ SỰ VĨ ĐẠI CỦA  NƯỚC NGA

GIDEON RACHMAN /NCQT/ BVN 13-9-2022

 Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch từ Gideon Rachman, “Putin, Gorbachev and two visions of Russian greatness,” Financial Times, 05/09/2022

Điện Kremlin đã quay trở lại với các phương pháp và mục tiêu dựa trên sự chinh phạt, sự sợ hãi và tàn bạo.

Donald Trump từng hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Khẩu hiệu yêu thích của Tập Cận Bình là hướng đến “sự phục hưng vĩ đại” của dân tộc Trung Hoa. Vladimir Putin cũng được thúc đẩy bởi một mong muốn tương tự: hồi sinh nước Nga vĩ đại.

Nhưng thế nào là một quốc gia vĩ đại? Putin và Mikhail Gorbachev, người vừa qua đời vào tuần trước, lại có suy nghĩ khác nhau.

Đối với Putin, sự vĩ đại của một quốc gia được xác định bằng lãnh thổ, sức mạnh quân sự, và khả năng khiến các nước láng giềng khiếp sợ hoặc khuất phục. Nhà lãnh đạo Nga tin rằng đất nước ông có quyền trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Ông cho rằng nước Nga đã “bị cướp” khi Ukraine giành độc lập, và chìa khóa để xây dựng lại sức mạnh và tầm vóc quốc gia là giành lại lãnh thổ đã mất. Quyết định xâm lược Ukraine là đỉnh điểm của nỗi ám ảnh này.

Đối với Gorbachev, sự vĩ đại của một quốc gia lại tập trung nhiều hơn vào phẩm giá của những công dân bình thường. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2001 với nhà sử học Daniel Yergin, ông nhắc đến việc Liên Xô không có khả năng cung cấp cho công dân của mình những nhu yếu phẩm hàng ngày: “Hãy tưởng tượng một quốc gia có thể bay vào vũ trụ, phóng Sputniks, tạo ra một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ … [Nhưng] không có kem đánh răng, không có bột giặt, không có những hàng hóa cơ bản cho cuộc sống. Thật không thể tin được và thật nhục nhã khi phải làm việc trong một chính phủ như vậy.”

Việc thường dân Nga không còn phải chịu đựng cảnh thiếu thốn như xưa phần lớn chính là nhờ các cải cách kinh tế của Gorbachev, dù chúng đã được triển khai một cách khá do dự. Những người đổ lỗi cho ông vì đã phá hủy nền kinh tế Liên Xô nên nhớ lấy điều đó.

Ý tưởng về phẩm giá con người của cựu lãnh đạo Liên Xô cũng đã mở rộng sang quyền tự do ngôn luận. “Thật không thể tin được và thật nhục nhã,” khi mà dưới chế độ Xô-viết, những người có học thức phải sống trong một thế giới của những lời nói dối, khẩu hiệu và sự kiểm duyệt chính thức. Gorbachev đã thay đổi điều đó bằng cách giải phóng báo giới và ngành công nghiệp sáng tạo, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, và cho phép tiếp tục những nghiên cứu lịch sử thực sự. Còn Putin đang đưa nước Nga trở lại với sự đàn áp theo kiểu Liên Xô – khi ông cho đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập còn sót lại, bỏ tù những thành viên đối lập, và biến việc thừa nhận rằng Nga đang có chiến tranh trở thành một hành vi phạm tội.

Quan trọng hơn, ý tưởng về phẩm giá con người của Gorbachev đã vượt ra ngoài biên giới nước Nga. Quyết định quan trọng nhất, chính trực nhất mà ông từng đưa ra là không gửi xe tăng Liên Xô đến Ba Lan, Hungary, hoặc Đông Đức vào năm 1989 khi các phong trào dân chủ nở rộ.

Trong một thời gian ngắn ngủi, một nhà lãnh đạo Nga đã trở thành một biểu tượng quốc tế của tự do chính trị. Khi Gorbachev đến thăm Đông Berlin vào tháng 10/1989, một tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, đám đông đã hô vang “Gorby hãy giúp chúng tôi.” Khi ông đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5, những sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn đã ca ngợi ông như một anh hùng – một nhà lãnh đạo đã chứng tỏ rằng các chế độ chuyên chế cũng có thể cải cách và không cần phải giết chết người biểu tình trên đường phố. Nhưng giấc mơ ấy đã kết thúc bằng vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ một tháng sau đó.

Đúng là những phản ứng của Gorbachev không phải lúc nào cũng cao thượng và bất bạo động. Ông được nhớ đến cùng sự ghét bỏ ở các nước Baltic, vì đã mang quân đội Liên Xô đến đây hồi năm 1991 trong một nỗ lực (thất bại) để ngăn chặn phong trào giành độc lập của họ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Putin sẽ là những người đầu tiên chỉ ra, Gorbachev thiếu sự tàn nhẫn để tiếp tục chiến đấu và giết chóc cho đến khi quyền lực của Moscow được khôi phục. Putin quyết tâm không lặp lại “sai lầm” đó, và kết quả là Ukraine đã phải trả một cái giá khủng khiếp về nhân mạng. Khi câu chuyện về những gì thực sự đã xảy ra trong chiến dịch bao vây Mariupol của quân Nga bị vỡ lở, nó có thể vạch trần một tội ác chiến tranh có quy mô lịch sử – với hàng nghìn dân thường bị giết và chôn vùi trong những ngôi mộ tập thể.

Đối với Putin, những vụ thảm sát như Mariupol chỉ là một dấu chấm nhỏ khi so sánh với sứ mệnh lịch sử của ông là khôi phục nước Nga vĩ đại. Những kỳ vọng ban đầu của ông về chiến thắng trước Ukraine chỉ trong vài ngày đã bị tiêu tan. Nhưng ông đã sớm gạt bỏ thất vọng bằng cách so sánh mình với Peter Đại đế, người đã giành chiến thắng cuối cùng trong Đại chiến phương Bắc kéo dài hơn 20 năm.

Đó là một so sánh hàm chứa nhiều điều. Peter Đại đế là một bạo chúa, khét tiếng bởi sự thờ ơ tuyệt đối trước những thiệt hại về nhân mạng. Hàng nghìn người đã chết trong quá trình xây dựng thủ đô mới của ông, St. Petersburg. Peter cũng áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc để tiến hành các cuộc chiến của mình. Đây là một bước đi mà Putin cho đến nay vẫn không muốn thực hiện. Bất chấp những luận điệu kiểu Sa hoàng của mình, có lẽ ông ta vẫn hiểu được sự nguy hiểm của việc đối xử với những công dân thế kỷ 21 như nông nô thế kỷ 18.

Putin có thể tin rằng chiến thắng trên chiến trường và trong cuộc chinh phục lãnh thổ là những cách thức duy nhất để khôi phục sự vĩ đại của quốc gia. Nhưng điều mà Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ gọi là “sự nghiêm túc tôn trọng ý kiến của nhân loại” cũng cần được cân nhắc. Nước Nga hiếu chiến không được đánh giá cao ở điểm này. Một cuộc khảo sát quốc tế do Đại học Pennsylvania và nhiều tổ chức khác thực hiện vào năm ngoái cho thấy ba quốc gia được ngưỡng mộ nhất trên thế giới là Canada, Nhật Bản, và Đức.

Cả ba nước đều được đánh giá cao dựa trên các tiêu chí như chính phủ trong sạch, tôn trọng nhân quyền, và công bằng xã hội. Đây là những điều ít được coi trọng ở nước Nga của Putin, nhưng lại được những cá nhân và chính phủ quan tâm đến phẩm giá con người coi trọng.

Putin đã thể hiện sự khinh thường của mình đối với những giá trị này – những giá trị mà Gorbachev đề cao – bằng cách tuyên bố rằng mình quá bận rộn, không thể đến tham dự lễ tang của vị cựu tổng thống. Hàng nghìn người Nga thinh lặng đứng trước quan tài mở của Gorbachev đã thể hiện sự bất đồng của họ.

G.R.

Nguoòn bản dịch: nghiencuuquocte.org


KHÔNG CHỈ LÀ VŨ KHÍ TỐT

ĐỖ NGÀ/ TD 13-9-2022


Cuộc chiến ở Ucraina đâu phải chỉ là vấn đề vũ khí Mỹ chống vũ khí Nga? Đằng sau cuộc chiến có tiếng súng là cuộc chiến tranh tình báo mà Ucraina được Mỹ hậu thuẫn. Vũ khí chính xác cộng với chỉ điểm chính xác thì rõ ràng quân Ucraina tốn đạn ít mà thu được thành quả lại nhiều.
Qua hơn sáu tháng chiến tranh, quân đội Ucraina đã phá hủy khá nhiều căn cứ hậu cần của quân Nga. Nếu không có thông tin tình báo tốt thì họ đã không thể làm nổi. Để có được thế thắng như hiện nay, ban đầu quân Ucraina đã phải thất thủ một số địa điểm chứ quân Ucraina đâu phải chiếm thế thượng phong? Càng về sau quân Ucraina mới lấy lại thế trận cũng có nguyên nhân của nó.
Thực ra để chuẩn bị cho cuộc chiến, phía Nga đã chuẩn bị về mặt quân sự và và cả tung tình báo cài vào phía Ucraina một thời gian để nắm thông tin. Ban đầu tuy quân Nga không chiếm Ucraina trong 72 giờ như tuyên bố nhưng sức mạnh quân sự của Nga vượt trội là điều ai cũng có thể thấy. Và nếu Ucraina không được sự hậu thuẫn từ Mỹ và Phương Tây thì có lẽ sự tính toán phía Nga không hề quá sai lệch như vậy. Điều mà Nga không đánh giá được là sức mạnh tình báo của Mỹ đã lấn lướt họ.
Cuộc chiến tình báo có hai nhiệm vụ cơ bản, nhiệm vụ nắm thông tin phía địch và phát hiện gián điệp của phía địch cài vào quân ta. Hầu như tất cả các chính quyền trên thế giới đều bị gián điệp phía đối phương cài vào và vấn đề là phía nào phát hiện ra sự hiện diện phía đối phương trong lòng phe ta nhiều hơn thì xem như họ trội hơn vì đã “chọc mù đôi mắt” phía địch.
Ngay trong lòng nước Mỹ, gián điệp Tàu, gián điệp Nga, gián điệp Iran vv... ít nhiều đang lót ổ trong đấy. Và ở phía ngược lại, nước Tàu, nước Nga cũng bị gián điệp Mỹ cài vào đấy để nắm thông tin về thực lực đối thủ. Vậy nên, khi Mỹ phát hiện ra gián điệp Nga - Tàu trên đất Mỹ nhiều hơn Nga - Tàu phát hiện gián điệp Mỹ trên đất họ không có nghĩa là cơ quan tình báo của Mỹ dở hơn Nga - Tàu mà thực tế họ giỏi hơn. Giỏi hơn vì ta triệt được gián điệp địch mà địch thì không phát hiện ra ta.
Trở lại câu chuyện của Ucraina, phải mất một thời gian hơn sáu tháng, quân Ucraina mới có lợi thế lớn trước quân xâm lược Nga là bởi Ucraina phải tốn ngần ấy thời gian để phát hiện gián điệp Nga cài vào hàng ngũ của họ và tiêu diệt. Đến khi diệt được phần lớn thì xem như “đôi mắt Nga” bị chọc mù hoặc chí ít làm cho mắt Nga bị chột một con, vì thế lợi thế mới nghiên về Ucraina rõ rệt. Chiến dịch “giương đông kích tây” mới đây của Ucraina sẽ không thành công nếu không bảo mật trước Nga cho đến phút cuối.
Nếu giả sử Ucraina đẩy được quân xâm lược Nga ra khỏi bờ cõi thì rõ ràng không chỉ Ucraina mà hầu hết các nước có đường biên giới với Nga đều thấy rằng, tầm quan trọng của việc gia nhập NATO để đứng chung nhóm lợi ích quân sự với Mỹ là lợi thế rất lớn của quốc gia họ. Cho nên, cuộc chiến Ucraina sẽ là cuộc chiến quyết định rất lớn đến trật tự thế giới mới. Tất cả đều có lợi trừ trục “ác quỷ” Nga - Tàu.
Tại Phương Đông, Mỹ cũng đang cố gắng cho các nước láng giềng của Trung Quốc thấy được tầm quan trọng của họ với trật tự thế giới. Mỹ cũng muốn có một cuộc chơi nào đấy để các nước láng giềng Trung Quốc thấy rằng, vũ khí Trung Quốc thiếu chính xác và tình báo Trung Quốc yếu hơn họ như Nga đang thể hiện. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không phải là Putin, tuy hùng hổ nhưng ông không “chơi ngu” như Putin để thế giới thấy thực lực. Ông Tập dù biết bị bẽ mặt vì Mỹ khiêu khích nhưng thà bị bẽ mặt mà đối phương không biết rõ về ta còn tốt hơn là phơi ra sự yếu kém cả sức mạnh vũ khí lẫn khả năng phản gián để rồi đánh mất lợi thế trước thế giới.
Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, biết người không biết ta hay không biết người biết ta thì bại nhiều thắng ít, còn không biết người không biết ta trăm trận trăm bại. Việc phùng mang trợn mắt nạt nộ mà không dám làm liều thì xem như Tập Cận Bình cũng “biết người biết ta” và vì thế ông bảo vệ vị trí của Tàu để tiếp tục chờ thời thay vì gánh lấy thất bại ê chề như Putin để rồi nước Tàu không thể gượng dậy được.
Trong cuộc chiến Ucraina, Putin đã thua toàn diện và người học được bài học đó nhiều nhất không ai khác là ông Tập Cận Bình.
ĐN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét