Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

20220902. VỤ TĂNG KHỐNG VỐN ĐIỀU LỆ CỦA ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT

 ĐIỂM BÁO MẠNG


THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO NÂNG KHỐNG VỐN ĐIỀU LỆ GẤP...3.000 LẦN CỦA TRỊNH VĂN QUYẾT
THÂN HOÀNG/TTO 27-8-2022

TTO - Với chiêu nâng khống vốn điều lệ FLC Faros tăng gấp 3.000 lần giá trị thực, rồi bán toàn bộ số cổ phiếu mình đang nắm giữ, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về hơn 6.400 tỉ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo nâng khống vốn điều lệ gấp... 3.000 lần của Trịnh Văn Quyết - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết - Ảnh: B.N.

Cơ quan điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố bổ sung tội danh mới đối với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ngoài tội "thao túng thị trường chứng khoán" đã bị khởi tố, C01 điều tra thêm đối với ông Quyết hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ba người khác cũng bị khởi tố bổ sung tội danh trên gồm: Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC và hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.

Nâng khống vốn điều lệ lên gấp 3.000 lần

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Quyết cùng ba người trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống vốn của Công ty CP xây dựng FLC Faros.

Đây là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của FLC, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Ở thời điểm cổ phiếu của công ty này có mã ROS được niêm yết trên sàn HoSE, ông Quyết sở hữu gần 180 triệu cổ phần, chiếm gần 42%. Tuy nhiên, trước khi mã cổ phiếu ROS niêm yết trên sàn chứng khoán thì vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã được "thổi" lên gấp cả ngàn lần.

Công ty CP xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu là 1,5 tỉ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chưa tới hai năm sau đó, từ 2014 - 2016 ông Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Mức vốn điều lệ được nâng khống này khoảng gấp gần 3.000 lần giá trị thực.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Tính đến ngày 24-2-2021, ông Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và tên 5 cá nhân khác, thu được hơn 6.400 tỉ đồng

ROS rớt giá chưa bằng... cốc trà đá

Sau những đợt tăng vốn ảo với số vốn điều lệ khủng, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã có thời gian dài "làm mưa làm gió" trên thị trường chứng khoán. Mã cổ phiếu này đã từng có thời điểm được "thổi" lên giá đắt nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ. 

Tuy nhiên sau những đợt bị thổi giá thì cổ phiếu ROS cũng bị giảm sâu "nằm sàn" nhiều phiên liên tiếp và hiện nay đang ở mức một cổ phiếu giá chưa bằng cốc trà đá. Rất nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" mua ROS đã phải ôm trái đắng thua lỗ lớn.

Mã cổ phiếu ROS được đưa lên sàn giao dịch ở thời điểm tháng 9-2016 với mức giá tham chiếu 10.500 đồng một cổ phiếu. Sau khi "chào sân", ROS đã tăng phi mã với những phiên tăng giá trần liên tiếp. Ba tháng sau khi niêm yết, ROS đã có 30 phiên tăng kịch trần, với giá gấp 9 lần thời điểm niêm yết. Đến năm 2017, mã cổ phiếu này đã có giá 130.000 đồng trước khi có đợt giảm.

Khoảng nửa cuối 2017, ROS được giới đầu tư coi là "ngôi sao" khi tăng phi mã lên mức 220.000 đồng, có giá đắt nhất trên thị trường chứng khoán khi đó. Cổ phiếu này cũng chính thức lọt nhóm VN30 - nhóm 30 cổ phiếu bluechip của HoSE.

Tuy nhiên, từ năm 2018 mã cổ phiếu này cũng có đà giảm không phanh với những phiên liên tiếp "nằm sàn". Đến đầu năm 2020, cổ phiếu này giảm về ngưỡng 10.000 đồng. Chỉ đến cuối năm 2021 vừa rồi, khi ông Quyết dùng các chiêu trò mua đi bán lại nhằm thổi giá thì ROS mới tăng trở lại lên mức đỉnh 16.000 đồng. ROS hiện ở mức giá 2.500 đồng.

Trước đó ngày 29-3, C01 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. 

Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được nhiều sai phạm của ông Quyết liên quan đến việc "thổi giá" cổ phiếu với mục đích thu lời bất chính. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn tiền.

Đau vì trót ôm cổ phiếu ROS và "họ FLC"

"Cổ phiếu xanh mắt mèo, giảm giá liên tục, lỗ nặng, tuyệt vọng lắm rồi", một nhà đầu tư chia sẻ với giọng buồn sau khi lỡ gom cổ phiếu ROS (Công ty CP xây dựng FLC Faros) và nhiều mã khác thuộc "họ FLC".

Là giáo viên cấp III ở một trường trung học phổ thông thuộc một tỉnh miền núi, chị được người quen giới thiệu vào nhóm Zalo do một thầy "uy tín" hướng dẫn. Sau hơn một năm giao dịch, kỹ năng chị biết để "chơi chứng khoán" chỉ đơn giản là thấy "thầy phím con nào mình mua con đó".

Nghe lời thầy mua các cổ phiếu đầu cơ của "họ FLC", giờ đây chị không chỉ buồn vì thua lỗ mà nhiều thầy cô khác cùng trường xem chị là "con bạc", tình cảm gia đình rạn nứt khi chồng đề nghị ly thân một thời gian.

Đối với giới đầu tư chứng khoán, cổ phiếu ROS được xem là hiện tượng trên sàn chứng khoán. Trải qua thời kỳ huy hoàng tăng lên giá 220.000 đồng vào cuối năm 2017, góp phần giúp ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản lên đến 2,5 tỉ USD, hiện tại mã ROS chỉ còn ở giá 2.500 đồng/cổ phiếu.

"Vĩnh biệt một huyền thoại. Một thời từng là cổ phiếu hạng sang, giờ tan nát. Ôm cổ phiếu vừa lỗ vừa tức, hủy niêm yết rồi thì không biết khi nào lấy lại được tiền", anh Tiến (nhà đầu tư, TP.HCM) bày tỏ trước thông tin mã ROS sắp bị hủy niêm yết kể từ ngày 5-9 tới đây.

Không chỉ ROS mà nhiều cổ phiếu khác thuộc "họ FLC" như FLC, HAI, AMD, KLF... cũng đã bị giảm giá trị 70 - 80% kể từ sau vụ ông Quyết bán chui cổ phiếu FLC bị phanh phui sau đó bị bắt giam vào tháng 3-2022.

BÔNG MAI

TH

THẤY GÌ  QUA VỤ TRỊNH VĂN QUYẾT NÂNG KHỐNG VỐN ĐIỀU LỆ FLC FAROS TỪ 1,5 TỈ LÊN 4.300 TỈ ĐỒNG ?
CÔNG LÝ/NQL/  BVN 30-8-2022

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2014-2016 Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Thực tế cho thấy với sự giúp sức của ngân hàng, một doanh nghiệp có thể nâng vốn điều lệ của mình lên hàng ngàn tỷ một cách cực kỳ đơn giản.

clip_image002

Ông Trịnh Văn Quyết

Vì sao ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa khởi tố bổ sung tội danh mới đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC và các cá nhân có liên quan về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Theo đó ngoài ông Trịnh Văn Quyết thì bà Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC và hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng bị khởi tố bổ sung về cùng tội danh.

Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng FLC Faros.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2014-2016 bị can Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng FLC Faros. Khi công ty này niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, cựu chủ tịch FLC đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Tính đến ngày 24-2-2021, bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và tên 5 cá nhân khác, thu được hơn 6.400 tỷ đồng. Cựu chủ tịch FLC đã rút tiền mặt từ việc bán cổ phiếu để chiếm đoạt.

Như Nhaquanly.vn đã đưa tin, ngày 29-3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10-1-2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định các bị can liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa và đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, gồm: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.

Ông Trịnh Văn Quyết, sinh năm 1975, quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở văn phòng luật SMiC năm 2001 và chuyển thành Công ty Luật TNHH SMiC năm 2008. Cùng năm đó, ông lập loạt doanh nghiệp. Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010 dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp trên.

Khi "siêu công ty" vốn điều lệ 500.000 tỷ quyết định giải thể

Năm ngoái, dư luận đã từng xôn xao khi Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) được thành lập vào ngày 20/5/2021 bằng sự góp vốn của ba cá nhân có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup, Hoà Phát, Vinamilk, Thaco...

Văn phòng chính của công ty này đặt tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986). Công ty hoạt động trong lĩnh vực lập trình máy tính.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh là cổ đông lớn nhất khi đăng ký góp 99,996% vốn, tương đương 499.998 tỷ đồng. Hai cá nhân góp vốn khác là bà Nguyễn Thị Diễm Hằng và ông Lưu Hữu Thiện, mỗi người đăng ký góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.

Tính ra, với 500.000 tỷ đồng, quy mô vốn của Auto Investment Group cao nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Theo số liệu từ sàn chứng khoán, Tập đoàn Vingroup, đang là doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, lúc đó có vốn điều lệ hơn 34.000 tỷ đồng, với vốn hóa trên thị trường gần 400.000 tỷ đồng.

Ngày 15/6/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) đã có buổi chia sẻ trên mạng xã hội để nói về những kế hoạch kinh doanh “tiền tỷ” của mình bằng “ước mơ” lớn với 2 triệu khách hàng và doanh thu 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Tại buổi chia sẻ này, vị giám đốc 35 tuổi cho biết, mục tiêu của tập đoàn là chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan nhà nước, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về lâu dài là trở thành một tập đoàn hàng đầu, đại diện cho Việt Nam về mặt công nghệ ra thị trường, buôn bán cạnh tranh với các tập đoàn khác.

Và để đạt được mục tiêu này, Nguyễn Vũ Quốc Anh dự kiến thành lập 17 công ty, trực thuộc tập đoàn GAB GROUP. Hiện tại, đã có 5 công ty được thành lập và trong đó có Auto Investment Group, với điều lệ đăng ký 500.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó không lâu, vào ngày 31/12/2021 ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu đã ký quyết định giải thể công ty với lý do giải thể là "các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu".

Thủ đoạn nhân bản góp vốn của doanh nghiệp đăng ký vốn khủng

Theo quy định tại khoản 1, Điều 113 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn”.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Do việc không quy định bắt buộc ngày góp vốn cụ thể mà chỉ quy định góp trong vòng 90 ngày, nên điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều 113, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Điều này có nghĩa là nếu các cổ đông đã góp đủ thì không phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Nếu không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với vốn thực góp trong vòng 30 ngày. Đây chính là kẻ hở để cho thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi đó khả năng tài chính thực sự của doanh nghiệp không đủ.

clip_image004

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp thoải mái đăng ký mà không bị vi phạm quy định của pháp luật, chỉ cần kết thúc thời gian góp vốn đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ là xong.

Điều này có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để đăng ký hàng trăm nghìn tỷ nhằm đánh bóng tên tuổi và dẫn đến hệ quả là các số liệu thống kê đăng ký kinh doanh không chuẩn xác, gây khó khăn cho công tác thống kê, quản lý nhà nước về vốn cũng như quản lý doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Nghị Định số 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp”.

Như vậy, chế tài quá nhẹ nêu trên chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng đăng ký vốn “ảo” xảy ra rất nhiều như trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên thực tế cũng có doanh nghiệp góp đủ vốn điều lệ khủng đã đăng ký với thủ đoạn cực kỳ đơn giản, xoay vòng vốn góp trong tích tắc với sự hỗ trợ của ngân hàng với điều kiện tài khoản công ty và tài khoản cá nhân của các cổ đông đều được mở tại ngân hàng X.

Công ty Cổ phần ABC hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đăng ký vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng. Cổ đông A ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị giữ 30% vốn điều lệ, cổ đông B nắm ghế Tổng giám đốc giữ 40% vốn điều lệ, còn cổ đông C ngồi ghế Phó Tổng giám đốc giữ 30% vốn điều lệ. Chỉ với 100 tỷ đồng ban đầu có sẵn trong tài khoản của Ngân hàng X, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, các cổ đông này đã góp đủ 2.500 tỷ đồng vốn điều lệ vào công ty ABC.

Đầu tiên, ông A chuyển 100 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty ABC mở tại Ngân hàng X để góp vốn đợt 1. Sau đó tại Chi nhánh của Ngân hàng X (vốn là nơi giao dịch thân quen của ông A), các cổ đông A,  B và C phải có mặt để nhân viên giao dịch chi nhánh ngân hàng này hướng dẫn các thủ tục ký tá. Theo đó Tổng giám đốc B sẽ ký giấy cho cổ đông C mượn 100 tỷ, lập tức 100 tỷ mà cổ đông A vừa góp vào tài khoản của công ty ABC sẽ bị chuyển từ tài khoản của công ty ABC sang tài khoản của cổ đông C, C lập tức chuyển khoản 100 tỷ này vào tài khoản của công ty ABC để góp vốn đợt 1. Như vậy là đã có 200 tỷ đồng đã được góp vốn vào công ty ABC có giấy tờ của ngân hàng để chứng minh hẳn hoi.

Tiếp theo Phó Tổng giám đốc C sẽ ký giấy của công ty ABC cho cổ đông B mượn 100 tỷ, lập tức ngân hàng sẽ thực hiện lệnh để chuyển khoản 100 tỷ vào tài khoản cá nhân của cổ đông B. Sau đó cổ đông B sẽ làm thủ tục tại ngân hàng để góp vốn đợt 1 là 100 tỷ vào công ty ABC, lúc này số tiền 100 tỷ từ tài khoản của B sẽ được chuyển vào tài khoản của Công ty ABC. Lúc này vốn góp vào công ty ABC đã lên đến 300 tỷ đồng. Tổng giám đốc B lại tiếp tục ký giấy cho Cổ đông A mượn 100 tỷ, tiền từ tài khoản công ty ABC lại chạy vào tài khoản của cổ đông A. Ngay lập tức với sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng X, cổ đông A lại làm thủ tục góp vốn vào công ty ABC, 100 tỷ trong tài khoản của cổ đông A lại chạy vào tài khoản công ty ABC. Đến lúc này vốn góp đã lên đến 400 tỷ.

Lần lượt, cứ như vậy. A góp vốn vào thì rút ra cho C mượn, C góp vào thì rút ra cho B mượn, B góp vào thì rút ra cho A mượn... Chỉ cần xoay vài chục vòng là vốn điều lệ của công ty ABC đã lên 2.500 tỷ, đúng với số vốn điều lệ đã đăng ký. Lúc này 100 tỷ sẽ được chuyển vào tài khoản của Cổ đông A. Như vậy mặc dù có giấy tờ để chứng minh các cổ đông đã góp đủ vốn điều lệ 2.500 tỷ vào công ty ABC nhưng thực tế trong tài khoản của công ty này chẳng có đồng nào cả.

Trở lại trường hợp tại FLC Faros, "Luật sư" Trịnh Văn Quyết đã dùng thủ đoạn tương tự để làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Khi công ty này niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, cựu chủ tịch FLC đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán của FLC Faros, đơn vị kiểm toán từng có lưu ý về những bất thường của con số hàng nghìn tỷ đồng này. Trong báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC nhấn mạnh, "trong đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016".

Hiểu một cách đơn giản, các cổ đông góp vốn từng phần thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản của FLC Faros, nhưng ngay lập tức tiền lại được chuyển ra ngay và quy trình này lặp lại đến 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016. Với 18 vòng chuyển tiền, thực tế cổ đông của FLC Faros chỉ cần hơn 25 tỷ đồng để hoàn tất đợt tăng vốn.

C.L.

Nguồn: Nhà Quản Lý

BÌNH LUẬN

TRỊNH VĂN QUYẾT NÂNG VỐN KHỐNG TỪ 1,5 TỶ LÊN 4.300 TỶ ĐỒNG LÀ NHỜ ĐIỀU 113 LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

Tác giả bài báo đăng trên Tạp chí Nhà Quản lý có cách viết rất giống tôi, lúc nào cũng đưa ra vấn đề cốt lõi gây nên cái vấn nạn đó. Bài báo đã chỉ ra khoản 1 và điểm d khoản 3 của điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020.

Vậy thì, ông Vương Đình Huệ và gần 500 đại biểu phải sửa ngay cái lỗi của điều 113 của các đại biểu ở Khóa bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắm mắt thông qua. Bài báo đã thí dụ cách doanh nghiệp cấu kết với ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ tốc hành dễ hiểu.

Kiểu này chết mẹ cái ngân hàng nào đã tăng vốn điều lệ cho Trịnh Văn Quyết. Mà không chỉ ngân hàng, phải có người trong Bộ Tài chính, người trong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và người trong Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM tiếp tay cho Quyết!

Ngày 8/6/2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời báo chí: “Có nhiều chiêu trò thao túng thị trường chứng khoán, trong đó có tình trạng lợi dụng chứng khoán để rửa tiền”. Bộ trưởng tiền nhiệm Đinh Tiến Dũng nghe phải chột dạ, và các thuộc hạ của ông ở UBCKNN, Sở GDCK phải đái trong quần!

Tỉnh nào cũng phê duyệt dự án cho FLC, cho nên Trịnh Văn Quyết xài cán bộ hao không thua gì Phan Quốc Việt!

Ba Kiem Mai

*

Việc tạo điều kiện để DN tư nhân chiếm dụng đất, thao túng thị trường, lừa đảo người dân. Điều khiển cán bộ công chức nhà nước hàng loạt điều đó không thể nói dễ như bài báo viết, cơ bản cơ quan điều tra và cơ quan hành pháp xử lý việc này như thế nào? Nếu xét từng dự án mà FLC đã và đang thực hiện có lẽ vụ Kist Test cũng không hẳn đã là vụ án lớn. Chỉ có người dân, những hộ gia đình mất đất, ngư dân mất bãi biển, các khu rừng trồng lâu năm di thực chết ráo... cũng như tiền của dân bị lừa sẽ xử lý như thế nào? Cũng như hiện có bao nhiêu DN làm ăn kiểu FLC? Đó là câu hỏi người dân quan tâm. Hàng ngàn dân vác đơn đi kiện, thậm chí có người bỏ mạng vì tranh chấp đất đai với chính quyền vẫn còn đó, cái gốc vấn đề chưa được làm sáng tỏ thì những con số thống kê kia cũng chỉ là mưu mẹo mà thôi.

Sinh The Nguyen


CÂU CHUYỆN KHÔNG CHỈ LÀ ÔNG QUYẾT

ĐỖ NGÀ/ TD 26-8-2022
Đăng ký vốn điều lệ tại Sở kế hoạch và Đầu tư khá lỏng lẻo, việc khai báo vốn điều lệ để lập công ty cổ phần được quy định nộp đủ giấy tờ và đóng lệ phí là xong. Tăng vốn điều lệ cũng thế, cũng chỉ là một mớ giấy tờ và lệ phí là xong. Sở Kế hoạch và Đầu tư không hề có kiểm tra tài chính doanh nghiệp.
Như vậy về bản chất việc đăng ký vốn điều lệ hoặc tăng vốn điều lệ đều là khống. Việc đăng ký vốn điều lệ tại Thái Lan cũng thế, chỉ cần đủ thủ tục quy định và nộp lệ phí. Việc đăng ký vốn điều lệ lớn thì lệ phí cũng cao hơn.
Việc đăng ký vốn điều lệ là việc của các cổ đông trong Hội đồng quản trị, họ muốn khống thế nào cũng được, miễn sao họ đồng ý với nhau. Tuy nhiên khi cổ phiếu được chào bán ra công chúng thì anh phải bán “hàng thật”, tức là cổ phiếu ứng với vốn góp thật trong công ty. Sở giao dịch Chứng khoán là đơn vị xét duyệt doanh nghiệp có được phép lên sàn hay không. Nếu để lọt các báo cáo tài chính thiếu minh bạch thì điều đó đồng nghĩa với việc Sở giao dịch chứng khoán đã để cho doanh nghiệp bán cho công chúng tờ giấy lộn để thu tiền.
Như vậy, vấn đề lừa đảo của ông Trịnh Văn Quyết không phải bởi ông đăng ký vốn điều lệ khống, mà là báo cáo tài chính thiếu minh bạch. Nếu nói ông Quyết và các lãnh đạo tập đoàn FLC phạm tội lừa đảo thì các quan chức Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM HoSE cũng phải liên đới chịu trách nhiệm vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc thậm chí cố ý làm trái nếu đủ chứng cứ.
Cách làm báo cáo tài chính khống của Trịnh Văn Quyết khá đơn giản, vấn đề chỉ là bùa phép của kế toán. Nắm kế toán của tập đoàn là Trịnh Thị Minh Huế em gái ông Quyết. Ví dụ cổ đông góp vốn vào công ty là 4.300 tỷ đồng nhưng lại được cổ đông rút ra dưới dạng bút toán cho vay. Như vậy tiền vào công ty dưới dạng góp vốn và tiền ra dưới dạng cho vay chính cổ đông hoặc thậm chí cho vay chính công ty con của FLC trong hệ sinh thái của nó.
Ngoài dạng bút toán thì còn có dạng rút vốn dưới dạng ứng tiền trước, hay vay ngắn và dài hạn v.v... Như vậy chẳng ai góp vốn cả, cứ ghi khống góp vốn rồi ghi khống khoản đầu tư là có bản cân đối kế toán khủng. Mục đích là để qua mặt Sở giao dịch Chứng khoán chứ không phải qua mặt Sở kế hoạch và Đầu tư.
Vấn đề rất lớn là ở Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM. Mới đây Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM HoSE cũng để lọt lưới báo cáo tài chính khống của Tập Đoàn Tân Tạo ITA để bà Đặng Thị Hoàng Yến rút 2000 tỷ mang đi Mỹ một cách dễ dàng. Vì thế vấn đề ở đây là Sở Giao Dịch Chứng khoán.
Nếu Trịnh Văn quyết làm gian thì chỉ có cổ đông của FLC bi dính, còn nếu HoSE tắc trách thì có thể đã có hàng loạt FLC hay Tân Tạo đang lừa khách hàng bán giấy lộn thu tiền thật. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang là một mớ hổ lốn đầy đồ dỏm chưa bóc tem. Kinh thật!
Tham khảo:
ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT 'THỔI' VỐN FLC ĐỂ LÀM GÌ ?
TS LÊ ĐẠT CHÍ/VNN 11-6-2022
Tăng vốn mà không cần bỏ tiền ra bằng cách tạo ra các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc,... đã giúp cho ông Trịnh Văn Quyết - FLC có được cơ ngơi vốn trên 7.000 tỷ đồng mà không cần bỏ tiền vào công ty.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tiếp tục ra thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các đơn vị có liên quan.

Bộ Công an cáo buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái cùng người thân thành lập 20 công ty, dùng chứng minh thư của 26 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán.

Hơn chục năm qua, những người đầu tư chứng khoán ít nhiều đều có hiểu biết nhất định về "tình hình tài chính" của những công ty thuộc tập đoàn FLC, nơi ông Trịnh Văn Quyết từng làm lãnh đạo. 

Thị trường nói FLC là của Trịnh Văn Quyết là vì ông ta là người sáng lập từ những ngày đầu, ông Quyết và những người liên quan đã nắm một lượng cổ phần chi phối. Tuy nhiên, nhiều người luôn nghi ngờ về những số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng mà ông Trịnh Văn Quyết và những người liên quan góp vào FLC và những công ty thành viên.


Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

Còn nhớ năm 2010, khi FLC tăng vốn từ 18 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng thì số vốn tăng lên này được báo cáo nộp đủ nhưng sau đó số tiền này lại được chi ra cho một công ty khác – một cổ đông lớn sở hữu 31% vốn cổ phần của FLC. Nghĩa là sau khi góp vốn vào FLC thì cổ đông này rút ra nhiều hơn thông qua bút toán (ghi nhận sổ sách) cho vay. Đồng thời, FLC còn thành lập các công ty con bằng cách bút toán đầu tư tài chính. Theo đó, tiền từ các công ty con tiếp tục được rút ra khỏi FLC. Bút toán này cho thấy toàn bộ vốn góp vào công ty con đều đã rút ra ngay sau đó.

Việc dễ dàng tăng vốn mà không cần bỏ tiền ra qua việc tạo ra các bút toán đối ứng với phần vốn góp thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, ứng tiền trước, ký quỹ, đặt cọc… đã giúp cho FLC có được cơ ngơi vốn trên 7.000 tỉ đồng mà không cần bỏ ra đồng nào, hoặc nếu có thì cũng không lớn như vậy.

Không dừng lại ở đó, FLC tiếp tục gia tăng quy mô tổng tài sản bằng cách "điều chuyển tiền" từ những công ty được lập mới là những công ty con, công ty liên kết, công ty góp vốn đầu tư từ "hệ sinh thái FLC" thông qua bút toán các khoản phải trả, phải trả khác, ứng tiền trước, hay vay ngắn và dài hạn… Đến nay, tổng tài sản của FLC lên trên 30.000 tỉ đồng cũng nhờ vào bút toán này.

Bằng bài học vỡ lòng từ việc lập mới công ty và tăng vốn mà không cần thiết phải có tiền đã giúp Quyết tiếp tục thổi một công ty ROS (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros) từ vốn 1,5 tỉ đồng vào năm 2011 để đến nay tăng vốn lên trên 5.600 tỉ đồng và tổng tài sản lên tới 11.000 tỉ đồng.

Cũng với cách làm này, số vốn Công ty CP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) cũng được thổi lên với quy mô 4.100 tỉ đồng và tổng tài sản là 9.100 tỉ đồng. Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) cũng được tăng vốn từ 9,9 tỉ đồng lên 1.635 tỉ đồng và giá trị tổng tài sản lên tới 2.410 tỉ đồng…. Tất cả đều không cần phải bỏ tiền góp vốn mà bằng những bút toán như trên.

Đọc báo cáo tài chính 2021 của FLCHomes chúng ta có thể hình dung một bức tranh vốn góp 4.100 tỉ đồng được dùng để lập mới công ty con 698 tỉ đồng, công ty liên kết 1.095 tỉ đồng và góp vốn 190 tỉ đồng, sau đó tiền được rút ra thông qua khoản phải thu cho FLC là 2.467 tỉ đồng. Như thế, tổng của 2 khoản mục này đã vượt quá phần số vốn góp của FLCHomes.

Tương tự, FLC có vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng nhưng dùng để góp vốn cho các công ty con lên đến 12.620 tỉ đồng vào đầu năm 2021, 5.320 tỉ đồng vào cuối năm 2021, các khoản phải thu công ty thuộc họ FLC là 1.600 tỉ đồng. Tiếp tục với công ty ROS, với vốn góp 5.600 tỉ đồng, thì khoản đầu tư thành lập công ty là 3.700 tỉ đồng, tiền được rút ra thông qua các khoản phải thu từ các công ty khác thuộc họ FLC hết 3.200 tỉ đồng.

Như vậy, với 3 công ty trên đều đi đến một kết cục là số vốn góp luôn được rút ra nhiều hơn thông qua việc lập mới công ty và cho các công ty khác mượn - tạm gọi là vốn góp mất cân đối âm. Các công ty được lập mới hoạt động như thế nào là một ẩn số vì báo cáo tài chính không công bố và không kiểm toán nhưng kết quả kinh doanh hợp nhất không có thay đổi so với công ty mẹ, tài sản cũng không tăng và thậm chí giảm do trích lập dự phòng từ đầu tư tài chính. Trích dẫn trong thuyết minh báo cáo tài chính của công ty ROS cho thấy các công ty con có tổng tài sản không thay đổi với vốn góp. Nghĩa là phần vốn góp của công ty con rồi cũng được thành lập mới công ty cháu hoặc có ai đó mượn vốn…

Kết cục của quy trình này là gì? Tạo ra các tập đoàn có vốn và tài sản hàng ngàn tỉ đồng để chứng minh năng lực tài chính, giành quyền thực hiện dự án mà các tỉnh, thành phố kêu gọi đầu tư? Hay tạo ra những đơn vị góp vốn gọi là cổ phần để bán? Dù mục tiêu là gì thì nhóm công ty trên cũng cần có tiền để thực hiện vài dự án điểm và nộp thuế. Nguồn tiền nay được lấy từ đâu?

Bằng việc tạo ra các bút toán tăng vốn, nhóm cổ đông FLC đã bán ra cổ phiếu đang sở hữu thông qua thị trường chứng khoán. Để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, cần thiết phải có nhà tạo lập thị trường cho cổ phiếu đó. Hơn ai hết, nhà tạo lập thị trường chính là nhóm cổ đông kiểm soát FLC.

Năm 2015, với phương pháp đầu tư dựa trên vốn hóa thị trường, quỹ đầu tư Market Vectors ETF Trust-Market Vectors-Vietnam ETF đã tự động bổ sung cổ phiếu FLC vào danh mục nắm giữ và đã mua vào trên 24,3 triệu cổ phiếu, chiếm 6,49% vốn của FLC vào thời điểm đó và giúp Trịnh Văn Quyết bán ra cổ phiếu thu về hàng trăm tỉ đồng.

Vài năm sau, tháng 11-2017, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục thực hiện chuyển nhượng hơn 57 triệu cổ phiếu FLC để thu về gần 400 tỉ đồng bằng việc vi phạm quy định công bố thông tin để chịu phạt hành chính 65 triệu đồng. Đây là những giao dịch của những cổ đông lớn, người có liên quan không khai báo với thị trường được phát hiện, liệu còn bao nhiêu cổ phần khác được bán ra gián tiếp từ nhóm cổ đông này?

Như trình bày ở trên, nhóm cổ đông FLC chưa thực sự góp vốn vào công ty qua các đợt tăng vốn thần tốc, do vậy, sau khi bán ra một phần cổ phiếu sở hữu trên, các cổ đông này tiếp tục thực hiện việc góp vốn "thực" vào hệ sinh thái công ty FLC. Số tiền trên dần cũng vơi cạn theo thời gian khi phải dùng tiền để duy trì bộ máy, phải duy trì hoạt động của các công ty con đang thua lỗ như Bamboo, nộp thuế, trả lãi vay… Ông chủ Quyết đành bán tiếp 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào tháng 1-2022 mà không thông báo với thị trường và nếu thương vụ thành công sẽ huy động được trên 150 tỉ đồng.

Cùng cách làm này, nhóm cổ đông của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục thổi thanh khoản vào các công ty niêm yết khác như ROS, AMD, FHH… nhằm thu hút nhà đầu tư để bán ra. Các cổ phần được bán ra gần như chưa thực sự được góp vốn như phân tích trên, là một món lời lớn bất kể giá thị trường của chúng như thế nào. Tuy nhiên, việc lập mới những công ty có số vốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mà thực hư không tồn tại khi vốn góp mất cân đối âm đã giúp cho nhóm cổ đông Quyết thực hiện việc vay nợ ngân hàng từ thế chấp các phần vốn này.

Dù có trong tay nhiều công ty vốn hàng ngàn tỉ đồng, tổng tài sản hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng nhóm công ty FLC vay tiền ngân hàng không lớn. Điều này cho thấy các ngân hàng cũng rất dè dặt trong cho vay vì tài sản thế chấp thực có không nhiều như báo cáo. Tài sản chủ yếu của các công ty họ FLC tồn tại dưới dạng sở hữu các công ty con và các khoản phải thu nên không thể dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng.

Gần đây, khi phương thức phát hành trái phiếu được nở rộ, FLC thực hiện tài trợ mạnh thông qua trái phiếu doanh nghiệp mà người mua chính là các ngân hàng (SHB, MSB, OCB, NCB) được nhắc nhiều nhất trong bản thuyết minh báo cáo tài chính của hệ sinh thái công ty thuộc họ FLC. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên 1.600 tỉ đồng của FLC liệu có được bảo đảm bằng chính các cổ phiếu sở hữu ở công ty con hay cổ phiếu được ghi sổ như trên?

Riêng các khoản vay của FLCHomes tại Sacombank (mã chứng khoán STB) có một khoản cho vay khó hiểu khi mục đích dùng để bù đắp vốn tự có đã chi. Dù rằng mục đích cho vay có một không hai này lại được đảm bảo chính từ cổ phiếu mà ông Quyết góp tại công ty Bamboo, nhưng liệu phần vốn góp này có thực sự góp hay không để cầm cố thì sau khi cơ quan điều tra lần đến thì mọi chuyện sáng tỏ.

TS Lê Đạt Chí (Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM)

(Theo NLĐ)

LOẠT CỔ PHIẾU LIÊN QUAN ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT BỊ SỜ GÁY TRƯỚC NGHỈ LỄ 2-9

NGỌC CƯƠNG/VNN 1-9-2022

Ngay sau quyết định đình chỉ cổ phiếu FLC, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ra quyết định đình chỉ giao dịch và cảnh báo đối với hai cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tại FLC.

Cụ thể, tối 31/8, HoSE ra thông báo chuyển cổ phiếu Công ty Cổ phần Nông dược HAI (Mã: HAI) từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9. 

Theo HoSE, HAI tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định. 

Đồng thời, cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) cũng bị HoSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 9/9. 


Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Theo HoSE, lý do cỏ phiếu GAB bị cảnh báo là bởi doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. 

Trước đó chỉ hai giờ, HoSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9 do Tập đoàn FLC đã vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Ngày 30/8, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết từ thị trường HoSE sang thị trường UPCoM. Tuy nhiên, ngày 31/8, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, cổ phiếu ROS chưa được giao dịch trên UPCoM. HNX sẽ xem xét hồ sơ sau khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Cũng liên quan đến các DN của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Sài Gòn vừa thông báo lựa chọn tổ chức để đấu giá lô đất có diện tích hơn 3.000m2 tại quận Bình Tân, TP.HCM. Giá khởi điểm của khu đất là 220 tỷ đồng.

Chủ sử dụng tài sản là Công ty cổ phần Nông dược HAI. Lô đất trên có thời hạn sử dụng 50 năm, tức đến năm 2058, là đất sản xuất, kinh doanh với mục đích xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng. 

Tại DN này, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC hiện sở hữu hơn 8% cổ phần. 

Cuối tháng 7, Công ty cổ phần Nông dược HAI bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 235 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch về các chỉ tiêu tài chính tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất tại báo cáo quý IV/2021, không công bố thông tin trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin của HoSE đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật gồm báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2021, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I/2022.  
  
Hiện giá cổ phiếu HAI giao dịch ở mức giá 1.820 đồng/cp, mất gần 80% giá trị kể từ đầu năm.

BÀI LIÊN QUAN: Bơm thổi ROS lên nghìn tỷ, chiêu trò ông Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 6.400 tỷ

DOANH NGHIỆP 'RỖNG RUỘT' NHÌN TỪ FAROS

HẢI LÝ/KTSG 1-9-2022

(KTSG) – Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn TPHCM (HOSE) từ ngày 5-9-2022 do vi phạm quy định về công bố thông tin một cách nghiêm trọng.

Ai dám kiểm toán cho ROS?

Thông thường một công ty bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE sẽ đăng ký giao dịch tại sàn UpCom. ROS có thể chuyển xuống UpCom nhưng chắc chắn sẽ không được giao dịch bình thường vì vẫn đang vi phạm quy định công bố thông tin. Ngay cả ở UpCom chỉ khi nào ROS công bố báo cáo tài chính 2021 đã kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét thì mới được xem xét giao dịch bình thường trở lại.

Có hai khả năng xảy ra với ROS trong trường hợp chuyển về UpCom: hoặc hạn chế giao dịch 1 lần/tuần trong thời gian chờ khắc phục vi phạm; hoặc không được giao dịch. Khả năng không được giao dịch ở UpCom đã gần như hiện thực vì ROS đang không có người đại diện theo pháp luật. Hiện hội đồng quản trị của ROS chỉ còn hai thành viên. Theo quy định pháp luật, nếu số lượng thành viên hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết giảm còn hai phần ba thì doanh nghiệp phải tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu lại cho đủ. Khi có đủ hội đồng quản trị, công ty mới cử ra người đại diện pháp luật.

Trong văn bản gửi HOSE ngày 25-8-2022, ROS thông báo sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15-9-2022. Cũng trong ngày này ROS công bố thông tin nhận đơn xin từ nhiệm của hai thành viên ban kiểm soát.

Mấu chốt vấn đề của ROS hiện nay là khó có công ty kiểm toán nào “dám” ký hợp đồng kiểm toán với họ để có thể ra báo cáo tài chính, khắc phục sai phạm. Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục gây ách tắc trong việc xử lý các phát sinh tồn tại về báo cáo tài chính của ROS và những công ty khác có liên quan đến “dòng” FLC.

Dòng tiền từ ngân hàng

ROS niêm yết đầu tháng 9-2016. Theo Bản cáo bạch niêm yết, công ty đã nhiều lần tăng vốn từ 1,5 lên 4.300 tỉ đồng. Theo quy định, để có thể niêm yết trên HOSE, một doanh nghiệp phải có hai năm liên tiếp liền kề kinh doanh có lãi, thể hiện rõ trên báo cáo tài chính hàng năm có kiểm toán. Báo cáo tài chính năm 2014 và 2015 của ROS được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đều ghi nhận vốn điều lệ thực góp vào ngày 31-12 hàng năm của hai năm trên.

Bản cáo bạch đồng thời trích dẫn báo cáo tài chính bán niên sáu tháng đầu năm 2016 của ROS được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán ASC, ghi rõ vốn điều lệ thực góp đến ngày 30-6-2016 là 4.300 tỉ đồng.

Đối chiếu với quy định pháp luật, ROS đã lọt qua “an toàn” các điều kiện niêm yết. Công ty tư vấn niêm yết, các công ty kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE đều không phát hiện ra việc tăng vốn quá nhanh của ROS. Hơn nữa, sau khi lên sàn, diễn biến cổ phiếu ROS luôn ở trạng thái bất thường, giá biến động như “pháo thăng thiên”, song ROS không bị thanh kiểm tra hay đưa vào “tầm ngắm” giám sát.

Chỉ đến khi cơ quan cảnh sát điều tra sử dụng nghiệp vụ dòng tiền, sự thật về quá trình tăng vốn của ROS mới được rõ ràng.

Để có tiền góp vốn qua từng đợt tăng, các cổ đông của ROS đã vay ngân hàng. Sau khi dùng tiền vay ngân hàng góp đủ vốn, thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh mới, có giấy phép với các chức năng hoạt động mới, các cổ đông lại rút tiền khỏi công ty dưới hình thức ủy thác đầu tư hoặc vay mượn, thanh toán các giao dịch nội bộ lòng vòng giữa các doanh nghiệp thành viên họ FLC.

Theo Bản cáo bạch niêm yết, cuối năm 2015, ROS đã thực hiện 14 hợp đồng ủy thác đầu tư với các cá nhân, tổ chức với tổng trị giá 3.332,6 tỉ đồng, trong đó có cá nhân được ủy thác đầu tư tới 400 tỉ đồng. Lý do ủy thác ghi rõ: “vốn đã huy động và vốn ứng trước chưa cần thiết sử dụng ngay”. Ai đã ứng trước vốn cho ROS với số tiền hàng ngàn tỉ đồng như vậy? Tiền hàng ngàn tỉ đồng chỉ có thể từ ngân hàng mà ra. ROS về bản chất chỉ là một pháp nhân rỗng ruột, được “bơm” đầy vốn ở những thời điểm cần thiết cho một mục đích nhất định. Khi mục đích hoàn tất, ROS lại trở về rỗng ruột.

Cách đây 7-10 năm, việc thành lập doanh nghiệp rỗng ruột cho những mục đích khác nhau còn chưa phổ biến. Hiện nay, lập doanh nghiệp bằng tiền vay ngân hàng để tham gia vào lĩnh vực đất đai, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Quy định chứng khoán nên bổ sung, chỉnh sửa những chi tiết liên quan đến vấn đề trên và quan trọng hơn là nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong giám sát, giải quyết các trường hợp niêm yết bất thường trên sàn chứng khoán.

HL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét