Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

20220921. CẢI CÁCH ĐẠI HỌC VÀ CHẤN HƯNG ĐẤT NƯỚC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CHẤN HƯNG ĐẤT NƯỚC BẮT ĐẦU TỪ CẢI CÁCH ĐẠI HỌC

PHẠM MẠNH HÙNG/ TVN 14-9-2022

Báo cáo tháng 8 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng, việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao năm 2035.

Báo cáo nhấn mạnh, để đạt tỷ lệ học đại học bình quân tương đương các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tăng quy mô sinh viên lên 3,8 triệu, hơn gấp đôi quy mô năm học 2019-2020 là gần 1,7 triệu.


Việt Nam cần thực hiện cơ chế, chính sách đột phá để có các trường đại học tinh hoa tầm thế giới. Ảnh minh họa

Như vậy, giáo dục đại học Việt Nam cần cải cách sâu rộng, vừa tăng số lượng vừa tăng chất lượng, trong thời gian không dài.  

Cơ chế đột phá để có đại học tinh hoa

Việt Nam cần thực hiện cơ chế, chính sách đột phá để có các trường đại học tinh hoa tầm thế giới làm đầu tàu kéo hệ thống đại học nước nhà. Các trường này sẽ đi tiên phong trong thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm kết nối trí tuệ Việt Nam với trí tuệ toàn cầu để giải những bài toán lớn, phức tạp của đất nước và nhân loại, dẫn dắt tiến trình nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, vạch lối chỉ đường để Việt Nam xác lập vị thế xứng đáng trên thế giới.

Đó cũng là nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao, tầng lớp chuyên gia lãnh đạo cao cấp trong mọi lĩnh vực xã hội, nhà quản trị có tầm nhìn và tri thức đẳng cấp thế giới. Đại học tinh hoa còn dẫn đầu trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây, blockchain, công nghệ tài chính, người máy tiên tiến… nhằm thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Đây là những công nghệ then chốt có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế to lớn, là cơ sở nền tảng cho sự bùng nổ của nền kinh tế số, công cuộc chuyển đổi số ở nước ta. Cần tập trung làm thật tốt 3 vấn đề lớn sau:

Một là, “đứng trên vai người khổng lồ” để “đi tắt đón đầu”, mời các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các nhà lãnh đạo, quản trị đại học hàng đầu thế giới đến làm việc, cộng tác và “truyền nghề”. Theo đó, các các giảng viên, sinh viên được làm việc cùng và học hỏi từ những người giỏi nhất, đây là con đường nhanh nhất để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, gia tăng kết nối với thế giới.

Đặc biệt, cần tuyển chọn kỹ lưỡng trên phạm vi rộng để có được các nhà lãnh đạo, quản trị đại học tài năng, đủ tầm dẫn dắt trường đạt chuẩn quốc tế, ngang tầm thế giới. Thực hiện thi tuyển cạnh tranh để tuyển chọn hiệu trưởng. Cơ chế tuyển chọn này cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và kết quả thi là tiêu chí duy nhất công nhận trúng tuyển.

Nếu nguồn trong nước chưa đáp ứng được thì nhất thiết phải chiêu mộ từ thế giới, tuyệt đối không “so bó đũa chọn cột cờ” bởi lẽ không thể có được đại học tinh hoa tầm thế giới nếu không có các nhà lãnh đạo, quản trị đại học tầm thế giới.

Khi thuê ngoài, cần có những ràng buộc và yêu cầu về “truyền nghề”. Cụ thể: Quản trị trường theo chuẩn quốc tế; Chỉ định và đào tạo người đủ năng lực để “truyền nghề”; Chuyển giao toàn bộ qui trình công nghệ quản trị cho người được lựa chọn kế nhiệm.

Tăng cường liên kết đào tạo với các đại học tầm thế giới, những trường giàu kinh nghiệm đào tạo và được thế giới công nhận về chất lượng đào tạo.  Đẩy mạnh việc quốc tế hóa, tiếp cận các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế để bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới, kết nối vào mạng lưới trí tuệ toàn cầu để có thể cung cấp các chương trình giáo dục, nghiên cứu và kinh doanh toàn cầu đa dạng và phong phú.

Hai là, tăng nhanh ngân sách công cho giáo dục đại học lên 0,8% GDP trước năm 2030 như đề xuất của WB. Việc phân bổ tài trợ, ngân sách cần dựa vào kết quả hoạt động của trường, không dàn trải, chia đều bình quân mỗi trường một ít mà cần lựa chọn và tập trung đầu tư tới ngưỡng để tạo đà và lực cho những đại học tinh hoa tiềm năng lớn nhằm nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế, ngang tầm thế giới để làm đầu tàu kéo.

Lập Quỹ chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam. Nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, tiền thu hồi từ tham nhũng…

Ba là, đảm bảo cơ chế tự chủ đầy đủ được thực hiện trên thực tế và nhất quán. Trường cần được quyết định về chiến lược phát triển, sử dụng kinh phí, tuyển sinh, tiêu chuẩn học phí, vấn đề nhân sự và lương thưởng.

Việc này cần được thể chế hóa bằng các quy định rõ ràng và cụ thể. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT cùng các trường ký khung thỏa thuận về chính sách, định rõ phạm vi tự chủ, thỏa thuận kết quả hoạt động với các chỉ tiêu được lượng hóa… tập trung vào các vấn đề quan trọng như chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội và phát triển nhân sự - phòng ban, tư vấn cho Chính phủ.

Bộ thực hiện việc đánh giá để đảm bảo các trường sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện tốt mục tiêu phát triển. Kết quả đánh giá được sử dụng làm căn cứ để phân bổ tài trợ, ngân sách. Những trường đạt kết quả xuất sắc, vượt mức chỉ tiêu thì được cấp thêm ngân sách. Trường có kết quả kém, không đạt chỉ tiêu tối thiểu theo quy định thì bị giảm ngân sách tương ứng, hai năm liên tiếp không đạt thì bị cắt ngân sách cho đến khi đạt được chỉ tiêu tối thiểu.

Việc đánh giá kết quả được thực hiện hàng năm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả cần biểu thị bằng đồ thị với màu sắc bắt mắt, trực quan sinh động để cán bộ, sinh viên, nhân dân có thể thấy rõ hiện trạng của mỗi đại học đang phát triển hay thụt lùi so với kỳ trước trên mỗi tiêu chí.

Thiết lập đại học nghề 2 năm

Sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng kỹ thuật, dạy nghề, trung tâm nghề theo hướng bỏ bậc cao đẳng để thiết lập đại học nghề 2 năm với quy mô lớn có đủ nguồn lực và năng lực cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đại học nghề đào tạo 2 hệ, hệ đại học 2 năm và hệ trung cấp 1 năm.

Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường, cần cải cách đột phá vào một số vấn đề cụ thể: Xây dựng khung chương trình chuẩn, giảm thiểu tối đa các môn học không liên quan trực tiếp tới chuyên môn nghề, chú trọng thực hành theo tỷ lệ học 20% lý thuyết, 80% thực hành, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; Đảm bảo có đội ngũ giảng viên giỏi và trang bị cơ sở vật chất, thực hành hiện đại.

Hệ thống đại học nghề nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo từ ngân sách nhà nước theo cơ chế cạnh tranh. Hằng năm, các đại học nghề bất kể công hay tư nhân muốn nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo ký bản thỏa thuận kết quả đào tạo với Bộ LĐ-TB-XH, thống nhất về những kết quả đào tạo cụ thể, thang đo và cách đo kết quả cũng như kế hoạch hành động cụ thể để hoàn thành. Những đại học nghề nào đạt kết quả xuất sắc thì được cấp nhiều kinh phí, những trường không đạt kết quả tối thiểu theo quy định thì cắt kinh phí hỗ trợ, sáp nhập vào đại học nghề có kết quả xuất sắc.  

Như vậy, đại học nghề nào muốn nhận kinh phí hỗ trợ thì phải nỗ lực hết mình trong việc cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của người học, doanh nghiệp, thị trường. Từ đó, đại học nghề sẽ trở nên hấp dẫn vì thời gian học nhanh, dễ kiếm việc, thu nhập tốt, đồng thời thỏa mãn tâm lý thích đại học của người Việt Nam.

Không truyền thống, không tuần tự

Cách mạng 4.0 mở ra cho cơ hội bắt kịp các nước phát triển, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 như Đảng và Nhà nước đề ra nhưng không thể đến đó bằng lối cũ kiểu cơi nới, tà tà tiệm tiến mà đòi hỏi cách tiếp cận mới đột phá, thần tốc “không truyền thống, không tuần tự”, có sự lựa chọn và tập trung cao độ cho các mục tiêu ưu tiên.

Cải cách, chấn hưng giáo dục đại học là chìa khóa để đạt mục tiêu trên. Đây là bài toán lớn rất phức tạp với nhiều thách thức gai góc. Bởi vậy, cơ chế, chính sách thuận lợi, đầu tư tới ngưỡng là rất cần thiết nhưng yếu tố con người là quyết định.

Điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, “đồng tâm hiệp lực”, “trên dưới một lòng” từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành cho tới hiệu trưởng, trưởng khoa, đội ngũ giảng viên. Có như vậy mới tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn để giáo dục đại học Việt Nam có vị thế xứng đáng trên bản đồ giáo dục đại học thế giới, xứng tầm với một đất nước có truyền thống hiếu học với lịch sử ngàn năm văn hiến.

Đây cũng là phép thử giới “sĩ phu” có hoàn thành sứ mệnh chấn hưng giáo dục đại học nước nhà mà lịch sử giao phó hay không. Bởi lẽ, nếu không phải giới “sĩ phu” Việt Nam thì là ai? Không phải lúc này thì khi nào?    

PMH

TƯ CÁCH NÔ LỆ

CHU MỘNG LONG/ TD 17-9-2022


Mấy năm dịch bệnh, hệ tại chức phải học online, dẫu biết không thể chất lượng như học trực tiếp, nhưng tôi lại thấy thích hơn. Thích vì trút được cái gánh nặng từng đeo đẳng tôi suốt 30 năm trong nghề.
Bài này dẫu biết là khó có sự đồng tình của đa số giảng viên đại học. Nhưng vẫn phải viết ra. Bởi giáo dục muốn thay đổi, trước hết phải thay đổi tư cách người học lẫn người dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương "lấy người học làm trung tâm" là đã xác định một tư cách cho chính người học. Người học là chủ: chủ của mái trường, chủ của hoạt động học hành. Nhưng sự thật, không ai ngay cả trong chính những người ra khẩu hiệu ấy, muốn thay đổi tư cách nô lệ của người học. Bắt đầu từ quan hệ thầy trò.
Hôm nay tôi mới bắt đầu đi dạy trực tiếp ở xa. Lại phải đối mặt với vấn nạn luôn có kẻ hầu người hạ. Vừa lên xe đã có điện thoại hỏi thầy đi xe gì, đến đâu để em đón. Thôi thì coi đó là sự quan tâm của trò đối với thầy. Nhưng mới 5 giờ sáng đã có điện thoại réo lên liên tục. Không phải sợ thầy ngủ quên mà... mời thầy ăn sáng. Và sáng nay cũng như mọi sáng, luôn xuất hiện ngoài cửa vài học viên ngồi chờ đợi thầy, dù có lúc trời mưa tầm tã và lạnh lẽo. Có học viên cách trung tâm cả trăm cây số cũng lặn lội đến sớm để mời thầy đi ăn sáng. Sau đó là cả cơm trưa, cơm chiều, ăn tối. Có thầy cô còn nhậu nhẹt li bì. Tôi thường từ chối và giải thích thế nào học viên cũng phải đeo bám cho bằng được. Đến mức tôi phải nói: "Bạn không là người hầu của tôi. Và điều bạn làm vô tình cũng biến tôi thành nô lệ của bạn. Bạn cần được tự do và tôi cũng có nhu cầu tự do".
Đó là chưa nói, học xong còn đủ thứ phong bì, phong bao và quà cáp biếu xén. Tôi từ chối thì bị đồng nghiệp chỉ trích cực đoan. Còn học viên thì sợ hãi. Tôi hiểu tâm lý của họ. Họ sợ tôi không ăn nhậu, không nhận quà thì đề thi sẽ khó hoặc đánh trượt họ. Mặc dù đối với hệ đào tạo này, tôi luôn chia sẻ và nâng đỡ họ. Thành phần trượt chỉ là thành phần không chịu đi học buổi nào. Với thành phần học hệ này, tôi chỉ cần ở họ động lực và tinh thần học tập. Nếu cực đoan thì xin thưa, họ phải bị trượt thẳng cẳng, bởi học chỉ vài ba ngày xong một giáo trình thì đạt đến chất lượng gì?
Tôi từng trao đổi với một số nhà quản lý lẫn đồng nghiệp, rằng có thể dẹp bỏ cái tư cách nô lệ này được không? Không ai đồng tình với tôi là dẹp bỏ. Ai cũng nói đó là tấm lòng của học viên, cần trân trọng. Có lãnh đạo trung tâm còn nói, đó là chỉ đạo chung, học viên phải có trách nhiệm với thầy cô. Tôi nói, tư cách nô lệ thì không thể trân trọng được. Và các anh không nhìn ra cái giá của thứ quan hệ này. Học viên cột chặt thầy vào họ để đòi hỏi thẳng thừng, đến mức có học viên không học ngày nào cũng đòi tôi cấy điểm cho họ vào cột điểm chuyên cần vì đã nộp tiền quỹ để hầu hạ thầy. May là tôi biết từ chối ăn nhậu, phong bì chứ nếu không, đến lượt tôi lại bị làm nô lệ bởi cái xiềng xích của miếng ăn hay đồng tiền ấy.
Giáo dục khai phóng con người. Nhưng cứ lạm dụng cái quan hệ gọi là "tôn sư trọng đạo" theo cách ấy thì ngàn năm nữa cũng không có sự khai phóng. Tư cách nô lệ trong giáo dục là cha đẻ của tư cách nô lệ ngoài đời sống xã hội. Các chiêu trò hầu hạ, nịnh nọt, đút nhét, biếu xén đều do giáo dục mà ra.
CML
ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC CAO CHÓT VÓT VÀ NHỮNG VẤN NẠN
CỦA GIÁO DỤC
PHẠM QUANG LONG/ BVN 21-9-2022
(PGS TS Phạm Quang Long - nguyên PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tuyển sinh như hiện nay, ngành nghề mở tràn lan như hiện nay khiến nhiều người bà con của tôi đỗ đại học vào những ngành mà tôi đọc chương trình, yêu cầu đầu ra sản phẩm vẫn không hiểu được học xong sẽ làm gì.

Từ hôm các trường công bố điểm chuẩn đến nay, giới truyền thông đưa tin khá dè dặt nhưng mạng xã hội thì bàn luận hơi ồn ào. Cũng phải thôi, vì những chuyện của giáo dục là chuyện của mọi nhà. Điểm thi vào trường cao đem lại những cảm xúc trái ngược: mừng lo, lẫn lộn. Con cái giỏi giang hơn thì ai chẳng vui mừng nhưng lại lo vì ngày xưa mình học như thế, cố lắm cũng chỉ đạt loại khá, thi đại học mà được trên 20 điểm đã sung sướng lắm rồi. Vậy mà giờ có khi ba môn đều được 9 điểm vẫn còn trượt. Vậy con cái chúng ta giỏi hơn hay đằng sau điểm số này là chuyện gì?

 

Cả phụ huynh, cả thầy cô và nhà quản lý đều hào hứng về chuyện người nhà mình đỗ vào những ngành có điểm chuẩn " chót vót", rằng mình vui sướng và tự hào vì ngành của mình, trường mình toàn người giỏi muốn học, loại mãi mà điểm chuẩn vẫn gần " tuyệt đối". Cũng không ít người ngậm ngùi khi biết mình trượt nguyện vọng theo đuổi từ lâu và đành chấm dứt ước mơ dự định sẽ theo suốt cuộc đời. Ở đây chỉ xin nói mấy ý nghĩ về chuyện điểm chuẩn cao hay thấp và thực chất của vấn đề này cần nhìn nhận và giải quyết bài bản hơn.

Tâm lý ấy có thật, có thể hiểu được nhưng thực chất điểm chuẩn có phải cao đến thế không, mọi người đạt điểm cao thế có giỏi cả không thì lại không hẳn thế. Tôi nói thế vì tôi đã tham gia công tác tuyển sinh rồi quản lý đào tạo nhiều năm nên có thể nói rằng mình có hiểu biết ít nhiều về chuyện này. Dù không còn làm công việc ấy nữa nhưng những gì mình biết vẫn đang xảy ra.

Thứ nhất: chuyện gian lận điểm, chuyện sửa học bạ cho đẹp, bệnh "thực hiện chỉ tiêu" theo ý người trên… đã là chuyện " thường ngày ở khắp nơi", xưa lắm rồi, nhưng các chính sách quản lý vẫn không chặn được tệ nạn này. Mấy năm trước chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình… chỉ là mấy địa phương " bị lộ" thôi chứ còn nhiều đồng chí "nấp trong đống rơm", ai cũng biết nhưng làm như không thấy.

Tôi nói có chứng cớ chứ không hề "nói đại". Khi còn làm ở trường đại học, mỗi năm chúng tôi phải nhận cỡ vài chục em được tuyển thẳng vì đoạt các loại giải trong kỳ thi học sinh giỏi, vì đỗ tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng hết học phần cơ bản mỗi năm lại có vài em phải trả về vì kém quá.

Tôi đã tìm hiểu chuyện này, đã đối thoại với một số em. Qua trò chuyện, tôi hiểu ra điểm vào trường là của người khác "tặng" cho các em chứ học lực các em không bao giờ có được.  Có năm tôi dạy một lớp khoảng 80 em. Cho làm bài tập vào loại đơn giản thôi nhưng tôi giật mình vì thấy năng lực học Văn của phần lớn các em quá kém.

clip_image002

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Hỏi ra mới biết phần lớn các em đỗ do môn Toán và Ngoại ngữ " kéo" điểm tổ hợp của các em lên chứ môn Văn các em rất thấp, các em cũng không muốn học môn này, không còn đường nào khác nên đành chấp nhận vào học ở ngành các em không muốn mà cũng không có năng lực.

Ngày còn chấm thi tuyển sinh đại học, mỗi khi gặp một bài văn hay, cả nhóm chấm thường xúm lại đọc, đánh giá. Những bài cho cao nhất thường là 8/10 vì lập luận chặt chẽ, ý tứ sắc sảo, năng lực cảm thụ rất tốt. Đề thi ngày ấy nghiêng về tự luận nên chúng tôi hay nói đùa " dùng mũi chấm văn". Chỉ cần " ngửi qua" độ nửa trang đã biết người ấy có năng lực học môn này hay không, có khả năng tư duy không.

Giờ đề thi toàn chấm ý, gần như bỏ chấm văn, chấm khả năng tư duy…, tính điểm theo cách đọc hiểu, gạch đầu dòng liệt kê ý thì dù điểm cao nhưng chưa chắc đã phù hợp với việc chọn người học Văn, chọn người có khả năng tư duy độc lập.

Chúng tôi chấm tập thể nhưng khá gần nhau trong đánh giá và kỳ tuyển sinh nào cũng chọn được người cần chọn, dù điểm số vào trường tôi không phải bao giờ cũng cao. Bây giờ điểm tuyển sinh vào trường nào cũng cao "chất ngất", thầy cô lại đủ loại bằng cấp cao hơn thời chúng tôi đi học nhưng chất lượng đào tạo thì bị kêu ca ghê quá.

Có rất nhiều lý do nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là thực lực của người học yếu. Các cụ dạy rồi, có bột mới gột nên hồ. Không có nguyên liệu tốt thì người thợ có tài ba đến mấy cũng khó tạo ra sản phẩm như ý.

Từ thực tiễn, tôi đề nghị Nhà nước nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH vì các lý do:

1. Chưa thi đã biết gần như đỗ cả thì thi làm gì? Rồi căn cứ vào đó để lấy vào đại học sẽ có nhiều kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh. Chỉ nên giao cho các tỉnh xem xét sức học, hạnh kiểm rồi cấp cho học sinh bằng hay chứng nhận để các em có cơ sở lựa chọn hướng vào đời. Kết quả này không được dùng để xét vào Đại học vì một khi tình trạng thiếu thực chất, thậm chí dối trá còn tràn lan như hiện nay; đừng vin vào lý do các nước khác người ta cũng làm thế. Ta chưa đạt tới mặt bằng cần thiết thì đừng làm theo họ. Ý tưởng có thể tốt vẫn có thể làm hỏng việc.

2. Khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học với sự nghiêm túc cần thiết và sự giám sát của các cơ quan hữu quan. Các trường đại học căn cứ vào yêu cầu chất lượng và năng lực của mình sẽ tự lựa chọn cách làm để có thể chọn được người học có năng lực thực sự.

Năm nào tôi cũng phải làm tư vấn cho người ở quê nên thi hay không, có nên học ngành này, ngành kia hay không? Lúc đó vừa giận, vừa thương. Giận người đã chỉ vì việc mình mà đẻ ra bao nhiêu trường, ngành đào tạo để làm khổ bao người, để bà con phải gánh chịu những thiệt thòi không đáng.

Tuyển sinh như hiện nay, ngành nghề mở tràn lan như hiện nay khiến nhiều người bà con của tôi đỗ đại học vào những ngành mà tôi đọc chương trình, đọc yêu cầu đầu ra sản phẩm vẫn không hiểu được học xong sẽ làm gì, nhưng ở nông thôn, con đỗ đại học mà không cho học thì không được, nên đành phải cố. Cố suốt mấy năm học rồi không xin được việc, đành buông. Biết bao tốn kém, biết bao đổ vỡ, biết bao lỡ dở. Việc nhà lỡ dở đã đành mà xã hội lại phải lo giải quyết hậu quả.

Đồng thời với việc trên cần làm tiếp mấy việc sau:

1. Công bố (chắc việc này khó nhưng cần làm) hàng năm số sinh viên của các ngành, trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo để xã hội biết chất lượng đào tạo của các đơn vị;

2. Cơ cấu lại ngành đào tạo và chỉ cho phép các đơn vị có đủ năng lực đào tạo những ngành có đủ cơ sở vật chất (trường sở, phòng thí nghiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ…) phục vụ đào tạo;

3. Cho giải thể, sáp nhập… những trường, khoa không tuyển sinh được, thiếu cả vật lực và nhân lực đào tạo;

4. Cho các đơn vị được thực hiện quyền tự trị đúng nghĩa và quản lý, giám sát việc này theo quy định pháp luật. (Tự chủ như hiện nay do bị hiểu sai, bị cố tình làm sai lại thiếu giám sát nên là nguồn gốc của rất nhiều tiêu cực, sai lầm). Điều gì lỗi thời thì bỏ; điều gì chưa có thì bổ sung vào Luật.

Không muốn nói chuyện bao đồng, nhưng hôm qua ở quê báo lên "cháu đỗ đại học rồi, chả biết trường gì, học xong làm cái gì vì nó nói một lúc tôi chả hiểu nên gọi hỏi chú". Nói chuyện với nó một lúc, chú cũng chịu. Nghe ông ấy than kèm theo tiếng thở dài mà não cả ruột "con đi học chỉ mong nó đỗ. Giờ đỗ rồi mà nghe chú nói thế chả biết tính sao".

Chuyện học hành, thi cử không chỉ là chuyện một nhà, chuyện của con trẻ, chuyện trước mắt. Nó vừa là chuyện của mọi nhà, là chuyện lâu dài, chuyện liên quan đến cả vận mệnh của một quốc gia. Nói như cố Tổng thống Nam Phi N. Mandela, giáo dục sai đường có nguy cơ làm lụn bại cả một đất nước. Hay ông ấy nói câu chuyện của nước ông ấy, có liên quan gì đến mình?

P.Q.L.

Nguồn: Dân Việt

MUỐN HÒA NHỊP VÀO CUỘC CMCN 4.0 CẦN CHÚ TRỌNG TĂNG TỶ LỆ NHẬP HỌC ĐẠI HỌC
PHẠM MINH/GDVN 23-9-2022

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%. Tỷ lệ này vào quý IV năm 2021 là 26,1%, vào quý II năm 2022 là 26,2%.

Những con số trên đã cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói rằng, cả nhân lực lao động qua đào tạo dạy nghề và nhân lực lao động qua đào tạo đại học đều đang thiếu. Chúng ta phải phát triển mạnh cả hai nguồn nhân lực này.

Muốn hoà nhịp vào cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần chú trọng tăng tỷ lệ nhập học ĐH ảnh 1

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Thưa ông, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%. Tỷ lệ này vào quý IV năm 2021 là 26,1%, vào quý II năm 2022 là 26,2%. Ông có nhận xét gì về hoạt động đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Số liệu này đã phản ánh thực tế giáo dục của Việt Nam hiện nay, Việt Nam đang chú trọng hơn việc phát triển giáo dục phổ thông mà chưa chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, chất lượng cao sau phổ thông.

Chúng ta định hướng phân luồng mạnh từ sau trung học cơ sở, điều này đã được thể hiện qua các văn bản pháp quy như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Nghị quyết 29-NQ/TW, …

Tuy nhiên thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua lại diễn ra hoàn toàn theo chiều hướng trái ngược.

Các báo cáo về giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp của năm học 2019-2020 cũng cho thấy có 78% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào trung học phổ thông và chỉ có 15,6 % học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào hệ trung cấp nghề.

Chúng ta được đánh giá là cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng cho người dân, nhưng chưa đạt được nhiều thành công trong giáo dục sau phổ thông. Lý do vì sau trung học phổ thông có nhiều hướng rẽ: Một bộ phận học sinh theo học giáo dục đại học, một bộ phận theo hướng học nghề, một bộ phận học trung cấp, sơ cấp (dạy nghề ngắn hạn), còn lại gia nhập thị trường lao động dù không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2019 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu từ 15 tuổi trở lên) 77,2% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.

Đến năm nay, số liệu mà Tổng cục thống kê đưa ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ cũng mới đạt 26,2%.

Nhìn vào tỷ lệ lực lượng lao động như thế thì làm sao chúng ta có thể hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiến vào nền kinh tế tri thức, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa nhận thức đúng việc đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý để phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy nên hoạt động đào tạo cũng chưa thể đảm bảo.

Chúng ta vẫn định hướng dư luận rằng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra, để hạn chế số lượng học sinh theo học đại học, mở đường cho học sinh theo học nghề.

Nhưng thực tế không phải nhân lực lao động có trình độ đại học thừa. Cả nhân lực lao động qua đào tạo dạy nghề và nhân lực lao động qua đào tạo đại học đều đang thiếu. Chúng ta phải phát triển mạnh cả hai nguồn nhân lực này.

Còn thừa ở đây chính là nguồn nhân lực dù tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Thứ hai, giáo dục đại học đang bị kéo lùi lại vì chịu tác động bởi các chính sách.

Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP quốc dân (Theo tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính năm 2020) – một con số quá khiêm tốn. Hơn nữa, ngân sách lại phân bố không đồng đều.

Chúng ta có xu hướng để các trường đại học tự chủ tiến tới tự túc về tài chính, các trường chỉ còn cách tăng nguồn thu từ học phí người học, học phí tăng cao thì số người tiếp cận giáo dục đại học có thể sẽ khó khăn hơn, dẫn tới số lượng lao động qua đào tạo trình độ đại học càng thấp.

Có thể thấy, vấn đề đào tạo nhân lực có mối quan hệ chặt chẽ với việc chuyển đổi và phát triển nền kinh tế. Vậy đâu là giải pháp để Việt Nam thực hiện tốt vấn đề đào tạo gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Rõ ràng, việc mở rộng quy mô của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là điều quan trọng và cần thiết phải làm.

Theo phân loại được thừa nhận hiện nay, tỷ lệ nhập học đại học - đạt dưới 15 % thì nền giáo dục của quốc gia đó được xem đang ở giai đoạn tinh hoa –chủ yếu đào tạo các học giả và một số chuyên gia.

Còn khi tỷ lệ này nằm trong khoảng 15-50% thì giáo dục đại học chuyển qua giai đoạn đại chúng; vượt quá 50 % là giai đoạn phổ cập –đào tạo không chỉ có các học giả mà còn có cả một đội ngũ rất hùng hậu gồm các chuyên gia, chuyên gia công nghệ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật cao.

Giáo dục đại học tinh hoa chỉ thích hợp với nền kinh tế nông nghiệp, giáo dục đại học đại chúng mới đáp ứng được nền kinh tế công nghiệp, và giáo dục đại học phổ cập là đòi hỏi tất yếu nếu muốn bước vào nền kinh tế tri thức.

Vậy để phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sẵn sàng hoà nhịp vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải chú trọng tăng tỷ lệ nhập học đại học.

Bên cạnh phát triển giáo dục đại học thì cũng cần đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp.

Các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí của từng vùng miền, từng địa phương và cần được phân cấp xây dựng tới tận từng địa phương.

Chúng ta cần học hỏi các quốc gia vốn được xem là “con rồng Châu Á”, bên cạnh phân hệ giáo dục học thuật còn có phân hệ giáo dục chuyên nghiệp/giáo dục công nghệ, cho phép các trường công nghệ nhấn mạnh kỹ năng thực hành và khía cạnh huấn luyện của giáo dục công nghệ, cho phép các trường uyển chuyển hơn trong vấn đề thiết kế nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng các nhu cầu của thị trường nhân lực một cách mềm dẻo và nhanh chóng hơn. Nhờ có được cả 2 loại nhân lực ở trình độ đại học như vậy nên các nước này đã rút ngắn được tiến trình công nghiệp hóa của mình.

Muốn đất nước phát triển, đi tắt đón đầu, cần đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp đa dạng về thể loại và trình độ, có cơ cấu hợp lý, đồng thời phải phù hợp với thực trạng của đất nước, ở từng vùng lãnh thổ.

Cụ thể, tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất, chiến lược giáo dục của Việt Nam cần thực hiện theo nguyên tắc: Giáo dục đi trước một bước để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Có như vậy ngân sách Nhà nước mới tăng kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục.

Thứ hai, cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề/trung học kỹ thuật).

Phải triển khai phân luồng triệt để học sinh từ sau bậc trung học cơ sở và cần xem đây là giải pháp cơ bản để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.

Thứ ba, phải tạo ra được sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu lao động, theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ở các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trên cả nước cũng như ở từng vùng miền cũng cần cơ cấu nhân lực (về trình độ, nghề nghiệp) và chính sách đầu tư vào công nghệ phù hợp trong cả ba khu vực kinh tế đó.

Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thông qua phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống trên cả 2 phương diện: mạng lưới trường và quy trình đào tạo. Để làm được điều đó quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo phải được tập trung về cùng một đầu mối.

Thứ năm, trong lĩnh vực quản lý giáo dục, cần xóa bỏ ngay cơ chế “xin – cho”, thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm giải trình thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế hội đồng trường đích thực.

Cuối cùng, thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách phù hợp…

Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, hoàn thiện quy chế trường đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở này.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!

Phạm Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét