Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

20220925. BÀN VỀ Ý KIẾN CỦA THÀY GIÁO NGUYỄN ĐỨC QUANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ÔNG BỐ DẠY CON GÁI CÁCH CHỌN CHỒNG GÂY TRANH CÃI

NGUYỄN THẢO/ VNN 20-9-2022

Nửa cuộc đời bố chứng kiến quá nhiều những ông bố, bà mẹ chồng, những ông bố, bà mẹ vợ độc hại. Họ nhân danh tình yêu để thao túng tâm lí và cảm xúc của con dâu, con rể, thậm chí là các cháu của họ.

Thầy giáo Nguyễn Đức Quang - ông bố có cô con gái đang bước vào tuổi yêu đương đã chia sẻ quan điểm của mình về "cách chọn chồng" để con gái tham khảo. Bài viết của anh trên Facebook cá nhân đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Báo VietNamNet xin đăng tải nguyên văn bài viết với sự đồng ý của anh. 


Anh Nguyễn Đức Quang (áo cam) được đánh giá là người có quan điểm sống và giáo dục hiện đại. Ảnh: NVCC

"Con yêu ai thì bố không can dự, miễn là bố thấy không có gì là không an toàn cho con là được. Nhưng khi con quyết định cưới một người làm chồng thì chúng ta thống nhất như này nhé: 

1. Con định cưới ai làm chồng thì chỉ quan tâm tới cậu ấy, người sẽ là chồng con thôi nhé. Con không cần liên quan kinh tế và cảm xúc với những người khác trong gia đình cậu ấy và không để gia đình cậu ấy liên quan tới kinh tế, cảm xúc và các mối quan hệ của cá nhân con. 

2. Cậu ấy không có quyền yêu cầu con phải ở cùng dù 1 ngày với gia đình cậu ấy nếu con không thích và con cũng không được quyền yêu cầu cậu ấy ở cùng bố mẹ dù chỉ 1 ngày nếu cậu ấy không thích. 

3. Gia đình cậu ấy không có quyền tham gia vào đời sống của riêng con. Cậu ấy và con cũng không được can dự vào đời sống của gia đình bố mẹ anh chị em hay họ hàng nhà cậu ấy. 

4. Nếu cậu ấy coi bố mẹ là người lãnh đạo cậu ấy, cái gì cũng phải hỏi xin ý kiến của bố mẹ thì bố sẽ không đồng ý cho con làm vợ cậu ấy. Vì như thế là cậu ấy chưa trưởng thành để kết hôn. 

5. Còn giữa bố mẹ và cậu ấy là quan hệ bạn bè, không phải quan hệ gia đình bố - con, mẹ - con. Bố mẹ không đẻ ra cậu ấy nên không phải là bố mẹ của cậu ấy và cậu ấy không phải là con của bố mẹ. 

6. Quan hệ giữa bố mẹ với bố mẹ của cậu ấy cũng là quan hệ bạn bè nếu ổn, còn nếu không ổn thì cũng không cần quan hệ. Đó không cần phải là mối quan hệ "thông gia", chỉ đơn giản là 2 gia đình có 2 đứa con cưới nhau. 

7. Con của con đẻ ra là con của con. Gia đình cậu ấy cũng không có quyền gì đối với đứa trẻ cả. 

8. Con lựa chọn cho con của con theo họ của bố nó hay của con hay của bất kì ai là quyền của con. 

9. Bố sẽ tình nguyện chơi và dạy cháu ngoại học nếu con cho phép bố làm điều đó, còn nếu con không thích thì bố cũng không động tới con của con. 

10. Nếu con không nghe lời bố dạy ở 9 điều trên và con lựa chọn mà bố không đồng ý thì đó là quyền và trách nhiệm của con với lựa chọn của con. Bố không can dự. Tuy nhiên, bố mẹ luôn sẵn sàng chào đón con quay về với bố mẹ và giúp con chọn lại, làm lại mọi thứ khi cần. Khi lựa chọn lại thì bố vẫn cứ khuyên con chọn chồng theo 9 điều trên bố dạy. 

Vì sao bố dạy con gái của bố những điều này? Bởi vì nửa cuộc đời bố chứng kiến quá nhiều những ông bố, bà mẹ chồng, những ông bố, bà mẹ vợ độc hại. Họ nhân danh tình yêu để thao túng tâm lí và cảm xúc của con dâu, con rể, thậm chí là các cháu của họ. 

Người bị thao túng sẽ sống một cuộc đời không thoải mái, không hạnh phúc trọn vẹn. Cả nửa cuộc đời bố cũng chứng kiến quá nhiều các mối quan hệ thông gia cực kì giả tạo, hình thức, và độc hại. 

Mối quan hệ giữa bố mẹ chồng với nàng dâu, giữa bố mẹ vợ với con rể, giữa các bên thông gia với nhau ở Việt Nam là những mối quan hệ cực kì rối rắm và vô lí. 

Nó là các mối quan hệ độc hại khi nó thao túng những người tham gia các mối quan hệ đó. Vậy thì chúng ta phải thống nhất với nhau về lí của các mối quan hệ đó phải như vậy. Còn về tình thì một khi mối quan hệ giữa con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ, bên thông gia này với bên kia mà được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau thì từ từ mọi người sẽ yêu thương và tương hỗ nhau thật lòng. Bởi cái tình mà được nuôi dưỡng trên nền tảng cái lí rạch ròi mạch lạc thì sẽ là cái tình tự nhiên và bền vững, là cái tình có thật chứ không phải giả tạo hình thức và đeo mặt nạ với nhau. 

Quan hệ gia đình là những mối quan hệ thiêng liêng và nó phải được nuôi dưỡng trên nền tảng của sự chân thành và thấu cảm với nhau. Người lớn tuổi hơn không có quyền áp đặt suy nghĩ và cảm xúc của mình lên người trẻ hơn. Người trẻ hơn không nên dựa dẫm vào người lớn tuổi hơn. Bởi một khi đã tới tuổi kết hôn thì ai cũng đã là người trưởng thành. Người này yêu thương và có lòng giúp đỡ người khác bởi họ muốn và họ có thể giúp nhau chứ không bởi trách nhiệm và nghĩa vụ gì với nhau cả vì tất cả đã là những người trưởng thành độc lập.

Nguyễn Đức Quang"

NT


SAO PHẢI DẠY CON GÁI ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN VỚI NHÀ CHÔNG TỚI MỨC ĐỐI ĐẦU?
LAN HƯƠNG/ VNN 21-9-2022
Chẳng phải người ta vẫn nói học tập là để học cách cùng chung sống với người khác hay sao?

Tôi là một độc giả lớn tuổi, năm nay đã gần 60. Hôm nay, tôi có đọc được bài viết của anh Nguyễn Đức Quang chia sẻ về chuyện dạy con gái cách chọn chồng. Đọc bài của anh Quang xong, tôi có mấy ý muốn chia sẻ dưới đây, hi vọng đóng góp thêm ý kiến từ góc độ một người già, một bà mẹ chồng kiêm mẹ vợ.

Tôi cũng xin phép giới thiệu, tôi từng là giáo viên, đã về hưu được vài năm. Tôi có cả con trai lẫn con gái, nghĩa là tôi vừa được làm mẹ chồng, vừa được làm mẹ vợ. Các con tôi đều ngoan ngoãn, có công ăn việc làm ổn định.

Tôi tự đánh giá mình cũng không đến nỗi là một bà già khó tính, bảo thủ. Con trai lấy vợ, tôi ủng hộ 2 vợ chồng chúng nó ra ở riêng. Con mua nhà, tôi cho 2 đứa vài trăm triệu, cho vay thêm vài trăm nữa. Tôi cũng nói luôn với các con là nếu các con thấy hài lòng thì nhận, mà thích tự lập thì có thể không nhận, mẹ để các con tự quyết định. Dù các con nhận hay không thì mối quan hệ mẹ con vẫn như vậy, không có gì thay đổi. 

Tôi kể chuyện này là để các bạn biết rằng tôi không phải là một bà mẹ chồng cổ hủ, thích áp đặt các con. Tuy nhiên, khi đọc bài viết của anh Quang thì tôi vẫn thấy quan điểm của anh có phần cực đoan và cứng nhắc quá. 

Về cơ bản, tôi đồng ý với ý kiến của anh cho rằng các con đã có gia đình riêng thì độc lập về kinh tế, cảm xúc và các mối quan hệ cá nhân. Bản thân vợ chồng tôi cũng không yêu cầu con cái phải phụng dưỡng, chăm sóc báo hiếu bố mẹ. Khi nào không thể chăm sóc được mình, chúng tôi vẫn có tiền thuê người hoặc vào viện dưỡng lão.

Nhưng đọc hết 9-10 điều của anh, tôi có cảm giác anh đang dạy con gái chọn thế đối đầu với nhà chồng ngay từ đầu. Mọi thứ anh nói đều là “không có quyền”, “không được phép”, tôi nghe rất là căng thẳng và khó lọt tai. 

Tôi cũng có con gái. Tôi không dạy con phải nín nhịn, cam chịu như quan niệm ngày xưa, nhưng khi con đi lấy chồng, tôi luôn nói con nên khéo léo cư xử với chồng và gia đình chồng sao cho hài hoà cả hai bên. Nếu có điều gì không hài lòng, con nên nêu ý kiến của mình một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh, có thể là trực tiếp, có thể là thông qua chồng con để tìm ra phương án tối ưu. Chẳng phải người ta vẫn nói học tập là để học cách cùng chung sống với người khác hay sao? Các con được ăn học đàng hoàng, được bố mẹ dạy cho cách cư xử từ nhỏ thì tại sao lại phải chọn cách cư xử căng thẳng và lạnh lùng với người khác như vậy? Chưa kể, đây còn là mối quan hệ trong gia đình, là những người đẻ ra vợ/chồng các con. 

Tôi nghĩ là nếu bất cứ cô con dâu hay chàng rể nào mà làm như anh Quang nói - tức là coi gia đình nhà chồng/vợ là một đối tượng không liên quan gì đến mình, mình không có quyền hay nghĩa vụ gì với họ, thì ngay từ khi bước chân vào cuộc hôn nhân, các cháu đã tự đưa mình vào trong một mối quan hệ căng thẳng không cần thiết. 

Mà điều đó không chỉ đúng với quan hệ trong gia đình. Bất kể khi các cháu ở đâu - đi làm trong môi trường công sở hay vui chơi trong một tập thể, việc tìm cách hoà hợp, thích nghi cũng là điều đương nhiên các cháu phải làm. Để trở thành thành viên trong một tập thể, ai cũng phải học cách thuyết phục người khác, hạ cái tôi của mình xuống, chấp nhận sự khác biệt của đối phương. Vậy thì khi các con chấp nhận bước chân vào một mối quan hệ quan trọng như tạo lập gia đình riêng, tại sao anh lại khuyên các con sống một mình một phách, đặt cái tôi của mình lên trên hết như vậy?

Anh nói, các con không có quyền bắt người kia phải ở cùng với gia đình hai bên một ngày nào nếu bên kia không thích. Thực tình, tôi nghĩ các ông bố bà mẹ bây giờ cũng khá là hiện đại, văn minh rồi. Họ không còn bắt các con cứ cuối tuần hay lễ tết là phải về nhà "diện kiến" nữa đâu. Nhưng nếu có một dịp nào đó, chúng tôi muốn các con về thăm nhà 1-2 ngày thì cũng chỉ vì nhớ con cháu quá, muốn có thêm cơ hội trò chuyện, gắn bó với dâu rể hơn một chút thì cũng là chuyện bình thường. 

Tôi thấy anh là thầy giáo, chắc anh cũng dạy các học trò và con cái mình biết yêu thương mọi người xung quanh, yêu thương đồng loại. Chả lẽ việc về thăm bố mẹ già 2-3 tháng một lần là quá khó? Bố mẹ già mong ngóng con cháu về tề tựu để trò chuyện, để cùng nhau chia sẻ mà các con còn không làm được thì chúng còn có thể yêu thương được ai hả anh? 

Tóm lại, quan điểm của tôi là các con hãy tìm cách hoà hợp thay vì đối đầu và kiên quyết làm theo ý muốn của mình. Chúng tôi tuy già nhưng hằng ngày cũng được tiếp xúc với những tư tưởng, lối sống hiện đại thông qua sách báo, truyền hình nên không còn đến mức bảo thủ, độc hại như anh Quang nói đâu. Chúng tôi sẽ rất vui nếu có thêm một cô con dâu, một chàng rể bước chân vào gia đình mình để cùng nhau chia sẻ và yêu thương. 

Độc giả Lan Hương (Hà Nội)

'TÔI SẼ DẠY CON CHỌN NGƯỜI YÊU BẰNG TRÁI TIM VÀ DUY TRÌ HÔN NHÂN BẰNG LÝ TRÍ'

NGUYỄN THỊ LOAN/ VNN 22-9-2022

Khi con gái tôi trưởng thành, yêu đương tôi sẽ chỉ khuyên con mình rằng: Hãy lựa chọn người yêu bằng trái tim và duy trì hôn nhân bằng lý trí.

Đọc bài viết của anh Nguyễn Đức Quang với 10 điều khuyên con gái khi bước vào tuổi kết hôn, tôi cảm thấy anh là một người cha luôn yêu thương, bảo vệ con, mong muốn con được sống là chính mình và hạnh phúc bên người bạn đời. Nhưng cuộc sống thực tế chưa bao giờ đơn giản như thế.

Tôi là một người mẹ có con gái (dù con tôi còn nhỏ), gia đình tôi ở riêng ngay từ khi mới lấy nhau nhưng tôi thấy hôn nhân là sợi dây ràng buộc rất nhiều mối quan hệ, đặc biệt là bố mẹ 2 bên, họ hàng chỉ ảnh hưởng một phần rất nhỏ.

Tôi đồng tình với anh ở điều 1: Lấy nhau tự nguyện không xét nét đến gia cảnh, tài chính nhà người yêu; điều 10: Dù xảy ra vấn đề gì thì con hãy trở về nhà, bố mẹ luôn dang tay chào đón con cháu mình.

Dù xã hội ngày càng văn minh và hiện đại thì sự liên hệ mật thiết giữa các thành viên trong gia đình vẫn nên duy trì. Tôi đi lấy chồng, lúc nào cũng thích về nhà bố mẹ đẻ, thăm nhà, thăm bố mẹ và họ hàng nhà mình cùng chồng con. Chồng tôi cũng thế, anh cũng thích đưa vợ con về quê vào dịp lễ tết.

Nếu xảy ra mâu thuẫn con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ thì đương nhiên không ai thích về. Mâu thuẫn không được hóa giải, nhiều nhà bố mẹ và các con từ mặt nhau rất chua xót, cay đắng.


Ảnh minh họa: Cyol

Không ít cặp vợ chồng tan vỡ vì không thể dung hòa mối quan hệ giữa bố mẹ chồng - nàng dâu, bố mẹ vợ - con rể. Khi mẹ chồng lên chăm con dâu, chăm cháu xảy ra vô số va chạm, xung đột làm rạn nứt mối quan hệ vốn đã không đằm thắm từ trước. Thực ra, từng trải qua việc chăm sóc nuôi nấng con thơ, tôi hiểu việc chăm trẻ rất vất vả. Khi mọi việc đến tay, mệt quá thì mẹ chồng - nàng dâu hay mặt nặng mày nhẹ, xung đột, mâu thuẫn. Lúc ấy, người con dâu phải biết lựa, chứ không thể nhất nhất theo ý mình.

Anh dạy con đề cao quyền tự do, tự chủ khi con có gia đình riêng, điều ấy thật đáng quý. Nhưng sự thật là, các ông bà nội ngoại luôn muốn áp dụng kinh nghiệm sống của mình để dạy trẻ nhỏ và điều ấy cũng không có gì quá đáng.

Chỉ cần người con dâu khéo léo trình bày nguyện vọng và phương pháp dạy con với ông bà thì sẽ giữ được hòa khí gia đình. Nếu cô ấy thẳng thừng: “Đây là con của con, ông bà không được dạy cháu thế này, thế kia…” thì e rằng sóng gió ngầm sẽ chẳng mấy tích tụ thành bão táp. Một số bà mẹ chồng ghê gớm sẽ thẳng tay chỉ mặt nói với con trai là: “Mẹ chỉ có một chứ vợ không đứa này có đứa khác, thay được ngay…”.

Ngay cả mối quan hệ thông gia, tôi nghĩ rằng chỉ khi các con đường ai nấy đi thì mới không cần quan hệ. Quan hệ thông gia chỉ không ổn khi quan hệ của vợ chồng trẻ trục trặc, bố mẹ nào cũng bênh con mình. Còn chỉ vì thấy trái tai gai mắt mà phớt lờ, bỏ mặc mối quan hệ thông gia, tôi nghĩ không ổn.

Thực ra thông gia cũng chỉ gặp nhau khi bên nhà các con có việc hiếu hỉ để chia sẻ buồn vui. Đến hàng xóm láng giềng còn có mặt thì thông gia 2 bên gia đình càng nên đến với nhau, cũng là cách để con cái nhìn vào sự đối đãi này mà quý trọng hơn người bạn đời của mình.

Khi con gái đi lấy chồng, bố mẹ có thêm con rể, chứ không phải thêm bạn bè nên tôi không thích quan điểm rạch ròi sòng phẳng của anh Quang ở điều 5: "Giữa bố mẹ và cậu ấy là quan hệ bạn bè, không phải quan hệ gia đình bố - con, mẹ - con. Bố mẹ không đẻ ra cậu ấy nên không phải là bố mẹ của cậu ấy và cậu ấy không phải là con của bố mẹ". 

Mối quan hệ hôn nhân muốn duy trì bền vững thì cần có sự chấp nhận thành viên mới từ bố mẹ 2 bên: Gia đình có thêm con dâu, con rể. Và bố mẹ cũng sẽ âm thầm chúc phúc, vun đắp cho tổ ấm của 2 con bằng tình cảm và vật chất (nếu bố mẹ có điều kiện).

Chắc chắn là con dâu, con rể không thể nào có tình cảm sâu đậm, khăng khít với bố mẹ vợ, bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình. Nhưng họ cũng sẽ đón nhận, thay đổi một phần bản thân để thích nghi với hoàn cảnh sống mới: từ nay mình có thêm bố mẹ. Và hôn nhân đâu chỉ có tình yêu, đó còn là trách nhiệm với bạn đời, với con cái, với bố mẹ họ hàng hai bên nội - ngoại.

Khi con gái tôi trưởng thành, yêu đương tôi sẽ chỉ khuyên con mình rằng: hãy lựa chọn người yêu bằng trái tim và duy trì hôn nhân bằng lý trí. Tốt nhất là con tự chủ về tài chính, có công việc đàng hoàng, nên sống riêng và có trách nhiệm với bố mẹ hai bên. Cuộc sống gia đình sẽ trải qua thăng trầm, biến cố và con hãy dũng cảm vượt qua khó khăn vì hạnh phúc của chính bản thân mình. Hãy luôn là chính mình, đừng vì có chồng, có con mà bỏ hết sở thích và đam mê của bản thân. 

Nguyễn Thị Loan (Hà Nội)  

'NHẬN THỨC ĐÃ THAY ĐỔI, MỆ CHỒNG HIỆN NAY RẤT XỨNG ĐÁNG

 ĐƯỢC CA NGỢI'

PHẠM THÔNG/ VNN 24-9-2022

Tiếc là con trai tôi đã có vợ, nếu không thay vì thầy Quang khuyên con gái 10 điều, tôi chỉ khuyên con trai tôi 1 điều: "Đừng bao giờ con kết hôn với người vợ mà người đó lại sống theo 9 tiêu chuẩn đầu của thầy Quang...".

Tôi có đọc bài "Ông bố dạy con gái cách chọn chồng" của thầy giáo Nguyễn Đức Quang và xin có một số ý kiến như sau. Trước hết, phải khẳng định ý kiến của thầy giáo Quang, của tôi hay bất kỳ ai đều là ý kiến cá nhân nên chúng ta không đánh giá ai đúng, ai sai.

Ý kiến của ai thể hiện quan điểm và cách dạy con cái của người đó và kết quả cuối cùng: có cháu trưởng thành, tự tin, vững vàng bước vào đời, có cháu bị dính tệ nạn xã hội, hư hỏng; có cháu trở thành đứa trẻ con nhiều tuổi...?! Và người được hưởng nhiều nhất thành quả của sự giáo dục đó chính là các bậc cha mẹ.


Ảnh minh họa. Nguồn: Pxfuel

Tôi hơi bất ngờ vì anh Quang là giáo viên mà suy nghĩ lại "Tây hóa" như vậy. Người Việt mình vốn dĩ sống "duy tình". Chả thế mà nước mình có hẳn ngày 20/11 để tri ân các nhà giáo. Các nước khác, họ coi làm thầy cô giáo là một nghề như bao nghề khác, hưởng lương thì phải làm cho tròn. Vì vậy người nước ngoài khi chứng kiến người Việt mình từ già tới trẻ tri ân các thầy, cô dạy mình, họ rất bất ngờ và xúc động.
 
Người Việt mình có truyền thống "tứ đại đồng đường", "tam đại đồng đường". Bây giờ nhận thức và truyền thống đã thay đổi nhiều nhưng cách sống này tôi nghĩ vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Lược bỏ đi những bất cập, hạn chế của lối sống này, cái tích cực của nó không ai phủ nhận được là các thành viên trong đại gia đình gắn kết hơn, tình cảm sâu nặng hơn; các thế hệ có điều kiện quan tâm, chăm sóc nhau hơn; bề trên có điều kiện dạy bảo con, cháu nhiều hơn...

Trong chúng ta, chắc ai cũng biết câu "một mẹ già bằng ba con ở...", đó là nói về sự quan trọng của người mẹ, người bà khi gần gũi, giúp đỡ con cháu, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ mới xây dựng gia đình, sinh con, đẻ cái mà có người thân trông nom nhà cửa, chăm sóc con cái, đưa đón các cháu đi học...

Nhiều bạn trẻ thuê người giúp việc làm các công việc trên, nhưng chắc chắn một điều, trong thâm tâm các bạn, độ tin cậy không thể bằng người nhà.

 Lý do để thầy Quang đưa ra những lời khuyên cho con gái là: do nửa cuộc đời phải chứng kiến quá nhiều ông bố bà mẹ chồng, những ông bố bà mẹ vợ độc hại...?! Về việc này, ý kiến của tôi như sau: Nếu đúng thực với tuổi của thầy (tôi nhìn ảnh đăng kèm bài viết thì thấy thầy cũng chưa phải lớp người già) mà đã chứng kiến "quá nhiều..." thì chắc thầy cũng thuộc diện đặc biệt thôi. Vì ở thời điểm hiện tại, tuy vẫn còn những ông bố, bà mẹ "độc hại" (như lời thầy nói), nhưng đa phần nhận thức của người làm bố, làm mẹ đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực rồi.

Thời gian vừa qua, tivi dựng và phát những bộ phim trong đó hình tượng các bà mẹ chồng đúng là quái đản thật, làm cho nhiều thanh nữ có tâm lý sợ khi đi lấy chồng.

Sau khi xem xong các phim đó, tôi cứ ước, giá có đạo diễn nào xây dựng bộ phim mà trong đó hình tượng người mẹ chồng ngược hẳn với bà mẹ chồng do NSND Lan Hương đóng. Có như vậy thì các bà mẹ chồng mới thoải mái vì có chê thì phải có khen (mà hiện nay theo tôi mẹ chồng đáng khen chiếm đa số, và các bà mẹ chồng rất xứng đáng được ca ngợi).

Nhà tôi có cả con trai, con gái. Con trai tôi đã có vợ. Cưới vợ cho con xong, vợ tôi gọi hai cháu lại và nói, nếu các con muốn ở riêng, bố mẹ cũng ủng hộ. Các cháu lại thích ở cùng bố mẹ. Vợ chồng tôi thống nhất: mình phải thương con dâu như con đẻ thì con dâu mới thương mình.

Công việc của các cháu phải làm đêm nhiều, buổi sáng vợ tôi còn đi mua đồ ăn sáng về cho các cháu, ban ngày vợ tôi nấu ăn xong mới gọi các cháu xuống ăn vì dành thời gian cho các cháu làm việc. Chúng tôi coi đó là bình thường, vì đơn giản: mình chăm sóc con mình mà...!

Trong 10 lời khuyên của thầy Quang, chỉ hợp với tôi hai điểm:  4 và 10, còn lại tôi thấy nó hơi cực đoan (nhưng nếu như thầy nói phải chứng kiến quá nhiều ông bố, bà mẹ "độc hại" thì tôi nghĩ  quan điểm của thầy cũng là lôgic). Nhưng cũng phải thừa nhận rằng trước khi kết hôn, các cô gái cứ thẳng thắn nêu quan điểm như của thầy Quang để bạn trai cân nhắc quyết định, như vậy là tốt. Còn hơn sau khi cưới về mới bộc lộ quan điểm này, khi đó đẩy cuộc hôn nhân vào vùng nguy hiểm. Và mấu chốt là đây chỉ là lời khuyên của ông bố, còn quyền nghe theo hay không là của con gái.

Riêng tôi, tôi rất thích ý kiến của một bạn đã bày tỏ: Nếu chọn chồng theo các tiêu chí này thì đôi vợ chồng này chỉ có thể là Robinson, ra hoang đảo mà sống một mình.

Tôi nghĩ, nếu con gái thầy Quang mà chọn chồng theo tiêu chí này, thì là quyền của bạn đó, còn có ai chấp nhận làm chồng bạn đó theo tiêu chí này không lại là chuyện khác. Tiếc là con trai tôi đã có vợ, nếu không thay vì thầy Quang khuyên con gái 10 điều, tôi chỉ khuyên con trai tôi 1 điều: "Đừng bao giờ kết hôn với người vợ mà người đó lại sống theo 9 tiêu chuẩn đầu của thầy Quang...". Còn cháu có nghe hay không lại là quyền của cháu, vì "vạn sự tùy duyên" mà... Và tôi cũng xin phép thầy Quang để áp dụng điểm thứ 10.

Tôi chân thành cám ơn thầy Quang và các bạn đã bày tỏ quan điểm.

Độc giả Phạm Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét