Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

20220905. CHỌN NGẪU NHIÊN ĐỂ XÁC MINH TÀI SẢN CÁN BỘ

ĐIỂM BÁO MẠNG


HÀ NỘI BỐC THĂM CÁN BỘ KÊ KHAI TÀI SẢN ĐỂ KIỂM TRA SỰ 

TRUNG THỰC

QUANG PHONG/VNN 25-8-2022

Trong năm 2022, Thanh tra Hà Nội cùng đơn vị liên quan sẽ bốc thăm 10% cán bộ của 12 sở ngành, quận huyện để xác minh tính trung thực khi kê khai tài sản.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập người có nghĩa vụ kê khai. Kế hoạch hướng đến mục tiêu nhằm kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Theo kế hoạch, năm 2022, Thanh tra TP Hà Nội sẽ tiến hành xác minh tại 12/131 đơn vị, trong đó có Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở TT&TT, quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì, BQL Dự án ĐTXD công trình giao thông thành phố, BQL khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội.


Trụ sở UBND TP Hà Nội (Ảnh: Tuấn Anh).

UBND TP Hà Nội cho biết, những cán bộ được xác minh là người thuộc diện kê khai tài sản thu nhập hằng năm thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra TP. Người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm.

Tỉ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị theo quy định tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh tài sản, thu nhập là bản kê khai năm 2021.

Theo kế hoạch, tiêu chí lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập là những người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản thu nhập hàng năm; người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản thu nhập trong thời gian 4 năm liền kề trước đó.

Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp người đang bị điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Kế hoạch cũng nhằm xác minh tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh tài sản, thu nhập; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; xác minh thực tế tài sản, thu nhập của người được xác minh; khi cần thiết kiểm tra, xác minh các nội dung khác có liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập.

Qua việc bốc thăm người có nghĩa vụ kê khai tài sản, TP Hà Nội sẽ đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; xác định tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

TP Hà Nội kỳ vọng hoạt động này sẽ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức về công tác kê khai, công khai, kiểm soát tài sản thu nhập. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, không tham nhũng; coi việc kê khai tài sản thu nhập không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của bản thân.

BỐC THĂM NGẪU NHIÊN  XÁC MINH TÀI SẢN, THU NHẬP CẦN TRÁNH 

ĐỂ 'SÓT' LÃNH ĐẠO

MẠNH ĐOÀN/GDVN 3-9-2022

GDVN- Theo đại biểu Quốc hội, cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện hàng năm nhưng công tác xác minh không được thực hiện thường xuyên.

Theo quy định tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hình thức xác minh tài sản và thu nhập của cán bộ sẽ được cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh thông qua bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Trước việc Hà Nội thực hiện việc xác minh bốc thăm để xác minh tài sản của 10% cán bộ/đơn vị, có nhiều ý kiến băn khoăn về sự "may, rủi".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang rất quyết liệt, nhằm phòng ngừa răn đe để cho viên chức, cán bộ từ trung ương đến cơ sở không vi phạm pháp luật.

Hoạt động góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực không thể không nói đến việc kê khai và xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xác minh.

"Hàng năm cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều phải thực hiện. Tuy nhiên, việc xác minh chỉ diễn ra khi có vụ việc tố cáo hoặc phát hiện hành vi tham nhũng của cán bộ. Đây là một lỗ hổng rất lớn, ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì vậy cơ quan chức năng phải thực hiện xác minh thường xuyên hơn", ông Hòa nhấn mạnh.

Bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập cần tránh để "sót" lãnh đạo ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: quochoi.vn)

Về việc Hà Nội tổ chức bốc thăm để xác minh tài sản của cán bộ, Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với hình thức tổ chức của Thủ đô.

Với việc xác minh 10% số lượng cán bộ thuộc diện xác minh, ông Hòa nhận định, trong thực tế có nhiều người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, trong khi đó đội ngũ cán bộ xác minh mỏng nên không thể xác minh hết được. Bởi vậy, nếu thực hiện việc xác minh đều đặn hàng năm với 10% cán bộ trong một đơn vị, thì vài năm sẽ xác minh được tất cả tài sản của tất cả cán bộ thuộc diện kê khai.

Tuy nhiên, nếu cần thiết cơ quan thanh tra có thẩm quyền đi xác minh với những đối tượng khác nữa, không nhất thiết phải thực hiện thanh tra 10% số lượng của một đơn vị.

“Cơ quan thanh tra được pháp luật cho phép quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, nên nếu thấy dấu hiệu sai phạm, kê khai gian dối, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc”, ông Hòa cho hay.

Theo Đại biểu Hòa, việc xác minh cần được thực hiện với các cán bộ phụ trách những lĩnh vực “nhạy cảm” dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Từ đó sẽ tạo ra tác động rất lớn, để sau đó chúng ta có những đánh giá, tổng kết giúp cho đội ngũ công chức, viên chức không dám tiêu cực.

Về quan điểm nên công khai kê khai tài sản của cán bộ tại địa phương họ sinh sống, ông Hòa cho rằng, việc kê khai tài sản hằng năm đều là công khai, nên ai muốn tìm hiểu thông tin kê khai của cán bộ có quyền yêu cầu xem.

“Người dân cũng khó để biết hết thông tin về tài sản của cán bộ. Với việc kê khai không trung thực, thiếu sót, cần phải có Nghị định cụ thể để xử lý tài sản kê khai còn thiếu”, ông Hòa đề nghị.

Xác minh 10% cán bộ/đơn vị cần tránh để "sót" lãnh đạo

Việc tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên một số cán bộ, công chức để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của Hà Nội là phù hợp với quy định pháp luật. Hà Nội cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo những người được lựa chọn đại diện và phản ánh đúng bộ máy hành chính của Thủ đô.

Chẳng hạn như số người được chọn là 10%, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điều này thể hiện sự nỗ lực phòng chống tham nhũng của các cấp lãnh đạo Hà Nội.

Bốc thăm ngẫu nhiên xác minh tài sản, thu nhập cần tránh để "sót" lãnh đạo ảnh 2

Luật sư Trương Anh Tú (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, cơ chế lựa chọn cần được tiến hành công khai, minh bạch, có sự giám sát của công dân.

"Số lượng người được xác minh là 10%, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Con số này cần được đánh giá một cách cẩn trọng, tránh tình trạng số lượng cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo quá ít, không thể hiện đúng cơ cấu tổ chức của bộ máy hành chính.

Trên thực tế, các vụ án tham nhũng thường có "bàn tay" của các cán bộ thoái hóa, biến chất nắm vị trí lãnh đạo, chỉ đạo trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện. Vì vậy, cần hết sức lưu ý về điểm này", Luật sư Trương Anh Tú - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, cần lưu ý cả vấn đề khác được đặt ra, đó là song song với việc xác minh tài sản, thu nhập cán bộ, công chức một cách ngẫu nhiên, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung của tất cả cán bộ, công chức lẫn người thân (cha, mẹ, con, vợ, chồng,….) của họ. Nhiều nước đã và đang tiến hành công việc này một cách hiệu quả.

Chúng ta cũng rất cần quan tâm và triển khai công việc này một cách hợp lý trên thực tế. Tránh tình trạng xác minh mang tính hình thức, bỏ lọt người vi phạm, không thu hồi được tài sản tham nhũng do đã chuyển nhượng cho người thân,… Như vậy mới có thể phòng và chống tham nhũng một cách triệt để và có hiệu quả.

Luật sư Tú chia sẻ thêm, việc Hà Nội và một số địa phương tiến hành xây dựng và ban hành quy định quy định bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là phù hợp với quy định Luật phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phần mềm máy tính để lựa chọn ngẫu nhiên một hoặc nhiều đối tượng không còn là mới.

Phần mềm máy tính có thể giúp làm hạn chế sự can thiệp của con người, đảm bảo tính khách quan cho việc lựa chọn ngẫu nhiên. Vấn đề đặt ra là phần mềm máy tính nào sẽ được sử dụng, có đảm bảo về mặt chất lượng và tính vô tư, khách quan hay không. Việc này cần dựa vào đánh giá và tham mưu của các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực tin học.

"Nếu phần mềm máy tính đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, việc sử dụng phần mềm máy tính để lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập là hoàn toàn đảm bảo tinh thần khách quan, minh bạch của Nghị định 130/2020/NĐ-CP và Luật Phòng chống tham nhũng", Luật sư Tú cho hay.

Mạnh Đoàn
XHCN CÒN GÌ 'ƯU VIỆT' HƠN... 'BỐC THĂM' KHÔNG ?
TRÂN VĂN/VOA/TD 5-9-2022

Tuần này, “bốc thăm” là một trong những chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên mạng xã hội và cả hai sự kiện nâng tầm của... “bốc thăm” đều xảy ra tại Hà Nội: Sự kiện thứ nhất, chính quyền thủ đô quyết định tổ chức “bốc thăm” để kiểm tra sự trung thực của những viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ở 12 đơn vị trực thuộc, bao gồm ba sở, ba quận – huyện, hai ban quản lý dự án, hai doanh nghiệp nhà nước, một viện, một trường (1). Và sự kiện thứ hai, phụ huynh của những đứa trẻ đến tuổi vào mẫu giáo đang ngụ tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải dự hai đợt “bốc thăm” để xem con, cháu họ có chỗ trong mẫu giáo công lập hay không (2)...
***
Khi nghe tin chính quyền thành phố Hà Nội chọn “bốc thăm” để kiểm tra sự trung thực của những viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ của 12 trong số những đơn vị trực thuộc, Van Vinh - độc giả của tờ Thanh Niên bày tỏ sự ngạc nhiên trên trang facebook của Thanh Niên: Trời! Có vụ “bốc thăm” nữa (3)! Cũng qua trang facebook của Thanh Niên, Huỳnh Tấn Vĩnh nêu thắc mắc như rất nhiều người khác đã nêu trên mạng xã hội: Sao không kiểm tra toàn bộ mà “bốc thăm”? Tương tự, Nguyễn Thế Hưng chất vấn: Tại sao không phải là công bố tờ khai của tất cả các quan chức thuộc diện phải kê khai tài sản? Phải chăng kê khai tài sản là loại việc khó khăn đến mức phải tổ chức như trò chơi cho bớt nặng nề?
Có thể để giảm bớt sự nặng nề trong tâm trạng khi thấy hoạt động phòng - chống tham nhũng chẳng khác gì tổ chức... trò chơi lớn, ở một số diễn đàn trên facebook, thiên hạ thi nhau đóng góp... sáng kiến, chẳng hạn như trên “Hà Nội tri thức”, Mai Quang Hiền đề nghị thay “bốc thăm” bằng... tổ chức đánh “phỏm”, “đồng chí” nào thua thì bị kiểm tra. Nguyễn Trung Kiên giới thiệu một phương thức lựa chọn ngẫu nhiên khác nếu số lượng thua “phỏm” quá đông: Tổ chức đá gà, chọi cá (4) - nhóm thua... “độ” sẽ bị kiểm tra mức độ trung thực.
Cũng có những người như Nguyễn Tấn Thọ phân tích về phương thức “bốc thăm” được chọn – sử dụng cả trong kiểm tra mức độ trung thực của viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản lẫn trao chỗ trong mẫu giáo công lập cho những đứa trẻ đã đến lúc phải tới trường: 1.700 đứa bé mà chỉ chưa tới 50% có chỗ học. Ai cũng nghĩ, bốc thăm - may rủi, không ưu tiên ai, là quá công bằng (?) nhưng có ai nghĩ cho những người nghèo, rủi cầm lá thăm xấu, không có tiền cho con học trường tư, đành cho chúng nghỉ học? Người giàu thì quá OK, chuyện nhỏ như con thỏ. Hậu quả khác nhau rành rành, công bằng chỗ nào?
Do vậy, Nguyễn Tấn Thọ thắc mắc: Bốc thăm - công bằng là khi nhiều người cùng trình độ, cùng cảnh ngộ mà chỗ học không đủ, ai xui rủi, trời kêu phải dạ, cùng hoàn cảnh phải chịu như nhau. Nước mình xưa giờ, có đủ chỗ công lập cho bọn trẻ vào học mầm non là bình thường, nay không hiểu sao đến nỗi phải bốc thăm nhưng lại "xử" ra vụ công bằng kiểu cào bằng này thật đắng cay quá. Chớp mắt một cái, vớ phải lá thăm xui, bọn trẻ nghèo đành nghỉ học, chờ ít lâu nữa ra đường đi bán vé số? Theo mẹ đi mua ve chai? Quản lý xã hội, phải biết tính chứ, chúng tội tình gì?
Nguyễn Tấn Thọ còn nêu ra một số ý kiến khác về “bốc thăm” để kiểm tra mức độ trung thực trong kê khai tài sản: Thế giới chắc tròn xoe mắt, kiểm tra tài sản kẻ có chức quyền mà lại xổ số hên xui, trời kêu ai nấy dạ?.. Facebooker này kể đã... Vờ ngu ngu, nghĩ rằng sẽ có bốc thăm thật nghiêm túc, không có ăn gian thu xếp phiếu và hỏi dân xem họ nghĩ gì. Họ hỏi lại, nếu bác là cán bộ lãnh đạo, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, khi kiểm tra sao không nêu gương cho dân tin, dân trọng mà lại chen vào đứng cùng hàng với cán bộ thường để bốc thăm? Đây chính là cơ hội các bác chứng minh mọi điều người ta nói xấu lãnh đạo đều là bậy bạ hết, Nhân dịp này mà đập tan dư luận xấu đó đi chứ nhỡ bốc thăm mà các bác lãnh đạo cao lại “thoát” kiểm tra thì dân chắc chắn lại... nghi ngờ. Bày ra bốc thăm cho có vẻ dân chủ cũng được nhưng là giữa các cán bộ thường với nhau thôi. Còn lãnh đạo thì phải nêu gương. Mình cây ngay sợ gì chết đứng, bác nhể? Cây ngay, không biết chết đứng không, chứ tôi thì cứng họng. Họ hỏi vậy đó. Thực tình, tôi có học xác suất thống kê và phép chọn bất kỳ theo tỷ lệ. Tôi đồng ý với cách nghĩ của dân: Chọn trường công cho trẻ, phải tính đến số phận đám trẻ nghèo kiết xác, không vào trường công thì chúng hết đi học. Cán bộ kiểm tra tài sản cũng đừng xổ số hên xui từ trên xuống dưới, dân họ cười cho. Các bác thử nghĩ lại xem (5)?
Rồi bởi “bốc thăm” được gắn vào... “công bằng”, Chanh Tam than: Chúng ta xây dựng một xã hội bình đẳng từ tấm bé, người lớn bốc thăm để biến 50% trẻ em thành người may mắn và 50% làm kẻ xui rủi (6). Còn Nguyễn Thiện luận về “công bằng” từ một góc khác: Với chính quyền, ở tầm quốc gia và từng tỉnh thành, tôi cho rằng cần thấy, khi mà phụ huynh cấp mầm non, cấp tiểu học muốn bé học trường công nhưng thiếu trường, phải học trường tư như ở Hà Nội thì bất công nghiêm trọng với những đứa trẻ đã nảy sinh. Thấy để có chính sách. Đó là nhà nước phải thay cha mẹ bé trả học phí vì bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục cấp mầm non, cấp tiểu học là trách nhiệm của chính quyền (7).
***
Xuân Sơn Võ xem viễn cảnh nhiều đứa trẻ không được đến trường do không “trúng thăm” là “trong nhờ, đục chịu” và khuyên đừng phê phán trường hay thầy cô giáo: Hãy hỏi những nhà hoạch định chính sách rằng tại sao không có đủ trường để các cháu vào học. Hay tại sao lại có trường tốt hơn, trường xấu hơn, trường thu nhiều tiền hơn, trường thu ít tiền hơn cho cấp đầu tiên của các cháu khi đến trường. Nhà nước đã làm gì khi đưa ra qui định phổ cập giáo dục? Có cấp đủ ngân sách để xây dựng trường lớp chưa? Có chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa? Mà thôi, chuyện quản lý nhà nước của cái xứ nào đó vốn dĩ nó đã là vậy, thắc mắc coi chừng đi tù. Thôi thì chúng ta cứ chịu khó chơi trò xổ số vậy. Từ đời ông đời cha đã chấp nhận trong nhờ đục chịu, mọi việc để cho họ lo thì việc bốc thăm may rủi của các cháu hôm nay có là gì đâu (😎)

Chú thích

BỐC THĂM TÌM THAM NHŨNG: SAO CÁN BỘ KHÔNG TỰ NGUYỆN ĐƯỢC KIỂM TRA?
VÂN THIÊNG/ TVN 20-9-2022
Trên tinh thần đảng viên, cán bộ có thể tự nguyện để được kiểm tra, xem như một cách xác tín sự trung thực, chứ đâu cần thụ động ngồi chờ lá thăm may rủi gọi tên mình.

Nếu bốc thăm để được học mẫu giáo công lập là chuyện hi hữu ở Hà Nội được xã hội cảm thông thì việc bốc thăm để xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản cán bộ lại thu hút dư luận ở một khía cạnh khác.

Khác, bởi đó là một trong những biện pháp để chống tham nhũng, được quy định trong nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khác còn bởi, cách làm ấy gợi lên nhiều suy nghĩ về một công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, chính danh để góp phần làm sạch đội ngũ cán bộ của đất nước.

Tổng cục Thuế bốc thăm chọn 71 cán bộ để xác minh tài sản. Ảnh: Tiền Phong

Thực tế thì chỉ những người quyền cao chức trọng mới có điều kiện để tham nhũng. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo từ 10 năm trở lại đây đã chứng minh điều đó, với hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, nhiều người là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, các tướng lĩnh cao cấp công an, quân đội… đã bị kỷ luật Đảng, bị truy tố trước pháp luật. Điều này cho thấy phòng chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh gay go phức tạp, cần sự phối hợp đồng bộ các giải pháp.

Việc Chính phủ ban hành nghị định 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên một tỉ lệ nhất định để xác minh kê khai tài sản thu nhập của cán bộ cũng là đương nhiên.

Kết quả bước đầu

Trên thực tế, công việc này cũng đã mang lại một số kết quả bước đầu. Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong số hơn 540.000 người kê khai tài sản, thu nhập, qua xác minh hơn 7.660 người, đã phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định và đã bị kiểm điểm. Từ kết quả này, Thủ tướng đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai theo hướng lựa chọn ngẫu nhiên.

Sau Hà Nội, Đà Nẵng, mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức bốc thăm chọn ra 71 người trong diện kê khai tài sản để xác minh, nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi che giấu tài sản.

Sở dĩ đặt ra vấn đề phải xác minh tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập là vì lâu nay, việc kê khai và xác minh kê khai của cán bộ vẫn bị xem là hình thức, khi rất ít trường hợp bất thường, không trung thực phải xác minh lại.

Có những kiểu kê khai hết sức vô lý, ai cũng thấy, cũng biết, nhưng không ai truy vấn đến tận cùng. Có những người khi kê khai thì chẳng có gì, nhưng khi bị vướng đến tham nhũng thì phát hiện có rất nhiều tài sản giá trị. Chỉ có điều là nó đã được hợp pháp hóa bằng tên của vợ, chồng, con cái, với giá trị đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đất đai, nhà cửa, các loại tài sản khác.

Dư luận từng bàn tán chuyện một cụ bà ở Hà Tĩnh 78 tuổi vẫn đứng tên xây dựng cả một tòa lâu đài, xung quanh có cả hàng nghìn mét vuông hồ nuôi thủy sản, giá trị hàng chục tỉ đồng. Nhưng nghi thì nghi vậy, đã có cơ quan nào tiến hành xác minh đến tận cùng khối tài sản đó có liên quan gì đến những người thân của cụ!

Năm 2017, dư luận xôn xao với hình ảnh "biệt phủ" ở trung tâm huyện Bình Chánh, TP.HCM, đứng tên sở hữu là con gái nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Hay chuyện cô sinh viên Nguyễn Phước Thiên Anh, sinh năm 1995, đang đi du học ở nước ngoài nhưng lại đứng tên sở hữu một “biệt phủ” rộng vài nghìn mét vuông ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tính đến thời điểm báo chí đề cập năm 2017, cô này mới 22 tuổi. Vì thế dư luận không tin đó là tài sản của cô, đặc biệt khi cha cô là một nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nghi ngờ là thế, nhưng rồi mọi chuyện cũng lại rơi vào quên lãng, bởi có cơ quan nào đi xác minh khối tài sản ấy ở đâu ra, để từ đó có thể xác định vị cán bộ liên quan đã trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập chưa. Thậm chí là từ đó, biết đâu lại tìm ra hành vi tham nhũng! 

Cho nên, dù kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ có được làm theo hình thức nào, chỉ định hay bốc thăm ngẫu nhiên thì tính hiệu quả đối với công tác phòng chống tham nhũng cũng chưa rõ ràng. Có chăng việc này chỉ dừng lại ở ý nghĩa nhắc nhở cán bộ nâng cao tính trung thực khi kê khai mà thôi.

Theo quy định, người có nghĩa vụ chỉ kê khai tài sản của vợ/chồng, con chưa thành niên, vì vậy trên thực tế không ít người lách luật bằng cách chuyển dịch tài sản tham nhũng sang người thân, con cái thành niên, chuyển sang nước ngoài, thậm chí chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai.

Khi cố tình giấu giếm tài sản bất minh, người ta đã tính toán cách kê khai như thế nào cho hợp lý nhất, làm sao để những tài sản đó càng xa chủ nhân thực sự càng tốt. Chả trách, việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Không sợ mất công bằng vì không bốc thăm

Đã chọn bốc thăm thì phải chấp nhận kết quả ngẫu nhiên. Có khi người tham nhũng thật sự lại thoát nhờ may mắn. Còn người được xác minh thì chẳng có gì để xác minh. Cho nên chống tham nhũng mà chỉ trông chờ vào việc xác minh kê khai theo kiểu bốc thăm may rủi thì e rằng chỉ là chuyện hình thức.

Không có các công cụ kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức và người thân, kể cả cha mẹ, họ hàng để tránh việc tẩu tán tài sản, thì những bản kê khai kia, dù có được xác minh thế nào, cũng chỉ là hình thức mà thôi.

Trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng là phải làm rõ sự vô lý của khối tài sản giá trị lớn một cách bất thường ấy; phải tìm ra mối liên hệ với những đối tượng đang bị nghi ngờ, hay trong tầm ngắm của các vụ án tham nhũng.

Nếu kê khai tài sản, thu nhập được xem là trách nhiệm trung thực của cán bộ thì việc ấy phải được thực hiện bằng tất cả tinh thần tự giác của mỗi người, chỉ cần sự giám sát, uốn nắn kịp thời của cơ quan, tổ chức đảng cơ sở nơi cán bộ ấy sinh hoạt là đủ.

Nếu tất cả đều nêu cao tinh thần trung thực khi kê khai, còn cần gì đến việc bốc thăm để xác minh. Thậm chí là trên tinh thần đảng viên, cán bộ có thể tự nguyện để được kiểm tra, xem như một cách xác tín sự trung thực của mình, chứ đâu cần thụ động ngồi chờ lá thăm may rủi gọi tên mình.

Cán bộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập của mình. Trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng là vạch trần sự dối trá, nếu có, nhằm tìm ra đường đi của dòng tiền và tài sản bất minh để quy tội cho từng đối tượng.

Chỉ sợ những người trong cơ quan phòng chống tham nhũng không làm hết trách nhiệm của mình chứ không sợ mất công bằng khi không chọn cách xác minh theo kiểu bốc thăm may rủi.

Vân Thiêng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét