Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

20220926. BẤT CẬP CỦA CÁC MÔN 'TÍCH HỢP' VÀ GIẢI PHÁP

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHƯƠNG TRÌNH  MỚI ĐẺ RA 'GIÁO SƯ BIẾT TUỐT', GIÁO VIÊN 

'HIẾN KẾ' GỠ RỐI

CAO NGUYÊN/GDVN 21-9-2022

Trên một số diễn đàn của giáo viên bậc phổ thông đang có rất nhiều cuộc tranh luận xung quanh các bộ sách giáo khoa và xuất hiện "cuộc chiến" thương mại âm thầm giữa các nhà xuất bản sách.

Hơn nữa, các bộ sách có nhiều sự khác biệt về nội dung, cấu trúc khiến việc dạy và học gặp rất nhiều trở ngại. Người viết đã tổng hợp ý kiến của giáo viên nhiều tỉnh thành trên cả nước những mong được góp thêm một tiếng nói cho ngành giáo dục trong việc thực hiện chương trình mới.

Chương trình mới đẻ ra "giáo sư biết tuốt", GV "hiến kế" gỡ rối ảnh 1

Ảnh minh họa: vtv.vn

Những hạn chế của chương trình mới

Thứ nhất, các môn tích hợp thiếu khoa học, không những không giảm tải mà còn tăng thêm áp lực cho cả thầy và trò. Chẳng hạn, môn Khoa học tự nhiên ghép 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng thực chất là gò ép vào một cuốn sách.

Thực tế, khoảng 7, 8 tuần đầu của năm học, học sinh lớp 6, lớp 7 được học cuốn chiếu phân môn Hóa học, thời lượng 4 tiết một tuần. Các tuần tiếp theo học sinh sẽ học môn Vật lý rồi kết thúc và chuyển sang học môn Sinh học, cuối kỳ các em lại quay lại ôn thi từng môn để kiểm tra. Việc sắp xếp này khiến học sinh quá tải, giống như bắt các em học tín chỉ như ở bậc đại học nhưng lại hơi nửa vời.

Cách thiết kế máy móc, thiếu khoa học khi đưa nội dung môn Hóa học lên trước chương trình ở cả lớp 6 và lớp 7 làm cho giáo viên giảng dạy rất vất vả, phải chạy sô, trong khi giáo viên Vật lý, Sinh học thì ngồi chơi chờ đến lượt.

Học sinh học cuốn chiếu một môn học đến năm sau mới tiếp tục. Ở độ tuổi từ 11 đến 15, các em không thể nhớ kiến thức vì không được học và luyện tập thường xuyên. Như thế làm sao có thể rèn kĩ năng, phát triển năng lực và phẩm chất như mục tiêu của chương trình đề ra.

Thứ hai, môn Lịch sử và Địa lí cũng được đánh giá là một cuộc “cưỡng hôn” vì một số nội dung liên quan đến nhau và hình thành một số chủ đề chung mà ép thành một môn học với hai phân môn độc lập, phải thực hiện dạy đồng thời với thời lượng 3 tiết/một tuần (tương đương mỗi phân môn 1,5 tiết).

Vì vậy, giáo viên phải xây dựng kế hoạch và thời khóa biểu thay đổi sau 4, 5 tuần thực hiện chương trình, thậm chí có trường một tuần điều chỉnh thời khóa biểu một lần.

Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí là môn tích hợp nên việc kiểm tra đánh giá phải thể hiện trên một đề. Khi khi kiểm tra định kì, giáo viên phải đổi giờ để có hai tiết liền nhau (90 phút), còn học sinh phải ôn tập quá nhiều kiến thức, dễ bị lẫn lộn và rất áp lực.

Thứ ba, chương trình giáo dục địa phương cũng đang gặp khá nhiều ý kiến. Mỗi môn có một phần trong đó, thường liên quan đến Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chương trình mới sinh ra môn học mới và định hướng thực hiện là chủ đề nào liên quan đến môn học nào thì giáo viên đó dạy.

Sau một năm thực hiện chương trình lớp 6 rất phức tạp vì “cha chung không ai khóc” nên nhiều nơi yêu cầu một giáo viên phải dạy cả chương trình địa phương theo kiểu “giáo sư biết tuốt”. Thầy cô giáo phải đa năng, am hiểu mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật.

Thứ tư, hoạt động trải nghiệm, nghe tên rất thiết thực nhưng thực tế các trường công lập chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp. Các chuyên đề gần như lãng quên hoặc không có thời gian, kinh phí để tổ chức.

Hoạt động này thường được phân công cho giáo viên chủ nhiệm, nội dung giống như hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bình mới mà rượu cũ, đánh giá học sinh là ở mức Đạt hoặc Chưa đạt nên cơ bản học sinh đạt 100% mà không cần phải học.

Các chuyên đề của hoạt động trải nghiệm và chương trình giáo dục địa phương thường được sắp xếp vào các buổi chiều, nhưng chỉ là thể hiện trên kế hoạch và thời khóa biểu, vì buổi chiều nhiều nơi đang dành cho học thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Thứ năm, môn Nghệ thuật, ghép Âm nhạc với Mỹ thuật – thực chất là hai môn, hai cuốn sách, hai giáo viên nhưng đánh giá chung. Như vậy làm sao đánh giá chính xác năng lực học sinh, không phải em nào cũng có khả năng âm nhạc, hội họa.

Vấn đề phức tạp là, khi học sinh Đạt ở môn này nhưng Chưa đạt ở môn kia thì hai giáo viên phải đánh giá thế nào cho hợp lí?

Điều kiện thực hiện chương trình mới chưa đáp ứng yêu cầu

Thứ nhất, những yếu tố cơ sở vật chất như phương tiện, đồ dùng, thiết bị dạy học chưa thể đáp ứng cho chương trình mới. Mặc dù mức đầu tư cho giáo dục rất lớn, nhưng nó không khác gì “chương trình 1-3-5” (ở sở thì 5, về đến phòng còn 3, đến các trường chưa chắc đã được 1).

Hầu hết các trường học hiện nay không có đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn để thực hiện chương trình. Lớp học rất đông học sinh, nhiều trường hơn 50 học sinh một lớp thì không thể chú trọng rèn năng lực, kĩ năng cho học sinh.

Thứ hai, sinh ra các môn tích hợp nhưng giáo viên chưa được đào tạo để dạy môn tích hợp, chưa có trường đại học sư phạm nào đào tạo giáo viên dạy liên môn.

Những nhà biên soạn chương trình, viết sách cũng khẳng định, không buộc giáo viên dạy trái chuyên môn. Nhưng thực tế ở các trường vẫn ép giáo viên phải dạy tất cả các phân môn của môn tích hợp chỉ sau vài buổi tập huấn và chuyên đề.

Dự kiến là sắp tới giáo viên phải đi học thêm một số tín chỉ để dạy môn tích hợp, sẽ tốn một khoản ngân sách lớn của Nhà nước, của cá nhân giáo viên.

Có thể nhận thấy, chất lượng không thể đảm bảo khi giáo viên phải dạy trái chuyên môn: cô dạy Sinh học kiêm Vật lý, Hóa học; thầy dạy Địa lí phải dạy cả Lịch sử. Nhưng lên đến bậc trung học phổ thông thì các môn học lại hoàn toàn độc lập.

Một vài kiến nghị đề xuất của giáo viên

Thứ nhất, các môn tích hợp với cách viết sách, nội dung như hiện nay đã thực sự tích hợp chưa? Có ý kiến cho rằng, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí phải là môn học độc lập, nếu có phần chung thì liên quan đến môn nào môn đó sẽ đảm nhiệm qua các chủ đề tích hợp liên môn.

Thứ hainội dung giáo dục địa phương nên tách ra và ghép với các môn liên quan để đảm bảo tính lôgic, khoa học, được giảng dạy đúng chuyên môn. Cùng với đó là điều chỉnh Công văn 5512/BGDĐT hợp lý, tránh rườm rà, phức tạp và áp lực.

Thứ ba, nên bỏ cơ quan quản lý cấp Phòng Giáo dục, cơ quan này chỉ làm bộ máy thêm cồng kềnh, thường “đẻ” thêm việc cho trường học, tăng thêm yêu cầu so với quy định Bộ Giáo dục, gây áp lực, tốn ngân sách, không hiệu quả.

Thứ tư, Bộ Giáo dục không có quyền quyết định về chế độ lương hay độ tuổi nghỉ hưu, nhưng có thể tham mưu với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội giúp giáo viên sống được với nghề.

Thứ năm, xin hãy giảm bớt áp lực cho giáo viên, hãy để thầy cô chuyên tâm vào chuyên môn, hãy loại bỏ các kì thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi để học sinh được học đều các môn, tránh xa áp lực, chiêu trò ganh đua và bệnh thành tích của giáo dục. Các hoạt động như phổ cập giáo dục, phối hợp với địa phương không huy động giáo viên phải tham gia.

Thứ sáu, hãy thay đổi cách thanh tra, kiểm tra mang ý nghĩa tích cực, giúp nhà trường điều chỉnh cái chưa được, phát huy cái được chứ không phải dự một giờ mà đánh giá cả quá trình.

Xin hãy thanh tra mà không báo trước để nắm được thực chất của giáo dục như vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh và ý thức đạo đức nghề nghiệp.

Thanh tra báo trước thì nhà trường sẽ tổng động viên lực lượng để chuẩn bị, có trường mượn phương tiện của trường bạn về dùng, tập luyện, tập diễn, truy lại các kiểu hồ sơ để đẹp nhất, hoàn hảo nhất trong mắt đoàn thanh tra – nhưng lại không phải thực chất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên
MÔN TÍCH HỢP: 2-3 GIÁO VIÊN DẠY CÙNG 1 SÁCH, MỖI TUẦN THAY THỜI KHÓA BIỂU 1 LẦN
ANH TRANG/GDVN 26-9-2022

Đây là năm thứ hai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai với cấp trung học cơ sở. Các môn học tích hợp đang khiến giáo viên và nhà trường gặp khó mọi bề đó là Khoa học tự nhiên (tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Lịch sử và Địa lý (tích hợp hai môn Lịch sử, Địa lý). Gọi là môn học tích hợp nhưng kiến thức các phân môn lại tách bạch khá rõ trong cùng một quyển sách.

Năm ngoái, khi triển khai dạy tích hợp ở lớp 6, hiện tượng “ba thầy cùng dạy một sách” hoặc “hai thầy một sách” đã làm khó nhiệm vụ ra đề kiểm tra, chấm thi, vào điểm và nhận xét môn học. Đến năm nay, tình trạng đó vẫn tiếp tục khi triển khai với lớp 7.

Thầy Lê Vĩnh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (Quảng Trị) cho hay, vì chưa có giáo viên dạy môn tích hợp riêng nên hiện nay với các môn tích hợp, bắt buộc nhà trường phải sắp xếp các thầy cô từng bộ môn cùng dạy, nên xảy ra tình trạng 2-3 giáo viên cùng dạy một sách.

“Năm ngoái khi triển khai dạy tích hợp với lớp 6, nhà trường tổ chức dạy song song, tuy nhiên đến năm nay theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giảng dạy môn tích hợp, nhà trường tổ chức dạy tuyến tính, đến phân môn nào thì giáo viên phân môn đó vào dạy”, thầy Lê Vĩnh Hiệp nói.

Sau một thời gian triển khai dạy tích hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo chia sẻ một số khó khăn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc bố trí thời khóa biểu. Dạy học theo kiểu tuyến tính nên mỗi tuần, Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo đều phải thay thời khóa biểu một lần để phù hợp với giáo viên và số tiết dạy.

Thứ hai, với các trường đông lớp tương đương với số tiết tích hợp nhiều. Điều này dễ dẫn tới tình trạng giáo viên phân môn trong bộ môn Khoa học tự nhiên đến tuần dạy sẽ bị “ngộp”, số tiết quá nhiều trong khi giáo viên phân môn còn lại “rảnh rang, thong dong” chờ đợi đến lượt. Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo đang tính đến việc hợp đồng thêm giáo viên để giãn số tiết cho giáo viên của môn tích hợp vì dạy quá nhiều tiết/tuần sẽ không đảm bảo chất lượng.

Thứ ba, hầu hết các trường chưa có giáo viên tích hợp riêng nên sẽ cho các giáo viên đi đào tạo, tập huấn, học thêm chứng chỉ tích hợp. Tuy nhiên, đào tạo chứng chỉ cũng có bất cập, vì sau khi học xong cũng khó đảm bảo về mặt kiến thức khi dạy học sinh.

Thứ tư, một môn học nhưng nhiều giáo viên cùng ra đề kiểm tra, đánh giá và nhiều giáo viên cùng chấm điểm nên sẽ phức tạp, khó nhất ở khâu đánh giá học sinh. Ví dụ, môn Lịch sử và Địa lý có hai giáo viên cùng dạy, tỷ lệ kiểm tra đánh giá về kiến thức là 50-50, có trường hợp học sinh chỉ làm được 100% phân môn Địa hoặc môn Sử chẳng hạn thì học sinh đó vẫn có 5 điểm và vẫn đạt yêu cầu, đây cũng là bất cập trong kiểm tra đánh giá với môn tích hợp.

“Với các môn tích hợp, để thuận lợi và thống nhất khi triển khai, trường đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng giáo viên nhằm tránh rắc rối, chồng chéo.

Chắc chắn, trong tương lai, trường sẽ cho giáo viên đăng ký đi học chứng chỉ tích hợp, tuy nhiên trừ những giáo viên “toàn năng” giỏi đủ các phân môn còn những giáo viên vốn chỉ giỏi một phân môn, hai phân môn còn lại không giỏi lắm thì học xong cũng chỉ có thể dạy những kiến thức cơ bản, không thể dạy chuyên sâu. Thậm chí, sau này khi chương trình mới triển khai với khối 8, 9 thì chắc chắn nhiều giáo viên rất quan ngại vì càng lên kiến thức yêu cầu càng khó", thầy Lê Vĩnh Hiệp bày tỏ.

Từ những khó khăn, bất cập đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo chia sẻ: "Ghép các môn đơn thành môn tích hợp nhưng lợi ích chưa thấy trong khi ghi nhận nhiều bất cập".

Cũng trong tình trạng một môn tích hợp 2-3 giáo viên cùng dạy, thầy Lê Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Triệu Phước (Quảng Trị) cho hay, hiện tại nhà trường đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu và phân công giáo viên dạy. Dạy theo kiểu tuyến tính xuất hiện vấn đề, có những tuần, giáo viên phải dạy vượt 19 tiết/tuần. Vì giáo viên phải dạy cả 2 khối 6 và 7 nên đôi khi các tiết học bị chồng chéo khiến giáo viên phải dạy dư tiết.

Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng trị chưa có chủ trương tổ chức lớp bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp nên dự kiến tình trạng này vẫn sẽ kéo dài một khoảng thời gian nữa, do giáo viên chưa có lớp để sắp xếp đi học bồi dưỡng, chưa thể tự đảm nhiệm trọn vẹn một môn tích hợp.

Chia sẻ tâm tư khi là giáo viên được phân dạy một trong các phân môn Khoa học tự nhiên, cô T, giáo viên môn Vật lý của trường trung học cơ sở ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết: một bộ sách nhưng cả 3 giáo viên cùng dạy nên khó khăn trong việc phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu và có những nội dung bắt buộc giáo viên phải tìm hiểu thêm, tổng hợp kiến thức liên môn để dạy.

Bất kỳ một bài kiểm tra nào, từ 15 phút, 1 tiết, kiểm tra học kỳ,..đều phải chia làm 3 nội dung, 3 giáo viên cùng xây dựng, cùng chấm và cùng đánh giá. Tất cả các khâu phức tạp và rất tốn thời gian.

"Thiết kế một bài kiểm tra Khoa học tự nhiên không dễ, tôi dạy chủ đề nào, bao nhiêu tiết thì phải tính toán để quy ra tỷ lệ câu hỏi và điểm số trong bài kiểm tra. Bên cạnh đó, thiết kế câu hỏi trong bài của mỗi phân môn còn đòi hỏi đáp ứng đủ các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao. Chính vì vậy, thầy cô phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức", cô T nói.

Chia sẻ quan điểm về việc đi học chứng chỉ tích hợp để đảm nhiệm dạy môn Khoa học tự nhiên, cô T cho rằng: “Tôi được đào tạo 4 năm, ra trường chỉ dạy được một môn. Giờ đi học thêm chứng chỉ trong vài tháng thì không thể đáp ứng được tất cả kiến thức của hai bộ môn Hóa học, Sinh học được. Vì vậy, tôi lo sau khi học chứng chỉ về, được phân công dạy, học sinh hỏi những kiến thức chuyên sâu nhưng tôi không biết thì khó mà dạy tiếp được".

Bản thân cô T đã được nhà trường vận động đăng ký đi học chứng chỉ tích hợp từ năm ngoái, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa được gọi đi học. Cô chia sẻ, mỗi ngày trong lúc chờ được đi học thêm, cô tự mình nghiên cứu sách giáo viên, sách giáo khoa, các tài liệu tập huấn, tìm kiếm thông tin trên mạng, bài giảng mẫu,...về các kiến thức của bộ môn mới.

“Thực tế, có những kiến thức rất khác so với trước kia nên tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu. Ví dụ, bảng tuần hoàn hóa học trước kia đọc các nguyên tố theo phát âm Việt Nam nhưng giờ đọc tên các nguyên tố theo Tiếng Anh, gây khó khăn trong cách đọc và khó nhớ cho chính giáo viên dạy Hóa học chứ chưa kể đến giáo viên "tay ngang" như tôi”, cô T bày tỏ.

Anh Trang
MÔN TÍCH HỢP NHIỀU GV DẠY, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KHÓ TRÁNH BẤT ĐỒNG QUAN ĐIỂM 
ANH TRANG/GDVN 27-9-2022
GDVN-Theo thầy Phan Đình Kiên: Việc giáo viên chưa “mặn mà” với việc học thêm chứng chỉ tích hợp là do họ chưa bố trí được kinh phí và thời gian.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa 2 môn học tích hợp vào giảng dạy ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 và lớp 7 năm học 2022-2023, những năm học tiếp theo bắt đầu được triển khai cho học sinh lớp 8 và lớp 9.

Cụ thể, môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử, Địa lý đã được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lý.

Ở nhiều trường trung học cơ sở, không dễ để một giáo viên dạy kiến thức của 2-3 môn học và không phải giáo viên nào cũng có thể ngay lập tức chuyển từ dạy 1 môn sang dạy tích hợp.

Chính vì vậy, thực tế việc dạy và học môn tích hợp đối với lớp 7 năm nay, nhiều trường vẫn triển khai một sách nhưng nhiều giáo viên cùng dạy. Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên (các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng dạy); môn Lịch sử và Địa lý (giáo viên Lịch sử và Địa lý cùng dạy).

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc triển khai môn tích hợp của trường, thầy Nguyễn Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện tại nhà trường không có giáo viên dạy môn tích hợp riêng, vì vậy, khi đến môn tích hợp các giáo viên bộ môn sẽ cùng đảm nhiệm, tức là 2-3 thầy cô cùng dạy một sách.

“Tổ chức dạy như này gây khó khăn cho trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, là một môn nhưng nhiều thầy cô cùng dạy, cùng chấm bài kiểm tra và đánh giá nên không thể tránh khỏi có những lúc sẽ bất đồng quan điểm”, thầy Lợi nói.

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du cũng đang vận động giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp để thuận tiện hơn trong việc đảm nhiệm trọn bộ môn này. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Minh Lợi cho hay, chưa có giáo viên nào của nhà trường đăng ký đi học, vấn đề được các thầy cô băn khoăn nhiều nhất là về kinh phí và thời gian học. Ngoài ra, nếu tổ chức dạy chứng chỉ tích hợp vào các ngày trong tuần thì chắc chắn đội ngũ giáo viên của trường sẽ bị thiếu, đó cũng là một bất cập mà các trường đang gặp phải.

Một môn tích hợp nhiều GV dạy, kiểm tra đánh giá khó tránh bất đồng quan điểm ảnh 1

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, thầy Phan Đình Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, thành phố Kon Tum, (tỉnh Kon Tum) chia sẻ, việc tổ chức môn tích hợp của nhà trường là nhiều giáo viên cùng dạy theo kiểu song song, trong phân phối chương trình môn Khoa học tự nhiên, đến tiết của phân môn nào, thầy cô phân môn đó lần lượt vào dạy.

“Chương trình hiện tại mức độ tích hợp chưa nhiều, chính vì vậy dễ tổ chức dạy song song. Đối với môn Khoa học tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt đã có sẵn giáo viên Hóa - Sinh giờ chỉ cần sắp xếp thêm giáo viên môn Vật lý vào dạy, do đó, trường sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện hơn một số trường trung học cơ sở khác”, thầy Kiên nói.

Cũng giống như Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (tỉnh Quảng Trị), dù Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (tỉnh Kon Tum) đã động viên giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp tuy nhiên vẫn chưa có giáo viên nào đăng ký. Theo thầy Kiên, việc giáo viên chưa “mặn mà” với việc học thêm chứng chỉ này là do họ chưa bố trí được kinh phí và thời gian. Hầu hết đều là những giáo viên đã có gia đình, con cái nên dù đã tạo điều kiện học cuối tuần nhưng đối với việc đã dạy cả tuần ở trường trung học cơ sở học (có giáo viên dạy cả thứ 7) thì để sắp xếp thời gian đi học chứng chỉ và thời gian cho gia đình của các cô sẽ khá eo hẹp.

Băn khoăn, trăn trở khi trường chưa có giáo viên môn tích hợp riêng, thầy Hoàng Công Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) bày tỏ sự khó khăn khi tổ chức dạy các môn này.

“Đối với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, 3 thầy cô của nhà trường cùng dạy; còn với môn Lịch sử và Địa lý là 2 thầy cô cùng dạy. Hiện tại, nhà trường đang tổ chức dạy nối tiếp. Tôi lấy ví dụ, đối với môn Khoa học tự nhiên, 2 tuần đầu giáo viên Vật lý dạy, 2 tuần sau giáo viên Hóa học dạy, 2 tuần tiếp giáo viên Sinh học dạy, rồi lại quay vòng lại. Việc tổ chức dạy như này gây ra vấn đề là đến tuần được phân công dạy, giáo viên đó sẽ bị “nặng” về số tiết, thậm chí vượt lên 19 tiết/ tuần, trong khi đó 2 giáo viên còn lại lại “nhàn rỗi”. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá sẽ phức tạp vì chuyên môn ai người đó chấm và đánh giá, khi tổng hợp thành một đầu điểm rất dễ bất đồng.

Cái khó nữa là trong nội dung của môn tích hợp có phần kiến thức tích hợp thì ai sẽ dạy và dạy như thế nào? Vì giáo viên chưa được tập huấn nên không thể dạy “sâu” được.

Sau này, khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai cuốn chiếu lên lớp 8, 9 thì nhà trường không thể dạy nối tiếp như này được mà sẽ phải triển khai dạy song song vì không đủ đội ngũ”, thầy Hoàng Công Anh chia sẻ.

Từ những bất cập trên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Triệu An mong rằng Bộ Giáo dục dục và Đào tạo, đặc biệt là các trường sư phạm nhanh chóng đào tạo giáo viên môn tích hợp, cung ứng đủ cho các trường. Còn trước mắt, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương cũng phải triển khai rốt ráo và có những chính sách khuyến khích giáo viên đi học thêm chứng chỉ môn tích hợp.

Anh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét