Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

20220916. BÀN VỀ GIÁO DỤC TRỰC TUYẾN TRONG NHÀ TRƯỜNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CẦN CHUẨN HÓA CẢ VỀ NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC TRỰC 

TUYẾN TRONG NHÀ TRƯỜNG

PHƯƠNG ANH th/ KTSG 14-9-2022

(KTSG) – Xuất phát từ đề án chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ nay đến năm 2025, các trường trung học sẽ dành 10% chương trình để giảng dạy theo hình thức e-learning (học trực tuyến). Nhờ đặc thù về khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ của giáo viên và học sinh, tỷ lệ này ở TPHCM là 35%(1). Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Chương trình Khoa học tự nhiên, Hệ thống Giáo dục HOCMAI – đã trao đổi với KTSG về chất lượng dạy và học trực tuyến.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam.

KTSG: Mục tiêu về dạy và học trực tuyến theo đề án chuyển đổi số của Bộ GĐ&ĐT có ý nghĩa như thế nào trong định hướng giáo dục – đào tạo hiện nay, thưa ông?

– TS. Nguyễn Thành Nam: Để đáp ứng thị trường lao động trong tương lai, năng lực quan trọng nhất cần trang bị cho học sinh hôm nay chính là năng lực tự học, mà một trong những biểu hiện quan trọng của năng lực này là người học phải có khả năng tự học qua mạng Internet. Chính vì vậy, việc tổ chức một phần hoạt động học tập ở bậc phổ thông bằng hình thức học trực tuyến là hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới.

Và mặc dù chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng phát triển năng lực, nhưng phần nội dung thiên về cung cấp thông tin và dẫn giải vẫn chiếm tỷ trọng không nhỏ. Phần nội dung này rất phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến thiên về thuyết trình. Tổ chức học trực tuyến hiệu quả sẽ giúp thầy cô và nhà trường tiết kiệm được thời gian và dành thời gian tập trung cho cho các hoạt động trực tiếp trên lớp, giúp phát triển năng lực của học sinh.

Các nội dung học tập trực tuyến luôn ở trạng thái sẵn sàng cho phép học sinh có thể học từ bất cứ nơi đâu, vào bất cứ khi nào, và học bao nhiêu lần tùy ý, góp phần mang lại tự do học tập và nâng cao tính cá nhân hóa của chương trình học. Điều này đồng thời giải phóng giáo viên khỏi việc phải giảng đi giảng lại các nội dung lý thuyết trong chương trình, có điều kiện tập trung nhiều hơn vào việc thiết kế và tổ chức hoạt động học tập giúp phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.

KTSG: Kể từ đại dịch Covid-19 đến nay, ngành giáo dục có vẻ cũng đã thực hiện được các đầu việc như ông vừa nêu, nhưng kết quả trên thực tế chưa cao. Vậy trong quá trình triển khai đề án giáo dục trực tuyến sắp tới đây, theo ông cần phải chú trọng những vấn đề gì?

– Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến có thể gặp khó khăn ở các khâu như: sản xuất nội dung học trực tuyến, cũng như việc cấp phát nội dung đến người học qua hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS), và kiểm tra đánh giá chất lượng học tập. Việc xây dựng nội dung và sản xuất bài học trực tuyến có chất lượng sẽ làm tốn nhiều thời gian và công sức của giáo viên hơn. Quá trình cấp phát bài giảng và học liệu đến học sinh cũng cần phải được thực hiện tập trung trên một nền tảng công nghệ ổn định, hiệu quả và đáng tin cậy. Và cuối cùng, việc kiểm tra đánh giá cần phải được thống nhất cả về nội dung và phương thức, để đảm bảo đánh giá công bằng kết quả học tập của mọi học sinh tham gia học trực tuyến.

Trong đại dịch, việc dạy học trực tuyến được tổ chức phân tán với cách làm khá tùy tiện, thiếu sự quản lý sâu sát về nội dung cũng như quá trình học của học sinh. Trong giai đoạn triển khai đồng loạt sắp tới, các khâu dạy học trực tuyến cần phải được chuẩn hóa và quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng đào tạo.

KTSG: Về mặt kỹ thuật, làm sao để đảm bảo tiến độ sản xuất cũng như chất lượng nội dung các bài giảng trực tuyến, thưa ông?

– Về việc này, thay vì để tự các thầy cô mạnh ai nấy làm như trước kia, cơ quan quản lý ngành có thể lựa chọn, quay bài giảng video của các giáo viên giỏi. Sau khi thẩm định, bài giảng sẽ được đưa lên LMS để học sinh tự học. Hệ thống bài tập và học liệu kèm theo cũng nên được biên tập thống nhất và cấp phát đồng thời với bài giảng video trên hệ thống.

Cần lưu ý là hệ thống LMS đóng vai trò rất quan trọng, nếu muốn quản lý và đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến thì cần phải lựa chọn sử dụng một hệ thống cấp phát nội dung thống nhất, ổn định và hiệu quả. Để làm được việc này, ngoài cách khó là xây dựng riêng một hệ thống mới, còn có cách dễ hơn là kết hợp với một đơn vị có uy tín trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến để họ trợ giúp quá trình sản xuất và cấp phát nội dung đến người học.

Quá trình kiểm tra đánh giá học trực tuyến cũng nên kết hợp giữa đánh giá trực tuyến và đánh giá trực tiếp tại trường học. Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến thực hiện bám sát theo nội dung học tập sẽ giúp học sinh tự đánh giá và điều chỉnh quá trình học để nâng cao hiệu quả học tập. Còn hoạt động đánh giá tại trường nên được thực hiện thống nhất cả về nội dung và phương thức để lấy kết quả đưa vào học bạ, đồng thời giúp các cơ quan quản lý và nhà trường nắm được kết quả học tập trực tuyến của học sinh.

(1) https://tuoitre.vn/nam-hoc-2022-2023-tai-tp-hcm-35-so-tiet-day-bang-e-learning-20220901085443245.htm

KHI GIÁO DỤC TRỰC TUYẾN THU HẸP GIAO TIẾP XÃ HỘI

TH.PHƯƠNG/KTSG 15-9-2022


Học sinh học tập và chơi video game tại một chương trình hè dành cho những học sinh theo học trường trung học trực tuyến của Đại học Stanford.

(TBVTSG) – Ngành đào tạo trực tuyến ở Mỹ đã tăng trưởng 13% hồi năm ngoái và đã tăng khoảng 20% so với các năm trước đó. Cứ trong bốn học sinh thì có một người chọn học ít nhất vài khóa đào tạo chứng chỉ trực tuyến, tăng cao so với tỷ lệ 1/10 hồi năm 2002.

Tổng thống Barack Obama đã chi 500 triệu đô-la Mỹ cho các khóa học trực tuyến và tài liệu học tập như là một phần của một kế hoạch đa chiến lược nhằm mở rộng đào tạo ở bậc đại học.

Đào tạo trực tuyến vẫn là một mảng giáo dục mới mẻ và được xem là sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong những năm tới.

Tatyana Ray có hơn 1.200 người bạn trên Facebook và tham gia vào bốn câu lạc bộ sinh viên trong một năm rưỡi học trung học trực tuyến thông qua một chương trình của Đại học Stanford (Mỹ). Dù tại thành phố Palo Alto, nơi Ray ở, có không ít trường công và trường tư hàng đầu, cô gái 17 tuổi này vẫn đăng ký học trực tuyến vì bản thân cô và cha mẹ nghĩ rằng đây là mô hình học tập lý thú và nhiều thách thức.

Giáo dục trực tuyến phát triển ở Mỹ

Ray thích kiểu học này, nhưng rốt cuộc nhận ra mình đang đơn độc. Cô nhận thấy mình không có được cơ hội gặp mặt trực tiếp bạn bè ở những lễ hội hoặc sự kiện thể thao. Đối với Ray, những câu lạc bộ trực tuyến về thời trang, sách vở và nấu ăn chủ yếu hoạt động thông qua webcam và blog.

Vào mùa đông năm ngoái, Ray rời khỏi trường học trực tuyến nói trên và vào học tại đại học cộng đồng ở địa phương. Ray thừa nhận: “Về mặt xã hội, mô hình này không có hiệu quả. Tôi cảm thấy mình bị cô lập.”

Những gì Ray gặp phải cũng là mối bận tâm hàng đầu của các nhà sư phạm trong bối cảnh mô hình trường trung học trực tuyến đang ngày càng phổ biến ở Mỹ.

Theo thống kê, khoảng 100.000 trong 12 triệu học sinh trong độ tuổi trung học đăng ký học trọn thời gian tại các trường trực tuyến, tăng hơn ba lần so với năm năm trước. Ngoài ra, nhiều học sinh khác cũng tham gia một số lớp học trực tuyến trong lúc theo học tại những trường truyền thống.     

Một số trường học cho phép học sinh có thời gian biểu học tập phù hợp với khả năng và mức độ tiến triển của mình. Một số trường khác tạo ra lớp học ảo, trong đó dùng những công cụ như hình ảnh video, chat trực tuyến và tập tin PowerPoint vào công việc giảng dạy.  Trường học trực tuyến hấp dẫn một số đối tượng, như những học sinh có năng khiếu muốn học theo tiến độ của mình; những người bỏ học tại trường truyền thống hoặc được dạy ở nhà; những người thường xuyên di chuyển ra nước ngoài cùng cha mẹ…

Elizabeth Birr Moje, một giảng viên tại Đại học Michigan và là người từng nghiên cứu về giáo dục trực tuyến, cho biết mô hình trường trung học trực tuyến có những lợi ích nhất định, như thời khóa biểu học linh hoạt và việc truy xuất nội dung đa truyền thông tốt hơn. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu giáo dục tin rằng những người học trực tuyến sẽ thích nghi tốt hơn với một thế giới mà trong đó công nghệ số ngày càng chiếm vai trò quan trọng.

Vẫn còn những hạn chế

Dù vậy, do mô hình trường trung học trực tuyến chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, nên vẫn chưa có nhiều cuộc nghiên cứu về những vấn đề có thể nảy sinh. Các nhà sư phạm hiện chỉ mới quan tâm đến nguy cơ một số học sinh có thể bị cô lập về mặt xã hội. Cùng lúc đó, các nhà xã hội học và chuyên gia tâm lý trẻ em cũng đang tìm hiểu xem trường học trực tuyến có thể cản trở hoặc giúp đỡ ra sao đối với sự phát triển của các kỹ năng xã hội.

Raymond Ravaglia, Phó giám đốc Chương trình Giáo dục dành cho học sinh có năng khiếu (EPGY) của Đại học Stanford, nơi Ray từng theo học, nói: “Đối với trường trung học trực tuyến, trở ngại lớn nhất là giải quyết vấn đề tương tác xã hội của học sinh. Ở lứa tuổi này, người ta thích có những giao tiếp xã hội.”

Các trường học trực tuyến đang áp dụng nhiều phương cách khác nhau để vượt qua thách thức về mặt giao tiếp xã hội. Chẳng hạn như Trường Ảo Florida lập ra một đội để tham dự các giải thi đấu khoa học. Các thành viên của đội vừa thực hành trên mạng vừa gặp mặt nhau trước khi thi đấu. Trong khi đó, trường trực tuyến của Đại học Ảo Michigan mở các trại hè về toán và khoa học cho học sinh của mình.

EPGY xuất phát từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi các giảng viên môn khoa học máy tính tại Đại học Stanford thử nghiệm cách thức dạy toán bằng máy tính. Chương trình này sau đó được mở rộng để cung cấp các lớp học trực tuyến và trại hè. Đến năm 2006, Đại học Stanford bắt đầu thử nghiệm một trường trực tuyến dành cho học sinh có năng khiếu. Ban giám hiệu nhà trường thừa nhận họ không khỏi ngạc nhiên trước một số thách thức họ phải đối mặt. Hiệu trưởng Jan Keating cho biết họ đang tìm cách giảm bớt tỷ lệ học sinh rời khỏi chương trình được bà mô tả là cao, nhưng không cho biết con số cụ thể.

Calvin Burkhart, một thanh niên 17 tuổi tại Chicago, từng theo học EPGY trước khi nghỉ vào năm 2008, nhận xét những khóa học của chương trình là lý thú và kích thích sự phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, cậu cho rằng việc ít được tiếp xúc trực tiếp với bạn bè và giáo viên là vấn đề không nhỏ. Vì thế, bà Keating buộc phải thừa nhận: “Chúng tôi cần phải tìm ra cách để các học sinh có thời gian tiếp xúc và học tập lẫn nhau.”

(The Wall Street Journal)

Một số sự kiện và số liệu thống kê về đào tạo trực tuyến ở Mỹ

– Danh sách các đơn vị đứng đầu về đào tạo trực tuyến tại Mỹ: Đại học Phoenix, một đơn vị của Apollo Group Inc; Kaplan, một đơn vị của Washington Post Co.; Capella Education Co.; Strayer Education Inc.; ITT Education Services Inc; Cao đẳng Corinthian; Lincoln Educational Services Corp; Grand Canyon Education; Career Education Corp.

– Trong hơn 18 triệu sinh viên đại học Mỹ, có 3,9 triệu người được ghi danh vào ít nhất một khóa học đại học trực tuyến vào mùa thu năm 2007, tăng 13% từ năm 2006, trong khi đào tạo theo kiểu truyền thống chỉ tăng hơn 1%.

– 85% sinh viên có các khóa học trực tuyến sống tập trung trong các khu ký túc.

– 15% học sinh từ mẫu giáo đến trung học có thể được đào tạo trực tuyến vào năm 2011, so với 4% vào năm 2006.

– 87% thiếu niên tuổi từ 12-17 sử dụng Internet. Khoảng 2/3 số trường mầm non cho trẻ em sử dụng máy tính. Tất cả các trường học ở Mỹ được kết nối với Internet.

– 44% học sinh trung học Mỹ đã nghiên cứu một ngoại ngữ trong năm 2002 (điều này là bắt buộc ở EU và nhiều nơi khác).

– 70% học sinh tốt nghiệp trường trung học công lập. Khoảng 2/3 học sinh tốt nghiệp không có ý định thi vào đại học.

– 47% học sinh bỏ học cho biết nguyên do là “lớp học không thú vị” và họ đã “chán”.

P.A

Nguồn: Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học, tổ chức Alfred P. Sloan Foundation, American Digital Schools Survey, Pew Internet Project và Học viện Manhattan.

TRUYỀN HÌNH TÌM CƠ HỘI  TỪ GIÁO DỤC TRỰC TUYẾN

ĐỊNH NGHĨA/KTSG 15-9-2022


(TBVTSG)–Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet (IPTV) đang cố gắng tìm kiếm cơ hội trong thị trường ngách, thông qua việc cung cấp dịch vụ giáo dục, giải trí trực tuyến tại gia.  

Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này như Tổng công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom), Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông (VNPT), Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)… Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường buộc các doanh nghiệp phải tìm những hướng đi mới để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Cơ hội từ thị trường ngách

Ông Đỗ Hồ Huy, Giám đốc Công ty Dịch vụ Trực tuyến số (Digionline), cho biết kể từ khi cho ra mắt thiết bị truyền hình IPTV dành cho máy tính xách tay với tên gọi TVZone vào giữa tháng 11 năm ngoái, đến nay công ty có khoảng 3.000 khách thuê bao. Lượng khách hàng chính của doanh nghiệp là các sinh viên tại TPHCM. Để xem được truyền hình, người sử dụng phải mua thiết bị với giá khoảng 300.000 đồng kèm theo trả phí thuê bao hằng tháng khoảng 30.000 đồng.

Theo ông Huy, do tốc độ đường truyền lệ thuộc vào nhà mạng viễn thông nên dịch vụ này vẫn chưa có lợi thế cạnh tranh so với các trang web cung cấp phim trực tuyến miễn phí. Doanh nghiệp hiện đang hợp tác với các hãng phim, đài truyền hình để nâng cao chất lượng nội dung cung cấp đến khách hàng.Trong thời gian tới, Digionline sẽ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực truyền hình di động và có kế hoạch hợp tác với hai công ty truyền hình cáp là SCTV và HTVC để tăng nguồn phim cho TVZone, kèm theo đó là việc đầu tư cho đội ngũ chăm sóc khách hàng.

Chọn cho mình một hướng đi khá đặc biệt, Công ty Công nghệ Điện tử Viễn thông Elcom bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng với sản phẩm eHotel từ cuối năm 2010. Đến nay, doanh nghiệp này có khoảng 1.000 khách thuê bao, trong đó có khu nghỉ dưỡng Vinpearl Land và Mia ở Nha Trang, Phi Lao ở Vũng Tàu.

Ông Cao Quốc Đạt, Phó giám đốc kinh doanh của Elcom, nói rằng chỉ riêng dịch vụ eHotel đã đem về nguồn thu cho công ty 3 tỉ đồng vào năm 2012, tăng 20% so với năm trước đó. “Tuy nhiên, thị trường này đang có dấu hiệu chững lại do chủ các khách sạn đang cắt giảm đầu tư cho khoản này”, ông Đạt nói.

Theo Sách trắng công nghệ thông tin – truyền thông năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, lượng khách thuê bao truyền hình cáp trên cả nước là khoảng 2,5 triệu, truyền hình số mặt đất khoảng 2 triệu, trong khi truyền hình số vệ tinh chỉ khoảng 500.000. Bên cạnh đó, cũng theo thống kê của bộ này, tổng số hộ gia đình thành thị và gần thành thị tính từ tỉnh Khánh Hòa trở vào phía Nam khoảng 8,7 triệu.

Từ những số liệu kể trên, Giám đốc Công ty Dịch vụ Trực tuyến Vân Phong (Iwind), bà Phạm Thị Minh Trang, ước tính cả nước có khoảng 5 triệu hộ gia đình có thu nhập từ trung bình khá trở lên có khả năng chi trả hằng tháng cho dịch vụ truyền hình.

Giáo dục trực tuyến –– hướng đi mới

Công ty Vân Phong (Iwind) đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho biết, tại phân khúc thị trường truyền hình IPTV, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC có khoảng 200.000 khách thuê bao, chủ yếu ở khu vực gần các thành phố lớn. Trong khi đó, thị phần của các nhà cung cấp còn lại như FPT, Viettel, VTC Digicom (thuộc VTC) không đáng kể. Do vậy, khoảng 3 triệu hộ gia đình còn lại chưa sử dụng truyền hình IPTV là một thị trường khá lớn khi Iwind đang hướng đến việc cung cấp dịch vụ truyền hình với tính năng giải trí, giáo dục trực tuyến trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã hợp tác với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông tại Trung Quốc, để kinh doanh thiết bị chuyển đổi ti vi LCD thành ti vi thông minh thông qua một bộ giải mã tín hiệu truyền hình IPTV. Ngoài việc xem phim, truyền hình, duyệt web, người tiêu dùng có thể chơi trò chơi trực tuyến, mua hàng qua mạng, đọc sách báo điện tử, học ngoại ngữ trực tuyến…”, bà Trang nói.

Bên cạnh đó, thiết bị chạy trên nền tảng Android này còn giúp các bậc cha mẹ có thể quản lý việc các con mình chọn lựa các bộ phim, trò chơi trực tuyến sao cho mang tính giáo dục, ngăn chặn các kênh giải trí có nội dung không lành mạnh.

Không chỉ Iwind, ngay cả Elcom cũng có tham vọng thâm nhập thị trường tiềm năng kể trên. Cụ thể, trong quý 1-2013, Elcom bắt đầu xây dựng kênh phân phối bằng việc hợp tác với các hãng bán lẻ hàng điện máy, các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet để đưa thiết bị với tên gọi eBop đến tay người tiêu dùng.

Tuy không tiết lộ về kinh phí đầu tư cho dự án mới này, nhưng ông Đạt cho biết, Elcom đã đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) khoảng 3 tỉ đồng.

Trong khi đó, bà Trang cho biết Iwind đã hợp tác với trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trong việc kiểm định chất lượng, sửa chữa thiết bị cũng như hợp tác với nhà mạng VNPT để tăng cường chất lượng đường truyền Internet phục vụ khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp này dự kiến sẽ liên kết với Cục Thuế TPHCM để cung cấp dịch vụ tư vấn thuế qua ti vi cho các hộ gia đình.

Cơ hội kinh doanh tuy nhiều nhưng theo các doanh nghiệp kể trên, một khó khăn mà họ cần giải quyết trước tiên nếu muốn thành công tại các phân khúc mới là chinh phục niềm tin của người tiêu dùng. Hiện tại, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dịch vụ truyền hình cáp hơn so với truyền hình IPTV vì chất lượng ổn định. Trong khi đó, dịch vụ truyền hình IPTV lại phụ thuộc vào đường truyền Internet của các hãng viễn thông và thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố kỹ thuật mặc dù công nghệ truyền thông thế hệ thứ ba 3G – cho phép truyền tải các dữ liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng cao – đã được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam.

ĐN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét