Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

20210831. MÌ HẢO HẢO CHỨA CHẤT GÂY UNG THƯ ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

CỤC ATTP ĐỀ NGHỊ VỤ KH&CN LÀM RÕ THÔNG TIN MÌ TÔM HẢO HẢO 

CÓ CHẤT ETHYLENE  OXIDE

THANH THỦY/ GDVN 28-8-2021

GDVN- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật an toàn thực phẩm, sản phẩm nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Ngày 27 tháng 8 năm 2021, chuyên trang Giáo dục thủ đô - Báo Giáo dục và Thời đại https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn đưa tin Cơ quan an toàn thực phẩm của Ireland có thông báo thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty cổ phần ACECOOK Việt Nam do phát hiện thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide không được phép sử dụng tại Châu Âu.

Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1639/ATTP-NĐTT ngày 27/8/2021 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật an toàn thực phẩm, sản phẩm nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Do đó, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1639/ATTP-NĐTT ngày 27/8/2021 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.

Thanh Thủy
ĐẾ CHẾ MÌ HẢO HẢO VÀ 'MẢNH GHÉP' TRĂM TRIỆU ĐÔ CỦA 
DOANH NHÂN HOÀNG CAO TRÍ
NHẬT HUỲNH/ NĐT 28-8-2021
Nhàđầutư Được xem như một “thương hiệu quốc dân” của Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết, mì Hảo Hảo lại thuộc sở hữu của người Nhật. Chỉ có duy nhất một cổ đông Việt Nam là ông Hoàng Cao Trí với giá trị cổ phần lên tới cả trăm triệu USD.

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), nhu cầu tiêu thụ mì gói của người dân toàn cầu tăng mạnh do tác động của dịch COVID-19. So với năm 2019, nhu cầu mì gói trong năm 2020 đã tăng 14,79%. Trong đó, người Việt tiêu thụ 7,03 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia. Với thực tế các lệnh giãn cách xã hội liên tục được áp dụng tại các thành phố lớn hiện nay, doanh số mì gói được dự báo sẽ còn tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Trong số các nhà sản xuất mì gói tại Việt Nam, Acecook Việt Nam xếp đầu bảng về thị phần với 36% trong 9 tháng đầu năm 2020, theo số liệu từ Retail Data, bỏ xa các đối thủ xếp sau là Masan (27,9%), Uniben (12,2%) và Asia Foods (8%).

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Acecook Việt Nam được thành lập từ năm 1993, tiền thân là Công ty liên doanh Vifon Acecook, là kết quả hợp tác theo tỷ lệ góp vốn 60:40 giữa nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, khi ấy trực thuộc Bộ Công nghiệp.

Tuy nhiên, giống như kết cục của nhiều liên doanh góp vốn khác giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mối lương duyên này cũng không bền lâu. Hai năm sau khi sản phẩm "Mì Hảo Hảo" ra mắt thị trường, Vifon đã thoái vốn. Năm 2004, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam - bước đi được xem là sự chấm dứt mối liên quan với Vifon tại liên doanh này. Đến năm 2008, Acecook Việt Nam chuyển thành mô hình công ty cổ phần.

Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của Acecook Việt Nam là 298,4 tỷ đồng. Trong đó, Acecook Co., Ltd sở hữu 56,64%, giữ vai trò là công ty mẹ. Marubeni Foods Investment Asia Cooperatie F U.A (quốc tịch Hà Lan), thành viên của Tập đoàn Marubeni nắm giữ 18,296%.

Ngoài các cổ đông Nhật Bản, đáng chú ý, cơ cấu sở hữu Acecook còn có sự xuất hiện của một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí (SN 1962) – người nắm giữ 7,5 triệu cổ phần, tương ứng với 25,064% cổ phần còn lại.

Screenshot (1089)

Thị trường mì gói những năm gần đây đã gia tăng đáng kể mức độ cạnh tranh với sự du nhập của những sản phẩm nước ngoài, đặc biệt từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Dù vậy, so với những đối thủ, Acecook vẫn là cái tên đáng gờm nhất với doanh thu, lợi nhuận tăng đều qua các năm giai đoạn 2016-2019, và đạt đỉnh năm 2019 với doanh thu 10.647 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.660 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 80% so với năm 2016, cho thấy biên lợi nhuận của Acecook cũng tăng rất nhanh những năm qua. 

Con số này nhiều khả năng tiếp tục tăng lên trong các năm 2020-2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, dù vốn điều lệ chỉ chưa đầy 300 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu thực tế của Acecook Việt Nam lại cao gấp cả chục lần. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu lên đến 7.096 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 8.420 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp này đã tích luỹ được nguồn lợi nhuận khổng lồ. 

Với quy mô này, 25% cổ phần của cá nhân ông Hoàng Cao Trí là một gia tài đáng kể, tương đương 1.774 tỷ đồng giá trị sổ sách tính đến cuối năm 2019, và thực tế còn cao hơn nhiều nếu tham chiếu với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán. 

hoang-cao-tri-6001829_652020

Ông Hoàng Cao Trí. Ảnh Internet

Cuộc chơi địa ốc của đại gia Hoàng Cao Trí

Ông Hoàng Cao Trí tốt nghiệp Đại học Bách khoa năm 1987, sau đó khởi đầu với công việc tại Vifon, nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật rồi được đề bạt làm quản đốc phân xưởng cơ điện. Năm 1993, khi Vifon Acecook được thành lập, ông Trí được cử tham gia liên doanh và trở thành Phó Tổng Giám đốc, rồi gắn bó với công ty suốt từ đó đến nay, kể cả sau khi Vifon rút đi.

Trong một bài phỏng vấn cuối năm 2012, ông Trí cho biết, điều ông tự hào nhất là đã xây dựng được thương hiệu Acecook thành một niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Nhưng sự nghiệp của doanh nhân sinh năm 1962 không chỉ dừng lại ở Acecook, mà còn phải kể đến tham vọng trong mảng bất động sản, với pháp nhân lõi CTCP Du lịch Biển Xanh (Blue Sea Corp).

Blue Sea Corp cho biết đang đầu tư phát triển các dự án bất động sản tại 4 khu vực trọng điểm: Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP. Hồ Chí Minh. Nổi bật trong số đó, có thể kể tới dự án Khu du lịch sinh thái Biển Xanh với tên thương mại Khu nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm tại ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Blue Sea Corp được thành lập từ năm 2002 và đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Tại ngày 12/9/2019, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 400 tỷ đồng, bao gồm: Ông Hoàng Cao Trí (78,2%), vợ ông Trí là bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (16,8%) và ông Hoàng Nguyễn Bảo Duy (SN 1992, sở hữu 5% vốn điều lệ).

Bên cạnh đó, ông Trí còn là cổ đông nắm giữ 70% vốn tại Công ty TNHH Vương Quốc An Sinh, số cổ phần còn lại tại công ty này do bà Nguyễn Thị Tịnh sở hữu. Bà Tịnh chính là chủ Doanh nghiệp tư nhân cơ sở khai thác chế biến hải sản Thanh Quốc - chủ sở hữu thương hiệu nước mắm cùng tên tại Phú Quốc.

Ngày 31/5/2018, tức chỉ sau 1 tháng thành lập, Vương Quốc An Sinh đã rót 48,5 tỷ đồng vào Công ty TNHH Phú Trần (Phú Trần), qua đó nắm giữ 9,7% vốn tại đây. Phú Trần, nên biết chính là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự nhà vườn cao cấp Đồi Hoa Sim (Violet Valley) quy mô 73,87ha nằm tại Bãi Trường, Phú Quốc.

Ngoài ra, hệ sinh thái của ông Hoàng Cao Trí còn một số công ty thành viên như Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thiên Nga Trắng (hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, điểm dừng chân tham quan, mua sắm, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm an sinh); Công ty TNHH Khách sạn hòn đảo Hoàng Gia (hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú ngắn ngày); Công ty TNHH Du lịch Quang Hải (hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, lưu trú ngắn hạn), Công ty TNHH Bất động sản Hoàn Mỹ (hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng), Công ty TNHH Xây dựng Thép Vàng...

Về phần mình, vợ ông Trí, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy cũng đứng tên tại CTCP Resort Cát Vàng, Công ty TNHH MTV Thế giới Mì, Doanh nghiệp tư nhân Quốc Anh, tuy nhiên, các pháp nhân này đều đã ngừng hoạt động.

CÁC ĐẠI GIA MÌ GÓI KIẾM BỘN TIỀN TỪ THÓI QUEN TIÊU DÙNG CỦA NGƯỜI VIỆT

HỮU BẬT/ NĐT 28-8-2021


Ảnh: NLĐ

Người Việt tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới. Và thị trường tỷ đô này đã và đang chứng kiến sự cạnh tranh đến từ các nhà sản xuất nội địa và nước ngoài.

Theo thống kê từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó, nhưng năm 2020 đã tăng đến 14,79%.

Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu tăng mạnh được lý giải do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến các lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới của các nước trên thế giới. Người tiêu dùng theo đó có xu hướng dự trữ các thực phẩm khô trong thời gian dài.

Cũng theo WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019. Còn khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%.

Thống kê của Retail Data (số liệu tính đến 9 tháng đầu năm 2020) chỉ ra, Acecook Việt Nam đang giữ 35,4% thị phần về doanh thu. Tuy vậy, đây lại là các con số thấp nhất của Acecook tính trong giai đoạn 2017 – 9 tháng đầu năm 2020. Xếp sau Acecook là Masan (27,9%), Uniben (12,2%), Asia Foods (8%).  


*Lấy theo số liệu năm 2020.

Đứng đầu về thị phần, không ngạc nhiên khi CTCP Acecook Việt Nam đứng quán quân cả về mặt doanh thu/lợi nhuận. Trong năm 2019, doanh thu công ty đạt 10.647 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.660 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 80% so với năm 2016, cho thấy biên lợi nhuận của Acecook cũng tăng rất nhanh những năm qua, và vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.  

Xếp sau Acecook Việt Nam là ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Cosumer (chủ yếu là mì ăn liền). Tính theo số liệu năm 2020, doanh thu thuần mảng này đạt 6.882 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. MCH cho biết, sản phẩm Omachi tăng 32% so với năm 2019, thống trị phân khúc cao cấp với 45% thị phần, trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mì tô bán chạy nhất cả nước.

Vị trí tiếp theo là CTCP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) với doanh thu (công ty mẹ)  3.070,6 tỷ đồng, lãi thuần 408,7 tỷ đồng; CTCP Uniben doanh thu đạt 2.856 tỷ đồng, lãi thuần 39,2 tỷ đồng.

Dù doanh thu của CTCP Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Nam (Vifon) chỉ là 2.104,6 tỷ đồng, nhưng lãi thuần Vifon vượt Uniben khi đạt 75 tỷ đồng trong năm 2019.

Quay trở lại với lĩnh vực mì ăn liền, việc dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2021 được đánh giá sẽ khiến sức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền tiếp tục ở mức cao.

Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors nhận định, doanh thu của mặt hàng mì ăn liền toàn cầu sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh doanh mì ăn liền trên cả thị trường nội địa và thị trường thế giới khá cao.

LIÊN QUAN VỤ MÌ HẢO HẢO BỊ PHÁT HIỆN CHẤT GÂY UNG THƯ

LÊ NGỌC SƠN/ TD 28-8-2021


Ảnh chụp màn hình

Hệ thống cảnh báo khẩn cấp về an toàn thực phẩm châu Âu (RASFF) vừa ra cảnh báo về việc mì Hảo Hảo chứa các hoá chất độc hại (hazardous chemicals). Amazon Đức và Amazon Anh đều email tới người dùng về việc trả lại tiền và đề nghị khách hàng huỷ bỏ không dùng Hảo Hảo vì có các hóa chất độc hại (Xem ảnh).

Định chẳng nói gì về vụ này, nhưng thấy vài KOLs bênh đại ý người dân cứ ăn đi, vì có thể đây là một âm mưu đánh hạ nhau của đối thủ Hảo Hảo. Ai yêu thuyết âm mưu, đọc được kiểu lý luận này chắc sướng tai lắm. Nhưng có lẽ tôi nên nói vài dòng, mà đại ý sẽ là: KHÔNG NÊN ĂN.

1) Phản đối thuyết âm mưu: châu Âu không giống Việt Nam. Không phải muốn “chơi” nhau mà chơi được. Vì đó là cạnh tranh không lành mạnh. Mà tội đó ở EU thì phạt đến mức sạt nghiệp! Nên không dại gì người ta “chơi”. Thêm nữa, trên “bản đồ mỳ gói châu Âu”, Hảo Hảo chả là cái đinh gì cả, chỉ bán được chủ yếu cho người Việt xa quê thôi.

Thêm nữa, EU không rỗi hơi đi cảnh báo lung tung, vì cảnh báo sai doanh nghiệp cũng có quyền kiện lại. Nên chắc chắn, đây càng không phải là thuyết âm mưu này nọ.

2) Khi một cơ quan chuyên môn uy tín của EU đã cảnh báo, có nghĩa là vấn đề ở mức nghiêm trọng. Ý thức việc bảo vệ các nhà sản xuất là tốt, nhưng bảo vệ sức khoẻ cộng đồng mới là quan trọng nhất. Khi có cảnh báo này, việc của những người có hiểu biết là nên ngừng ăn Hảo Hảo. Đến khi nào, có kết luận thêm của cơ quan chức năng theo hướng “ăn cũng không sao” với bằng chứng khoa học, thì lúc đó tiếp tục ăn loại mỳ này cũng không muộn.

3) Tôi không đồng tình với lý luận kiểu “chuẩn châu Âu khác chuẩn ta”, với châu Âu là vi phạm, nhưng với ta ăn được. Tôi nghĩ rằng, ta không thể dùng “tư duy đà điểu” để tự trấn an mình (đà điểu luôn trốn đầu vào cát khi gặp hiểm nguy). Người Âu hay người Á, người Tây hay người Ta, thì đều là người. Chả nhẽ sức khoẻ chúng nó quan trọng hơn sức khoẻ của ta? Người chúng nó to cao, khoẻ như voi, mà còn đề phòng chất gây ung thư, thì cớ sao bọn người bé, sức yếu như chúng ta lại gật đầu kêu “ăn được”?

4) Ăn hay không là quyết định của mỗi cá nhân. KOLs không thể cổ vũ dân ăn đi, kệ mẹ bọn châu Âu cảnh báo. Như thế là tác hại khôn lường với sức khoẻ đại chúng!

Giờ ở VN, xung quanh mỗi cá nhân không ít thì nhiều đều gặp người bị ung thư hoặc có người quen bị ung thư. Nên cẩn trọng từ cái ăn là việc luôn luôn phải phòng. Đừng dễ dãi với các loại thực phẩm, chỉ với lý do “bảo vệ nhà sản xuất”.

Luật chơi công bằng nên là: Chúng tôi ủng hộ ông với điều kiện ông cung cấp những mặt hàng đảm bảo sức khỏe, không gây hại cho cộng đồng!

Lê Ngọc Sơn

MÌ HẢO HẢO CHỨA CHẤT CÓ THỂ GÂY UNG THƯ ?

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 28-8-2021

Cuối năm 2019, Hàn Quốc “tuýt còi” phở ăn liền Acecook vì chứa chất Benzo(a)pyrene (một chất gây ung thư). Acecook sau đó có sự điều chỉnh và thông báo sản phẩm xuất đi Hàn Quốc không có bán tại Việt Nam.

Đêm qua, nhiều tờ báo lớn đưa tin ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn thực phẩm Irenland (FSAI) thông báo quyết định thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền của Acecook vì chứa chất Ethylene Oxide (một chất có khả năng gây ung thư nếu dùng lâu dài). Chính xác là Acecook có hai sản phẩm bị thu hồi: mì Hảo Hảo tôm chua cay và miếng Good. Đồng hành còn có thêm một sản phẩm mì của Trung Quốc.

Điều làm tôi bất ngờ là tại sao ngay khi Acecook với hai sản phẩm bị thu hồi vì có chứa chất cấm vào ngày 20/8/2021, thì tới ngày 27/8/2021 thông tin này mới được đăng tải rầm rộ trên các báo VN? Nếu thông tin này được đăng tải vào ngày 20-21-22 tháng 8/2021. Tức là trước ngày Tp.HCM thực hiện giãn cách xã hội diện rộng, và cũng là thời điểm dân tích trữ lương thực rầm rộ thì khả năng tiêu thụ của mặt hàng này sẽ giảm.

Tại sao chờ dân Tp.HCM- nơi tiêu thụ phần lớn các mặt hàng tiêu dùng lẫn lương thực, tích trữ xong hết rồi mới công bố chuyện sản phẩm có chất cấm? Làm như vậy, có khác gì đưa dân vào thế đã rồi? Trách nhiệm báo chí ở đâu trong tình huống này.

Đã vậy, sáng nay, Thanh Niên còn cho hay: Sản phẩm có chứa chất cấm không bán tại VN. Tiêu chuẩn của Ireland và VN bên nào cao hơn? Ở Ireland mà còn chứa chất cấm thì ở VN ra sao? Hay tỉ lệ đó ở Ireland là cấm còn ở VN là trong ngưỡng an toàn? Một Thanh Niên từng “đánh” nước mắm truyền thống thì có tư cách gì hiệu đính cho một sản phẩm đang bị nghi ngờ.

Không cùng lô sản xuất cho thị trường VN nhưng cùng một nhà máy sản xuất, cùng một công nghệ, cùng nhà cung ứng… khác cái gì nhau?

Ai nói Acecook và sản phẩm mì chua cay Hảo Hảo bị đánh này đánh nọ tôi kệ. Vì với riêng tôi, việc cung cấp thông tin trễ trong trường hợp này đã là một cuộc giải cứu cực kỳ thành công cho Acecook rồi.

Và tại sao lại được công bố trễ thì đi hỏi mấy người công bố trễ chứ sao tôi biết được?

Nguyễn Thùy Dương

SAU KHI BỊ IRELAND THU HỒI, SỐ PHẬN MÌ HẢO HẢO VÀ MIẾN GOOD SẼ THẾ NÀO ?

THANH PHONG /DV 30-8-2021

Việc thu hồi mỳ Hảo Hảo và miến Good có xuất xứ Việt Nam không phải là quyết định hành pháp mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2. Do đó, không phải tất cả các sản phẩm này bị cấm bán hay buộc phải tiêu hủy tại Ireland.

Vừa qua, ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô mì ăn liền do có chứa chất ethylene oxide. Trong các sản phẩm bị thu hồi có mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam. Theo thông tin từ FSAI, ethylene oxide không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường EU.

Trước thông tin trên, trong đêm 27/8, Bộ Công Thương ra thông báo về việc cơ quan này đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về vụ việc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đang phân phối trong nước.

Sản phẩm mỳ gói của Acecook tiêu thụ trong nước đang được rà soát kiểm tra. (Ảnh: Acecook)

Thông tin cụ thể về hình thức kiểm tra, rà soát đối với sản phẩm mỳ gói của Acecook, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công Nghệ cho biết, cơ quan này đang khẩn trương xác minh các nhóm hóa chất được FSAI nêu ra có xuất hiện trong sản phẩm tiêu thụ trong nước hay không?

"Thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã có trao đổi với công ty Acecook nhằm làm rõ về quy trình sản xuất và báo cáo về thông tin phía nước ngoài thu hồi sản phẩm.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đang yêu cầu làm rõ thông tin các nhóm hóa chất này có xuất hiện trong các sản phẩm ở thị trường Việt Nam hay không? Vấn đề thứ hai là chúng tôi đang trao đổi với Ban An toàn thực phẩm TP. HCM yêu cầu phối hợp làm rõ thông tin này", ông Tấn cho biết.

Bên cạnh đó, ông Tấn cũng thông tin thêm, hiện tại các ngành chức năng đang phối hợp làm rõ thông tin, sau đó, quyết định kiểm tra, rà soát mới được thực hiện.

"Hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức về hình thức kiểm tra, chúng tôi đang yêu cầu các bên liên quan báo cáo về thông tin nói trên. Sau đó, trong trường hợp nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đề nghị Ban An toàn thực phẩm TP. HCM theo quy định tại địa phương sẽ lấy mẫu và kiểm nghiệm tại các cơ sở có chức năng. Khi có thông tin chính thức từ doanh nghiệp và Ban An toàn thực phẩm TP. HCM chúng tôi sẽ có thông tin chính thức tới báo chí", ông Tấn chia sẻ.

Trong thông báo thu hồi liên quan đến chất này của FSAI có sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo (trọng lượng 77 g, hạn sử dụng đến ngày 24/9/2022) và phở Good (trọng lượng 56 g, hạn sử dụng đến ngày 10/11/2022) do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất. Ngoài ra còn có mì hải sản Yato (trọng lượng 120 g, hạn sử dụng đến ngày 30/11/2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước đó vào cuối năm 2020, Hàn Quốc cũng thu hồi một số phở đóng gói của Công ty CP Acecook Việt Nam vì được cho là có chứa hàm lượng benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu có trong sản phẩm. Acecook Việt Nam đã phản hồi đó là những sản phẩm phở ăn liền Peacock được gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc. Đây là sản phẩm xuất khẩu không lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét