Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

20210815. KHÔNG DUY Ý CHÍ TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CẦN NGHĨ LẠI QUY TRÌNH THỰC THI GIÃN CÁCH Ở HÀ NỘI

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 9-8-2021


Cán bộ Công an TPHCM kiểm tra mã QR Code của người dân. Ảnh: Lê Vũ

Việc thực thi giãn cách ở Hà Nội hiện thời đưa đến nhiều điều phải “nghĩ thật”.

1. QUAY LẠI THỜI BAO CẤP LẠC HẬU

Vào thời đại nền công nghiệp 4.0 ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 mà phải lập các chốt, dừng người đi đường để kiểm tra chứng minh thư nhân dân, giấy đi đường theo mẫu ban hành, lịch trực, lịch làm viêc, văn bản phân công tác, xác nhận của phường – là cách quản lý lạc hâụ thời bao cấp. Không có lý do nào có thể biện hộ.

2. NHỮNG HỆ LUỴ

Phương thức kiểm soát giãn cách nêu trên đưa đến nhiều hệ luỵ tiêu cực. Trong số đó có:

– Gây ách ùn tắc lưu thông trên đường

– Tăng khả năng lây nhiễm Covid -19.

– Phí phạm thời gian của người đi đường

– Tốn công sức của người thi hành

– Giảm hiệu quả lao động của toàn xã hội

– Gây phiền hà cho dân

– Làm ức chế tinh thần.

3. CÔNG NGHỆ Ở ĐÂU?

Rất cần lưu ý là hiện nay, Mỹ và cả Trung Cộng có thể theo dõi mỗi bước đi của bạn. Đối với tội phạm khủng bố và gián điệp, các nước đều sử dụng công nghệ để theo dõi, chứ không lập chốt kiểm soát, dừng mọi người dân đi đường để tra xét giấy tờ.

Hãy sử dụng công nghệ trong giãn cách tại Hà Nội. Đây là lúc mà Bộ TT&TT và Sở TT&TT Hà Nội được thoả sức thể hiện công nghệ quản lý kỹ thuật số. Đây là vấn đề thực tiễn cụ thể – là nội dung tốt cho các diễn văn hay.

4. ĐỀ XUẤT NHỮNG NGUYÊN TẮC CỐT LÕI ĐỂ KIỂM SOÁT GIÃN CÁCH

4.1. Sử dụng công nghệ điện tử

Mọi đăng ký, xin phép và cấp phép đều thực hiện qua hình thức điện tử – thuận lợi, đơn giản và tối thiểu. Mọi sự kiểm soát đều thực hiện qua công nghệ điện tử. Đây là yêu cầu tiên quyết. Công nghệ cho phép làm điều này. Đây là lúc ứng dụng nền công nghiệp 4.0.

4.2. Tối thiểu hoá thủ tục. Ít phiền hà nhất cho người dân

Tương tự như một sản phẩm phải tiện lợi nhất cho người sử dụng, thì thuật toán giãn cách phải được nghĩ ra sao cho ít phiền hà nhất đối với người dân, và phải sử dụng ít thao tác nhất trong thủ tục thực thi giãn cách. Xuất phát từ những mục đích vì dân như vậy mới nghĩ ra được quy trình giãn cách khoa học, tiện lợi, hiệu quả.

4.3. Không dừng kiểm tra trên đường. Không được ngường lưu thông

Đây là nguyên tắc cốt lõi. Nguyên tắc này đảm bảo cho mạch sống không bị đứt quãng. Khi lưu thông trên đường tuân thủ giãn cách thì không gây lây nhiễm. Dừng lại kiểm tra mới gây nguy cơ lây nhiễm. Cho nên trong khi người dân lưu thông trên đường thì không dừng để kiểm tra. Điều này Chính phủ đã chỉ đạo cho lưu thông liên tỉnh. Lãnh đạo Hà Nội không thể không biết đến.

4.4. Kiểm soát đầu cuối

Không ngừng lưu thông trên đường mà chỉ theo dõi kiểm soát khi người lưu thông đến điểm cuối. Nhưng là theo dõi và kiểm soát qua phương tiện điện tử.

4.5. Tự do giao nhận hàng. Không tiếp xúc khi giao nhận hàng

Người giao hàng (shipper) và người nhận hàng không tiếp xúc. Giao và nhận hàng qua địa điểm trung gian. Trong siêu thị, trong chợ, trong cửa hàng… điều thực thi cách giao nhận qua địa điểm trung gian để thực thi giãn cách. Cách giao nhận này phổ dụng trong thực tiễn ở nhiều nơi, nhiều nước.

Thực hiện phương thức giao nhận hàng qua địa điểm trung gian, các shipper không bị chặn lại kiểm soát ở trên đường đi, mạch lưu thông không bị đứt quãng.

4.6. Giãn cách trong cơ quan

Thực thi giãn cách trong các cơ quan, xí nghiệp. Quy trách nhiệm cho lãnh đạo cơ sở. Kiểm soát qua camera và theo dõi nhờ công nghệ.

Thực thi các điểm nêu trên, người dân không bị dừng lại kiểm tra ở các chốt kiểm soát, lưu thông, sản xuất, thương mại – không bị ngừng trệ. Mạch sống không bị phá vỡ.

5. SAO KHÔNG THAM KHẢO CÁC NƯỚC?

Các nước cũng thực thi giãn cách trong tình trạng còn nặng nề hơn Việt Nam. Tại sao không tham khảo các chính sách vài quy trình của các nước?

6. CẦN NGHĨ LẠI QUY TRÌNH THỰC THI GIÃN CÁCH

Chúng ta quen quản lý theo cách quân phiệt. Nên cứ theo thời bao cấp mà ngăn sông cấm chợ, tra xét giấy tờ. Người dân cũng quen chịu đựng sự quản lý quân phiệt mà lầm lũi chấp nhận.

Đặt chốt dừng người đi đường để kiểm tra giấy tờ khắp nơi, thậm chí rào đường vào ngõ phố là quy trình giãn cách không khoa học – gây ra hệ luỵ tiêu cực cho đời sống của người dân, bất lợi cho doanh nghiệp, làm giảm sự phát triển của kinh tế quốc gia.

Quy trình giãn cách phải được đề xuất bởi chính lãnh đạo cao nhất TP Hà Nội, chứ không đẩy xuống cho cấp dưới suy nghĩ hay chuyển sang cho bên công an. Đây là lúc cần tự mình nghĩ thật.

Phải kiềm chế lây lan dịch bệnh. Nhưng phải nghĩ lại phương thức giãn cách. Chưa chết vì Covid thì đã thân bại vì cách ly. CÓ DOANH NGHIỆP VÌ GIÃN CÁCH KHÔNG ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG, CHẬM TRẢ NỢ MỚI 20 NGÀY, ĐÃ BỊ NGÂN HÀNG QUY VÀO NỢ XẤU NHÓM 1, RỒI ÁP ĐẶT TĂNG LÃI SUẤT TẤT CẢ CÁC KHOẢN VAY LÊN 1%. Có đau xót không?

Đặt mình vào thế bị trình diện các giấy tờ, phải lên phường xin xác nhận, bị tăng lãi suất vay, đối mặt với phá sản – thì sẽ có một phương thức giãn cách khác. Đó là bản chất khác biệt của 2 góc nhìn về quy trình giãn cách.


HÀ NỘI CẦN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 BẰNG KHOA HỌC VÀ CÔNG

 NGHỆ, KHÔNG BẰNG DUY Ý CHÍ

TRẦN VŨ HẢI/ TD 10-8-2021

Ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch Hà Nội hiện nay, trước đó là Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ. Nhưng khi lãnh đạo cuộc chiến chống đại dịch Covid tại Hà Nội, có vẻ ông không dựa vào khoa học và công nghệ. Tôi xin dẫn chứng:

1/ Khi tổ chức tiêm phòng vaccine, Hà Nội loại người cao tuổi và có bệnh nền ra khỏi danh sách những người tiêm phòng, trái với những khuyến cáo của WHO. Sau khi có ý kiến của nhiều chuyên gia, Hà Nội tuy xếp những người này vào diện ưu tiên (thứ 8, nhưng thực tế vẫn không tập trung tiêm cho họ, nên còn rất nhiều người trong số họ chưa được tiêm, dù khoảng 30% người trưởng thành ở Hà Nội đã được tiêm ít nhất một liều.

2/ Hôm qua, Hà Nội buộc những người (được đi làm theo Chi thị 16) phải có giấy đi đường do cấp Phường cấp, khiến trụ sở UBND Phường và những địa điểm kiểm soát đi lại thành nơi tập trung đông người, trái với nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế và Chính phủ yêu cầu. Chưa kể Hà nội yêu cầu nhiều loại giấy tờ mà người đi đường phải mang, đương nhiên khiến kiểm tra càng kéo dài, càng ách tắc.

3/ Hà nội sắp tới định xét nghiệm trên diện rộng, lấy mẫu 300.000 người ở vùng dân cư và nhóm có nguy cơ cao, nhằm “quét sạch F0” từ 10/8 đến 17/8. Đây là một ý định tốt, nhưng duy ý chí vì với chủng loại Delta, và tính chất một đại đô thị, chiến dịch xét nghiệm này có nguy cơ diễn biến như TP.HCM, không thu được kết quả khả quan, mà còn tác nhân tăng lây nhiễm do có dịp tập trung đông người. Một số đô thị ở Trung Quốc có thể áp dụng mô hình này, nhưng là xét nghiệm toàn thành phố, chỉ trong 2 đến 3 ngày, và họ có đủ năng lực thực hiện đến hàng triệu xét nghiệm trong ngày, điều Việt nam chưa thể làm được.

Tôi đề nghị Lãnh đạo Hà Nội cần lắng nghe các chuyên gia và học kinh nghiệm các nước khác, áp dụng triệt để khoa học và công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, ví dụ như sau:

1/ Tập trung và ưu tiên tiêm phòng đủ liều cho ít nhất 95% những người cao tuổi và có bệnh nền ở 11 quận nội thành và một số huyện có nguy cơ cao (Thanh Trì, Đông Anh), trong 1 đến 2 tháng tới. Nếu Hà Nội bùng phát dịch (như TP.HCM), những người được tiêm này sẽ tránh bị nặng và tử vong, giảm áp lực cho hệ thống y tế (Có số liệu hơn 60% người tử vong ở TP.HCM là trên 60 tuổi). Đây là kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới, ai cũng biết.

2/ Đối với người cần phải đi làm, áp dụng công nghệ để kiểm soát. Hà nội có thể để các cơ quan, đơn vị đăng ký người đi làm trên một cổng thông tin điện tử (tên, số căn cước công dân, lịch trình, thời gian), nếu việc đăng ký quá nhiều , có thể yêu cầu những cơ quan đơn vị tự điều chỉnh lại cho hợp lý (dựa trên những nguyên tắc đã được định trước, tuỳ theo cơ quan, ngành nghề), và cấp cho mỗi người mã QR, để lực lượng kiểm tra có thể kiểm soát dễ dàng. Hà Nội có thể đề nghị các công ty viễn thông, phần mềm hợp tác, việc triển khai sẽ diễn ra nhanh và không cần tiếp xúc đông người. Lực lượng kiểm tra cũng chỉ kiểm tra theo xác suất, không cần chặn ồ ạt ở các điểm.

3/ Hà Nội cần chủ trương theo đúng danh tiếng “Hà Nội không vội được đâu”, tức chấp nhận do là thủ đô, nếu ở Việt nam còn có dịch, ở Hà Nội phải chấp nhận có dịch (vì thủ đô không thể đóng cửa với các địa phương). Hà Nội nên học tập kinh nghiệm Singapore, hiện nước này có dân số ít hơn Hà Nội, nhưng mỗi ngày gần đây số ca nhiễm tương đương Hà nội ( hôm qua 9/8/2021 theo CDC Hà nội, có 70 ca nhiễm covid-19 mới, còn Singapore có 72 ca). Mặc dù là một trong những nước kiểm soát dịch tốt nhất thế giới (có tới 65 nghìn ca nhiễm, nhưng chỉ có 42 ca tử vong), nhưng Singapore thực hiện giãn cách thận trọng, dù vẫn duy trì nền kinh tế hoạt động tốt.

Là quốc đảo, cách biệt với các nước khác và một đại đô thị duy nhất, Singapore không theo hướng “zero ca nhiễm Covid-19”. Hiện nước này mở cửa từ từ, từng bước, phụ thuộc vào độ phủ sóng vaccine, họ dự kiến nếu đến 80% người trưởng thành tiêm đủ hai liều (và hầu hết người cao tuổi và người bệnh nền), vào đầu tháng 9 Singapore sẽ bước vào gia đoạn “bình thường” mới, không cần đếm ca nhiễm mới, chỉ quan tâm đến ca nặng và hạn chế tối đa ca tử vong (như họ đã thành công cho đến nay). Học kinh nghiệm của các nhà quản trị Singapore, nổi tiếng là quy củ, hiệu quả, Hà nội cần mở cửa từng bước, phụ thuộc vào độ phủ sóng của vaccine.

Trước mắt sau 15 ngày gia hạn giãn cách theo chỉ thị 16, Hà nội từng bước cho các cửa hàng, dịch vụ mở lại có điều kiện, các cơ sở này phải đăng ký trên cổng điện tử, cam kết thực hiện theo 5k (như nêu ở trên), trước mắt hàng ăn uống chỉ được bán hàng mang đi. Người dân được phép tập thể dục ngoài trời, nhưng không được tụ tập từ 2 người trở lên, giữ khoảng cách, nếu thực hiện không đúng bị xử phạt mức cao nhất. Nếu như trên 50% người trưởng thành (và hầu hết người cao tuổi và người có bệnh nền) tiêm đủ hai liều, Hà Nội có thể mở cửa hoàn toàn các dịch vụ, kinh doanh, nhưng tuyệt đối tuân thủ 5k. Các cơ sở muốn mở cửa hoàn toàn buộc phải sử dụng camera (hiện giá rất rẻ) để chính quyền kiểm soát việc thực hiện. Thay vì xét nghiệm trên diện rộng, Hà Nội tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ xét nghiệm giá rẻ hơn (có thể bù giá).

Trận đội tuyển Việt Nam tiếp Australia trên sân Mỹ Đình 7/9/2021 tới cần được tổ chức như một mẫu hình Việt Nam (cụ thể là Hà Nội) sẵn sàng “bình thường mới”, như nhiều nước khác, dù trong đại dịch, áp dụng các phương pháp và công nghệ như các nước khác trong tổ chức thi đấu thể thao, dịch vụ giải trí và hợp tác với nước ngoài.

Hy vọng lãnh đạo Hà Nội lắng nghe ý kiến của nhân dân, ít nhất chúng ta ghi nhận họ đã kịp thời điều chỉnh về quy định “giấy đi đường” ngay trong hôm nay.

Chúc mọi người ở Hà Nội sẽ có cuộc sống “bình thường mới”, chắc từ giữa tháng 9/2021.

Trần Vũ Hải

CHÍNH TRỊ VÀ KHOA HỌC

HUY ĐỨC/ TD 11-8-2021

Con số bệnh nhân Covid tử vong ghi nhận hôm qua là 388, riêng Sài Gòn, 308 người. Xin nhắc lại chuyện tháng 3 năm ngoái, Phó Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường bị kỷ luật vì ký công văn yêu cầu các cơ sở hỏa táng chuẩn bị cho tình huống xấu này, để thấy, chống dịch mà lấy chính trị trấn áp khoa học thì có ngày trở tay không kịp.

Nếu kịch bản “mỗi ngày có hàng trăm tử vong” được thảo luận công khai từ cách đây một năm, không những chúng ta đã ứng phó tốt hơn, không chỉ để cứu người mà còn chuẩn bị để đối xử tử tế hơn những người xấu số [Túi đựng tử thi, cỗ quan tài và các trung tâm hỏa táng].

Tôi không rõ vai trò của các chuyên gia y tế trong các quyết định của chính quyền ở mức nào. Nhưng, việc có nhiều biện pháp chống dịch của các địa phương đặt dân vào thế phải vi phạm “5K” cho thấy các nguyên tắc chuyên môn chưa được cân nhắc đủ trước khi ban hành quyết định. Trong các cuộc họp báo về dịch bệnh thường ta chỉ nghe tiếng nói của các chính trị gia thay vì cần nghe cả tiếng nói của các chuyên gia y tế.

Ngay như câu chuyện vaccine Sinopham, mặc cho MXH cãi nhau như mổ bò, không hề có ý kiến chính thức của các nhà chuyên môn, Bộ Y tế cũng không nói một lời, còn lãnh đạo Sài Gòn thì (có vẻ như) không dám đưa ra quyết định. Nếu chất lượng Sinopham không đảm bảo cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng thì kiên quyết không mua. Nếu chỉ vì sợ hãi tâm thế bài Trung của dân chúng mà không dám quyết đoán, thì làm sao chống dịch.

VTV tối qua cũng đưa tin về Covid như là không có ai tử vong. Khi sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM chuẩn bị phương án hỏa thiêu nạn nhân Covid, 3 cán bộ đã bị kỷ luật vì bị cho là “gây hoang mang”. Nếu dân chúng biết nguy cơ dịch bệnh có thể đe dọa cả Việt Nam chứ không phải “chuyện bên Tây” thì, từ 3-2020, “dư luận” sẽ “hoang mang” hay chuẩn bị tốt hơn phòng dịch.

Ban Tuyên giáo mà không học lại bài học này, tiếp tục làm chính trị theo kiểu tảng lờ sự thật và khoa học thì không những rất phi chính trị mà còn phải trả giá bằng biết bao tính mạng con người.

PS: Tháng 3-2020, sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM yêu cầu các trung tâm hỏa táng báo cáo: “Công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng trong trường hợp vận hành liên tục; Quy trình tiếp nhận và giải quyết cách ly tối đa để không ảnh hưởng đến con người và khu vực xung quanh; Lên phương án cách ly và giải pháp duy trì vận hành hoạt động 24/24 tại cơ sở hỏa táng trong trường hợp có cán bộ làm việc tại cơ sở hỏa táng bị nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19.”


VỤ 'GIẤY ĐI ĐƯỜNG' BỘC LỘ CHẤT LƯỢNG BỘ MÁY QUẢN LÝ
HÀNH CHÍNH

NGÔ NGỌC TRAI/ TD 10-8-2021

Để ràng buộc người dân ở yên trong nhà tránh tập trung đông người, thành phố Hà Nội quy định người đi ra đường phải có giấy đi đường được cấp bởi cơ quan đơn vị, mới đây lại thêm yêu cầu giấy đi đường phải có xác nhận của UBND xã phường.

Điều này thành ra lại làm tăng thêm công việc buộc phải đi lại của dân chúng và biến trụ sở UBND xã phường thành nơi tập trung đông người tăng nguy cơ lây nhiễm.

Sau phản ứng rộng khắp của dư luận thì chỉ sau một ngày thực hiện chính sách về Giấy đi đường đã phải sửa lại.

Điều này cho thấy chính sách ban hành thiếu khả năng dự liệu, không phù hợp với thực tiễn, cho thấy người soạn thảo ban hành quan liêu không thấu hiểu đời sống.

Sự việc này một lần nữa cho thấy vấn đề về năng lực quản lý hành chính.

Mới đây trong một bài báo có tiêu đề “Để phát triển bứt phá Việt Nam cần khắc phục điểm nghẽn quản lý hành chính” xuất phát từ những vấn đề của dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông tôi đã chỉ ra điểm nghẽn của quản lý hành chính.

Trong đó đặt ra câu hỏi rằng các đơn vị đã thẩm định tính toán triển khai dự án như thế nào mà để xảy ra sự việc dự án đường sắt chậm trễ như hiện nay.

Từ đó tôi chỉ ra lỗi của khối hành chính công vụ của các ban ngành quản lý đã dẫn đến chất lượng yếu kém của một dự án, từ đó cho rằng cần đặt ra yêu cầu về cải cách trong việc tuyển dụng bổ nhiệm bộ máy hành chính.

Nay vụ Giấy đi đường cũng thêm là một minh chứng cho thấy sự cần thiết phải cải cách trong tuyển dụng bổ nhiệm bộ máy hành chính công vụ.

Lâu nay việc tuyển dụng bổ nhiệm chỉ dựa vào năng lực chuyên môn hay còn vì các yếu tố chính trị khác, khi đó sẽ làm giảm mặt bằng năng lực chất lượng của các đơn vị.

Mới đây tôi đọc được cuốn sách của tác giả Francis Fukuyama nói về quá trình cải cách nền hành chính công vụ của các nước Mỹ, Anh trước kia.

Thông tin cho biết thời trước ở các nước họ cũng tồn tại nền hành chính thân hữu bảo trợ với việc cất nhắc bổ nhiệm dựa vào thân quen và ủng hộ chính trị.

Bộ máy hành chính công sau đó được cho là đã không đáp ứng được những đòi hỏi của tầng lớp trung lưu đô thị ngày một đông đảo, gồm những lãnh đạo chính trị, những nhà báo, những thương nhân đô thị, cộng đồng kinh doanh .v.v.

Tất cả đều đòi hỏi một nền hành chính công vụ chất lượng hiệu quả trong các vấn đề như quản lý ngân sách, dịch vụ công ích, phòng chống tội phạm, xử lý sự cố.

Những điều chỉ có thể đạt được dựa trên việc tuyển dụng theo năng lực thực tài và tách bạch nền hành chính công vụ với hệ thống chính trị đảng phái.

Tác giả Fukuyama cho biết, các chính sách cải cách ban đầu cũng gặp phải nhiều lực cản do truyền thống thói quen cố hữu khó bỏ.

Nhưng bằng những nỗ lực thúc đẩy của các chính trị gia có tầm nhìn cùng nhu cầu thiết thân của những nhóm xã hội tiến bộ mới đã giúp công việc tiến triển tới thành công.

Mô hình về tuyển dụng qua thi tuyển và cạnh tranh công bằng dựa trên năng lực đã trở thành mô hình chuẩn cho các nước trên thế giới về sau.

Ở Việt Nam lâu nay việc tuyển dụng công chức cũng thông qua thi tuyển theo thông lệ chung của thế giới.

Nhưng bộ máy nhân sự tạo lập không hoàn toàn chỉ dựa vào thi tuyển công bằng, và những vị trí nhân sự quản lý được bổ nhiệm không hoàn toàn chỉ dựa vào năng lực cạnh tranh.

Sau một quá trình phát triển biến đổi đời sống xã hội, hiện nay đã có những nhu cầu đòi hỏi khác về nền hành chính công vụ, mà vụ Giấy đi đường là ví dụ hệ quả.

Tác giả Francis Fukuyama trong cuốn sách về trật tự và suy tàn chính trị đã cho biết, thể chế quản lý hành chính là những mẫu hình hành vi kéo dài được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Nhưng các xã hội, nhất là những nơi đang có đà tăng trưởng kinh tế lại không đứng yên một chỗ.

Nhiều tầng lớp xã hội mới được tạo ra, các công dân được giáo dục và những công nghệ mới được áp dụng đã gây ra những xáo trộn.

Nếu thể chế quản lý hành chính không điều tiết bản thân để đổi mới thích ứng cho phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng suy tàn.

Điều đó rất không có lợi cho phát triển mà một đất nước như Việt Nam cần phải tránh cho bằng được để có những bước phát triển bứt phá.

Ngô Ngọc Trai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét