Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

20210802. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG COVID-19 (4)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

SỰ MINH BẠCH VÀ NHÂN VĂN TRONG CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG DỊCH MỚI

BÌNH NGUYÊN /VNN 1-8-2021

Có thể thấy rõ sự quyết liệt, nhân văn và minh bạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những giải pháp chống dịch vừa được đưa ra.

Trước những diễn tiến nhanh chóng của dịch bệnh, các giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng ban hành liên tiếp để ứng phó với sự phức tạp đó. Có thể thấy rõ sự quyết liệt, nhân văn và minh bạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những giải pháp chống dịch vừa được đưa ra.

Quyết liệt và nhân văn

Chiều 31/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo nghị quyết này, toàn bộ các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt được giảm từ 10-15% tiền điện trong hai tháng tùy theo mức độ sử dụng. Ước tính, tổng số tiền mà các hộ được giảm vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Không những vậy, nghị quyết này còn miễn toàn bộ tiền điện cho các cơ sở cách ly tập trung.

Đây là lần thứ tư, việc miễn, giảm tiền điện được Chính phủ thực thi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Sự minh bạch và nhân văn trong các giải pháp chống dịch mới
 Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (thành phố Thủ Đức) hồi cuối tháng 6/2021. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Ngay sau đó, trong công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 năm 2021 tới khi hết giãn cách.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác, các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Song song với việc đó, Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP.HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

Chỉ sau đó ít phút, Bí thư Quảng Bình đã có ngay thư gửi bà con tỉnh này đang sinh sống ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Trong thư, Bí thư Quảng Bình đề nghị, bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự điều hành của chính quyền TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đề nghị bà con nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Quảng Bình cũng lập tức hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng.

Việc chỉ đạo “ai ở đâu ở đó” được ban hành đi kèm yêu cầu không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc cùng với sự chu đáo trong việc tổ chức đưa, đón an toàn những người dân đã rời khỏi nơi cư trú trên đường về quê là cực kỳ cấp thiết và nhân văn. Bởi không những khiến cho tất cả người dân dù khó khăn đến đâu cũng cảm thấy yên tâm mà còn giải thoát cho một loạt tỉnh, thành trước việc đón hay không đón người dân tỉnh mình trở về. Quyết định này còn trực tiếp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch sang các địa phương khác.

Cũng trong công điện, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Ông giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện sớm việc này.

Việc cấp bách hàng đầu hiện nay là tiêm vắc xin cũng được Thủ tướng chỉ rõ, tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin.

Minh bạch

Ngày 30/7, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông theo nguyên tắc công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời.

Một ngày sau đó, tại công điện 1063/CĐ-TTg, thêm một lần Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo, công khai, minh bạch và kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Sự minh bạch và nhân văn trong các giải pháp chống dịch mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Trong lúc dịch bệnh phức tạp, gây áp lực lên toàn dân và cả hệ thống chính trị, thực hiện việc công khai, minh bạch mọi thông tin là sự dũng cảm và vô cùng cần thiết. Không có thông tin chính xác thì không chỉ tạo tâm lý nghi ngờ, tạo sự chủ quan mà còn khiến các giải pháp khó đúng và trúng.

Ngày cuối cùng của tháng Bảy, nước ta ghi nhận 8.620 ca, nâng tổng số ca nhiễm trong nước từ ngày 27/4 đến nay lên 141.826 tại 62 tỉnh thành. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 3.250 người khỏi bệnh và 145 ca tử vong.

Kể từ khi dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 145.633 ca nhiễm, 38.734 người khỏi bệnh, 105.597 bệnh nhân đang điều trị và 1.306 ca tử vong.

Rõ ràng, đám mây đen Covid-19 đã phủ nghịch cảnh lên cuộc sống của chúng ta. Thách thức là không nhỏ nhưng với sự chỉ đạo, những việc làm thiết thực, vừa quyết liệt, vừa nhân văn cùng với sự minh bạch, mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng bình minh của cuộc sống bình thường sớm trở lại trên đất nước ta như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.

Bình Nguyên

GIẢI BÀI TOÁN TỬ VONG DO COVID-19

VŨ MINH PHÚC/ TVN 1-8-2021

Bài toán thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay, đó là con số tử vong do dịch bệnh.

Tôi sẽ phân tích vấn đề một cách khách quan và logic nhất có thể, có vài điểm không thật chính xác vì như tôi đã nói, tôi không tìm thấy những cơ sở dữ liệu mình cần để đưa ra phán đoán dù đã dùng khả năng công nghệ của mình để tìm kiếm.

Đến sáng 31/7, cả nước có 1.161 ca tử vong, riêng TP.HCM là 900 ca. Làm thế nào để hạn chế tối đa số tử vong này trong thời gian tăng tốc chủng ngừa? Để đưa ra biện pháp can thiệp, trước tiên cần phân tích (hay chẩn đoán) vấn đề này một cách khoa học. Như tôi đã trình bày trong một bài viết trước, tôi cần cơ sở dữ liệu, nhưng hiện chưa tìm thấy trong số liệu thống kê của TP.HCM, nên đành đặt ra những giả thuyết, mỗi giả thuyết sẽ dẫn đến một can thiệp khác nhau.

Giải bài toán tử vong do Covid-19

Cơ sở dữ liệu tôi cần tối thiểu là những thông số sau ở mỗi tầng điều trị trong tháp 5 tầng của TP.HCM:

- Tần suất tử vong tại nhà.

- Tần suất tử vong trước khi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế.

- Tần suất tử vong trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện.

- Thời gian trung bình từ lúc người bệnh hoặc các bệnh viện liên hệ đến lúc được chuyển đến nơi mong muốn.

Ách tắc cần giải quyết ngay

Nếu tần suất tử vong tại nhà cao, trách nhiệm sẽ thuộc về hệ thống chăm sóc y tế tại các phường, quận (tầng 1). Mấy ngày nay có những bệnh nhân quen của tôi là F0 gọi để xin tư vấn, khi hỏi thì tất cả đều trả lời như nhau là y tế địa phương cho về và không dặn dò, kê toa hoặc cho thuốc gì, không hướng dẫn mua thuốc ở đâu, cũng không cho số điện thoại của ai để liên lạc, chỉ bảo khi cần cứ gọi 115.

Can thiệp ở tầng này là phải thiết lập mạng lưới bác sĩ tư vấn (công lập và tư nhân) qua điện thoại theo từng phường, quận, các nhà thuốc tây trong khu vực của phường, quận, nhưng phải cung cấp danh sách này công khai trên truyền thông, đồng thời nhân viên trạm y tế phường phải biết danh sách này, phải hướng dẫn trực tiếp cho người dân mắc bệnh vì nhiều người lao động không sử dụng Internet, để họ chọn lựa bác sĩ tư vấn và liên lạc mỗi ngày.

Giải bài toán tử vong do Covid-19
Theo dõi sức khoẻ và lấy mẫu cho các F0 tại bệnh viện dã chiến thu dung số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Thanh Tùng

Nhân viên của trạm y tế phường hiện nay đã quá tải, không thể thăm khám cho tất cả bệnh nhân khi họ yêu cầu, và hình như họ quá sợ hãi khi tiếp xúc với người bệnh.

Khó khăn lớn nhất từ tầng 1 này là khi phát hiện bệnh nhân trở nặng, cần liên hệ để chuyển bệnh nhân đi thì hầu như các bác sĩ tư vấn như tôi không biết bất kỳ một đường dây nào liên hệ để yêu cầu hỗ trợ, ngoại trừ nói gia đình bệnh nhân gọi 115 - hầu như là tắc nghẽn, và vô vọng. Không có phương tiện nào để tự đi đến cơ sở y tế gần nhất, mà đến thì các bệnh viện từ chối vì không phải là bệnh viện chữa Covid. Phải giải quyết ngay ách tắc này.

Tăng số bệnh viện tầng 3

Tần suất tử vong cao tại tầng 5, tầng nặng nhất, chắc chắn vì bệnh nhân quá nặng, ngoài ra có thể do thiếu trang thiết bị như máy thở, ECMO, thiếu nguồn nhân lực nhưng theo tôi thấy hiện lãnh đạo ngành y tế đã tập trung rất nhiều về nhân lực và vật lực vào tầng này rồi nhưng tần suất tử vong vẫn cao, vậy phải xem xét đến những nguyên nhân khác.

Nếu tần suất tử vong trước khi đến bệnh viện và trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện cao, theo cảm nhận riêng của tôi, tử vong tập trung chủ yếu ở nhóm này, vấn đề sẽ do một trong các nguyên nhân sau:

- Chuyển viện chậm trễ vì nhiều lý do khách quan và chủ quan: Không có xe chuyển do quá tải trong chuyển bệnh, di chuyển quá xa, tuyến trên ứ bệnh không có giường.

- Chuyển viện không an toàn: Thiếu hỗ trợ người và trang thiết bị trên xe chuyển bệnh.

- Tầng dưới phát hiện và nhận diện bệnh nhân nặng không kịp thời: Do thiếu nhân lực, trang thiết bị (máy đo SpO2 để theo dõi, máy thở tạm thời trước khi chuyển tầng), trình độ của nhân viên y tế chưa được huấn luyện để nhận diện sớm và xử trí ban đầu bệnh nhân nặng.

Hiện tôi thấy lãnh đạo tập trung vào xây thêm 2-3 bệnh viện hồi sức bệnh nhân Covid ở tầng 5, và kêu gọi nhân lực từ các tỉnh về hỗ trợ bệnh viện ở tầng này, nhưng theo lập luận của tôi, để giảm tử vong, cần tập trung vào củng cố tầng 2, 3, 4. Đặc biệt, theo tôi yếu nhất là hệ thống chuyển viện và liên thông tuyến giữa các tầng.

Ở các tầng 2, 3, 4, Sở Y tế cần đánh giá một cách khách quan và trung thực về trang thiết bị, và nhân lực để giúp nhân viên y tế có đủ điều kiện theo dõi, chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Mặc dù chúng ta luôn nói đủ nhưng nhân viên y tế luôn nói thiếu. Thực hư phải được đánh giá một cách khoa học, chính xác, tính toán cơ số trên số bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân ở mỗi tầng.

Nếu thật sự thiếu, nên công khai danh sách cần hỗ trợ, cụ thể con số cho mỗi loại bao nhiêu, bệnh viện nào cần, có kiểm soát, để các doanh nghiệp và các Mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ, bởi người cho và làm từ thiện không hề so đo tính toán. Có như thế bệnh nhân những nơi này mới bớt trở nặng và được phát hiện sớm để tránh tử vong.

Nếu tăng, tôi sẽ tăng số bệnh viện tầng 3 sao cho mỗi quận có 1-2 bệnh viện thuộc tầng này, để bệnh nhân trở nặng từ nhà sẽ vào được ngay nơi gần nhất vì các bệnh viện dã chiến tầng 2 đôi khi quá xa.

Tôi đặc biệt lưu ý nhóm bệnh viện tầng 4, có những bệnh viện phải tách đôi và chữa bệnh nhân nền khá nặng mắc Covid, song song với bệnh nhân thường. Theo tôi, nhân lực và trang thiết bị cho nhóm bệnh viện này phải được tăng cường không thua kém tầng 5 trừ ECMO.

Nếu được, tôi sẽ tăng thêm số bệnh viện ở tầng này (bằng cách chọn thêm các bệnh viện và hoạt động theo cơ chế tách đôi), phân đều cho các quận, mỗi quận phải có ít nhất 1-2 bệnh viện thuộc tầng này để những bệnh nhân trở nặng sẽ được cấp cứu ngay, vì bệnh viện tầng 5 không dễ có chỗ ngay.

Xe cấp cứu và các phương tiện vận chuyển

Tôi rất lo lắng về hệ thống chuyển viện, ngay cả từ trước khi dịch bệnh xảy ra. Hãy đếm thử xem có bao nhiêu xe cấp cứu ở các bệnh viện lớn nhỏ đạt chuẩn như ở các nước?

Hiện nay, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM đã bổ sung lực lượng taxi hỗ trợ trung tâm cấp cứu 115 nhưng theo tôi vẫn không đủ về số lượng và chất lượng. Dường như thời gian chờ đợi vẫn rất lâu, hiện không có dữ liệu để kết luận chính xác như tôi đã trình bày ở trên. Để cải thiện hệ thống này cần:

- Xe cấp cứu và các phương tiện vận chuyển nên có mặt tại 1 trạm tập kết ở mỗi quận, có số liên lạc và điều hành riêng theo từng quận để tránh nghẽn mạch (nếu tất cả các quận huyện đều cùng gọi vào số 115), có thể di chuyển đến nơi thật nhanh, vì chúng ta không có các trạm paramedic cấp cứu như các nước. Số liên lạc này phải được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông. Chỉ thêm 200 xe taxi cho tất cả các quận với dân số 10 triệu dân là quá ít.

- Xe cấp cứu ở các bệnh viện tầng 2, 3, 4 nên được trang bị thêm trang thiết bị cấp cứu hỗ trợ thở khác trong xe, ngoài bình oxy.

Nói ra những điều này để chúng ta thấy muốn giảm tỉ lệ tử vong, phải tiếp cận một cách có hệ thống dựa trên các cơ sở dữ liệu. Tôi không muốn các tỉnh thành khác trong đất nước mình, Hà Nội, Đà Nẵng và tất cả các tỉnh khác lâm vào hoàn cảnh như TP.HCM hiện nay.

Vậy ngay từ đầu hãy chuẩn bị và tiếp cận các vấn đề một cách hệ thống, đưa ra những quyết sách cho từng địa phương một cách hợp lý dựa trên cơ sở khoa học.

PGS.TS Vũ Minh Phúc

HÀNG NGÀN NGƯỜI Ở TPHCM MUỐN VỀ QUÊ NHƯNG...

NHÓM PV/ PLO 31-7-2021


Khu vực chốt chặn trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Tân Kiên,huyện Bình Chánh tập trung khá đông người dân miền Tây đang tìm đường về quê. Ảnh: NT

(PLO)- Nhiều người may mắn được đón về quê nhưng còn hàng ngàn trường hợp bị kẹt lại ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Sáng 30-7, hàng trăm người chạy xe máy để về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây nhưng khi đến các cửa ngõ của TP.HCM đều bị chặn lại. Nhiều người quay xe nhưng cũng có hàng trăm người bám trụ tại chốt vì tiến không được, lùi không xong.

Tuy nhiên cũng có hàng ngàn trường hợp may mắn được các tỉnh đón hoặc cho cảnh sát hộ tống về quê.

Bến Tre, Đồng Nai đưa công nhân, người lao động về quê

Sáng 30-7, tại Bến xe Miền Tây, UBND quận Bình Tân, TP.HCM đã tổ chức buổi lễ đưa người dân đang sinh sống, làm việc tại quận Bình Tân về tỉnh Bến Tre.

Tại đây, người dân được trang bị đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, bao tay, đảm bảo giãn cách trên xe khách giường nằm. Lãnh đạo quận Bình Tân cũng trao tiền và quà hỗ trợ để bà con ấm lòng hơn.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, bày tỏ sự trân trọng những đóng góp quý giá của anh chị em công nhân, người lao động (NLĐ) đối với sự phát triển của quận.

Ông Kiên cho biết trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận đang diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân. Theo ông Kiên, UBND quận Bình Tân đã có cuộc khảo sát và ghi nhận rất nhiều trường hợp người dân tại các khu nhà trọ, trong đó có người dân Bến Tre có nguyện vọng về địa phương nơi cư trú để phòng tránh dịch, ổn định cuộc sống và trở lại TP.HCM sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trước yêu cầu đó, quận đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa 118 công nhân, NLĐ tại quận Bình Tân về quê theo nguyện vọng. Ông Kiên cũng bày tỏ hy vọng được đón bà con quay trở lại quận để sinh sống, làm ăn.

UBND quận Bình Tân cũng cho biết vừa qua quận đã khảo sát và ghi nhận có khoảng 5.600 người dân sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn quận có nguyện vọng về quê thuộc 51 tỉnh, thành. Quận đang tích cực kết nối với các tỉnh để có kế hoạch đón người dân về quê trong thời gian tới.

Tại Đồng Nai, rạng sáng 30-7, gần 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các công ty trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) may mắn được trở về quê nhà tại tỉnh Đắk Lắk an toàn dưới sự hộ tống, dẫn đường của lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai.

Toàn bộ công nhân đã được chính quyền địa phương đón tại Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột) để làm các thủ tục về y tế

Bí thư quận Bình Tân Lê Văn Thinh trao quà cho người dân về quê Bến Tre. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH 

Nhưng hàng trăm người không thể ra các cửa ngõ TP.HCM

Sáng 30-7, tại chốt kiểm soát ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, hàng trăm người vạ vật ngồi chờ để được qua chốt nhưng không được. Họ là những NLĐ thời vụ tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM qua được nhiều chốt kiểm soát nhưng đến đây thì bị kẹt lại.

Hành trang được họ ràng trên xe máy là lỉnh kỉnh gạo, nước, áo quần, bếp gas…

Một phụ nữ quê Cà Mau cho hay hai vợ chồng lên Đồng Nai làm thợ và phụ hồ nhưng đã mất việc khoảng hai tháng nay. Tiền trọ cũng không có để đóng nên quyết định đi xe máy từ Đồng Nai về Cà Mau. “Chúng tôi đã trả phòng và chủ nhà trọ cũng không cho quay lại vì họ ngại mang theo mầm dịch. Chúng tôi có mang theo nồi cơm, bếp gas, gạo, chén đũa… nên chẳng biết đi đâu nữa” - người này nói.

Ghi nhận phần lớn những người mắc kẹt tại chốt quê ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ, họ đi làm ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM bị kẹt lại, tiến không được, lùi không xong.

Còn trên tuyến quốc lộ 13 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều người từ TP.HCM và Bình Dương về quê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng bị kẹt lại vì một số tỉnh đã thông báo ngưng nhận người dân về quê vì không đủ năng lực tiếp nhận, cách ly.

Cùng ngày, rất đông người dân trên địa bàn TP.HCM chạy xe máy đến các cửa ngõ phía đông TP để về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhưng đều phải quay đầu lại.

Có trường hợp hai chị em sinh viên muốn về quê Quảng Ngãi vì chỉ còn 200.000 đồng. CSGT đã giải thích và cho họ 500.000 đồng, động viên quay lại TP.HCM chờ cơ quan chức năng ở quê sắp xếp…

Người dân nên đăng ký với địa phương

Trước đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị người dân có nhu cầu về quê nên đăng ký với từng địa phương để các địa phương trao đổi với nhau, tổ chức cho bà con về.

Hiện gần như tất cả địa phương đều áp dụng Chỉ thị 16 nên việc đi lại của người dân khó khăn.

Ghi nhận của PV, các tỉnh đều mong muốn đón con em đang ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê nhưng khả năng cách ly, điều trị tại các địa phương quá tải.

Ở Nghệ An, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh này có kế hoạch đón công dân Nghệ An về quê.

Tỉnh Nghệ An đã lập website: dangkyveque.nghean.gov.vn để người dân đăng ký trực tuyến về quê và lựa chọn về bằng tàu hỏa hay máy bay, có khoảng 10.000 người đã đăng ký. Dự kiến đầu tháng 8, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức thực hiện đón đợt 1 với khoảng 1.000 người từ TP.HCM trở về quê.

Tại Hà Tĩnh, sau khi phối hợp với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM đón 814 công dân từ TP.HCM về đến Hà Tĩnh an toàn vào sáng 26-7, nay tỉnh Hà Tĩnh đã lên kế hoạch đón công dân đợt 2 bằng tàu hỏa.

PGS-TS Phan Xuân Biên, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM, cho biết: “Thông qua hội đồng hương, có 10.000 người quê Hà Tĩnh đăng ký trở về quê hương”.

Tương tự, Thanh Hóa cũng lên các phương án để đón người dân ở các tỉnh phía Nam về quê. Theo khảo sát, tỉnh này có khoảng 315.000 người đang sinh sống, lao động, học tập ở các địa phương. Trước mắt tỉnh tổ chức đón 190 người thuộc diện ưu tiên, thai phụ… về quê bằng máy bay vào ngày 5 và 6-8.

Tuy nhiên, những con số may mắn được về quê như muối bỏ bể, đa phần các khu cách ly tập trung ở các địa phương đang quá tải nên nhiều nơi ngưng tiếp nhận người dân về quê…

Nhiều tỉnh ngưng đón người dân về quê

 Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hai đợt đón công dân trở về bằng tàu hỏa và máy bay với hơn 600 người. Đợt 3, dự kiến ngày 1-8, tỉnh sẽ tổ chức chuyến bay dịch vụ đưa khoảng 250 người trở về.

Thừa Thiên-Huế tiếp nhận hàng ngàn người cách ly tập trung mỗi ngày và sắp quá tải. Vì vậy, Thừa Thiên-Huế cho biết sẽ tạm ngưng đón người từ vùng dịch về từ ngày 1-8.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đề nghị người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 không di chuyển về địa phương trong giai đoạn này.

 Ở Quảng Ngãi, Thiếu tá Dương Hiển Công Lực, Trưởng trạm CSGT Đức Phổ (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi), cho biết số lượng người dân từ các tỉnh phía Nam về tỉnh này theo diện tự do rất đông. Trung bình mỗi ca (6 giờ) tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 đèo Bình Đê ghi nhận số người về lên đến khoảng 250 người. Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt liên tục ghi nhận số người về rất đông, số xe của người dân tạm gửi tại Trạm CSGT Đức Phổ đã hơn 2.500 chiếc. Việc người dân về quê đông gây áp lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt, thiếu hụt nơi cách ly tập trung.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh lên kế hoạch đón 400 công dân đang gặp khó khăn tại TP.HCM về quê tránh dịch. Đợt đầu đã đón 200 người, sáng nay (31-7) sẽ tiếp nhận 200 người đợt 2 về khu cách ly tập trung.

Tỉnh Quảng Ngãi có văn bản dừng tiếp nhận công dân tỉnh này từ các tỉnh, TP đang có dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 1-8 vì các khu cách ly y tế của tỉnh đã quá tải.

“Người dân đang ở đâu ở yên đó, bà con khó khăn thì thông qua hội đồng hương. Quảng Ngãi quyên góp lương thực, thực phẩm gửi vào, hội đồng hương trực tiếp hỗ trợ những người không có điều kiện. Bà con bây giờ cứ về như thế này thì bà con cũng khổ, tỉnh cũng khổ. Tôi rất chia sẻ với bà con trong điều kiện dịch bệnh nhưng về không thuận bằng ở lại” - chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi nhắn nhủ.

 Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, TP tuyệt đối không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác.

MỘT ĐỀ XUẤT VỀ DẬP DỊCH Ở TPHCM

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 31-7-2021

Vấn đề dập dịch ở TP.HCM không còn là vấn riêng của TP.HCM mà đã trở thành vấn đề của toàn quốc. Chưa nói đến vai trò quan trọng số 1 của TP.HCM trong nền kinh tế quốc dân, thì vấn đề người dân các tỉnh rời khỏi TP.HCM (mang theo nguy cơ lây nhiễm về các tỉnh) trong những ngày qua đã khẳng định điều đó.

Trách nhiệm dập dịch không chỉ còn là trách nhiệm của lãnh đạo TP.HCM. Trách nhiệm dập dịch ở TP.HCM trở thành trách nhiệm trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ Tịch nước và Tổng Bí thư của Đảng. Chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn.

Nói đến trách nhiệm trực tiếp tức là chủ thuyết về dập dịch bao gồm ý tưởng, biện pháp, quy trình dập dịch… với nội dung cơ bản được đề xuất trực tiếp từ người có trách nhiệm. Đây chính là “nghĩ thật”. Hô hào mà không đưa ra biện pháp cụ thể đều không dập được dịch. “Nghĩ thật” gắn liền tư tưởng với biện pháp.

Ở đây sẽ không đề cập đến các nguyên do trong quá khứ đã dẫn đến tình trạng dịch lan rộng và có nguy cơ thoát khỏi tầm kiểm soát. Chỉ xin đề xuất một số biện pháp về dập dịch ở TP.HCM tại thời điểm này.

1. KHÔNG ĐƯA DỊCH RA KHỎI TP.HCM

Không đưa dịch ra khỏi TP.HCM. Đây là nguyên tắc xuyên suốt. Mọi chuyển động đều phải tuân thủ nguyên tắc này.

2. CỨU TRỢ VÔ ĐIỀU KIỆN

Những người đã và đang rời khỏi TP.HCM hiện nay là vì không có gì để sống, và không có việc làm để nhận lương hiện tại, cũng như chưa thấy có việc làm để nhận lương trong tương lai gần. Nếu trong tài khoản của những người này hàng tháng được nhận lương cứu trợ như các nước, thì đã không có dòng người rời khỏi TP.HCM như trong những ngày qua.

Đề xuất Chính Phủ cứu trợ tức thì, vô điều kiện cho tất cả những người lao động ở TP.HCM mất việc làm, không có lương. Mức cứu trợ là 70% mức lương tối thiểu theo vùng. Chuyển trả hàng tháng. Thời hạn trước mắt là 3 tháng.

Chính Phủ đã có khoản tiền 26.000 tỷ đồng cứu trợ người lao động khó khăn trong đại dịch, nhưng tại sao dòng người lao động rời khỏi TP.HCM vì không có tiền sống? Chứng tỏ tiền cứu trợ chưa đến đúng địa chỉ cần đến, tiền cứu trợ không đến kịp thời. Chứng tỏ thủ tục phức tạp, yêu cầu phiền hà, bỏ sót người lao động. Đây là trách nhiệm của Bộ LĐ&TBXH.

Cứu trợ vô điều kiện là không đòi hỏi bất cứ yêu cầu gì từ người lao động – không phải làm đơn, không phải trình giấy tờ… mà người lao động tự nhiên có tiền cứu trợ. Việc xác định là việc của cơ quan chức năng có trách nhiệm. Hãy học tập các nước.

Thủ tướng nên tham khảo cách quản trị của tiền nhân và trong thời chiến, uỷ thác cho một đặc phái viên giải quyết việc cứu trợ để chấm dứt tình trạng ra đi khỏi TP.HCM vì không có tiền để sống. Chính sách được ban vào lúc nào thì dòng người “di tản” khỏi TP.HCM sẽ dừng lại ngay lúc đó. Thủ tướng cần một đặc phái viên giỏi. Lãnh đạo Bộ LĐ&TBXH đã thể hiện sự không tương năng trong giải quyết cứu trợ trong đại dịch.

3. DÃN CÁCH KHOA HỌC, KHÔNG CỨNG NHẮC

Việc giãn cách tuy phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng quy trình phải khoa học và con người thực thi phải tương xứng. Vụ “bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu”, và công văn khẳng định “bánh mỳ là thực phẩm thiết yếu”, cũng như nhiều thí dụ oái ăm khác, đã chứng tỏ quy trình giãn cách chưa khoa học, và nhân sự thực thi không đáp ứng được yêu cầu.

Cho nên phải có quy trình khoa học và người thực thi đủ năng lực để giãn cách hiệu quả. Lúc đó giãn cách mới ít làm phiền dân và đảm bảo cho sản xuất và lưu thông ít bị gián đoạn. Giãn cách không khoa học sẽ làm tê liệt toàn bộ đất nước.

4. TỔ CHỨC KHOA HỌC DÒNG NGƯỜI ĐẾN VÀ ĐI

Không đưa dịch ra khỏi TP.HCM không có nghĩa là TP.HCM bị bao vây tuyệt đối. TP.HCM vẫn phải tiếp tục sản xuất và lưu thông. Cho nên việc tổ chức lưu thông cho dòng người đến và đi đều phải rất khoa học. Việc này cũng cần người đứng đầu giỏi. Có người đứng đầu giỏi, tự khắc “nghĩ thật”. Khi “nghĩ thật” thì sẽ có đầu ra “thật”.

5. THẦN TỐC TIÊM VACCINE CHO TOÀN BỘ CÔNG DÂN TP.HCM

Quyết định tiêm vaccine cho toàn bộ công dân TP.HCM là đúng. Việc trở lại hoạt động bình thường của TP.HCM phụ thuộc phần lớn vào thời điểm khi nào thì tiêm xong vaccine. Cho nên tốc độ tiêm vaccine là rất quan trọng – thuộc hàng bậc nhất hiện nay.

6. ĐƯA PHƯƠNG TIỆN VÀ NHÂN LỰC TỪ NGOÀI VÀO TP.HCM

Thay vì đưa bệnh nhân từ TP.HCM đến các địa phương khác để cứu chữa, thì mang bệnh viện và đội ngũ cán bộ y học từ nơi khác đến TP.HCM. Đây cũng là nguyên tắc côt lõi trong chiến lược dập dịch ở TP.HCM.

7. HỖ TRỢ CỦA TỈNH THÀNH KHÁC

Vào thời điểm sáng nay 31/7/2021, số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM là 88.285. Rồi sẽ vượt 100.000 và hơn nữa. TP.HCM có cơ hội trở lại hoạt động bình thường chỉ khi tiêm vaccine hết cho các công dân đang sống và làm việc ở TP.HCM.

Lãnh đạo các tỉnh muốn giúp đỡ đồng hương của tỉnh mình đang sống ở HCM nên có chiến lược hợp lý. Thay vì đón họ rời khỏi TP.HCM thì hỗ trợ để họ ở lại. Hỗ trợ bằng tài chính và vật chất.

Mặt khác, các tỉnh cần chung tay hỗ trợ TP.HCM chống dịch bằng cách đưa bệnh viện, nhân lực, và cả thuốc vaccine phòng chống Covid (một đơn vị đầy đủ) đến TP.HCM. Đó là cách giúp đỡ đồng hương thiết thực và hiệu quả.

Từ đó để thấy, các tỉnh thành có trách nhiệm chuẩn bị ngay các bệnh viện dã chiến cùng nhân lực và thuốc men để vào trợ giúp TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến của các tỉnh thành trong trường hợp cần thiết có thể điều động đến để dập dịch bất cứ ở một địa phương nào. Thủ tướng nên chỉ đạo để tất cả các tỉnh thành phải có bệnh viện dã chiến phòng chống dịch Covid-19 như là yêu cầu bắt buộc.

CHIA SẺ

Tiền nhân đã nhắc nhở về một chân lý hiển nhiên: “Chạy trời không khỏi nắng’”. Từ góc độ toàn quốc, vận dụng vào hoàn cảnh hiện tại, là “Không đưa dịch ra khỏi TP.HCM”.

Dập dịch ở TP.HCM không còn chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Bộ Y tế nữa. Dập dịch ở TP.HCM đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp của các lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Muốn dập dịch hiệu quả thì khắp mọi mắt xích trong hệ thống đều phải “nghĩ thật”.

CHẠY ĐẾN VÔ CÙNG 

TUẤN KHANH/ TD 31-7-2021


Hình ảnh đoàn người bồng bế nhau đi bằng xe máy, theo báo chí trong nước là lên đến hàng ngàn, di chuyển từ Sài Gòn tỏa đi nhiều hướng, chạy về quê nhà trong lúc dịch bệnh và lệnh phong tỏa ngặt nghèo này, đang làm nhói tim không biết bao người.

Có người đi đến 800 cây số để về miền Trung, và có người đi gần gấp đôi như vậy để đến Nghệ An. Và còn rất nhiều đích đến nữa. Ngoài những nhóm xe máy, người ta còn thấy cả những gia đình đi bằng xe đạp, thậm chí là liều lĩnh đi bộ. Tất cả đều là người nghèo Việt Nam, những con người cần lao từ mọi miền đã đổ về Sài Gòn, tìm một công việc để dựng đời mình, hoặc để kiếm chút ít dư dả gửi cho cha mẹ ở quê.

Lý do họ rời bỏ Sài Gòn, bởi không còn tin tưởng vào các chính sách chống dịch của nhà cầm quyền, và cũng không đủ sức để cầm cự thêm nữa khi mất việc, không còn gì để sống tiếp nay mai. Hẳn nhiên, chính quyền Hồ Chí Minh đang nợ những con người này một lời xin lỗi, vì đã không cưu mang họ được, qua những tháng ngày này, bất chấp việc tuyên truyền nói dối rằng luôn lo đủ cho mọi người gặp khó khăn.

Nhưng không phải vì chính quyền hết khả năng trong đại dịch. Bản tin tài chính cuối tháng 7-2021 của Ủy ban thành phố Hồ Chí Minh khoe rằng bất chấp đại dịch khó khăn, ngân sách vẫn bội thu. Ước tính sức người 10 triệu dân và sản vật, giao thương ở Sài Gòn vẫn làm ra mỗi ngày 1500 tỷ đồng để nộp cho ngân sách Trung Ương theo chỉ tiêu được giao. Con số thu được đang tăng nhanh, nên chỉ 6 tháng thôi, đã đạt 54,42% trên tổng thu theo kế hoạch.

Vậy đó, mà từng hộp cơm cho người nghèo, từng cọng rau cho kẻ khó… hầu hết là các cuộc tự nuôi, tự cứu nhau đầy khó khăn của người dân. Không chỉ ngăn chận con người ra đường vì lệnh giãn cách, mà các lực lượng kiểm tra, ngăn chận đủ thành phần của nhà nước còn ngăn cản cả rau, thịt, sữa… thậm chí là cả tả trẻ em và băng vệ sinh phụ nữ, cũng như là tiền mặt được vận chuyển của ngành ngân hàng. Sài Gòn như một người phụ nữ bị ép vào trò chơi trừ tà thời mông muội, phải chịu đói khát, phải bị trói buộc, kiệt sức không biết xoay trở ra sau lúc này. Dĩ nhiên, những dân cư yếu ớt nhất, dễ tổn thương nhất của vùng đất này đành phải chọn dứt áo ra đi.

Không được hứa hẹn gì một cách thực tế từ người cầm quyền, và cũng lao đao vì không đảm đương nổi bản thân, hàng ngàn con người đã gói ghém tư trang và lên đường. Họ ngủ vật vạ dọc đường, tránh né các sự chận bắt của các chốt kiểm tra trên quốc lộ. Có người chở vợ đang thai. Có gia đình chở 3-4 người trên một chiếc xe máy nhỏ. Có cả người mẹ đơn thân chở lùm xùm đồ đạc, phía sau là đứa con chỉ mới hơn 10 tuổi, ôm giữ em nhỏ của mình.

Sài Gòn, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, là nơi con người tìm đến chứ không phải rời bỏ, nhưng đây là lần đầu tiên xuôi tay nhìn thị dân từ giã mình. Buồn hơn nữa, Con người bị những nơi chôn rau cắt rốn của mình từ chối tiếp nhận.  Từ ngày 1-8, nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng… tuyên bố sẽ không nhận người của mình trở về, vì sợ có dịch, cho dù những người này đã có giấy xét nghiệm âm tính (có thời hạn 3 ngày). Sợ không về được nhà, nhiều người chạy thâu đêm, mệt lả và vất xe lăn lóc giữa đường. Cha mẹ, con cái ôm nhau trên con đường quốc lộ cố dành sức để đến nơi, lách được vào mà không bị từ chối.

Trên con đường Bình Phước dẫn về Đắk Nông, có nhiều gia đình để nước, thức ăn nhanh trước cửa để đón những chuyến xe bơ phờ như vậy. Có một cụ già tóc bạc phơ, cứ cầm chai nước vẫy vẫy, đưa cho những chiếc xe sà vội vào nhận rồi lại đường. Vội đến mức chỉ còn nhìn nhau, gật đầu, chứ không còn giờ để kéo khẩu trang xuống nói lời cảm ơn. Nhìn những điều như vậy – và cả những câu chuyện phát cơm từ thiện, lăn xả giúp nhau của người dân bao lâu nay – là những chương sách đời cảm động, ấm lòng khôn cùng trong thời phong tỏa. Nhưng có ai đó đã nói nhỉ? Trong một xã hội vận hành, đôi khi, điều ấm lòng nhìn thấy cũng có giá trị như cáo trạng đầy câu hỏi về thời đại, về chế độ.

Người miền Nam được 2 lần nhìn thấy những cuộc di tản tự phát của người dân. Lần nào cũng có thể rơi nước mắt, dù có hướng ngược nhau.

Lần một, đó là dòng người chạy tránh những ngày kết thúc cuộc chiến năm 1975. Họ lìa bỏ mọi thứ, chấp nhận mất hết và chạy về phía Sài Gòn: một chỉ dấu của người dân vẫn chọn chạy về phía chế độ cầm quyền của mình, dù cho ngày thường họ có ghét hoặc không yêu đi nữa. Hình ảnh của dòng người tất tả chạy với đủ loại phương tiện, đến giờ vẫn làm người ta nao lòng, và thậm chí xen lẫn sự cảm kích trước sự giúp đỡ trong khả năng cuối có thể của một chế độ đang tàn lụi, vẫn ước muốn che chở công dân của mình.

Lần hai, năm 2021, dòng người đó lại tháo chạy khỏi Sài Gòn. Cuộc di tản không phải tìm về miền đất hứa, mà chỉ tháo chạy như một bầy kiến tán loạn ra khỏi nơi ngụ cư của mình, bởi một cú đập mạnh của công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Những con virus vô hình trước mắt, giờ lại như được biểu trưng bằng hình ảnh con người. Họ chỉ có vài con đường: vào trại cách ly, gồng mình chờ cứu giúp ở nhà trọ, hoặc chấp nhận bị giam nhốt ở nơi làm việc với chính sách duy ý chí có tên “3 tại chỗ”: ăn một chỗ, ở một chỗ và làm việc cũng ở đó.

Những con người ấy, vượt ngoài tầm các kế hoạch của chỉ thị 16 hay đợt phong tỏa với quân đội, trở thành chuyện khó của những người cầm quyền ở Sài Gòn, nên họ được cho phép rời đi. Nhưng rồi trớ trêu là lại bị chận giữ, ngăn cản ở nơi họ muốn tìm về. Những con kiến-thân phận đó loay hoay chạy từ trên miệng chén rồi lại xuống dưới, mệt nhoài trong những lời tuyên bố an dân vẫn lấp lánh kiêu hãnh trên hệ thống truyền thông.

Trên các trang mạng xã hội, thậm chí là báo chí nhà nước, có không ít hình ảnh mô tả về cuộc di tản lạ lùng này. Có ảnh những đôi vợ chồng tựa vào nhau ngủ vùi chốc lát trên đường chạy. Có ảnh những đứa nhỏ ngủ mà tay vẫn bấu chặt lấy anh chị của mình như sợ thức dậy sẽ không còn thấy ai. Những gương mặt vô danh ấy quá đỗi nhọc nhằn trên cung đường chạy đến vô cùng. Trong số ấy, chắc cũng không ít người đã đóng góp cho những con số bội thu của Hồ Chí Minh hàng năm, vẫn được đọc lên trong những tràng vỗ tay của giới quan chức mừng tổng kết thu ngân sách thắng lợi.

_____

Tham khảo thêm:

– https://vnexpress.net/6-thang-tp-hcm-thu-ngan-sach-hon-198-000-ty-dong-4332561.html?

– https://vtv.vn/xa-hoi/mot-so-tinh-dung-tiep-nhan-cong-dan-tro-ve-tu-vung-dich-20210730052400596.htm

Tuấn Khanh

HÃY THƯƠNG BƯỚC CHÂN VIỄN XỨ...

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 29-7-2021

Dòng người lầm lũi rời Sài Gòn. Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau. Có bốn mẹ con đạp xe về Nghệ An. Có gia đình chạy xe ra tận ngoài miền núi phía Bắc. Có người đi bộ xuống miền Tây.

Chính, cậu em làm báo ở quê Quảng Bình tôi viết: 52 người về bằng xe máy, có những phụ nữ mang bầu. Có hai người sinh em bé…

Sài Gòn chưa bao giờ buồn đến vậy. Sài Gòn tổn thương một thời gian ngắn, vạn vạn người dân đã kiệt sức. Sài Gòn hoa lệ bỗng chốc thành nơi không thể nương náu.

Phải lặn lội đường xa vời vợi để về quê giữa trùng vây dịch bệnh, tôi tin rằng họ không còn lựa chọn khác. Bởi vì nếu có lựa chọn, thậm chí chẳng ai ra đường.

Rời Sài Gòn, nghĩa là của nẻo chắt chiu dành dụm không cho phép họ trụ lại, dù chỉ là thời gian ngắn trước mắt. Tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt, gạo sâm củi quế vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ.

Họ không được duyên may lọt vào các chương trình đón công dân về tỉnh. Họ lựa chọn mạo hiểm…

Địa phương, sau những phong trào đón con em của mình về quê, bắt đầu ái ngại. Nơi này từ chối khéo, nơi kia ra văn bản từ chối tiếp nhận thẳng thừng. Tôi cũng hiểu rằng địa phương có cái khó của địa phương. Nhưng nếu tôi là lãnh đạo, nhìn con em mình lấm lem tìm quê, chắc khó cầm lòng.

Địa phương có lẽ cũng không lường trước được phải đón người trong nghịch cảnh này. Nhưng nói không có cách, thì nghe xót xa quá. Cần chỗ cách ly thì mượn trường học, mượn trụ sở. Có f0 thì sàng lọc chăm sóc y tế. Sài Gòn đất chật người đông, quê hương mênh mông ngại gì không có chỗ.

Tỉnh khó thì lập trạm ở tỉnh, báo về trạm huyện, huyện bố trí. Tỉnh cả triệu con người, không lẽ nào không chăm lo được cho vài nghìn ruột thịt? Lòng dân rộng mở, lãnh đạo không ngại thành tích, dang tay đón nhau. Dân tộc mình xưa nay vốn không sợ khó, chỉ sợ chưa hết lòng vì nhau.

Cũng những bàn chân ấy năm xưa ra đi, cũng những bàn chân ấy trở về, nét quê còn vẹn giọng quê còn nguyên, nỡ từ chối nhau sao đành đoạn.

Ở Sài Gòn không đặng, về quê cũng không đặng, rồi họ sẽ ra sao. Không lẽ làm người tứ cố vô thân ở giữa đất nước mình?

Nguyễn Tiến Tường

DÂN !

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 30-7-2021


Người dân tranh thủ ngã giấc sau hành trình dài từ TP.HCM về quê. Ảnh: Viettimes

Quốc gia có giặc, dân ra sa trường. Vua thảo chiếu dời đô, dân dựng kinh kỳ. Tướng mang gươm đi mở cõi, dân giày cỏ đi theo. Giặc vây bủa triều dã, dân thần tốc ra đánh. Chiến tranh, dân đội pháo lên non, dân băng rừng vượt suối.

Hoà bình, mấy mươi năm dân chưa được một ngày nhung gấm. Những bàn chân phèn mang gánh nặng ly hương. Bàn chân người Nẫu người Quảng xuôi ngược đường phố Sài Gòn. Tiếng rao đòn gánh làm nên “kinh tế vỉa hè”. Bàn chân người Bọ, người Nghệ người Thanh quẩn quanh nhà xưởng. Bàn chân người miền Tây rau trái bốn mùa…

Bàn chân ly hương nhỏ bé, lặng thầm mang bao gánh nặng vô hình cho quê hương cố xứ. Người đi bỏ lại ruộng nhiều, nông thôn mới tốt lên. Người đi có của nẻo mang về, giúp nhà giúp quê, miền nào cũng tươi ngói mới.

Miên man dặm trường thiên lý, không thể nghĩ một ngày những bàn chân ấy lạc phố lạc quê, bơ vơ cay đắng. Có biết đâu xưa giờ hai miền quê phố đi về cười vui, bao khổ cực lặng thầm gánh chịu. Biết đâu một cơn hoạn nạn đã không chốn dung thân.

***

Tôi cố viết hoài chuyện này, để quan nhân và ai đó đang mang sự vân phân hiểu người dân xa xứ mà thương.

Trong dịch bệnh, quan nhân bốn phương tám hướng nghĩ, mỗi nếp nghĩ nhìn qua là biết thương dân hay thương mình. Thương nhau thì tìm cách, không thương thì tìm lý do. Tìm cách thì nghe khẩu lệnh Thủ tướng “tạo điều kiện đón công dân về quê”. Tìm lý do thì vin vào Chỉ thị “người xa người”, “tỉnh xa tỉnh”.

Nếu nói đến tận cùng trả treo, người dân vin vào quyền tự do đi lại hiến định, thì ai đúng hơn ai? Trong nghịch cảnh, hơn nhau ở tấm lòng.

Huế lúc đầu không bán vé tàu về Huế, gặp chỉ trích, Huế cho tàu vào Sài Gòn đón người. Được một đôi chuyến, có f0, Huế ngưng. Bình Định điều cả máy bay chở người về “có rau ăn rau có cháo ăn cháo”, đôi bữa rình rang rồi bặt tăm chim cá. Nhiều lãnh đạo địa phương không nói không rằng lặng im quan sát, cốt để mưu cầu sự chắc cú. Long An thậm chí còn cấm dân đi ngang tỉnh, thiệt cay đắng làm sao.

Chủ tịch Minh ở Quảng Ngãi vừa nghĩ ra cách hỗ trợ dân Quảng ở lại Sài Gòn thông qua các kênh liên lạc đồng hương. Một cách làm vẹn cả đôi bề, vừa đỡ gánh nặng cho địa phương, vừa đỡ cực nhọc cho dân ngược xuôi vạn dặm. Giúp đỡ, không phải là quăng đôi đồng ba cọc rồi thôi. Quảng Ngãi đoán định được cuộc sống ở Sài Gòn thế nào, giúp người dân trụ lại ít nhất 14 ngày nữa.

Các tỉnh làm được điều này thì trọn vẹn biết bao. Lập tổng đài hỗ trợ để người dân gọi về, có xác tín của địa phương liền chi hỗ trợ. Có một dịp tri ân những đứa con quê, có một dịp xây tượng đài trong lòng dân, hãy đừng bỏ lỡ.

Đừng cãi nhau bằng những quyết định khô khốc vô hồn. Hãy thương lấy người quê xa xứ, “áo đường xa không ấm gió phương xa”…

Nguyễn Tiến Tường

KIẾN NGHỊ VỚI CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ CHU NGỌC ANH

HÀ HUY SƠN / TD 31-7-2021

Ngày 23/07/2021, Chủ tịch ra Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố. Đến nay đã được 07 ngày và chưa ai có thể biết trước sau 15 ngày có phải tiếp tục cách ly tiếp hay không hoặc siết chặt hơn.

Do thực hiện cách ly mà trên địa bàn Thành phố, hiện nay đang có hàng chục ngàn lao động hoặc là hơn thế ở các tỉnh đến Thành phố lao động, làm việc phải nghỉ việc, không có việc làm. Họ sống trong các khu nhà trọ, điều kiện sinh hoạt rất chật chội, môi trường không đảm bảo vệ sinh. Họ bị mất thu nhập, thiếu tiền, thiếu thốn các nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

Chính quyền Thành phố không đáp ứng đủ hoặc không đáp ứng được cho họ đang là một thực tế. Tóm lại họ có nguy cơ chết đói, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ngay tại nơi ở là rất cao mà không biết đến khi nào tình trạng này chấm dứt. Thời gian cách ly càng kéo dài nguy cơ đối với họ càng cao.

Họ muốn được ra khỏi Thành phố để về quê nhà tự cách ly. Nhưng họ đang gặp phải những trở ngại sau:

1- Không được ra ngoài do chốt chống dịch tại các khu trọ;

2- Muốn ra khỏi Thành phố thì phải có Phiếu xét nghiệm âm tính vi rút Covid-19. Đã không được đi ra khỏi khu trọ thì làm sao đi làm xét nghiệm được. Hoặc không có tiền để xét nghiệm với mức phí khoảng 800 ngàn đồng – 1,5 triệu đồng/người tùy từng cơ sở y tế:

3- Hoặc khi có đủ điều kiện ra khỏi Thành phố nhưng các tỉnh lại không cho họ đi qua hoặc không cho họ trở về nơi quê nhà của họ để tự cách ly. Vì các địa phương cũng có lý do của họ.

Bằng kiến nghị này, mong ông Chủ tịch Thành phố sớm có biện pháp tháo gỡ hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để giải thoát cho những người lao động này, góp phần giảm tải nhu cầu cho hệ thống y tế của Thành phố, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính họ và cả Thành phố.

Hà Huy Sơn

VỀ, QUÊ NHÀ KHÔNG NHẬN THÌ 'ĐÂM ĐẦU VÀO ĐÂU'?

CÙ MAI CÔNG/ TD 31-7-2021

Hàng chục, hàng trăm ngàn bà con nhập cư một tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang lũ lượt về quê.

Dịch, giãn cách hai tháng rồi. Có tỉnh thành như TP.HCM hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, mỗi ngày 50.000 đồng thì chỉ mua nổi ký gạo và bó rau. Cơm, quà từ thiện Sài Gòn không thiếu, nhưng còn lòng tự trọng – ai lại ăn hoài, kỳ. Rồi còn tiền nhà trọ, điện nước, cục xà bông, chai dầu gội…, tiền đâu? Mà dịch chưa biết bao giờ qua? Trước mắt TP.HCM, Đồng Nai… còn giãn cách tiếp.

Bất kể giá nào cũng phải về. Xe khách, xe buýt, taxi… không chạy thì đi xe máy, đi bộ; ngàn dặm cũng đi. Rớt nước mắt mà đi. Về quê còn có bữa cơm bữa cháo. Từng đoàn người đội nắng dầm mưa, mệt đâu ngủ đó, nhưng nhức thảm sầu.

Trên đường đi, nhiều nơi, cả tự phát lẫn chính quyền đứng dọc đường tiếp cơm tiếp nước, trải lều bạt cho bà con nghỉ ngơi. Có anh Công an ở TP.HCM thay vì phạt ra đường đã vét túi cho hai chị em sinh viên quê Phú Yên 500 ngàn, khi thấy trong bóp người em chỉ còn 200 ngàn.

Trái với lòng dân ta muôn dặm, quê nhà có nơi lại buồn thiu. Đã có tỉnh thành ra văn bản không nhận đồng bào quê mình. Lý do: dịch phức tạp, hết chỗ cách ly.

Hết chỗ thì cho bà con về nhà tự cách ly, nhờ địa phương theo dõi, coi bộ còn an toàn hơn. Thực tế có khu cách ly tập trung đã thành nơi lây nhiễm, vì nó vi phạm nguyên tắc: đã cách ly thì không được tập trung.

Bình thường, hàng triệu bà con nhập cư, vì miếng cơm manh áo, rời quê tìm đến những tỉnh thành khác mưu sinh và gởi tiền về quê, góp phần thúc đẩy kinh tế quê nhà, ít nhất tăng sức mua sắm cho gia đình, quê hương – từ những đồng tiền gởi về.

Không ít đâu. Cứ nhân số tiền gởi về hàng tháng, hàng năm của mấy triệu bà con nhập cư ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là biết con số ấy khổng lồ như thế nào.

Giờ bà con mình đã đi hàng trăm, hàng ngàn cây số trên đường về, sắp về; không nhận thì bà con mình “đâm đầu vào đâu”?

Cù Mai Công

CHỐNG DỊCH KIỂU NÀY, CẢ NƯỚC ĂN MÀY

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 31-7-2021

Hôm 24 tháng 7, tôi có viết rằng: Tình hình “chống dịch như chống giặc” kiểu đỉnh cao là “cả nước sẽ ăn mày”. Trong đảng không một ai có được một tầm nhìn, một sự hiểu biết sơ đẳng về “địa lý kinh tế nhân văn” của nơi địa phương mà mình đang lãnh đạo”.

Dấu hiệu cho thấy Sài gòn “vỡ trận”. Hình ảnh loan truyền trên Facebook cho thấy hàng hàng lớp lớp người từ Sài gòn “chạy dịch như chạy giặc”. Từng đoàn người đi bộ, từ Sài gòn, sống màn trời chiếu đất trên con đường vạn lý dẫn về quê. Ta thấy lũ lượt những chiếc xe gắn máy gánh nguyên cả gia đình vợ chồng con cái cùng với của cải, mùng màn… chồng chất.

Trong số những người đó ta cũng thấy những đứa trẻ mới sanh còn đỏ hỏn trên tay những bà mẹ. Quê hương của họ ở đâu? Người thì nói là ở Lào cai, người thì nói Nghệ An… Tất cả đều là người Việt Nam.

Thật là thương tâm. Họ “tha phương cầu thực”, họ lưu vong ngay trên đất nước của mình.

Đâu rồi ông Trọng? Đâu rồi tập đoàn cộng sản Việt máu lạnh? Ra đây tất cả để thấy “đất nước mình có bao giờ thê thảm như vầy chưa”?

“Chống dịch như chống giặc” bây giờ là “trốn dịch như trốn giặc”.

Để ý báo chí trong và ngoài nước tất cả đều “im lặng” ở vấn đề này.

Hôm trước, Vũ Đức Đam “cởi ngựa xem hoa” rồi phán rằng dân Sài gòn ra đường đông quá. Cần phải hạn chế bớt. Tôi có viết rằng: “Thưa cha nội tên Đam, dân không ra đường thì lấy cái gì ăn? Cha nội có lo cho dân được cái “ăn” chưa ? Còn điện, nước, nhà cửa… chi phí phải trả hàng tháng. Cha nội có lo được cái gì?

Không biết ai là “tư lịnh” chỉ huy chiến dịch “chống dịch như chống giặc” ở Sài gòn? Nếu là ông Đam thì ông này điển hình một người cộng sản kiểu mẫu. Tức những người quản lý tình huống theo “phản xạ tự nhiên”, hoặc kiểu thiên lôi, sai đâu đánh đó.

Sài Gòn vỡ trận cho ta thấy người tư lịnh không biết một cái gì về “kinh tế nhân văn” của Sài gòn, mặc dầu thống kê đều có đủ.

Sài gòn có bao nhiêu dân “ăn buổi trưa lo buổi tối”? Có bao nhiêu dân “ăn nhờ ở đậu”, bao nhiêu dân sống “bám” bên lề đường? Bao nhiêu dân “nhập cư”, tức những người “tha phương cầu thực”  Khả năng kinh tế của họ là bao nhiêu? Họ chịu đựng được bao lâu?

Từ nhiều tuần qua ta nghe lùm xùm các vụ Sài Gòn sống nhờ vào “từ thiện”. Những người tôi dẫn trên, nếu không sống vào “từ thiện” thì sống vào cái gì? Đại đa số người sống nhờ vào “từ thiện” đều không phải là người Sài Gòn.

“Sài Gòn vỡ trận” như ong vỡ tổ. Mạnh ai nấy chạy thoát thân.

Không ai thấy ông Đam ở đâu hết.

Mầm bịnh theo đó mà phát tán tứ phương… Rồi cả nước sẽ ăn mày…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét