Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

20210820. LỊCH SỬ BỨC TƯỜNG BERLIN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BỨC TƯỜNG BERLIN

NGUYỄN THỌ/ TD 12-8-2021

PHẦN 1. NƯỚC ĐỨC CHIA CẮT

Vào ngày này cách đây 60 năm, đêm 12, rạng sáng ngày 13.08.1961, bức tường Berlin đã bất ngờ được dựng lên, chia thành phố này ra Đông và Tây, gây đau khổ cho hàng vạn gia đình Đức.

Sáu năm sau, hè 1967, tôi đến Berlin với quan niệm Địch-Ta khá rõ ràng. Chúng tôi được dạy dỗ rằng bức tường Berlin là bức tường chống phát xít, bức tường bảo vệ hòa bình, rằng các bạn Đông Đức, Bắc Triều Tiên là những người đồng chí cùng cảnh ngộ, đang cùng đấu tranh thống nhất đất nước như người Việt mình.


Stalin, Roosevelt, Churchill tại hội nghị Teheran 1943. Quá trình chia cắt nước Đức và phân vùng ảnh hưởng ở châu Âu bắt đầu từ đây. Ảnh tư liệu

Sau khi học xong tiếng Đức tôi bỗng hiểu ra rằng, nước Cộng hòa Dân chủ Đức không hề muốn thống nhất. Họ chỉ muốn được công nhận như một nhà nước bình đẳng với CHLB Đức ở phía Tây. Tây Đức thì ngược lại, luôn đòi xóa bỏ biên giới, hiệp thương hai miền. Phía CHDC Đức coi đó là âm mưu thôn tính mà họ phải chống lại bằng mọi cách. Mấy ông cán bộ Việt Nam hay quen mồm “Chúc các đồng chí mau chóng thống nhất đất nước” làm họ rất khó chịu.

Tôi hiểu rằng CHDC Đức muốn chia cắt đất nước. Nhưng vì coi nửa kia nước Đức là tư bản, là đế quốc nên thằng bé 17 tuổi thấy chia cắt là tốt.

Chúng tôi ở Königs Wusterhausen, cách Berlin 30km về phía Nam nên mỗi khi chạy trên đường cao tốc (Autobahn-Berliner Ring) tôi vẫn thấy hàng rào thép gai bao bọc Tây Berlin. Bên trong thấp thoáng những chiếc xe ô tô đẹp, bóng loáng, khác hẳn những chiếc xe Trabant khiêm tốn của các thầy cô tôi.


Bản đồ chia cắt nước Đức và nước Áo tại hội nghị Potsdam. Cả hai nước đều bị chia làm bốn phần. Trong vùng Anh quản lý ở Đức còn có khu vực quân Bỉ (thay mặt Anh) quản lý. Hai thủ đô Berlin và Wien (Vienna) đều nằm lọt thỏm trong vùng của Liên Xô. Tình hình chính trị ở Đức và Áo từ 1945-1955 tương đối giống nhau. Nhưng tháng 10.1955 Liên Xô rút khỏi Áo. Ảnh tư liệu

– Ừ, trong đó giàu có thật. Nhưng ác và xấu như tư bản thì thì vứt – Thằng tôi tự nhủ vậy.

Là kẻ luôn đi sâu vào bản chất của sự việc, tôi đã đọc, xem rất nhiều tài liệu về quá trình chia cắt nước Đức và lịch sử của bức tường.

Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Liên Xô và Mỹ, Anh đã định đoạt tương lai châu Âu tại các hội nghị Teheran và Yalta. Theo đó, châu Âu, nước Đức và cả thành phố Berlin đều sẽ được chia thành các vùng chiếm đóng của ba cường quốc này. Mục tiêu công khai là chia nhỏ nước Đức nhằm triệt tiêu Chủ nghĩa Quốc xã và xóa bỏ mọi âm mưu tái vũ trang của người Đức. Nhưng mục tiêu ngầm là giấc mộng thống trị thế giới của cả Stalin, Churchill và Roosevelt.

Kết quả của những thỏa thuận này là một bản đồ chi tiết cho sự chiếm đóng của Liên Xô ở Đông Âu, Mỹ và Anh ở phía Tây.


Biên giới Đức-Đức dài 1400km hình thành từ năm 1949, sau khi nước CHDC Đức ra đời. Khi đó Berlin vẫn là thành phố thống nhất, chưa có bức tường. Ảnh tư liệu

Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, Hồng Quân Liên Xô đã chiếm sang cả những vùng ở Bắc Âu [1]. Ngược lại, Mỹ cũng giải phóng khu vực quanh Leipzig [2]. Sau này hai bên rút về theo đúng bản đồ đã thỏa thuận.

Sau khi Đồng minh đổ bộ vào Normandie hè 1944, quân Pháp của tướng De Gaulle cùng với phong trào kháng chiến (Résistance) trong nước chia lửa mạnh mẽ với quân Anh-Mỹ nên Pháp cũng được chia phần chiếm đóng nước Đức. 50.000 quân Bỉ cai quản vùng Cologne-Bonn từ tháng 8.1945 đến tận 2003 chỉ là lực lượng hỗ trợ cho quân đội Anh chứ Bỉ không được coi là lực lượng chiếm đóng.

Thế là nước Đức bị chia cắt thành bốn vùng. Liên Xô giữ 1/4 nước Đức ở phía đông là vùng trù phú và phát triển nhất với hơn 20 triệu dân, bao gồm các trung tâm công nghiệp như Dresden, Magdeburg, Berlin, Chemnitz v.v.

Ngoài ra, thủ đô Berlin nằm lọt thỏm trong lòng Đông Đức cũng bị chia làm bốn phần. Liên Xô kiểm soát phần Đông Berlin, sau này thành thủ đô nước CHDC Đức.

Ba phần tư nước Đức còn lại do Mỹ, Anh, Pháp quản với 62 triêụ dân. Ba vùng chiếm đóng này không trở thành ba miền khác nhau vì Đồng minh thỏa thuận để cho người Đức tự quản.

Ba vùng này đều duy trì nền kinh tế tự do trong thể chế dân chủ tư sản nên đã cùng nhau lập ra nước Cộng hòa Liên bang Đức vào ngày 23.5.1949. Lực lượng chính trị được đồng minh hỗ trợ ở đây là các phong trào dân chủ chống Hitler. Những người lập quốc như Konrad Adenau, Willy Brandt, Kurt Schumacher hay Theodor Heuss đều từng bị Hitler truy bức, bắt giam hoặc phải đi tỵ nạn ở nước ngoài nên họ đã làm ra một bản hiến pháp rất tiến bộ, đưa việc bảo vệ nhân quyền và dân chủ lên hàng đầu. Về mặt nhân quyền, hiến pháp Đức 1949 đã vượt qua hiến pháp Mỹ và Pháp. Điều 16a khẳng định quyền tỵ nạn chính trị tại Đức là một ví dụ.

Vì ở miền Đông đang hình thành một nhà nước công nông theo mô hình XNCN của Liên Xô nên những người lập quốc Tây Đức chưa coi nhà nước CHLB Đức là quốc gia hoàn chỉnh. Do đó bản hiến pháp 1949 được những người soạn thảo đặt tên là “Bộ luật cơ bản” (Grundgesetz). Họ dành việc viết hiến pháp (Verfassung) cho nước Đức thống nhất sau này.

Ngày 7.10.1949 nước CHDC Đức, nhà nước công nông đầu tiên của dân tộc Đức ra đời ở miền đông. Tại sao trong một nước Đức phát triển cao lại có một chính quyền công nông?

Bên cạnh việc Liên Xô chiếm đóng Đông Đức còn có nhiều yếu tố địa chính trị thú vị.

Về địa lý, toàn bộ lãnh thổ CHDC Đức là trung tâm của nước Phổ (Prussia, Preussen), nước mạnh nhất trong các nhà nước Đức phong kiến trước khi được thống nhất thành Đế chế Đức vào năm 1871.


Churchill, Truman và Stalin tại hội nghị Potsdam tháng 8.1945. Mọi chi tiết chia cắt nước Đức thành 4 miền và quy chế chia cắt Berlin được khẳng định. Ảnh tư liệu

Từ đó cho đến lúc Hitler lên cầm quyền 1931, nước Phổ vẫn được coi là “Nhà nước tự do” (Freistaat), là “Thành trì của nền dân chủ” (Bollwerk der Demokratie), nơi mà cánh tả luôn chiếm thượng phong. Từ sau cách mạng Đức 1918, các chính đảng cánh tả như đãng Xã hội (SPD) và đảng Cộng sản (KPD) luôn chiếm số lượng ghế lớn trong quốc hội Đức. Thủ tướng Phổ là Bismarck đã đưa ra chế độ bảo hiểm xã hội toàn dân từ cuối thế kỷ 19. Phụ nữ Phổ được đi bầu từ 1918, sớm nhất châu Âu. Từ năm 1840 ở Đông Đức đã có vườn trẻ. Từ đó danh từ “Kindergarten” được dùng nguyên thể trong nhiều thứ tiếng…

Tóm lại: Tư tưởng XHCN đã có chỗ đứng rất vững chắc ở Đông Đức. (Đó là chưa kể đến 85% dân Đông Đức theo đạo Tin lành, cách tân hơn những đồng bào Thiên chúa giáo ở miền Tây.)

Nước Phổ bên cạnh việc phát triển cao về công nghiệp và phúc lợi xã hội, còn có nền hành chính kỷ cương nhất thế giới. Sự kỷ cương này không chỉ tạo ra cung cách quản lý chặt chẽ, rất khoa học (mà bộ máy STASI sau này là một ví dụ). Nó còn tạo ra đức tính chấp hành mệnh lệnh tuyệt đối trong dân chúng (gehorsam = vâng lời). Đức tính này là đất sống cho các nền chuyên chế. Chủ nghĩa quân phiệt Phổ cũng thừa hưởng đức tính này.

Nước Phổ từng trải rộng đến sát nước Nga, quan hệ khăng khít với Nga. Rất nhiều tướng lãnh, quý tộc Phổ phục vụ các triều đại Sa hoàng, có huyết thống với người Nga. Sau cách mạng tháng 10, toàn bộ tinh hoa của nước Nga phong kiến chạy sang Phổ. Các yếu tố lịch sử, văn hóa này giúp cho mối liên kết Đông Đức-Liên Xô chặt chẽ hơn là giả sử Liên Xô chiếm đóng Tây Đức.

Có người coi CHDC Đức thực chất là nước Phổ hiện đại mang học thuyết XHCN. Tuy gọi là nhà nước công nông, nhưng quốc huy của nó không có lưỡi liềm của nhà nông. Thay vào đó là cái compa của trí thức.

Bên cạnh các yếu tố địa chính trị nói trên, vai trò của phong trào Cộng sản Đức vô cùng quan trọng. Là nước công nghiệp nặng, Đức có một giai cấp công nhân khổng lồ, tạo chỗ đứng vững chắc cho đảng Cộng sản Đức (KPD). Vì đảng NSDAP của Hitler và KPD đều muốn độc quyền lãnh đạo đất nước nên Hitler khủng bố, tiêu diệt đảng Cộng sản tàn khốc nhất. Nhiều người cộng sản chạy sang Liên Xô, thành lập Ủy ban Quốc gia nước Đức Tự do (National Kommitee Freies Deutschland NKFD) [3]. Ủy ban này thu phục thêm nhiều tướng lĩnh tù binh Đức, giúp Hồng quân và Đồng minh giải phóng nước Đức. NKFD gồm 5000 người được tổ chức chặt chẽ, trang bị tốt đã trở thành nòng cốt vũ trang của nhà nước CHDC Đức.


Quốc huy CHDC Đức (DDR) với compa và búa ở trung tâm.

Liên Xô cũng giải phóng nước Áo, cũng chiếm phần lớn nước Áo và một phần thủ đô Vienna từ năm 1945 y như Đức. Khổ nỗi người Áo sống bằng nhạc, lễ hội, ít công nghiệp, không có phong trào cộng sản nên Liên Xô loay hoay mãi không xây dựng được nhà nước XHCN ở đó. Năm 1955, Moscow đành trao trả độc lập cho nước Áo trung lập, sau khi đã bóc hết nhà máy, đường sắt, tàu hỏa v.v. để trả nợ chiến tranh [4]. Người Áo mừng húm vì “Của đi thay người“. (Chỉ người Việt hơi buồn vì sau này không ai được đi “Hợp tác lao động” ở Áo.)


Tướng Pháp De Lattre de Tassigny đến Potsdam để nhận lãnh trách nhiệm chiếm đóng nước Đức. Từ trái sang là tướng Montgomery của Anh, Eisenhower (Mỹ) và nguyên soái Sucob (LX). Ảnh tư liệu

Trong khi đó nước Đức bị chia hai. Biên giới Đức-Đức (innerdeutsche Grenze) dài 1.400km chia cắt hai miền cũng hình thành từ tháng Mười 1949, ngay sau khi nước CHDC Đức ra đời.

Nhưng Berlin vẫn là một thành phố thống nhất, vẫn chung một hệ thống nhà đèn, một hệ thống cấp thoát nước, một mạng lưới giao thông v.v Hai bên đông tây vẫn đi lại bình thường.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thọ

_

Ghi chú:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Liberation_of_Finnmark

[2] https://www.l-iz.de/bildung/zeitreise/2020/04/Erinnerung-an-den-75-Jahrestag-der-Befreiung-Leipzigs-durch-die-US-Armee-vor-der-Gedenkstaette-Museum-in-der-Runden-Ecke-327090

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/National_Committee_for_a_Free_Germany

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Allied-occupied_Austria#Soviet_rule_and_reestablishing_Austrian_government

PHẦN 2- BIÊN GIỚI ĐỨC-ĐỨC

Nhiều người nhầm lẫn, coi bức tường Berlin là biên giới Đức-Đức. Lý do là bức tường đó được bất ngờ dựng lên trong một đêm, như một quả bom hạt nhân nổ khiến cả thế giới nói về nó, coi như một biểu tương của chiến tranh lạnh. Còn biên giới Đức-Đức thì khổng lồ hơn nhiều, cứ ngấm ngầm len lỏi, lớn dần lên giữa các làng mạc trong vòng 7 năm liền nên ít ai để ý đến nó.

Sau hội nghị Potsdam tháng 8.1945, quân đội các bên rút về những đường biên đã thỏa thuận và thiết lập chế độ quân quản. Ba vùng quân quản phía tây chỉ kiểm soát giấy căn cước đi lại để bắt các tội phạm Nazi còn ẩn náu. Sau khi ba vùng thống nhất tiền tệ vào năm 1948, dùng chung đồng DM thì tự do thông thương hoàn toàn.

Giữa vùng Xô Viết và 3 vùng còn lại cũng có một đường ranh. Nhưng bên cạnh việc truy lùng tội phạm chiến tranh (thông qua căn cước), Liên Xô còn kiểm soát hành chính bằng giấy thông hành (Passierschein). Lúc đầu khi lính Liên Xô còn kiểm soát, mọi việc nhiêu khê nhưng vẫn ụ xọe cho xong. Đến khi chính quyền được trao dần cho những người cộng sản Đức thi công việc trở nên khắt khe hơn.


Dải đất chết. Ảnh tư liệu

Công An đông Đức biết rõ lý lịch của từng người làng nên việc cấp giây thông hành trở nên khó khăn. Thế là dân chúng bắt đầu vượt biên, đi qua các con suối, các đường mòn để sang bên kia chơi, mua sắm, thăm nom. Để chống lại việc này, chính quyền miền Đông cứ dần chăng thêm thép gai hết đoạn này đến đoạn khác, buộc người dân phải đi qua các cửa khẩu, giờ đây do công an người Đức kiểm soát.

Câu chuyện có thật của làng Mödlareuth miền nam CHDC Đức được đài truyền hình ZDF làm thành phim với tên “Làng Tannbach” [1] một khắc họa điển hình của quá trình chia cắt nước Đức. Đường biên của khu vực Liên-Xô và Mỹ là một con suối chạy qua giữa làng. Sau chiến tranh, cả hai bên đều đói khổ, điêu tàn như nhau.


Làng cộng hòa Rüterberg ở Tây bắc CHDC Đức có quy chế đặc biệt, vì nằm lọt thỏm trong vùng quân Anh mà sau này Tây Đức quản lý. Ảnh tư liệu

Trong khi cuộc sống ở bên Đông bị xáo trộn bởi cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa, thì ở bên Đoài bọn cựu Nazi lại làm loạn. Những kẻ như lão địa chủ Schober lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng nịnh người Mỹ để thâm nhập vào chính quyền, quân Mỹ thì ú ớ. Nhưng Schober không ngờ rằng có người giữ được tấm thẻ đảng NSDAP (đảng Quốc xã) của gã. Thế là cuộc truy tìm tấm thẻ đảng của Schober trở nên đẫm máu.

Có thể nói thời kỳ mới hòa bình, cuộc sống ở hai miền Đông-Tây Đức đều khốn nạn như nhau. Dòng người đi lại vì kinh tế giữa hai bên chưa nhiều. Nhưng việc cái hàng rào ngăn chặn người dân đi từ Đông sang Tây cứ cao dần lên khiến người Đông Đức hoảng sợ và ngày càng có nhiều người bỏ sang phía Tây. Dòng người càng tăng thì cái hàng rào thép gai đó ngày càng dài ra và cao lên, nhưng nó chưa phải là biên giới. Nước Đức vẫn là một, cùng đói khổ đổ nát như nhau.

Sau ngày 7.10.1949 khi nước CHDC Đức ở miền Đông ra đời để trả lời việc hình thành nước CHLB Đức ở phía Tây thì cái hàng rào thép gai đó được Đông Đức đơn phương xây thành biên giới. Khi đó nó đã dài 1.400km với hàng trăm chòi canh có đèn pha và các trạm chó săn. Cho đến năm 1952, nó được mở rộng thành hai hàng rào thép gai, ở giữa luôn là đường đi của lính biên phòng. Hàng rào dây thép gai được gắn các loại cảm biến để khi có người động vào sẽ báo đông. Lại còn có loại có loại mìn tự động sẽ phát hỏa về phía có tiếng động [2]. Không biết loại mìn có chân tay này đã giết chết người nào chưa, nhưng lợn, hươu rừng thì rất nhiều.


SM-70 là một loại mìn thông minh, phát hiện tiếng động và cử động, tự động phát nổ. Nguồn: ChrisO-Eigenes Werk

Năm 1970, tôi thực tập ở đài truyền hình Rostock, chơi thân với ông Parschen, người phụ trách chương trình săn bắn và lâm nghiệp “Weidmannsheil” nên hay được đi theo quay phim ở vùng sát biên giới Đông-Tây Đức.

Tuy chỉ đứng từ xa nhìn vào, nhưng tôi bị ấn tượng mạnh bởi hệ thống hàng rào dây thép mênh mông này. Người Đức làm cỗ máy giết người đó cũng rất chỉnh tề, chỗ nào cũng có biển báo: hoặc là sẽ bị bắn, hoặc sẽ có mìn. Người ta đã rải 1,3 triệu trái mìn trên nhiều tuyến biên giới [3]. Sau ngày thống nhất nước Đức, việc tháo gỡ các bãi mìn này cũng rất nhanh vì công binh có các bản đồ chính xác đến từng cm.

Dải đất chết 1.400km này chạy qua rất nhiều làng mạc, ấp trại như làng Tannbach nói trên, cắt đứt mọi liên hệ máu mủ, mọi mối tình. Nhưng ngôi làng như Rüterberg thì chỉ có một. Tôi đã may mắn đến đây [4].

Quân Anh và Hồng quân qua định chia vùng quản lý dọc theo sông Elbe, Liên Xô ở bờ Đông, Anh ở bờ Tây. Vì đoạn sông Elbe đi qua Rüterberg lại gấp khúc hình chữ V nên khi chia ranh giới người ta trót kẻ thẳng, để cho quân Anh lấn sang bờ đông sông Elbe, quản luôn cả làng Rüterberg. Tranh chấp mãi, về sau quân Anh rút khỏi Rüterberg, nhưng đóng quân xung quanh để tối tối vào làng uống bia, tán tỉnh chị em thôn nữ. Hồng quân tiếp quản Rüterberg, biến nó thành một vùng thuộc CHDC Đức, nằm lọt thỏm 3 mặt trên lãnh thổ Tây Đức.

Vì lọt thỏm trong lãnh thổ Tây Đức nên nhiều người Đông Đức vẫn đến làng này du lịch và tranh thủ ban đêm, trốn sang bên kia. Năm 1961, CHDC Đức xây hai lớp hàng rào bao quanh 3 mặt làng, ở giữa là đường đi có đèn pha chiếu sáng, có lính biên phòng đi tuần.

Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người cắt được dây thép gai, lừa được lính biên phòng để chạy qua bên kia. Tức quá, công an Đông Đức rào béng cả mặt thứ tư, xây một cái cổng sắt to đùng và chỉ cho người làng được ra vào. Ở giữa làng, người ta xây một tháp canh cao vút, có đèn pha chiếu sáng bốn mặt. Họ hàng, bè bạn ở nơi khác muốn đến thăm, phải làm đơn xin phép trước cả tháng. Lá đơn phải được cơ quan công an ở Rüterberg và ở nơi ông họ hàng kia chứng nhận.

Xe cộ, máy móc nông nghiệp của dân làng Rüterberg mỗi khi đi qua cổng làng đều bị kiếm soát chặt chẽ như ra vào một căn cứ hạt nhân. Từng đống rơm rạ đều bị khui ra xem có ai nằm trong đó không. Dân làng có một loại căn cước riêng. Cuộc sống ở đó cũng khá giả hơn các nơi khác vì là bộ mặt của CHDC Đức lọt thỏm trong Tây Đức giàu có… Từ đó hình thành ra “Làng Cộng hòa Rüterberg”, kẹp giữa hai nước Cộng hòa Dân chủ và Liên Bang Đức.

Những ví dụ trên cho thấy chính quyền CHCD Đức chi một phần rất lớn GDP cho biên giới. Giá như không có cái đó thì đời sống dân Đông Đức chắc sướng lắm. Mà quả thật, tới đầu những năm 1960, khoảng cách về kinh tế giữa hai miền chưa lớn. Nhìn sang Tây Đức người ta chỉ thèm những cái ô-tô đẹp, những loại cà phê, thuốc là thơm, rượu ngon, nói chung là đồ xa xỉ. Dân chúng Đông Đức ăn uống no đủ, có nhà cửa bao cấp, trường học, vườn trẻ, y tế miễn phí, không lo thất nghiệp v.v. Đối với tôi CHDC Đức là thiên đường XHCN, không có lý do gì để dân bỏ đi.

Vì vậy tôi tin là cái biên giới kiểu dinh lũy đó, được canh phòng bởi 45.000 quân nhằm chống lại một cuộc xâm lăng từ bên kia, chứ không biết rằng nó nhằm ngăn chặn làn sóng di dân về phía tây.

Sau này tôi mới vỡ ra rằng: Người dân Đông Đức không thiếu ăn, thiếu mặc, không lo sợ thất nghiệp, nhưng thiếu tự do. Đó là lý do khiến họ bỏ về miền Tây. Chính quyền coi đó là tội bỏ trốn (Republikflucht) trong khi người dân coi là đi tỵ nạn.

Nhưng giải đất chết người đó đã chặn đứng dòng người tỵ nạn.

Trong khi đó thành phố Berlin vẫn tiếp tục hưởng quy chế đặc biệt của Đồng minh. Việc đi lại giữa bốn vùng uỷ trị ở Đông và Tây Berlin vẫn bình thường. Tàu điện, tàu nhanh (S-Bahn), xe Bus vẫn chở khách qua lại. Ở mỗi Checkpoint (cửa khẩu), cảnh sát vẫn kiểm tra căn cước. Ở cái thành phổ mênh mông này còn muôn vàn ngõ ngách mà bọn trẻ con vẫn chạy sang chơi với nhau, đám thanh niên vẫn sang bên kia phố tán gái, nhảy đầm mà không cần check point. Người Đông sang được Tây Berlin mà muốn ở lại bên đó sẽ được chấp thuận ngay và được máy bay đồng minh chở về Tây Đức định cư.

Cửa thoát này khiến dòng tỵ nạn đổ về Berlin ngày càng nhiều. Ngày cao điểm nhất có 20.000 người đổ sang Tây Berlin.

Ước tính từ tháng 10.1949 đến hè 1961 có khoảng 3 triệu công dân CHDC Đức bỏ sang Tây Đức, phần lớn là qua ngả Tây-Berlin [5].

(Còn tiếp)

_____

[1] https://www.zdf.de/filme/tannbach

[2] https://de.wikipedia.org/wiki/Selbstschussanlage

[3] https://www.welt.de/kultur/history/article125707234/DDR-Erbe-Landminen-kann-noch-Millionen-kosten.html

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1924741607543903

[5] Từ sau 13.8.1961 đến đầu năm 1990 có thêm khoảng 500.000 công dân CHDC Đức bỏ sang CHLB Đức. Trong suốt 45 năm chia cắt, tổng số người Đông chạy sang Tây Đức 3,5 triệu người, có 400.000 người từ Tây Đức chạy sang Đông Đức.

Nguyễn Thọ

PHẦN 3- NGÀY 13-08-1961

Tại sao một nhà nước cảnh sát hùng mạnh như CHDC Đức, thừa sức xây 1.400 km biên giới bất khả xâm nhập từ 1949 mà không khóa nổi mấy chục cây số đường biên Đông-Tây-Berlin suốt bao nhiêu năm, khiến 3 triệu người di tản qua đó?

Vấn đề nằm ở quy chế đặc biệt của thành phố Berlin trong các thỏa thuận ở Yalta và Potsdam. Ở đó việc chia tư nước Đức và thành phố Berlin là những điều khoản khác nhau, khiến Berlin trở thành một lãnh thổ đặc biệt.


Ban quân quản đồng minh (Allied Kommandatura) được lập ra để cai quản Đại Berlin (Großberlin). Lính gác của bốn bên đứng trước cổng. Tháng 8.1948, Liên Xô đơn phương rút ra khỏi cơ quan này. Ảnh tư liệu

Chỉ riêng việc Liên Xô huy động 2 triệu rưởi quân, 7.500 máy bay và 6.000 xe tăng, tổn thất 80.000 người để chiếm trọn Berlin rồi sau đó nhường 3/4 thành phố cho Mỹ, Anh, Pháp đã nói lên tầm quan trọng của Berlin trong cục diện chính trị lúc đó.

Khác với nước Đức, Berlin được coi là “Thành phố tự do”, cai quản bởi “Hội đồng quân quản đồng minh”. Hội đồng này do tư lệnh quân đồn trú Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô thay nhau điều khiển. Sau 1948, Liên Xô đơn phương rút ra khỏi hội đồng này thì ba ông kia họp vẫn phải để cái ghế trống có cờ búa liềm bên cạnh. [1] Bên cạnh đó còn có Ủy ban quốc tế giám sát bao gồm 16 nước đồng minh (Military missions MM). Do đó mọi quyết định đơn phương của từng bên về Berlin luôn gặp rắc rối.

Mặc dù Đạo luật cơ bản 1949 của CHLB Đức coi Tây Berlin là một bang của mình, nhưng Liên Xô, CHDC Đức cùng hai thành viên của MM là Ba-Lan và Tiệp Khắc cực lực phản đối. Vì vậy nhiều đạo luật của CHLB Đức không có giá trị ở Tây Berlin, ví dụ như nghĩa vụ quân sự. Thanh niên Tây Đức trốn lính hay sang Tây Berlin sống. Máy bay dân sự của Tây Đức không được bay qua lãnh thổ Đông Đức để sang Tây Berlin, mọi đường bay Tây Đức-Tây Berlin đều do đồng minh đảm nhiệm.

Chính quyền Đông Đức một mặt coi Đông-Berlin là thủ đô của mình, mặt khác không chấp nhận Tây Berlin như một bang của CHLB Đức, mà chỉ là “Thành phố tự do”. Thái độ mâu thuẫn này gây khó khăn cho chính họ: Không có lý gì để xây biên giới với một thành phố tự do. Chủ tịch CHDC Đức Walter Ulbricht vì vậy mà phải tuyên bố: Không ai có ý định xây tường!

Nhưng trở ngại chính của việc xây tường đến từ lãnh tụ Liên Xô Nikita Kruschev. Ông chủ trương xây dựng một CNXH nhân đạo và phồn vinh, chủ trương giải quyết câu hỏi “Ai Thắng Ai” bằng tính ưu việt của CNXH. Dưới thời ông, Liên Xô đã có những thắng lợi quan trọng trong chạy đua vũ trang và vũ trụ với Mỹ, văn học, nghệ thuật được cởi trói, đời sống nhân dân nâng cao [2]. Vì vậy Krushev không cho phép Ulbricht xây tường Berlin mà đòi hỏi thành công trong kinh tế để chặn dòng người ra đi. Đối với Krutshev, bức tường sẽ phá tan giấc mơ XHCN tươi đẹp.


Kruschev và Kennedy gặp nhau tại Vienna tháng 6.1961. Khi đó Krushev vẫn chưa nghĩ đến việc xây tường chia cắt Berlin. Ảnh tư liệu

Krutshev có chính sách riêng cho Berlin. Tuy mềm mỏng hơn người tiền nhiệm, nhưng ông cũng sử dụng lý lẽ cứng của Stalin ngày trước “Tớ đã tốn nhiều máu để giải phóng Berlin, sau cho các cậu “mượn” quyền quân quản 3 vùng để giữ hòa hiếu. Nay chế độ quân quản đã hết (từ 1948), tớ muốn bàn lại“.

Một mặt, ông dùng vũ lực đe dọa phương Tây, mặt khác đưa ra sáng kiến “Hiệp định hòa bình” mà bốn nước thắng trận sẽ ký với hai nước Đức, công nhận chủ quyền lãnh thổ của hai nước. Khi đó quyền kiểm soát các ngõ ra vào “Thành phố tự do Berlin” hoàn toàn nằm trong tay CHDC Đức. Ông hy vọng, mặc dù Đông-Tây Berlin vẫn đi lại tự do, nhưng chính sách bao vây xung quanh sẽ khiến cái ao tư bản khô cạn và phương tây sẽ chán nản từ bỏ dần Tây Berlin. [3]

Đầu năm 1961 Kennedy lên cầm quyền, khẳng định ý đồ giữ Berlin bằng mọi giá. Chính sách đó phá sản.

Trong khi đó sự tụt hậu của miền Đông so với miền Tây ngày càng nặng. Người Đông Đức ồ ạt kéo về Đông Berlin rồi tìm cách sang Tây Berlin xin tỵ nạn. Mặc dù không được Liên Xô đồng ý, nhưng chính quyền Ulbricht vẫn ngấm ngầm chuẩn bị xây bức tường. Kế hoạch này bí mật đến mức ông Hans Modrow, thủ tướng cộng sản cuối cùng của CHDC Đức năm 1989, tháng 8.1961 là cán bộ đảng cấp quận, cũng không được biết. [4]


Chủ tịch CHDC Đức Walter Ulbricht (phải) là người chủ trương xây bức tường. Người thực hiện là Erich-Honecker (trái), sau này thay ông Ulbricht. Ông Ulbricht nổi tiếng bởi câu nói: “Không ai có ý định xây tường” – Vài tuần trước khi ông ra lệnh xây. Ảnh tư liệu

Kế hoạch này phải giải quyết hàng loạt bài toán. Nếu như xây 1.400km biên giới Đức-Đức là chia cắt một gia đình, thì chia cắt Berlin là cuộc giải phẫu tách hai đứa bé song sinh. Một cuộc giải phẫu không có thuốc mê vì cả hai đứa sẽ cùng giãy dụa, chống lại.

Trẻ song sinh vì các mạch máu kinh tế, xã hội đan xen nhằng nhịt giũa hai bên. Thành phố gần 4 triệu dân này không chỉ sử dụng chung hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, một mạng giao thông công cộng, mà từng tế bào kinh tế cũng phụ thuộc vào nhau. Rất nhiều dân Đông ngày sang Tây làm việc, tối về nhà ngủ. Tiền lương DM đổi ra DDR-M (Ostmark) nuôi cả nhà. Rất nhiều cá nhân và hãng Tây mang đồ sang Đông gia công, giá rẻ như bèo. Vải lụa Tây may bởi thợ Đông ra cái váy tuyệt cú mèo. Hàng ngàn nông trại Đông Đức sống nhờ vào cung cấp rau quả cho Tây Berlin. Hai bên cứ dính vào nhau mà sống như vậy.

Các nhà “thiết kế” bức tường đã tính toán mọi chi tiết liên quan. Từ việc cân phụ tải khi cắt đôi mạng lưới điện, đến việc thay đổi dòng chảy các cống ngầm. Đó là chưa kể đến việc vận chuyển hàng ngàn tấn dây thép, bê tông, vật liệu xây dựng đến gần các đường biên mà không để ai biết.

Ngày 3.6.1961, tại cuộc gặp thượng đỉnh Vienna, Khrushev vẫn tìm cách thuyết phục Kennedy về kế hoạch hóa giải Berlin của ông, nhưng thất bại.

Mãi đến ngày 20.06.1961, Khi N. Schelepin, phụ trách KGB ở Đức báo cáo cho Krushev về sự nguy kịch của Berlin, ông ta mới thay đổi ý kiến. Đây có lẽ là quả đắng lớn nhất mà Krushev phải nuốt. Các đơn vị đồn trú Liên Xô được lệnh giúp đồng minh xây tường. Lẽ ra đây mới là ngày ra đời của bức tường.

Chiến dịch “Hoa Hồng” (Aktion Rose) lập tức được tư lệnh quân đồn trú Liên Xô cùng các đồng nghiệp Đức soạn thảo. Người Nga ngạc nhiên vì mọi việc đều đã được người Đức chuẩn bị xong hết.

Nửa đêm thứ bảy 12.08 rạng sáng chủ nhật 13.08.1961 Erich Honecker, nhân vật thứ hai của CHDC Đức phát lệnh ra quân. Hàng vạn binh sỹ, dân quân tự vệ được các sư đoàn xe tăng của Hồng quân và Quân đội Nhân dân Quốc gia Đức (NVA) yểm trợ dựng lên các hàng rào bằng dây thép gai và gỗ. Một số nơi được củng cố bằng cột bê tông. Xung quanh các công trường xây dựng này là những đám đông dân chúng hỗn loạn chen lấn để vượt qua tường, người thì muốn về chỗ ở bên này hoặc bên kia, người thì muốn thoát thân, người thì chỉ chạy đi tìm người thân đang còn kẹt ở đâu đó bên kia.

Bên phía Đông, môt hàng rào dân quân tự vệ dàn ra để ngăn cản người dân vượt qua những chỗ rào chưa kín. Bên phía Tây, cảnh sát được điều đến hàng rào để cứu giúp những người vượt dây thép gai chạy sang. Nhưng cũng có những người đang mải chơi bên Tây, nay sống chết phải về với gia đình ở bên Đông. Người ta xô đẩy giành giật từng người sang phía mình. Những ai đã sang bên kia vạch trắng thì dù nửa mét cũng coi như thoát. Hai bên rất quân tử tây, không ăn gian.

Bộ phịm tài liệu “Một ngày trong tháng 8” [4] do đài truyền hình ZDF mới sản xuất đã ghi lại những câu chuyện thật của nhiều nhân chứng ngày 13.8.1961. Tất cả họ đều bị sốc vì hành động nhanh chóng và lạnh lùng của các lực lượng xây tường. Ai cũng đoán là sẽ có điều gì xảy ra, nhưng với một bức tường thép gai chia cắt mọi tế bào của cuộc sống thì không ai tính tới.

Phương Tây bị bất ngờ hoàn toàn, nhưng không hề có phản ứng xứng đáng. Vài xe tăng Mỹ kéo ra checkpoint Charly đối đầu với tăng Liên Xô. Công binh Đông Đức vẫn cần mẫn kéo dây thép gai ở giữa. Chỉ thế rồi tăng Mỹ lại rút. Không có lệnh gì từ nhà trắng. Báo chí lá cải đổ tội cho ngày chủ nhật.


Xe tăng Liên Xô và Mỹ dàn ra trước Checkpoint Charly sáng ngày 13.08.1961. Nhưng không bên nào nổ súng. Ảnh tư liệu

Kennedy khi được tin thậm chí còn thấy nhẹ nhõm vì vấn đề người tỵ nạn đổ vào Tây Berlin sẽ biến mất, trong khi nguyên tắc “Three essentials” (3 trọng yếu) [5] mà ông đang đấu với Krushev không hề bị phá vỡ.

1- Dân Tây Berlin không bị tấn công;

2- Quân đồn trú Mỹ, Anh, Pháp vẫn ở lại;

3- Các tuyến giao thông transit từ Tây Đức đi Tây Berlin vẫn còn nguyên

Số phận của người dân Đông Berlin không có trong “3” điều này.

Bà Ingrid Taegner, ngày đó là một cô gái Đông Berlin, nhớ lại: Bố tôi hét từ bên kia hàng rào. “Con đừng sợ, người Mỹ sẽ không để trò này kéo dài. Bố sẽ về với con”.


Bức ảnh đi khắp thế giới. Một phụ nữ Đông Berlin kịp chạy qua lằn ranh giới để sang Tây Berlin và được cảnh sát Tây Berlin bảo vệ. Ảnh tư liệu

Lâu lâu cô lại thấy ông đến bên kia hàng rào để tìm cô, nhưng cô không dám lộ diện. Ingrid không bao giờ gặp lại bố mẹ nữa, kể cả khi ông bà mất ở Tây Đức.

(Còn tiếp)

_____

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Allied_Kommandatura

[2] Liên xô phóng tầu Sputnik, đưa chó Laika, đưa ngươi (Gagarin) vào vũ trụ đều trước Mỹ. Mỹ làm ra máy bay U2 bay cao 22km, tưởng LX chịu thua. Nhưng LX dùng tên lửa SAM2 bắn hạ U2 năm 1961… Thời kỳ này những phim “Đàn sếu bay qua”, hay “Người thứ 41” của LX nói về tình người trong chiến tranh rất hay, nhưng bị cấm chiếu ở VN và TQ.

[3] https://www.bpb.de/geschichte/zeitgeschichte/deutschlandarchiv/53708/die-udssr-und-die-mauer?p=1

[4] https://www.zdf.de/dokumentation/zdfzeit/zdfzeit-ein-tag-im-august–mauerbau-61-100.html

[5] https://www.grin.com/document/56237

Nguyễn Thọ

PHẦN 4: NHỮNG ĐỨA CON CỦA BỨC TƯỜNG


Cảnh sát Tây Berlin nhặt xác của anh thanh niên Peter Fechter bị bắn chết bên hàng rào biên giới đông tây Berlin hôm 17.08.1962. Ảnh tư liệu

Những ngày sau khi bức tường thép gai tạm thời được dựng lên, hàng trăm người Đông Berlin vẫn tìm cách lọt qua các kẻ hở để chạy trốn. Có những nơi người ta nhảy qua cửa sổ sang bên kia. Dân Tây Berlin giăng vải bạt hứng được hàng chục người nhảy cửa sổ, không có tai nạn nào xảy ra. [1]

Dần dần chính quyền Đông Đức xây hoàn chỉnh thành những bức tường cao 3m, có một dải đất phân cách cho xe biên phòng đi tuần, có tháp canh, đèn pha chiếu sáng. Nhưng người dân vẫn tìm cách đào những con đường hầm từ những khu nhà gần đường biên để sang bên kia. Rồi dần dần những hộ ở gần đường biên cũng bị di dân đi nơi khác và các ngôi nhà đó bị san ủi thành bãi hoang.


Cấu trúc bức tường Berlin. Ảnh tư liệu

Ngày 13.8.1961 được coi là ngày chính thức hoàn thành việc chia cắt nước Đức. Một sự chia cắt không cân xứng. Người dân miền Tây vẫn sang Đông được. Nhà nước Tây Đức cho dân tự do đi lại. Phía Đông Đức thì coi người Tây là nguồn ngoại tệ quan trọng. Người Tây Đức vẫn đi xe ô tô qua 3 tuyến đường cao tốc để sang Tây Berlin. Họ chỉ được dừng lại ở những cây xăng dành cho họ, không được rẽ ngang tắt. Nếu có lý do chính đáng (thăm thân, định cư hay công tác), họ sẽ được vào lãnh thổ CHDC Đức.

Nhưng người dân Đông Đức thì không được đi sang phía Tây. Sau ngày 13.8.1961, họ chỉ còn cách liều chết vượt biên hoặc xếp hàng đặt đơn đi thăm thân, xin xuất ngoại. Đơn thăm thân rất ít khi được xét, và chỉ xét cho những cán bộ đáng tin cậy. Mà tin cậy đến đâu thì chỉ có vợ hoặc chồng được đi, phần kia của gia đình phải ở lại làm con tin.


Dân chúng Đông Berlin ở phố Bernauer nhảy qua cửa sổ để chạy sang Tây Berlin hôm 13.08.1961. Ảnh tư liệu

Những người xin xuất ngoại mới khốn khổ. Họ luôn bị coi là kẻ „có vấn đề“ trong suốt thời gian chờ đợi đơn được cứu xét. Nhiều người mất việc, bị bạc đãi, sống trong sự dè bỉu của hàng xóm, đồng nghiệp. Có những người như bà Ingrid Taegner được kể ở cuối bài trước, cam chịu cả đời không được sang bên kia.

Những người không cam chịu được thì tìm cách vượt biên. Để vượt qua 155km biên giới bao quanh Tây Berlin hay 1.400km biên giới Đức – Đức đầy mìn và thiết bị điện tử, được canh gác vô cùng chặt chẽ, người ta đã sáng tạo ra muôn vàn cách thoát thân. Ở Đức có rất nhiều “bảo tàng vượt biên”, trình bày từ những cách đào hầm, đóng xe tải thành xe tăng để phá hàng rào, làm xe ô tô nhiều lớp vỏ, bay bằng khinh khí cầu, vượt biển Baltic bằng ca nô v.v.



Vượt biên trong những ngày đầu khi mới chỉ có dây thép gai. Ảnh tư liệu

Bà Liane Weinstein sinh ở Tây Berlin mới được 2 tháng. Dịp cuối tuần bố mẹ bà bận sửa nhà nên gửi cháu bé cho ông bà ngoại ở Đông Berlin. Bức tường dựng lên sáng chủ nhật 13.08 đã khiến bé phải ở lại với ông bà bên phía Đông. Bố mẹ bé ở bên kia gần như phát điên vì mất con. Họ nhờ người đào một đường hầm để đưa bé về phía tây. Kế hoạch bại lộ, những người đào hầm và ông bà ngoại bị bắt giam. Cô bé bị đưa vào trại mồ côi. 11 năm sau, nhờ sự can thiệp của chính quyền Tây Đức, cô được trả về phía Tây với bố mẹ, những người đối với cô rất xa lạ.


Gia đình bà Liane Weinstein (giữa) tan vỡ sau 11 năm bà bị giữ làm con tin ở Đông Berlin. Bố mẹ mà đã li dị nhau trước ngày bà được trả về Tây Berlin cho họ. Ba số phận có thật của những người con của bức tường Đức. Ảnh tư liệu

Trong 11 năm qua cô luôn được nghe kể rằng: bố mẹ đã nhẫn tâm bỏ con lại để hưởng lạc ở miền Tây, mặc dù chính quyền luôn mời họ về miền Đông với con gái. [2]

Thế hệ người Đức như bà Weinstein được gọi là những đứa con của bức tường. Dù gia đình họ có bị xé nát hay không, dù ở Đông hay ở Tây thì ai cũng bị ảnh hưởng bởi sự chia cắt đất nước.

Chính phủ CHDC Đức luôn tuyên bố: “Bức tường là sự lựa chọn của nhân dân”. Đầu tháng 10.1989, hàng trăm ngàn người Đông Đức biểu tình với khẩu hiệu: “Chúng tôi là nhân dân”, “Hãy mở cổng thành”. Sau hơn một tháng liên tục đấu tranh bất bạo động, đêm 9.11.1989, bức thành bị dỡ bỏ.

Người ra lệnh mở cổng thành lại chính là Trung tá an ninh STASI Harald Jäger [3]. Ngày nay người ta đặt câu hỏi. Nếu vào giờ phút lịch sử đó Jäger ra lệnh nổ súng vào đám đông quần chúng đang đòi mở cổng thành thì sẽ ra sao? Lịch sử cuối cùng cũng vẫn sang trang, vì lòng dân đã rõ, nhưng sẽ tốn máu. Viên sỹ quan STASI Jäger biết tiếc máu của dân mình vì anh cũng là nhân dân, cũng là người con đau khổ của bức tường.

Một trong những cách tuyệt vọng để vượt biên. Ảnh tư liệu

Tôi có thể viết hàng trăm bài về nước Đức chia cắt, vì tôi là đứa con miền Nam tập kết ra Bắc, chơi thân với nhiều bạn bè Đông và Tây Đức, chứng kiến nhiều số phận của họ. Tôi xin tạm dừng ở đây với các tóm tắt như sau:

– Tháng 5.1945. nước Đức thua trận bị phân chia thành 4 vùng chiếm đóng của Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Thủ đô Berlin nằm lọt thỏm trong vùng Liên Xô ở miền Đông nước Đức cũng bị chia 4. Chia nhưng chưa bị cắt, vì giữa các vùng vẫn đi lại được.

– Tháng 5.1949, ba vùng tư bản ở Tây Đức tập hợp thành nước CHLB Đức, kinh tế tư bản, dân chủ đại nghị.

– Tháng 10.1949, nước CHDC Đức ra đời ở miền Đông lấy Đông Berlin làm thủ đô. Biên giới Đức-Đức dài 1400km hình thành, chia cắt nước Đức thành 2 miền XHCN và TBCN.

– Trong khi đó Tây Berlin vẫn là thành phố tư bản, tự do. Đi lại giữa đông-tây thành phố vẫn “bình thường”. Tây Đức và Tây Berlin liên hệ với nhau qua các đường sắt, đường cao tốc và hàng không xuyên qua lãnh thổ CHDC Đức (theo thỏa thuận của đồng minh).

– Lỗ hổng này giúp cho 3 triệu người bỏ Đông Đức đi sang Tây Đức qua đường Tây-Berlin. Những người này được gọi là dân tỵ nạn. Lý do ra đi có thể là kinh tế, là chính trị (đòi tự do dân chủ) hoặc đoàn tụ gia đình.

– Để tránh việc chảy máu chất xám, ngày 13.9.1961, CHDC Đức bất ngờ xây bức tường Berlin, chính thức chia cắt hoàn toàn nước Đức.

– Từ sau 13.8.1961, dòng người tỵ nạn giảm hẳn. Vượt biên trở nên nguy hiểm chết người. Từ tháng 8.1961 đến ngày 11.1989, chỉ còn khoảng 500.000 công dân CHDC Đức sang được CHLB Đức. Trong đó hơn 300.000 người được cấp phép xuất cảnh định cư, đoàn tụ gia đình.

– Chính phủ CHLB Đức đã chi 5 tỷ DM để “mua giấy phép xuất ngoại” cho 250.000 đồng bào trong số 300.000 nói trên. Ngoài ra CHLB Đức chi 3,5 tỷ DM để “mua tự do” cho 33.700 tù chính trị từ các nhà tù CHDC Đức. [4]

– Số người bị bắn chết trong khi vượt bức tường trốn từ Đông sang Tây Berlin là 140 người.

– Số người chết vì bị bắn, vì vấp mìn khi vượt qua biên giới Đức – Đức là 327.

– Nếu kể cả hơn 200 người bị chết khi vượt biển Baltic để sang Bắc Âu hoặc Tây Đức và khoảng 300 người bị chết khi vượt qua biên giới các nước XHCN khác thì có khoảng 1000 người Đức đã chết chỉ vì muốn đi từ vùng đất này đến vùng đất khác của tổ quốc mình.

PS: Ai cần có thể đọc một số tư liệu khác về “Chia cắt nước Đức”:

Bài viết khác về bức tường Berlin và số phận những con người: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3195284190489632

Bài viết về những ngày phong tỏa Berlin: “Máy bay ném bom nho”: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3184493994901985

Bài viết về vụ vượt biên bằng khinh khí cầu “Gió bay về miền tây”: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3340344989316884

Bài viết về những cầu thủ bóng đá CHDC Đức: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/4734892423195460

Viết về những gì xảy ra sau ngày thống nhất đất nước: Về những bức tường trong đầu (3 bài) https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2549301718421219

_____

*Chú thích:

[1] https://www.zdf.de/dokumentation/zdfzeit/zdfzeit-ein-tag-im-august–mauerbau-61-100.html, (Bắt đầu từ phút thứ 01:12:30)

[2] https://17juni1953.wordpress.com/2020/04/13/gerhard-weinstein-einstiger-staatsfeind-der-ddr-tot/

[3] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1414934981857904 (bài viết về trung tá Harald Jäger)

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Trading_of_East_German_political_prisoners

Nguyễn Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét