Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

20210811. QUANH VỤ 'BÁC SĨ TRẦN KHOA'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THÔNG TIN BÁC SĨ 'NHƯỜNG MÁY THỞ CỦA NGƯỜI THÂN  ĐỂ CỨU 

SẢN PHỤ' LÀ HƯ CẤU

CHÁNH TRUNG/ TBKTSG 8-8-2021

(KTSG Online) - Ngày 8-8, Trung tâm Báo chí TPHCM cho hay Sở Y tế TPHCM sau khi kiểm tra đã khẳng định thông tin lan truyền trên mạng ngày 7-8 về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu.

 

Thông tin bác sĩ “nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai” là hư cấu. Ảnh: MXH

Trước đó, tối ngày 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần.

Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.

Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của bác sĩ Khoa.

Liên quan đến thông tin này, ngày 8-8, Sở Y tế TPHCM cho biết, thông tin lan truyền ở trên là hư cấu, tại các bệnh viện của TPHCM không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

XỬ PHẠT NHỮNG NGƯỜI LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN BÁC SĨ 

NHƯỜNG ỐNG THỞ

CHÁNH TRUNG/ TBKTSG 9-8-2021

(KTSG Online) - Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã xử phạt những người liên quan đến thông tin bác sĩ “nhường máy thở của người thân để cứu sản phụ song thai” gây xôn xao mạng xã hội.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, chiều ngày 9-8-2021 Sở đã làm việc với chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” về việc cung cấp thông tin về bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ, có nội dung không đúng sự thật trên mạng internet.

Hai chủ tài khoản này thông tin là do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng do thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, nên đã vô ý chia sẻ thông tin theo nội dung đăng tải trên tài khoản Facebook “Trần Khoa” là không có thật. Được biết, trên hai tài khoản cũng đã kịp thời gỡ bài và đăng lời xin lỗi.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác định nội dung tin nêu trên là tin giả, không có thật.

Ngay trong ngày, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thủ tục xử lý vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai chủ thể tài khoản này về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020 của Chính phủ.

Trước đó, tối ngày 7-8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần.

Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.

Liên quan đến thông tin này, ngày 8-8, Sở Y tế TPHCM cho biết, thông tin lan truyền ở trên là hư cấu, tại các bệnh viện của TPHCM không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân.

NGHE LỜI CAO CẢ, SAO CHỈ THẤY RÙNG MÌNH

TUẤN KHANH/ TD 9-8-2021


Bác sĩ Khoa không thấy xuất hiện nữa, sau sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết “rút ống thở” của cha mẹ già, để nhường cho 2 đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Bản tin lan nhanh đến khủng khiếp trong đêm 7-8-2021. Bên dưới lời tâm tình gây chấn động đó, không ít các nhân vật tên tuổi để lại lời kính trọng và cám ơn. Thậm chí, có người còn ghi rằng họ nợ anh về mạng sống của cha mẹ già mà anh đã quyết hy sinh.

Nhưng rồi chỉ đến rạng sáng hôm sau, mọi thứ bày ra một sự thật khủng khiếp: hóa ra đó là trò bịa đặt, có giá trị như một cú hích truyền thông được tổ chức, nhằm tạo một luồng tâm lý mới trong xã hội đang quá bất mãn và tiêu cực về những câu chuyện mất mát, khốn khó của người dân thời phong tỏa, và hơn nữa là về chuyện bộ máy y tế ở Sài Gòn đang kiệt sức trước các mệnh lệnh chống dịch bất hợp lý

Người ta tìm thấy vị bác sĩ tên Khoa ấy – tự xưng là làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng trả lời báo Tiền Phong, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy là ông Nguyễn Tri Thức đã khẳng định là không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Câu chuyện 2 em bé sinh đôi, cũng được tìm thấy là hình ảnh được ăn cắp từ trang facebook của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, một ca mổ do chính bác sĩ này đảm trách.

Tâm lý đám đông bị hành hạ khủng khiếp vì kịch bản truyền thông này. Người Việt ở mọi nơi bị sững sờ và khuất phục bởi hình ảnh không khác gì những giai thoại trong truyện Tàu cũ – vốn đã ăn sâu vào tình cảm người Việt nhiều đời.

Hãy tự hỏi, có cái gì cao quý hơn việc một bác sĩ trong thời đại xã hội chủ nghĩa đã quyết hy sinh cả ba mẹ để cứu cho những đứa trẻ vừa ra đời? Nhất là chuyện đó xảy ra trong lúc đại dịch khốn khó, rõ là hình tượng sáng ngời và mẫu mực của đám đông đang cắn môi ứa lệ để giơ cao tay đi cùng thủ tướng, quyết “chống dịch như chống giặc” và sẳn sàng vượt qua mọi nỗi đau để chiến thắng. Kịch bản này đau đớn và đẹp tương tự như Tỷ Can chấp nhận ăn bánh bao thịt con mình, để thoát khỏi tay Trụ Vương, nghĩ đến ngày khởi nghĩa. Chuyện cũng bi phẫn như Quách Cự tự tay chôn sống đứa con 3 tuổi để dành thêm cơm nuôi mẹ trong Nhị Thập Tứ Hiếu.

Không đến 24 giờ đồng hồ, tâm lý đám đông lại bị hụt hẩng, đặc biệt với những người bị tác động khủng khiếp bởi đã để cảm xúc kiểm soát hơn là lý trí. Rất nhiều người nói mình đã cúi đầu, khóc hay ngưỡng mộ bác sĩ Khoa, nay lại rơi vào trạng thái tức giận và nguyền rủa.

Báo chí Nhà nước lao vào cải chính, vạch trần sự kiện này cũng nhanh đến mức bất ngờ. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ sớm qua đi, vì có vẻ như mọi nguồn cơn tìm thấy, xuất phát mạnh mẽ từ một người làm báo chuyên phát ngôn cho nhà nước, và cũng hay tổ chức sự kiện truyền thông để phục vụ mục đích chính trị mỗi khi có yêu cầu. Bên cạnh việc trang cá nhân của “vị bác sĩ trẻ tên Khoa” này biến mất, khiến nhà báo cũng phải xin lỗi và rút lại những gì đã đăng, mặc dù vẫn chống chế rằng “đã huy động tòa soạn kiểm tra nguồn tin đến 2 giờ sáng”.

Ở Việt Nam, đã có hàng trăm người bị gọi làm việc, phạt tiền, bị bỏ tù… với các câu chuyện trên facebook từ năm 2020 đến này, qua các điều khoảng 117, 331 hoặc theo Nghị định 15 về viễn thông, nhưng không chắc là sẽ có ai bị khiển trách gì sau vụ này, nhất là với vị trí lãnh đạo của một tờ báo về Pháp Luật.

Phải khâm phục là câu chuyện cổ tích giữa đời thường của bác sĩ Khoa phối hợp với một vài nhân vật có chủ ý dẫn dắt dư luận trên facebook, đã chọn đúng điểm rơi tâm lý của người dân lúc này.

Cả một đất nước đang lo lắng trước những câu chuyện đau thương, và vật vã trước những những đòn ngăn sông cấm chợ điên loạn của một lực lượng kiêu binh nổi lên, nhân danh chỉ thị 16, thì rõ là mọi người đang khao khát được nghe những điều tử tế, những sự cao cả và lương thiện của con người dành cho nhau. Chính câu chuyện này có tác dụng làm ai nấy chùng lòng lại. Thậm chí những người đang kêu gào cho quyền lợi của mình hay cho người khác đều có ít phút giây tự vấn về sự thấp hèn của mình khi nghe chuyện.

Nếu không bị vạch trần, chuyện của bác sĩ Khoa có tác dụng không nhỏ trong việc kềm hãm sự bức bối quyền lợi cá nhân, và nhu cầu bản thân bị thiệt thòi của đám đông bất bình đang ngày càng tăng trong phong tỏa. Và thậm chí, câu chuyện có thể trở thành sách giáo khoa của giới tuyên truyền về việc dẫn chứng sự hy sinh bản thân của thế hệ mới xã hội chủ nghĩa cho tương lai đất nước.

Có người nêu câu hỏi, để dựng nên câu chuyện này, vì sao bác sĩ Khoa có thể giỏi đến mức tạo nên một khung hình cao thượng-nhẫn tâm thú vị như vậy, để nhiếp hồn nhiều tầng lớp dân chúng?

Thật ra, mọi thứ đều có tính truyền thống của nó, soi chiếu lại quá khứ sẽ thấy không khó nhận ra. Trong mỗi giai đoạn kiểm soát đất nước, tùy theo tình hình, các nhà lãnh đạo vẫn có khuynh hướng mị dân và thao túng bằng những câu chuyện được dựng thêm, hay sáng tác ra. Việt Nam đã có những chuyện đầy cảm hứng của thời chiến tranh như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện… Và chẳng phải từ xa xưa, Lê Lợi đã thành vua trong suy nghĩ mê tín của người dân, qua việc cho viết bằng nước cơm trộn mật lên lá Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để kiến đục thành chữ?

Những điều như vậy, cũng quen thuộc với tinh thần Thép đã tôi thế đấy của N.A.Ostrovsky: trung thành và sẵn sàng hy sinh theo mệnh lệnh, theo thời cuộc sắp đặt và tương lai cộng sản kêu gọi.

Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm Người thứ 13, truyện về cô gái Hồng quân bị kẹt trên đảo với một sĩ quan Bạch vệ đẹp trai. Gần nhau nên cả hai nảy sinh tình yêu. Nhưng đến khi một nhóm Hồng quân đến đảo và yêu cầu cô gái giết tên sĩ quan Bạch vệ, nhân danh vì mệnh lệnh và lòng phụng sự cao cả, cô đã bắn người yêu của mình.

Việt Nam cũng có, sách vở vẫn ghi lại rất nhiều trong năm 1945, trong đợt cải cách ruộng đất. Để chứng tỏ trái tim đỏ và cao quý, nhiều thanh niên đã từ chối cha mẹ mình, thậm chí quay mặt khi họ bị bắn, đánh đập. Mục đích là để bản thân mình vươn cao hơn trong đám đông – một kiểu kiếm view thời chưa có internet – để lọt vào tầm mắt bề trên, và chấp nhận mình là con bài cần thiết của thời cuộc.

Nếu thật sự có một sự thật hy sinh vĩ đại như bác sĩ Khoa đã nói, sao anh ấy còn tỉnh táo đến mức dành thêm thời gian để khoe chuyện như vậy trên facebook, và còn ăn cắp ảnh trẻ sơ sinh từ trang người khác để minh họa cho mình? Ấy là máu lạnh chứ đâu là sự thánh thiện – một người bạn tôi nhắn như vậy.

Đời người ngày càng khó biết, và khó đoán. Thật không dám nói gì thêm về cái gọi là sự thật trong những ngày tháng này. Nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, thật lòng tôi không cảm thấy xúc động như lúc đầu được biết về câu chuyện của vị bác sĩ tên Khoa. Nhưng rồi khi nhìn lại từ những gì lịch sử ghi lại, đã có đến nay, câu chuyện ấy chỉ khiến tôi lại thấy rùng mình.

Tuấn Khanh

TÂM LÝ ĐỒNG TÌNH VỚI TỘI ÁC

TRẦN TRUNG ĐẠO/ TD 10-8-2021

Chuyện “bác sĩ Khoa rút ống thở từ gương mặt người mẹ ruột đưa qua cứu sản phụ để cứu hai em bé sinh đôi” đã được nhiều người mổ xẻ, phân tích các điểm phi lý một cách chi tiết. Hôm nay dù đứng ở góc nào mọi người đều thấy sự kiện là giả dối.

Nhưng đó là nhận xét ngày hôm nay. Hôm kia, 7 tháng 8, thì khác. Tràn ngập trên các trang Facebook là những lời ca ngợi “bác sĩ Khoa”. Ca ngợi cũng có nghĩa đồng tình và cảm thông với việc “bác sĩ Khoa” giết mẹ.

Phía dưới lời “Chào ba, chào mẹ!” rất sáo của “Trần Khoa” chỉ trong vòng 4 giờ đã có 6,190 người chia buồn, đồng ý và yêu mến, 801 lời bình, 3.569 lượt chia sẻ những lời tiễn biệt cha mẹ của “Trần Khoa”. Không một người nào để lại dấu “phẫn nộ” hay “giận dữ” trước hành động đại bất hiếu của “Trần Khoa”. Trong số những người ca ngợi là những người có học thức, có tên tuổi trong xã hội.

Như mọi người biết chẳng ai chết hay được cứu nhưng câu chuyện nhắc nhở một tâm lý đồng tình rất phổ biến dưới chế độ CS.

Tâm lý đồng tình với việc giết cha, giết mẹ, giết con là một đặc điểm quan trọng của đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Đặc điểm đó theo Lenin là “trung thành và hy sinh quên mình để phục vụ chủ nghĩa CS”.

Năm 2021 này, chẳng ai kể cả Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến việc “phục vụ chủ nghĩa CS” nhưng tâm lý đồng tình, hy sinh đã ăn sâu vào trong máu những người lớn lên trong hệ thống và ảnh hưởng quyết định tới các phán đoán của họ.

Từ gần trăm năm trước chuyện giết cha, giết mẹ hay giết con để lập công với đảng CS đã là một trong những bài học tuyên truyền phổ biến.

Con giết cha ở Liên Xô

Tại Liên Xô, câu chuyện giết cha của Pavlik Morozov có lẽ là chuyện phổ biến nhất. Cậu bé Pavlik Morozov, theo tài liệu tuyên truyền, năm 1932 khi cậu lên 13 tuổi, đã tố cáo cha mình cho chính quyền CS địa phương về tội làm giấy thông hành giả để bán cho các thành phần chống phá chế độ. Cha cậu, Trofim Morozov, bị bắt, bị xử án mười năm lao động khổ sai và sau đó bị xử bắn.

Sau khi tố cáo, Pavlik Morozov bị giết vì một lý do nào đó. Một số lời tố cáo không bằng chứng cho rằng Pavlik Morozov bị bà con giết để trả thù cho Trofim Morozov. Bộ máy tuyên truyền Liên Xô nhân câu chuyện đó đã biến Pavlik Morozov thành anh hùng với lý do dù tuổi còn nhỏ đã biết đặt quyền lợi của Xô Viết lên trên tình nghĩa cha con.

Pavlik Morozov được vinh danh như là “Thiếu niên Tiền Phong số 1” và ngày cậu bị giết, 3 tháng Chín, 1932 là một ngày lễ mà nhiều triệu thiếu niên Liên Xô phải ghi khắc.

Giống như nhân vật Paven được dùng cho tuổi thanh niên, Morozov là thần tượng của tuổi thiếu niên. Hành động giết cha của Morozov, theo các nguyên tắc đạo đức CS, không phải là một tội ác mà là một nghĩa cử đáng trân trọng.

Tuyên truyền như những giọt mưa rỉ xuống từ mái ngói cong theo thời gian xói mòn nhận thức của con người. Không ít người dân Liên Xô từng ca ngợi hành động giết cha của Morozov một cách chân thành. Việt Nam cũng thế.

Mẹ giết con ở Quế Sơn, Quảng Nam.

Sau 1968, một phụ nữ tên Năm Nghê ở một quận miền núi Quảng Nam dắt đứa con gái năm tuổi tên Lê Thị Liên, và tay ẵm đứa con trai chỉ mới bốn tháng tuổi tên Tân cùng đoàn người chạy vào hang núi khi Mỹ tấn công.

Em Tân khóc. Mọi người trong hang lo rằng tiếng khóc của Tân có thể làm cho họ bị lộ tung tích và một người đưa ý kiến “Nếu không hi sinh đứa bé thì khó bảo toàn tính mạng mọi người trong lúc này!”

Bà mẹ chần chừ nhưng cuối cùng đã quyết định bịt miệng Tân cho đến khi em bé nghẹt thở và chết.

Điều đáng nói, không phải năm 1968 mà ngay hôm nay những người sống trong hang núi ngày đó và độc giả nghe câu chuyện vẫn đồng tình với việc giết con của bà Nghê.

Lương Phước Nghĩa, Chủ tịch xã Hiệp Hòa, Quế Sơn, theo bài báo đăng trên Đời Sống Pháp Luật 27 tháng 7, 2014, xem đó là một hy sinh: “Câu chuyện của bà Nghê luôn được người dân trong vùng kể cho nhau nghe với một sự khâm phục. Vì bảo vệ tính mạng của mọi người trong làng mà bà Nghê đã hi sinh đứa con trai.”

Trong số những hồi tưởng, không ai có một lời thương xót dành cho cháu bé bốn tháng tuổi bất hạnh và cũng không một ai hối hận cho hành động bất nhân của họ khi ép bà Lê Thị Nghê bịt miệng con trai bà.

Chuyện “bác sĩ Khoa giết mẹ” là chuyện giả, “bác sĩ Khoa” cũng không phải là con người thật nhưng những người đồng tình và cảm thông với tội ác giết mẹ của “bác sĩ Khoa” là những con người thật.

Nếu còn mẹ, những người đồng tình và cảm thông với “bác sĩ Khoa” này sẽ hổ thẹn biết bao khi nhìn mặt mẹ mình, bởi vì về mặt tư tưởng, chính họ đã một lần giết mẹ trong đời.

Trần Trung Đạo

ƯU TIÊN

PHẠM THỊ HOÀI/ TD 10-8-2021

May còn là hư cấu, song câu chuyện của một bác sĩ Khoa nào đó báo hiệu một kịch bản hoàn toàn có thể trở thành hiện thực cho hệ thống y tế Việt Nam: Khi các bệnh viện phải đứng trước lựa chọn sàng lọc tàn nhẫn (triage), quyết định ai được ưu tiên sống, như đã từng xảy ra ở Ý trong đợt dịch đầu tiên năm ngoái.

Nhân phẩm không cho phép đem sinh mệnh của mỗi con người ra so hơn kém. Trước luật pháp, quyền sống và giá trị sinh mệnh của cụ già 100 tuổi và em bé mới ra đời là ngang nhau. Luật pháp ở Đức cấm hành vi lấy mạng người này thay thế mạng người khác, vì bất cứ động cơ nào (cho nên cũng loại trừ tư duy “công lý” kiểu mạng đổi mạng, ân trả ân oán trả oán). Vậy phải làm gì trong những tình huống mà hệ thống y tế buộc phải phân biệt, sàng lọc và ưu tiên sinh mệnh này bằng cách từ chối sinh mệnh kia?

Mỗi xã hội, quốc gia hay cộng đồng chỉ có thể trả lời câu hỏi đó trong điều kiện và khuôn khổ phù hợp với mình. Kẹt giữa một bên là nguyên lý về giá trị bình đẳng của mọi sinh mệnh cũng như bổn phận y đức là cứu mọi mạng sống không phân biệt, và bên kia là thực tế không thể không sàng lọc khi hệ thống quá tải, nhiều chuyên gia luật và triết học đạo đức cho rằng cuối cùng chỉ có đấng ngẫu nhiên là thẩm quyền công bằng nhất để phán bản án tử khi sàng lọc. First come first serve, hay trâu chậm uống nước đục trong tiếng Việt, như trong mọi tình huống cung ít hơn cầu, hay đơn giản là rút thăm. Song muốn thế nào cũng không thể lấy cảm xúc và những quan niệm lý tưởng – hay đúng hơn: những hình dung lãng mạn – về đạo đức làm cơ sở.

Ngay cả trong ba đợt dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm gấp 20 lần Việt Nam, hệ thống y tế ở Đức vẫn may mắn không bị quá tải tới mức phải áp dụng triage, song chủ đề này đã được truyền thông rộng rãi và đạt được một số đồng thuận căn bản. Chẳng hạn, nguyên tắc lấy triển vọng hồi phục của bệnh nhân làm tiêu chí quyết định: Một bệnh nhân cao tuổi nhưng khỏe mạnh, nhiều khả năng hồi phục, sẽ được ưu tiên so với một bệnh nhân trẻ nhưng nhiều bệnh nền trầm trọng, ít hy vọng hồi phục hơn.

Trong trường hợp triển vọng hồi phục tương đương thì ưu tiên thời lượng sống cao hơn: Hai bệnh nhân nặng như nhau thì bệnh nhân trẻ được ưu tiên, vì nếu hồi phục thì một thời lượng sống cao hơn được cứu. Các tiêu chí không được phép áp dụng là sắc tộc, quốc tịch, địa vị xã hội, thu nhập, chế độ bảo hiểm y tế, trình độ học vấn, nghề nghiệp, giới tính và tuổi tác.

Các bác sĩ rất cần một giàn giáo đạo đức, song không phải để trở thành anh hùng lương tri, mà để không bị sụp đổ dưới gánh nặng lương tri khi buộc phải quyết định khước từ một số sự sống vì lợi ích sống còn tối ưu trong điều kiện giới hạn của cộng đồng. Nhưng họ còn cần một bệ đỡ khác quan trọng hơn: một giàn giáo pháp lý. Hành động như bác sĩ Khoa, theo luật pháp ở Đức là phạm tội làm chết người, luật hình sự.

Chưa kể việc vi phạm quy trình bệnh viện và hợp đồng điều trị giữa bệnh viện và bệnh nhân (một mình tự tiện rút ống thở của bệnh nhân), đó là hành vi chủ động chấm dứt sinh mệnh một con người, thuộc thực tiễn sàng lọc sau (ex post triage), không thể được miễn tố như hành vi thụ động, không thể cứu vì không còn phương tiện, như ở sàng lọc trước (ex ante triage). Sàng lọc dự phòng (preventive triage), từ chối một số bệnh nhân “không đáng cứu” để dành nguồn lực dự trữ cho những bệnh nhân “đáng cứu” hơn sắp tới là thực tiễn tuyệt đối không được chấp nhận.

Mấy ngày trước có bài thơ ưu tiên vaccine xuất hiện trên mạng: “Pfizer là của vua quan/ Moderna là của trung gian, nịnh thần/ Astra là của thương nhân/ Sino là của nhân dân anh hùng”.

“Ưu tiên” là một trong những khái niệm đáng ngờ nhất trong từ vựng tiếng Việt. Nếu chẳng may thực sự cần sàng lọc ưu tiên trong đại dịch, câu hỏi không phải là bác sĩ nào sẽ hy sinh máu mủ để ưu tiên người dưng, khiến người Việt một lần nữa ngây ngất về nhân cách cao cả của người Việt, như thể đạo đức đi vay có thể bù cho vắc-xin hay vắc-mượn. Mà câu hỏi là: Việt Nam đã chuẩn bị gì cho kịch bản triage?

KỲ ÁN 'BÁC SĨ KHOA' VÀ KỲ VỌNG KIỂM CHỨNG THÔNG TIN !

LÊ THIẾU NHƠN/ TD 9-8-2021


Theo thông tin từ nhà báo Phan Thanh Phong – Trưởng ban Nhân Dân Hàng Tháng, thì hôm nay 9/8, chuyên mục “Kiểm Chứng Thông Tin” bắt đầu được xuất hiện trên báo Nhân Dân. Đây là hiệu ứng cấp bách từ câu chuyện lâm ly và éo le về “bác sĩ Khoa” chăng?

Kỳ án “bác sĩ Khoa” được bơm thổi như một huyền thoại đẫm lệ thời Covid-19. Cụ thể, theo những loan truyền trên mạng, “bác sĩ Khoa” đã rút ống thở của mẹ mình để cứu một sản phụ, và trực tiếp mổ thành công ca sinh đôi cho sản phụ kia.

Thêu dệt như phim. Việc kiểm chứng thông tin là tìm ra “bác sĩ Khoa” (nếu có thật) để khởi tố vụ án giết người, mà ở đây là con trai trực tiếp giết mẹ ruột, ngay tại nơi đề cao “lương y như từ mẫu”.

Kiểm chứng thông tin rất cần thiết. Thế nhưng, biên độ ra sao, mới là vấn đề quan trọng. Kiểm chứng thông tin từ “bác sĩ Khoa” trở xuống ư? Còn từ “bác sĩ Khoa” trở lên, có thể kiểm chứng thông tin chăng?

Kiểm chứng thông tin để ngăn chặn những kẻ thèm like và tôn thờ chủ nghĩa mủi lòng không gian mạng, chẳng mấy khó khăn. Báo Nhân Dân thừa sức làm tưng bừng. Tuy nhiên, với vị trí ngất ngưởng của báo Nhân Dân, thì công chúng còn chờ đợi nhiều hơn ở chuyên mục “Kiểm Chứng Thông Tin”.

Kiểm chứng thông tin, không nhằm mục đích gì khác, là đánh tan những đồn đoán bậy bạ, nhằm yên lòng bá tánh và lấy lại đạo đức cộng đồng.

Có thể kiểm chứng thông tin đối với những báo cáo thành tích thơm tho, để phòng ngừa các quan chức luôn luôn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trước khi bị khởi tố và ngồi tù không?

Có thể kiểm chứng thông tin đối với cán bộ “làm thối móng tay” tận tụy phụng sự để nhận đồng lương ít ỏi, mà xây biệt thự và cho con du học nước ngoài không?

Có thể kiểm chứng thông tin đối với những kẻ bưng bô nịnh hót, chuyên treo băng rôn và hô khẩu hiệu để chui sâu trèo cao không?

Có thể kiểm chứng thông tin đối với những rao giảng trăm hồng nghìn tía để mê dụ đồng bào và đánh cắp tương lai không?

Rất nhiều đơn đặt hàng đang chờ chuyên mục “Kiểm Chứng Thông Tin” của cơ quan ngôn luận lớn nhất Việt Nam. Cửa hé còn hơn cửa đóng, hy vọng bao giờ cũng tốt hơn tuyệt vọng.

Lê Thiếu Nhơn

SAO NỠ LÒNG NÀO LỪA GẠT  NIỀM TIN MONG MANH ...

HUYNH WYNN  TRAN / TD 8-8-2021

Trưa nay, một fan của tôi là sinh viên Y khoa nhắn tin về câu chuyện “BS Khoa” rút ống thở từ “mũi mẹ BS Khoa đang bệnh Covid-19 để đưa vào “mũi” thai phụ. Sau đó, “BS Khoa” gạt nước mắt vào phòng mổ và mổ bắt thành công 2 em bé.

Câu chuyện đẹp như cổ tích nhanh chóng lan truyền mạng, làm hàng trăm stt thổn thức, cả ngàn người khóc cả đêm, rồi có cả stt đã nói chuyện với “BS Khoa” để tặng thêm máy thở cho bệnh viện.

Em sinh viên Y khoa hỏi tôi “Thầy ơi, có thật không vậy, sao em thấy nghi ngờ quá?”

Tôi đọc lại các stt về BS Khoa và thấy ngay những khó hiểu về chuyên môn. Nhưng để chắc ăn, tôi nhắn tin một đồng nghiệp là BS Sản Phụ Khoa là giảng viên đại học Y tại Việt Nam và anh vừa xác nhận đây là tin giả.


Ảnh chụp màn hình

Vì sao là tin giả?

1. Thứ nhất, ống nội soi đút vào miệng (xem hình), chứ không phải vào mũi. Ống nội soi là dụng cụ chỉ dùng một lần, không có chuyện rút từ mũi người này đút vào mũi người khác vì lý do ngăn ngừa nhiễm trùng. “BS Khoa” là BS phải biết những điều cơ bản này.


Ảnh tư liệu

2. Thứ hai, hình ảnh hai em bé song sinh bụ bẫm trong câu chuyện cổ tích của “BS Khoa” là hình cắt ra từ ca mổ của BS Cao Hữu Thinh ngày 7/20/2021.


Ảnh chụp màn hình

3. Thứ ba, BS Khoa nếu là BS cấp cứu để đặt ống nội khí quản (vào miệng, chứ không vào mũi) thì BS khoa sẽ không vào phòng mổ sản phụ được, đây là chuyên khoa của BS Sản khoa. Còn nếu BS Khoa là BS Sản khoa thì cũng không nên đặt ống nội khí quản.

4. Cuối cùng, bài viết không có tên bệnh viện nào cả. Vì nếu câu chuyện này có thật thì rất nhiều người đã biết và xác nhận.

Đại dịch Covid-19 để lại đau thương vô bờ bến với nhiều gia đình.

Giữa những nỗi đau tột cùng đó, những câu chuyện hy sinh cao đẹp (như vị mục sư lớn tuổi bên Ý nhường máy thở cho người trẻ hơn, tôi có viết stt tên ‘Cảm ơn Ngoại’ năm ngoái) làm cho nỗi đau Covid-19 nguôi ngoai, làm cho chúng ta gần hơn, và quý trọng cuộc sống này hơn.

Nhưng…

Sao lại có những người nỡ lòng nào đi lừa gạt niềm tin, vốn đã mong manh trong đại dịch Covid-19, bằng những câu chuyện giả tạo.

Họ không cần phải tạo câu chuyện giả, chỉ cần vào bất kỳ bệnh viện nào, theo dõi một ngày của nhân viên y tế, và viết một câu chuyện thật.

Câu chuyện thật đó cũng sẽ đẹp, thậm chí còn đẹp hơn câu chuyện giả tạo “BS Khoa”, vì tôi biết rằng các đồng nghiệp của tôi bên VN ngày đêm hy sinh, đã chọn bệnh nhân giữa người thân, đã làm việc kiệt sức lắm rồi.

Cái họ cần là sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ thật sự, chứ không cần những câu chuyện giả tạo.

Huynh Wynn Tran

'BÁC SĨ KHOA' , TUYÊN GIÁO VÀ TRUYỀN THÔNG ĐẠI BỊP !

THU HÀ / TD 11-8-2021

Tuần qua, mạng xã hội “dậy sóng” bởi một số tờ báo đảng như VietNamNet, VnExpress, VTV… đem hình ảnh trẻ em Mỹ chích ngừa, nguỵ tạo, gán ép cho trẻ em các nước như UAE, Ấn Độ đang chích vaccine Vero Cell của Trung Quốc, rồi một số “quan báo” có Cao cấp Chính trị của Đảng, lại tung hô, tuyên truyền câu chuyện “Bác sĩ Khoa” rút ống thở giết mẹ để cứu sản phụ sinh đôi…

Bình thường mà, có gì mà xôn xao, các “trò chơi chính trị” này, tuyên giáo và các sử gia của Đảng đã xài từ lâu lắm.

Chế Lan Viên (1920-1989) thi nhân của Đảng lúc sống, sáng tác một bài thơ có tựa “Cành đào Nguyễn Huệ”, được vào tuyển tập, sách văn học tham khảo, có nội dung như sau:

“Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào?

Mai vàng xứ Huế có khuây đâu!

Đào phi theo ngựa về cung nhé!

Nở cạnh đài gương sắc chiến bào”

Hoạ theo Chế Lan Viên, các nhà tuyên giáo “trứ danh” của Đảng thì nhào nặn câu chuyện còn lâm ly hơn, đưa vào tư liệu giáo khoa nghiên cứu, giáo trình giảng dạy.

Chuyện kể rằng, thấy hoa đào Thăng Long năm ấy nở tuyệt đẹp, Nguyễn Huệ chọn một cành đào Nhật Tân hé nụ, sai người mang vào Phú Xuân (Huế) tặng Ngọc Hân. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Dịch trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào vào Nam. Hai ngày sau, tối mùng 7 tháng Giêng, đào đã đến tay người nhận. Nhìn cành đào lung linh hoa nở, Ngọc Hân hoàng hậu sung sướng rơi lệ, ngỡ mình đang đứng trên mảnh đất Thăng Long…


Một cảnh “Quang Trung tặng cành đào cho Ngọc Hân” do Đảng dàn dựng. Ảnh: Internet

Sau này, giáo sư Phạm Duy Khuê mới tiết lộ sự thật: Trong một kịch bản sân khấu chèo có tên Quang Trung, sáng tác năm 1964, soạn giả Trúc Đường (1911-1983) tên thật là Nguyễn Mạnh Phác, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính đã hư cấu, bịa ra cho thêm phần lâm ly thôi.

Khôi hài như thế, vậy mà khối “khoa học gia” lẫn “chính trị gia” của Đảng tin như sấm. Một số sử gia “bưng bô” cho Đảng, cũng gật gù tấm tắc cho rằng, “anh hùng áo vải” lãng mạn và tâm lý quá.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Một số thông tin ghi nhận, ông Liệu từng nói với giáo sư sử học Phan Huy Lê rằng: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”.

Trần Huy Liệu từng nắm chức Bộ trưởng Bộ tuyên truyền chính phủ Hồ Chí Minh. Những năm sau năm 1945, ông Liệu giữ chức Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.

Giáo sư Lê cũng đề cập đến chi tiết phi lý trong chuyện này là: “Cậu bé Lê Văn Tám, sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.

Vậy mà Đảng cộng sản đưa vào sách “Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945 – 1975)”. Bộ sách “Mùa thu rồi, ngày hăm ba” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, cũng chép chuyện này.

Để tuyên truyền như thật, Đảng cho đặt công viên, trường học, tượng đài, đường phố mang tên Lê Văn Tám. Kinh hơn, họ cho khắc tên “liệt sĩ” Lê Văn Tám vào Đền tưởng niệm liệt sĩ ở Bến Dược, Củ Chi.


Hình tượng Lê Văn Tám trong sách giáo khoa

Không chỉ Lê Văn Tám, ở Việt Nam còn có nhân vật Võ Thị Sáu. Dù Võ Thị Sáu không bị hư cấu như Lê Văn Tám, nhưng nhân vật này đã bị thêm vào nhiều câu chuyện không có thật, bị biến thành một tấm gương sáng ngời về “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

Võ Thị Sáu (1933-1952), quê xã Phước Thọ, tổng Phước Hưng Thượng, tỉnh Bà Rịa, nay thuộc xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cha là ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa thồ. Mẹ là bà Nguyễn Thị Đậu, buôn bán bún bì chả tại chợ Đất Đỏ. Nhân chứng cùng thời cho biết, bà Sáu vốn không bình thường từ nhỏ, ngây ngây dại dại, cắm hoa trên đầu đi khắp làng…

Võ Thị Sáu có anh ruột là Võ Văn Me, đi theo Việt Minh. Lợi dụng kiểu “nửa khùng, nửa điên” của Võ Thị Sáu, Việt Minh đã bày vẽ và xúi Sáu mang lựu đạn ra giữa chợ ném vào lính Pháp. Quan Pháp lẫn quan Việt không chết, chỉ có mấy chục dân thường lãnh đạn, chết oan uổng. Võ Thị Sáu bị bắt giam, bị kết án tử hình và xử bắn tại Côn Đảo.

Chân dung Võ Thị Sáu. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Để thổi phồng, xây dựng thần tượng, tạo tâm lý khát máu trong tầng lớp thanh thiếu niên, Đảng đã công nhận Võ Thị Sáu là liệt sĩ, truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Họ còn thêu dệt chuyện trước khi chết, Sáu “cài hoa Lekima lên tóc và hát vang bài ca Lên đàng”. Chưa hết, Đảng còn cho thêu dệt những câu chuyện hoang đường, về “hồn ma linh thiêng” Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương… để hù doạ những ai không thuận theo tiếng gọi và con đường của Đảng.

Thật lạ kỳ, một trẻ em khuyết tật não bộ, bị lợi dụng để làm kẻ khủng bố, giết người máu lạnh, làm chết oan nhiều người dân vô tội… là hành vi cần lên án, ngược lại, còn được Đảng tôn vinh, ngợi ca “chiến công” trong thơ ca, nhạc hoạ, đưa vào tài liệu lịch sử, sách giáo khoa dạy cả bậc tiểu học.

Nực cười, khi mà Hoàng Phủ Ngọc Phan, kẻ cùng anh trai là Hoàng Phủ Ngọc Tường, là hai trong số những tên đao phủ khát máu, từ chiến khu trở lại Huế để chỉ huy lực lượng Việt Cộng bắn giết tàn bạo dân Huế trong cuộc thảm sát kinh hoàng có một không hai tại kinh thành Huế vào Tết Mậu Thân 1968, lại đăng đàn với một bài khá dài, kiểu “hăm doạ”, trên tuần báo Văn nghệ thành phố HCM với tựa đề “Không được xúc phạm Liệt nữ Võ Thị Sáu“. Cho đến tuổi gần đất xa trời, anh em nhà họ Hoàng Phủ vẫn quyết tâm “bưng bô” cho Đảng đến hơi thở cuối cùng.

“Đao phủ” Hoàng Phủ Ngọc Phan

Ngoài các nhân vật kể trên, còn có “anh hùng Nguyễn Văn Bé”. Bé (1941- 2012) quê ở Châu Thành, Sông Bé; cha là ông Nguyễn Văn Hụi và mẹ là bà Lê Thị Ba, sống ở xã Kim Sơn, huyện Long Định, tỉnh Định Tường. Nguyễn Văn Bé theo Việt Cộng năm 1961, thuộc đơn vị 860 V, đơn vị vận tải miền Trung Nam Bộ, bị bắt ngày 30/5/1966 tại kinh Cả Bèo, xã Mỹ Quý, thuộc tỉnh Kiến Phong.

Thông tin cho biết, Bé bị thương nặng, được lính Mỹ chữa trị và nhanh chóng quy hàng, phục vụ chính thể VNCH. Sau này Bé định cư ở Hoa Kỳ và mất ở quê nhà Việt Nam năm 2002.

Ngày Nguyễn Văn Bé mất tích, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam suy diễn Bé ôm mìn tấn công quân địch và anh dũng hy sinh, họ cấp tốc truy tặng anh danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” và Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba cho Nguyễn Văn Bé.

Báo chí miền Nam Việt Nam lẫn báo chí Mỹ (báo Time số ra ngày 17/3/1967) đều trưng dẫn hàng loạt bằng chứng cho thấy “anh hùng” Nguyễn Văn Bé đang sống và đã hồi chánh (trở về với chính nghĩa quốc gia). Thậm chí có cả hình ảnh Nguyễn Văn Bé đang đọc báo Tiền Phong

Báo chí từ Cộng sản Bắc Việt và Trung ương Cục miền Nam đều phản bác kịch liệt, cho đó là thủ đoạn tuyên truyền của VNCH. Vì vậy mới có chuyện cười ra nước mắt, Nguyễn Văn Bé đọc bài báo viết về Nguyễn Văn Bé anh dũng hy sinh, đăng trên báo Tiền Phong, số ra ngày 17/12/1966.


Nguyễn Văn Bé xem báo đăng mình “anh dũng hy sinh”

Giống như Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, tấm gương của “anh hùng” Nguyễn Văn Bé được đưa vào sách giáo khoa, vào lịch sử, tên Nguyễn Văn Bé được đặt tên đường, tên trường học và các liên chi đội trên khắp Việt Nam.

Mãi đến năm 1996, một số cựu chiến binh là đồng đội của Nguyễn Văn Bé năm xưa theo Việt Cộng, đã nhìn thấy Việt kiều Nguyễn Văn Bé “bằng xương bằng thịt” trở về quê nhà, nên đã mạnh dạn gửi thư cho Bộ Tư lệnh Quân khu 7, chỉ ra “Đảng ta” đã sai lầm ngớ ngẩn, không nên làm ngơ, tiếp tục tôn vinh một người đã “chiêu hồi quốc gia” năm ấy nữa.

Đảng xấu hổ, chỉ đạo chính quyền âm thầm tháo biển, thay đổi tên đường, loại cái tên Nguyễn Văn Bé ra khỏi sử sách. Tuy nhiên, đến nay một số nơi vẫn chưa biết, vẫn duy trì tên trường học, chi đội Nguyễn Văn Bé.

Tiểu sử Nguyễn Văn Bé khắc trên bia đá tại Trường THCS Nguyễn Văn Bé ở Krongpak, Dak Lak

Còn nhiều lắm những câu chuyện hoang đường nhưng “hiện thực” như thế được Đảng cộng sản dựng lên theo từng thời điểm, phục vụ cho nục đích, mưu mô chính trị.

Dối trá và lừa bịp, tráo trở và mê hoặc là ngón nghề của tuyên giáo Cộng sản. Họ muốn tẩy não, nhồi sọ cả trẻ em, học sinh và thế hệ trẻ. Dân chúng Việt Nam cứ phải lầm lũi cúi đầu đi theo Đảng, cấm cãi nếu không muốn nếm dùi cui, súng đạn và ngục tù. Đảng luôn đúng, không sai và không bao giờ nhận lỗi.

Kẻ chịu trách nhiệm sẽ là “một bộ phận đảng viên”, là “các thế lực thù địch”, là thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy mà Đảng tồn tại và đang dẫn dắt trăm triệu dân Việt tiếp tục đi tìm… thiên đường XHCN như họ vẫn rêu rao suốt gần một thế kỷ qua.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét