Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

20210809. NGHỊCH LÝ BỘI THU CỦA THUẾ VÀ NGÂN HÀNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KINH TẾ KHÓ KHĂN  BỞI DỊCH COVID-19, VÌ SAO THU THUẾ VẪN TĂNG ?

LÊ HỮU VIỆT/ TP 6-8-2021


Hộ kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khi phải đóng cửa suốt thời gian qua. Ảnh chụp tại Hà Nội.
TPO - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, số thu ngân sách nhà nước do cơ quan này quản lý tiếp tục đạt khá trong 7 tháng đầu năm, và tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, bất chấp nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Số tăng thu này được lý giải tới từ một số thị trường “bùng nổ” nửa đầu năm.

Theo Tổng cục Thuế, luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan này quản lý ước đạt trên 763.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa tăng trên 13%, thu từ thuế, phí nội địa tăng trên 18% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan thuế lý giải, thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tăng thu đột biến từ một số nguồn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Với khối ngân hàng, theo phân tích của thuế, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao. Đồng thời, các ngân hàng tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, như ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn… Trong khi đó các chi phí từ hoạt động, dự phòng rủi ro được cắt giảm. Qua đó lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại tăng cao, tiền thuế theo đó cũng tăng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thu thuế từ ngân hàng tăng tới gần 73% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng khoảng 6.000 tỷ đồng.

Với thị trường bất động sản, cuối năm 2020, đầu năm 2021 là đợt “sốt đất”, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, nên thuế chuyển nhượng tăng tới gần 62% so với cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 9.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động sáp nhập, hợp nhất khá sôi động, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, nên thu thuế từ hoạt động này tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Một điểm nổi bật, đó là công tác thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Với ô tô, nhờ hiệu ứng giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nửa cuối năm trước, đã kích thích thị trường, nay chính sách này không còn nhưng nhiều hãng xe vẫn khuyến mại giảm lệ phí trước bạ để kích cầu. Nhờ đó, thuế thu từ thị trường ô tô tăng trên 47% so với cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 11.200 tỷ đồng...

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng nhận định, dù thu thuế vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 4 đến này, số thu tháng sau tăng thấp hơn tháng trước. Cụ thể, tháng 4 thu thuế, phí nội địa tăng gần 16% so với tháng trước đó, nhưng tháng 6 chỉ còn tăng hơn 5%, đặc biệt tháng 7 giảm trên 10%. “Điều đó cho thấy nền kinh tế đang chịu tác động mạnh từ đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 tới nay”, cơ quan thuế nhận định, khó khăn có thể tiếp tục kéo dài tới hết năm.

Đề bù đắp hụt thu từ hoạt động kinh doanh khó khăn, Tổng cục Thuế cho biết, nửa cuối năm sẽ tập trung vào thanh kiểm tra hoạt động có nhiều rủi ro về thuế. Trong đó đặc biệt lưu tâm tới giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ… để truy thu thuế, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...

Lê Hữu Việt

ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO NGÂN HÀNG GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY TRONG THỜI GIAN ĐẠI DỊCH COVID-19

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 8-8-2021

1. Đại dịch Covid-19 mang đến tai hoạ điêu đứng cho cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, và toàn thể quốc gia. Để vượt qua đại dịch Covid-19 cần sự chung tay đồng lòng của toàn quốc.

Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương giảm giá điện, giá nước để hỗ trợ người dân trong thời gian đại dịch. Đây là chủ trương trương đúng, thể hiện sự đùm bọc lẫn nhau để vượt qua hoạn nạn.

2. Thế nhưng còn một lĩnh vực khác rất quan trọng nữa cần sự chỉ đạo của Chính phủ. Đó là giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Hàng triệu người vay tiền ngân hàng đang khốn đốn vì cách ly, giãn cách. Họ không được hoạt động, bị bó tay bó chân, bị đóng cửa hàng quán và cơ sở kinh doanh mà vẫn phải trả lãi suất vay hàng tháng cho ngân hàng. Cùng lúc họ lại phải vay khoản tiền mới của ngân hàng để thanh toán tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, đảo nợ… hy vọng cầm cự qua thời Covid. Nợ chồng nợ. Lãi chồng lãi. Họ đối mặt với thua lỗ, nợ nần, mất nhà cửa, tiền bạc, tài sản thế chấp.

Thế mà trong suốt gần hai năm 2020-2021, chưa có ngân hàng nào giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vì đại dịch Covid-19. Đó là điều phí lý.

Trong khi đại đa số nhân dân, các doanh nghiệp bị điêu đứng vì Covid-19 thì ngân hàng lại tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Số liệu thống kê từ 28 ngân hàng cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 99.558 tỷ đồng, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lấy vài thí dụ cụ thể.

Đồ họa: VietnamBiz

– Lợi nhuận của Techcombank 6 tháng đầu năm 2020 là 6.738 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 là 11.536 tỷ đồng, tăng 71,2%.

– Lợi nhuận của Vietcombank 6 tháng đầu năm 2020 là 10.982 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 là 13.570 tỷ đồng, tăng 23,56%.

– Lợi nhuận của Vietinbank 6 tháng đầu năm 2020 là 7.460 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2021 là 10.850 tỷ đồng, tăng 42%.

Thống kê 28 ngân hàng đều tăng lợi nhuận. Trong số đó, 10 ngân hàng lãi trước thuế cao nhất thứ tự là: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank, BIDV, MB, ACB, HDBank, VIB và MSB (xem đồ thị trong ảnh phía trên).

Ngân hàng không sinh ra tiền. Ngân hàng không đẻ ra sản phẩm. Ngân hàng là cái “túi giữ tiền trung gian”. Tiền lời của ngân hàng phần lớn là tiền của người vay.

Để 28 ngân hàng có được khoản tiền lời trước thuế 99.558 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 thì hàng triệu khách vay phải khốn đốn, có hàng vạn người vỡ nợ, phá sản.

3. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 để hỗ trợ người dân. Sự tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian đại dịch Covid không phản ánh tài năng của ngân hàng, cũng không hiện lên bức tranh mạnh khoẻ của nền kinh tế, mà nó là bằng chứng về sự cố gắng trong “giãy chết” của người đi vay.

Muốn lấy lãi suất từ người đi vay thì phải để cho người đi vay sống sót. Sự hỗ trợ bằng giảm lãi suất vay của ngân hàng trong thời gian đại dịch Covid-19 là rất cần thiết để giúp cho người vay cầm cự qua thời đại dịch, giúp cho toàn bộ nền kinh tế không bị phá vỡ.

Lời từ lỗ của người khác là điều không bền vững. Phải là trường hợp cùng thắng.

Tầm nhìn của Chính phủ khác với góc nhìn của ngân hàng.

MỘT CON NGỰA ĐAU CẢ TÀU BỎ CỎ.

HÃY TRỪNG PHẠT NẶNG  NHỮNG KẺ VÔ NHÂN TÍNH

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 7-8-2021

Đó là những kẻ lợi dụng công việc hoặc quyền thế để bóp nặn, để hoạnh họe, làm khổ đồng bào khi gặp tai họa, khó khăn trong đại dịch covid.

Rất đau buồn khi chứng kiến cảnh ngộ của đồng bào mà không trực tiếp giúp đỡ được thì càng uất hận khi nhận được thông tin về hành động của những kẻ vô nhân tính trong việc nâng cao giá dịch vụ mai táng, nâng giá thuốc lên gấp hàng chục lần, nâng giá nhu yếu phẩm lên vài lần. Rồi truy đuổi, rồi bắt phạt càng được nhiều càng tốt để lập thành tích. Thật không hiểu nổi có người còn đề ra chỉ tiêu thu tiền phạt vi phạm.

Lấy dịch vụ mai táng, được biết giá hỏa thiêu ở các lò vẫn chỉ 4,2 triệu, nhưng nhiều nhà đòn đòi dịch vụ trên 20 triệu, có trường hợp trên 40 triệu. Họ viện dẫn là giá hòm bằng gỗ tốt là rất cao. Phải chăng giá đó họ tự đặt chứ không phải do gia đình người chết yêu cầu?

Tôi nghĩ, để hỏa thiêu hàng trăm nạn nhân Covid trong một ngày thì cần gì đến hòm gỗ nghiêm chỉnh, có thể thay bằng những thứ đơn giản hơn, nhằm tiết kiệm cho gia đình và xã hội. Giá thiêu bình thường là 4,2 triệu. Tôi nghĩ, trong đại dịch với số lượng cần thiêu tăng cao thì lò thiêu nên miễn hoặc giảm giá cho những gia đình quá khó khăn.

Để tiếp nhận bệnh nhân tăng, chính quyền đã làm thêm bệnh viện dã chiến. Vậy để giải quyết số tử vong tăng cao liệu có nên làm thêm lò thiêu dã chiến, làm thêm phòng giữ xác ở bệnh viện (các nơi này kêu đã quá tải).

Rất nhiều cán bộ y tế và các ngành liên quan không quản sức lực, ngày đêm tận tụy với công việc, rất nhiều người dân tìm đủ mọi cách để giúp đồng bào vượt khó khăn, Những cán bộ và người dân như thế đã nêu cao đạo đức và thiện lương. Trong lúc đó thì một số người lại lợi dụng cơ hội khó khăn của đồng bào để thực hành những hoạt động vô nhân tính. Số người này có thể biết được, không nhiều nhưng đã đủ để gây nên thảm cảnh cho khá đông đồng bào là nạn nhân, gây nên bất ổn cho xã hội, gây khó khăn cho chính quyền..

Chúng ngang ngược xem thường luật pháp, xem thường đạo lý. Và luật pháp cũng chưa đụng đến chúng. Ngoài một vài tên vì quá lộ liễu, quá tàn tệ, bị lên án mạnh mẽ đã bị kỷ luật, thì đa số vẫn vô can. Người dân bị chúng hành hạ, bị chúng bóp nặn, phần lớn chỉ âm thầm chịu đựng, chỉ có số ít kêu van trời đất, nhưng phần lớn tiếng kêu cũng chỉ tan biến vào khoảng không. May nhờ mạng xã hội mà một vài tiếng kêu than còn đến được với một số người.

Tôi đề nghị chính quyền các cấp phải cử người theo dõi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành đông vô nhân tính của bọn người đã mất hết lương tâm. Chúng không những bị đưa ra công luận để nghiêm khắc lên án mà còn phải được kịp thời bị truy tố, bị đưa ra xét xử ở tòa án với sự kết tội đủ nặng để trừng trị và răn đe.

Tôi đề nghị Quốc hội xem xét kỹ Bộ luật Hình sự để nếu cần thì sửa đổi. Nếu những tội làm mất nhân tính liên quan đến chống đại dịch chưa được đầy đủ thì cần bổ sung ngay. Làm sao để bổ sung kịp thời và trình Chủ tịch nước ban bố thì Ủy ban thường vụ Quốc hội phải tự nghĩ ra, nếu không tự nghĩ ra được thì hỏi ý kiến trong dân.

Chống dịch như chống giặc, vậy bọn người vô nhân tính, lợi dụng chống dịch để trục lợi, để áp bức dân chúng, cũng bị xem thuộc phe giặc. Cần nghiêm khắc trừng trị bọn chúng chứ không phải chỉ gây dư luận lên án chung chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét