Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

20210805. TÂM TƯ TRÍ THỨC GIÀ NGÀY ĐẠI DỊCH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BẺ CHỮ TRONG 'CHỈ THỊ'

ĐẶNG HÙNG VÕ/ VnEx 30-7-2021

Đặng Hùng Võ

Chuyên gia Quản lý tài nguyên

Đúng ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16, màn hình máy tính của tôi bốc khói và tối om.

Suốt vài tháng qua, tôi toàn làm việc và họp trực tuyến, chủ yếu nhờ chiếc máy tính. Vì đang tham gia các dự án về pháp luật đất đai của ban Kinh tế Trung ương, có những ngày tôi phải họp vài cuộc với nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Cái máy tính quá cũ không chịu nổi, cháy cả màn hình lẫn máy.

Tôi bần thần không biết xử lý ra sao, giãn cách nghiêm ngặt lắm, có tiền chắc gì đã mua được phụ kiện để kịp khôi phục máy tính cho vài cuộc họp trực tuyến ngày mai. Tôi đánh liều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, lén ra phố Lê Thanh Nghị gần nhà xem có hàng máy tính nào mở không.

Cả khu phố, mọi cửa hàng đều lặng ngắt như tờ. Tôi lủi thủi quay về nhà tìm kế khác. Gọi điện tới mấy cửa hàng quen để cầu viện khẩn, tôi đều nhận được câu trả lời rằng, thiết bị tin học không thuộc nhóm hàng thiết yếu nên không thể giúp. Tôi đành nằm khan, tra thông tin trên điện thoại tìm "kế sách".

Đập vào mắt tôi là những đoàn người ùn ùn đi xe máy hàng nghìn km về quê, có cả đoàn người đi bộ, gia đình nọ còn đi xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An. Người dân ngồi la liệt như bị bỏ lại bên đường, hàng dài xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc bên những khuôn mặt gần như kiệt sức. Lãnh đạo Long An chặn xe máy vào địa bàn, buộc họ phải quay lại nơi xuất phát, không thể về các tỉnh miền Tây.

Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ là nơi hội tụ lực lượng lao động lớn từ nhiều tỉnh để tạo nên cực tăng trưởng mạnh nhất cả nước. Dịch bệnh khiến họ lao đao, đành tạm về ẩn mình nơi quê nhà. Nhưng các phương tiện chở khách công cộng liên tỉnh bị cắt hết, chốt chặn khắp nơi. Có tỉnh tiếp nhận con em trở về, nhưng có tỉnh từ chối quanh co. Có chốt kiểm soát cho qua, có chốt làm khó dễ. Ngay cùng một chốt, có nhóm trực thì hỗ trợ, nhưng nhóm trực khác lại không.

Cùng địa bàn một tỉnh, phường này thì lãnh đạo giữ chốt chặt như thời chiến, ai ra đường bị phạt nặng, phường khác lãnh đạo lại hỏi han ấm áp, hướng dẫn dân thực hiện cho đúng.

Dù được an ủi bởi những hành động dẫn đường và hỗ trợ dân của cảnh sát giao thông một số nơi, những cán bộ biết cảm thông với dân nghèo, nhưng tôi nghĩ, lòng tốt không phải là giải pháp cho sự hỗn độn giữa các địa phương trong việc diễn giải và áp dụng các chỉ thị hạn chế phương tiện nhằm chống dịch.

Trong những ngày này, dân nghèo khó khăn nhưng vẫn cố đùm bọc nhau. Doanh nhân cũng vậy, họ đều đang hết sức giữ cho doanh nghiệp của mình không suy sụp, làm hỏng mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ. Mỗi người dân, doanh nhân cũng là chiến sĩ chống dịch mặc dù không ở tuyến đầu. Họ đều trông chờ sự chia sẻ, cảm thông, ân tình của chính quyền địa phương các cấp để thu xếp lại cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.

Vậy nhưng có chốt kiểm soát không cho xe chở tã giấy đi qua vì không phải hàng thiết yếu. Có nơi chặn cả xe chở tiền của ngân hàng, cán bộ bảo "tiền không phải hàng thiết yếu". Và hôm qua, tôi nghe tin cả xe chở thịt bò vào TP HCM cũng bị chặn do không thiết yếu. Rồi mai đây, còn biết bao tranh luận thiết yếu sẽ trở thành điển tích văn học khó quên của một thời?

Các cấp địa phương đã không thống nhất nhận thức về mục tiêu chống dịch là không cho virus có cơ hội lây nhiễm, nhưng cuộc sống vẫn phải bình thường nhất có thể và đảm bảo 5K. Một số khái niệm cơ bản như "ra đường khi thật cần thiết" hay "hàng hoá thiết yếu" đã không được quy định nhất quán dưới mọi góc độ cuộc sống trên mọi tỉnh thành.

Khi chính quyền mỗi địa phương tự biên, tự diễn chỉ đạo đi ngược lại với nhu cầu cuộc sống, các tắc nghẽn càng làm dồn ứ đông người, tạo ra ngữ cảnh lây lan dịch. Từ những gì đang diễn ra khi các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, tôi thấy như câu chuyện "quan thì xa, bản nha thì gần" tái hiện. Mỗi vấn đề của người dân quanh đi quẩn lại vẫn phụ thuộc trình độ và đạo đức các cán bộ gần dân nhất.

Lan man mãi trong đầu chuyện đời rồi cũng phải quay về với chiếc máy tính bị cháy. Chợt nhớ mình có một cậu học trò rất tháo vát, tôi đành gọi điện nhờ vả. Chỉ hai giờ sau, cậu mang lại nhà tôi một màn hình mới và mọi phụ kiện cần thiết. Tôi ngỡ ngàng hỏi: "Sao ra đường khó vậy mà em làm nhanh thế?". "Thầy thử nghĩ xem cái gì thiết yếu nhất nào?", cậu cười, "Nhưng thôi, thầy đừng để tâm chuyện đời thường làm gì".

Tôi như tỉnh ra vì phương tiện thiết yếu cho công việc "sống" lại. Nhưng những hình ảnh nhiều người lao động lênh đênh trên đường, trên phố vẫn luẩn quẩn trong đầu.

Theo luật pháp nước ta, chỉ thị là văn bản điều hành, không phải văn bản quy phạm pháp luật, làm gì có quy định nào về mức phạt với các chỉ thị? Vậy mà nhiều địa phương, các cán bộ vẫn ngăn, vẫn phạt. Xin đừng ai bẻ chữ trong "chỉ thị" ra mà làm theo ý mình.

Tôi hoan nghênh một số tỉnh đã ra văn bản quy định tương đối cụ thể về danh mục hàng thiết yếu tuy danh sách cũng có khác nhau. Nhưng, sự thay đổi của một vài chốt chặn không khơi thông được ách tắc về cả hàng và người trên diện rộng. Sự tù mù trong chấp pháp tại cấp địa phương gần dân nhất, các diễn giải pháp luật tự phát của cán bộ cơ sở đang dồn gánh nặng lên vai người dân.

Bộ Công Thương hôm qua cho biết đã soạn thảo danh sách hàng cấm kinh doanh thay cho danh mục hàng hoá thiết yếu. Nếu ban hành được danh mục này ngay và áp dụng trên toàn quốc, tôi hy vọng các địa phương sẽ ngừng "sáng tác" thêm pháp luật.

Chính sách nghe có vẻ sáng nhưng lại đang ở rất xa, phải chăng do vướng chốt chặn nào đó mà chưa tới được cuộc sống?

Đặng Hùng Võ

THƯ NGỎ GỬI LÃNH ĐẠO TPHCM

MẠC VĂN TRANG/ TD/ BVN  3-8-2021

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/8/2021

Kính thưa Bí thư Nguyễn Văn Nên và Quý vị lãnh đạo Thành phố HCM!

Thưa Quý vị!

Tôi là Mạc Văn Trang, 83 tuổi, sống tại huyện Nhà Bè, TP.HCM, xin gửi đến Quý vị bức Tâm thư này.

Thưa, Sài Gòn từ lâu đã in đậm trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Hơn một năm nay tôi trở thành cư dân của TP.HCM, khi cùng với vợ vào định cư ở thành phố này.

Hơn một năm qua biết bao tình cảm tốt đẹp của bạn bè, học trò và những người dân thành phố, khiến tôi bao lần xúc động; tôi đã chia sẻ những tâm tình đó trong nhiều bài viết.

Tôi cũng có đóng góp nhỏ bé, là hoàn thành cuốn sách “Tâm lý học lứa tuổi và Giáo dục”, để NXB Tổng hợp thuộc Thành uỷ TP.HCM ấn hành.

Tôi đã trở thành một công dân đầy tình yêu thương, trách nhiệm và tự hào về thành phố của chúng ta.

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố, tôi luôn lo lắng, theo sát mọi diễn biến và chia sẻ nhiều thông tin có trách nhiệm.

Nhìn những người dân nghèo hoảng hốt tháo chạy khỏi thành phố trong cảnh khốn cùng, tôi đã nghẹn ngào rơi nước mắt. Tôi biết thành phố này đủ tấm lòng, tiền bạc và các phương tiện để có thể cưu mang đồng bào trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng lãnh đạo thành phố đã không kịp trở tay, giữa lúc bối rối trăm bề.

Đó là điều đáng tiếc, để lại một hình ảnh đáng buồn trong lịch sử của thành phố.

Bí thư Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi đã có lòng đứng ra kêu gọi đồng bào ngoại tỉnh hãy ở lại với thành phố, nhưng đã muộn mất rồi!

Đến khi thành phố triển khai chiến lược tiêm chích vaccine phòng covid-19, lại xảy ra một chuyện mà tôi thấy bất an. Đó là tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tài trợ mua 5.000.000 liều vaccine của Trung Quốc chích ngừa cho nhân dân thành phố.

Có ba điều bất an:

Một là, vaccine của Trung Quốc chưa chứng tỏ có sự tin tưởng và hiệu quả cao trong ngừa dịch Covid-19, nhất là loại vaccine Vero Cell của Sinopharm. Vậy mà ngày 31/7 thành phố đã tiếp nhận một triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm của Trung Quốc trong tổng số năm triệu liều đặt mua của hãng này. (1)

Hai là, người dân thiếu niềm tin vào những sản phẩm của Trung Cộng bán cho Việt Nam. Trung Cộng không từ một thủ đoạn nào để làm Việt Nam suy yếu, mà hãng dược phẩm này là do nhà nước Trung Cộng quản lý. Trung Cộng đã làm nhiều việc thâm hiểm với Việt Nam để lại di hại không biết đến bao giờ. Trừ bọn Hán nô ra, hầu hết dân ta đều thấm thía điều này.

Ba là, khi biết tập đoàn Vạn Thịnh Phát là ai thì càng nghi ngại hơn. Nhất là khi tập đoàn này mua tặng vaccine của Trung Quốc cho dân thành phố, nhưng người của họ lại chích ngừa vaccine Astrazeneca của Anh tại bệnh viện Thống Nhất. (2)

Trước áp lực của dư luận, ngày 1/8 bệnh viện Thống Nhất liền đưa ra công văn rằng, công ty Vạn Thịnh Phát sẽ chích loại vaccine mà họ nhập về; nhưng thực tế họ đã chích vaccine Astrazeneca từ ngày 28/7/2021. Ai cũng biết cái công văn ngày 1/8 chỉ nhằm dẹp dư luận, trong đó ẩn chứa điều gì đó khó tin… (3).

Thưa Quý vị,

Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách hàng năm gần 400.000 tỷ đồng và nộp cho Trung ương hơn 80%; vừa qua Thành phố cũng đóng góp rất lớn cho Quỹ vaccine quốc gia.

Thành phố không thiếu tiền để mua vaccine loại tốt của thế giới về tiêm cho dân. Nhiều bạn bè tôi và người dân thành phố đã nói rõ, họ nhất định không tiêm vaccine Trung quốc; họ sẵn sàng bỏ tiền ra tiêm dịch vụ vaccine của Mỹ, hoặc chờ tiêm vaccine của Việt Nam.

Với ba điều lo lắng đã nêu trên và lắng nghe lòng dân, tôi thấy thật sự bất an.

Các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước đều ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết “chống dịch như chống giặc”. Giặc là con Coronavirus Vũ Hán với biến thể muôn hình vạn trạng, gây hậu hoạ khôn lường, có thể cho nhiều thế hệ của dân tộc.

Đoàn kết là quy tụ lòng dân về một mối, nhưng việc ép dân TP HCM phải tiêm 5 triệu liều vaccine của Trung quốc, đang gây nỗi bất bình, ly tán lòng dân.

Xin hãy thành thực với Nhân dân! Xin đừng dùng các thủ thuật tuyên truyền để lừa dân và dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để đối phó với dân. (4)

Dân bây giờ không phải dân những năm 1945 – 46!

Thưa Quý vị,

Cả nước nhìn về TP HCM! Hơn ba triệu Việt kiều cũng đang nhìn về TP HCM!

Tôi không hiểu các vị lãnh đạo Thành phố nghĩ gì?

Tôi không hiểu các vị Lão thành cách mạng của Thành phố nghĩ gì?

Tôi không hiểu các Nhân sĩ trí thức của Thành phố nghĩ gì?

Riêng tôi, một công dân của Thành phố, không chỉ thấy bất an mà còn cảm thấy một nỗi tủi nhục đè nặng trong tim, khi phải cúi đầu, ngửa tay nhận của bố thí mà người cho đã chối bỏ không dùng nó; khi có kẻ lên mặt dạy rằng: “Ăn mày còn đòi xôi gấc”!

Thưa Quý vị,

Nếu Quý vị chân thành cảm ơn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và xin từ chối lòng hảo tâm của họ, vì món quà này không hợp lòng dân, thì Quý vị sẽ càng thêm sự tin cậy của nhân dân.

Với tất cả lòng chân thành, sự cởi mở, tính bộc trực của người dân Thành phố, tôi rất mong Quý vị hãy quan tâm những điều trình bày trong lá thư này.

Kính chúc Quý vị an lành, mạnh khỏe để lãnh đạo nhân dân Thành phố ta vượt qua đại dịch, mau trở lại cuộc sống sôi động như xưa.

Trân trọng

Mạc Văn Trang

Phòng 12.1, Khu căn hộ Phú Mỹ Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP HCM

Email: macvantrang@gmail.com

Chú thích:

1. https://vnexpress.net/mot-trieu-lieu-vaccine-sinopharm-ve-tp-hcm-4333555.html

2. https://www.facebook.com/canh.tranthanh.90

3. Xem hình 2 công văn trong bài này

4. Hình chụp quy định của UBND phường 4, Quận 3: “Bạn không có quyền lựa chọn vaccine khi được tiêm chủng”

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

TÔI SẼ TIÊM VẮC-XIN

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 3-8-2021


Cách đây hơn một tháng chị tổ trưởng dân phố bảo tôi ghi tên để chờ tiêm vắc xin theo tiêu chuẩn cho người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Tôi hỏi lại rằng đó là nghĩa vụ hay quyền lợi. Được biết đó là quyền lợi được ưu tiên nên tôi trả lời như sau: Nếu là quyền lợi thì tôi xin nhường cho những người khác tiêm trước, khi mọi người tiêm xong mà còn thuốc thì gọi tôi. Tôi tuy thuộc loại U90 nhưng không có bệnh nền, tự đánh giá có sức đề kháng tạm được.

Thế rồi con cháu, bạn bè ở xa, quan tâm đến, thỉnh thoảng hỏi tôi đã tiêm chưa, tiêm thuốc gì, có người còn nói rằng bắt buộc phải tiêm, nếu không tiêm sẽ bị phạt hoặc không được cấp giấy chứng nhận để được tự do đi lại.

Tôi trả lời mọi người sẵn sàng tiêm nếu là nghĩa vụ, còn nếu không bị bắt buộc thì tôi không tiêm dù loại thuốc nào. Tôi không chống lại. Tôi sẵn sàng tiêm bất kỳ loại thuốc nào đã được công nhận và dùng để tiêm cho nhiều người. Tôi là loại người nào mà dám chọn thuốc. Phương châm sống của tôi theo câu thơ của Tướng quân Trần Độ: “Ta phó thân ta với Đất Trời”, rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” hoặc “Ngẫm hay muôn sự tại Trời”.

Nhưng tôi không phó thác toàn bộ đời sống và sự nghiệp cho Trời, vì rằng “Có Trời mà cũng có Ta” (câu Kiều số 2657). Riêng chuyện tiêm vắc xin thì tôi tự thấy không cần, nhưng rồi có bị bắt tiêm hay không, tiêm loại thuốc gì thì tôi phó mặc cho may rủi. Tôi chỉ chủ động hàng ngày lo giữ gìn và luyện tập để nâng cao sức đề kháng và làm được việc thiện gì thì cố làm, rồi phó mặc thân này cho Đất Trời. Tôi nghĩ rằng sống như thế cho an nhàn tự tại, không lo sợ điều gì hết, không tranh giành bất kỳ thứ gì với bất kỳ người nào, để cho mỗi ngày sống là một ngày vui và sẵn sàng đón nhận mọi biến cố do cuộc đời đem lại.

Riêng việc đóng góp công sức, trí tuệ vào việc chống dịch, tôi tự đánh giá là đã làm được một số việc có ích theo khả năng và hoàn cảnh chứ không đòi hỏi gì hết, chỉ tiếc là không thể giúp được bà con bị lâm nạn được nhiều hơn.

N.Đ.C.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét