Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

20210819. CUỘC 'THÁO CHẠY' LẦN 2 Ở SÀI GÒN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NẾU TP.HCM KHÔNG CHO CHỖ Ở, MIẾNG ĂN THÌ  NÊN ĐỂ 

NGƯỜI NHẬP CƯ TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG !

MAI BÁ KIẾM/ TD 16-8-2021


Khi quyết định kéo dài giãn cách xã hội đến 15/9, TP.HCM nghĩ sẽ chặn đứng cuộc tháo chạy đợt 2 ra khỏi Thành phố của những người lao động nghèo tại các chốt cửa ngõ Thành phố và buộc họ quay về chỗ trọ cũ, mà họ đã trả vì cạn tiền!

Nhìn cảnh bà con nằm ngủ vật vạ trên cầu, ở bãi cỏ ven đường mà không cầm được nước mắt. Lời hứa của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi hôm 3/8 không có tác dụng: “Chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói”.

Không chỉ thiếu chỗ ăn, họ thiếu chỗ ở, thiếu cả chỗ nằm khi hấp hối. Một người đàn ông âm tính Covid, được chở đi cấp cứu nhưng 5 bệnh viện đều không nhận, phải quay về nhà trọ nằm đợi chết là chuyện có thật.

Những người đến TP.HCM ở trọ không có việc làm hơn hai tháng qua đã vào đường cùng, nên đành trở về quê vì tiền đồ như chị Dậu!

Khi hay tin từ 0g ngày 24/7 đến 1/8 TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn nữa, thì rạng ngày 25/7 đã có 229 người từ Thành phố này đèo nhau trên xe máy chạy đến đỉnh đèo Hải Vân.

Họ tháo chạy khỏi Thành phố liên tục, đến ngày 1/8 nhận được hung tin từ “quê hương là chùm khế đắng”: Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng… tuyên bố sẽ không nhận người của mình trở về, vì sợ có dịch, cho dù họ đã có giấy xét nghiệm âm tính (có thời hạn ba ngày)! Khốn nạn đến như vậy, người gốc Huế vừa hát bài “Ôi Huế của ta” vừa chạy sang Quảng Trị xin tị nạn.

TP.HCM có khoảng 400.000 công nhân làm việc tại các KCN tập trung. Trong đó khoảng 280.000 người có nhu cầu về chỗ ở. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ đầu tư khoảng 30.000 chỗ ở, 250.000 người phải thuê nhà trọ tư nhân. Khi chưa có dịch, nhiều doanh nghiệp giữ chân công nhân bằng hỗ trợ tiền nhà trọ từ 200.000 – 600.000đ/công nhân/tháng.

Vì thế, để giữ người nhập cư ở lại, Thành phố không thể nào hứa một câu “không để ai thiếu đói”, mà phải hứa cho họ chỗ ở không mất tiền, không tốn tiền điện, nước, và được chữa bệnh miễn phí. Không bảo đảm như vậy thì Thành phố nên hợp tác với các tỉnh giúp phương tiện đưa họ về!

Mai Bá Kiếm

RỒI GIỜ LÀM SAO ?

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 15-8-2021

Em trai tôi nhiễm Covid-19. Nó sốt 5 ngày li bì, tôi cứ nghĩ nó viêm họng hành sốt như mọi khi, đưa đi viện. Bệnh viện xét nghiệm nhanh Dương tính. Bệnh viện xét nghiệm PCR tiếp, rồi cho nó về với tờ giấy hướng dẫn cách ly tại nhà. Chờ kết quả PCR.

Không một viên thuốc, em trai tôi sốt tiếp, vật vã hầm hập, dị ứng Paracetamol. Tôi xót em, gọi Y tế phường như bệnh viện hướng dẫn, đáp lại tôi, họ nói phải có giấy xét nghiệm của Bệnh viện, chứng minh em trai tôi nhiễm Covid mới hỗ trợ. Tôi làm dữ, họ kêu em trai tôi gọi cho họ. Để rồi, họ cũng đòi nó giấy chứng nhận.

Thằng nhỏ sốt, dị ứng đủ thuốc. Tôi chỉ còn cách tự chữa cho nó. Đồ ăn thức uống để ở cửa khu vực riêng của nó. Đứng từ xa kêu em dậy ráng ăn uống, uống kẽm, uống viên C, uống nước ấm, ăn nhiều, ăn thêm trái cây, súc miệng xong khò nước muối, ngày 2 lần khò nước khử khuẩn.

Ba ngày sau trận sốt thập tử nhất sinh, nó dần bình phục. Ngày thứ 5 sau trận sốt đó của nó thì Y tế phường xuống phong toả vì nhận được kết quả PCR từ Sở Y Tế. 2 ngày sau đó, họ mới xuống test lại cho em tôi. Và lấy mẫu PCR.

Tới hôm nay, thằng nhỏ tươi tỉnh, ăn uống tốt, đang tập khứu giác để lấy lại mùi thì Y tế phường thông báo đi cách ly tập trung tại cơ sở Trường Cao Đẳng Nghề Thủ Thiêm- phường Bình Trưng Đông – Tp. Thủ Đức. Trong khi, nó có hẳn một khu vực riêng, có cửa sổ thông thoáng chỗ ở, có toilet riêng, có chỗ phơi nắng, tập thể dục riêng, đủ mọi điều kiện đáp ứng cách ly tại nhà.

Anh chị nói kết quả PCR của nó dưới 30, nồng độ virus cao cần đưa điều trị. Gia đình tôi yêu cầu cho nó cách ly điều trị dịch vụ, anh chị nói không có. Và như vậy, đưa thằng em tôi đi. Nó khờ khạo, mọi thứ đều cam chịu, từ nhỏ trăm thứ dựa vô mẹ, vô chị Hai, anh Ba.

Người nhà gọi lên hỏi ở được không? Nó cái gì cũng được. Tới hơn 10 giờ đêm mới nhắn tin về thủ thỉ với chị Hai:

– Hai ơi! Cái chú ở chung phòng em, ổng sốt dữ lắm. Không có ai đem thuốc cho ổng, em đưa thuốc cho ổng mà ổng không uống, phòng cũng không có nước uống. Tự nhiên, em thấy đau họng. Em sợ lắm. Hồi chiều, em vừa vô, có người bị quấn khiêng ra.

Tôi biết liền, thằng em mình đang chịu đả kích về mặt tâm lý rất lớn. Nó nói không có chiếu ngủ, tôi kêu nó chụp hình cái giường. Cái giường khung sắt chổng chơ. Tôi muốn khóc, rồi trấn an nó: Để Hai thử!


Ảnh: FB tác giả

Tôi gọi cho Quản lý khu cách ly, yêu cầu đổi phòng cho nó. Đề nghị nhờ người hỗ trợ đem nước uống từ nhà lên cho nó với chiếc chiếu. Nó được đổi phòng, nhưng tới khi nó có nhu cầu đi vệ sinh thì tôi choáng váng với hình cái toilet.

Lạy thánh thần, trời phật! Bệnh nhân đi toilet chung, cái toilet dơ khủng khiếp. Tôi thật sự bàng hoàng. Khi hôm nay, người trải nghiệm chuyện này chính là em ruột của mình. Tôi rụng rời khi tự hỏi: bấy lâu nay, những bệnh nhân khác được điều trị ra sao trong điều kiện vệ sinh và cơ sở vật chất đúng tính “dã chiến” như vầy?


Ảnh: FB tác giả

Tôi yêu cầu Y tế phường lẫn những cán bộ, bác sĩ có trách nhiệm tại điểm cách ly tập trung trường Cao Đẳng Nghề Thủ Thiêm xem xét lại trường hợp của em trai tôi, trả nó về cách ly tại nhà. Các vị lấy mẫu PCR 3 ngày trước, thì mẫu đó, nồng độ đó có còn đúng với 3 ngày sau không mà đưa em tôi đi cách ly tập trung? Trong khi, điều kiện cách ly tập trung không thể so với cách ly tại nhà, tại sao khi nó thập tử nhất sinh trong cơn sốt, không đem nó xuống đi điều trị dùm đi?

Quy trình là chết, con người là sống. Đừng để con người đang sống phải chết theo quy trình.

Nguyễn Thùy Dương

DÂN NGHÈO KẸT GIỮA ĐÔI ĐƯỜNG

MẠC VĂN TRANG/ TD 15-8-2021

Chiều 14/8 vừa nghe tin TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tiếp từ 15/8 đến 15/9, thì sáng 15/8 người dân ngoại tỉnh còn trụ lại sau đợt di tản đợt 1, đầu tháng 8, lại ùn ùn chạy xe máy về quê. Hàng ngàn người với toàn bộ gia tài chất lên chiếc xe máy, hối hả tìm về miền quê xa hàng 1000Km…

Nhưng lần này các lực lượng chức năng không bị bất ngờ, nên đã kịp thời ngăn chặn dòng người chững lại. Sự cãi cọ, bức xúc đã xảy ra giữa lực lượng chức năng và những người di tản.

Lực lượng chức năng có lý, vì họ phải quán triệt Chỉ thị 16, người dân ở đâu phải ở đó. Họ để dân ùn ùn di chuyển, họ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật nặng.

Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép“. Từ ngày 2/8, các tỉnh cũng đã dừng đón người dân về quê tự phát bằng xe máy…

Do vậy lực lượng chức năng đã chặn không cho người dân di tản, yêu cầu quay lại chỗ ở. Ai không chấp hành sẽ bị xử phạt; ai cố tình phản ứng lại quyết định của lực lượng chức năng sẽ bị cho là “chống người thi hành công vụ”…

Quay lại nơi ở thì người dân sống làm sao, khi họ đã mất thu nhập ít ra là 2 tháng rồi, trong khi đã không còn tiền ăn uống, thì tiền nhà, tiền điện, nước vẫn phải trả.

Trong bài “Người dân ùn ùn chạy xe máy rời TP HCM”, đăng trên VNExpress ngày 15/8/2021 có phỏng vấn một số người dân, được biết:

– Anh Hoàng Văn Trung, quê Nghệ An, làm công nhân ở Bình Dương, chở 5 chai nước suối trong bọc nilon, sau xe còn một vali lớn, treo thêm vài gói mì tôm và chai xăng 5 lít. Anh kể, bị công ty cho nghỉ việc gần 3 tháng nay, không có lương. Mất thu nhập, nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ chính quyền, chủ trọ không giảm tiền phòng … Anh chia sẻ: “Tôi hết cách rồi, biết cả nước đang giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, nhưng nếu ở lại lấy tiền đâu mà sống, lại sợ bị nhiễm bệnh“…

– Gia đình anh Hoàng Văn Hoa, quê Quảng Trị, làm công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức, cũng cùng chung hoàn cảnh khi cả 2 vợ chồng thất nghiệp vì dịch. Không có tiền sống buộc anh và vợ dậy sớm từ 5 giờ sáng, chở theo cô con gái 3 tuổi về quê bằng xe máy. “Về quê mình còn có gia đình, bà con thân thích, chứ ở nơi đất khách quê người, mất việc làm thật sự không biết lấy gì sống“…

– Anh Nguyễn Văn Sen, công nhân cho biết thất nghiệp nhiều tháng, gia đình không còn khả năng trụ lại ở thành phố nên định lái xe máy chở vợ và con về Bình Định. “Ở lại TP HCM thì tuân thủ Chỉ thị 16, nhưng mất việc, hết tiền, bám trụ khó khăn quá tôi chịu không nổi. Bởi vậy tôi muốn về quê có mắm ăn mắm, có muối ăn muối dễ sống hơn“…

Tôi cũng gọi điện hỏi thăm mấy người quen làm nghề tự do đang sống ở TP HCM xem sao, thì được biết:

– Cô bán hàng ở chợ bảo, vì có khách hàng của cháu F0, nên cháu phải đi cách ly 21 ngày, rồi về nghỉ bán hàng hơn tháng nay rồi. Con lớn của cháu làm bốc vác ở cảng cũng nghỉ hai tháng nay không lương. Tất cả nhà chưa được hỗ trợ gì cả…

– Chủ Công ty xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thường thuê 10-15 công nhân, bảo, Công ty nghỉ mấy tháng rồi; doanh nghiệp cũng phá sản còn đâu mà hỗ trợ công nhân. Cả Công ty lẫn công nhân chả ai được hỗ trợ gì!

– Ba đứa cháu làm nghề tự do, cũng mất việc, mất thu nhập 2 tháng rồi, hỏi có được chính quyền hỗ trợ gì không, các cháu bảo không. Nhưng chúng con còn tự cầm cự được, nhiều người mất việc đói khổ lắm…

Tóm lại, người dân hỗ trợ nhau cũng chỉ cứu đói nhất thời, không thể thay cho nguồn THU NHẬP THƯỜNG XUYÊN ĐỂ SỐNG được; còn hỗ trợ của Nhà nước thì chậm trễ vì thủ tục và cũng đến được số ít người, không thể đủ hết các đối tượng cần trợ giúp. Hơn nữa tiền trợ giúp cũng chỉ được 1 đợt, mỗi đợt chừng 1,5 triệu đồng, không đủ cho 1 người sống 1 tháng.

Trong bài viết nói trên, cho biết: “Đến nay, gói cứu trợ thứ nhất với tổng số tiền 886 tỷ đồng cơ bản hoàn thành. Ngoài nhiều nhóm ngành nghề được giúp đỡ, hơn 311.000 lao động tự do (mỗi người nhận 1,5 triệu đồng)”.

Ở gói hỗ trợ thứ hai tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng, cùng với việc bổ sung thêm nhiều hộ nghèo cần giúp đỡ, TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân trước ngày 15/8. Tuy nhiên, đến chiều 14/8 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết: “Cụ thể, trong 367.000 lao động tự do cần hỗ trợ, đến chiều 14/8 mới chỉ hơn 100.000 người nhận được tiền, chiếm gần 30%”…

Tình trạng như vậy thì ngay những người được trợ cấp 1,5 triệu đồng cũng làm sao đủ sống đến 15/9? Còn bao nhiêu người chưa và không được trợ cấp thì sống ra sao?

Đây là vấn đề khủng hoảng xã hội rất cấp bách rồi. Nhà nước phải kịp thời giải quyết bằng một trong hai cách:

Một là, tổ chức chở người dân về quê, địa phương đón tiếp, nuôi cách ly 14 ngày rồi thả về để họ “tự cứu lấy mình, trước khi Trời cứu”!

Hai là, Nhà nước chi ngân sách, gấp rút cứu trợ những người dân không có tiền lương, mất thu nhập, đang rất khó khăn ở TP HCM và nhiều thành phố khác. Làm sao trợ cấp hàng tháng để người dân có thể sống tối thiểu, suốt thời kỳ họ mất thu nhập…

Đây không phải ban ơn mà là vấn đề an sinh xã hội, nhà nước phải giải quyết. Người làm chính sách phải tự đặt mình vào hoàn cảnh người tay trắng, xem 1 tháng chi tiêu tối thiểu là bao nhiêu để mà tính cho sát.

Nhà nước phải chọn một trong hai giải pháp, chứ không thể để người dân kẹt giữa Chỉ thị 16 và chết đói. Có vậy tuyên bố của Thủ tướng: “Không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để ai tụt lại phía sau” mới là nói THẬT!

THUẬT NGỮ HÀNH CHÍNH 'DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ' ?

MAI BÁ KIẾM/ TD 16-8-2021

Trong lúc tình hình dầu sôi lửa bỏng phải bằng mọi cách giúp dân chúng thực hiện quy tắc 5K tại nơi công cộng, thì ngày 25/6/2021, tại điểm tiêm Nhà Thi đấu Phú Thọ, Q11 có hàng ngàn người chen chúc xếp hàng bên ngoài. Đáng ngại nhất là hàng ngàn người này là viên chức cấp phường, lực lượng dân quân, công nhân vệ sinh (ưu tiên tiêm sớm) hoàn toàn quên quy tắc 5K!

Khi phong tỏa Gò Vấp, Quận quên rằng trên địa bàn có 37.000 công ty và 30.000 hộ kinh doanh, 700.000 dân thường trú, 300.000 dân tạm trú, mà các chốt đầu ngõ kiểm tra giấy tờ nội xuất, ngoại nhập thì không ùn tắc sao được? Ùn tắc thì 5K tiêu, F0 lây tự do.

Mới đây, không biết “think tank” nào bày ra cái trò khai báo “Di biến động dân cư” gây ùn tắc tại các chốt nội thành và các chốt cửa ngõ Thành phố. Mới thực hiện sáng 15/8 thì chiều cùng ngày, các chốt nội thành đã hủy bỏ “khai báo di biến động dân cư”, và chỉ xét giấy thông hành!

Chưa biết tính ưu việt của “phần mềm quản lý cư dân vùng dịch toàn quốc” là có thể lưu lịch trình, khi cần truy F0, F1, F2 sẽ thực hiện nhanh chóng và chính xác như thế nào, nhưng cái tên “di biến đông dân cư” nghe nó Hán rộng quá!

Di – biến – động (di chuyển – biến chuyển – chuyển động) là ba động từ chỉ sự dịch chuyển tại sao ghép chung nhau? Hay họ bắt chước cách nói gộp thời bao cấp “khu liên cơ” là nơi làm việc của nhiều cơ quan nhưng khác ngành. “Thanh kiểm tra” là nói gộp hai động từ thanh tra và kiểm tra; tương tự: “kiểm kế toán” hay “khởi truy tố”.

“Di biến động dân cư” có thể là cách nói đùa bằng miệng cho vui, chứ không thể viết nó vào một văn bản hành chính như một thuật ngữ được! Nếu dùng chữ tùy tiện như vậy, thì biên bản vi phạm hành chính ở Phú Yên có thể ghi ông L.X.H – Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh “phối kết hợp” với bà Đ.T.L.L. – Phó Văn phòng Sở TNMT đi “xem đất điền thổ” trong “xe hơi ô tô con” của ông Hà!

Được biết, trong mùa dịch hạn chế ra đường khi không cần thiết, nhưng do ông H. “bức xúc xích” làm bà L. “cảm động đậy”, nên lực lượng chức năng phải gõ cửa xe, 15 phút sau hai người mới hết “gây mê hồi sức” mở của xe bước ra!

Mai Bá Kiếm

SÀI GÒN CỰC LẮM, SÀI GÒN ƠI, SÀI GÒN ƠI 

PHAN XUÂN TRUNG/ 18-8-2021

Với cái thẻ bác sĩ, tôi thông chốt dễ dàng từ quận này sang quận khác. Các anh chốt chặn thấy là phẩy tay cho qua nhanh. Thà là có các anh ngồi thì mình còn thông chốt được chứ không có anh nào, chỉ có các hàng rào sắt kẽm gai chằng chịt khắp các con hẻm thì cái thẻ của mình hoàn toàn vô dụng. Không biết thường ngày những cái khung kẽm gai đó cất ở đâu mà khi có dịch thì xuất hiện đầy khắp hang cùng ngõ hẻm!

Tôi đã nổi điên hét vào mặt một anh phó chủ tịch phường: "Các anh muốn giết người à? Hàng rào kiểu này thì xe cấp cứu vào kiểu gì? Xe chữa lửa vào kiểu gì?". Tôi thật sự không hiểu tác dụng của các rào kẽm gai đó để làm gì. Chặn con virus chăng? Virus bay vi vu trong gió chứ có thèm đứng ngoài hay trong hàng rào đâu. Vậy thì hàng rào chỉ có tác dụng nhốt dân, nhưng mà nhốt để làm gì? Để cho dân đừng có đi và do vậy sẽ không có lây à? Là giải pháp bảo vệ dân à? Thực tế không phải vậy, dân đang chịu trận vì người hàng xóm F0 mà không biết phải làm sao. Một hàng xóm F0, hai ngày sau cả nhà đó F0, bốn ngày sau cả xóm đó F0, tám ngày sau những cái quan tài xuất hiện một cách yên lặng, sau đó sẽ đi lòng vòng để ra được đường lớn vì đầu hẻm đã bị rào kẽm gai.

Có những bệnh nhân chỉ cần ngó qua đã biết sống không nổi trong 24 tiếng đồng hồ tới. Đó là những bà nội, bà ngoại mập mập tròn tròn, nằm ngủ li bì, phản ứng chậm chạp... Oxy không đủ nên sức sống tựa như ngọn đèn hết dầu, leo lét, chực tắt trong giây lát. Nhìn là biết bị nhiễm Cúm Tào rồi nhưng người nhà thì nhất mực là "em mớt test cho bà ngày hôm kia, âm tính". "Test lại đi em..."... "Dạ... dương tính rồi thưa bác sĩ. Mà, bà em mới đi chích ngừa hôm kia. Sau chích thì bà trở yếu như vậy...". Chẳng phải do chích ngửa đâu em. Bà đã bị nhiễm từ trước đó rồi, qua giai đoạn ủ bệnh, bây giờ mới phát. Khi bệnh nhân ủ rủ như con gà rù thì cơ hội để cứu giúp rất mong manh. Thế nhưng nếu nhanh tay chút thì cũng thoát được cửa tử.

Cái con Vi rút kia bản thân nó không có độc tố. Nó chỉ chuyên tâm đi tìm tế bào niêm mạc hô hấp để làm tổ, mượn nhân tế bào để sao chép thông tin di truyền và tổng hợp protein, duy trì nòi giống thôi. Kẻ ăn nhờ ở đậu kia xâm nhập vào cả hô hấp trên và hô hấp dưới, khác với thằng anh nó là Sars CoV 1 chỉ làm tổ ở phổi. Chính vì sinh sản ở niêm mạc hô hấp trên nên mới gây lây dữ. Chu kỳ sinh sản của Cô chỉ có 7 ngày nằm giường đẻ và khi phóng thích ra hằng hà sa số những bản sao, chúng tiếp tục xâm nhập tế bào mới và lan xuống hô hấp dưới. Khi xâm nhập tế bào niêm mạc phổi thì chúng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể.

Ở chỗ này có vài sự nhầm lẫn. Người ta nói rằng bệnh nhân chết là do hệ miễn dịch "yếu". Thật ra không phải vậy, phải nói là ngược lại. Người càng già và nhiều bệnh nền thì bên trong cơ thể có sẵn rất nhiều yếu tố miễn dịch được sinh ra trong suốt cuộc đời từng trải với môi trường cùng bệnh tật. Những yếu tố miễn dịch này hoạt động mạnh đến nỗi làm tăng dịch viêm trong mô kẽ phổi, làm đông đặc các mạch máu nhỏ và thậm chí còn sinh ra cơ chế tự miễn, tức là tấn công vào tế bào lành.

Thật ra virus đang nằm trong lòng tế bào niêm mạc, đâu có chường mặt ra môi trường huyết tương hay mô kẽ để bị thực bào. Hệ miễn dịch bị báo động và hoạt động quá mức đến mức gây hại cho cơ thể ngay cả sau khi chu kỳ sinh sản của virus đã chấm dứt. Trên một biểu đồ, người ta thấy virus từ ít tăng lên nhiều trong 7 ngày đầu, sau đó từ nhiều giảm xuống ít đến bằng 0 trong 7 ngày tiếp theo. Song, phản ứng viêm lại xảy ra rất kinh khủng vào sau ngày thứ 14 đó và càng ngày càng tồi tệ, mặc dù chẳng còn bóng kẻ "giặc" nào trong cơ thể. Rõ ràng là virus đã chọc giận hệ miễn dịch khiến cho hệ miễn dịch tấn công vào chính cơ thể của mình một cách mù quáng.

Hiểu vậy nên phải tìm mọi cách kìm hãm phản ứng viêm và ngăn ngừa đông máu ngay từ khi chớm phát hiện phản ứng viêm. Thuốc để chữa Co-Vid căn bản là kháng viêm và chống đông máu. Kháng viêm bằng gì và chống đông bằng gì thì tùy quan điểm. Đối với đại dịch thì phải tìm giải pháp nào mà dễ tìm, dễ xài nhất cho dân chúng. Nếu dùng kháng viêm mà mỗi lần uống một bụm 8 đến 12 viên thuốc "đề-xa" thì khá vất vả. Còn chống đông mà bắt phải đi tìm các biệt dược lạ hoắc hay đắt tiền thì khó áp dụng cho số đông. Vậy nên bác Trung vẫn cứ thích dùng thuốc đơn giản, dễ tìm, uống 1-2 viên một ngày cho gọn.

Thấy vui khi bạn Loan ở chung cư Era quận 7 nhắn tin: "Em khỏe rồi, SpO2 của em hôm nay lên 97 rồi". Cái ngày gặp Loan, bạn như không còn sức để làm gì, mặt mày ảm đạm, nói chẳng ra hơi. Niềm vui khi anh Phương gọi nói: "Má tui hôm nay tươi tỉnh lắm rồi". Bà cụ ở tuổi trên 80. Cô Lam gọi báo "Em theo cách của anh, chỉ dẫn cho ông anh, giờ ổng khỏe rồi"...

Suốt tuần qua ngày nào cũng hoạt động hỗ trợ sức khoẻ trong các xóm đạo trên Tân Bình. Có mấy thanh niên sốt, ho... bảo bác sĩ cho thuốc cảm ho, viêm họng. Bác sĩ hỏi anh test Cô-Vit chưa, anh nói "Em test rồi, âm tính. Ba ngày em test một lần, tất cả đều âm tính". Tôi bảo "Ông test lại đi, bởi vì việc điều trị viêm họng, viêm phổi và điều trị cho Covid là hoàn toàn khác nhau". "Dạ, để em mua đồ tét lại"... "Dạ, bác sĩ ơi, dương tính rồi!" "Vậy thì test cả nhà đi... Dạ, cả nhà dính hết rồi.

Khỏi nói cũng biết dính cả nhà. Có dịch mới có dịp xâm nhập nhà cửa của dân Sài Gòn ở khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm. Ai đó ngày xưa hát "Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi, Sài gòn ơi..." có lẽ là người ưa dạo phố. Sài gòn thời Pháp xây dựng thì đường xá, kiến trúc, cây xanh đẹp đẽ. Có dịp vào nhà dân ở khu Đoàn Văn Bơ, Xóm Chiếu, khu Xóm Đạo Tân Bình... thì mới thấy hết cái thật của Sài Gòn. Hẻm hóc, chật chội, ngổn ngang, nhếch nhác, tối tăm... Một gia đình nhiều thế hệ sống chung. Trẻ con nằm lê dưới đất, người già nằm trong những chiếc giường nhỏ hẹp... Những người Bắc Di Cư ngoan đạo, chấp nhận số phận của mình, xem đó là sự an bài của Chúa... Trong những cái nhà hộp quẹt như vậy không lây cả nhà mới là lạ.

Xóm đạo dường như không có tiếng khóc khi có người mất.Giáo dân tin rằng linh hồn đã về với Chúa nên chỉ làm nghi lễ đám tang trong yên lặng. Sáng nay đi ngang qua một nhà có người vừa qua đời, chỉ có một người con ngồi trước quan tài, thật lặng lẽ, không khách thăm, không kèn trống... Những người vừa từ trần đó vẫn còn hạnh phúc vì ít ra còn có con cháu vuốt mặt, có Cha nhà thờ đến làm lễ hoặc có Thầy Chùa đến tụng kinh. Do vậy, nhiều gia đình chấp nhận để cha mẹ trị bệnh tại nhà. Ngưởi ta dần dần bắt đầu chấp nhận chuyện sinh tử. Người ta bắt đầu không còn bàn tán về chuyện ai chết, ai sống. Người ta nhận được kết quả xét nghiệm dương tính cả nhà và chỉ cầu mong Chúa che chở. Nếu Chúa gọi đi thì cứ phải đi. Người ta không còn tránh né con virus quái ác kia nữa. Có tránh cũng không tránh được. Có ở nhà đóng cửa kín mít, không thò chân ra khỏi ngạch cửa suốt mấy tháng trời mà vẫn bị nhiễm, không biết bằng cách nào.

Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Cứ 100 năm lại xảy ra đại dịch như thể một sự thanh lọc nào đó của tạo hóa. Những kẻ ngỗ ngáo thì ra sức hô hào chống dịch như chống giặc, rằng trang bị vũ khí cho bác sĩ để giết giặc Covid-19! Tôi tin rằng những kẻ đó chưa từng dám bước chân đến nhà bệnh nhân nhiễm virus, nắm bàn tay của bệnh nhân xem ấm lạnh thế nào. Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu chăng dây, ngăn đường. Càng ngăn cản chừng nào thì càng làm bít tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội.

Con virus đã kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể và đồng thời kích hoạt luôn cả phản ứng viêm của xã hội. Người ta đã phản ứng thái quá và sai vấn đề một cách nghiêm trọng. Trong khi phản ứng viêm bùng phát, hệ miễn dịch đã không ăn được xác con virus nào lại đi tấn công tế bào lành của cơ thể. Trong xã hội, người ta cũng không tấn công được đứa giặc nào mà chỉ làm chết thêm dân chúng từ những giải pháp ấu trĩ, thiển cận, thiếu suy nghĩ. Dân chết không phải do Covid mà chết vì tất cả các mặt bệnh khác không được chữa trị. Dân chết không phải do Covid mà chết vì đói, vì sợ hãi.

Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi giải pháp "chống giặc" đều vô nghĩa. Virus Covid không phải đến với thế gian này để tạo nên tận thế. Covid đến và lấy đi sinh mạng một cách có chọn lọc.

Đừng chống nữa, đừng đánh nữa, đừng diệt nữa... Hãy khiêm tốn trước thiên nhiên. Hãy nhún nhường và chấp nhận.

P.X.T.

Nguồn: FB Phan Xuân Trung

LÒNG DÂN KHÔNG THỂ 'CHIẾN THẮNG'

NGUYỄN ĐẠI/ TD 17-8-2021


Nếu ông Thủ Tướng (TT) chính phủ của đảng CSVN trước đây có những phát biểu làm nên thương hiệu của ông, như “cờ lờ mờ vờ”, “nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam” … thì ông TT hiện nay ăn nói tốt hơn, “có tâm, có tầm” hơn, theo báo đảng.

Chủ Nhật tuần rồi, ngày 15/8/2021, ông Phạm Minh Chính, trong chức vụ Thủ Tướng chính phủ đảng CSVN hiện nay, đã phát biểu: “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, chiến thắng dịch bệnh là “chiến thắng lòng dân” và truyền thông đảng theo lệ cũ, đưa ông lên mây.

Xin đóng góp ý kiến như sau để giúp ông “chiến thắng lòng dân”: Đó là, ông hãy công bố danh sách lãnh đạo và thông tin như, ai, ở đâu, đã được chích vaccine gì? Ông sẽ được vinh danh là người nói và làm xuất sắc nhất trong lịch sử cách mạng, bởi dân chúng sẽ biết được vaccine tốt nhất đã được chích cho ai, sớm nhất vào lúc nào? Ông chắc chắn sẽ “chiến thắng lòng dân” sau khi công khai thông tin này. Tại sao điều ông và đồng chí ông đã làm, ông lại không nói?

Còn bây giờ muốn giải quyết lượng vaccine Trung Quốc không hiệu quả, nhiều nước không công nhận, ông và đồng chí của ông lại cứ muốn chích cho dân thành phố “mang tên bác” sớm nhất để thành loại “tốt nhất”. Cách cư xử như vậy vừa xúc phạm tới bác, vừa không thể “chiến thắng lòng dân”, bởi dân ở thời đại 4.0 này không phải cứ nói, cứ thổi linh tinh là họ mát bụng. Ông coi thường họ quá, thì làm sao “chiến thắng” được lòng của họ.

Từ đầu mùa dịch, chính phủ của ông đã ỷ lại vào việc giãn cách, việc “bịt chặt” không cho virus đi qua, việc “chống dịch như chống giặc”, lập “đường mòn HCM trên không”, “trường kỳ kháng chiến”, hô các khẩu hiểu thời “đánh Mỹ”. Con virus không có liên hệ với ý chí cách mạng, với lòng dũng cảm, “chỉ đạo quyết liệt”, “chiến thắng lòng dân” gì cả. Con virus chỉ “sợ” vaccine. Nhưng, chính phủ của ông đã không có chính sách vaccine kịp thời và hữu hiệu, dẫn đến cái chết của nhiều người dân; điều đó là tội ác.

Những người nhiễm virus là nạn nhân, họ không phải là tội phạm, họ phải được giúp đỡ, không phải bị bắt nhốt (đi cách ly tập trung) trong điều kiện tồi tệ, và lìa xa với gia đình con cái của họ trong những ngày tháng đau thương, hoạn nạn nhất này. Chính sách “tách F0 ra khỏi cộng đồng” như trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam cũng là một tội ác. Không ai đối xử tàn bạo với người khác để lấy lòng của họ cả.

Giãn cách là biện pháp tránh lây lan, người thực hiện giãn cách phải có nhu cầu tối thiểu để sống còn. Người ở tù cũng phải được ăn, mặc, sinh hoạt tối thiểu. Giãn cách mà không tính đến việc bảo đảm đời sống cơ bản của người dân có khác nào nhốt họ lại trong tình trạng thiếu thốn những nhu cầu cơ bản nhất.

Ông Chính và các đồng chí của ông đã làm gì để bảo đảm nhu cầu tối thiểu, sống còn đó của người dân? Cái chỉ thị 16 gì đó: “người cách ly người, nhà cách ly nhà…” đọc cứ như thơ, đã làm cho hàng hóa không di chuyển, đẩy giá sinh hoạt lên đắt đỏ… Chỉ thị đó có khác gì việc giam người dân lại, bỏ đói họ. Dân đói mà, lòng của họ trống rỗng, cồn cào, thì có cái gì để cho ông “chiến thắng”.

Không chịu nổi cái đói, cái chết do dịch bệnh đang chực chờ, họ lên đường về quê, thì bị chận lại. Ông không thấy, không nghe những cảnh đời oan trái trên khắp các ngả đường Việt Nam? Con thú khi đói còn biết kêu gào, người dân chỉ chạy về nơi họ còn có chút hy vọng có miếng ăn, ông cho người ngăn họ lại. Bụng họ trống rỗng, nước mắt cũng không còn, họ không còn gì để cho ông và các đồng chí của ông “chiến thắng” cả.

Người sống không có gì ăn, lại không được chạy tới chỗ có cái ăn. Thân nhân của họ, người đã chết, họ không có tiền để chôn cất mai táng. Lòng dân đã chết, không còn gì nữa để ông và các đồng chí của ông chiến thắng. Cái mà họ nhận được từ ông và các đồng chí của ông, may ra, chỉ còn là những nắm tro… những tang tóc, thảm thương.

Họ đang chờ một cơ hội để tái sinh. Lòng dân đang nhóm thành cơn bão. Cơn bão trong lòng đại dương đang cuồn cuộn đến. Ông và các đồng chí của ông không thể chiến thắng được cơn bão trong lòng dân. Hãy nhận ra những điều đó trước khi quá muộn.

ĐẠI DỊCH NHƯNG RẢNH RỖI !

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 17-8-2021


Những chuyện bất cập liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch tại Việt Nam không còn làm người ta cười, kể cả cười mỉa và cười buồn.

Đợt dịch COVID-14 thứ tư sắp tròn bốn tháng nhưng những lỗi lầm khó hiểu, khó chấp nhận trong quản trị, điều hành cả trên bình diện vĩ mô lẫn vi mô chỉ tăng chứ không giảm. Điều đó cho thấy không những giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến dịa phương thiếu đủ thứ, từ tri thức, viễn kiến, thành tâm, thiện ý, đến khả năng tự điều chỉnh, ý thức trách nhiệm và tệ nhất là họ quá… rảnh, thành ra trở nên nông nổi. Sự nông nổi tăng thêm tai họa cho cả dân chúng lẫn người thừa hành…

***

Những tình huống dở khóc, dở cười khi TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam thực hiện các biện pháp kiểm soát, nhằm hạn chế đi lại trong hai tháng 6 và 7 mà thực tế đã cho thấy, không những không có hiệu quả còn gây ra những tác hại nghiêm trọng đến dân sinh, vẫn không thể giúp gì cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành phố Hà Nội. Cũng vì vậy, thượng tuần tháng này, việc ban hành và hướng dẫn sử dụng “mẫu Giấy đi đường” mới (1), buộc những người cần ra khỏi nhà phải đi lại nhiều hơn, tạo ra những điểm tập trung đông người mới, cho dù mục tiêu của việc ban hành “mẫu Giấy đi đường” mới là để… hạn chế đi lại, tụ tập đông người khiến COVID-19 lây lan mạnh hơn!

Nếu các viên chức hữu trách ở Hà Nội biết dùng… mắt để… nhìn, biết dùng… tai để… nghe và biết dùng… đầu để… nghĩ, quan trọng hơn là… có thể nghĩ được những giải pháp khác, khả thi hơn trong việc phòng ngừa COVID-19 lây lan nhằm tránh được vết xe đã làm uy tín chính quyền TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam… đổ, chắc chắn “mẫu Giấy đi đường” và các thủ tục đi kèm, như phải có xác nhận của UBND phường nơi… làm việc đã không gây náo động và phản tác dụng tới mức phải hội họp, chỉ đạo sửa ngay như vậy! Đáng ngại là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của địa phương nào cũng vậy, cho nên chỉ một tuần sau, tới lượt Bình Dương tổ chức chặn quốc lộ xuyên Việt (2)!

Từ khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương xác định lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh tại địa phương của họ, hoạt động phòng, chống dịch tại các tỉnh và thành phố chỉ có một kiểu, bất kể hiệu quả thực thi và hậu quả thế nào!

Tại sao không có nơi nào nghĩ khác, làm khác dù đặc điểm mỗi nơi mỗi khác, thậm chí rất khác? Câu trả lời dường như là vì các viên chức hữu trách không biết nghĩ khác, không muốn hoặc không dám làm khác. Lãnh đạo mà không cần… nhìn, không cần… nghe, không cần… nghĩ, luôn kiên định với con đường đã được vạch sẵn thì chắc chắn rất… rảnh!

Chẳng riêng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương. Lãnh đạo các ngành cũng vậy. Chuyện ngành công an phải tạm ngưng triển khai ứng dụng “kiểm soát di biến động dân cư” chính là ví dụ. Tạp chí điện tử Luật Khoa vừa giới thiệu một bài viết phân tích khá đầy đủ về ứng dụng vừa kể (3). Về lý thuyết, “kiểm soát di biến động dân cư” là ứng dụng giúp kết nối điện thoại thông minh của cá nhân với kho dữ liệu dân cư của quốc gia để quản lý cả việc đi lại của đương sự lẫn hỗ trợ theo dõi dịch bệnh khi đương sự có việc phải tới lui trong thời gian xảy ra dịch bệnh. “Kiểm soát di biến động dân cư” được quảng cáo là tiết kiệm thời gian, công sức trong khai báo y tế…

Sau năm năm, ngốn hết khoảng… 9.000 tỉ đồng để xây dựng kho dữ liệu dân cư của quốc gia, chưa kể vừa qua, lúc dịch đã bắt đầu lan rộng, ngành công an vẫn triệu tập dân chúng để thực hiện cho xong kế hoạch chuyển đổi căn cước công dân thành dạng có thể tra cứu bằng các thiết bị điện tử nhằm gia tăng tiện ích của kho dữ liệu dân cư quốc gia. Tuy nhiên việc khai thác ứng dụng “kiểm soát di biến động dân cư” tại TP.HCM chỉ diễn ra trong… nửa ngày vì đã tạo ra những… cuộc tụ tập khổng lồ do người dùng phải ngừng lại rất lâu để tự khai báo đủ thứ, người kiểm soát phải tiếp cận đương sự, đối chiếu cả dữ liệu trên địa thoại thông minh lẫn… căn cước!

Không chỉ chết yểu khi đưa ra ứng dụng tại TP.HCM, tự thuật của một số người có việc phải đi lại đường dài, băng qua nhiều địa phương, cho thấy thêm, các ứng dụng hỗ trợ “khai báo y tế” theo hướng… “công nghệ 4.0” kiểu như “kiểm soát di biến động dân cư” không có giá trị sử dụng ở rất nhiều nơi, hoặc vì những người tham gia kiểm soát đi lại không… biết, không thèm… bận tâm, hoặc không… có thiết bị. Những ngàn tỉ, rồi chục ngàn tỉ đã chi cho… “chuyển đổi số”, đặc biệt là “chuyển đổi số” để gia tăng hiệu quả phòng, chống dịch, bảo đảm sự thành công của… công cuộc phòng chống dịch hóa ra là… thế!

***

Từ đầu năm ngoái đến giờ, lúc thì ở chỗ này, khi thì tại chỗ khác, hết viên chức này đến viên chức khác đưa ra đủ loại tuyên bố về chuẩn bị, về nỗ lực phòng, chống dịch. Không may cho họ là thực trạng dịch dã không như họ… mường tượng. Tuy nhiên cho dù hậu quả thảm khốc thế nào thì thực tế cho thấy các viên chức hữu trách vẫn rất… rảnh, vẫn cương quyết không dùng… mắt để… nhìn, không dùng… tai để… nghe và không dùng… đầu để… nghĩ.

Cách nay vài ngày, chính phủ tổ chức phiên họp đầu tiên của… Hội đồng Thi đua Khen thưởng nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thủ tướng cũng là Chủ tịch Hội đồng này khoe nhiều thành tích mà “ta” đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng, nhà nước, chính phủ và chính… Thủ tướng, bất chấp đại dịch! Dường như dân đói, dân chết, thất nghiệp tràn lan, nông sản ối đọng, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, doanh nhân phá sản,… không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng.

Điều duy nhất khiến Thủ tướng bận tâm là… tình hình đòi hỏi phải cố gắng, thúc đẩy, khích lệ các phong trào thi đua như… “bác” – “càng khó khăn thì càng phải thi đua“, phải thúc đẩy “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” để có những thành quả mới, “đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, nỗ lực rồi nỗ lực hơn, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn” và chính thức phát động… phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch” (5).

Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng Việt Nam đã thế thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khó mà khác thế.

Ngoài việc thừa nhận: Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân. Dịch bệnh có thể còn kéo dài và đang đặt ra thách thức lớn cho chúng ta trong công tác phòng, chống dịch và những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội – dường như do không thể vạch ra bất kỳ giải pháp nào cụ thể, khả thi để giảm thiểu hậu quả của đại dịch mà thành rất rảnh, rồi không thể không làm gì cho nên mới chỉ đạo… thúc đẩy thi đua, kể cả phát động… phong trào thi đua đặc biệt!

Chú thích

(1) https://baotintuc.vn/ha-noi/ha-noi-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-de-phat-huy-hieu-qua-giay-di-duong-20210807203044665.htm

(2) https://nld.com.vn/thoi-su/vi-sao-binh-duong-dung-be-tong-chan-quoc-lo-1-gay-un-tac-nhieu-km-20210814190649264.htm

(3) https://www.luatkhoa.org/2021/08/he-thong-di-bien-dong-dan-cu-cua-bo-cong-an-hoat-dong-ra-sao/

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219318143975577&id=1569759542

(5) https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-phat-dong-phong-trao-thi-dua-dac-biet-20210814131129217.htm


TPHCM KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ  HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN 27.896 TỈ ĐỒNG ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN KHÓ KHĂN

LÊ ANH/ TBKTSG 17-8-2021

(KTSG Online) - TPHCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho TPHCM số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Chi Đoàn thanh niên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn trao quà cho người dân gặp khó khăn ở quận 5 hôm 7-8. Ảnh: Phùng My

Chiều 17-8, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo UBND TPHCM, đợt bùng dịch lần thứ 4 tốc độ lây lan nhanh với diễn biến khó lường. Qua rà soát đến nay TPHCM có hơn 1,5 triệu hộ lao động nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19 với hơn 4,7 triệu người (bình quân 3 người/hộ).

Để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TPHCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ ngân sách cho thành phố với số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.

Số tiền hỗ trợ sẽ được TPHCM hỗ trợ người dân tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Chính phủ.

Theo tính toán của TPHCM số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là hơn 1,5 triệu hộ với hơn 4,7 triệu người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng cùng 15 kg gạo/người.

Trong hai đợt giãn cách vừa qua, TPHCM đã có hai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 1.800 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.

Mời xem thêm:

Hỗ trợ khó khăn do Covid-19: Tiền chắc không thiếu, vậy thì thiếu cái gì?

TPHCM chuẩn bị gói hỗ trợ thứ hai cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét