Vừa qua, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện bài viết của một số đối tượng so sánh cuộc chiến tranh ở Afghanistan với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây thực chất là những thông tin sai trái, xấu độc mang tính phá hoại về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Người Việt Nam chúng ta luôn muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không cho phép bất kỳ ai bịa đặt, xuyên tạc sự thật về cuộc kháng chiến anh dũng của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ba bài viết dưới đây để xem các đối tượng đã xuyên tạc, bịa đặt như thế nào? Đó là các bài viết: "Kabul năm 2021 có phải là Sài Gòn năm 1975?" của Jackhammer Nguyễn; "Afghanistan trong vòng vây Taliban và Sài Gòn năm 1975 có gì khác biệt?" của Minh Dũng và "Chiến tranh Afghanistan đang kết thúc như ở Việt Nam" của Việt Luận.


Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 16-8-2021. Ảnh: TTXVN 

Nhân dân Việt Nam, dư luận quốc tế, trong đó có cả người dân Mỹ đều lên án đó là cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ vào Việt Nam. Thế giới còn nhớ mãi hành động tự thiêu của một số người dân ở Mỹ và các nước khác để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Thậm chí có hàng trăm sĩ quan, binh lính Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam khi hiểu rõ sự thật, đã phản chiến để phản đối hành động xâm lược của Mỹ. Còn với Việt Nam, rõ ràng đây là cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc của mình. Vì vậy, 3 đối tượng trên không thể có lý do nào ngụy biện được cho hành vi xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Về nguyên nhân cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Jackhammer Nguyễn cho rằng "Cuộc chiến ở Việt Nam là để ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á". Việt Luận cũng viết "Mỹ vào Việt Nam để ngăn chặn họa Cộng sản từ phương Bắc tràn xuống". Còn Minh Dũng thì phán "Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam cũng với mục đích là ngăn chặn làn sóng cộng sản như những quân bài Domino tràn xuống Đông Nam Á".

Trong bài viết của mình, Jackhammer Nguyễn cho rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam "do người Mỹ chủ động", "Đó là sự chủ động đến rồi đi của người Mỹ". Sự thật là Mỹ chủ động xâm lược Việt Nam và Mỹ đã bị Việt Nam đánh bại nên buộc phải cuốn cờ cút về nước, chứ không có chuyện Mỹ" chủ động đi” khỏi Việt Nam. Chính Minh Dũng đã viết "Mỹ đã thua cuộc ở Việt Nam, hình ảnh người Mỹ phải di tản trên nóc tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn năm 1975 là một biểu tượng thất bại, mà trong mắt nhiều người đó là một thất bại nhục nhã". Minh Dũng cũng phải thừa nhận thất bại nặng nề về nhiều mặt, trong thời gian dài của Mỹ "Cuộc chiến Việt Nam khiến nước Mỹ tổn thất hơn 58.000 quân. Chiến tranh Việt Nam gây di chứng nặng nề cho nước Mỹ, từ vấn đề xã hội, văn hóa, kinh tế, cho đến học thuyết quân sự của nước này. Nước Mỹ luôn ám ảnh với cuộc chiến ở Việt Nam qua nhiều thế hệ và có ảnh hưởng rất lớn tới các cuộc chiến tranh sau này".

Trong cuộc kháng chiến của mình, quân và dân Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, chiến đấu hy sinh với mục tiêu bất di bất dịch là "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" để giành thắng lợi cuối cùng cho độc lập dân tộc. Năm 1965, lính thủy quân lục chiến Mỹ vào Việt Nam, cũng là năm Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III của Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân: "Động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào". Và cả dân tộc Việt Nam đã kiên định thực hiện thành công quyết tâm chiến lược đó. Ấy vậy mà trong bài "Chiến tranh Afghanistan đang kết thúc như ở Việt Nam", Việt Luận bịa đặt: "Ở Việt Nam, từ sau Mậu Thân hai ông Richard Nixon và Henry Kissinger đã đi đêm với kẻ thù, bắt tay bắt chưn, ăn chả giò…rồi ký hiệp định rút quân Mỹ để cho kẻ thù làm gì thì làm". Cũng theo Việt Luận: "Mỹ bí mật ngoéo tay với Hà Nội", "Hà Nội từ chối nói chuyện" với "người anh em trong nước", "Hà Nội một mực bác bỏ "Thiệu - Kỳ - Hương", "chỉ săn đón Mỹ mà thôi".

Trên thực tế, Mỹ không ngừng đánh phá, giết hại đồng bào ta ở miền Nam, dùng không quân và hải quân bắn phá miền Bắc, trong đó có cuộc tập kích bằng pháo đài bay B52 tháng 12 - 1972, ném bom cả vào nhà thương, trường học với ý đồ đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Những tội ác dã man ấy đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng! Chả lẽ đấy lại là việc "đi đêm", "săn đón Mỹ" của quân và dân Việt Nam ư?

Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai luôn xuyên tạc, bịa đặt về cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân và dân ta nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động Cộng sản là "tàn ác", "Cộng sản chiếm được sài Gòn thì sẽ có tắm máu". Nhưng trên thực tế ngày 30-4-1975, quân cách mạng đã vào Sài Gòn trong niềm vui chào đón của nhân dân, với những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc của hòa bình, độc lập, của niềm vui chiến thắng, chứ không hề có "trả thù", "tắm máu"…Thế mà đối tượng Jackhammer Nguyễn vẫn viết liều rằng: "Đoàn người chạy loạn ở miền Nam Việt Nam trong tháng 4-1975 bị thúc đẩy bởi những cảnh giết chóc của lực lượng cộng sản năm 1968, và xa hơn nữa là cảnh đấu tố cải cách ruộng đất 1955". Đối tượng Việt Luận cũng kết bừa: "Năm xưa Việt Nam có hiệp định "chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình…" để rồi kết thúc bằng máu và nước mắt trong ngày 30 tháng Tư".

Chỉ qua những phân tích sơ bộ từ ba bài viết của ba đối tượng trên cũng đã cho thấy bộ mặt thật và những âm mưu, thủ đoạn xấu xa nhằm cố tình bịa đăt, xuyên tạc về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những âm mưu, thủ đoạn, hành động xấu, sai trái, thâm độc, ác ý của thế lực, các đối tượng dù là cũ rích hay mới, có thể hiện dưới hình thức nào, so sánh với gì… cũng đều không thể làm thay đổi được sự thật chính nghĩa và chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại!

CÔNG MINH

KABUL NĂM 2021 CÓ PHẢI LÀ SÀI GÒN NĂM 1975 ?

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 16-8-2021

Người dân Afghanistan xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ để rút tiền trước một ngân hàng ở Kabul. Ảnh: Rahmat Gul / AP

Các lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy ra nước ngoài. Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 20 năm của người Mỹ xem như chấm dứt.

5000 quân Mỹ được triển khai tới Afghanistan không phải để đánh nhau mà là để di tản những công dân Mỹ tại đây.

Hơn 46 năm trước, ngày 30/4/1975 là ngày chấm dứt cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam, kết thúc 10 năm tính từ cuộc đổ bộ Đà Nẵng của thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1965, Nhưng nếu lấy mốc cuộc truất phế Bảo Đại của ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ của người Mỹ thì cũng tròn 20 năm.

Vào ngày 30/4/1975 cũng có những đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ được không vận tới Sài Gòn, không phải để đánh nhau mà là để rút đi.

Những con số tròn, cân đối và lạnh lùng, nhưng lại đưa đến cảm giác thú vị về sự đối xứng như Jon Sopel, biên tập viên BBC ở Bắc Mỹ, đề cập.

Nhưng đó cũng là những con số nhân tạo, như ông Biden quyết định lấy ngày 11/9 là hạn chót cho những đơn vị quân đội Mỹ rút ra khỏi Afghanistan. Không rõ có phải ông muốn lấy ngày đó để gợi lại cho người Mỹ hiểu cái nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến là cái ngày thảm khốc 9/11/2001 hay không. Cái ngày định mệnh của cuộc chiến, ngày mà lần đầu tiên lãnh thổ chính thức của Mỹ bị tấn công bởi người ngoại quốc (Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công vào năm 1941, lúc Hawaii chưa phải là một tiểu bang mà là lãnh thổ hải ngoại, cho đến năm 1959).

Cả hai cuộc chiến, Việt Nam và Afghanistan đều do người Mỹ chủ động, người Mỹ đến rồi rút đi.

Cho nên không ngạc nhiên khi các xe bán tải chở các chiến binh Taliban áp sát các thành phố Afghanistan, báo chí phương Tây lại rộ lên sự liên tưởng, và trong chừng mực nào đó, bóng ma Việt Nam lại ám ảnh một số người Mỹ, trong đó có không ít người Mỹ gốc Việt.

Quả thật có rất nhiều điểm tương đồng.

Thứ nhất đó là sự chủ động đến rồi đi của người Mỹ như vừa đề cập. Mục đích của người Mỹ ở Afghanistan là tiêu diệt Al-Qaeda và họ đã làm được (hạ thủ Bin Laden), họ thấy rằng họ không còn trách nhiệm ở lại. Mục đích của người Mỹ ở Nam Việt Nam là chống cộng sản, thì họ đã tìm ra con bài Trung Quốc vào năm 1972, cho nên cũng không có lý do để ở lại.

Nếu hiệp định Paris vào năm 1973 cho phép các lực lượng cộng sản ở lại miền Nam, một điều kiện vô cùng thuận lợi cho họ tiến hành chiếm Sài Gòn hai năm sau đó, thì thỏa ước 2020 giữa Mỹ và Taliban cũng không có gì khác hơn là một nhịp cầu để cho những chiến binh Taliban có mặt tại Kabul vài tháng sau.

Thứ hai là, cả hai cuộc chiến đều có chút ít màu sắc ý thức hệ. Cuộc chiến ở Việt Nam là để ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, còn cuộc chiến ở Afghanistan là để cổ vũ cho những giá trị dân chủ (mục đích thứ hai), chống lại sự bạo tàn, hà khắc của luật Sharia Hồi giáo.

Thứ ba là sự hiện diện của lực lượng Mỹ (và đồng minh) không giúp kiến tạo được một nhà nước dân chủ, mạnh như mong muốn. Lực lượng quân đội Afghanistan và Việt Nam Cộng hòa đều không một mình chiến đấu chống lại được đối phương, dù có trang bị hùng hậu hơn. Các viên tướng không có tài, sự nhũng lạm, làm suy yếu sức chiến đấu của các đội quân này. Nếu có những lính ma (ghost soldier) trong quân đội nhà nước Afghanistan hiện nay, thì trong quân đội Việt Nam Cộng hòa có lính kiểng.

Điểm tương đồng thứ tư, có lẽ là khá quan trọng làm cho các đồng minh Afghanistan và Nam Việt Nam của người Mỹ không chinh phục được cảm tình của đa số dân chúng, đó là chủ nghĩa dân tộc. Ở miền Nam Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc còn để lại từ phong trào Việt Minh chống Pháp, là sự đối kháng với những đội quân nước ngoài qua hơn 2000 năm lịch sử của người Việt Nam. Ở Afghanistan, các bộ lạc ở đây từ vài ngàn năm qua, chống trả dữ dội những đạo quân ngoại bang, từ Alexander Macedonia đến binh lính Anh, từ các sư đoàn Soviet đến liên quân do Mỹ đứng đầu.

Sự hiện diện của binh lính nước ngoài vô tình làm cho những tư tưởng cực đoan hà khắc trở thành đại diện cho chủ nghĩa dân tộc trong mắt dân chúng, tại Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản, tại Afghanistan là những tín điều tàn bạo của luật Sharia. Bên cạnh đó, sự nhũng lạm của các nhà nước được phương Tây ủng hộ, cũng làm cho nhiều người trở nên bất mãn mà ủng hộ cộng sản trong chiến tranh Việt Nam, hay ủng hộ Taliban trong chiến tranh Afghanistan.

Biên giới Afghanistan và biên giới Việt Nam đều không thể bao kín chống lại sự xâm nhập của các lực lượng vũ trang và vũ khí từ bên ngoài.

Sự tương đồng lớn nhất có lẽ là mô hình dân chủ phương Tây không được người địa phương hiểu, hoặc là chưa đủ thời gian để họ hiểu ra.

Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt rất lớn.

Đầu tiên là nguồn cơn của cuộc chiến. Nếu ở Việt Nam là lý tưởng chống cộng sản, thì ở Afghanistan là để tự vệ sau cuộc tấn công của Al-Qaeda vào tòa tháp đôi ngày 11/9/2021, vì Al-Qaeda dùng xứ này làm căn cứ hoạt động.

Nếu các lực lượng cộng sản tại Việt Nam có một “hậu phương lớn” ý thức hệ rất rạch ròi trong chiến tranh lạnh, cung cấp cho họ những phương tiện tài chính, quân sự dồi dào, thì lực lượng Taliban lai được cung cấp những phương tiện ấy từ những đồng minh của… Mỹ, Pakistan và Arab Saudi.

Các lực lượng cộng sản Việt Nam, gồm miền Bắc cộng sản và bình phong của nó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là một lực lượng rất thống nhất. Lực lượng đó đến gần nửa thế kỷ sau vẫn còn là một khối thống nhất trên cơ sở dân tộc và kinh tế. Lực lượng này đã từng có một ý thức hệ, nhưng đã tàn phai. Trong khi các chiến binh Taliban là một liên minh khá lỏng lẻo, liên kết nhau bằng một niềm tin có lịch sử gần 2000 năm.

Khi bắt đầu nhúng tay vào Việt Nam, người Mỹ hầu như không biết gì về xứ sở này, trong khi đó Afghanistan lại khá quen thuộc với họ, vì họ ủng hộ các chiến binh Mujahedeen chống lại quân đội Soviet trước đó. Xuyên suốt cuộc chiến, người Mỹ có những chuyên gia người Afghanistan am tường xứ sở của họ.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của miền Nam Việt Nam trước đây không phải phân tán quyền lực về các thủ lĩnh địa phương, mà đôi khi khác hẳn về chủng tộc.

Cuộc chiến Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ trong lịch sử của nó, nhưng nếu so vị trí của nó trên bàn cờ chiến lược quốc tế thì nó không lớn bằng cuộc chiến Việt Nam. Lẽ ra người Mỹ có thể rút lui khi đã diệt được lực lượng Al-Qaeda sau khi hạ sát Osama Bin Laden vào năm 2011, nhưng họ ở lại để tiếp tục một lý tưởng gọi là “xây dựng quốc gia” (nation building) một lý tưởng đã thất bại cách đó mấy ngàn cây số ở miền Nam Việt Nam.

***

Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về những đoàn người Afghanistan chạy loạn, vì họ sợ cuộc tắm máu đã từng diễn ra cách đây 20 năm. Các chiến binh Taliban mà giới truyền thông Anh quốc gọi là Taliban 2.0, tuyên bố rằng, họ sẽ không trả thù, sẽ không có tắm máu.

Tương tự như vậy, đoàn người chạy loạn ở miền Nam Việt Nam trong tháng 4/1975 bị thúc đẩy bởi những cảnh giết chóc kinh hoàng của lực lượng cộng sản vào năm 1968, và xa hơn nữa là cảnh đấu tố cải cách ruộng đất 1955.

Nhưng điểm khác nhau là những người Việt chiến thắng năm 1975 đang ở đỉnh cao hưng phấn ý thức hệ của họ, một ý thức hệ, một cách sống hoàn toàn khác biệt với những người miền Nam cùng chủng tộc với họ. Các chiến binh Taliban và dân chúng Afghanistan không khác nhau nhiều đến thế.

Đã có lác đác những người Afghanistan “thuyền nhân” đến Úc, châu Âu để thoát đói nghèo và chiến tranh trong hơn 10 năm qua. Khác với cuộc chiến Việt Nam, có hàng triệu người tị nạn Afghanistan đã có mặt trong những năm qua ở các nước láng giềng Pakistan và Iran.

Sau ngày 15/8/2021, liệu sẽ có một làn sóng “thuyền nhân” Afghanistan hay không? Như hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975?  Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói vào ngày 15/8/2021, rằng Kabul không phải là Sài Gòn. Ông đúng hay sai? Câu trả lời có lẽ còn nằm ở phía trước khá xa.

NHỮNG BÀI HỌC KHI CHƠI VỚI NGƯỜI MỸ
JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 22-8-2021


Cái gọi là xây dựng quốc gia

Trong số những bài viết về Afghanistan, so sánh với Việt Nam, sau sự kiện Kabul thất thủ (nói thất thủ là quá đáng vì có đánh đâu mà thất thủ), theo chủ quan của tôi, bài của Andrew Gawthorp, có tựa đề “Afghanistan và sự tương đồng thật sự với Việt Nam”, trên tạp chí Diplomat là sâu sắc hơn cả.

Theo tác giả thì sự tương đồng quan trọng nhất giữa hai trường hợp can thiệp của Mỹ, Việt Nam năm 1975 và Afghanistan năm 2021, nằm ở chỗ sự thất bại của Mỹ trong việc xây dựng quốc gia (nation building) theo mô hình dân chủ phương Tây. Nguyên nhân của thất bại này là sự kém hiểu biết của người Mỹ về quốc gia mà họ can thiệp vào. Từ đó dẫn đến việc người Mỹ chọn sai người địa phương, các chương trình “học tập dân chủ” ở Mỹ không bao giờ phù hợp, không bao giờ thực hiện được tại địa phương… dù đã thiết lập một hệ thống nhân sự rất lớn, chi rất nhiều tiền của.

Nhưng tác giả cũng nói rằng, chuyện xây dựng quốc gia (nation building) chỉ là một chiến lược để rời bỏ (exit strategy). Tức là nó chỉ là mục tiêu thứ hai, trùng với quan điểm của tôi trong bài: Kabul năm 2021 có phải là Sài Gòn năm 1975?

Người Mỹ đến Việt Nam để chống cộng sản, đến Afghanistan để diệt Al-Qaeda. Chuyện xây dựng quốc gia, dù về nguyên tắc là phù hợp với tinh thần dân chủ của nước Mỹ, nhưng chỉ là chuyện sau đó. Công bằng mà nói thì người Mỹ đâu có trách nhiệm phải xây dựng quốc gia cho một quốc gia khác!

Người Mỹ đã loại bỏ được Al-Qaeda, chống được chủ nghĩa cộng sản (sử dụng con bài Bắc Kinh), thì việc gì họ phải ở lại Việt Nam năm 1975 (thật ra là năm 1973) và Afghanistan năm 2021?

Độc quyền điều hành

Không ít những chỉ trích cho rằng, việc xây dựng quốc gia thất bại là do người Mỹ độc quyền điều hành, bỏ qua ý kiến của các viên chức địa phương, hoặc là can thiệp quá sâu vào các vấn đề nội bộ địa phương. Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan đã chỉ trích như thế, còn ở Việt Nam cũng không thiếu ý kiến nói rằng, Mỹ đã sai lầm lớn khi bật đèn xanh cho giới tướng lãnh lật đổ ông Ngô Đình Diệm, hay là bỏ qua ý kiến của chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu khi thương lượng hòa đàm Paris với phe cộng sản.

Ở đây chúng ta cần làm rõ nước Mỹ là quốc gia theo chủ nghĩa tư bản, ở cả hai mặt tốt và xấu của nó. Tương tự như trong một hội đồng quản trị ở một công ty, ai nắm nhiều cổ phần, người đó có quyền.

Trong hai cuộc chiến Việt Nam và Afghanistan, ai là người chi tiền? Người Mỹ chứ còn ai vào đây. Nếu chúng ta tán thành nguyên tắc chủ nghĩa tư bản Mỹ, thì chúng ta không thể trách cứ họ được.

Xài rồi thì thôi

Khi ta chứng kiến người Mỹ đổ tiền bạc, của cải vào một nơi mà họ đang can thiệp, thì đừng dựa vào khối lượng khổng lồ của cải và tiền bạc đó để mà suy ra rằng: Họ “đầu tư” nhiều như thế thì họ sẽ chiến đấu đến cùng. Đó không phải là chủ nghĩa tư bản.

Chúng ta hẳn đã thấy số xe cộ hàng hàng lớp lớp trong căn cứ Bagram lọt vào tay Taliban ở Afghanistan, mà tự hỏi tại sao họ lại bỏ của chạy lấy người như vậy?

Nhưng hãy nhìn lại miền Nam Việt Nam, theo số liệu được BBC Việt ngữ đưa ra, vào năm 1973 khi người Mỹ rút quân, họ để lại đến 2276 phi cơ các loại, mà phần lớn rơi vào tay quân cộng sản 2 năm sau đó.

Cũng nên biết rằng, những đống chiến cụ này đã được tính toán cả rồi, cho những dự án can thiệp quân sự của họ, vì thế vào năm 2021 ở Afghanistan, hay là năm 1973 ở miền Nam Việt Nam, đống của cải đó được xem như đã xài rồi, một cái giá của quá khứ (past costs), nó không thể làm ảnh hưởng đến những quyết định cho hiện tại và tương lai.

Trừu tượng hơn là tương lai dân chủ ở Afghanistan năm 2021, và ở Việt Nam năm 1975. Đó là hai dự án xây dựng quốc gia không còn có ý nghĩa nữa, thì đành phải bỏ nó để tính chuyện sắp tới, ở một nơi khác. Sau Việt Nam là các cuộc can thiệp ở Nicaragua, Grenada, và… Afghanistan.

Sau Afghanistan có thể là Đông Nam Á, như nhà báo David Hutt rành rẽ vùng này nói đến sự phấn khích đang lên tại thủ đô một số quốc gia Đông Nam Á về cận cảnh nước Mỹ quay lại vùng này, trong một dự án khác, dự án kềm chế Trung Quốc.

Tài nguyên thiên nhiên, chuyện không quan trọng lắm

Sau cuộc triệt thoái gây tranh cãi của Biden ở Afghanistan, nhiều người quan tâm đến thời sự đề cập đến nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của xứ này có nguy cơ rơi vào tay Bắc Kinh, từ đó đưa đến nhận định rằng, Mỹ đã thất bại.

Mỹ không phải là một đế quốc cũ kỹ kiểu Pháp, Anh, Tây Ban Nha, chiếm đất để chiếm tài nguyên thiên nhiên. Chuyện đó xưa rồi. Đế quốc thực dân kiểu mới (theo cách gọi của những nhà lý luận cộng sản) không cần kiểm soát trực tiếp nguồn tài nguyên cụ thể, mà nó cần ảnh hưởng trên toàn cầu, cần cả trái đất vận hành theo những luật lệ thị trường mà nó muốn. Đế quốc thực dân mới này quan tâm nhiều hơn đến việc làm chủ công nghệ, đầu tư, hơn là chiếm dụng những khu mỏ quặng, dễ mang tiếng xấu.

Dù cho Bắc Kinh có nỗ lực gây ảnh hưởng ở châu Phi hay Nam Mỹ, nơi có nhiều mỏ quặng, thì những chuyến hàng chở quặng đồng từ Botswana hay Chile vẫn chở tới Mỹ để chế tạo xe điện ngày một tân tiến ở đây. Taliban sẽ bán đất hiếm (rare earth) cho ai, nếu không phải là Apple ở California?

Muốn hay không đều phải chơi với người Mỹ

Xây dựng quốc gia dưới sự bảo trợ của người Mỹ là điều dễ làm cho những người hào hứng với tinh thần dân chủ Mỹ phấn khích, mà không thấy rằng, thường thì đó chỉ là phó sản, exit strategy, của họ.

Nhưng không phải tất cả các dự án xây dựng quốc gia của Mỹ đều thất bại. Họ đã thành công với đại dự án Marshall ở châu Âu, góp phần phục hưng nước Đức cựu thù. Họ đã thành công ở Nam Hàn sau khi đẩy lùi quân đội của gia tộc họ Kim về bên kia vĩ tuyến 38.

Ở Đức, những giá trị và mô hình dân chủ Mỹ không xa lạ lắm với dân tộc này, một dân tộc đã từng có thời cộng hòa Weimar vang bóng. Ở Hàn Quốc, ngoài nhu cầu chiến lược của bán đảo Triều Tiên, làm người Mỹ không dễ dàng bỏ đi, còn có một sức mạnh địa phương hùng mạnh, hơn hẳn miền Nam Việt Nam và Afghanistan.

Dự án toàn cầu của Mỹ dường như một lần nữa chuyển trọng tâm về Đông Nam Á, nơi mà giới chức Mỹ liên tục thăm viếng trong hơn 10 năm qua. Muốn hay không muốn thì các quốc gia nhỏ ở đây cũng phải chơi với người Mỹ. Chuyện xây dựng quốc gia là chuyện riêng của Hà Nội hay Bangkok, hay bất cứ quốc gia ASEAN nào khác.

KABUL 15-8-2021

NGUYỄN TRUNG/ viet-studies 20-8-2021

1

         Trước tiên xin nói lại chuyện cũ: Liên Xô vào Afghanistan (1979-1989) với mục đích mở rộng ảnh hưởng ở đây và đối phó những thế lực Hồi giáo (có sự xúi giục của Mỹ) muốn mở mặt trận chống Liên Xô từ vùng này, về danh nghĩa là Liên Xô giúp Afghanistan bảo vệ chủ quyền. Mỹ - kéo theo đồng minh NATO -  vào Afghanistan (2001-2021) với mục đích diệt sào huyệt của al-Qeada ngay sau khi xảy ra vụ “11 tháng Chín” và muốn nhân dịp này giương cao ngọn cờ chống khủng bố thế giới để mở rộng thanh thế của Pax Americana, và nhân danh giúp Afghanistan phát triển, giữ vững chủ quyền chống lại phong trào khủng bố al-Qeada - Taliban.

         Song cả Liên Xô và Mỹ đều sa lầy tại đây, với tổn thất rất nặng nề, và cuối cùng cả hai đều phải rút lui. [Riêng tổn thất của Mỹ ước trên 1000 tỷ USD với khoảng 2500 – 3000 thương vong binh sỹ Mỹ.]

         Bây giờ đến lượt Trung Quốc muốn vào Afghanistan, nhưng lại bằng cách bắt tay với Taliban, chứ không phải là tổng thống Afghanistan đương nhiệm Ashraf Ghani. Tuy Vương Nghị nói nhiều về hoà bình cho sự kiện này, song trên thực tế bước đi của Trung Quốc với Taliban là hiện tượng ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, mục tiêu biện minh cho biện pháp thường thấy ở bất kỳ nơi nào Trung Quốc đặt chân tới trong triển khai chiến lược vành đai – con đường. Qua bắt tay với Taliban, Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu chiến lược sâu rộng với tầm nhìn toàn cầu. Trên bàn cờ toàn cầu của đối kháng Mỹ - Trung, hiện tượng này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng và ngay tức khắc lấp bất kỳ khoảng trống nào do Mỹ để lại để lấn tiếp! Hiện tượng này hứa hẹn nhiều điều chẳng lành đối với thế giới phương Tây, có thể cho cả Nga, và nhiều nơi khác nữa.

2

         Việc rút khỏi cuộc chiến tranh ở Afghanistan đã được tính đến từ nhiều đời tổng thống Mỹ khác nhau – vì triển vọng sa lầy ở đây ngày càng lớn, vì Mỹ còn nhiều ưu tiên chiến lược khác phải giải quyết, sau này lại thêm vấn đề xoay trục sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương… Song đi vào một cuộc chiến tranh thường dễ hơn khi muốn rút ra khỏi nó, nhất là trong cục diện bế tắc trên chiến trường Afghanistan kéo dài triền miên trong bối cảnh đầy rẫy những rối rắm toàn cầu và khu vực rất nhạy cảm. Mấy kỳ bầu cử tổng thống qua đi, nhưng v/đ Afghanistan còn trăn trở nguyên trong ngăn kéo.

         Khi tranh cử, trong khuôn khổ quan điểm “America first!” Trump đã đặt ra vấn đề rút ra khỏi Afghanistan. Trong nhiệm kỳ này, chính quyền Trump đã có những tiếp xúc, đàm phán với Taliban, đã ký được hiệp định Doha ngày 29-02-2020[2] bao gồm 4 phần: (1) phía Taliban cam kết không dùng lãnh thổ của mình cho mọi hoạt động chống Mỹ, (2) công bố thoả thuận lịch rút quân đội Mỹ và đồng minh – sẽ thực hiện xong trong 2 đợt, cộng lại là 14,5 tháng, (3) bắt đầu 10-03-2020 các bên Afghanistan đàm phán về tương lai Afghanistan, (4) các bên Afghanistan thoả thuận ngừng bắn hoàn toàn với nhau để đi vào thực hiện nội dung thoả thuận của phần (3) về tương lai Afghanistan; cả 4 phần này liên quan mật thiết với nhau, phần nọ tạo điều kiện thực hiện và ràng buộc phần kia. Trump  rất muốn triển khai sớm, nhưng xẩy ra những sự cố phản bội từ phía Taliban nên không bắt đầu được. Sau đó Trump thất cử. Đáng chú ý là trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Trump vẫn tiếp tục đấu Trung Quốc rất căng trong v/đ thương mại, Biển Đông, tăng cường quan hệ với Đài Loan…

         Khi lên cầm quyền, Biden với “America is back!” quyết làm mọi chuyện ngược lại với Trump, song phía Trung Quốc ra sức khai thác thực tế này và làm căng với Mỹ, muốn dạy cho Mỹ bài học[3]. Trong vấn đề Afghanistan Biden tháng 4-2021 tuyên bố sẽ rút quân, ngày 07-08-2021 trong diễn văn tại Nhà Trắng Biden công bố kế hoạch rút quân và nói sẽ hoàn tất vào ngày 31-08-2021[4].

         Tin tức trên mạng cho biết tình hình chiến trường Afghanistan cho đến tháng 04-2021 quân Taliban ngự trị trong những chiến khu là chính, hầu như chưa chiếm được một thủ phủ quan trọng nào, số quân Mỹ ở Afghanistan tính đến thời điểm 04-2021 khoảng 2500 lính và hầu như không có binh lính Mỹ nào thương vong kể từ những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Trump cho đến tháng 04-2021 – điều này có nghĩa là quân đội của Kabul chiến đấu tốt và làm chủ được tình hình toàn cục Afghanistan. Song tình hình tấn công của quân Taliban bắt đầu thay đổi dần dần từ tháng 05-2021 (ngay sau khi Biden tháng 04-2021 loan báo vấn đề rút quân), và leo thang liên tục trên các mặt trận trong các tháng 06 và 07-2021.

         Chỉ 20 ngày sau khi có tuyên bố của Biden ở Nhà Trắng (08-07-2021) về quyết định rút quân và dự báo sẽ hoàn tất vào 31-08-2021, ngày 28-07-2021 ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại Thiên Tân. Bắt đầu từ cuộc gặp này, quân Taliban ồ ạt tổng tấn công trên các mặt trận, thắng như chẻ tre, và như mọi người đều biết, quân Taliban làm chủ Kabul ngày 15-08-2021.

         Điều khó hiểu, nhưng thật ra trong bụng mọi người đã có câu trả lời xác đáng rồi, đó là câu hỏi: Tại sao trong những diễn biến ở chiến trường Afghanistan như nêu trên, ngày 08-07-2021 Biden vẫn có diễn văn công bố kế hoạch rút quân, cam kết sẽ hoàn tất vào ngày 31-08-2021? Báo chí hỏi Biden vào dịp này, Biden vẫn khăng khăng không thể có chuyện Taliban sẽ làm chủ Afghanistan, khẳng định ông ta không quan tâm và không cần biết những gì chính quyền Trump đã ký với Taliban ở Doha… 5 tuần lễ sau, ngày 15-08-2021 nói toàn những điều ngược lại với những trả lời của Biden trong phỏng vấn ngày 08-07-2021.

         Đến giờ phút này (19-08-2021), Biden đã phải huy động tới 6000 quân, và nhiều phi cơ chiến đấu Mỹ bảo vệ vùng trời Kabul, để giúp việc đưa hàng chục nghìn người Mỹ và những nhân viên người afghan đã cộng tác với phía Mỹ rời Kabul. Hiện nay chính quyền Mỹ đề nghị phía Taliban cho phép kéo dài thời gian làm việc này ở sân bay Kabul đến sau 31-08-2021.

         Ngày 16-08-2021 Biden có bài nói hùng hồn (nhận xét của BBC[5]) giải thích và bảo vệ lý do quyết định rút quân (drawndown decision) của mình. Xin mời mọi người đọc trực tiếp và tự bình luận. 

         Cũng xin được miễn cho tôi việc tường thuật lại báo chí tả và hữu trên thế giới và ngay trong nước Mỹ phán xét việc làm của tổng thống Biden như thế nào. Về phần mình tôi chỉ nghĩ: Mỹ vào Afghanistan liên quan đến cả thế giới, vì thế việc Mỹ ra khỏi Afghanistan như thế nào tất yếu cũng sẽ liên quan đến cả thế giới, không thể tuỳ tiện được – hoàn toàn không nên và không được phép như vậy, nếu Mỹ còn muốn giữ cho mình thiện cảm và sự tôn trọng của bạn bè trên thế giới.

         Một khía cạnh khác, cũng như nhiều người Việt khác, tôi tự coi mình là một người bạn của nước Mỹ, vì vậy chỉ có lời nhắn ngắn ngủi: Mỹ đừng làm thêm nữa những việc “Cốc mò, cò sếu xơi![6]

3

              Vào dịp này bạn bè hỏi tôi dự đoán tình hình Afghanistan sẽ ra sao. Tôi không muốn đoán mò, trong lòng chỉ cầu mong thánh Alah của họ phù hộ cho đất nước này được bình yên, nhất là phụ nữ và các cháu gái của quốc gia này được hưởng những quyền họ đáng có như ở mọi quốc gia văn minh khác. Nghĩ thế, nhưng trong lòng tấy lên ký ức cũ: Trung Quốc và Khmer đỏ đã làm gì đối với chính nhân dân Campuchia và đối với nước ta!?..

            Một ông bạn nữa nặng máu ngoại giao nhà nghề, nên quá sốt sắng hỏi tôi: Trong bối cảnh vấn đề Afghanistan như hiện nay, chuyến đi thăm Việt Nam của phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có bị ảnh hưởng gì không? liệu phía Việt Nam có nhân dịp này chấp nhận Mỹ là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện không – nghĩa là: Việt Nam nên chọn thân phận chư hầu hay chọn vươn ra thế giới bên ngoài? tình hình này Việt Nam có chọn vấn đề tứ giác kim cương (QUAD) không?

            Tôi trả lời:

-      Hỏi những câu khó thế này thì đi tìm ĐCSVN mà hỏi!

-      Nhưng nếu ĐCSVN trực tiếp hỏi anh chọn gì? Anh trả lời thế nào?

-      Nếu thế, câu trả lời của tôi rất rành mạch: Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy chọn dân tộc mình!

 

Hà Nội – Võng Thị, ngày 19-08-2021

   Ngày Cách Mạng Tháng Tám.


[1] Trích từ cuốn:  Nguyễn Trung – Kể chuyện tôi làm chính trị

[3] Tham khảo cuộc gặp Mỹ - Trung tại Thiên Tân 26-07-2021 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210727-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-ngo%E1%BA%A1i-giao-m%E1%BB%B9-trung-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-nhau-trong-cu%E1%BB%99c-g%E1%BA%B7p-t%E1%BA%A1i-thi%C3%AAn-t%C3%A2n

[4] Tham khảo: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/07/08/remarks-by-president-biden-on-the-drawdown-of-u-s-forces-in-afghanistan/

 

[5] Toàn văn phát biểu ‘hùng hồn’ của Joe Biden ngày 16-08-2021 về Afghanistan

https://www.bbc.com/vietnamese/world-58238907

 

[6] Nguyễn Trung: “Cốc mò, cò sếu xơi!” - http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_CocMoSeuXoi.html

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-8-21

SAI LẦM LẬP LẠI

NGUYỄN ĐẠI/ TD 20-8-2021

Những người đàn ông có vũ trang tham dự một cuộc tập họp, tuyên bố ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan và họ sẵn sàng chiến đấu chống lại Taliban, ở ngoại ô Kabul, Afghanistan, vào ngày 23/6/2021. Ảnh: Reuters

Đất nước Afghanistan rộng gấp hai lần Việt Nam, hiện nay do Taliban kiểm soát. Quân đội gần 300.000 quân của chính phủ Afghanistan thân Mỹ đã tháo chạy kể từ khi Taliban khởi động các cuộc tấn công trở lại vào hơn ba tháng trước.

Nhiều ngàn tỉ đô la Mỹ đã tiêu tốn ở quốc gia này cùng với hơn 3000 binh sĩ Mỹ và Đồng Minh thiệt mạng ở đây. Có thể thêm vào danh sách này nhiều thứ, bao gồm sự hỗn loạn hiện nay, thiệt hại hậu chiến và nguy cơ bị khủng bố cao hơn ngay trong nội địa các quốc gia đã tham chiến tại chiến trường này.

Sẽ là vấn đề còn gây tranh cãi nhiều năm để giải thích cho việc một quân đội được huấn luyện hơn hai mươi năm và trang bị vũ khí hiện đại, lại tháo chạy “thần tốc”, bỏ ngõ một quốc gia rộng hơn 652.000 km vuông cho một đội quân không được đào tạo một cách chính quy như những người “học trò Hồi Giáo” Taliban chiếm giữ hoàn toàn.

Ngày 29-2-2020, tại Doha, đại diện của chính phủ Trump đã ký một hiệp ước bao gồm 4 điểm với Taliban, trong đó: (1) Taliban hứa không dung chứa các tổ chức khủng bố chống lại Hoa Kỳ và Đồng Minh trên lãnh thổ Afghanistan. (2) Quân Mỹ và Đồng Minh rút khỏi Afghanistan, (3) Sau khi Hoa Kỳ và Đồng Minh công bố và bảo đảm lịch trình rút quân trong vòng 14 tháng, phía Taliban sẽ tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ (intra-Afghan negotiations) với “các nhóm Afghan” (Afghan sides), và điểm cuối cùng là (4) Lịch trình ngưng bắn lâu dài và toàn diện sẽ là một đề tài trong các cuộc thảo luận nói trên.

Hiệp ước Doha dù ghi rõ rằng, Hoa Kỳ không công nhận Quốc Gia Hồi Giáo Afghanistan (Islamic Emirate of Afghanistan), không có dòng nào về chính phủ hoặc quân đội đương nhiệm ở Afghanistan lúc đó, thay vào đó là cụm từ hết sức mù mờ “các bên Afghan” (Afghan sides) là lực lượng mà Taliban cần phải tiến hành thương thảo về các vấn đề nội bộ của đất nước Afghanistan, sau khi hiệp ước được ký kết.

Mỹ đồng ý chỉ duy trì một lực lượng gồm 8.600 quân, trong vòng 135 ngày đầu tiên, kể từ khi hiệp ước được ký. Sau đó, toàn bộ quân Mỹ và Đồng Minh sẽ hoàn tất việc rút quân hoàn toàn trong vòng 9 tháng rưỡi sau đó.

Ngày 4-5-2021, Taliban bắt đầu mở đợt tấn công quy mô vào miền Nam tỉnh Helmand. Liên Hiệp Quốc công bố con số thường dân bị giết hay bị thương trong tháng Năm và Sáu của năm này là 2.400 người. Ngày 15-8-2021, quân Taliban tràn ngập Kabul.

Có quá nhiều điểm tương đồng trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan trong những ngày này, với sự sụp đổ của Saigon năm 1975. Nhiều tấm hình chụp lại cứ giống như bản sao của nhau từ máy photocopy.

Hiệp định Paris được ký khi ông Richard Nixon thuộc đảng Cộng Hòa đang là Tổng thống Hoa Kỳ. Cũng vậy, hiệp ước Doha được ký lúc ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa đang tọa vị ở Tòa Bạch Ốc. Hai năm sau khi hiệp định Paris được ký, Saigon mất tên. Hơn mười sáu (16) tháng từ lúc hiệp ước Doha ráo mực, Taliban chiếm Kabul.

Cho dù ông Gerald Ford thuộc đảng Cộng Hòa kế tục ông Nixon, sau vụ bê bối Watergate, Jimmy Carter là tổng thống thuộc đảng Dân chủ phải giải quyết tất cả các vấn đề hậu chiến sau khi quân đội miền Nam Việt Nam sụp đổ. Tương tự, Tổng thống Biden của đảng Dân Chủ phải giải quyết tất cả những di sản mà hiệp ước Doha dưới thời chính quyền Trump để lại.

Trong cuộc chiến với khối Cộng Sản, mặc dù tiến quân vào lãnh thổ Đức và duy trì lực lượng quân sự tại đây, Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức là một chính phủ độc lập, được thành lập và phát triển vững mạnh. Ngược lại, khi Mỹ tiến quân vào Nhật, họ tước vũ khí hoàn toàn quân phiệt Nhật Bản. Dù vẫn duy trì triều đại Nhật Hoàng, trong khoảng hơn nửa thế kỷ, quân đội Nhật coi như không tồn tại. Người Mỹ đã không rõ ràng và dứt khoát như vậy đối với Việt Nam trước đây, và hiện nay đối với Afghanistan.

Dĩ nhiên tình hình ở mỗi nước khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sự thất bại về chiến lược trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và Afghanistan. Việc đưa quân Mỹ tham chiến ở các quốc gia này không giúp chấm dứt được chiến tranh tại đây, ngược lại làm cho quân đội và chính phủ ở đây phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Mỹ.

Việc rút quân của Mỹ và Đồng Minh đã làm sụp đổ nhanh chóng chính phủ và quân đội ở các quốc gia này. Kinh nghiệm đã không được học thuộc, nên sai lầm ở Việt Nam đã lặp lại ở Afghanistan sau gần nửa thế kỷ.

Tham khảo:

https://www.state.gov/wp-content/uploads/2020/02/Agreement-For-Bringing-Peace-to-Afghanistan-02.29.20.pdf

https://www.reuters.com/world/timeline-talibans-rapid-advance-across-afghanistan-2021-08-15/

'ĂN CHÁO ĐÁI BÁT'

LÝ TRẦN/ TD 22-8-2021

Đó là câu cửa miệng khá phổ biến mấy ngày nay của mọi người, lên án bài báo của QĐND: “Không thể xuyên tạc cuộc kháng chiến chính nghĩa dựa trên sự so sánh khập khiễng với Afghanistan“.

Người Việt đều biết, trong văn phong trung tính, thành ngữ đó là “Ăn cháo, đá bát”, nhưng khi muốn nói đến mức độ tột đỉnh của sự vô ơn và khốn nạn, người ta đổi “đá” thành “đái”, nhất là trong văn phong dân dã.

Sự tương đồng và khác biệt giữa Kabul 2021 và Sài Gòn 1975 đã được nhiều người bàn, cá nhân tôi  thấy điểm tương đồng duy nhất là NGƯỜI DÂN ĐỀU THÁO CHẠY khi những người cộng sản tiến vào Sài Gòn và quân khủng bố Taliban tiến vào Kabul.

Tôi tin rằng, người viết bài báo này để “chửi” Mỹ và những kẻ có cùng suy nghĩ như anh ta đều đã vén tay áo của mình lên để nhận mũi vaccine của Anh hay Mỹ. Họ nằm trong danh sách ưu tiên khi có AstraZeneca, Pfizer và Moderna, nhất là lũ quan lại CS cấp cao giành hết vaccine Anh, Mỹ, trong khi các loại vaccines của các “đồng chí, anh em” chưa thấy tăm hơi ở Việt Nam. Và, khi có, họ cũng chỉ “ưu tiên cho nhân dân anh hùng”, như đã xảy ra.

Bọn dư luận viên cũng vô ơn không kém ông chủ của chúng. Tay thì vén áo lên để được chích vaccine của bọn “giãy chết”, miệng thì bảo “Người Mỹ chẳng cho không ai cái gì đâu”.

Đúng, trong quan hệ quốc tế, hầu như không có ai cho không ai cái gì. Đó là chuyện bình thường. “Cho không” chỉ có trong quan hệ giữa những người ruột thịt, cha mẹ con cái mà thôi.

Nếu có “danh dự” cộng sản thì khi vạch áo lên để được chích những mũi vaccine của “đế quốc Mỹ”, tại sao chúng không khước từ? Nếu người CS có chút liêm sỉ, hãy công khai danh tính cán bộ cấp cao chích loại vaccine gì, để toàn bộ dân chúng được biết.

Khi bọn quan tham CSVN gửi con đi du học, sao chúng đều đâm đầu vào nước Mỹ, hoặc các nước “giãy chết” khác? “Danh dự” CS đâu rồi?

Người Việt bảo đây là thói “ghét người yêu của” của lũ đạo đức giả.

Nhân loại có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong khi lạy van khắp nơi xin vaccines không được đáp ứng, nước cho vaccine Việt Nam nhiều nhất lại là thằng “giãy chết” mà đảng CSVN “thù muôn đời muôn kiếp không tan”.

Chưa biết Mỹ sẽ “đòi” cái gì để có đi có lại, nhưng trước mắt họ là người cứu mạng sống của người Việt, trong đó có quan lại cộng sản cấp cao của lũ DLV “theo đóm ăn tàn”.

Sự giúp đỡ “vô tư” của Liên Xô, Trung Quốc?

Trong cái hộp sọ của những kẻ đã bị nhồi sọ do chính sách ngu dân của đảng CSVN, chỉ có “Liên Xô, Trung Quốc, … giúp đỡ Việt Nam một cách vô tư”.

Cho đến hôm nay, theo quan sát của riêng tôi, nước duy nhất giúp VN thật sự vô tư chỉ có Thụy Điển. Họ không vì ý thức hệ, không vì phe,… mà đơn giản là thấy “thương người VN”. Đó là lời của một nhân viên ngoại giao Thụy Điển trong những năm chiến tranh: Bệnh viện Nhi Hà Nội, BV Uông Bí, nhà máy Giấy Bãi Bằng, dự án chống Tham nhũng, …

Sau hết, chỉ vì có sự giúp đỡ “vô tư” của Liên Xô, nên Việt Nam mới có một chế độ CS phản dân hại nước như ngày nay.  Giúp đỡ ướp xác lãnh tụ, một kiểu giúp cho nhân dân và đất nước Việt Nam thêm đói nghèo và dốt nát.

Nạn xây dựng tượng đài lãnh tụ mấy năm gần đây khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, kể cả tại những tỉnh “nghèo rớt mồng tơi” như Nghệ An, Sơn La, Quảng Trị, … là hậu quả của nạn sùng bái lãnh tụ, mà cao nhất là nạn ướp xác lãnh tụ.

Vô tư ư? Không có cơ hội nào tốt hơn để thử vũ khí bằng trên chiến trường thật. Người Việt giết nhau là cơ hội thử vũ khí rất tốt cho Liên Xô, Trung Quốc, vừa thử được vũ khí với Mỹ, vừa kìm chân được Mỹ.

Thống nhất đất nước cũng là mong muốn của người Việt, nhưng thống nhất mà đổ bao xương máu nhân dân, rồi mang lại một xã hội thối nát cả về tinh thần, đạo đức lẫn vật chất, một chế độ mà dân bị coi là “thế lực thù địch” như hiện nay, thì dân tộc này đã phải trả một cái giá quá đắt do những thằng ngu và điên gây ra.

Người Đức cũng thống nhất đất nước, nhưng họ chỉ tốn bia (beer) mà không tốn sinh mạng con người. Ai ngu?

Theo nhiều nhà phân tích, bài báo “Không thể xuyên tạc cuộc kháng chiến chính nghĩa dựa trên sự so sánh khập khiễng với Afghanistan” được tuyên giáo CS chọn đăng ngay trước khi một “cột điện” cấp khá cao của Mỹ sắp sang VN, có vài dụng ý: Một là để tỏ lòng trung thành và kiên định với ông chủ ở Trung Nam Hải, hai là kế ly gián, thọc gậy vào bánh xe để làm nản lòng người Mỹ.

Những câu chuyện về sự vô ơn, “ăn cháo đái bát” của người CSVN không phải bây giờ mới có. Họ có truyền thống ăn cháo, đái bát”.

Đại văn hào Miguel de Cervantes từng nói: “Những kẻ vô ơn luôn là những kẻ có tâm địa xấu xa”.

KHÔNG THỂ ĐÁNH ĐỒNG SỰ KIỆN Ở AFGHANISTAN VỚI CHIẾN THẮNG 30/4/ 1975 CỦA VIỆT NAM

NGUYỄN SƠN/ CAND 23-8-2021

Ngày 15/8 (giờ địa phương), Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem thông báo trên truyền hình, cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc. Một thể chế và quy định mới sắp hình thành ở Afghanistan và Taliban đã sẵn sàng đàm phán với các nhân vật trong chính quyền Afghanistan.

Ở chiều ngược lại, chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani đã thừa nhận thất bại. Trong bài đăng trên trang facebook, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani xác nhận, Taliban đã giành chiến thắng và bây giờ lực lượng này có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân Afghanistan. Ông Ashraf Ghani cũng cho biết lý do ông rời đất nước là vì “không muốn có thêm thương vong và thủ đô Kabul bị phá hủy”.

Trước chiến thắng của Taliban và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, trên mạng xã hội một số người tỏ ra hả hê, vui sướng. Một số người còn đem so sánh sự kiện này với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam ngày 30/4/1975; so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như “sự tái hiện lịch sử”. Đặc biệt, họ còn so sánh Taliban với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ chế nhạo những ca từ của các bài hát cách mạng như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiến về Sài Gòn”... và đánh đồng hai cuộc chiến với nhau.

Trang BBC tiếng Việt đăng tải một số bài viết so sánh hai sự kiện này với những lời lẽ xuyên tạc lịch sử Việt Nam, như: “Vì sao chiến thắng của Taliban tại Kabul được so với sự kiện Sài Gòn thất thủ?”; “Kabul chưa đánh đã hàng, có giống chiến tranh Việt Nam”… Cùng với đó là những ngôn từ, bình luận mang tính xuyên tạc lịch sử Việt Nam như “tái hiện hình ảnh Sài Gòn thất thủ”, so sánh Taliban với “quân Bắc Việt”, từ đó miệt thị “Chính phủ Cộng sản Bắc Việt Nam”, “Việt Cộng đánh chiếm Sài Gòn”…


18.000 người đã được sơ tán từ sân bay Kabul kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AP. 

Đúng là nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể thấy một số điểm trùng hợp giữa sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam năm 1975 và sự kiện Taliban tiến vào thủ đô Kabul ở Afghanistan năm 2021. Đó là việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan lật đổ Taliban, dựng lên chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, tồn tại đến 20 năm; so với việc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam với thời gian gần tương tự, cũng lập nên chính phủ bù nhìn do Mỹ hậu thuẫn. Rồi hình ảnh những chiếc trực thăng Mỹ vội vã di tản nhân viên khỏi Sài Gòn năm 1975 và Kabul năm 2021… Nhưng, hình ảnh chỉ phản ánh sự việc diễn ra chứ hình ảnh không phản ánh bản chất bởi hai sự kiện này là khác nhau.

Về mặt bản chất, cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính nghĩa giữa nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam -  những lực lượng được cộng đồng quốc tế thừa nhận với thế lực xâm lược và phản động, tay sai. Nó khác với cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra ở Afghanistan giữa Taliban - một lực lượng chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận với một chính quyền thân Mỹ, do Mỹ và đồng minh dựng lên. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Taliban cũng là hai lực lượng, hai phạm trù lịch sử khác nhau.

Ngày 15/2/1961, tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng, trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên là Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục (từ tháng 10/1963 là Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền). Về mặt chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lực lượng này có nhiệm vụ chủ yếu là làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 14 năm được thành lập, Quân Giải phóng miền Nam đã cùng quân và dân cả nước mưu trí, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đánh bại đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Taliban được thành lập năm 1994 ở thành phố miền Nam Kandahar bởi Mullah Mohammad Omar, thành viên một bộ lạc Pashtun và từng là một chỉ huy phiến quân Mujahideen chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980. Hầu hết thành viên của Taliban là người Pashtun, dân tộc đông dân nhất Afghanistan. Tên Taliban có nghĩa là “những giáo sinh Pashto”. Khởi đầu với khoảng 50 tay súng có tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của Hồi giáo nguyên thủy năm 1994, Taliban nhanh chóng lớn mạnh về quân số, mở rộng ảnh hưởng ở Kandahar, sau đó là toàn vùng Tây Nam Afghanistan nhờ lời hứa mang lại ổn định và công bằng thông qua luật Sharia, trong bối cảnh các nhóm quyền lực khác chỉ tập trung bắn giết.

Tuy nhiên, mặt trái của Taliban chính là sự tàn khốc, hà khắc. Năm 1996, Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Rabbani - một trong những cha đẻ của tổ chức Mujahideen, buộc Rabbani ra nước ngoài sống lưu vong. Sau khi bị liên quân Mỹ, đồng minh lật đổ năm 2001, Mullah Omar và nhiều thủ lĩnh Taliban chạy sang Pakistan, đồng thời mở những chiến dịch quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan để giành lại quyền lực.

Như vậy, không thể đồng nhất Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam – lực lượng cách mạng của nhân dân Việt Nam với Taliban. Việc so sánh hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam với Afghanistan cũng là kiểu so sánh rất khập khiễng, không thể nói “đồng nhất”. Đó là một hành vi làm sai lệch bản chất cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta, hạ thấp ý nghĩa, sức nặng chiến thắng của dân tộc ta, hạ thấp những gì mà nhân dân ta và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã trải qua trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập dân tộc, được nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới ủng hộ nên ngay khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập vào năm 1969, đã có tới 23 quốc gia công nhận, trong đó có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ và khoảng 50 quốc gia khác đặt những liên hệ ngoại giao.

Về ý nghĩa, Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Chiều 19/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo chí trong nước và quốc tế đặt nhiều câu hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với tình hình Afghanistan hiện nay. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Afghanistan và mong Afghanistan sớm ổn định vì lợi ích của người dân Afghanistan, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, trật tự, cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính mạng và tài sản cho người dân Afghanistan và người nước ngoài, nhất là phụ nữ và trẻ em, cũng như đảm bảo tiếp cận nhân đạo khi cần thiết.

Một hãng tin quốc tế đặt câu hỏi về việc gần đây một số hãng truyền thông so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như “sự tái hiện lịch sử”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, với chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới của Việt Nam, kỷ nguyên độc lập tự do, hòa bình, toàn dân tộc chung tay xây dựng, phát triển đất nước. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã đem lại lòng tin, phấn khởi, khâm phục, mến mộ của lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng đó là không thể lay chuyển.

Nguyễn Sơn