Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

20210827. KẺ PHÁ HOẠI CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH Ở TPHCM

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

LUẬN DIỆU XẢO TRÁ, PHÁ HOẠI CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH Ở 
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

LÊ THẾ CƯƠNG/ CAND 26-8-2021


Các siêu thị cũng sẽ đảm bảo hàng hóa cho người dân trong những ngày giãn cách.

Trước diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, hàng loạt địa phương đã siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn việc giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh với tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó”, mỗi phường, xã là một “pháo đài” chống dịch.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 chuyển từ tập trung cao độ ở cấp thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến từng phường, xã, cá nhân, hộ gia đình. Chính phủ và thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã, phường là một pháo đài trong mọi khâu: Quản lý giãn cách, hạn chế tối đa số người ra đường, bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã, phường, tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng. Quân đội, Công an triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có lực lượng y, bác sĩ điều trị, Quân đội, Công an tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân, bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, an ninh xã hội.

Lợi dụng tình hình trên, một số đối tượng, tổ chức phản động đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc, sai trái. Nhân việc Chính phủ quyết định việc thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn, thực chất hơn, chúng lập tức tập trung khai thác, công kích vào chủ trương, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Ngay sau phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số tỉnh, thành phía Nam, thống nhất thực hiện nhiều biện pháp với tinh thần trên, Đài RFA, RFI, BBC, hệ thống truyền thông hải ngoại, phản động đăng tải hàng loạt bài viết với nội dung lên án, phỉ báng, phê phán cách thức, biện pháp phòng, chống dịch.

Họ xuyên tạc rằng, việc thực hiện siết chặt giãn cách ở TP Hồ Chí Minh là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, cho rằng quyết định này sẽ là thảm họa; không thể coi “chống dịch như chống giặc”, virus nó vô hình lan truyền trong không khí, việc chốt chặt, lập hàng rào thép gai, nhốt dân… làm sao ngăn chặn được virus mà “để tra tấn dân”, từ đó vu cáo cách làm này “chỉ làm dịch lan rộng, dân chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì đói”. Có bài viết mỉa mai: “Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu thiết quân luật, càng ngăn cản chừng nào thì càng làm bế tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội. Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi giải pháp “chống giặc” đều vô nghĩa”. Từ đó kêu gọi theo kiểu chống đối: “Đừng chống nữa, đừng đánh nữa, đừng diệt nữa… dân khổ lắm rồi, hãy khiêm tốn, nghiêm túc nhận sai, thất bại, chấp nhận”!

Lợi dụng việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai một số đơn vị, lực lượng giúp dân phòng, chống dịch, tổ chức khủng bố Việt Tân cắt gắp nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói làm loạn… Quân đội sẽ đàn áp nếu dân đói xuống đường biểu tình, đòi quan chức mở kho lương. Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch!”. Luật khoa tạp chí vốn là một tổ chức tự xưng “xã hội dân sự” trá hình, tung lên cộng đồng mạng xã hội những hình ảnh việc cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý một số người dân vi phạm như không đeo khẩu trang, tập thể dục, ra đường khi không có việc cần thiết ở TP Hồ Chí Minh để xuyên tạc, quy kết chính quyền là vi hiến. Họ lèo lái: “Việc đi bộ, thể dục, đạp xe, ra đường trên phố vắng người không gây hại cho xã hội, cũng không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì không tiếp xúc với ai. Chính việc xử phạt lại làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh khi người bị phạt phải tiếp xúc cùng lúc với ba viên cảnh sát. Tại sao nhà nước lại có quyền trừng phạt một hành vi không gây tổn thất cho xã hội”? Cho rằng Chỉ thị 16 không phải là văn bản pháp quy, việc ban hành chỉ thị để cấm đoán quyền đi lại, làm việc là vi hiến…

Nhiều trang mạng hải ngoại phát tán, lan truyền nhiều hình ảnh bi thương trong đại dịch để lên án Nhà nước, chính quyền bỏ mặc dân. Họ xuyên tạc tình hình tiếp cận, phân bổ vaccine, phê phán Nhà nước phân biệt, ép người dân tiêm vaccine mà không được lựa chọn, kỳ thị chủng loại vaccine, chia rẽ vùng miền, khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi “dân bất tuân luật giãn cách”. Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá, hạ thấp uy tín và vai trò quản lý của Nhà nước, chính sách, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cấp bách hiện nay. Luận điệu này là một thứ “biến chủng Delta” của virus thông tin độc hại, nguy hiểm.

Sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết

Trái với luận điệu trên, thực chất, việc áp dụng giãn cách xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệụ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Thực tế 3 đợt dịch trước ở Việt Nam đã chứng minh, thực hiện thông điệp 5K, áp dụng giãn cách xã hội vẫn là giải pháp chỉ đạo để ngăn chặn sự lây lan bệnh, đặc biệt trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, chưa thể tiêm chủng rộng khắp cho nhân dân. Đây là cách thức khoa học, đúng đắn đã được các cấp chính quyền quyết liệt thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quyết liệt phương pháp này và đã thành công ở từng mức độ cụ thể, cùng với việc tăng cường tiêm chủng vaccine. Do đó, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch bệnh phức tạp là:

Thứ nhất, thực hiện cách ly nghiêm ngặt, triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã, phường với xã, phường để ngăn chặn dịch bệnh lâu lan. Lực lượng Quân đội, Công an được huy động, chi viện, phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương triển khai nhiệm vụ cùng các ngành, các cấp tham gia động viên, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Thủ tướng chỉ rõ, cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thứ hai, cách ly, giãn cách cũng là biện pháp tổ chức, tăng hiệu quả xét nghiệm thần tốc, qua đó phát hiện F0 nhanh nhất, bóc tách ra khỏi cộng đồng, không bỏ sót; phân loại, hạn chế lây lan, áp lực lên hệ thống y tế, tập trung điều trị hiệu quả ca nhiễm, giảm tối đa các trường hợp tử vong.

Thứ ba, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn, tất cả vì sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của nhân dân.

Thứ tư, tăng cường lực lượng Công an, Quân đội để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân, trợ giúp người dân, cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, đúng như Thủ tướng chỉ đạo: “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “tính mạng con người là trên hết, trước hết và quý giá nhất”. Đây vốn là bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ và cũng là giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội đợt này cũng là cụ thể hóa Lời kêu gọi của Tổng Bí thư: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.  Rõ ràng, lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá, đó là hành vi vô pháp, bất đạo trước sức khỏe, tính mạng con người, cần nhận diện và đấu tranh ngăn chặn.

Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)
TPHCM: CẢNH BÁO VIỆC NGƯỜI DÂN BỊ KẺ XẤU LỪA CHUYỂN TIỀN 
ĐI CHỢ HỘ
ĐẠI VIỆT/ DT 25-8-2021
Dân trí

 Đối tượng xấu trà trộn vào các nhóm đi chợ giúp dân rồi mạo danh là người đi chợ hộ, yêu cầu chuyển tiền rồi biến mất. Công an đang vào cuộc để làm rõ.

Mua hàng theo combo khó đáp ứng được tất cả nhu cầu

Chị Mỹ Lan (ngụ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết siêu thị giới thiệu với gia đình nhiều gói mua hàng (combo) để lựa chọn. Mỗi combo đều có các sản phẩm thiết yếu như thịt, cá, trứng, rau củ, mì gói… Tuy nhiên, các sản phẩm chị cần mua đều nằm rải rác ở nhiều combo khác nhau. Muốn mua thịt heo và cá, chị phải mua 2 combo mới đủ.

"Combo có cá là 250.000 đồng, combo có thịt heo 300.000 đồng. Như vậy, nếu muốn mua đủ thịt heo và cá, tôi phải mua cả 2 với giá 550.000 đồng. Tất nhiên là trong combo cũng có thêm rau củ, mì gói, nước mắm" - chị Lan chia sẻ.

Việc mua thực phẩm theo combo chưa hoàn hảo nhưng chị Lan vẫn chấp nhận bởi cả thành phố đang căng mình chống dịch, chị không đòi hỏi nhiều.

Các siêu thị lớn tại TPHCM thừa nhận, combo mua hàng chỉ giúp cho lực lượng đi chợ hộ mua sắm thuận tiện hơn, rất khó có thể giải quyết được tất cả nhu cầu của người dân. 

Đại diện hệ thống VinMart và VinMart+ cho hay, lượng đơn đặt hàng online của người dân TPHCM gia tăng mạnh trong những ngày qua. Tuy nhiên, nhân viên siêu thị không thể đi giao hàng do các quy định mới. Việc giao hàng phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan chức năng địa phương.

Hàng đã được chuẩn bị xong nhưng vẫn nằm ở siêu thị nhiều do lực lượng giao hàng của địa phương khá mỏng. Phía siêu thị đang chờ chỉ đạo của Sở Công Thương TPHCM để sớm có phương án vận chuyển hàng đến người dân nhanh hơn. 

Theo hệ thống bán lẻ nói trên, siêu thị đã đề xuất 9 combo hàng hóa thiết yếu như rau củ, thịt, cá, trứng, sữa… cho người dân lựa chọn với giá 150.000 - 300.000 đồng.

Các combo hàng hóa được vận chuyển đến cho người dân (Ảnh: Đ.V).

Còn theo đại diện Aeon Việt Nam, siêu thị này chuẩn bị 15 combo hàng hóa, giá dao động 130.000 - 500.000 đồng để người dân lựa chọn, đăng ký mua hàng với địa phương. Ngay sau khi địa phương tổng hợp số lượng combo, siêu thị sẽ chuẩn bị và giao hàng vào hôm sau. Trong ngày 25/8, siêu thị tại Tân Phú đã giao khoảng 500 combo cho người dân phường Tân Quý, quận Tân Phú, đáp ứng được từ 1.000 đến 2.000 combo/ngày.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, hầu hết siêu thị lớn ở TPHCM đã chuẩn bị nhiều mức combo để người dân dễ dàng lựa chọn. Như MM Mega Market đưa ra 4 combo  giá 150.000 - 300.000 đồng; BigC đưa ra 6 combo với giá 300.000 - 600.000 đồng; Bách Hóa Xanh có 8 combo 120.000 - 500.000 đồng.

Bị lừa trong nhóm "đi chợ hộ"

Chị Hạnh (ngụ phường 11, Quận 3) tham gia vào nhóm "Đi chợ giúp dân" của địa phương trên mạng xã hội Zalo để nhờ mua thực phẩm.

Nhận thấy nhu cầu của chị, một tài khoản tên Nguyễn Văn Công tự xưng là người đi chợ hộ đã nhắn tin riêng cho chị. Tài khoản này yêu cầu chị ứng trước 500.000 đồng để đi chợ. Thế nhưng sau khi chuyển tiền, tài khoản Nguyễn Văn Công đã chặn Zalo của chị Hạnh.

"Tôi biết mình bị lừa nên thông báo cho mọi người biết để xóa tài khoản này ra khỏi nhóm. Người điều hành nhóm thuộc Hội Phụ nữ phường đã xin lỗi tôi về để sự cố đáng tiếc xảy ra. Sau đó, họ tiến hành kiểm duyệt thành viên vào nhóm chặt chẽ hơn" - chị Hạnh kể.


Nhiều người dân tại TPHCM đã bị tài khoản Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền (Ảnh: Đ.V).

Không chỉ chị Hạnh, nhiều người dân khác tại phường 11, Quận 3 cũng bị tài khoản Nguyễn Văn Công lừa chuyển tiền 500.000 đồng/người.

Ghi nhận hiện tượng trên, UBND đã kêu gọi người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo qua nhóm Zalo "Đi chợ giúp dân".

Theo UBND phường 11, nhóm "Đi chợ giúp dân" do Hội Liên hiệp phụ nữ phường lập ra nhằm hỗ trợ người dân mua nhu yếu phẩm. Số điện thoại, số tài khoản của người phụ trách "đi chợ hộ" được đăng tải cụ thể. Thế nhưng các đối tượng xấu vẫn thực hiện hành vi lừa đảo người dân.

"Công tác quản lý nhóm còn nhiều hạn chế dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng sự thiếu cảnh giác của bà con để lừa đảo. UBND phường đã đề nghị cơ quan công an điều tra, rất mong bà con nâng cao tinh thần cảnh giác" - UBND phường 11 thông tin.

Cũng theo chính quyền địa phương, người dân chỉ liên lạc với các cá nhân mà phường phân công nhiệm vụ để được hỗ trợ. Mỗi hộ dân sẽ được đăng ký "đi chợ hộ" một lần/tuần.


Công việc đi chợ hộ đang được triển khai đồng loạt tại các địa phương ở TPHCM (Ảnh: Đ.V).

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, tình trạng lừa đảo đi chợ hộ đang xảy ra trên địa bàn thành phố. Sở Công Thương khuyến cáo người dân nên liên hệ với Tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và các đoàn thể của phường để đăng ký đi chợ hộ, đảm bảo việc mua sắm diễn ra an toàn.

Theo Sở Công Thương, trong ngày 24/8, thành phố đã có hơn 74.000 lượt đăng ký mua hộ hàng hóa trên tổng số hơn 2,18 triệu hộ dân, tăng hơn 50.000 lượt đăng ký so với ngày trước đó.

 Đại Việt

TP.HCM: THÔNG TIN LAN TRUYỀN BỘ ĐỘI ĐI CHỢ NÓI NGỌNG LÀ GIẢ

BẢO NGỌC/ VNN 24-8-2021

Thông tin này được Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) khẳng định trong chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời diễn ra tối 24/8.

Trong chương trình, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, giai đoạn dịch bệnh hiện nay, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật rất nhức nhối.

Các đối tượng kích động, nói sai sự thật, nói không có căn cứ về vắc xin; thông tin sai về tình hình ở nơi phong toả, nơi cách ly…; thông tin liên quan việc người dân không được cứu trợ…

“Điển hình như thông tin anh bộ đội người miền Bắc đi chợ giúp dân. Anh nói ngọng, dùng cách nói của người miền Bắc, không hiểu ngôn ngữ, cách nói về đường sá của người TP.HCM…. Đó là tin sai sự thật”, ông Lê Quang Tự Do khẳng định.

TP.HCM: Thông tin lan truyền bộ đội đi chợ nói ngọng là giả
Thông tin giả được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua

Cũng trong chương trình này, người dân đã đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề hỗ trợ y tế và thực phẩm. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho hay, TP sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân. Về y tế, người dân có thể vào cổng thông tin Covid-19 của 312 tổ phản ứng nhanh để nắm bắt, được hỗ trợ. Những người không có điện thoại thông minh, người không giỏi về internet còn có kênh tiếp cận khác là gọi điện thoại tới:

Trung tâm an sinh của TP: 028 38 272361 hoặc 028 38 2893771.

Tổng đài 1022, nhấn 2

Bộ Tư lệnh TP.HCM: 069 652 401 hoặc 028 66 822 000

Cũng trong chương trình, ông Lê Quang Tự Do cho hay, hiện có gần 40.000 chiến sỹ, cán bộ, công an, quân đội y tế… từ khắp mọi miền tổ quốc về giúp TP.HCM. Lực lượng này giúp đi phát túi an sinh, cắm chốt, điều trị cho F0 tại nhà… phục vụ những nhu cầu cần thiết cho người dân, để người dân yên tâm trong thời gian giãn cách.

TP.HCM: Thông tin lan truyền bộ đội đi chợ nói ngọng là giả
Người dân được hỗ trợ lương thực, thực phẩm

Cũng trong buổi Dân hỏi - Thành phố trả lời tối 24/8, đại diện TP cho hay, nhóm người được nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu là những người thuộc nhóm: F0 điều trị tại nhà, hộ nghèo, khó khăn trong khu phong toả, khu cách ly, công nhân mất việc làm, người nghèo, bán vé số, cơ nhỡ, lang thang….

Chính Phủ và TP đã đặt mục tiêu ban đầu là có 2 triệu túi an sinh phát cho người dân. Hiện TP đã vận động được 1,8 triệu túi, trong tương lai có thể vượt lên con số 2 triệu. Các thủ tục nhận túi an sinh cũng vô cùng đơn giản. Túi an sinh gồm rau củ quả, trứng, gạo, nước mắm, dầu ăn, đường… Thành phần trong túi có thể thay đổi, nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân. Ngoài ra, còn có nhiều nhóm từ thiện cũng phát quà hỗ trợ. 

Người dân cũng hỏi về vấn đề ra đường: “Hiện có 17 nhóm đối tượng được ra đường, vậy người dân đau bụng, đi rút tiền ngân hàng, cấp cứu... thì đi lại bằng cách nào, giấy đi đường ai cấp?”

 Ông Lâm Đình Thắng cho hay: Đó là những vấn đề mà rất nhiều người dân TP quan tâm. Đi tiêm vắc xin, người dân có tin nhắn gửi tới từng số điện thoại. Với người đi cấp cứu thì không cần giấy tờ. Đi khám sức khoẻ định kỳ, người dân cần có giấy hẹn của bệnh viện. Đi xuất ngoại, ra sân bay, người dân  cần mang theo hộ chiếu, vé máy bay, giấy xét nghiệm PCR âm tính. Người dân đi một mình, không nên đi đưa tiễn nhau trong hoàn cảnh dịch bệnh. Khi về, tài xế trao đối với người trực chốt, có thể dùng vé vào cửa của sân bay để trình diện.

SỰ THÔNG THÁI LÀ CÓ THẬT

CHU MỘNG LONG/ TD 24-8-2021

Nhìn thấy trên mạng 3 bài báo (hình dưới), tôi không có điều kiện xem hết, và nghĩ có xem hết cũng chưa chắc đã hiểu những gì cao siêu trong đó, bèn hỏi một cán bộ tuyên giáo để học nhanh, học liền.

Câu 1: Tôi đọc Các Mác, Ăng Ghen, Lê Nin khá nhiều nhưng chưa hề thấy mấy ông này nói về chống dịch. Hầu như trước tác của các ông này đều hướng vào đấu tranh giai cấp thôi. Vậy phương pháp chống dịch có giống phương pháp đấu tranh giai cấp không?


Ảnh chụp màn hình

Câu này nhà tuyên giáo trả lời gọn trơn: “Không giống thì làm sao vận dụng được? Anh phải hiểu con virus là một thứ giai cấp ngồi mát ăn bát vàng, bóc lột thậm tệ người lao động. Ngồi mát nghĩa là nó thích nghi với phòng lạnh, rồi chui vào tận trong phổi người ta để ăn, ăn đến khô máu. Kết quả là người càng nghèo càng phải chết nhanh vì nó!”

Tôi gật đầu bái phục. Chỉ hỏi thêm: “Vậy là ta phải dùng chuyên chính vô sản để trấn áp virus?” Tưởng anh ta không thể trả lời được, nhưng vẫn nói gọn trơn: “Hiển nhiên phải dùng bộ đội, công an mới dẹp được dịch!”

Câu 2: Toàn tập Hồ Chí Minh tôi đọc xong từ khi học cấp ba, cũng không thấy có tư tưởng chống dịch. Vậy thì phải “vận dụng sáng tạo như thế nào?”

Nhà tuyên giáo cũng không cần phải bóp trán suy nghĩ. Ngài tuôn ra một hơi, thông hơn nước chảy trong ống cống: “Vấn đề nằm ở chữ “sáng tạo” ấy. Bác Hồ của chúng ta chỉ nói chống giặc, ta sáng tạo thành chống dịch. Hoạt động như nhau: vẫn đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết thành công đại thành công, thi đua là yêu nước”.

Tôi cũng gật, nhưng lại thắc mắc: “Nhưng chung chung quá. Cho ví dụ cụ thể đi!”

Nhà tuyên giáo trả lời, suôn hơn cả tóc duỗi: “Ví dụ thế này. khi thực hiện giãn cách, truyền hình quốc gia kêu gọi mọi người tập thể dục tại nhà là áp dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh “Tự tôi ngày nào cũng tập!” Ra thế, tôi hết thắc mắc.

Câu 3: Còn phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám để chống dịch là bài học gì vậy? Kêu gọi nhân dân biểu tình hay vùng lên phá kho thóc của bọn dịch ngồi mát ăn bát vàng à?

Nhà tuyên giáo đến câu này thì mới bóp trán suy nghĩ. Khoảng vài ba phút trầm tư như một nhà triết học, ngài nói: “Biểu tình là phạm luật, gây rối nơi công cộng. Phá kho thóc của nhà nước là phạm tội phá hoại xã hội chủ nghĩa. Không ổn…”

Tôi chen vào: “Hay là phá mấy cái biệt phủ của quân ôn dịch, lấy vàng bạc chia cho dân đói?”

Nhà tuyên giáo giật mình thon thót: “Càng không được. Biệt phủ hiện nay người ta thừa kế từ cha mẹ để lại hoặc buôn chổi đót, nuôi gà, nuôi heo đến thối móng tay đấy. Phải yêu thương người giàu có như yêu con ngươi của mắt mình. Vậy mới gọi là áp dụng sáng tạo!”

Giời ạ, cái sự sáng tạo khó như vậy mà họ vẫn nghĩ ra được. Nói làm thối móng tay còn nghe được chứ quân ôn dịch này có lý lịch ba đời đi ở đợ thì làm gì được thừa kế biệt phủ hay vàng bạc của cha mẹ để lại? Tôi phải thán phục lần nữa bằng cách kể câu chuyện triết gia cho nhà tuyên giáo nghe.

Rằng ngày xưa có triết gia trước khi chết, chỉ vì khó thở đã để lại một di huấn hào hùng: “Mở cửa ra!” Những học trò của triết gia chép lại câu nói ấy và diễn giải, rằng mở cửa ra có thể áp dụng sáng tạo trong mọi tình huống. Mở cửa ra để nhìn xa trông rộng, mở cửa ra để được tự do, khai phóng, mở cửa ra để được giao lưu, hội nhập…

Hoá ra nhà thông thái, tức gì cũng biết, biết tuốt, là có thật!

Chu Mộng Long

 NGƯỜI LÀM, KẺ PHÁ

NGUYỄN THÔNG/ TD 23-8-2021



Trong cơn đại dịch, thiếu vắc xin là điều đau đầu nhất, giải quyết nó là việc quan trọng nhất lúc này. Chính phủ phải huy động toàn bộ hệ thống, kể từ ông thủ tướng tới các bộ ngành làm nhiệm vụ tìm kiếm vắc xin. Đã có hẳn thuật ngữ mới “ngoại giao vắc xin” ra đời trong hoàn cảnh này (các nhà ngôn ngữ học hãy nhớ lấy để bổ sung vào từ điển tiếng Việt).

Ngoại giao vắc xin thực chất là gì? Là khéo léo, mềm mỏng, thậm chí phải nhún nhường, hạ mình xuống một chút (chứ không ưỡn ngực kiêu hãnh như lâu nay) để có vắc xin tốt đem về. Tức là phải rất cố gắng, khiêm tốn, biết làm vui lòng đương sự đang có vắc xin. Trong những nước mà xứ ta hướng tới ngoại giao vắc xin có nhiều quốc gia ân oán cũ như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Úc, Đức… Họ (chính phủ các nước ấy) dường như quên hẳn chuyện xưa, bỏ tiệt quá khứ, chỉ hướng tới tương lai, giúp nước ta rất nhiệt tình, biếu và bán vắc xin rất rộng rãi, chân tình.

Phải ghi nhận điều đó và ủng hộ sự cố gắng của chính phủ ta, và biết ơn bạn bè.

Vậy nhưng, vẫn có kẻ phá, hay có thể nói là chọc gậy bánh xe. Tức giận ở chỗ, nếu nó là thế lực thù địch nào đó, việt tân việt tiếc, thì đã đi một nhẽ, đằng này ta đánh ta, rất tai hại.

Tối qua 22.8, tivi nhà nước, VTV quốc doanh, kênh VTV1 phát bộ phim tài liệu rất công phu về đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm ngày sinh của ông (25.8). Với cụ Giáp, ca ngợi là đúng rồi, chả mấy ai phản đối. Tuy nhiên, người có trí phải hiểu thời thế, sự đời để mà cư xử, biết đưa ra thứ gì, tạm ẩn thứ gì. Trong khi thủ tướng đang quần quật làm việc, mềm mỏng ngoại giao vắc xin với các “bạn” Mỹ, Pháp, Nhật… thì phim của VTV tối qua cứ ra rả chửi các bạn ấy, nào đế quốc thực dân, xâm lược, gây chiến, tráo trở, dã man, lật lọng (ai không tin cứ tua lại, xem lại), thật không ra làm sao.

Hay là vắc xin đã về rồi, chả sợ ngại gì, nên cứ nói thoải mái. Bà phó tổng thống Mỹ còn đang ở Sing, đã sang đâu mà tợn. Họ, cái đám VTV ấy, nghĩ thế chăng. Cao hơn VTV là tuyên giáo của ông Thưởng và ông thượng tướng trưởng ban, các ông chả nhẽ không biết gì, hay chính các ông là người duyệt cho chúng nó phát.

Vẫn biết “bọn đế quốc thực dân” không chấp, nhưng kiểu cư xử vậy là hạ đẳng, thiếu tư cách, thiếu sự tử tế. Và tai hại nhất, đã chọc gậy bánh xe, phá hoại sự nhiệt tâm của chính phủ và thủ tướng bấy lâu nay.

Thiển nghĩ, nếu còn những thứ ngây ngô như vậy trong kế hoạch phát sóng, cần chấm dứt ngay. Kỷ luật tay giám đốc và những kẻ có liên quan, dù cao hay thấp. Cụ tổng có nghe tôi nói không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét