Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

20210812. VỤ SA THẢI CÔ GIÁO THƠ CỦA ĐH DUY TÂN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐIỀU TRA VIDEO GIẢNG VIÊN  ĐẠI HỌC PHÁT NGÔN PHIẾN DIỆN VỀ CÔNG

 TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH

HỒ GIÁP/ VNN 7-8-2021

Video ghi lại nội dung trao đổi giữa nữ giảng viên trường Đại học Duy Tân và sinh viên trong buổi học trực tuyến.

Hôm nay (7/8), Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an TP Đà Nẵng) cho biết, đang xác minh, làm rõ các nội dung một video tranh luận giữa sinh viên và giảng viên trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng liên quan việc chống dịch tại Việt Nam.

Đoạn video này dài gần 4 phút lan truyền trên mạng xã hội giữa nữ giảng viên trường Đại học Duy Tân và sinh viên trong một buổi học trực tuyến.

Theo nội dung video, trong phần tranh luận về vấn đề phòng chống dịch tại Việt Nam, nữ giảng viên có những phát ngôn sai lệch, gây bức xúc.

Điều tra giảng viên đại học phát ngôn phiến diện về công tác phòng chống dịch
Nữ giảng viên trường Đại học Duy Tân trong video được ghi lại

Nữ giảng viên đặt câu hỏi với sinh viên: “Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa? Đã tiếp cận được vắc xin chưa?”.

Nam sinh viên trả lời “Em không nằm trong diện hỗ trợ” thì giảng viên tiếp tục nói: “Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?

Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”.

Sau khi video này lan truyền trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Đa số đều bức xúc với những quan điểm, phát ngôn của nữ giảng viên.

Theo tìm hiểu, giảng viên tranh luận trong video có tên T.T.T dạy môn văn hóa Anh (Khoa Ngoại ngữ - trường Đại học Duy Tân). Hiện nay video này đã gỡ khỏi trang cá nhân của nam sinh viên.

Trao đổi với VietNamNet, ông Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân xác nhận video phát tán trên mạng là nội dung trong một buổi học online giữa sinh viên và giảng viên nhà trường.

“Nhà trường đang nghỉ dịch Covid-19. Video trên là hai cô trò trao đổi với nhau trong giờ giảng. Chúng tôi đang phối hợp với công an làm rõ vụ việc”, ông Hải thông tin.

Hồ Giáp

QUYỀN CON NGƯỜI VÀ TƯƠNG LAI CỦA GIÁO DỤC

THÁI HẠO/ TD 8-8-2021


Theo VietNamnet, đoạn hội thoại trong hình là lời của nữ giảng viên và sinh viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Tờ báo cho biết đây là những “phát ngôn sai lệch, gây bức xúc” và công an Đà Nẵng đang điều tra.

Điều làm tôi khó hiểu đến mức như thấy một sự quái gở là tại sao lại “điều tra” một phát ngôn bình thường như thế?

Nữ giảng viên hỏi: “Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa? Đã tiếp cận được vắc-xin chưa?”, SV trả lời “Em không nằm trong diện hỗ trợ”. Câu hỏi trên có gì sai chăng? Nó chỉ là việc muốn biết một thông tin rất thông thường, không có gì là “nhạy cảm, bí mật” hay sai trái, vi phạm gì cả.

Hay là chỗ cần điều tra nằm ở đoạn dưới nhỉ? “Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?” Câu hỏi này vi phạm gì ư? Tất nhiên đây là một câu hỏi tu từ, nhằm ý khẳng định rằng rất hiếm có “dân nước nào chạy 1.500km về quê” như nước ta. Điều này là sự thật và cái sự thật ấy ai cũng thấy, và điều đó chứng tỏ “hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém” – điều này lại cũng đúng nữa, không hề có một chút sai lệch nào. Nếu cô giáo nói “hệ thống an sinh xã hội của chúng ta không có hoặc vô hiệu thì mới là nói sai chứ!

Vậy rốt cuộc thì cô giáo đáng bị “điều tra” vì lý do gì? Hay là tại Cô nói “cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó”? Chuyện tâm trạng vui, buồn, tự hào, nhục nhã là tình cảm cá nhân lành mạnh của con người, tại sao việc “thấy nhục” khi chứng kiến cảnh đồng bào vất vả gian lao mà bản thân không làm gì được để giúp đỡ lại đáng bị “điều tra xử lý”?

Thái Hạo

Một con người, với những quyền sơ đẳng của nó là nói ra suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm của mình, đó phải là một điều hiển nhiên như hít thở không khí từng giây từng phút. Nhưng nhất là ở đây, một giảng viên đại học, thì càng cần chính kiến và lòng trắc ẩn với đồng bào đồng loại, vì thế việc nói ra lại càng phải được khuyến khích chứ? Hay là Đà Nẵng và ngành giáo dục nói chung muốn tất cả giảng viên và giáo viên trong hệ thống giáo dục phải là những kẻ vô cảm, vô trí, luôn bưng tai bịt mắt với nỗi đau và sự gian nguy của nhân dân?

Tôi đã nói cái điều này hàng chục lần trong mấy năm nay: khi nào trong giáo dục còn kiểm soát suy nghĩ và tình cảm của con người thì khi đó mọi “cải cách đổi mới” chỉ là việc làm vô ích, hoàn toàn lãng phí tiền bạc và hao tốn sức lực của xã hội.

Sau sự kiện này, có lẽ sẽ không còn một tiếng nói trung thực thật thà nào trong ngành giáo dục ở Đà Nẵng (và VN) cất lên nữa cả. Và chúng ta chỉ còn thấy những giảng viên và giáo viên an phận, hèn nhát, vô cảm. Đà nẵng và ngành giáo dục chỉ muốn dùng loại người ấy để dạy dỗ con người ư, hòng đưa đất nước tiến lên?

Cô giáo không vi phạm Hiến pháp và Pháp luật, càng không vi phạm đạo đức nhà giáo. Cô cần được khen ngợi vì đã nói tiếng nói của một công dân có trách nhiệm với đất nước, đã nói tiếng nói hiểu biết và nặng tình cho học trò để chúng biết và yêu thương đồng bào.

Giáo dục và giáo dục đại học Việt Nam nói chung sẽ vĩnh viễn không thể “đối mới” được nếu những hành xử kiểu khủng bố này còn được duy trì. Vì con người, vì quốc gia dân tộc hãy tôn trọng người thầy, cổ xúy họ nói thẳng nói thật, nói chân thành và tha thiết về hiện tình đất nước. Chỉ có như thế thì nền giáo dục và xã hội mới có tương lai.

TÂM LÝ NÔ LỆ

THÁI HẠO/ TD 9-8-2021

Chuyện nữ giảng viên đại học Duy Tân (Đà Nẵng) bị điều tra vì… nói thật và nói thật lòng, ngoài sự “im lặng là vàng” của giới giảng viên đại học trước bất công trên đầu đồng nghiệp và sự phi lý từ phía cơ quan nhà nước ra thì còn một điều nữa khiến tôi thấy thật khó hiểu: Có nhiều người trách cậu sinh viên đã post đoạn đối thoại ấy lên mạng, vì theo họ như thế là gài bẫy, là âm mưu, là xấu xa v.v.

Nếu một khi các bạn đã nghe/đọc mà thấy đó là những phát ngôn bình thường, lành mạnh thì tại sao các bạn còn chê trách cậu sinh viên kia và cho rằng cậu ta “gài bẫy”? Hay ý các bạn là dù nói sự thật và không vi phạm pháp luật nhưng cần phải giữ bí mật? Tại sao lại thế?

Các bạn cho rằng vụ ấy là một “âm mưu”, vậy đó chẳng phải là một âm ưu thất bại hay sao khi mà những lời cô giáo nói ra là hoàn toàn chính đáng? Post những lời ấy ra chốn công khai thì lý do gì mà cô lại có thể trở thành nạn nhân? Rõ ràng, ở đây việc trở thành nạn nhân hay không đâu phải do hành vi của cô mà là từ một ý chí vô pháp nào đó bên ngoài đấy chứ!

Rốt cuộc thì, các bạn đồng nghiệp và đồng bào của tôi, các bạn đang sợ điều gì? Sợ sự thật, sợ cường quyền hay sợ những điều tốt đẹp?

Từ câu chuyện của cô giáo Đà Nẵng, nhiều bạn còn tự nhắc nhở rằng phải cảnh giác, hết sức cảnh giác. Cảnh giác cái gì vậy? Cảnh giác rằng chớ nên nói thật nghĩ suy, xúc cảm của mình ư? Vậy các bạn đang trù tính là sẽ nói cái gì cho học trò nếu không phải là chân – thiện – mỹ? Tôi sợ cái sự “rút kinh nghiệm” này của các bạn.

Thực ra thì tôi hiểu, rằng các bạn đã tự chối bỏ quyền làm người của mình từ trước đó lâu rồi chứ không phải đợi đến khi sự việc này xảy ra. Cái phản ứng “bất mãn” tức thời của các bạn về cậu sinh viên kia cho tôi biết điều đó. Từ trong sâu thẳm, các bạn đã coi việc sống thẳng thắn, sống thật lòng là điều không chính đáng.

Khi các bạn nói đúng và nói thật các bạn phải tự hào và tự tin chứ! Theo tôi, đáng ra các bạn phải cầu mong rằng sẽ có thật nhiều người lan tỏa tiếng nói ấy cho mình chứ nhỉ? Khi các bạn chê trách người học trò kia, thì có phải đồng nghĩa với việc các bạn đang quay lưng lại với lương tâm của chính mình?

Tâm lý sợ hãi hình như đã ăn quá sâu vào tâm thức của một cộng đồng; nó khiến nhiều người không sao còn cảm nhận và phân biệt được cái gì là lẽ thường tình, là đúng sai phải trái, là được – mất, lấy – bỏ nữa thì phải…

So với sự thô bạo của phía bên kia, thì cái tâm lý của phía bên này còn đáng sợ hơn ngàn lần: Tâm lý nô lệ.


ĐÁNG HỔ THẸN THAY, ĐẠI HỌC DUY TÂN

NGUYỄN VI YÊN/ TD 10-8-2021


Trong khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục vừa tuyên bố thế này: “hệ thống quản lý giáo dục từ trên xuống dưới cần quan tâm gia tăng vai trò, tiếng nói phản biện của đội ngũ với cả các vấn đề xã hội nói chung và chính sách đang thực thi trong giáo dục nói riêng”;

Thì trường Đại học Duy Tân hành xử thế này: THỐNG NHẤT SA THẢI một giảng viên mà họ cho là “có phát ngôn phiến diện, sai lệch về công tác chống dịch”.

Lối hành xử đáng hổ thẹn đến mức không xứng với hai chữ Đại học. Lại càng không xứng với cái tên Duy Tân mà họ dám mạo xưng.

Trong Tạp chí Đại học, ngay số đầu tiên, Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết những lời rất đáng tâm đắc, rằng: “Đại học có một đời sống biệt lập, là nơi suy tưởng và khảo cứu vô vị lợi. Đồng thời Đại học phải gắn liền với đoàn thể dân tộc, gây dựng và duy trì những tiếp xúc, trao đổi thường xuyên với mọi nhóm xã hội và với mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Do đó, Đại học không thể là một tháp ngà, một nơi khép kín đối với thế giới bên ngoài, trong đó những người có phận sự chỉ việc trao cho sinh viên những kiến thức chuyên môn không dính líu gì đến cuộc đời chung quanh.”

Chính vậy. Một khi ta công nhận rằng đại học là ngôi đền của tri thức, đồng nghĩa với việc đại học phải có cả thẩm quyền, lẫn nghĩa vụ, bảo vệ một cách toàn vẹn tinh thần tự do học thuật, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng – những điều kiện thiết yếu nhất để tri thức không bị mục rữa, biến dạng, bốc mùi.

Và một khi ta đồng ý rằng đại học không thể chỉ là tháp ngà học thuật, đồng nghĩa với việc nó phải cởi mở trước những luồng quan điểm, ý kiến, tư tưởng đa chiều về các vấn đề đời sống thực tiễn, bất kể quan điểm đó, ý kiến đó, tư tưởng đó có chối tai đến đâu. Cởi mở, tức là không chỉ không ngăn cấm, không bác bỏ, không tránh né, mà còn là tạo điều kiện, khuyến khích, xiển dương những thảo luận nằm ngoài khuôn khổ kiến thức chuyên môn.

Đó mới là lối hành xử đúng đắn cần có của đại học. Và chỉ có như thế, đại học mới có thể đào tạo nên những con người biết bàn chuyện duy tân.

Thêm nữa, giảng viên hay sinh viên của đại học, nếu như có một lúc nào đó, bị đàn áp bởi những lực lượng đầy quyền lực, thì đó chính là lúc mà đại học phải đứng ra thể hiện nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ tinh thần tự do của mình.

Chứ không phải, vừa thấy giảng viên của mình phát ngôn dường như trái ý quan trên, bèn sa thải ngay lập tức.


NGHĨ VỀ NỀN GIÁO DỤC VÂNG LỜI

FB SEN HOA/ BVN 9-8-2021

Mấy hôm nay, dư luận đang nổ rần rần trên mạng về việc cô giáo TTT nêu vấn đề cứu trợ người dân trong đại dịch covid và tình trạng bi đát của người nghèo tháo chạy khỏi tâm dịch để tìm về vòng tay ấm áp của quê hương, và yêu cầu sinh viên tham gia thảo luận.

Vấn đề sẽ không có gì ầm ỹ nếu không có việc một sinh viên ghi âm ý kiến của cô giáo khi nêu vấn đề thảo luận rồi đưa lên mạng, và nghe nói an ninh văn hóa Đà Nẵng đang vào cuộc điều tra.

Có những ý kiến khác nhau về sự kiện này: (1) Lo cho cô giáo TTT sẽ bị mất thi đua, kỷ luật, thậm chí bị đuổi việc; (2) Giáo viên là một nghề nguy hiểm, sợ sinh viên đi học lại cứ chăm chăm ghi âm, cắt xén và đưa thông tin lên mạng khi có dụng ý xấu; (3) Bênh vực công việc của giảng viên đại học, cho rằng họ không chỉ thuyết giảng một chiều mà còn là người nghiên cứu khoa học, cần nêu vấn đề từ các góc nhìn khác nhau làm cơ sở cho sinh viên tham gia thảo luận và nêu ý kiến.

Quả thực những ý kiến tranh luận quanh sự kiện cô giáo TTT rất đáng suy ngẫm, không chỉ trong sự kiện đơn lẻ này, mà cũng là vấn đề đặt ra cho cả nền giáo dục hiện thời của chúng ta nói chung. Nhân sự kiện ồn ào này, tôi cũng mạo muội nêu ra vài ý kiến, và muốn lắng nghe "búa rìu" của dư luận.

Nhớ lại năm 1997, tôi có dịp gặp GS. Phạm Minh Hạc ở một hội thảo quốc tế lớn tại Hà Lan, và tôi xin được phỏng vấn ông về phương pháp dạy học trong nhà trường. Không may, ông không thu xếp được vì thời gian lưu lại Amsterdam quá ngắn. Ông hẹn tôi khi nào về Hà Nội ông sẽ dành thời gian cho tôi. Cuối năm ấy tôi về nước nghiên cứu thực địa về vấn đề lao động của trẻ em. Cuối đợt thực địa, tôi xin phỏng vấn PGS. Trần Đình Hoan, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Lao động, và GS. Phạm Minh Hạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Ông Hoan thấy tôi về từ Amsterdam, cứ đinh ninh tôi là chuyên viên làm cho ILO, khi ấy mới lập văn phòng ở Hà Nội, nên dành thời gian tiếp chu đáo. Liên quan đến câu hỏi tại sao trẻ con bậc trung học, từ lớp 6 trở đi, có tỷ lệ bỏ học cao thế, có phải để tham gia vào thị trường lao động mới hình thành sau đổi mới không? Ông không đi vào vấn đề, mà nói như trút bầu tâm sự: “Ở Việt Nam không có lao động trẻ em. Ông làm nghiên cứu, tôi cũng vậy, ta phải sòng phẳng mà nói với nhau như thế. Trẻ con tham gia làm việc này việc kia là quá trình xã hội hóa để lớn lên biết làm việc, chứ có ai bóc lột ai đâu, nhưng đáng lo là ở thì tương lai thôi. Kinh tế thị trường sẽ có thể nảy sinh bóc lột sức lao động trẻ em. Nhưng vấn đề còn ở bên giáo dục nữa. Trẻ con chán học không chỉ vì nghèo, vì không tìm thấy niềm vui đi học, mà còn vì đến trường chán quá. Ông cứ nghĩ mà xem, mấy môn học thuộc là trẻ con chán nhất, như môn Sử chẳng hạn. Ai lại cứ dạy một chiều, thầy đọc trò chép, ở nhà thì bố mẹ là nhất, đến trường thì thầy cô giáo lúc nào cũng đúng, ra xã hội thì nghị quyết là luôn luôn đúng, tuyệt đối đúng, thế thì trẻ con chỉ cần học thuộc lòng để đỗ cao chứ ai cần chúng có ý kiến ý cò gì vào đấy nữa. Nên đổi mới giáo dục thì cần phải làm cho trẻ con thấy đi học là niềm vui, đến lớp được tôn trọng, và có chỗ cho chúng bày tỏ ý kiến riêng để sau này thành người lao động có bản lĩnh…”.

Tôi đem ý kiến này sang hỏi GS Phạm Minh Hạc, ông bảo: “Có vấn đề đó. Giáo dục của ta từ sau 1945 đến nay đã mấy lần đổi mới, toàn thêm vào nội dung mà không đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao tư duy độc lập và sáng tạo cho học trò. Thực tế là chúng ta đã lạc hậu về phương pháp dạy học so với thế giới nửa thế kỷ, nhưng đến giờ vẫn chưa thay đổi được. Tôi hỏi ông có dám cãi lại bố mẹ, thầy cô, nhà nước không? Không chứ gì. Thế thì cứ học thuộc và trả bài thi theo đáp án có sẵn là được, không thể khác”. GS. Phạm Minh Hạc mời tôi ăn cơm, ông nhớ lại lần gặp tôi ở Amsterdam và cứ nghĩ tôi là Việt kiều nên nhờ tôi giúp phiên dịch một cuộc gặp quan trọng với các nhà khoa học Hà Lan.

Sau chuyến thực địa này, tôi quay lại Hà Lan và viết một essay về giáo dục Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi phát triển quan điểm “giáo dục vâng lời” để phân tích thực hành giáo dục ở nhà trường phổ thông Việt Nam. Bài này được trình bày tại hội thảo của ILO/UNICEF tại Amsterdam năm 1999 (Work versus Education? An Empirical Study of Rural Education in a Transitional Economy of Vietnam), sau đó được tuyển chọn in lại trong sách “Vietnamese Society in Transition. The Daily Politics of Reform and Change. Het Spinhuis: Amsterdam, 2001; tr. 64-101).

Mấy năm sau, Quỹ Ford tài trợ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức các lớp bổ túc về phương pháp nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trẻ, bài viết này được các giảng viên quốc tế chọn làm học liệu cho học viên. Sau này tôi nghe nói bài viết bị học viên phản đối vì cho rằng chức năng của giáo dục là để tạo ra con người vâng lời kiểu “con ngoan trò giỏi”, sao lại đòi giáo dục làm trẻ con nghĩ và làm khác đi. Thế là giáo dục phản động à?

Rõ ràng tư duy giáo dục cũng giống như những lối mòn, không dễ thay đổi, nhất là khi giáo dục gia đình, trường học và xã hội có sự đồng điệu về lối nghĩ và thực hành.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy cho đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều mô hình, và mỗi mô hình giáo dục đều để lại dấu ấn đậm nhạt khác nhau trong nền giáo dục đương đại. Đầu tiên, đó là mô hình giáo dục Phật giáo, được hình thành từ sớm, và nó góp phần mở ra một lối đi trong giáo dục Việt Nam. Mô hình này hướng con người đến tính nhân bản, hoàn thiện về tri thức và tâm thức, có phẩm hạnh và đạo đức, chân thật, từ bi, mạnh mẽ và rộng lượng, biết kính trọng người khác, sống có lý tưởng, tôn trọng cây cỏ và tự nhiên, có tư duy hợp lý và thích ứng được với bối cảnh sống. Cho đến nay Nhật Bản vẫn duy trì tư tưởng này cùng với mô hình giáo dục Thiên chúa giáo, tạo thành hai trường phái giáo dục mạnh nhất, cùng song hành ở đất nước mặt trời mọc.

Mô hình giáo dục Nho giáo ngược lại, nhấn mạnh vai trò giáo hóa, tức truyền bá văn hóa từ bên trên (của tầng lớp cai trị) xuống bên dưới (tầng lớp bình dân). Nó đề cao việc học tập và rèn luyện nhằm mục đích “hành đạo”, tức ra làm việc nước. Tư tưởng này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ta hôm nay, coi việc học và bằng cấp là cái bàn đạp dấn thân để leo cao trên nấc thang quan trường. Nho giáo cũng đề cao việc học làm người, rèn luyện nhân cách con người “toàn đức” theo mô hình nhân, trí, dũng, lấy “đức nhân” làm lý tưởng tối cao, tạo nên những nhân cách cứng cỏi kiểu “quân tử” và “khí tiết sĩ phu”.

Mô hình giáo dục Thiên chúa giáo du nhập vào Việt Nam thông qua Giáo hội Công giáo lập ra ở Sài Gòn năm 1865. Dù là trường công hay tư thì mô hình Giáo dục Thiên chúa giáo đều nhấn mạnh triết lý phát triển nhân cách, tôn trọng tự do cá nhân và đào tạo ra con người biết tôn trọng tự do cá nhân của người khác, tạo điều kiện để trẻ em phát triển theo hướng sáng tạo và thích ứng, giáo viên ít can thiệp vào lối tư duy riêng của trẻ em mà ngược lại khuyến khích để nó phát triển. Mô hình giáo dục khai phóng được tạo dựng trên nền tảng triết lý giáo dục Thiên Chúa giáo, nhấn mạnh việc tạo ra con người tự do và sáng tạo. Nhà báo Hoàng Hưng khi nói về cái tinh thần hào hoa phong nhã của lớp trí thức đô thị như người Hà Nội và Sài Gòn đã cho rằng chính nền giáo dục ở các trường học thời thực dân và hệ thống giáo dục khai phóng thời đó đã góp phần tạo nên cái hào sảng trí thức và tinh thần dân tộc chứ không phải lối dạy học thuộc lòng của các nho sỹ. Mô hình này phổ biến ở hầu hết các nền giáo dục ở các nước tiên tiến hiện nay.

Cuối cùng, từ sau 1945 [ở miền Bắc, và từ sau 1975 trên cả nước – BVN chú thích thêm], giáo dục Việt Nam dần dần phát triển một mô hình mới, gọi là mô hình giáo dục XHCN. Động lực của mô hình này là để tạo ra CON NGƯỜI MỚI cho CNXH, trao trách nhiệm giáo dục trẻ con vào tay nhà nước trên cơ sở một nền giáo dục công lập, bắt buộc và miễn phí. Mô hình này nhấn mạnh tinh thần tập thể và phản đối chủ nghĩa cá nhân, muốn thay đổi cái cũ nhưng lại thực hành giáo dục trên nền tảng truyền thống “vâng lời”. Lấy truyền thụ kiến thức về CNXH làm chủ đạo, có xu hướng đề cao lãnh tụ và giai tầng nắm quyền nên không coi trọng tương tác và phản biện. Mô hình này thực ra có thể song hành tốt với nền kinh tế chỉ huy và bao cấp. Từ khi kinh tế chuyển sang định hướng thị trường, mô hình giáo dục mới [XHCN] đã sụp đổ vì không còn chỗ dựa lấy giáo dục miễn phí và nhà nước hóa làm trụ cột. Vậy nên từ sau đổi mới kinh tế, mô hình giáo dục xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng triền miên vì nó không giải quyết được mối quan hệ giữa giáo dục xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường.

Gần đây, mô hình giáo dục dựa trên tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng đã từng thành công trước đây ở miền Nam và là mô hình giáo dục phổ biến ở các quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển được giới thiệu để xem xét, nhưng xem ra, các nhà “ní nuận” của ta không thấy phê!

Một vài nhà giáo dục như GS. Lâm Quang Thiệp cũng chỉ dám nói nước đôi: “Đây là cuộc đấu tranh không đơn giản”, nhưng “tin tưởng xu hướng xã hội hiện nay hỗ trợ cho tư tưởng giáo dục khai phóng và khiến nó dần dần thắng lợi”, còn GS. Ngô Bảo Châu thì hy vọng “sớm muộn gì Việt Nam cũng phải hình thành những ngôi trường “đại học khai phóng”.

Chỉ là mong đợi, hy vọng thôi, hiện thực còn xanh còn chua lắm!

Lại nữa, hiện nay người ta cứ tranh cãi ầm ầm về cái gọi là triết lý giáo dục Việt Nam. Thậm chí cái ông GS to sù ở trong Tp HCM được xơi nhiều tỷ đồng của nhà nước để ngẫm ngợi và sau mấy năm đưa ra một phát hiện động trời về tư tưởng giáo dục Việt Nam dựa trên quan điểm âm-dương phối hợp, đọc xong là sặc tiết.

Quay lại câu chuyện về phương pháp dạy học, tôi cho rằng tư tưởng và mô hình giáo dục là cơ sở quyết định phương pháp dạy học. Nếu dạy học là để nhồi sọ để tạo ra các con rô bốt biết vâng lời thì cách dạy học vẹt, một chiều theo kiểu “vâng lời” sẽ là không thể tránh khỏi. Đó là lý do tại sao GS. Phạm Minh Hạc đã phải kêu lên 50 năm nay muốn cải cách mà không động đậy được.

Giáo dục của nước ta hiện nay đang ở buổi giao thời, vẫn bám vào cái triết lý “tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa” dù chả biết cái con người ấy có đặc điểm gì, trong khi nền kinh tế đã chuyển sang mô hình thị trường, dựa trên kinh tế đa thành phần và hội nhập vào thế giới. Giáo dục rơi vào khủng hoảng vì không rõ chúng ta đang muốn tạo ra con người như thế nào: Vẫn duy trì mô hình đào tạo ra con người mới XHCN hay chuyển sang đào tạo con người của kinh tế thị trường, con người toàn cầu, hay con người cá nhân chủ nghĩa, thích “ra làm việc quan” để vinh thân phì gia?

Quay lại câu chuyện của cô giáo TTT đã nói ở trên, tôi thử tìm trong giáo dục hiện nay ở ta, thấy các giáo viên thường bị phân tâm bởi xung đột trong lối tiếp cận dạy và học: (1) Truyền lửa hay chừng mực hàn lâm? (2) Giảng giải hay chỉ truyền thụ tri thức? (3) Đưa thông tin đa chiều, nêu vấn đề mở cho học sinh tham gia thảo luận và có ý kiến riêng hay kết luận luôn rồi đọc cho học trò chép để học thuộc?

Xem ra cách dạy thầy đọc trò chép dễ dàng hơn cho cả giáo viên và sinh viên, nhưng sẽ là thảm họa của giáo dục trong thời đại thông tin và hội nhập, vì chúng ta không mong tạo ra những con vẹt hay người máy bị giật dây làm theo lệnh của bàn phím mà là những con người biết suy nghĩ độc lập và sáng tạo, không bị ràng buộc hay sợ sệt thế lực hắc ám nào.

Vậy nên tôi ủng hộ cách giảng bài của cô TTT, khi dám nêu ra một vấn đề rất nhậy cảm để sinh viên quan tâm hơn đến hiện tình đất nước, thấy mình có thể tham góp được vào trong quá trình làm chính sách của nhà nước, vì sự an sinh và hạnh phúc của người dân. Tôi nghĩ việc nêu ra các ý kiến khác nhau để sinh viên tranh luận, tìm ra cách nghĩ, cách làm phù hợp là điều bình thường trong dạy học. Đã qua rồi cái thời dạy học kiểu nhồi sọ, thầy đọc trò chép, và sau khi ra trường chỉ như những con vẹt, giật mình sợ sệt ngay cả khi nghe một tiếng lá rơi.

S.H.

Nguồn: FB Sen Hoa

QUYẾT ĐỊNH ĐUỔI VIỆC CÔ GIÁO CỦA ĐH DUY TÂN 

KHÔNG THUYẾT PHỤC

PHẠM VĂN HỘI/ TD 11-8-2021

Việc cô giáo dạy tiếng Anh tranh luận với sinh viên có nội dung liên quan đến cứu trợ Covid của chính phủ và việc có một số người dân phải tự di chuyển hàng ngàn cây số về nhà, kết cục là quyết định đuổi việc của ĐH Duy Tân áp dụng với cô giáo ngay sau đó.

Nghe nội dung tranh luận trên youtube, cũng là một giáo viên, tôi mong muốn được đưa ra một số giả định và chia sẻ quan điểm như sau:

Đối với cô giáo

– Giả định 1 (khả năng cao): Đang trong tiết học tiếng Anh (vì có giọng của cô giáo và 2 sinh viên nam). Việc đưa các nội dung bên ngoài vào bài giảng (liên hệ thực tế) là cần thiết và rất đáng khuyến khích trong giảng dạy đại học. Tuy nhiên, lỗi của cô giáo dường như là đưa bức xúc cá nhân vào bài giảng thay vì chia sẻ/ liên hệ thực tế và kích thích tư duy/ sáng tạo của sinh viên.

Như vậy, vấn đề ở đây không phải là nội dung cô giáo chia sẻ mà là cách tiếp cận trong giảng dạy của cô giáo. Ví dụ: Các nội dung cô giáo nên trao đổi/ đặt câu hỏi (tiếp theo) với sinh viên trong trường hợp này là:

1- Người dân tự đi xe máy từ Sài Gòn về Thanh Hóa là đúng hay sai? Nếu em là một trong số người dân đó, em sẽ quyết định thế nào? Tại sao?

2- Nếu người dân là em, quyết định ở lại Sài Gòn, thì em sẽ chuẩn bị gì? Sẽ làm gì để tìm kiếm sự giúp đỡ (lương thực, thực phẩm, y tế…) khi cần thiết, trong thời gian giãn cách?

3- Nếu ở vị trí người dân đó, theo em chính quyền cần làm gì để giúp đỡ những người như em có hiệu quả hơn trong thực hiện giãn cách v.v…

Nếu như cô giáo tiếp cận theo cách này, tôi nghĩ sẽ hấp dẫn và hữu ích hơn cho cả cô và sinh viên, và sẽ càng tốt nếu các trao đổi trực tiếp giữa cô-trò bằng tiếng Anh, và có lẽ đã tránh được các kết cục lùm xùm như vừa qua.

– Giả định 2 (khả năng thấp): Đang trong thời gian giải lao giữa giờ. Trong trường hợp này, trao đổi của cô giáo với sinh viên là có thể chấp nhận được (chia sẻ quan điểm sống, ngoài giờ dạy chính thống). Hơi tiếc là, có lẽ cô giáo còn trẻ, nên sa đà vào việc tranh cãi thiếu mục tiêu giáo dục/ thay đổi đối với sinh viên (như trình bày ở phần trên).

Đối với sinh viên

Theo nội dung trao đổi thì cậu sinh viên này có tư duy/ quan điểm đơn điệu/ phiến diện – thường là kết quả của nhiều năm học PTTH theo kiểu thuộc lòng ở Việt Nam nói chung (VD: Nếu vàng đắt hơn gạo thì chọn vàng; hoặc nếu cây trồng A thu nhiều hơn B thì lựa chọn trồng cây A), mà thiếu cân nhắc đến hoàn cảnh lựa chọn cụ thể, hoặc các giả định cần có cho tương lai. Kiểu tư duy này có lẽ sẽ cần rất nhiều thời gian để thay đổi nhằm tiếp thu các quan điểm/ kiến thức mới.

Đối với ĐH Duy Tân

Việc quyết định đuổi việc cô giáo (một cách nhanh chóng) là thiếu cả lý (không nêu rõ lý do/ căn cứ về việc đuổi việc cô giáo). Nếu chỉ căn cứ vào nội dung trao đổi giữa cô giáo với sinh viên như đề cập ở trên, thì quyết định đuổi việc là hơi quá mức và thật sự thiếu vắng tư tưởng khai phóng cần có ở các trường Đại học.

Quyết định đuổi việc của ĐH Duy Tân còn thiếu cả tình, thể hiện qua một quyết định chóng vánh, và thiếu cơ sở thuyết phục. Bởi vậy, tôi đánh giá thấp ĐH Duy Tân về quyết định này.

Đôi lời với cô giáo: Có lẽ cũng nhiều người thấy rằng, quyết định của ĐH Duy Tân đuổi việc cô là quá nặng đối với cô. Hy vọng đây cũng là bài học giúp cô trưởng thành hơn/ bản lĩnh hơn. Mong cô sớm tìm được cơ hội việc làm phù hợp ở một môi trường khác.

DUY TÂN BẢO THỦ

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 11-8-2021

Mình đã nghe đi nghe lại đoạn video tranh luận giữa cô giáo và sinh viên thì thấy cậu sinh viên có ý cài bẫy cô giáo, có thể do nó thù từ trước nên rắp tâm lấy điện thoại để quay và dùng ngôn từ kích động cô giáo để cô nói ra những điều bất lợi trong khi nó cố giữ giọng ôn tồn (vì nó chủ động quay trộm).

Mình đoán là cô giáo này đã bộc lộ quan điểm tự do kiểu này nhiều lần và bị ai đó muốn bắt quả tang để làm hại. Cũng có thể cậu sinh viên chỉ là tay sai, cũng có thể nó là bò đỏ nên thấy bức xúc.

Học sinh, sinh viên là bò đỏ cũng không phải ít, mình quan sát bọn bò nick thật vào húc mình là thấy. Chúng nó là nạn nhân của giáo dục nhồi sọ thôi, cũng khó trách. Vì nhồi hơn 12 năm đâu dễ tẩy não. Nhưng sinh viên mà cài bẫy giáo viên rồi nộp bằng chứng lên Ban giám hiệu là trò rất mất dạy, chứng tỏ nó phải thù cô giáo này hoặc được người khác xúi/thuê làm.

Nghe kỹ đoạn clip thì thấy cô giáo cũng có cái sai là hơi áp đặt, thiếu ôn hoà để thuyết phục sinh viên, cãi nhau tay đôi với sinh viên, chẳng ai nghe ai. Cũng có thể vì thế mà sinh viên bức xúc muốn chơi lại cô. Với bọn sinh viên dạng này mình điều trị được hết mà không cần to tiếng.

ĐH Duy Tân là ĐH tư thục, lẽ ra không bị sức ép chính trị nặng nề như các trường công, nhưng cách hành xử của họ khi sa thải giáo viên tiếng Anh có quan điểm bất đồng với chính sách chống dịch của Việt Nam là rất cứng nhắc, thể hiện não trạng nô lệ, rất không phù hợp với chính cái tên trường (có nghĩa là tư tưởng mới).

Cô giáo chỉ nói lên quan điểm của cô, cơ bản là không sai khi chỉ trích chính quyền thiếu sự hỗ trợ người dân trong chống dịch. Đây là quan điểm cá nhân, lẽ ra không đáng để phải sa thải cô giáo. Nên mình dự đây là cái bẫy của ai đó, muốn có cớ để đuổi giáo viên này mà thôi.

Mình dự đoán là với cách dạy như vậy thì chính phòng an ninh chính trị nội bộ cũng chẳng bắt lỗi được cô giáo kia. Nhưng trường Duy Tân lại hăng hái truy cùng diệt tận cô giáo bằng cách báo công an như vậy là rất có vấn đề. Có thể có một âm mưu ở phía sau.

Rất mong cô giáo lên tiếng trên mạng xã hội. Tầm này còn ngại gì nữa mà không tự bảo vệ thanh danh cho mình. Nếu dạy giỏi thì dạy tiếng Anh chẳng lo thất nghiệp đâu.

Dương Quốc Chính

ĐỀ NGHỊ BÁO VIETNAMNET TRẢ LỜI

THÁI HẠO/ BVN 11-8-2021

Tờ Vietnamnet trong bài viết về nữ giảng viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã ghi lại bằng chữ mấy đoạn hội thoại là lời của cô giáo. Tuy nhiên, khi tôi trực tiếp được nghe video thì thật ngạc nhiên với cách làm việc của tờ báo này. Dưới đây, tôi ghi lại CHO ĐẦY ĐỦ một đoạn mà Vietnamnet cũng ghi nhưng ghi “thiếu”:

"[CÔ CẢM THẤY NHỤC NHÃ KHI ĐỒNG BÀO CỦA CÔ CHẠY XE MÁY MỘT NGÀN RƯỠI CÂY SỐ VỀ] Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. [TẠI SAO CŨNG LÀ NGƯỜI MÀ] Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? [ĐỒNG BÀO CỦA CHÚNG TA] Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”.

Đối với việc trích lời thì có thể bỏ qua những đoạn không cần thiết, tuy nhiên, trong một câu nói hay một đoạn lời nói liền mạch, để đảm bảo tính chỉnh thể thì không thể cắt bỏ một cách tùy tiện được, nhất là ở đây, những chỗ bị cắt bỏ lại là chỗ “có lợi” cho cô giáo.

Cụ thể, có 3 “chỗ” đã bị cắt ra một cách vô lý (tôi viết hoa trong ngoặc vuông). Đáng chú ý, trong ba chỗ này thì có đến 2 lần cô giáo dùng từ ĐỒNG BÀO (“đồng bào của cô” và “đồng bào của chúng ta”); chỗ còn lại là có chữ NGƯỜI (“là người”).

Vietnamnet có thể cắt nhưng khi cắt lấy thì phải đảm bảo sự liền mạch và đầy đủ trong 1 câu văn/đoạn văn, chứ không thể đục bỏ nham nhở những từ, những chữ những đoạn trong một chỉnh thể của câu văn, đoạn văn như thế này được! Theo nguyên tắc, nếu anh không đưa vào đầy đủ, thì những chỗ bị cắt đi phải được thay bằng một sự đánh dấu (thường là ngoặc vuông có dấu ba chấm ở trong – […]), nhưng ở đây tờ báo này đã ghi như thể những câu này là đầy đủ và không hề có chỗ nào đã bị cắt đi. Đây như là một sự đánh lừa.

Cách đục bỏ, cắt cúp này đã làm méo mó một phát ngôn (của cô giáo), và như thế nó thể hiện sự thiếu trung thực nếu không phải là một việc làm có ý đồ. “Cái tâm” của nhà báo, tòa báo thì có lẽ không cần phải bàn thảo chi nữa, hãy bỏ nó sang một bên; nhưng Vietnamnet có đang vi phạm pháp luật không khi đã phản ánh không trung thực sự việc?

Kêu gọi sự trung thực và lòng tự trọng của nhà báo, tòa báo có phải là một điều xa xỉ? Nhưng trước khi đó, Vietnamnet phải chịu trách nhiệm về việc “làm sai lệch hồ sơ” này trong khi thực hiện chức năng báo chí của mình.

Và ngay lúc này, tôi đề nghị tờ báo cần có lời giải thích về sự cắt cúp này.

* Link video: https://www.youtube.com/watch?v=Oy7OUwZ2YXI

Nguồn: FB Thái Hạo

NHỤC NHÃ

Đại học Duy Tân đã sa thải cô giảng viên dám nói "Có dân nước nào chạy 1.500 km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?" và "Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”.

Tội của cô là được trường Duy Tân kết luận là "có những phát ngôn phiến diện về công tác phòng chống dịch Covid-19". Trong khi đó, Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Đà Nẵng vẫn còn đang điều tra, chưa có kết luận.

Tôi thì tôi thấy nhục nhã cho trường Đại học Duy Tân.

PGS Hoàng Dũng


 GỬI CÔ GIÁO TRẦN THỊ THƠ

MẠC VĂN TRANG/ TD 12-8-2021



Cô Thơ thân mến,

Là nhà giáo, đồng nghiệp với Cô, thấy Cô bị sa thải chỉ vì một sự cố nghề nghiệp nhỏ nhoi, tôi rất buồn và xin được chia sẻ nỗi bức xúc với Cô.

Tuy nhiên đọc lời chia tay của Cô với các sinh viên, các giảng viên của trường, tôi thấy yên tâm, vì Cô có một tâm thế bình tĩnh, hiểu nhân tình thế thái và giữ vững bản chất nhân cách của mình. Với trình độ và bản tính ngay thẳng của Cô, tôi tin Cô sẽ tìm được công việc và môi trường làm việc xứng đáng với mình. Trong cái rủi có khi lại có cái may đó Cô!

Bây giờ trên tình đồng nghiệp, chúng ta chia sẻ với nhau đôi điều để giải tỏa những bức xúc cho nhẹ lòng.

1. “Tội” của Cô là nói đúng SỰ THẬT và KHÔNG VÔ CẢM!

Xem đoạn video cô tranh luận với một sinh viên, thấy điều Cô nói là đúng SỰ THẬT. Tôi ở TP HCM, chứng kiến những dòng người lao động nghèo khó hoảng sợ dịch covid-19 chạy tán loạn khỏi thành phố, mà thấy bàng hoàng. Vợ tôi nhìn cảnh sản phụ ôm con chín ngày tuổi, ngồi trên xe máy cùng toàn bộ đồ đạc, trốn chạy; nhìn cảnh cả gia đình 5 người trên chiếc xe máy cùng đồ đạc lỉnh kỉnh rời thành phố; cảnh từng đoàn người nằm vật vã ngủ trên đường… cũng đã rơi nước mắt. Những người Việt Nam ở trong hay ngoài nước và cả người nước khác, có tình thương đồng loại đều cảm thấy đau đớn, xót xa.

Cô cũng nói đúng sự thật, là nhiều nước châu Âu, Mỹ bị dịch covid chết rất nhiều người, nhưng chính phủ của họ lo an sinh xã hội rất tốt, không có cảnh mạnh ai nấy chạy đi tìm sự sống, như cảnh diễn ra trên đèo Hải Vân mà Cô thấy… Nhìn cảnh đồng bào cơ cực mà mình bất lực, không làm gì cứu giúp được, cảm thấy nỗi nhục nhã. Đó là tình cảm tự nhiên của một người có lương tri.

Nhưng trong xã hội Việt Nam hiện thời, Cô đã mắc hai “sai lầm” là NÓI THẬT và bức xúc, hổ thẹn, NHỤC NHÃ khi bất lực trước nỗi đau của đồng bào mình. Hai thứ đó ở thể chế này từ lâu đã là thứ xa xỉ! Phải như cậu sinh viên đối thoại với Cô, mới là “hạt giống đỏ” của chế độ!

2. Cô là một giáo viên chân thành, nhiệt huyết

Cô dạy tiếng Anh và giảng về Văn hoá phương Tây cho sinh viên. Những điều Cô so sánh hai nền văn hoá và chỉ ra những khiếm khuyết của văn hoá châu Á nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng là rất cần thiết để khai trí cho học trò. Những điều này Cụ Nguyễn Trường Tộ, Phạn Chu Trinh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đã nói hàng trăm năm trước rồi; nhiều người sau này vẫn nói, Cô cũng nói… Nhưng não trạng của nhiều người Việt đã bị lập trình, chỉ biết phản ứng trước những kích thích quen thuộc, không có khả năng tiếp nhận cái mới, nhất là những giá trị tinh thần cao đẹp.

Cô là một giảng viên muốn thực thi đúng sứ mệnh của một nhà giáo là cố gắng khai mở, truyền đạt những điều mới mẻ cho sinh viên; muốn sinh viên biết độc lập tư duy bằng những sự kiện thực tế do mình tự tìm kiếm và biết so sánh quốc tế; biết tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự trải nghiệm để rút ra kết luận cho mình… Sứ mệnh của người giáo viên nói chung, nhất là giảng viên Đại học phải như vậy.

Nhưng nền giáo dục XHCN từ lâu đã giết chết những điều đó. Giáo viên phải trở thành “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, giáo dục”, là người của Tuyên – Giáo! Giáo viên phải tuyên truyền như đài, báo nhà nước; giáo viên không cần độc lập, sáng tạo, cứ nói đúng giáo trình, học sinh, sinh viên đọc, chép đúng giáo trình. Vậy là Tiên tiến, xuất sắc. Nhiều lớp 100% tiên tiến cơ mà! Nhờ đó nền Giáo dục XHCN mới đào tạo ra những lớp người ngu trung, chỉ biết tư duy rập khuôn, phục tùng máy móc; chỉ biết căm ghét những gì khác với họ và tự hào về những gì Đảng CS đã làm, dù đó là tội ác…

Cô hãy xem vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải… bất chấp sự thật và công lý mà chính quyền vẫn làm nhiều người dân “tin tưởng tuyệt đối” kia mà! Nếu giáo viên nêu vấn đề sinh viên hãy thu thập tư liệu, phân tích trên cơ sở cơ sở pháp lý, đạo lý của vụ án, để tìm sự thật, công lý, thì lập tức giảng viên bị quy kết là “kích động học sinh chống phá nhà nước”… Thân phận người giáo viên khốn nạn thế đó!

3. Nỗi nhục nhã ê chề không thuộc về Cô

Cô đã cố thuyết phục một sinh viên hãy nhìn thẳng vào sự thật, biết tư duy độc lập trên những sự kiện thật… Nhưng đã thất bại. Chuyện này cũng bình thường trong nghề dạy học. Tôi nhớ một lần nghe một vị lão thành kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời là sinh viên trường Đại học Đông Dương, đã tranh luận với giáo sư người Pháp rằng: Những giá trị Tự do, Bình đẳng, Bác ái ông truyền giảng chỉ là lý thuyết suông; người Pháp ở Đông Dương đang chà đạp lên những giá trị đó…

Sinh viên Giáp chứng minh hùng hồn bằng những sự kiện thực tế… Thầy người Pháp gật gù, bảo, anh khá lắm. Nhưng ở đây thì anh có quyền tự do biểu đạt, còn ra ngoài kia, anh nói vậy, cảnh sát họ làm phiền đấy… Nhờ trường Đại học của thực dân Pháp có TỰ DO học thuật, tự do tư tưởng, nên mới có được lớp người gây dựng nên nền văn minh hiện đại của châu Âu cho Việt Nam đầu thế kỷ XX, nhất là văn minh tinh thần.

Nay mà sinh viên Võ Nguyên Giáp sống lại, nói, hãy nhìn người dân khổ cực trên đèo Hải Vân kia, khẩu hiệu “không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để người dân nào tụt lại phía sau” chỉ là loè bip, chắc hẳn bị Ban giám hiệu trường Đại học Duy Tân giao nộp ngay cho công an!

Cô chỉ có “Phát ngôn phiến diện về công cuộc phòng chống dịch covid-19” như báo chí đưa tin, vậy mà nhà trường sa thải Cô ngay và làm việc với công an để xử lý! Cái Hội đồng của Đại học Duy Tân không hiểu nó là cái gì? Nó không biết bảo vệ giảng viên của mình; nó sợ hãi trước dư luận vớ vẩn; nó như cái tay nối dài của công an; nó không coi người giáo viên ra gì cả! Rồi cái Công đoàn và các tổ chức mà Cô tham gia của nhà trường này đâu, các đồng nghiệp đâu, sao không lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp của mình? Tất cả thật nhục nhã ê chề! Cái trường như vậy mà mang tên “Duy Tân”?

Việc Đại học Duy Tân sa thải Cô, cho thấy thêm một tín hiệu về nền giáo dục ngày càng tha hoá, không hy vọng gì vào công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện”…

Cô Thơ thân mến,

Nỗi đau buồn của Cô cũng là nỗi đau buồn của tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, đến tương lai của đất nước.

Chúc Cô bình tĩnh vượt qua nghịch cảnh này trong sự đồng cảm của rất nhiều người.

Thân mến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét