Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

20210817. TALIBAN KIỂM SOÁT AFGHANISTAN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỔNG THỐNG AFGHANISTAN BỎ TRỐN RA NƯỚC NGOÀI, TALIBAN TUYÊN 

BỐ CHIẾN THẮNG

TUẤN ANH/ VNN 16-8-2021

Taliban tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ chống ngoại binh và chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Afghanistan, sau khi các thành viên của nhóm chiếm được dinh tổng thống ở Kabul.

Phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera Mubasher từ bên trong dinh tổng thống đêm 15/8 (theo giờ địa phương), Mohammed Naeem, phát ngôn viên của lực lượng Taliban khẳng định, cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc. Phong trào Hồi giáo cực đoan tự nhận đã hoàn thành mục tiêu "bảo đảm tự do cho đất nước và độc lập cho người dân".

Phát ngôn viên Taliban nói, nhóm không muốn chứng kiến các cường quốc bên ngoài "lặp lại sai lầm khi xâm lược Afghanistan" cũng như lún sâu vào "trải nghiệm thất bại" của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Taliban cũng cam kết "giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại".

Theo báo RT, mặc dù Taliban dường như giành được quyền kiểm soát Kabul mà không cần đổ máu sau sự ra đi đột ngột của Tổng thống Ashraf Ghani, nhưng có nhiều thông tin về các vụ hành quyết và trả thù bạo lực nhằm vào những người trung thành với chính phủ Ghani. Các nhân chứng cũng kể đã nghe thấy nhiều tiếng nổ ở các địa điểm then chốt ở Kabul, kể cả dinh tổng thống và đại sứ quán Mỹ.

Tổng thống Afghanistan 'bỏ trốn' ra nước ngoài, Taliban tuyên bố chiến thắng

Tổng thống Afghanistan 'bỏ trốn' ra nước ngoài, Taliban tuyên bố chiến thắng
Các thành viên Taliban bên trong dinh tổng thống Afghanistan đêm 15/8. Ảnh: Reuters

Nhằm trấn an dư luận, người phát ngôn của Taliban cho biết, nhóm sẽ ân xá cho những người trung thành với chính phủ cũ, đồng thời sẽ bảo vệ các đại sứ quán và cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Afghanistan.

Bất chấp những lời kêu gọi từ Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị với chính phủ Ghani, Taliban đã cho lực lượng tràn vào Kabul trong ngày 15/8 để đòi chuyển giao quyền lực hoàn toàn. Phát ngôn viên Taliban chia sẻ với kênh Al-Jazeera rằng, việc ông Ghani ngấm ngầm bỏ trốn ra nước ngoài trước đó trong ngày khiến nhóm cũng bất ngờ. Sau sự ra đi của tổng thống, các trợ lý của ông tỏ ra sẵn sàng hơn trong việc thiết lập quá trình chuyển giao sang chế độ Taliban.

Trong khi đó, Tổng thống Ghani đã phá vỡ sự im lặng, đăng đàn Facebook để giải thích lí do ông rời khỏi đất nước. Ông khẳng định, bản thân đã chọn từ chức để ngăn chặn Taliban thảm sát dân thường ở Kabul. Ông cáo buộc lực lượng Hồi giáo cực đoan đã âm mưu một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào thủ đô và giành quyền kiểm soát bằng "gươm và súng".

“Họ (Taliban) đã không giành được tính hợp pháp và các trái tim. Họ đang phải đối mặt với một cuộc sát hạch lịch sử mới. Hoặc họ sẽ bảo vệ tên tuổi và danh sự của Afghanistan hoặc họ sẽ ưu tiên những địa điểm và mạng lưới khác. Để giành được sự chính danh và trái tim của người dân, Taliban cần phải đảm bảo cho tất cả người dân, các bộ tộc, sắc tộc khác nhau cũng như phụ nữ Afghanistan và lên kế hoạch rõ ràng, chia sẻ chúng với công chúng”, ông Ghani viết.

Các nguồn thạo tin trước đó tiết lộ với CNN rằng, ông Ghani cùng các quan chức cấp cao khác của Afghanistan đã bỏ trốn ra nước ngoài. Hai nguồn tin nói, ông Ghani đã đến Tajikistan. Một nguồn tin tiết lộ thêm, đây có thể không phải là điểm dừng chân cuối cùng của ông. Hiện chưa rõ ông Ghani đăng thông điệp trên Facebook từ đâu.

Tổng thống Afghanistan 'bỏ trốn' ra nước ngoài, Taliban tuyên bố chiến thắng
Trực thăng quân sự tham gia di tản các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Mỹ ở Kabul. Ảnh: AP

Cùng ngày, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, Washington đã sơ tán được gần 500 nhân viên từ sứ quán ở Kabul. Ước tính vẫn còn gần 4.000 nhân viên sứ quán, bao gồm cả các công dân Afghanistan làm việc cho Mỹ, cần được di tản khỏi quốc gia Nam Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã phê chuẩn việc triển khai thêm 1.000 quân tới Afghanistan, nâng tổng số binh sĩ sẽ hiện diện tại đây lên 6.000 người, nhằm hỗ trợ quá trình sơ tán cũng như bảo vệ an ninh cho sân bay quốc tế Kabul, nơi nhập cảnh và xuất cảnh trọng yếu của thành phố.

>>> Chiến sự ở Afghansitan

Tuấn Anh

ÔNG TRUMP KÊU GỌI TỔNG THỐNG BIDEN TỪ CHỨC VÌ  AFGHANISTAN

TRẦN TUẤN/ VNN 16-8-2021

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi người kế nhiệm từ chức trong bối cảnh Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul, Afghanistan.

“Những gì ông Biden đã làm với Afghanistan là một ‘huyền thoại’. Điều này sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một trong những thất bại lớn nhất. Đã đến lúc ông Joe Biden nên từ chức, vì những gì ông ấy đã để xảy ra ở Afghanistan”, hãng tin RT dẫn thông cáo hôm 15/8 của ông Trump.

Ông Trump kêu gọi Tổng thống Biden từ chức vì tình hình Afghanistan
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

“Taliban không còn sợ hãi hoặc tôn trọng nước Mỹ. Thật xấu hổ khi để Taliban giương lá cờ của chúng ở phía trên tòa Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Đây là một sự thất bại hoàn toàn do yếu kém và hoàn toàn không thống nhất về mặt chiến lược”, thông cáo cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ trích người kế nhiệm về sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ, những chính sách về người nhập cư, năng lượng và kinh tế.

Taliban hôm 15/8 đã tiến quân vào Kabul sớm hơn hai tuần trước thời hạn ông Biden vạch ra để rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan. Một số thành viên của đảng Cộng hòa cùng ngày cũng lên tiếng chỉ trích ông Biden về tình hình hiện nay ở Afghanistan. 

“Việc binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan là một thảm họa không thể khắc phục”, tờ Bưu điện New York dẫn lời nghị sĩ bang Texas, Michael McCaul nói.

>>> Chiến sự ở Afghansitan

Tuấn Trần

ĐIỀU GÌ XẢY RA TIẾP THEO Ở AFGHANISTAN ?

THANH HẢO/ VNN 17-8-2021

Afghanistan đang đối mặt với một tương lai bất ổn, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước trong tình cảnh chỉ còn rất ít sức mạnh để đàm phán với Taliban.

Ngày 15/8, Taliban đã kéo đến Kabul mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào từ lực lượng chính phủ. Trước đó, đội quân này đã giành quyền kiểm soát hầu hết đất nước Afghanistan chỉ trong vài tuần.

Điều gì xảy ra tiếp theo ở Afghanistan?
Các chiến binh Taliban chiếm Dinh Tổng thống Afghanistan sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đi. Ảnh: AP

Từ trước khi có tin ông Ghani ra đi, các thành viên Taliban đã dẫn dắt đàm phán sang yêu cầu chính quyền Kabul phải chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Sau khi các tay súng tiến vào Dinh Tổng thống Afghanistan, Taliban tuyên bố cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc và lực lượng này sẽ sớm thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan".

Theo tiết lộ của hai quan chức Taliban ngay trong ngày 15/8, sẽ không có chính phủ chuyển tiếp ở Afghanistan và lực lượng này hy vọng vào một cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn, với ông Ghani và giới chức chính phủ Afghanistan hợp tác trong quá trình đó.

Thông tin này trái ngược với tuyên bố của quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakawal rằng quyền lực tại Afghanistan sẽ được chuyển giao cho một chính phủ chuyển tiếp.

Thế thượng phong của Taliban

Chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn giờ đã tê liệt một phần, do Tổng thống Ghani đã rời khỏi đất nước và Taliban đang nắm giữ mọi quân bài đàm phán trong tay. Không có gì để đảm bảo đàm phán chuyển giao quyền lực hòa bình sẽ thành công.

"Viễn cảnh tốt nhất là Taliban và chính phủ đạt được thỏa thuận và Kabul vẫn yên bình. Điều đó sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn và các bước đi trong tương lai để giải quyết xung đột", tờ báo Đức DW dẫn lời ông Nasrullah Stanakzai, một giảng viên tại Đại học Kabul.

Raihana Azad – một thành viên Quốc hội Afghanistan – tin rằng kể cả đàm phán thành công thì không có gì đảm bảo Taliban sẽ "giữ lời". "Điều quan trọng là phải đảm bảo Taliban bị buộc chịu trách nhiệm", bà nói với DW.

Điều gì xảy ra tiếp theo ở Afghanistan?
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi nước này chiều ngày 15/8. Ảnh: Reuters 

Khả năng đàm phán thất bại

Trao đổi với Inews, Weeda Mehran – một chuyên gia về chính trị tại Đại học Exeter (Anh) từng sống hồi nhỏ ở Afghanistan – bình luận: "Nếu không có thỏa thuận chính trị nào, thì có thể máu sẽ đổ trên đường phố Kabul, và tất cả mọi người đang cố tránh rơi vào cảnh đó".

Ahamdi Saidi, từng là một nhà ngoại giao của Afghanistan, trao đổi với DW rằng ông hy vọng chính quyền Kabul và Taliban sẽ nhất trí được với nhau về một sự chuyển giao quyền lực hòa bình trong những ngày sắp tới.

"Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài trao quyền lực cho Taliban", ông nhấn mạnh. Nhưng vẫn còn có một khả năng, đó là các chính trị gia ở Kabul sẽ cố gắng níu giữ quyền lực. Trong trường hợp đó, Taliban có thể sử dụng đến vũ lực, dẫn đến đổ máu và nhiều thường dân sẽ phải bỏ mạng, đẩy Afghanistan vào một tương lai bất định.

Mỹ sẽ can thiệp?

Hứng chịu chỉ trích gay gắt vì quyết định rút quân khỏi Afghanistan quá nhanh, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tự bảo vệ đất nước họ.

Nếu Taliban dùng vũ lực để giành chính quyền, Kabul – thành phố hơn 6 triệu dân – có nguy cơ cao phải chứng kiến cảnh đổ máu. Khi đó, liệu Mỹ có can thiệp để duy trì hòa bình ở thủ đô Afhghanistan? 

"Tôi nghĩ Mỹ sẽ không còn hậu thuẫn ông Ghani nữa, vì Chính phủ Afghanistan không còn ở vị trí bảo vệ Kabul", ông Saidi nhận định.

"Nhiều tháng qua, chúng tôi đã kêu gọi chính quyền Kabul và cộng đồng quốc tế bảo đảm an ninh cho thành phố chúng tôi, nhưng không ai thèm chú ý", Halima Sadaf Karimi, một nhà lập pháp thuộc tỉnh Jawzjan ở miền bắc Afghansitan, lên tiếng và cho rằng cộng đồng quốc tế "cũng phải chịu trách nhiệm" cho những gì đang xảy ra ở Afghanistan hiện nay.

>>> Chiến sự ở Afghansitan

Thanh Hảo

SỨ MỆNH AFGHANISTAN: PHƯƠNG TÂY THẤT BẠI, NHƯNG 

KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ LỖI CỦA RIÊNG HỌ

 Matthias Naß/ TD 17-8-2021

VŨ NGỌC CHI, DỊCH


Từ đồn của họ ở tỉnh Balk, các binh sĩ của quân đội Afghanistan đang quan sát Taliban. Trong vòng vài ngày, những người Hồi giáo quá khích đã chiếm hết thành phố lớn này đến thành phố lớn khác. Nguồn: Farhad Usyan/ AFP/ Getty Images

Mỹ và NATO không nên rút quân vội vàng như vậy. Nhưng người dân Afghanistan đã bị bỏ mặc bởi chính quân đội của họ và chính phủ tham nhũng.

Kabul đầu hàng. Chính phủ Afghanistan hứa hẹn một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, vị tổng thống đã rời khỏi đất nước. Taliban có thể tiến vào thủ đô mà không cần giao tranh. Nhưng ngay cả khi không chiến đấu cũng sẽ có một cuộc thanh toán đẫm máu. Một tương lai kinh hoàng đang ở phía trước Afghanistan. Nhiều người Afghanistan, đặc biệt là nhiều phụ nữ, sẽ không tìm ra lối thoát, không con đường thoát chạy.

Đó là một khoảnh khắc khủng khiếp. Thế giới đứng ngoài nhìn choáng váng, khi Afghanistan một lần nữa nằm dưới sự thống trị của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong vòng vài ngày, hết thành phố này đến thành phố khác rơi vào tay các chiến binh tôn giáo. Không ai, thật sự là không ai nghĩ rằng Taliban có thể tiến nhanh đến vậy. Lính chính phủ không chống lại họ mà hoảng sợ bỏ chạy. Và bỏ lại phía sau dân chúng lo sợ kinh hoàng.

Joe Biden có phải chịu trách nhiệm về thảm họa này không? Tổng thống Mỹ có gây ra sự sụp đổ với quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2021? Liệu sự hiện diện liên tục của các đơn vị tinh nhuệ của Hoa Kỳ, kết hợp với các cuộc không kích vào lực lượng Taliban đang tiến công, có ngăn cản được chiến thắng của họ? Không, sự kháng cự của quân đội từ bên ngoài có thể làm trì hoãn cuộc tiến quân, nhưng nó không ngăn cản được.

“Tôi sẽ không giao cuộc chiến này cho tổng thống thứ năm”

Đã từ lâu, Biden không còn tin rằng phương Tây có thể ổn định lâu dài Afghanistan. Ngay từ năm 2009, khi vẫn còn là Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama, ông đã phản đối việc gia tăng mới lực lượng quân đội Hoa Kỳ. Ông không thấy một đối tác đáng tin cậy trong giới lãnh đạo chính trị ở Kabul. Tổng thống Mỹ đắc cử, Biden nói rõ rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Hiện ông đã khẳng định lại quyết tâm rút lui này, trong đó lưu ý đến trường hợp Kabul. “Tôi là tổng thống thứ tư có quân đội Mỹ ở Afghanistan – hai đảng viên Cộng hòa, hai đảng viên Dân chủ. Tôi sẽ không giao cuộc chiến này cho tổng thống thứ năm”.

Mỹ, được NATO hỗ trợ, đã can thiệp vào Afghanistan 20 năm trước vì một lý do cụ thể: Họ muốn lấy khu vực do Taliban bảo vệ được làm nơi ẩn náu cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nhóm đã tấn công New York và Washington, DC vào ngày 11/9/2001. Mục tiêu này đã đạt được với cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden trễ lắm là vào năm 2011. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng đất nước đã thất bại hoàn toàn – việc thiết lập các cơ cấu dân chủ, xã hội dân sự giúp phụ nữ ở Afghanistan trên hết được sống trong nhân phẩm và quyền tự quyết.

Không ai được quyền hạ thấp thiện chí và sứ mệnh đầy ấn tượng của tất cả những người đã cố gắng giúp Afghanistan trên con đường tiến vào thời đại hiện đại: Binh lính, những người giúp đỡ nhân đạo, bác sĩ và y tá, doanh nhân và nhà ngoại giao. Họ đã hy sinh bản thân rất nhiều, nhiều người đã trả giá cho nỗ lực của họ bằng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nước này hiện đang rơi trở lại chế độ chuyên chế Hồi giáo.

Đó chủ yếu hay chỉ là lỗi của phương Tây, nơi lẽ ra không bao giờ được phép can thiệp vào Afghanistan, vốn đơn giản là không có chỗ ở HinduKush (ND: khu vực dãy núi HinduKush bao gồm Pakistan và Afghanistan)? Người ta có thể tranh cãi như vậy. Nhưng cũng có nhiều ví dụ về nơi nhận được sự giúp đỡ, nơi mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Nhưng những tiến bộ này trong trường học, bệnh viện, trường đại học và các phương tiện truyền thông dường như chỉ có thể thực hiện được với sự bảo vệ liên tục của quân đội. Người Mỹ – và cả người châu Âu – vẫn chưa sẵn sàng cho một sứ mệnh bất tận. Thật là lố bịch khi một vài chính trị gia lại yêu cầu can thiệp quân sự để đẩy lùi Taliban. Sẽ không có ủy quyền nào cho việc này, bất kể ở Washington, D.C., hay Berlin.

Quân đội đầu hàng Taliban mà không kháng cự

Tất nhiên, các hoạt động của Mỹ và NATO không nên kết thúc một cách vội vàng như vậy. Nhưng điều đó không thay đổi một vài sự thật cơ bản. Quân đội Afghanistan bao gồm 300.000 binh sĩ, ít nhất là trên giấy tờ. Ước tính chỉ có khoảng 75.000 chiến binh Taliban. Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 83 tỷ đô la vào trang bị thiết bị và đào tạo quân đội Afghanistan – nhưng cuối cùng quân đội này đã đầu hàng Taliban mà không kháng cự lại. Những người lính không muốn chiến đấu cho một chính phủ hoàn toàn tham nhũng, đôi khi thậm chí không cung cấp thức ăn cho họ tại địa điểm hoạt động của họ.

Việc kéo dài sự hiện diện của quân đội phương Tây thêm một, hai hoặc năm năm nữa sẽ không làm thay đổi sự phá sản của giới lãnh đạo chính trị ở Kabul. Không phải phương Tây đã bỏ rơi người dân Afghanistan, mà là chính phủ của chính họ không có khả năng để lãnh đạo quân đội.

Tuy nhiên, các nỗ lực phải luôn được thực hiện để cung cấp viện trợ nhân đạo. Ngay cả tại Afghanistan, nơi Taliban hiện đang thiết lập lại chế độ chuyên chế của họ. Quyền con người được áp dụng phổ quát, không ai được phép đứng yên khi một dân tộc bị khuất phục và tước quyền. Nhưng sự trợ giúp từ bên ngoài chỉ có thể đến bằng vũ lực trong một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ. Và nó cần những đối tác có năng lực, đáng tin cậy trong nước.

Đã đến lúc phải rút kinh nghiệm cho những sai lầm mắc phải ở Afghanistan. Hiện tại chủ yếu là nỗi đau buồn khi đối mặt với thảm kịch của sự thất bại.

KABUL NĂM 2021 CÓ PHẢI LÀ SÀI GÒN NĂM 1975 ?

JACKAMMER NGUYỄN/ TD 16-8-2021

Người dân Afghanistan xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ để rút tiền trước một ngân hàng ở Kabul. Ảnh: Rahmat Gul / AP

Các lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy ra nước ngoài. Cuộc chiến Afghanistan kéo dài 20 năm của người Mỹ xem như chấm dứt.

5000 quân Mỹ được triển khai tới Afghanistan không phải để đánh nhau mà là để di tản những công dân Mỹ tại đây.

Hơn 46 năm trước, ngày 30/4/1975 là ngày chấm dứt cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam, kết thúc 10 năm tính từ cuộc đổ bộ Đà Nẵng của thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1965, Nhưng nếu lấy mốc cuộc truất phế Bảo Đại của ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ của người Mỹ thì cũng tròn 20 năm.

Vào ngày 30/4/1975 cũng có những đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ được không vận tới Sài Gòn, không phải để đánh nhau mà là để rút đi.

Những con số tròn, cân đối và lạnh lùng, nhưng lại đưa đến cảm giác thú vị về sự đối xứng như Jon Sopel, biên tập viên BBC ở Bắc Mỹ, đề cập.

Nhưng đó cũng là những con số nhân tạo, như ông Biden quyết định lấy ngày 11/9 là hạn chót cho những đơn vị quân đội Mỹ rút ra khỏi Afghanistan. Không rõ có phải ông muốn lấy ngày đó để gợi lại cho người Mỹ hiểu cái nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến là cái ngày thảm khốc 9/11/2001 hay không. Cái ngày định mệnh của cuộc chiến, ngày mà lần đầu tiên lãnh thổ chính thức của Mỹ bị tấn công bởi người ngoại quốc (Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công vào năm 1941, lúc Hawaii chưa phải là một tiểu bang mà là lãnh thổ hải ngoại, cho đến năm 1959).

Cả hai cuộc chiến, Việt Nam và Afghanistan đều do người Mỹ chủ động, người Mỹ đến rồi rút đi.

Cho nên không ngạc nhiên khi các xe bán tải chở các chiến binh Taliban áp sát các thành phố Afghanistan, báo chí phương Tây lại rộ lên sự liên tưởng, và trong chừng mực nào đó, bóng ma Việt Nam lại ám ảnh một số người Mỹ, trong đó có không ít người Mỹ gốc Việt.

Quả thật có rất nhiều điểm tương đồng.

Thứ nhất đó là sự chủ động đến rồi đi của người Mỹ như vừa đề cập. Mục đích của người Mỹ ở Afghanistan là tiêu diệt Al-Qaeda và họ đã làm được (hạ thủ Bin Laden), họ thấy rằng họ không còn trách nhiệm ở lại. Mục đích của người Mỹ ở Nam Việt Nam là chống cộng sản, thì họ đã tìm ra con bài Trung Quốc vào năm 1972, cho nên cũng không có lý do để ở lại.

Nếu hiệp định Paris vào năm 1973 cho phép các lực lượng cộng sản ở lại miền Nam, một điều kiện vô cùng thuận lợi cho họ tiến hành chiếm Sài Gòn hai năm sau đó, thì thỏa ước 2020 giữa Mỹ và Taliban cũng không có gì khác hơn là một nhịp cầu để cho những chiến binh Taliban có mặt tại Kabul vài tháng sau.

Thứ hai là, cả hai cuộc chiến đều có chút ít màu sắc ý thức hệ. Cuộc chiến ở Việt Nam là để ngăn chặn làn sóng cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, còn cuộc chiến ở Afghanistan là để cổ vũ cho những giá trị dân chủ (mục đích thứ hai), chống lại sự bạo tàn, hà khắc của luật Sharia Hồi giáo.

Thứ ba là sự hiện diện của lực lượng Mỹ (và đồng minh) không giúp kiến tạo được một nhà nước dân chủ, mạnh như mong muốn. Lực lượng quân đội Afghanistan và Việt Nam Cộng hòa đều không một mình chiến đấu chống lại được đối phương, dù có trang bị hùng hậu hơn. Các viên tướng không có tài, sự nhũng lạm, làm suy yếu sức chiến đấu của các đội quân này. Nếu có những lính ma (ghost soldier) trong quân đội nhà nước Afghanistan hiện nay, thì trong quân đội Việt Nam Cộng hòa có lính kiểng.

Điểm tương đồng thứ tư, có lẽ là khá quan trọng làm cho các đồng minh Afghanistan và Nam Việt Nam của người Mỹ không chinh phục được cảm tình của đa số dân chúng, đó là chủ nghĩa dân tộc. Ở miền Nam Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc còn để lại từ phong trào Việt Minh chống Pháp, là sự đối kháng với những đội quân nước ngoài qua hơn 2000 năm lịch sử của người Việt Nam. Ở Afghanistan, các bộ lạc ở đây từ vài ngàn năm qua, chống trả dữ dội những đạo quân ngoại bang, từ Alexander Macedonia đến binh lính Anh, từ các sư đoàn Soviet đến liên quân do Mỹ đứng đầu.

Sự hiện diện của binh lính nước ngoài vô tình làm cho những tư tưởng cực đoan hà khắc trở thành đại diện cho chủ nghĩa dân tộc trong mắt dân chúng, tại Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản, tại Afghanistan là những tín điều tàn bạo của luật Sharia. Bên cạnh đó, sự nhũng lạm của các nhà nước được phương Tây ủng hộ, cũng làm cho nhiều người trở nên bất mãn mà ủng hộ cộng sản trong chiến tranh Việt Nam, hay ủng hộ Taliban trong chiến tranh Afghanistan.

Biên giới Afghanistan và biên giới Việt Nam đều không thể bao kín chống lại sự xâm nhập của các lực lượng vũ trang và vũ khí từ bên ngoài.

Sự tương đồng lớn nhất có lẽ là mô hình dân chủ phương Tây không được người địa phương hiểu, hoặc là chưa đủ thời gian để họ hiểu ra.

Tuy nhiên cũng có những sự khác biệt rất lớn.

Đầu tiên là nguồn cơn của cuộc chiến. Nếu ở Việt Nam là lý tưởng chống cộng sản, thì ở Afghanistan là để tự vệ sau cuộc tấn công của Al-Qaeda vào tòa tháp đôi ngày 11/9/2021, vì Al-Qaeda dùng xứ này làm căn cứ hoạt động.

Nếu các lực lượng cộng sản tại Việt Nam có một “hậu phương lớn” ý thức hệ rất rạch ròi trong chiến tranh lạnh, cung cấp cho họ những phương tiện tài chính, quân sự dồi dào, thì lực lượng Taliban lai được cung cấp những phương tiện ấy từ những đồng minh của… Mỹ, Pakistan và Arab Saudi.

Các lực lượng cộng sản Việt Nam, gồm miền Bắc cộng sản và bình phong của nó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là một lực lượng rất thống nhất. Lực lượng đó đến gần nửa thế kỷ sau vẫn còn là một khối thống nhất trên cơ sở dân tộc và kinh tế. Lực lượng này đã từng có một ý thức hệ, nhưng đã tàn phai. Trong khi các chiến binh Taliban là một liên minh khá lỏng lẻo, liên kết nhau bằng một niềm tin có lịch sử gần 2000 năm.

Khi bắt đầu nhúng tay vào Việt Nam, người Mỹ hầu như không biết gì về xứ sở này, trong khi đó Afghanistan lại khá quen thuộc với họ, vì họ ủng hộ các chiến binh Mujahedeen chống lại quân đội Soviet trước đó. Xuyên suốt cuộc chiến, người Mỹ có những chuyên gia người Afghanistan am tường xứ sở của họ.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của miền Nam Việt Nam trước đây không phải phân tán quyền lực về các thủ lĩnh địa phương, mà đôi khi khác hẳn về chủng tộc.

Cuộc chiến Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ trong lịch sử của nó, nhưng nếu so vị trí của nó trên bàn cờ chiến lược quốc tế thì nó không lớn bằng cuộc chiến Việt Nam. Lẽ ra người Mỹ có thể rút lui khi đã diệt được lực lượng Al-Qaeda sau khi hạ sát Osama Bin Laden vào năm 2011, nhưng họ ở lại để tiếp tục một lý tưởng gọi là “xây dựng quốc gia” (nation building) một lý tưởng đã thất bại cách đó mấy ngàn cây số ở miền Nam Việt Nam.

***

Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về những đoàn người Afghanistan chạy loạn, vì họ sợ cuộc tắm máu đã từng diễn ra cách đây 20 năm. Các chiến binh Taliban mà giới truyền thông Anh quốc gọi là Taliban 2.0, tuyên bố rằng, họ sẽ không trả thù, sẽ không có tắm máu.

Tương tự như vậy, đoàn người chạy loạn ở miền Nam Việt Nam trong tháng 4/1975 bị thúc đẩy bởi những cảnh giết chóc kinh hoàng của lực lượng cộng sản vào năm 1968, và xa hơn nữa là cảnh đấu tố cải cách ruộng đất 1955.

Nhưng điểm khác nhau là những người Việt chiến thắng năm 1975 đang ở đỉnh cao hưng phấn ý thức hệ của họ, một ý thức hệ, một cách sống hoàn toàn khác biệt với những người miền Nam cùng chủng tộc với họ. Các chiến binh Taliban và dân chúng Afghanistan không khác nhau nhiều đến thế.

Đã có lác đác những người Afghanistan “thuyền nhân” đến Úc, châu Âu để thoát đói nghèo và chiến tranh trong hơn 10 năm qua. Khác với cuộc chiến Việt Nam, có hàng triệu người tị nạn Afghanistan đã có mặt trong những năm qua ở các nước láng giềng Pakistan và Iran.

Sau ngày 15/8/2021, liệu sẽ có một làn sóng “thuyền nhân” Afghanistan hay không? Như hàng trăm ngàn người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975?  Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nói vào ngày 15/8/2021, rằng Kabul không phải là Sài Gòn. Ông đúng hay sai? Câu trả lời có lẽ còn nằm ở phía trước khá xa.

AFGHANISTAN: CẮT BỎ THỦ TỤC NGHỊCH LÝ

DAVID BROWN/ Asia Sentinel/ TD 11-8-2021

(Người dịch: Song Phan)


Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ lâu năm, là người đã chứng kiến ​​sự sụp đổ của Sài Gòn, nhìn về Afghanistan hiện nay.

Vào đầu tháng 4 cách đây 46 năm, các sư đoàn quân đội Bắc Việt đã tràn qua hầu hết miền Nam Việt Nam. Họ đã nhanh chóng tiến sát tới Sài Gòn. Quốc hội Hoa Kỳ không chấp nhận bỏ phiếu viện trợ thêm, thậm chí không yểm trợ không lực. Nhà tôi và tôi biết điều mà cha cô ấy không muốn tin: Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, sẽ sớm rơi vào tay Cộng sản.

Nhiều ngàn người Việt Nam đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Họ đã từng làm việc với quân đội Mỹ hoặc đã trợ giúp cho các nhân viên người Mỹ làm cứu trợ, phóng viên, giáo viên và huấn luyện viên thực hiện công việc một cách hiệu quả. Bây giờ, về mặt chiến lược và chiến thuật, chế độ Sài Gòn đang tuyệt vọng. Những người bạn Việt Nam thân thiết nhất của Hoa Kỳ, những người đã tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, họ có thể xây dựng một nước hiện đại và tự do, của Việt Nam, đã bị mắc kẹt trong mớ bòng bong các thủ tục xin thị thực nhập cư.

Lịch sử đang lặp lại ở Afghanistan. Từ Kabul, phóng viên Jane Ferguson đã cho biết ngày 30 tháng 7, rằng “Hệ thống xét đơn xin thị thực của Mỹ cho người Afghanistan vẫn còn giữ nguyên vẹn bài bản và tốn thời gian… Hơn 20.000 người nộp đơn, một nửa trong số họ chưa hoàn thành giai đoạn đầu của quy trình… Cuộc rút quân của Biden ngày càng có vẻ kém kế hoạch, vội vã và hỗn loạn“.

Vào ngày 1 tháng 8 đã xuất hiện một tia hy vọng: Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng tiêu chuẩn thị thực nhập cảnh bao gồm thêm nhiều tầng lớp người Afghanistan. Nhưng Nhà Trắng cũng sẽ cắt bỏ các thủ tục rườm rà. Họ sẽ cho phép các nhân viên toà đại sứ cấp giấy thông hành khẩn cấp. Họ có chỉ thị cho Lầu Năm Góc không vận những người tị nạn này ra khỏi tình trạng nguy hiểm không?

Mạng sống của những người bạn Afghanistan thân thiết của Mỹ có thể được cứu vớt nếu Washington hành động mạnh trong khi vẫn còn thời gian – như đã từng làm trước đây.

Tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, chắc chắn không khác ở Kabul bây giờ, các sĩ quan cao cấp của Phái bộ Hoa Kỳ vẫn công khai lạc quan. Lúc đó họ sợ, những bước đi sai lầm sẽ làm mất đi hy vọng ít ỏi còn sót lại, rằng chế độ miền Nam Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định đình chiến.

Gần như tất cả những công chức Mỹ và những người phụ thuộc của họ đã được di tản. Chỉ một số ít còn lại, tất cả đều tự nguyện. Với một cái nháy mắt và cái gật đầu từ Washington, họ đã được phép cắt bỏ nhưng thủ tục phiền toái của hệ thống nhập cư Mỹ.

Tôi không biết lệnh gì đã được gửi sau cuộc tham vấn giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng trong những tuần cuối cùng trước khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt, những ứng biến về thủ tục của các nhân viên Phái bộ Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người Việt Nam di tản; những người mà theo trách nhiệm làm việc của họ, được coi là đang gặp nguy hiểm.

Tin tức về điều này đến với tôi ở Tokyo qua tin hành lang trong Bộ Ngoại giao. Vào ngày 23 tháng 4, tôi đã mua vé máy bay một chiều. Ngay sau khi tôi đang ở trên không, một đồng nghiệp ở Tokyo đã báo với đại sứ rằng – trái với chỉ thị rõ ràng từ Washington – tôi đang trên đường bay đến Sài Gòn. Anh ấy đã trao thư cáo lỗi của tôi.

Sáng hôm sau, tôi tìm đường đến một ‘ngôi nhà an toàn’ – nơi một số viên chức Mỹ đang hoạt động “chuyển lậu người”. Đều là người tình nguyện, họ đang làm hết công suất. Đã bỏ nhiều ngày giờ trong vài tuần, rồi tra cứu danh sách những người Việt Nam được cho là đang gặp nguy hiểm. Hoặc là ‘hướng dẫn’ của Washington đã cực kỳ co giãn, hoặc các anh em viên chức toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã quyết định theo cách phóng khoáng. Những quy tắc phức tạp đã biến mất.

Tôi giải thích mục đích của mình. Ai đó đã tìm thấy tên của cha mẹ vợ tôi và tám anh chị em trong một danh sách. Tôi có thể xin giấy tờ thêm không, tôi hỏi, cho hai con và dâu rể của chị vợ tôi? Trong một vài phút, điều đó đã được thực hiện ngay. Tôi được cấp một xấp giấy tờ mang tên và số căn cước những người thân của vợ tôi đã được đóng dấu.

Mặt trời đang lặn khi một chiếc xe 12 chỗ của toà đại sứ với kính sậm đã chạy qua một số điểm hẹn để đưa người phía bên vợ tôi và tôi đến một khu nhà cố vấn quân sự Mỹ ở sân bay. Chúng tôi nằm chờ ở đó: Marcos, là Tổng thống Philippines lúc đó, đã cấm đưa thêm người tị nạn Việt Nam đến hai căn cứ lớn của Hoa Kỳ ở nước này. Việc không vận đã bị tạm dừng cho đến khi thu xếp được các chỗ tạm trú an toàn khác.

Đến giờ ăn tối ngày hôm sau, ngày 25 tháng 4, những hàng người đang chờ bắt đầu di chuyển trở lại. Đến 10 giờ tối, người phía bên vợ tôi và tôi cùng khoảng 250 người tị nạn khác đã ngồi xếp bằng, nắm chặt những sợi dây căng trên khoang hàng của một chiếc máy bay C-141. Không ai trò chuyện, không một đứa trẻ nào khóc lóc khi máy bay của Không quân Mỹ lao ra đường băng, rồ ga bốn động cơ phản lực và cất cánh theo hướng bay lên dốc nhất. Sáu giờ sau, chúng tôi đã an toàn trên đảo Guam.

Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4. Trong trại ở Orote Point, một nỗi buồn lớn lao xâm chiếm, mỗi người tị nạn đều có những tâm sự riêng vây quanh. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp. Tái định cư ở California, những người bà con bên vợ tôi nhận làm những công việc mọn, học tiếng Anh và gia nhập vào tầng lớp trung lưu Mỹ. Tôi không bị Bộ Ngoại giao sa thải. Trên thực tế, lúc tôi trở lại công việc của tôi ở đại sứ quán ở Tokyo tôi đã được hoan nghênh với chút khích lệ.

Hơn 50.000 người tị nạn đã thoát khỏi Sài Gòn qua cuộc không vận mà tôi đã mô tả. Trong những năm sau đó, hàng trăm ngàn người khác tìm cách rời khỏi Việt Nam bằng đường biển. Tính đến năm 1983, khoảng 600.000 người Việt Nam đã được nhận vào Mỹ trong tư cách người tị nạn. Nhiều người khác đã được định cư ở Úc, Canada và các nước khác.

Rất ít trong những người Việt Nam đó muốn rời bỏ quê hương. Họ đã chấp nhận nguy hiểm lớn. Hai thế hệ sau, họ và con cái của họ là một tài sản đặc sắc của Hoa Kỳ.

Nếu nước Mỹ cho phép những người Afghanistan là bạn thật của người Mỹ thoát khỏi phe Taliban, thì cùng lắm họ cũng sẽ chỉ là gánh nặng nhất thời, giống như những người tị nạn từ ‘cuộc chiến không dứt’ đầu tiên của chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trừ khi, như đã xảy ra cách đây 46 năm, có lệnh cho phép cắt bỏ cách cung cấp visa quá phức tạp và khó thực hiện.

Nếu điều đó xảy ra, chi tiết làm thế nào không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn biết rằng một cuộc không vận từ Kabul đang hoạt động ở mức tối đa.

David Brown là người thường xuyên đóng góp bài cho Asia Sentinel và Tiếng Dân.

TALIBAN CHIẾN THẮNG 'ĐẾ QUỐC MỸ' ?

NGUYỄN ĐẠI/ TD 16-8-2021


Các chiến binh Taliban đứng trên một chiếc xe dọc theo vệ đường ở Kandahar vào ngày 13/8/2021. Nguồn: AFP

Hôm nay các chiến binh Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến tranh với liên quân do Mỹ lãnh đạo ở đây sau 20 năm, kể từ khi hai tòa tháp đôi ở New York bị nổ sập vào ngày 11/9/2001.

Taliban đã chiến thắng quân Mỹ?

Người ta so sánh ngày hôm nay ở Kabul với ngày 30/4/1975 ở Saigon, khi bộ đội cộng sản Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, phủ Tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhiều người Việt Nam ngơ ngác thời đó không hiểu sao một quân đội Mỹ đồ sộ lại có thể bị bại trận nhanh như vậy. Giờ đây, sau 46 năm, chính họ đã trở thành người Mỹ, có con em là các tướng lãnh trong quân đội Mỹ hiện nay. Ngay cả những người ở bên kia vĩ tuyến trước năm 1975, hiện nay đã có mặt ở Mỹ, là công dân Hoa Kỳ và có thể có con em làm việc trong các tổ chức, công ty quan trọng trên đất Mỹ. Người Việt, ngoại trừ một số ít có vấn đề tâm lý, đều có câu trả lời rất rõ ràng cho câu hỏi trên.

Các tướng lãnh trong quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ vài ba năm trước đó, khi mà các hành lang chính trị được nối lại giữa quân Mỹ và Taliban, kéo theo các hiệp ước ngưng bắn trong giai đoạn. Cũng vậy, người Mỹ đã chuẩn bị cho ngày 30/4/1975, từ lúc Không Quân Mỹ ngưng oanh tạc Bắc Việt, và sau đó hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, giữa các chính phủ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt, và cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam.

Sau khi tiến vào Afghanistan, đánh bại các căn cứ của Al-Qaeda, quân Mỹ không rút đi, mà ở lại đó xây dựng một chính phủ thân Mỹ, và một quân đội đồng minh mới ở đây. Khác với quân đội Đức Quốc Xã, và quân phiệt Nhật Bản, họ bị quân Mỹ và Đồng Minh đánh bại hoàn toàn, tiếng súng chiến tranh chấm dứt, ngưng hẳn, và họ bắt tay kiến thiết quốc gia sau chiến tranh.

Ở Afghanistan và Việt Nam chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó. Việt Cộng nhận vũ khí của Trung Cộng và Nga-Sô cầm chân quân Mỹ ở Việt Nam, sau khi Mỹ đưa Thủy Quân Lục Chiến vào cảng Đà Nẵng năm 1965. Taliban nhận vũ khí của một số quốc gia trong khối Ả Rập và Hồi Giáo, tham dự một cuộc chiến hơn 20 năm, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Khối Cộng Sản đã dùng Việt Cộng như một đội quân tiên phong cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ. Quân Mỹ không thể hoàn toàn đánh bại quân đội Việt Cộng, trừ khi khai chiến luôn với Trung Cộng và Liên Xô. Chiến trường Việt Nam không thể thắng bằng tiếng súng. Sau khi khai thác mâu thuẫn giữa Trung Cộng và Nga Sô, Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) đã thỏa hiệp với Bắc Kinh, và rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam.

Cũng vậy, cuộc chiến ở Afghanistan không thể chiến thắng bằng súng đạn, trừ khi tấn công luôn vào các đồng minh của Mỹ bao gồm Pakistan và Arab Saudi, trong số những quốc gia đã viện trợ vũ khí cho Taliban chống Mỹ. Mỹ rút quân, và quân Taliban reo hò tiến vào Kabul.

Quân Mỹ đã rút, không tham chiến nữa, năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, và hôm nay 16/8/2021 ở Afganistan. Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, chiến trường sắp tới là ở đó. Đối thủ của Mỹ hiện nay là Trung Cộng, mũi súng của quân Mỹ quay về khu vực Đông Bắc Á. Đó là vấn đề thay đổi trong chiến lược. Chúng ta đều hiểu rất rõ, quân Mỹ không có “thắng” hay “thua” ở Việt Nam năm 1975, và hôm nay cũng vậy, họ cũng không “thắng” hay “thua” tại Afghanistan.

Khổ Đau?

Ừ thì: “dân tộc Việt Nam anh hùng đã chiến thắng hai đế quốc to Pháp và Mỹ”. Ừ thì, “những người học trò Hồi Giáo, cầm súng trường và lựu đạn đã chiến thắng Liên Xô, và liên quân Mỹ và Tây Phương”.

Dân tộc Việt Nam đã quá cay đắng với “chiến thắng” đó, hy vọng điều đau khổ này không lặp lại trên đất nước Afghanistan, nhưng có vẻ như còn quá sớm để có thể nói được điều gì, trong cơn say “chiến thắng” hôm nay.

Mỹ và Đồng Minh “thua” ở Việt Nam, nhưng 15 năm sau đó, toàn bộ khối Cộng Sản ở châu Âu sụp đổ.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ “thua” ở Afghanistan? Thắng, thua là điều có thể tranh cãi, có thể chưa biết rõ ràng sau một vài thập niên.

Nhưng, khổ đau là sự thật, không thể phủ nhận, không thể tranh cãi. Những đau khổ ngút trời của người Việt ở cả hai miền Nam-Bắc, trong và sau cuộc chiến là không thể đong đếm. Nước mắt… biển khơi.

Nhìn xác của những người lính trẻ thuộc quân đội của chính phủ Afghanistan trước đây rải rác trong trên các ngọn đồi khô của một đất nước tan hoang sau bao năm dài chiến tranh, những người vài tháng trước đây còn say sưa với lý tưởng dân chủ tự do Tây phương… có nhớ lại thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa không?

Nhìn những chiến binh Taliban lớn lên trong cuộc chiến, dường như chẳng biết gì ngoài súng đạn, ngơ ngác trước những gì họ thấy tại thủ đô, tại các dinh thự người Mỹ bỏ lại, có nhớ những bộ đội Trường Sơn ngây ngô, đến tội nghiệp, ngày xưa không?

Nhìn lại cục diện hôm nay và năm xưa để thấy sự thật của “thắng” và “thua”.  Một dân tộc tránh được chiến tranh mới là một dân tộc chiến thắng. Một dân tộc có thể hòa giải những khác biệt mới là một dân tộc thật sự chiến thắng. Bài học đang ghi ở đó bằng lịch sử của dân tộc Việt Nam, bằng lịch sử của dân tộc Afghanistan hôm nay.

ĐIỀU GÌ GIÚP TALIBAN THẮNG NHƯ CHẺ TRE Ở AFGHANISTAN ?

The Economist/ BVN 17-8-2021

Phan Nguyên biên dịch


Trong những năm gần đây, dinh tổng thống ở Kabul, được gọi là Arg, hay tòa thành, đã là một ốc đảo yên bình trong một thành phố nhộn nhịp, căng thẳng. Để đến được nó, du khách phải đi một dặm qua các trạm kiểm soát, được biên chế bởi các đội biệt kích quân đội Afghanistan được trang bị ngày càng tốt. Bên trong tòa nhà được xây từ thế kỷ 19, các quan chức chính phủ Afghanistan nhâm nhi ly latte tại một quán cà phê thông minh, được bao quanh bởi những khu vườn được chăm sóc tốt, và thảo luận về tình hình chính trị bên ngoài, ở một đất nước Afghanistan thực tế.

Khi phóng viên chúng tôi đến thăm lần gần đây nhất, các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia giải thích rằng theo quan điểm của họ, Taliban rất yếu. Theo các quan chức này, lý do duy nhất khiến họ không bị quân đội chính phủ Afghanistan được Mỹ hỗ trợ đánh bại, là vì chính phủ Afghanistan không muốn gây nguy hiểm cho dân thường bằng cách tiến hành các cuộc tấn công. “Họ không thể giành chiến thắng quân sự”, một quan chức nói. “Lực lượng đặc biệt của chúng tôi rất mạnh. Taliban chỉ có thể đánh kiểu du kích”.

Vào ngày 15 tháng 8, máy bay trực thăng đã bay qua bay lại dinh tổng thống để sơ tán những vị quan chức đó. Một đám khói bốc lên từ tòa nhà đại sứ quán của Mỹ, vốn trông giống như một pháo đài, khi nhân viên đốt các tài liệu nhạy cảm.

Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố “sẽ không có trường hợp nào bạn phải chứng kiến người dân được bốc lên khỏi mái nhà” của tòa đại sứ quán Mỹ, như ở Sài Gòn năm 1975, đã xuất hiện hình ảnh các máy bay trực thăng bay lượn trên khu nhà này, đưa các nhà ngoại giao Mỹ đến sân bay.

Trong khi đó, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban ở Doha, thủ đô Qatar, nơi lực lượng này có đại diện ngoại giao và chính trị, đã hùng hồn tuyên bố rằng lực lượng Taliban sẽ ngừng tiến quân ngay cửa ngõ thành phố trong khi tiến hành các cuộc đàm phán về việc đầu hàng của chính phủ.

Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan từ năm 2014, được cho là đã tháo chạy khỏi đất nước cùng với các phụ tá thân cận nhất của mình. Nhà nước Afghanistan, được xây dựng trong hơn hai thập niên với hàng nghìn tỷ đô la, dường như đã biến mất vào hư không.

Làm thế nào mà một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị bởi những quân đội tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy? Năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam, được hậu thuẫn bởi một siêu cường, vẫn phải mất nhiều tháng để tiến quân qua miền Nam Việt Nam, chiến đấu khốc liệt để giành lãnh thổ. Taliban, được cho là có quân số không quá 200.000 người, được trang bị phần lớn bằng các thiết bị mà họ thu được từ kẻ thù, đã chiếm tất cả các trung tâm đô thị của Afghanistan trong vòng chưa đầy một tuần, mà nhìn chung hầu như không gặp phải nhiều kháng cự (xem bản đồ).

Câu trả lời dường như là các hạn chế về sức mạnh quân sự của họ đã được bù đắp bởi sự mưu trí, quyết tâm, và khôn ngoan chính trị. Trong năm qua, các nhà ngoại giao ở Doha đã hy vọng rằng Taliban có thể bị buộc phải đàm phán với chính phủ của ông Ghani để chấp nhận một loại thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào đó. Taliban rõ ràng nhận ra rằng sẽ có lợi hơn cho họ nếu thương lượng với cấp dưới của ông Ghani, qua từng thành phố một, từ đó làm mất vị thế của chính phủ trung ương.

Do đó, tại Herat, một thành phố chiến lược gần biên giới Iran, Ismail Khan, vị lãnh chúa đã giành lại thành phố từ tay Taliban vào năm 2001 sau nhiều ngày chiến đấu, đã đầu hàng và được quay phim cảnh đang bị giam giữ, cầu xin “một môi trường hòa bình”.

Tại Kandahar, thành phố nằm ở trung tâm kinh tế phía nam Afghanistan và là nơi khởi nguồn của lực lượng Taliban trước đây, xuất hiện hình ảnh vị thống đốc bàn giao chính quyền cho người đồng cấp Taliban của mình.

Ở Jalalabad, nằm ở phía đông, Taliban tiến vào mà không phải bắn một phát súng nào, sau khi những người lớn tuổi trong thành phố thương lượng về việc đầu hàng. Mazar-i-Sharif, một thành phố phía bắc từng là pháo đài của quân kháng chiến chống Taliban vào những năm 1990, cũng đầu hàng theo kiểu tương tự.

Trong mỗi trường hợp như vậy, phía Taliban đã đưa ra những lời hứa rộng rãi, là sẽ “tha thứ” cho những người từng phục vụ trong chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, để đổi lại sự đầu hàng. Tại Kandahar, những cựu binh đầu hàng đã được cấp giấy thông hành mà họ có thể xuất trình tại các trạm kiểm soát của Taliban. Ở đó, suốt đêm thứ Sáu, tiếng súng vang vọng khắp thành phố. Theo người dân, đây chủ yếu là súng bắn chỉ thiên để ăn mừng.

Quân đội Afghanistan, với tất cả sức mạnh rõ ràng của mình, dường như đã rơi vào cái gọi là hội chứng Yossarian, đặt theo tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thế giới thứ hai của Joseph Heller, có tựa đề “Bẫy 22”. Yossarian được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều nghĩ như anh ta, rằng chiến đấu là điều vô nghĩa, và anh ta trả lời rằng anh ta sẽ “là một kẻ ngu ngốc nếu nghĩ theo bất kỳ một cách nào khác”. Tương tự, tờ Washington Post dẫn lời một sĩ quan Afghanistan giải thích lý do tại sao các binh sĩ của anh ta không ngăn chặn Taliban: “Này anh, nếu không có ai khác chiến đấu, thì tại sao tôi phải làm như vậy?”. Tinh thần quân đội Afghanistan bị xuống thấp bởi cuộc khủng hoảng ngân sách của chính phủ, dẫn đến việc nhân viên chính phủ và quân đội không được trả lương trong nhiều tháng.

Vậy sự tiếp quản của Taliban có nghĩa là gì?

Về tất cả những hứa hẹn của họ là sẽ thể hiện lòng khoan dung sau chiến thắng, rất ít người trong giới tinh hoa trí thức của Afghanistan cảm thấy yên tâm về điều đó.

Sau khi các chiến binh chiếm Spin Boldak, một thị trấn trên biên giới với Pakistan, vốn nằm trong số những địa phương đầu tiên thất thủ vào cuối tháng Bảy, các báo cáo đáng tin cậy xuất hiện nhanh chóng sau đó cho thấy hàng chục người ủng hộ chính phủ đã bị thảm sát.

Ở Kandahar vào cuối tháng 7, khi các chiến binh bắt đầu chiếm vùng ngoại ô thành phố, họ đã bắt cóc Nazar Mohammad, một diễn viên hài nổi tiếng, và sát hại anh ta. Các báo cáo từ Kandahar nói rằng các lính Taliban có vũ trang đã đi từng nhà để tìm kiếm những người làm việc cho các chính phủ phương Tây.

Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người tị nạn đã tập trung tại các công viên của Kabul. Hàng trăm người đã dồn vào các trung tâm xử lý thị thực, hy vọng giành được một chỗ trong các cuộc di tản vào phút chót do các cường quốc phương Tây tổ chức.

Nhánh chính trị của Taliban ở Doha tuyên bố rằng họ không còn là những nhà cầm quyền đẫm máu từng cai trị Afghanistan giai đoạn 1996 – 2001, khi những người bị cáo buộc là tội phạm bị hành quyết công khai tại sân vận động Kabul, bao gồm cả những phụ nữ bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình. Ví dụ, các nhà đàm phán của họ đã nhấn mạnh rằng không có quy định nào trong đạo Hồi chống lại việc giáo dục phụ nữ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các tuyên bố từ Qatar và những gì đang được thực hiện bởi các chỉ huy Taliban ở Afghanistan là rất lớn.

Ở Herat, nơi 60% sinh viên đại học là phụ nữ, họ được cho là đã được yêu cầu trở về nhà. Các nhân viên nữ đã được yêu cầu bàn giao công việc cho những người thân là nam giới. Một chỉ huy Taliban được BBC phỏng vấn đã nói rõ về vấn đề giáo dục trẻ em gái. “Không một bé gái nào đi học trong làng và huyện của chúng tôi… Các trường học như vậy không tồn tại, và chúng tôi cũng sẽ không cho phép điều đó”.

Ngay cả triển vọng tốt nhất có thể, theo đó ban lãnh đạo Taliban quyết định thể hiện rằng họ nghiêm túc trong việc cải cách, cũng có vẻ ảm đạm.

Một điều rõ ràng là chính phủ Afghanistan mới chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Afghanistan bình thường, ngay cả ở các thành phố, nơi họ có nhiều quyền kiểm soát hơn so với vùng nông thôn. Tình trạng tham nhũng của nó ngày càng sâu rộng, và chắc chắn đây là một phần lý do khiến Taliban có thể chinh phục đất nước một cách nhanh chóng như vậy. Đoạn phim về những binh sĩ Taliban đi qua những nội thất sang trọng trong ngôi nhà bị chiếm của Abdul Rashid Dostum, một lãnh chúa và cựu phó tổng thống, người được cho là đã trốn sang Uzbekistan, thể hiện sự thối nát của nhà nước này. Tuy nhiên, được hỗ trợ bởi rất nhiều viện trợ, chính phủ đã có thể cung cấp giáo dục cho người dân, và rất ít người Afghanistan bị chết đói. Nay khi các đại sứ quán đóng cửa và người nước ngoài tháo chạy, các khoản viện trợ từng giúp duy trì nền kinh tế và giáo dục trẻ em, bao gồm cả các trẻ em gái, chắc chắn sẽ cạn kiệt. Một thảm họa nhân đạo có thể nhanh chóng xảy ra sau đó.

Sự sỉ nhục đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây khó có thể nặng nề hơn. Một khi quá trình sơ tán công dân của họ, và một số ít nhân viên người Afghanistan may mắn giành được chỗ, kết thúc, các chính phủ phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng Taliban đang nắm quyền.

Vào cuối những năm 1990, chính quyền Taliban chỉ được một số quốc gia công nhận, đáng kể nhất là Pakistan và Saudi Arabia. Hồi đó, Liên minh phương Bắc, một tập hợp các nhóm dân quân tập trung ở phía bắc Afghanistan, đã tổ chức chống lại Taliban. Lần này, Taliban đủ thông minh để quyết định chinh phục miền Bắc trước. Hôm nay, các quan chức Taliban đã gặp gỡ các nhà ngoại giao từ một số cường quốc khác. Vào cuối tháng 7, một phái đoàn của Taliban đã gặp ngoại trưởng Trung Quốc. Đại sứ quán Nga đã tuyên bố rằng họ sẽ không sơ tán khỏi Kabul. Liên minh châu Âu đã hứa sẽ “cô lập” chính phủ mới nếu họ nắm quyền thông qua bạo lực, một điều dường như ngày càng khó tin hơn.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2021/08/16/dieu-gi-giup-taliban-thang-nhu-che-tre-o-afghanistan/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét