Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

20210830. GÓP Ý VỀ CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 (6)

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN KHẮC PHỤC SAU BA NGÀY CÁCH LY TUYỆT ĐỐI

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 27-8-2021



Rất nhiều điều phải nghĩ sau 3 ngày cách ly. Sau đây là một số điểm cần khắc phục trong giãn cách.

1. Sử dụng lại lực lượng shipper. Họ là những đội ngũ chuyên nghiệp, có công nghệ, biết công nghệ, biết công việc, biết đường sá, làm việc hiệu quả hơn bộ đội. Không ai bỏ quân thiện chiến để sử dụng tân binh. Bắt hàng chục ngàn shipper ngồi nhà, đã không sử dụng được đội quân vạn người giao hàng chuyên nghiệp, lại biến họ thành lực lượng phải cứu trợ. Cần tiêm vaccine cho shipper và đưa họ hoạt động trở lại.

2. Hàng hoá đang khan hiếm. Giá cả đang bị tăng. Cho hoạt động trở lại nhiều thêm nữa các địa điểm cung ứng. Phải tổ chức cung ứng hàng hoá tốt hơn để đáp ứng như cầu và không bị tăng giá. Có hình phạt nghiêm khắc với những trường hợp lợi dụng cách ly tăng giá để trục lợi. Cấm tăng giá bán với bất kỳ lý do gì.

3. Vẫn còn nhiều các trường hợp khó khăn chưa nhận được sự trợ giúp. Cần lập tài khoản điện tử công khai (Zalo, FB…) cho toàn thành phố (ngoài Cổng thông tin điện tử của phường) để người dân phản ánh, người dân đăng yêu cầu. Cổng thông tin điện tử của phường là chưa đủ, vì có phường không xử lý tốt, để sót, thì cũng không ai biết, hoặc biết thì rất muộn. Yêu cầu gọi theo số điện thoại sẽ bị nghẽn. Gửi yêu cầu theo số điện thoại cũng có thể không được xử lý, mà không có cách nào để kiểm tra. Phải có tài khoản điện tử công khai để ai cũng có thể kiểm tra được.

Đồng thời cho lực lượng bộ đội rà soát từng ngõ, hẻm, các khu trọ, khu lao động nghèo lập danh sách những người chưa được trợ cấp. Sau đó lực lượng bộ đội cấp phát trực tiếp cho dân. Điều này bộ đội có thể làm tốt. Tốt hơn đi chợ hộ.

4. Dồn tuyệt đại đa số vaccine về nước hiện nay và trong thời gian tới cho TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai để giải quyết dứt điểm cả 4 tỉnh trầm trọng nhất. Từ đó mới có thể nới lỏng giãn cách và tháo bỏ giãn cách hoàn toàn. Cách chia đều vaccine tại mọi thời điểm là không tối ưu trong chống dịch. Đấy không phải là công bằng.

5. Không thể giãn cách mãi. Kinh tế quốc gia và người dân đang đối mặt với sự kiệt quệ. Việc nới lỏng giãn cách là không tránh khỏi. Cần có cách tiếp cận mới để nới lỏng giãn cách.

6. Rất trân trọng việc các lãnh đạo Trung ương thân chinh đến các vùng dịch phía Nam để trực tiếp chỉ đạo chống dịch. Nhưng càng tốt hơn nữa khi Trung ương mang đến cho địa phương những biện pháp cụ thể bù đắp cho các thiếu sót mà địa phương đối mặt, cùng với sự bổ sung nhân lực vật lực mới để khắc phục, ngoài những chỉ đạo đã quen biết. Ở điểm này, rất cần học tập cách hành xử của các chỉ huy chiến trường khi trực tiếp ra chiến tuyến.

Nguyễn Ngọc Chu

LÚNG TÚNG VÀ LUNG TUNG: HÀNG LOẠT CÁCH LÀM KHÔNG GIÃN CÁCH, COVID 'THỪA THẮNG XÔNG LÊN'

CÙ MAI CÔNG/ TD 26-8-2021

Mục tiêu cơ bản và tối thượng trong phòng chống Covid-19 từ đầu đến nay ở TP.HCM là dần tăng giãn cách tối đa, từ chỉ thị 10, 12, đến 15, 16, 16+.

Dân giờ ai cũng sợ và rành Covid như “chuyên gia”. Hậu quả sờ sờ ra đó, ai cũng thấy quanh mình, có khi chính là mình, gia đình mình cũng nhiễm. Con số chính thức tới tối 25-8-2021, TP.HCM hơn 190.000 ca rồi. Con số thật chắc chắn cao hơn vì ngành y đang căng thẳng truy lùng, mỗi ngày mấy ngàn ca.

Cụ thể, trong ngày thứ 2 TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội và xét nghiệm 24-8, tỉ lệ F0 trong cộng đồng chiếm đến 84% tổng số F0 mới. Đáng chú ý, có rất nhiều quận, huyện, tỉ lệ này lên đến 100% hay gần 100%.

Cụ thể hơn nữa, theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM đến 22h10 ngày 24-8, TP.HCM xét nghiệm 137.971 mẫu, ghi nhận 4.610 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 3.877 ca cộng đồng.

Ngày thứ 3, dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM lúc 20h ngày 25-8, TP.HCM xét nghiệm 146.079 mẫu, ghi nhận 5.268 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 4.413 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 3,6% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm gần 84% so với tổng số ca mắc. So với ngày 24-8, số mẫu xét nghiệm được lấy trong hôm nay tăng hơn 8.100 mẫu, tỉ lệ F0 trong cộng đồng không giảm.

Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25-8, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%). Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.

Tối 25-7, sau mấy tuần dưới 5.000 ca nhiễm/ngày và sau ba ngày “thiết quân luật”, TP.HCM đã vọt lên hơn 5.294 ca.

Vì đâu nên nỗi?

Có nhiều nguyên nhân, không loại trừ lây chéo ở nơi chích, nhiễm từ cả nhân viên y tá và phương tiện chích, nhưng theo chủ quan của mình, tôi nghĩ ca cộng đồng ở TP.HCM tăng mạnh hiện nay có hai lý do chính:

– Công tác xét nghiệm được đẩy mạnh hơn, nên ra nhiều ca nhiễm hơn;

– Không thể phủ nhận thực tế mấy “Ngày hội F0” trước “thiết quân luật” 23-8-2021, khi chen chúc hàng trăm ngàn người đổ xô mua đồ trong hàng ngàn siêu thị, chợ vỉa hè… Một người bạn tôi than trời: “Như ngày hội F0”.

Quy định, chính sách thay đổi liên tục; mỗi lần đổi là một lần dân đổ ra đường, chen lấn.

Ai cũng thấy điều này. Hậu quả tôi nghĩ sẽ còn tăng tiếp vài ngày tới.

Và đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tập trung, chen chúc liên tục xảy ra suốt gần ba tháng qua ở TP.HCM.

Mục tiêu giãn cách, nói liên tục từ công văn, khẩu hiệu đến loa phường. Nhưng cách làm lại vô tình đẩy người dân tập trung, từ xét nghiệm, chích ngừa,… đến dẹp chợ gom vô siêu thị, Thậm chí các chốt ùn ứ không hề vô can trong việc lan truyền con Covid đổ bộ nhanh, độc lực mạnh này. Có chốt, ngựa xe dài cả cây số. Qua được có khi cả tiếng. Covid dễ gì buông tha những người ở đó.

Trước đó, thay vì sắp xếp lại cho thoáng hơn không gian ngoài trời rất thoáng, tạo độ giãn cách hơn và kiểm soát chuyện này thì chợ vỉa hè vốn yếu thế nhất bị “trảm” đầu tiên, dồn khách vô chợ truyền thống có nhà lồng chợ kín hơn. 200/237 chợ liên tục có ca nhiễm bị đóng cửa. Lại dồn vô các siêu thị kín hơn, máy lạnh 24/24. Ngành y thế giới đều xác định con Covid này rất khoái ở phòng kín, phòng lạnh hơn ở ngoài trời.

Thoạt đầu vô siêu thị cũng khai báo y tế, đo nhiệt độ; sau chỉ cần xếp hàng. Vô rồi thì khách đi lung tung, khoảng cách 2m chỉ là lý thuyết. Không ai vô dưới 15-20p, kể cả hàng ngàn, hàng vạn F0. Xếp hàng cả ngày thì mua cho xứng công.

Nguyên nhân cơ bản của tất cả là vô số cách làm, mỗi cách đưa xuống xong mỗi anh “linh hoạt” mỗi kiểu, mỗi nơi mỗi phách. Chẳng hạn như các chốt, có chốt “hắc xì dầu” như chốt trước Công an Bình Thạnh trên đường Phan Đăng Lưu, xe nào cũng dính cả chục phút ở đó. Có chốt mấy ảnh ngồi vậy thôi, ai qua cũng được. Trưa hay mưa thì cơ bản xe cộ “thông chốt” thoải mái, qua lại phà phà. Ai đi cũng thấy, cũng biết mà.

Rồi hết app này, app nọ của từng ban ngành, chồng lấn nhau lung tung. Dân không biết đâu mà lần. App nào cũng xài ít ngày là bỗng không nghe nhắc tới, như “đề mốt”, “chết không kèn không trống”. Như cái app “Di biến động dân cư” mới đây đó.

Khoan đổ cho dân thiếu ý thức. Họ có kinh nghiệm, chính quyền đang “lúng túng” thì ta tự lo cho ta là chắc ăn, dù sợ Covid hơn sợ Ông Ba Bị. Vậy nên ngay trước 23-8, TP.HCM kêu gọi bà con không đổ xô mua hàng, hàng ngàn siêu thị vẫn bị “tràn ngập lãnh thổ”. Hàng sạp vỉa hè thì có hàng gì hết hàng nấy… “như ngày hội” – dù đó là ngày hội rất buồn, rất lo hậu quả…

Thực tế, ba ngày qua, dù đã có anh em bộ đội chung tay với địa phương, theo Sở Công thương TP.HCM, tỉ lệ chốt đơn mua hàng qua siêu thị ở TP.HCM hôm qua 24-8 là 70.337/74.033. Cả TP.HCM có khoảng gần 3.500.000 hộ + phòng trọ… Tỉ lệ chốt đơn chỉ được 2% số hộ, phòng trọ đó.

Đủ chuyện. Phường 3, Tân Bình của tôi, anh em bên phường đã cầu cứu tình nguyện viên khỏe mạnh các tổ, khu phố phố phụ một tay. Ở phường 1, Phú Nhuận vào thực tế có vẻ cũng rối. Các khu phố bàn lui bàn tới nhiều chuyện: trả tiền ra sao vì có người nói giờ không có tiền mặt (do không được ra ngoài để rút), cũng không thể chuyển khoản, yêu cầu nhà có F0 phải chuyển khoản (nếu họ không thể chuyển thì chẳng lẽ để đói). Hiểu cho họ, vài người thì làm sao lo cho nổi mấy trăm hộ với đủ nhu cầu khác nhau, từ cọng rau, trái trứng, miếng thịt, con cá… đến Kotex…

Đều thiết yếu hết. Ngay chuyện gas trong nhà hết mà tiệm gas bên kia đường cũng không giao được. Chẳng hạn ngày 24-8, bà Trương Thị Kim Hoa – ngụ đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) – cho biết, liên hệ cả 3 cửa hàng đều không được giao gas với lý do “không có giấy đi đường”. Đáng nói, cửa hàng gas V. nằm đối diện nhà bà nhưng bà cũng không thể nhận được gas do đây là đường lớn, muốn giao gas nhân viên phải đi qua chốt kiểm soát nhưng lại không có giấy tờ.

Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực la hoảng trên Facebook. Anh cho biết cụ thể: “Sáng nay 25-8, nhà tui hết gas, tui gọi tất cả các số cửa hàng gas đều báo là không đi giao được, tui tìm ra số phó chủ tịch phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và được cho số phone 091 8126632. Khi tui gọi số này thì được báo là bình gas giá 460.000 đồng. Và tui cũng được cho biết ở một số nơi, bạn bè tui phải chấp nhận giá gas lên đến 480.000-490.000 đồng, nghĩa là mắc hơn ngày thường một trăm mấy”.

Mắc cũng phải chịu. Dân Sài Gòn giờ hầu hết xài gas, không có gas là bữa cơm không có, đói thiệt chứ chẳng chơi.

Rồi các combo hàng công khai của một loạt siêu thị bị kêu là “chém”. Dân la rùm lên. Các siêu thị phải hứa sẽ điều chỉnh lại.

Gốc vấn đề là giấy đi đường. Nhiều chốt “ác liệt” như cái máy. Ngay góc Thuận Kiều – Phạm Hữu Chí một tổ công tác của phường ập đến hỏi giấy khi một cô qua ở chợ Xã Tây mua thuốc. Cổ bảo: “Tui bệnh đi mua thuốc, chờ cấp giấy đi đường chắc đi mua thuốc hổng nổi chú ơi”. Nói vậy nhưng cô vẫn bị là lập biên bản tạm giữ xe…

Không lạ khi bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám quốc tế Exson) sáng 25-8 cho biết: Xe chở bình oxy đi nạp của chúng tôi đã bị bắt lại. Anh CSGT nói với tôi, rằng phải nộp phạt 6 triệu sau khi anh kê ra mấy cái lỗi, chủ yếu là không có QR code… Cuối cùng không phạt, nhưng xe quay đầu về.

Chỉ cần một anh CSGT thôi là tắc tị một hành trình cứu người. Bí quá, bác sĩ Sơn phải cầu cứu lãnh đạo TP. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, các cơ quan chức năng đã gấp rút hướng dẫn các thủ tục, để được cấp giấy QR code cho xe đi nạp bình oxy.

Bác sĩ Sơn sau khi cám ơn ông Lê Hòa Bình, cùng các lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã bảo: Vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan chức năng thống nhất được với nhau thì người dân sẽ đỡ bị lúng túng hơn.

Và đó chỉ là một trong hàng triệu ví dụ về giấy đi đường hiện nay. Chỉ vì cái giấy này, hàng hóa, siêu thị nơi nào cũng chết cứng hàng. Hiệu quả phòng chống Covid bằng giấy chưa rõ, còn tổn thất kinh tế, sinh mạng người bệnh lẫn an sinh xã hội rõ ràng là khôn lường.

Covid-19, như tôi nói trên trang nhà mình mấy tháng trước, “đừng mơ đánh nhanh thắng nhanh”. Chưa nước nào dám nói đánh thắng nó hết. Tân chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ nói “Tập trung cải thiện tình hình, tiến đến kiểm soát dịch COVID-19”. Tức là tình hình dịch ở TP.HCM chưa kiểm soát được.

Ngay trước đợt giãn cách quyết liệt 23-8, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thôi chủ tịch, về làm phó Ban Kinh tế TW. Ngày 24-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 25-8, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh – hôm 4-6-2021, từng “lạc quan tếu” khi báo cáo rằng dịch ở TP.HCM đã giảm – có quyết định hưu.

Thay ba tướng cầm quân giữa cao điểm dịch, đoán chắc tình hình giãn cách còn gian nan, còn dài. Chỉ mong đừng rối, chồng chéo điều hành như vừa qua; khổ dân, mệt lính và tơi bời anh chị em tuyến đầu ngành y.

Cù Mai Công

HÀNG HÓA TPHCM KHÔNG THIẾU, NHƯNG KHÂU GIAO HÀNG 

GẶP NHIỀU TRỞ NGẠI

NGÔ MINH/ ZING 28-8-2021

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, tại buổi phát trực tuyến "Dân hỏi - Thành phố trả lời" của Sở TT&TT TP.HCM tối 28/8.

Tối 28/8, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện buổi phát trực tiếp "Dân hỏi - Thành phố trả lời" trên mạng xã hội.

Người dân TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc phân bổ các gói hỗ trợ, túi an sinh, chương trình đi chợ hộ, công tác tiêm chủng vaccine, xét nghiệm Covid-19.

Chia sẻ trong buổi phát trực tiếp, ông Nguyễn Anh Đức cho biết hàng hóa tại TP.HCM đang không thiếu, nhưng khâu đưa hàng hóa từ siêu thị đến người dân có một số trở ngại. Ông Đức cho biết Saigon Co.op cũng đang ưu tiên chuẩn bị những đơn hàng có liên quan đến người già, trẻ nhỏ, người yếu thế để các đơn hàng này đến tay người dân sớm nhất.

Kiểm soát người đi đường chứ không kiểm soát hàng hóa

Về vấn đề danh mục hàng hóa thiết yếu, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định nhu cầu của mỗi cá nhân là khác nhau nên hàng hóa là thiết yếu với người này nhưng lại không thiết yếu với người khác, dẫn tới những hiểu lầm, trở ngại nhất định trong quá trình kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thành phố đang tính toán nới lỏng kiểm soát hoạt động của các shipper để giảm tải cho hệ thống phân phối hàng hóa. Ảnh: Chí Hùng.

"Cuối cùng thì với sự tham mưu của các cơ quan, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản rõ ràng, Bộ GTVT cũng đã có chủ trương, chúng ta kiểm soát người đi ra đường chứ không kiểm soát hàng hóa", ông Phương chia sẻ.

"Người nào được đi ra đường thì họ có chở cái gì cũng không quan trọng nữa vì họ đối tượng cần đi ra ngoài và chúng ta đã xem xét, cho phép nên chuyện họ chở gì không quan trọng nữa", ông Phương nói thêm.

Cũng theo phó giám đốc Sở Công Thương, các xe chở hàng hóa sẽ không còn bị kiểm soát chở hàng thiết yếu hay không thiết yếu nữa mà quan trọng là xe có được đi hay không và tài xế có được cấp giấy đi đường hay không.

"Mặt hàng nào thì bà con cũng sẽ cần vào những thời điểm nhất định", ông Nguyễn Anh Đức khẳng định. "Giờ TV, tủ lạnh, nồi cơm điện bị hỏng là người dân sẽ bị ảnh hưởng. Bà con mà vướng những chuyện đó có thể đặt mua trên các nhóm mua chung, đi chợ hộ, đảm bảo các chú công an, anh bộ đội sẽ không cản để đưa đến bà con", tổng giám đốc Saigon Co.op nói.

Giảm tải cho lực lượng phân phối



Về việc vì sao đơn hàng đi chợ hộ của người dân được giao rất chậm, có đơn mất tới 4 - 5 ngày mới tới tay người mua, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết hệ thống và lực lượng phân phối hàng hóa hiện nay cho người dân là không có sẵn và mới hình thành, không có thời gian đào tạo và huấn luyện nên tùy địa phương sẽ có những trục trặc nhất định.

"Chúng tôi dự kiến những ngày tới đây khi lượng hàng hóa dự trữ trong dân giảm xuống, nhu cầu mua sắm tăng lên khiến lưu lượng hàng hóa luân chuyển rất lớn sẽ càng làm cho lực lượng phân phối quá tải", ông Phương cho biết.

"Chúng tôi đang tính toán phải có phương án để người dân đăng ký trực tiếp tới hệ thống phân phối và giao hàng bằng shipper, giảm tải cho lực lượng phân phối của thành phố", ông Phương khẳng định.

Cũng tại buổi phát trực tuyến, các khách mời đều ủng hộ việc sớm nới lỏng kiểm soát hoạt động của các shipper để giảm tải cho hệ thống đi chợ hộ của TP.HCM cũng như tạo sinh kế trở lại cho các tài xế giao hàng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết shipper đang mất việc, ở nhà trong khi xã hội đang rất cần lực lượng này.

"Chính vì vậy, Sở Công Thương đã thấy được điều đó và kiến nghị với lãnh đạo thành phố. Trong chiều 28/8 các Sở ngành đã cùng tham mưu và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chấp thuận chủ trương, hy vọng lực lượng shipper sẽ sớm được quay trở lại hoạt động", ông Phương chia sẻ.

Về việc người dân "bùng" đơn hàng đi chợ hộ, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm.

NHIỀU ĐƠN HÀNG KHÔNG NGƯỜI NHẬN, PHẢI TÍNH CÁCH KHÁC

 ĐI CHỢ GIÚP DÂN

MINH HÒA /TT 28-8-2021


TTO - Phường An Phú, TP Thủ Đức trong ngày 27-8 có gần 100 đơn hàng không có người nhận, nhiều phường khác ở TP.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vì vậy, các địa phương đang tính cách khác để đi chợ giúp dân.

Ngày 28-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Hải - phó chủ tịch UBND phường An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết trước tình trạng quá tải đơn hàng đi chợ giúp dân, hoặc người dân đặt xong không nhận hàng..., chính quyền TP Thủ Đức đang tập huấn cho cán bộ phường đi chợ giúp dân qua các ứng dụng (app) của công ty công nghệ.

Theo ông Hải, ngày 27-8, phường An Phú tiến hành giao hàng đợt đầu tiên cho người dân thì bị "bom" (không nhận hàng) gần 100 đơn. "Có người gọi điện tới thì tắt máy, có người trả lời nhưng nói 'không đặt nữa', còn có người lại nói 'đặt thử xem chứ không mua'" - ông Hải nói.

Với các đơn hàng bị "bom", phường đã xử lý ổn thỏa: chuyển nhượng lại cho những người mua sau để thu hồi vốn, tiếp tục mua hàng cho người dân khác. "Ví dụ những người hủy đơn hàng gói 'combo' 300.000 đồng, nếu có người sau cũng đặt gói 'combo' đó thì chuyển cho người đặt sau", ông Hải cho hay.

Ông Hải cho biết thêm, đa số người "bom" hàng chủ yếu là người đăng ký qua phiếu, sau khi nhận hàng thì người dân mới trả tiền, giữa 2 bên thiếu sự ràng buộc nên người dân hủy đơn hoặc không nghe điện thoại "cũng khó làm được gì".

Ông cũng chia sẻ hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nguồn nhân lực của chương trình cũng như lực lượng chuẩn bị thực phẩm của siêu thị bị thiếu hụt. Trong khi đó khối lượng công việc ngày càng tăng nên khó tránh khỏi thiếu sót có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, do các siêu thị cung cấp thực phẩm đang quá tải nên một số đơn hàng vẫn chưa đến tay người dân. Đoàn phường đã hối thúc nhà cung cấp nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân.

Trước đó, ông Lê Quang Tự Do - phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) - cho biết nhiều phường ở TP.HCM phản ảnh có tình trạng người dân đặt hàng qua chương trình đi chợ giúp, nhưng khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là "đặt thử". Ông đề nghị người dân "không thử nữa", mà chỉ liên hệ khi thật sự cần. 

Theo phản ảnh, các đơn hàng bị "bom" đều theo dạng "combo", không phải theo từng món, do đó có thời điểm thiếu hàng, không đúng ý người dân đặt mua nên họ không nhận.

Ngoài ra, hiện nay các đơn hàng đều phụ thuộc vào các siêu thị. Do triển khai đồng loạt, các siêu thị chuẩn bị hàng không kịp nên khoảng 2-3 ngày sau người dân mới nhận được hàng. Nhiều người có tâm lý muốn có hàng sớm hơn nên hủy đơn hàng.

 ĐỪNG LÀM VIỆC THAY THỊ TRƯỜNG

PHẠM XUÂN CẦN/ TD 29-8-2021


Việt Nam dùng quân đội thay lực lượng shipper đi mua hàng giúp dân. Ảnh: Zing

Dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, bất thường, đã làm phát sinh vô số vấn đề chưa có tiền lệ. Do đó việc đối phó gặp lúng túng, phải thay đổi nhiều cũng là điều cần phải chấp nhận, thông cảm và chia sẻ với chính quyền, từ trung ương đến cơ sở.

Có hai vấn đề lớn là dịch vụ y tế, nhất là khám chữa bệnh và dịch vụ đảm bảo dân sinh. Dịch vụ y tế quá tải là điều tất nhiên, buộc phải chấp nhận, để khắc phục dần. Bởi vì khi nhu cầu khám chữa bệnh tăng lên hàng chục lần, mà cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực cố gắng lắm cũng chỉ tăng cục bộ cho một địa phương nào đó lên gấp đôi, gấp ba thì cũng chưa đáp ứng được. Có vẻ như về các dịch vụ y tế, ngành Y và chính quyền các cấp đã nhìn thấu vấn đề và đang tháo gỡ dần một cách đúng hướng. Sự bất cập là do quá tải, lực bất tòng tâm, chứ không phải vì sai đường, hoặc vòng vo, luẩn quẩn.

Trong lúc đó, việc đảm bảo các nhu cầu dân sinh, nhất là về lương thực, thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu thì rõ ràng đã bộc lộ quá nhiều vấn đề, lúng túng, luẩn quẩn, hiệu quả kém. Nói thẳng đây là lỗi của chính quyền các cấp. Trong dịch bệnh nhu cầu về dịch vụ y tế tăng, nhưng nhu cầu về cuộc sống hàng ngày chắc chắn không tăng, thậm chí giảm. Vậy thì tại sao lại không đáp ứng được?

Tại các giải pháp đưa ra không hợp lý. Giải pháp không hợp lý vì nó dựa trên cách tiếp cận sai từ phương pháp luận. Lâu nay việc đáp ứng nhu cầu dân sinh là do thị trường đảm nhiệm. Về lương thực, thực phẩm, gas, xăng dầu… đã hình thành một hệ thống chợ, siêu thị và các cửa hàng. Khi dịch bệnh phát sinh, thị trường đã tự điều chỉnh theo hướng tăng dần dịch vụ online, vừa giảm đi lại, vừa giảm tiếp xúc trực tiếp. Các đội quân shipper, grap, với sự trợ giúp của công nghệ đang dần trở thành lực lượng tinh nhuệ, thiết yếu, nhất là ở các đô thị.

Lẽ ra, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần giãn cách xã hội hoặc cách li, chính quyền phải tìm cách để cho hệ thống thị trường đó hoạt động mà vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch, ví dụ như 5K. Thế nhưng, nguyên tắc thị trường đã bị vi phạm. Các nguồn cung ứng không đến được chợ, siêu thị. Đến lượt nó, chợ bị cấm còn siêu thị không được trực tiếp bán cho dân, kể cả online. Các giải pháp công nghệ đã hình thành, giúp kết nối giữa cửa hàng với khách hàng cũng không được trong dụng nữa.

Đội ngũ shipper chuyên nghiệp bị đặt ra ngoài vòng chiến đấu. Dường như chính quyền muốn thay thị trường để cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho dân. Chính quyền định thay thị trường bằng cách nào? Phải chăng bằng khẩu hiệu “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”?

Thế nên, thoạt đầu là cán bộ, công chức các phường, xã đi chợ hộ cho dân. Sau đó thay bằng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Có người ví lúc này Chủ tịch MTTQ chẳng khác gì “trưởng ban quản lý chợ đầu mối”. Sân Ủy ban phường chất đầy rau củ quả để phân phối về các khối xóm. Shipper chuyên nghiệp được thay thế bằng “shipper áo xanh” và những đội quân tình nguyện khác. Các ông bà tổ trưởng dân phố đa phần là người cao tuổi, sức khỏe yếu, kỹ năng công nghệ kém được phương án của thành phố xác định là đầu mối chính để tiếp nhận, tổng hợp và chuyển thông tin lên khối. Khối tôi ở có 15 tổ.

Nếu trước đây 2 cửa hàng Vinmart và Thực phẩm sạch, với khoảng 4 shipper có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu của các gia đình, với cách đặt hàng qua zalo, thanh toán qua điện thoại, không có tiếp xúc trực tiếp, thì nay, nếu theo đúng phương án của thành phố, phải có 15 ông bà tổ trưởng và nhiều shipper nghiệp dư mới đáp ứng được. Số người ra đường và số tiếp xúc không những không giảm, mà ngược lại tăng ít nhất 5 lần.

Rõ ràng không những mục tiêu giảm số người ra đường và giảm tiếp xúc trực tiếp của giãn cách xã hội không đạt được, thậm chí ngược, mà chất lượng, hiệu quả, tốc độ của phương án dịch vụ này cũng không ổn. Chỉ thấy trên TV, trên báo chí là rộn ràng với rất nhiều ảnh đẹp về chuyện đi chợ hộ. Những bức ảnh đẹp như chính… thành tích của chúng ta vậy!

Một vài ngày nữa thôi, đợt giãn cách 16+ này cũng sẽ hết, nhưng dịch thì chưa hết, và không ai dám nói sẽ không có đợt giãn cách khác. Vậy nên, mấy ngày tới đây chính quyền hãy lắng nghe người dân, lắng nghe các bà nội trợ, lắng nghe các bà tiểu thương, các chị siêu thị, các chú shipper, để vận hành thị trường một cách tốt hơn, chứ không phải là cấm đoán hay làm thay thị trường. Rút kinh nghiệm từ những lúng túng vừa qua, chính quyền hãy nghe các doanh nhân hiến kế, để hàng hóa vẫn về đến cửa hàng, đến chợ.

Từ chợ, từ cửa hàng hàng vẫn đến được với dân trong điều kiện có dịch hoặc giãn cách xã hội. Hãy đứng ngoài mà quan sát, mà nhận xét để tổ chức thị trường tốt hơn trong điều kiện dịch bệnh. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc” không phải là đưa cán bộ công chức, bộ đội, hay hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên đi chợ hộ cho dân. Càng không phải biến chủ tịch MTTQ thành “trưởng ban quản lý chợ đầu mối”.

Trong ngữ cảnh cụ thể này, đứng ngoài một cách tỉnh táo và thông minh để tổ chức thị trường vận hành thông suốt, mới chính là… vào cuộc!

Phạm Xuân Cần

XOAY NHƯ ĐÈN CÙ, VÌ SAO ?

NGUYỄN THỊ HẬU/ BVN 29-8-2021

1. Vì sao Giấy phép đi đường thay đổi liên tục, “giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp” (theo báo Tuổi trẻ) mà không phải là Sở Giao thông hay Sở Công thương – hai cơ quan quan trọng trong việc tham mưu cho UBNDTP về lưu thông và cung cấp hàng hóa trong/ngoài thành phố? Tình trạng này làm cho nơi cần người cần thì không kịp nhận mẫu giấy mới, không có giấy thì không thể đi đâu, trở ngai cho nhiều việc nhiều người. Mà có cần phải in mới, in đẹp để tốn kém thêm như vậy ko?

2. Việc đi chợ giùm: Xin khẳng định ngay tôi vô cùng quý trọng bộ đội cũng như các anh chị công tác tại phường đã không quản ngại nguy hiểm, kể cả sự phức tạp nữa, để lo bữa ăn cho người dân. Nhưng đây là lực lượng mua bán và vận chuyển hàng hóa không chuyên nghiệp, có năng lực làm công việc khác phù hợp và hiệu quả hơn, sử dụng vào việc này rất phí phạm, có nguy cơ lây bệnh cao, làm giảm sức “chiến đấu” khi cần thiết. Cũng phải nói rằng, chuyện đi chợ nếu không có những chỉ thị “đùng một cái” thì dân đâu có bất chấp nguy hiểm để xếp hàng mua thực phẩm. Cho nên chỉ cần hàng hóa được lưu thông và tương đối đầy đủ, thì việc chợ búa đâu có gì phức tạp, sao biện pháp cứ phải “xoay như đèn cù”?

Vì sao không tổ chức bán hàng lưu động đến từng khu phố, từng hẻm bằng những xe bán tải hoặc xe bus nhỏ, các hộ gia đình mua theo phiếu hẹn ngày/giờ, đồng thời thực hiện giãn cách và các biện pháp 5K khác? Thậm chí, như ở nhiều nước khác, đóng cửa siêu thị, cửa hàng, chợ lớn, nhưng có thể cho mở các cửa hàng nhỏ bán bách hóa, thức ăn mang về, cũng thực hiện đúng 5K... Hiện nay dồn toàn bộ việc cung cấp thực phẩm (chủ yếu, sau đó là lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khác) lên vai quân đội và cán bộ phường, tạo nên “tình trạng quá tải các đơn hàng ở siêu thị” đồng thời nhiều nơi dân phải chờ 2, 3 ngày hoặc hơn mới nhận được hàng mua giùm;

3. Những ngày trước lực lượng sipper chuyên nghiệp đã giải quyết việc lưu thông khá tốt, ngay cả khi chỉ cho giao hàng trong nội quận. Vậy vì sao không tiếp tục phương án này – có thể giảm bớt số lượng – mà lại chấm dứt ngay. Để rồi phải thành lập Đội hình tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận và phân phối hàng hóa đến người dân khó khăn (gọi tắt là đội shipper tình nguyện). Theo đó, đội shipper tình nguyện với số lượng 700 thành viên gồm: sinh viên, thanh niên tình nguyện, tài xế các hãng xe công nghệ... (tin từ báo Thanh Niên). Tức là thay thế đội ngũ có sẵn bằng một đội ngũ khác, chắc chắn tổ chức và vận hành không linh hoạt và hiệu quả như trước.

4. "Nhiều phường ở TP.HCM phản ánh có tình trạng người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ. Khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không".

Thông tin này được ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ trong Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 26/8 (tin từ Zing). Xin hỏi lại: việc này có thật hay không? Nếu có đề nghị nêu tên người “bom hàng” và đề nghị địa phương xử lý, vì đây là “hành vi cản trở người thi hành công vụ”. Nếu không có việc này thì ai phản ánh sai có bị phạt như việc “phao tin giả” hay không, vì đã tạo nên những dư luận không tốt về người dân TPHCM?

5. Việc Sở Nội vụ đề xuất việc cán bộ công chức đi lại trong những ngày này phải mặc “đồng phục nhận diện” là một việc làm hoàn toàn không cần thiết, tốn kém, gây phiền phức cho các cơ quan đơn vị. Bởi vì đã có giấy đi đường (hoặc giấy phép, giấy công tác, thẻ công chức, thậm chí cả tin nhắn trong điện thoại nếu có việc đột xuất...). Lại thêm một kiểu “thừa giấy vẽ voi”!

Đây là những giải pháp “đúng mà không trúng” vì sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu, sửa đâu sai đó, đâu đó sửa sai... Không biết nơi nào và TẠI SAO lại tham mưu cho chính quyền những “giải pháp” như trên góp phần làm cho tình hình thành phố đã rối càng thêm rối?

N.T.H.

Nguồn: FB Hau kc Nguyen

VẪN ĐỀ RẤT NÓNG Ở SÀI GÒN: SỨC CÁN BỘ,  NHÂN VIÊN CƠ SỞ 

ĐANG DẦN KIỆT

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 29-8-2021

Dịch kéo dài ở Sài Gòn đã kéo theo một hệ quả khó lường trước, không chỉ sức dân nghèo không chịu nổi mà cả sức cán bộ, nhân viên cơ sở của phường xã với đồng lương nhà nước rất thấp cũng quá ngưỡng chịu đựng.

Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng

Một khi lực của đa số cán bộ nhân viên cấp cơ sở, lực lượng gần dân nhất cũng suy yếu thì kế hoạch 312 phường xã là 312 pháo đài chống dịch và cứu đói dân nghèo khó mà thực hiện được.

Chính phủ phải khẩn cấp mở kho tài chính để hỗ trợ ngay tầng lớp cán bộ nhân viên cơ sở cùng gia đình họ xưa nay đồng lương vốn rất thấp.

Nếu cán bộ, nhân viên công lực cơ sở phường, xã, tổ dân phố không còn sức, tất nhiên họ không thể là chỗ dựa cho dân, không thể là cái phao an toàn cho dân được.

Rất nhiều dân nghèo ca thán 6 ngày cách ly rồi chưa hề thấy cán bộ nhân viên địa phương đến cứu giúp họ. Và có cả nhiều trường hợp dân bị F0 gọi cho phường xã không nhận được hồi âm.

Lý do có nhiều nhưng không thể không nói một trong lý do chính là thực sự sau 2 tháng chống dịch hệ thống cơ sở đã quá mỏi mệt, kiệt sức.

Chính phủ và Ban Chỉ đạo chống dịch Quốc gia và Thành phố phải xốc lại lực lượng chính chống dịch đang trực tiếp giúp dân nghèo, bằng nhiều biện pháp cấp bách về kinh tế, sức khoẻ, tinh thần.

Nếu không, vâng, nếu không, sẽ có những làn sóng bất an trong tầng lớp dân nghèo ở Sài Gòn khi họ cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến những phản ứng khó lường.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

ĐI CHỢ HỘ CHO GẦN 2 TRIỆU 200 NGÀN HỘ DÂN TPHCM ?

VŨ KIM HẠNH/ BVN 29-8-2021

Trang FB của Tung Hoang (chủ tịch TP Thủ Đức) hôm qua có đưa tin: TP. Thủ Đức phối hợp cùng Grab để đi chợ và mua giúp hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân.

Trong đầu tôi bỗng bật nhanh khúc phim “đi chợ hộ” (làm nghề phân phối nên tôi cũng có biết và cũng thường tổ chức huấn luyện cho DN nhỏ mà).

Chỉ hai ngày sau “quyết định giãn cách nghiêm ngặt 238” đã thấy Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng: còn quá ít đơn đặt hàng đi chợ hộ và cần thêm combo y tế. Vâng, đến lúc đó, chỉ có 3 đến 4% số hộ dân TPHCM gửi đơn nhờ đi chợ. Phản ánh đầu tiên là: giá hàng siêu thị còn cao, tổ chức combo chưa phù hợp và thiếu thuốc.

Đến hôm nay, sau 5 ngày thì đơn đặt hàng đi chợ hộ đã tăng như chỉ đạo, thì đây là tựa nhỏ (tóm nội dung) của 2 bài báo tiêu biểu: “Hàng chục vấn đề phát sinh khi triển khai “đi chợ hộ”, đặt combo hàng hóa khiến nhiều người dân cũng như hệ thống phân phối bối rối, lúng túng.” và: “Không đơn giản như kế hoạch, việc đi chợ hộ ở TPHCM đang tắc từ đầu vào lẫn đầu ra. Lượng đơn đặt hàng đang dồn ứ tại các siêu thị ngày một nhiều bởi nhân lực vận chuyển đang rất hạn chế và việc phối hợp với các địa phương vẫn còn rối”.

Tôi lật lại tài liệu riêng mà tôi lưu đúng ngày 23/8 để nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu huấn luyện về bán lẻ - phân phối sau dịch. Đọc lại thấy cũng sinh động vui vui, tôi đưa lên đây các bạn đọc chơi:

Hai người bạn tôi quen có đề cập trên một trang Facebook về việc GRAB tình nguyện giúp việc đi chợ hộ như sau (các ý kiến, tôi đều ghi nguyên văn, không ghi tên người có ý kiến vì coi như ghi nhận từ một diễn đàn công cộng):

Ý kiến 1: “Grab đề xuất hỗ trợ miễn phí công việc này cho các đơn vị quân đội bằng nền tảng công nghệ và lực lượng shipper”

Grab đã gửi đề xuất cho TP HCM. Grab không đặt vấn đề thay thế các bộ phận mua hộ của chính quyền ở các phường, mà xin làm chân, làm tay cho họ trong việc mua hộ, để công việc hiệu quả hơn khi có ứng dụng công nghệ và lực lượng chuyên nghiệp. Đây là đề xuất hỗ trợ MIỄN PHÍ của Grab, như một hoạt động thiện nguyện giúp thành phố chứ không phải kinh doanh

Sau khi có các phản ứng không đồng tình thì bạn tôi viết tiếp:

Người ta thấy các bộ phận mua hộ làm việc vất vả thì đề xuất được giúp. Nếu không cần thì nói cám ơn, chúng tôi không cần. Chứ nói: “nên cấm Grab” hay "cấm Grab là đúng" nghe rất buồn cười. Chả ai lại bảo người đề xuất giúp mình là TÔI CẤM ANH GIÚP cả, thật ngớ ngẩn (xin lỗi).

Ý kiến 2: Các bạn ơi, mình dân quản lý kinh tế nên tin vào hiệu quả bàn tay vô hình của thị trường, miễn Nhà nước biêt kiến tạo. Vấn đề là chúng ta không có được sự kiến tạo. Dân nghèo và shipper đang chết đói, tại sao không cho họ tiêm nhanh và để họ làm chuyên môn? Cái gì cũng cần chuyên nghiệp. Shipper, Grab, Tiki…Họ có cầm súng dọa "tàu lạ" đâu!

Và đây là những ý kiến không đồng thuận với đề xuất công ty dịch vụ xin giúp miễn phí:

“Việc này, tôi nghĩ có mấy vấn đề. Thứ nhất là kỷ luật. Thứ hai, là vướng luật cạnh tranh. Thứ ba là sự tin tưởng. Vấn đề cốt lõi của TP bây giờ nằm ở cảm xúc của người dân, chứ không chỉ ở hiệu quả của công việc đi chợ hộ.

Người dân TP có thể vì thương và tin yêu bộ đội mà chấp hành nghiêm túc hơn, và sẵn sàng tha thứ cho các chiến sĩ khi có gì sơ suất. Nhưng với nhân viên Grab thì không chắc. Chưa kể có khi còn bị những thế lực cạnh tranh quấy phá”.

“Quân đội không chỉ mua hộ dân thực phẩm, mà còn cấp miễn phí túi quà cho những gia đình khó khăn. Để thực hiện cùng lúc 2 công việc ấy họ đã tổ chức ra 336 đội...bám sát dân theo địa lý, làm sao grab làm được. Đâu chỉ có mua hộ, họ còn làm nhiệm vụ phát túi thực phẩm cho những gia đình khó khăn, không có tiền mua. Thử hỏi ai được tin cậy và làm tốt việc này hơn quân đội” (xin chêm một ý ở đây: Sài Gòn có hằng hà tổ chức thiện nguyện giúp dân nghèo vì thương nhau, vì muốn chia sẻ, họ làm mọi thứ “êm” lắm, đọc đến đây cũng hơi chạnh lòng, dù chỉ nhẹ thôi, tôi tin chính các anh bộ đội không nghĩ thế).

“Quan trọng là đề cao tính kỉ luật quân đội: mọi người phải nghiêm túc cách ly người với người, việc sinh hoạt hàng ngày sẽ có người lo. Quyết tâm như vậy mới thắng được Covid. Riêng niềm tin phát túi lương thực thực phẩm miễn phí cho dân nghèo thì quân đội có niềm tin cao nhất, grab, shipper không ai tin giao làm việc này cả.

Thế chả nhẽ tồn tại 1 đội làm 2 việc riêng.

Bạn nói bạn là dân kinh tế, bạn tính hiệu quả và chi phí 2 cách làm đi”.

“Nên nhớ nhé, không ai chết đói cả vì lương thực, thực phẩm được cung cấp đến nhà từng ngày (khỏi phải đi chợ). Chỉ là thiếu rượu và mồi thôi. Vì thế mới mong mọi người chia sẻ chịu khổ thêm 2 tuần để giải quyết triệt để dịch bệnh này.

Hết trích.

...Và thực tế đang cho chúng ta thấy: có những ý kiến không chú ý khía cạnh chuyên nghiệp trong quản lý chuỗi cung ứng, một việc tưởng bình thường: đi chợ thôi mà. Thú thật là thấy các em, cháu bộ đội trẻ, chăm, tận tụy bị lúng túng, tôi có hỏi anh giám đốc vận hành Trung tâm BSA hiện nay, nguyên là giám đốc vận hành cả chuỗi siêu thị Auchan là: hay để tôi qua xin các anh lãnh đạo Quận 3 để cho mình làm vài buổi huấn luyện bộ đội về chuyện chuyên môn đi siêu thị và phân phát hàng nhé.

Tôi được trả lời: cô liên lạc được là cháu sẵn sàng, bài chỉ là tuồng bụng. Nhưng cần nhân sự chuyên môn, học vài buổi không thay được nhân viên siêu thị và shipper chuyên nghiệp cô ơi. Mà không biết có được phép không cô...

Nay thấy anh chủ tịch TP Thủ Đức “xử” nhanh. Thủ Đức gồm 3 quận, còn trăm thứ việc cấp bách hơn mà nếu cứ lo xử kiện việc "đi chợ hộ" thì bộ máy chính quyến chắc còn mệt.

Xin chúc mừng anh.

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét