Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

20210824. BÀN VỀ KHÁI NIỆM 'DANH DỰ'

    ĐIỂM BÁO MẠNG


TỔNG BÍ THƯ: TIỀN BẠC LẮM LÀM GÌ, DANH DỰ MỚI LÀ ĐIỀU 
THIÊNG LIÊNG CAO QUÝ!

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP/ TTXVN/ DT 11-8-2021

Dân trí

 "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo, gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã khai mạc vào sáng 11/8. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo, gợi mở, định hướng và giao nhiệm vụ cho Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta, sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, hiệu quả: "Trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt". Đây là sự phối hợp rất cần thiết, nhịp nhàng, bài bản, đạt kết quả tốt đẹp, nên duy trì theo kinh nghiệm này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những thành tựu đạt được của Chính phủ trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta - nhân tố quyết định để Chính phủ hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chính phủ các khóa đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để cụ thể hóa và thể chế hóa thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Chính phủ.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới. Chính phủ tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn", vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Quán triệt thật sâu sắc các vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026. Ảnh: Trí Dũng -TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần phải luôn luôn quan tâm nghiên cứu, nắm chắc và quán triệt thật sâu sắc các vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, có tính nguyên tắc rất quan trọng đã được thể hiện trong Cương lĩnh, đường lối cơ bản của Đảng ta về cách mạng nước ta.

Về phát triển kinh tế: Mô hình kinh tế đang xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. 

Về phát triển văn hóa, xã hội: Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. 

"Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và xác định phát triển văn hóa đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội cũng là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh theo đúng phương châm: "phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh.

Sớm cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Quân đội và Công an phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau như hai cái cánh của một con chim trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và giữ gìn trật tự an ninh của Tổ quốc...

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nâng cao năng lực hội nhập, nhất là cấp vùng và địa phương, doanh nghiệp; tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy. Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân, đóng góp thiết thực vào việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh

Về xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác này, thực hiện nghiêm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng. Tránh tình trạng chỉ lo công tác chuyên môn đơn thuần.

Đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài".

Chú trọng hơn nữa đến việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ; xây dựng có cơ sở khoa học và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch công tác, dành thời gian thỏa đáng cho việc tập trung nghiên cứu, xem xét, xử lý một cách căn cơ, bài bản, dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, tránh hình thức, phô trương, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị này với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây".

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư", thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp. Đừng "nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các đề xuất đổi mới đúng đắn, hợp lý phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì sai thì phải kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, sửa chữa, rút kinh nghiệm, thực hiện phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn; không được "dĩ hòa vi quý".

Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng".

Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, dày dạn kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan trực thuộc Chính phủ; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ nhiệm kỳ này nhất định sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua.

Nguyễn Hồng Điệp

TTXVN


THƯ NGỎ GỬI ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG

LÊ QUẢNG HÀ /TD 17-8-2021


Bằng trách nhiệm công dân, tôi có mấy vấn đề cần trao đổi thẳng thắn với ông:

Giả sử ông đau đớn thực sự khi phải nói ra câu đó nhằm ám chỉ các đồng chí của ông. Khi cả hệ thống đã trở lên thối nát bởi thói tham lam của những con bạch tuộc do cơ chế tạo nên, đã và đang hút cạn máu dân và tài nguyên đất nước.

Từ đâu mà đồng tiền trở lên dơ bẩn và danh dự bị đánh mất?

Tôi nghĩ không khó để ai đó nhận ra chính các ông là tác giả và cũng là thủ phạm tạo ra tấn bi hài này cho dân tộc! Không lẽ ông giả vờ vô can?

Vậy tôi xin được hỏi ông: “Danh dự” từ đâu mà có?

Danh dự được dựa trên nhân phẩm và ý thức về lòng tự trọng của con người mà có!

Cả hai thứ này, đã bị các ông tước đoạt bằng nỗi sợ hãi và chính sách ngu dân từ lâu rồi. Giờ ông gào lên có ích gì?

Tôi tin ông chẳng quan tâm đến danh dự của Nhân Dân đâu, khi bao con người ngay thẳng trọng danh dự, các ông đều đã vùi dập và bỏ tù.

Cái danh dự mà ông hô hào chắc là cho các đồng chí, các nhà tư bản đỏ thân hữu trong cái đảng của ông mà thôi!

Vì sao ra nông nỗi này?

Bởi các ông duy trì sự thống trị bằng phương pháp bần cùng hóa Nhân dân cả về vật chất và tinh thần do chính sách ngu dân mang lại.

Chỉ đến khi khối XHCN của các ông sụp đổ cùng cái thời kỳ bao cấp không lối thoát đã đẩy người dân đến tột cùng của sức chịu đựng. Khi đó các ông mới buộc phải cởi trói về kinh tế để người dân tự cứu sống mình và cũng là để cứu vãn cái chủ nghĩa hoang tưởng mà các ông áp đặt cho dân tộc này.

Một xã hội đã bị bần cùng hóa cả về vật chất và tinh thần với một nền tảng dân chí thấp do chính sách ngu dân mang lại như vậy. Cái gì sẽ xảy ra khi đứng trước chủ nghĩa tôn thờ vật chất sơ khai mà các ông vừa thả ra đó? Đương nhiên hậu quả của nó phải là một xã hội của hoang thú với lừa lọc, giành giật chà đạp lên tất cả các giá trị đạo đức ít ỏi còn lại, trong đó có cả cái danh dự mà ông vừa nhắc đến đấy!

Hơn thế nữa chỉ vì muốn độc quyền cai trị vĩnh viễn dân tộc này. Ngay lúc đó các ông lập tức giải tán 2 cái đảng Dân chủ và Xã hội của giới trí thức, mà thực ra cũng chỉ là quân xanh bù nhìn của các ông. Hòng triệt tiêu nốt những tiếng nói phản biện yếu ớt cuối cùng của vài con người còn đủ phẩm giá để trọng danh dự.

Vẫn chưa yên tâm về cái ngai vàng quyền lực, các ông tiếp tục cưỡng hiếp Hiến pháp bằng điều 4 một cách thô bạo. Như đeo thêm gông trên cổ một dân tộc vốn đã ốm yếu.

Đó không chỉ tạo quyền lực tuyệt đối cho các ông cai trị dân tộc này, mà nó chính là cơ hội tuyệt vời cho những con bạch tuộc là những nhà tư bản đỏ, hay nói một cách văn hoa là giới tư bản thân hữu sân sau của các đồng chí ông độc quyền lũng đoạn, vơ vét tài sản công và tàn phá đất nước.

Chính các ông đã tạo ra những con quái vật đang từng ngày hút cạn máu dân và tàn phá đất nước này?

Các ông chính là thủ phạm chứ không ai khác!

Thưa ông Trọng, ông hô hào danh dự gì trên một nền tảng giáo dục tăm tối mê muội?

Ông hô hào danh dự gì khi chính lịch sử cũng bị các ông bóp méo tẩy xóa?

Ông hô hào danh dự gì cho một chính quyền giả dối vô trách nhiệm?

Ông hô hào danh dự gì? Khi ông xua quân đàn áp những con người còn đủ phẩm giá giám bảo vệ danh dự?

Danh dự chẳng thể xây dựng trên một nền tảng giả dối và sợ hãi!

Thế nên những gì ông nói chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng giả dối, mị dân và vô trách nhiệm.

Kính thư!

Lê Quảng Hà

BÀN VỚI TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỀ HAI CHỮ DANH DỰ

NGUYỄN KHẮC MAI/ TD 22-8-2021

Gần đây, trong cuộc họp Chính phủ, TBT Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu dài và có những ý quan trọng. Vì tôi cho là quan trọng nên muốn góp với anh vài ý mọn.

Vấn đề Danh Dự như anh nói, theo tôi đúng là quan trọng rồi, vì nó cần thiết cho mỗi người Việt và cố nhiên cả nhân loại để biết sống trên/ trong cõi đời này. Hơn nữa lại rất cần (như mong ước của Dân tộc, nhưng không chắc có là mong ước của những người cầm quyền lớn bé hay không). Vì có những người cộng sản hiện nay không cần danh dự vì thế vấn đề càng trở nên cấp thiết.

Tôi nhớ, anh đã từng mời tôi hợp tác trong đề tài: Luận cứ khoa học để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong thời kỳ mới. Bấy giờ tôi đã góp với anh nhiều ý gay gắt mà anh cũng đồng tình. Ví như tôi đã trình bày rằng, chính sách tiền lương không những lạc hậu mà còn là tội ác. Tuy nhiên khi về đánh máy bản tham luận để nộp, tôi nghĩ không nên ác khẩu, nên đã sửa lại là “tội lỗi”. Có vẻ như anh cũng đồng tình nên đã ghi lại ý này trong sách của anh xuất bản.

Bây giờ xin đi vào mấy ý. Câu nói của anh mà tôi chú ý: “Những ai có tư tưởng này thì dẹp sang một bên, cho người khác làm. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Cái gọi là “tư tưởng này” là tư tưởng sống, làm việc, lãnh đạo chẳng cần chú ý đến danh dự làm gì, mà bây giờ anh hốt hoảng la trời lên, thôi rồi, nó đâu rồi, sao lại để trở nên thảm hại như vậy!

Bây giờ thấy mà kêu lên cũng tốt nhưng vô nghĩa. Cái chính là phải hiểu nó là gì, không phải chỉ hiểu cảm tính, mơ hồ đại khái mà phải nghĩ được như đức vua Trần Nhân Tông trong bài “Cư trần lạc Đạo phú”, khẳng định rằng: “Cùng nơi ngôn cú”, nghĩa là trong câu chuyện của tư duy khoa học, tư tưởng, triết lý (ngôn cú) thì phải đi cho đến tận cùng của cả hai chiều, đầu ngọn nguồn và cuối cùng của cứu cánh, kết quả, kết thúc…

Như vậy, danh dự nghĩa là gì, danh dự của ai? Ở đây anh muốn nói đến danh dự của người cộng sản, hơn nữa là của đội ngũ công chức, công bộc trong chính phủ, từ anh trưởng phường cho đến anh Thủ tướng.

Làm gì để hình thành danh dự, để nuôi dưỡng danh dự, để không đánh mất danh dự. Lại còn là vấn đề danh dự của một người, danh dự của một cộng đồng, như của một chính đảng chẳng hạn, một dòng họ, một doanh nghiệp… một dân tộc. Danh dự của một người là quan trọng mà của một chính đảng như đảng Cộng sản VN, hơn nữa của cả Dân tộc lại còn quan trọng gấp bội.

Làm sao mà lãnh đạo ngót cả trăm năm lại để cho đảng cộng sản rớt giá thảm thương như vậy, để cho dân tộc này phải cắp rá ăn xin thời Việt Nam DCCH, phải đi làm ô-sin khắp chốn như hiện nay. Đâu rồi danh dự của dân tộc? Đâu rồi danh dự của Đảng? Ai làm mất, ai đánh mất, ai không biết giữ gìn? Tội lỗi đầy mình. Tôi có cảm giác như anh chưa đủ một sự sám hối. (Nam mô cầu Sám hối Bồ Tát).

Bàn về danh dự của Đảng, của Dân tộc xin để sau. Bây giờ nói tới danh dự của một con người đã. Danh dự là gì? Trong những từ và tự điển mà tôi biết thì dự, trong danh dự có nghĩa là tiếng khen. Nó là sự thẩm định của xã hội đối với một người. Danh dự không có cao thấp, mà chỉ có sắc thái khác nhau.

Như danh của anh là Trọng lại là TBT, còn tôi là Mai, là ông già về hưu nơi Ô Đồng Lầm, Hà Nội. Chỗ khác nhau là anh có chức tước, tôi thì không. Không có cao thấp, nhưng có khác. Vì anh phải mang thêm cái danh dự của Tổng bí thư. Nếu cứ để đảng suy đồi như hiện nay, để xã hội suy thoái, để hệ thống công quyền cả gan biến thành tư quyền mà dân không làm gì được thì danh dự TBT “đã” mất (không phải “sẽ”).

Đúng như anh nói, danh dự là cao quý là thiêng liêng. Nó là cái phẩm giá của một con người. Ông cụ Hồ thế mà dí dỏm từng nói “đừng tưởng cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà khiến người ta sợ”. Bây giờ thì người ta vừa sợ vừa khinh.

Hệ thống xã hội mới của ta quá nhấn cái danh mà thường bỏ quên các thực. Nào là nhân dân, nào ưu tú, nào anh hùng, nào chiến sĩ, loạn cào cào. Danh dự là cái chiều sâu lặn bên trong như cái gen của văn hóa, nó như cái cốt sắt của bê tông. (Nhưng ở Việt Nam và Trung Hoa lấy tre làm cốt).

Có lần tôi phê bình Trường Nguyễn Ái Quốc, ở đây không dạy đạo đức. Họ cãi, họ đã dạy trong hình thái ý thức xã hội. Tôi bảo không đúng và không đủ. Phải dạy đạo đức công vụ, nghề nghiệp, đạo đức lãnh đạo, đạo đức kinh tế… Người xưa rất coi trọng cái thực chất.

Khi tôi về làng Tó Tả, Thanh Oai, vào thắp hương nhà thờ cụ Ngô Thì Trí, em ruột cụ Ngô Thì Nhiệm, thấy câu đối: “Hương lý xưng thiện nhân tư vinh túc hỹ/ Gia trung hữu hòa hiếu hà lạc như chi”. Nghĩa là: Làng xóm khen là người tử tế, vinh dự ấy đủ rồi. Trong gia đình hòa hiếu thì có niềm vui nào hơn.

Nó là cái gen lặn của văn hóa. Anh nói đúng, đừng thấy đỏ mà tưởng chín. Xã hội ta hiện nay rất đỏ, đỏ lòm mà văn hóa, đạo đức nhất là văn hóa đạo đức của giới lãnh đạo lại rất sống sượng! Làm sao nó có thể là rường cột của nước nhà được đây! Phải tìm danh dự trong văn hóa. Mà xây dựng văn hóa không thể một sớm một chiều, nhất là muốn hô khẩu hiệu, nói đạo đức suông mà được.

Bây giờ phải lần tìm những cái duyên, tìm cho ra cái nhân mới biết cái quả đắng mất danh dự từ đâu. Người Nga quả không đến nỗi lú. Họ từng chủ trương Perestroika, làm lại. Nhưng hóa ra không đơn giản như vậy. Ta hô hào Đổi Mới, nhưng trống xuôi kèn ngược, nửa vời, tiếng kèn ngập ngừng.

Ví dụ nhãn tiền là sự cố ở Đại học Duy Tân. Nói là duy tân nhưng hành xử rất hủ lậu. Duy tân hành xử, nhưng bàn tay thọc vào chỉ đạo là ở nơi khác. Ông Thủ tướng mới thì hô hào ở Chính phủ phải tôn trọng phản biện, lắng nghe ý kiến nhân dân, mà một cô giáo chỉ nói đôi điều cảm khái về chính sách an sinh, liền bị đuổi dạy. Đáng trách là các anh không có ai lên tiếng điều chỉnh, cái thói xấu bảo hoàng hơn nhà vua ấy. Cũng là chuyện danh dự cả thôi.

Trong trường hợp này ít ra là các anh đã lạc hậu đến ba ngàn năm. Nhân vì cái Cô Vy chết dẫm mà tôi phải trói chân ở nhà, bèn nhớ lời Nguyễn Trãi, Cấp giản, phanh trà  độc cựu thư. Tôi không kín nước suối để pha trà, mà hứng nước mưa ở đợt sau để có nước không bị axit phanh trà và đọc sách xưa.

Sách Đông Chu liệt quốc có chuyện Thương Ưởng giúp Tần Thủy Hoàng dùng luật pháp để trị dân. Để cho dân tin là ổng làm thật, ổng bèn lập mẹo cho để cây gỗ lớn ở cửa bắc và yết, hể ai vác nó sang cửa phía nam sẽ được thưởng lớn. Một người thử vác xem sao. Quả nhiên ông thưởng cả chục lượng vàng. Dân tin ông nói được làm được, biến pháp được thi hành. Nếu các anh không có ý kiến lại, không ai tin những gì các anh nói.

Những thế hệ đảng viên làm cán bộ, làm công chức lớp sau này, họ lại tham lam tàn nhẫn như vậy, trở thành cả một bầy sâu, cái gì cũng ăn. Mà cái ăn bẩn thỉu nhất, đồi bại nhất, thất đức nhất, là ăn chính trị, ăn thể chế, ăn ghế, ăn quyền lực.

Ngày xưa vua Việt vương Câu Tiển phải ăn cứt của Ngô Phù Sai là để trả thù, tìm cách giành lại nước, nay tuy ăn những thứ sang như chức tước bí thư, chủ tịch, viện trưởng, nghị sĩ… nhưng lại là giúp Tàu Cộng, làm suy đồi đất nước ta để chúng dễ bề thao túng.

Anh nêu hai ý mà tôi thấy đúng và tâm đắc. Một là phải chăm lo cho cái danh dự của đám quan chức to nhỏ khác nhau của đảng. Có làm được hay không là chuyện khác. Nhưng nói như Lỗ Tấn, hy vọng giống như con đường, cứ đi khắc thành đường. Nếu anh không vãn hồi được, cứ giao cho Dân, vì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây là ý trong một câu vè của Thanh Tịnh, làm ở Quảng Bình, cụ Hồ dùng lấy, thành ra của cụ.

Phải thay đổi thể chế. Phải có một thể chế Dân chủ để Dân được là chủ, họ sẽ biết cách buộc đám quan lại mất tư cách phải đi tìm danh dự để làm việc, nếu không tôi sẽ đuổi anh ra một bên, để người khác làm. Đây là điều thứ hai mà tôi khen anh, anh đáng được như vậy. Trong tiếng Pháp, chữ danh dự có nguồn ý nghĩa tữ chữ digne, đáng giá, đáng được, (khen ngợi, xưng tụng).

Cái câu anh nói “Dẹp sang một bên cho người khác làm” tôi cho là một thông điệp, một tuyên bố, phải biến nó thành một chủ trương, thành đường lối chính trị, chớ để nó chỉ như là một khẩu hiệu dân túy mỵ dân!

Đánh động vấn đề danh dự, lo cho cái danh dự, bồi dưỡng, giữ gìn cái thiêng liêng quý báu nhất. Đúng rồi. Anh không tìm được danh dự để làm việc, anh tự gạt mình ra, mà thể chế mới của Dân, sẽ sẵn sàng dẹp anh sang một bên cho người khác, là những người biết quý trọng danh dự của mình, còn biết trọng cái danh dự của đảng, của nhà nước của Nhân dân. Hay lắm, thật digne để bàn, để khen ngợi.

Như ông Liệt ninh (Lenin) nói, Que Faire (*), làm gì ?

Ở tầm xa, chiến lược phải sửa sang cái Văn hóa, coi trọng nó, nuôi dưỡng nó, chấn chỉnh nó. Phải thay đổi cái tư duy cái não trạng sai lầm méo mó về văn hóa. Cái tinh túy, cái chất tủy của văn hóa phải nằm trong phương châm bốn chữ: Chân, Thành, Tín, Mỹ. Cả bốn yếu tố này trong mọi bình diện văn hóa hiện nay đều bị vi phạm. Trong chính trị, trong kinh tế, khoa học giáo dục, đạo đức lối sống xã hội, gia đình, cả trong tôn giáo, nhiều điều của chân, thành, tín mỹ đều bị xáo trộn. Không phải ngẫu nhiên mà cả dân gian, cả trí thức đều lo phiền. Dân gian thì u mua (chúng ta đang ở vào thời kỳ văn minh đồ đểu…), còn nhà thơ thì “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”.

Trong tầm gần, mà cũng có ý nghĩa chiến lược là phải gấp gáp sửa đổi thể chế. Các anh đang bàn để sửa đổi một số luật, như sửa luật đất đai, một hệ thống những văn bản luật pháp về một lĩnh vực thiết cốt của dân mà thất đức, vô đạo, kéo dài, gây biết bao tội lỗi, oan khiên chết chóc, thiệt hại cho dân, cho nước vô kể. Liệu nay có dám làm cho tử tế hay không. Chớ để bị chê là hời hợt, như nhận xét của những giáo sĩ phương Tây vào TK IXVII ghi chép rằng: “Người Đàng ngoài (Bắc Việt) vốn có tính hời hợt” (**).

Hãy xác định cho rõ, sửa luật đất đai để làm gi? Phải nhận thức cho rõ: Để Lập Quyền Dân trên lĩnh vực này! Chính ông Mác cũng nói: luật pháp để cho có luật pháp là vô nghĩa. Còn Hồ chí Minh, khi còn trên Việt Bắc từng nói “Ngày nay tư pháp là chuyện làm người và ở đời! Tư pháp của mình có quá nhiều những chuyện áp bức con người và chà đạp cuộc đời”.

Còn “Dẹp sang một bên cho người khác làm”, không chỉ kêu gọi họ, mà là một đạo luật mới chấn chỉnh hệ thống tổ chức công quyền và đội ngũ quan lại công chức. Hãy rút từ quỹ dự trữ một số ngân sách, thiếu thì đi vay thêm để thực hiện chương trình cải tạo lại hệ thống công quyền và đội ngũ công chức. Theo đánh giá của giới nghiên cứu và của xã hội, thì có 30% công chức vô tích sự, họ gọi là ngồi chơi xơi nước, có 30% nói là có việc cũng được, mà không cũng được. Như thế, 30% này chỉ tính ½ là có làm việc. Tống lại chỉ có khoảng 50% được gọi là hữu hiệu.

Trong những cái hư hỏng cũ kỹ mà Hồ Chí Minh nói trong Di chúc, thì hư hỏng cũ kỹ về sự lãnh đạo của đảng là phải đáng quan tâm hàng đầu. Các anh cũng mường tượng ra rằng “kinh tế là trọng tâm. Xây dựng đảng là then chốt”. Nhận thức thế, mà làm thì chớt chát, hình thức, đặc biệt là cái tâm thức về mục đích là không chính xác. Dường như chỉ nhăm nhăm củng cố quyền lực, địa vị của mình cho lâu dài (vạn tuế, muôn năm), mà quên đi cái lý do tồn tại của một chính đảng, của dân tộc là ở chỗ, như ông cụ Hồ nói là để phụng sự dân tộc. (Lại nói), lý do tồn tại của một chính đảng cách mạng là ở chỗ Lập Quyền Dân. Nhân tiện nói luôn về A Phú Hãn. Một chính quyền thối nát, tham nhũng lý do tồn tại là chỉ vì mình, thì quân đông, vũ khí hiện đại, cũng sập tiệm.

Hai bậc tiền bối Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh từng nói với nhau: “Giành được Độc lập rồi mà Dân không có quyền cũng vô nghĩa”. Sau này Hồ Chí Minh cũng mượn ý ấy để nói: “Có độc lập, thống nhất mà dân không được hưởng Tự Do Hạnh phúc thì cũng vô nghĩa!” Một chính đảng lãnh đạo ngót trăm năm, mà không xây dựng nổi một chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân, một chính quyền dân chủ, văn minh văn hóa, tinh gọn và hữu hiệu, digne là rường cột của nước nhà, là nhạc trưởng, chứ không phải kẻ cầm gậy chỉ huy, công cuộc Phục hưng Dân tộc, là có công hay có tội, chắc anh cũng đồng tình với tôi.

Vì thế tôi hoan nghênh anh đặt vấn đề khôi phục cái Danh dự của đảng cầm quyền, của hệ thống công quyền, trước mắt là của đội ngũ những nhà lãnh đạo cao thấp, là đảng viên đang giữ những chức vụ lớn nhỏ.

Hãy làm như khi anh chưa ngồi vào bất cứ ghế quyền lực nào, đi kiếm một kinh phí rồi hợp đồng với chúng tôi xây dựng một Đề án: “Đi tìm Danh Dự bị đánh mất cho Đảng cầm quyền, cho hệ thống công quyền và công bộc của Nước”. Chúng tôi sẽ mời các anh cùng tham gia, mời cả anh chị em ở nước ngoài. Sẽ lập một Hội đồng đủ tư cách để thẩm định, và nhất định có mời nhân dân tham gia trưng cầu ý kiến.

Vấn đề “Saisire le Pouvoir”, Karl Marx có câu nói rất hay, không biết anh đã đọc chưa, tôi xin thưa với anh, Mác đã trao đổi với Bakounine: “Một khi giai cấp vô sản nắm đươc chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một thể chế ủy trị, để cho một nhóm người tự ứng cử và tự bầu cử, nhằm đại diện và cai trị họ (Giai cấp vô sản). Ngay lập tức, họ (giai cấp vô sản) sẽ rơi tõm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, con rối và là con mồi cho những tham vọng mới”. Tôi đọc câu này trong quyển Marx sa vie et son oeuvre của Jean Eleinstein, nhà Fayard Paris xuất bản.

Ông Các Mác đã tiên đoán, cái chính quyền vô sản sẽ đánh mất danh dự như thế nào, từ cuối thế kỷXIX, trước khi chính quyền Xô Viết được thiết lập, rồi chính quyền các nước XHCN Đông Âu, chính quyền cộng sản Trung Hoa, Việt Nam, Cu Ba v.v… ra đời!

Danh dự không dễ bồi dưỡng, nhưng không phải khó tìm. Phật dạy “quăng bỏ dao thì thành Phật”. Bỏ ngay cái hư hỏng, cũ kỹ nhất, thì có thể tức khắc khôi phục được danh dự.

Trong bài Kê Minh Thập Sách của bà Phi hậu của vua Trần Duệ Tông, mà tôi cho là minh triết Trị nước An dân (anh cũng nên tìm đọc, đây là lời dạy của tiền nhân để làm vua, làm chính khách), có sách thứ sáu: “Nguyện cầu trực gián, lệnh thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai”. (Xin cầu lời nói thẳng, khiến cho cửa thành và đường ngôn luận đều rộng mở). Kỳ lạ, người xưa đã nói ngôn lộ (con đường ngôn luận!). Ở lời kết luận Bà viết: “Phục ký sô nghiêu chi quảng nạp. Thiện tất hành, tệ tất khử. Đế niệm kỳ tai. Quốc dĩ trị, dân dĩ an, thiếp chi nguyện dã”. Mong những lời quê mùa (sô nghiêu, là lời kẻ cắt cỏ chăn trâu) được rộng lượng dung nạp. Điều tốt thì giữ lấy để thi hành, điều dở thì bỏ đi. Chỉ cốt là nước được thịnh trị dân được an vui, đó là ý nguyện của thiếp.

Tôi cũng mong mấy lời “sô nghiêu” của kẻ già sắp tới ngả rẽ vô Văn Điển, sẽ ngồi trên nóc tủ nhìn “gà khỏa thân” cũng sẽ được quảng nạp.

Kính chúc anh đặng bình an trong mùa Cô Vy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét