Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

20210804. NHẬN XÉT VỀ QUY CHẾ MỚI ĐÀO TẠO TIẾN SĨ (4)

 ĐIỂM BÁO MẠNG

KHI LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO QUY CHẾ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ, 
KHÔNG AI GÓP Ý ?
XUÂN DƯƠNG /GDVN 31-7-2021

“Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ” (Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 18) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được công bố vào ngày 28/06/2021.

Có ý kiến cho rằng:

“Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới” [1] hoặc

“Quy chế đào tạo mới là bước thụt lùi, cơ hội cho 'các lò' tiến sỹ rởm”. [2]

Vì sao Thông tư 18 lại khiến dư luận - trong đó có không ít Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và một số cựu quan chức quản lý giáo dục bức xúc như vậy?

Xin không bàn luận về nội dung Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18, điều đã được các nhà khoa học mổ xẻ khá kỹ.

Bài viết này dành sự quan tâm đến khía cạnh pháp lý của việc ban hành Thông tư.

Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29/07/2021 cho thấy có mục “Dự thảo Thông tư Quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”. Thời hạn góp ý từ ngày 07/10/2020 đến ngày 07/12/2020 (Hình 1).

Nhấn vào mục “Xem góp ý” trên màn hình, nhận được kết quả trong Hình 2:

Hình 1: Công bố Dự thảo Thông tư 18 lấy ý kiến góp ý

Hình 2: Kết quả “Xem góp ý” là: Không có góp ý dự thảo văn bản

Vì đây là thông tin xuất hiện trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khả năng Dự thảo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18 không nhận được bất kỳ góp ý nào là hoàn toàn có thể.

Vì sao sau hai tháng công bố, Dự thảo Thông tư không nhận được góp ý nào nhưng ngay sau khi chính thức ban hành lại nhận được không ít lời chê bai, phản đối?

Chỉ có thể xảy ra một trong ba khả năng:

Thứ nhất, tất cả góp ý gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo không đúng cách nên Bộ không nhận được;

Thứ hai, bộ phận chức năng đã nhận được góp ý song “quên” tổng hợp và cập nhật;

Thứ ba, không ai muốn góp ý.

Về khả năng thứ ba, người viết cho là khó có chuyện giới trí thức, giới tinh hoa, những người tâm huyết với giáo dục đại học đều “chung ý tưởng” không muốn góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khả năng có sự trục trặc chức năng tự động thống kê trên Cổng Thông tin nên các ý kiến đóng góp không được cập nhật? Nghi vấn này chỉ có thể làm rõ nếu có sự vào cuộc của Cục Công nghệ thông tin của Bộ.

Hoặc có lẽ vấn đề nằm ở chỗ các ý kiến đóng góp được đề nghị gửi về địa chỉ tiếp nhận:

“Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội). Email: dhchi@moet.gov.vn; Số điện thoại: 0983921818”.

Với địa chỉ tiếp nhận như trên, nếu khả năng thứ ba không tồn tại thì chỉ có thể là khả năng thứ hai bởi không thể xảy ra chuyện tất cả những người góp ý đều không viết đúng địa chỉ.

Có phải do không có góp ý từ bên ngoài nên bộ phận soạn thảo tự sửa bản gốc, cụ thể trong dự thảo viết:

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”;

Bản công bố chính thức viết:

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”.

Người viết văn luôn cố tránh lặp tại từ ngữ trong cùng một câu trừ trường hợp bắt buộc, người đọc sẽ cảm nhận câu “ban hành Thông tư quy định quy chế…” hợp lý hơn, thuận tai hơn so với câu “ban hành Thông tư ban hành Quy chế…”.

Theo quy định tại khoản 2, điều 101, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì:

“Trong quá trình soạn thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; … Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ có thể lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học…”.

“Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản” (Thông tư 18) là các cơ sở giáo dục đại học (được phép đào tạo tiến sĩ), các nghiên cứu sinh và cơ quan, đơn vị quản lý nhân sự.

Ngôn từ trong luật ghi “phải lấy ý kiến đối tượng…” nên việc lấy ý kiến là bắt buộc.

Vậy bộ phận được giao nhiệm vụ soạn thảo thông tư thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục đại học?) có lấy ý kiến các đối tượng (theo luật định) hay không, nếu có thì đã lấy được bao nhiêu ý kiến?

Nếu phần lớn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đều đồng ý với dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy nên công bố số liệu mà vụ này thu thập được để dư luận cùng hiểu.

Ngược lại, nếu quả thực “Không có góp ý dự thảo văn bản” nhưng Bộ trưởng vẫn ủy quyền cho Thứ trưởng ký ban hành Thông tư 18 thì có cần xem xét sự tuân thủ pháp luật của cơ quan hành pháp?

Liệu có khả năng Thông tư được ban hành vội vã khi chưa lấy được ý kiến đóng góp nên mới có những khiếm khuyết khiến xuất hiện nhiều ý kiến phản đối?

Trong khi dư luận chưa biết chính xác việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có lấy ý kiến và có nhận được góp ý của xã hội đối với Thông tư 18 hay không thì truyền thông cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo và Phó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng”.

Vậy phản hồi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thế nào?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy khi trao đổi với báo giới đã cho rằng: Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo để đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai, minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội, người học biết và giám sát, thực hiện. [3]

Ở cương vị của mình, Vụ trưởng Thủy hình như rất tin vào sự tự giác của các cơ sở giáo dục đại học trong khi thực tế lại không như vậy.

Nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo biết rõ chất lượng đào tạo tại chức rất yếu kém nhưng không thể làm gì bởi các cơ sở giáo dục đại học xem tại chức là “nồi cơm” của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chịu thua các trường nhưng xã hội không chịu nên mới khiến không ít địa phương “tẩy chay” loại văn bằng (tại chức) này.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc phải biết bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học bị phạt, bị trừ chỉ tiêu vì không tuân thủ quy định của Bộ về chỉ tiêu tuyển sinh đại học, vậy sự tự giác của họ ở đâu?

Vụ trưởng Thủy muốn các cơ sở giáo dục đại học “công bố công khai, minh bạch” việc đào tạo tiến sĩ của mình để cơ quan quản lý – tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo biết và giám sát.

Sau khi Bộ biết và giám sát “lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam rồi thì những người vi phạm bị xử lý thế nào?

Tuy nhiên từ ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dư luận xã hội và những người tâm huyết với giáo dục mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo “nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc” để “nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ” chứ không phải giải thích nhiều nhưng không mang lại sự an tâm cho xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gs-ngo-viet-trung-khong-yeu-cau-cong-bo-quoc-te-khong-the-ngan-ra-lo-tien-si-rom-755735.html

[2] https://www.vietnamplus.vn/quy-che-dao-tao-moi-la-buoc-thut-lui-co-hoi-cho-cac-lo-tien-sy-rom/726520.vnp

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dang-bai-nghien-cuu-quoc-te-tot-hon-trong-nuoc-la-dinh-kien-can-nhin-nhan-lai-post219375.gd

Xuân Dương
'LÒ ẤP TIẾN SĨ' VÀ ÔNG 'THỢ DẠY'
NGÔ TỨ THÀNH/ GDVN 3-8-2021

Đề tài Chuẩn Tiến sĩ thời gian qua tốn không biết bao giấy mực của giới báo chí Việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Trong bài viết này, tác giả sẽ lý giải nguyên nhân căn bản của những “lùm xùm” từ “lò ấp Tiến sĩ”… đến “Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới”… để chấm dứt cuộc tranh luận không cần thiết này.

1. Từ “lò ấp Tiến sĩ” đến ông “thợ dạy”

Trong tiềm thức người Việt, học hết bậc phổ thông lên Đại học, được gọi là sinh viên “học Đại học”… và để có bằng Tiến sĩ phải “học Tiến sĩ”. Chính vì quan niệm như vậy, nên từ lúc Việt Nam bắt đầu đào tạo Tiến sĩ đến nay, khi xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ luôn xem “học” nhiều hơn “làm”.

Chương trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 10/2009 và 08/2017 gồm:

Khối lượng học tập tối thiểu 90 đến 120 tín chỉ, bao gồm: các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ. Song song các học phần tối thiểu, nghiên cứu sinh đồng thời thực hiện làm Tiểu luận tổng quan trong 12 tháng đầu tiên, 12 tháng tiếp theo làm 3 chuyên đề Tiến sĩ.

Thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ cả khóa học chỉ có 3 năm, nên thời gian thực tế “làm Tiến sĩ” để hoàn thành Luận án chỉ còn 12 tháng cuối. Thông tư 10/2009 quy định chuẩn đầu ra luận án Tiến sĩ chỉ cần 02 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, quá thấp nên đã bùng nổ “lò ấp Tiến sĩ” như báo chí đã từng phản ánh.

Để ngăn chặn “lò ấp Tiến sĩ”, ngày 4/4/2017, Bộ Giáo dục công bố thông tư 08/2017 với chuẩn đầu ra (sản phẩm) luận án Tiến sĩ phải: “công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus …”.

12 tháng “làm Tiến sĩ” phải có công bố quốc tế là điều viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực cho đến nay, số lượng tốt nghiệp của cả Việt Nam chưa được 100 tiến sĩ”. Tỷ lệ nghiên cứu sinh bảo vệ đúng hạn 10%.

Yêu cầu đầu ra Tiến sĩ tương đương chuẩn Quốc tế nhưng phải đóng mác Tiến sĩ “made in VietNam” nên hầu hết những ứng viên tìm đường ra nước ngoài làm Tiến sĩ cho “đáng đồng tiền bát gạo”, nên số nghiên cứu sinh đầu vào ở mọi cơ sở đào tạo trong nước giảm xuống gần đáy.

Một cơ sở đào tạo “vang bóng một thời” có 100 giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ (80 giảng viên cơ hữu, 20 giảng viên thỉnh giảng) sau khi áp dụng thông tư 08/2017, các năm 2018, 2019, 2020 mỗi năm chỉ tuyển được 02 nghiên cứu sinh, có năm 0 nghiên cứu sinh (xem tài liệu tham khảo [1]).

Giáo sư/phó giáo sư không hướng dẫn nghiên cứu sinh, không đào tạo Tiến sĩ, trở thành ông “thợ dạy” Đại học” (theo Luật Giáo dục Đại học, Giảng viên dạy Đại học chỉ cần Thạc sĩ). Có người mỉa mai rằng: nếu Đại học là trường phổ thông cấp 4, thì nơi Đào tạo Tiến sĩ là trường phổ thông cấp 5.

Như vậy nếu thông tư 10/2009 tạo ra các “lò ấp Tiến sĩ” thì thông tư 08/2017 biến các giáo sư/phó giáo sư thành ông “thợ dạy” ở trường phổ thông cấp 5”. Còn số người chịu làm nghiên cứu sinh trong nước theo thông tư 08/2017 thì bế tắc như không có đường ra.

Một phần quy trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017 và 10/2009. (Ảnh do tác giả cung cấp)

2. Lý giải bất cập trong chương trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017

Theo thông tư 08, trong 12 tháng đầu tiên, nghiên cứu sinh phải hoàn thành Tiểu luận tổng quan với mục tiêu: “… nêu những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề mà luận án cần tập trung NC giải quyết.”

Như vậy, Tiểu luận tổng quan là một thủ tục “hành là chính” bước đầu mà nghiên cứu sinh phải đương đầu vượt qua.

Không được làm cái mới, không được khám phá những công trình khoa học, chỉ quanh quẩn làm lại cái cũ, viết đi viết lại nội dung đã biết là một cực hình.

Vì nội dung “hành là chính” nên những góp ý của mọi người cho Tiểu luận tổng quan là vô bổ, sản phẩm chỉ là tập giấy in cất ngăn kéo lưu trữ.

Tiếp đến là thực hiện 3 chuyên đề Tiến sĩ với mục Tiêu là: “….cập nhật kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ”. “Cập nhật kiến thức mới” thực chất là quá trình “học”, không phải là quá trình “làm”.

Khác với thế kỷ 20, thế kỷ 21 là thời cách mạng công nghiệp 4.0, việc học không còn khó như trước đây, mọi kiến thức đều có trên internet, chỉ cần trang bị cho người học kiến thức căn bản và dạy người học cách tự học là người học có năng lực có thể “bơi ra biển lớn”.

Vì vậy yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành 12 tháng để viết 03 chuyên đề Tiến sĩ hơn 150 trang tương đương quyển luận án Tiến sĩ chỉ để liệt kê “kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ” là một sự lãng phí vô cùng.

Đánh giá Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ được thực hiện phức tạp như Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, nên làm xong Tiểu luận tổng quan và 3 chuyên đề Tiến sĩ, do ức chế với thủ tục “hành là chính”, nhiều nghiên cứu sinh mất hết “năng lượng”, không còn muốn tiếp tục, không còn “thăng hoa” để “làm Tiến sĩ”.

Khi đã hết “năng lượng”, mà 12 tháng còn lại nghiên cứu sinh phải hoàn thành luận án Tiến sĩ để có công bố quốc tế không còn là viễn tưởng nữa mà trở thành hoang tưởng. Đây là lý do thứ 2 nghiên cứu sinh theo thông tư 08/2017 không hoàn thành đúng thời hạn 3 năm quy định.

3. Đổi mới tư duy từ “học Tiến sĩ” sang “làm Tiến sĩ”

Thông tư 18/2021, bỏ thủ tục Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ, Bộ Giáo dục giao quyền tự chủ cho Cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo thay thế Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ bằng phương thức khác có nội dung tương đương hoặc cao hơn.

Muốn đặt chuẩn đầu ra Tiến sĩ để có công bố quốc tế, Cơ sở đào tạo phải đưa nghiên cứu sinh vào tình huống “làm” nhiều hơn “học”, phải giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết trong chương trình đào tạo.

Khi chuyển sang “làm Tiến sĩ”, ngoài học bổ sung các học phần theo quy chế, toàn bộ thời gian và công sức của nghiên cứu sinh được đầu tư cho nghiên cứu đề tài và bài báo khoa học để gửi tạp chí quốc tế không còn là áp lực.

Đầu ra 2 bài báo trên tạp chí quốc tế có phản biện chỉ là đầu ra tối thiểu, giáo viên hướng dẫn phải định hướng nghiên cứu sinh có 1 đến 2 bài trên tạp chí ISI/Scopus trước khi đưa luận án Xemina trước bộ môn.

Các công bố khoa học trên tạp chí quốc tế của nghiên cứu sinh, không chỉ là điều kiện để bảo vệ luận án mà còn giúp cơ sở đào tạo tăng hạng theo chuẩn Quốc tế, đồng thời còn là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước.

Sau khi có thông tư 18/2021, một số cơ sở đào tạo vẫn muốn duy trì Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ để có điều kiện quản lý nghiên cứu sinh, để các giảng viên trong bộ môn có điều kiện được ngồi nhiều Hội đồng đưa ra những phán xét chỉ bảo nghiên cứu sinh.

Họ lo lắng, khi bỏ Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ, giao toàn quyền cho giáo viên hướng dẫn, thì vai trò của các giảng viên khác trong bộ môn sẽ giảm xuống, các nghiên cứu sinh không còn sợ, không còn kính nể bộ môn nữa. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Vì khi đặt nghiên cứu sinh phải “làm Tiến sĩ”, phải có công bố quốc tế, giảng viên và tập thể bộ môn muốn nghiên cứu sinh phải “tâm phục khẩu phục”, không còn cách nào khác là phải “nâng cấp” mình lên để đủ tầm phản biện lại các bài báo khoa học đã được các tạp chí quốc tế xuất bản.

Kết luận

Điều gì sẽ xảy ra, nếu vẫn theo thông tư 08/2017, “học” quá nhiều nhưng lại yêu cầu đầu ra theo chuẩn Quốc tế, “để tiến sĩ mới Việt Nam không là nỗi hổ thẹn với thế giới” như của một Giáo sư Toán nổi tiếng đã từng tuyên bố?

Câu trả lời là, nếu còn duy trì thông tư 08/2017, các cơ sở đào tạo sẽ không còn nguồn tuyển nghiên cứu sinh, các giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ trước đây làm thợ trong “lò ấp Tiến sĩ” nay chuyển thành ông “thợ dạy” Đại học.

Các giáo sư/phó giáo sư có năng lực không muốn là ông “thợ dạy” sẽ tìm cách “tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”, liên kết các Viện nghiên cứu nước ngoài để tham gia đồng hướng dẫn chính các nghiên cứu sinh người Việt đã sang “tỵ nạn” giáo dục.

Để kết thúc bài viết này, xin trích lại tuyên bố của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và “xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ”. Chuyển từ “học Tiến sĩ” sang “làm Tiến sĩ” là việc làm hưởng ứng tuyên bố trên của Bộ trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://set.hust.edu.vn/cac-con-so

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phó giáo sư Ngô Tứ Thành
BỘ GIÁO DỤC GIẢI TRÌNH QUY CHẾ MỚI VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

THÙY LINH/ GDVN 3-8-2021

Ngày 30/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm Thông tư 18/20211/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021.

Nhiều nhà khoa học đánh giá cao cách tiếp cận đổi mới và những quy định tiến bộ trong Quy chế 18

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hầu hết lãnh đạo các cơ sở đào tạo và các nhà khoa học đều thống nhất, đánh giá cao cách tiếp cận đổi mới và những quy định tiến bộ trong Quy chế 18.

Cụ thể, Quy chế 18 thể hiện xuyên suốt tinh thần tự chủ đại học, trao quyền và trách nhiệm cho các cơ đào tạo và các nhà khoa học trong đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng, theo đúng chủ trương của Đảng quy định của Luật số 34/2018 đồng thời phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới. Quy chế quy định những nguyên tắc chung, những tối thiểu và trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức và quản lý tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ. Mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xây dựng quy chế riêng với những quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình để phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và đặc điểm của mình.

Quy chế 18 tiếp cận chất lượng đào tạo tiến sĩ theo tư duy hệ thống, coi quá trình đào tạo là một hệ thống mà chất lượng phụ thuộc từ yêu cầu đầu vào, các điều kiện bảo đảm chất lượng, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo cho tới đánh giá chuẩn đầu ra, đánh giá và kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn tuyển dụng và sử dụng người tốt nghiệp. Vì vậy, trong khi Quy chế 18 tập trung vào các quy định liên quan tới tuyển sinh, tổ chức và quản lý quá trình đào tạo; Thông tư số 17/2021/ TT-BGDĐT được ban hành trước đó đã quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư 17/2021/ TT-BGDĐT là căn cứ để các hội đồng khối ngành xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong đó có chuẩn đầu ra phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo.

Quy chế 18 quy định quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, thông qua các biện pháp quản lý chất lượng nội bộ và bảo đảm liêm chính học thuật; thực hiện chế độ báo cáo, cập nhật dữ liệu và công khai minh bạch trong tất cả các quy trình từ tuyển sinh tới tổ chức đào tạo và cấp bằng. Đây là những yêu cầu quan trọng để tăng cường giám sát từ người học, cộng đồng khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Quy chế 18 thể hiện nhất quán quan điểm đào tạo tiến sĩ gắn chặt với nghiên cứu khoa học, yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành thời gian học tập, nghiên cứu và tham gia sinh hoạt chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi trong tổ chức và quản lý đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Quy chế 08, một số quy định cũng được điều chỉnh cho hợp lý và phù hợp hơn với thực tiễn.

Còn có những ý kiến khác nhau về việc Quy chế 18

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, một số nhà khoa học, chuyên gia quản lý còn có những ý kiến khác nhau về việc Quy chế 18 không quy định công bố quốc tế là tiêu chuẩn bắt buộc đối với người hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh, cụ thể như sau:

Một số nhà khoa học (chủ yếu trong lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên) phê phán việc Quy chế 18 không yêu cầu bắt buộc công bố quốc tế là hạ thấp tiêu chuẩn, không tiếp cận với các chuẩn mực thế giới, không thúc đẩy hội nhập quốc tế và dễ tạo kẽ hở cho đào tạo tiến sĩ tràn lan trên cơ sở lập luận:

Công bố quốc tế là chuẩn mực chung, nhiều trường đại học trên thế giới (có dẫn chứng 2 trường đại học Đông Nam Á) có yêu cầu bắt buộc này;

Số lượng công bố quốc tế trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science/Scopus (WoS/Scopus) của Việt Nam tăng mạnh từ khi có Quy chế 08 (từ năm 2017);

Chất lượng các tạp chí trong nước thấp, việc đánh giá, bình duyệt không nghiêm túc, dễ dãi; chỉ bài báo tạp chí nước ngoài mới đảm bảo khách quan, mới là tiêu chí chất lượng duy nhất.

Ảnh minh họa: nguồn Vietnamnet

Trong khi đó, cũng một số nhà khoa học (có cả trong cả lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên) và nhà quản lý khác phản biện lại ý kiến trên và ủng hộ cách tiếp cận, quan điểm mới của Quy chế 18. Các lập luận được đưa ra là:

Mặc dù công bố quốc tế là yêu cầu thông dụng đối với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh, nhưng gần như chưa có quốc gia nào có một văn bản quy phạm pháp luật do cấp tương đương Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định cứng về tiêu chuẩn công bố quốc tế trong đào tạo tiến sĩ; cũng như không có một hiệp hội các nhà khoa học nào trên thế giới đưa ra tiêu chuẩn này.

Hầu hết các trường đại học có uy tín trên thế giới cũng không quy định tiêu chuẩn cứng, mà để các khoa chuyên môn quyết định. Ngay trong ví dụ về Trường Đại học Malaya (được dẫn chứng trong những ý kiến phê phán) cũng đã thay đổi quy định từ năm học 2016-2017 và chấp nhận các tạp chí trong nước đối với lĩnh vực khoa học xã hội.

Yêu cầu công bố quốc tế và khả năng công bố quốc tế phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực, ngành đào tạo khác nhau, nếu áp dụng chung cho tất cả các ngành đào tạo sẽ rất khó khả thi ở một số lĩnh vực. Do vậy, việc quy định những tiêu chuẩn này vào chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo (theo quy định của Thông tư số 17/2001/TT-BGDĐT) là phù hợp hơn.

Hiện nay chưa có căn cứ khoa học lẫn thực tiễn về quan hệ trực tiếp giữa tác động của Quy chế 08 với tốc độ tăng mạnh số lượng công bố quốc tế của cả nước. Từ 2017 mới có 4 khóa tuyển sinh theo Quy chế 08, số lượng tốt nghiệp chưa được 100 tiến sĩ, đóng góp một tỉ lệ không đáng kể so với tổng số trên 20 ngàn bài báo khoa học của các tác giả Việt Nam đăng tải trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus.

Thực tế, tốc độ tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có được là nhờ những chính sách đầu tư, khuyến khích của nhà nước và của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn đó là sự đóng góp của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giảng viên đại học.

- Không thể phủ nhận và cho rằng tất cả tạp chí trong nước đều không có chất lượng, bởi rất nhiều tạp chí có giá trị đã đạt được nhiều thành công trong thời gian vừa qua; và cũng không thể vì những lỏng lẻo trong quá trình đánh giá, bình duyệt mà hạ thấp vai trò của các nhà khoa học trong nước. Nếu không tin tưởng vào các nhà khoa học trong nước thì ngay cả việc đặt ra tiêu chuẩn cao về công bố quốc tế cũng không đảm bảo được kỷ cương, chất lượng đào tạo khi mà hiện tượng thuê bài, mua bài báo quốc tế đã có trong thực tế.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của cơ sở đào tạo, sẽ không có cơ sở đào tạo nào muốn đánh đổi chất lượng, thương hiệu và uy tín vì những lợi ích khác. Chất lượng luận án tiến sĩ cũng phản ánh rõ nhất uy tín khoa học của người hướng dẫn và các thành viên hội đồng đánh giá; những nhà khoa học chân chính và tự trọng không bao giờ muốn đánh đổi uy tín của mình bằng việc thỏa hiệp với sự xuề xòa, nể nang trong đào tạo tiến sĩ.

Trên cơ sở nghiên cứu những ý kiến trao đổi rộng rãi theo các cách nhìn nhận khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy rằng Quy chế 18 được ban hành đã tiếp cận theo hướng đưa ra những quy định tối thiểu cho tất cả lĩnh vực và ngành đào tạo, kèm theo đó yêu cầu các cơ sở đào tạo phải tuân thủ chuẩn chương trình đào tạo của từng lĩnh vực và ngành đào tạo.

Trên quan điểm nhìn nhận chương trình đào tạo như một hệ thống, chuẩn chương trình đào tạo sẽ quy định các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình, các điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ giảng viên/người hướng dẫn, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu...) cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo. Công bố khoa học sẽ là một trong những yêu cầu đối với giảng viên giảng dạy, hướng dẫn và đối với nghiên cứu sinh, các hội đồng khối ngành sẽ phải thảo luận, thống nhất về số lượng, chất lượng và hình thức để phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thống nhất quan điểm việc đào tạo tiến sĩ không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu trong tương lai, mà còn gắn với mục tiêu quan trọng khác là thúc đẩy phát triển nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu.

Trong khi quy mô đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay rất thấp so với khu vực và thế giới, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích mạnh hơn, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, trong đó có chính sách học bổng đối với đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Khi đó, các cơ sở đào tạo sẽ có điều kiện để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, đồng thời gia tăng thành tích nghiên cứu khoa học bao gồm cả những công bố khoa học có giá trị cả ở trong và ngoài nước.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để kiểm soát chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiến sĩ nói riêng cần có những giải pháp tổng thể, mang tính hệ thống, trong đó việc ban hành và triển khai quy chế tuyển sinh, đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo là một giải pháp. Trong phạm vi của Quy chế 18, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những quy định về trách nhiệm của cơ sở đào tạo, đơn vị chuyên môn và người hướng dẫn trong việc quản lý quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; về công khai minh bạch các thông tin trong toàn bộ quá trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng.

Nếu cơ sở đào tạo, các tổ chức và cá nhân liên quan thực thi nghiêm túc những quy định này sẽ không có việc buông lỏng chất lượng, không có cơ hội cho những người theo học chỉ vì bằng cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế 18 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác, thông qua ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và huy động sự tham gia giám sát, phản biện từ cộng đồng xã hội, nhất là cộng đồng các nhà khoa học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, đa chiều và trách nhiệm của các nhà khoa học và các nhà quản lý. Sự trao đổi, tranh biện trên một số diễn đàn vừa qua chắc chắn sẽ tác động tới nhận thức và hành động của cả giới khoa học và quản lý giáo dục đại học.

Trên tinh thần nghiêm túc, khách quan và cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp và phân tích những ý kiến đa chiều, đồng thời đã có trao đổi trực tiếp với một số nhà khoa học và nhà quản lý, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu tiếp thu theo một hình thức phù hợp, nhất là những giải pháp, sáng kiến hay để triển khai một cách hiệu quả Quy chế 18. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh kế hoạch tổ chức xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực, trước hết ở trình độ tiến sĩ.

Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét